Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của Kovács Anna Brigitta

MICHIKO




     N guyễn chọn một băng ghế trống dưới những tàng cây râm bóng nơi sân trường đại học Berkely để ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp nổi tiếng. Phải hơn một giờ nữa, Nguyễn mới có giờ vào giảng đường để nghe giáo sư thuyết giảng.

Chàng đọc say sưa từng dòng chữ mà nhà văn đã viết. Một lối diễn tả ngôn ngữ mới mẻ và tuyệt vời. Chàng nghĩ đây không phải dòng văn cổ điển như Marcel Proust trong cuốn “ À la recherche du temps perdu” mà chàng phải đọc thêm trong những năm đầu khi ghi tên vào ban văn chương Pháp của trường này, cũng không phải dòng văn của nhà văn Chateaubriand, hay dòng văn Hiện sinh của Jean-Paul Sartre, hay Simone De Beauvoir.... mà là...

Nguyễn đang suy nghĩ để tìm một danh từ chính xác để xếp loại.., bỗng nghe tiếng động nhẹ bên cạnh. Chàng ngừng chú ý những dòng chữ trong sách, trong nguồn suy nghĩ trong đầu, ngẩn đầu nhìn lên..

“ Oh! Michiko...”. Nguyễn kêu lên. Rồi nói tiếp:

“ Ohayô!. Gokigen ikagadesu ka?” “Bonjour.”

Michiko nở một cười rồi đáp.

“Bonjour, comment allez-vous?”

“Arigatô, Yoto....Bạn đến lúc nào mà tôi mãi đọc sách nên không biết.”

“Ichi fun” “Une minute seulement…”

“Anh đang đọc cuốn gì mà có vẻ... quên đời... vậy?”

“Bonjour Tristesse của Francoise Sagan.”

”Nhận xét thế nào, hay hoặc dở?”

“Chưa đọc xong, nhưng rất... lạ và hấp dẫn!”

Nguyễn nói xong, nhìn Michiko thấy nàng còn muốn biết thêm nhận xét của chàng về cuốn truyện nên chàng nói tiếp:

“Michiko…anh chưa muốn đưa nhận xét sau đây vì nghĩ còn quá sớm khi anh chưa đọc xong cuốn truyện BONJOUR TRISTESSE dày 153 trang do nhà xuất bản JULLIARD PARIS ấn hành, nhưng nghĩ em muốn biết nên anh phải tóm gọn ý kiến sơ khởi…”

Nghe vậy, Michiko vui ngay và nói:

“Nguyễn cứ tiếp tục …Michiko sẵn sàng đón nhận…”

“Ce roman, en abordant explicitement la sexualité féminine avec un style désinvolte et mordant, provoque un veritable scandale.”

**

Michiko là bạn cùng lớp của Nguyễn. Trong lớp cao học văn chương Pháp này, ngoài chàng, Michiko là người gốc Á châu, còn lại là sinh viên Mỹ và gốc châu Âu. Nên không hẹn, mà trong những năm cùng học, Michiko thường thích gặp Nguyễn để cùng thảo luận bài vở. Nàng thích tìm hiểu thêm văn chương, văn hóa Việt Nam nên đề nghị Nguyễn dạy nàng Việt ngữ bù lại Michiko dạy chàng những câu nói xã giao thông thường trong ngôn ngữ Nhật Bản. Nguyễn đã đồng ý với nàng.

Michiko có mái tóc đen nâu óng ánh xõa chấm vai mà Nguyễn rất thích nhìn mỗi khi gặp nàng. Chàng không thích mầu tóc đen tuyền cũng như mầu tóc vàng hoe của một số bạn cùng lớp. Michiko phát âm tiếng Pháp rất chuẩn và viết Pháp ngữ bay bướm nhờ trước khi lên đại học, nàng đã được một “ ma soeur người Pháp” dạy thêm. Khi nàng gặp Nguyễn nàng đã đề nghị nên dùng tiếng Pháp để thảo luận bài vở và trò chuyện với nàng. Như vậy vừa trau dồi ngôn ngữ và vừa.....theo ý riêng của nàng...là “ romantique hơn!” Thỉnh thoảng nàng cũng chen vào vài câu tiếng Nhật thông thường để Nguyễn luôn nhớ nàng là một thiếu nữ gốc Phù Tang.

* *

Trong một buổi dạo chơi phố xá tại Redwood City, vào dịp cuối thu vừa qua, nhìn những đống lớn lá đỏ, lá vàng hình tròn tròn như những vỏ điệp, vỏ sò, rụng đầy lối đi trước sân một công thự đồ sộ.

Đó là Tòa án mà nếu du khách mới đến nơi này lần đầu, không đọc những dòng chữ khắc ở mặt tiền sảnh sẽ lầm ngay đây là Tòa Thị Chính của thành phố này.

Ngôi nhà cao lớn có nóc tròn nhô lên theo mẫu điện Capitol, hay mẫu một số các dinh Thống Đốc hoặc tòa đô chính tại Mỹ như Sacramento, San Francisco.

Michiko tâm tình với Nguyễn một phần về gia đình nàng.

“ Em có một người cô trước kia là sinh viên ở Tokyo kết hôn với một bạn học là kỹ sư người Việt du học bên Nhật. Hiện nay gia đình này đang sống rất hạnh phúc tại Pháp với hai người con. Họ thường liên lạc thư từ với em và gửi quà tặng người cháu gái ở Mỹ bằng những cuốn tiểu thuyết mới xuất bản tại Pháp hoặc những cuốn sách tham khảo mà em yêu cầu.” Michiko sinh ra tại Mỹ. Gia đình nàng nhập cư tại đất nước này tính đến nàng mới ba thế hệ. Nàng được ông nội kể lại về những thế hệ người Nhật Bản di dân sang California trước gia đình nàng.

“Thế hệ đầu tiên còn gọi là “thế hệ tiên phong” nhập cư từ thập niên 1890 dến 1920.

Trong thập niên 1890, những “Nikkei” (Nhật kiều) mới di cư sang chưa biết nhiều tiếng Anh, họ sinh ống bằng cách đi làm thuê các công việc trồng trọt, hái nho và trồng cây cảnh, hoa... tại thung lũng Santa Clara theo kinh nghiệm của những Hoa kiều đến từ nhiều năm trước.

Sang những năm đầu của thế kỷ thứ hai mươi, những người đàn ông Nhật Kiều (chưa có đàn bà cùng di dân) lần lần lập nên một khu phố Nhật nho nhỏ nằm gần khu phố Tàu ở San José. Trong khu phố nhỏ này có hàng quán, phòng tắm hơi lối Nhật, phòng giải trí nhỏ nằm dọc theo một đoạn đường ngắn nối Fifth street và Jackson Street. Nơi đó là “Nihonmachi” tiên khởi, một di tích chính của Japantown ngày nay.

Khi những người phụ nữ Nhật bắt đầu di cư sang California vào những năm đầu thập niên 1900, dân số “Nikkei” (Nhật kiều) tăng dần, đó là thế hệ thứ hai “Nisei”. Những nông dân thuộc thế hệ thứ nhất “Issei” và thứ hai “Nisei” đã đóng góp công sức rất đáng kể cho việc sản xuất nông phẩm cho nền nông nghiệp tại địa phương. Thời kỳ này khu vực thuộc hạt Santa Clara chỉ là đồi núi ruộng vườn trồng cây.

Những năm đầu khi mới thành hình cộng đồng, Nikkei chỉ sinh hoạt cá thể là chính, dần dần mở mang những hoạt động rộng rãi hơn. Những quán ăn Nhật Bản, những tiệm bách hóa bán lẻ, một vài xưởng sản xuất nước ngọt, mở hãng sản xuất rượu Saké ( rượu chế tạo bằng gạo, nếp, đặc chế của người Nhật).

Những sinh hoạt tôn giáo như Phật giáo, Cơ đốc giáo cũng như các hoạt dộng văn hóa, nghệ thuật, thể thao, những đám cưới theo lối cổ truyền, những tiệc cưới, sinh nhật, những đám tang, những lễ hội... thường xuyên tổ chức tại các đền chùa, nhà thờ, hoặc nhà hội của cộng đồng “Community Hall”, là những sinh hoạt chính của Nikkei tại Nihonmachi, Japantown. Những buổi đấu võ Sumô và Dã cầu cũng thường tổ chức ở sân vận động cũng là những sinh hoạt chính của Nikkei đã thu hút nhiều khán giả địa phương hạt Santa Clara và các vùng phụ cận.

Nihonmachi lớn dần khi những người dân khác như Phi luật tân, Mễ Tây Cơ, Đại Hàn, Ấn độ, Ý đại lợi là sắc dân thiểu số đến làm ăn sinh sống ở Nihonmachi.

Năm 1924 Quốc hội thông qua “Exclusion Act” công nhận cộng đồng Nhật kiều thêm vào trong danh sách những người Á châu, Thái Bình Dương được phép di dân vào Hoa Kỳ. Nên số người Nhật cũng dần dần tăng thêm.

Công việc làm ăn đang tiến triển rất tốt đẹp vì bản tính người Nhật thích làm việc nhiều và chăm chỉ công việc. Bỗng trận Đại Chiến Thế giới lần thứ II bùng nổ, Nhật và Mỹ thành kẻ thù.

Biến cố quân Nhật thình lình tấn công Trân Châu Cảng “Pearl Harbor “ ngày 7 tháng 12 năm 1941 làm cho phong trào chống Nhật Bản nổi lên. Nhật kiều ở Mỹ bị vạ lây.

Ngày 12 tháng Hai năm 1942, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt ký một “Executive Order 9066” bắt buộc 110,000 Nhật kiều sống dọc bờ tây nước Mỹ, dù là người đã trở thành công dân Mỹ, hoặc chưa là công dân, người cao niên, trẻ nhỏ, bất luận nam, nữ phải rời nơi đang ở, vào 10 trại tập trung “ concentration camps” ở trong những vùng “cô lập”. Ông nội của Michiko nằm trong số những Nikkei này.

Làn sóng chống Nhật tiếp tục lan rộng trong thời kỳ chiến tranh. Trong lúc các Nhật kiều tại vùng thung lũng Santa Clara đa số bị tập trung tại trại Heart Mountain ở Wyoming, những nhóm khác đưa đi làm công nhân ở các nông trại đang cần nhân công.

Chính quyền địa phương tại San José, Morgan Hill và Santa Clara county thông qua những nghị quyết “ resolutions tháng 5 năm 1943” chống lại việc cho những Nikkei trở lại Thung Lũng.

Hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật Bản, Nhật Hoàng đầu hàng. Nhờ vậy chiến tranh chấm dứt mau lẹ. Các Nikkei bị tập trung được trở về nơi ở cũ.

Năm 1947 phần lớn Nikkei đã về lại thung lũng Santa Clara và dọc theo bờ biển miền tây nước Mỹ. Đa số bị mất đất đai, tài sản trong thời gian họ vắng mặt và họ phải bắt đầu ... như những người Nhật kiều thế hệ tiền phong của thế kỷ trước.

San José’s Nihonmachi, phố Nhật Bản tại San José một lần nữa trở thành trung tâm sinh hoạt của kiều dân Nhật. Nơi này, ngoài nhiều cửa hàng buôn bán, còn là một trung tâm văn hóa Nhật bản của vùng thung lũng. Những buổi lễ hội tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trở lại phong phú và đồ sộ hơn trước kia và với một một tổ chức cộng đồng tân tiến hơn của nhiều sinh hoạt được các thế hệ nối tiếp Nisei và Sansei (thế hệ thứ ba) theo đường hướng truyền thống của tổ tiên Issei.

Đến thập niên 1980, Quốc hội Hoa Kỳ và chính quyền địa phương của thành phố San José và Santa Clara County đã phổ biến những sự hối tiếc việc làm sai trái của họ đối với Nhật kiều trong thời gian chiến tranh thế giới thứ II. Những nỗ lực và thiện chí đã công nhận và một cuộc sống mới đã bừng dậy cho khu phố sạch sẽ, đẹp đẽ mang tên Nihonmachi đa dạng ngày nay. Những tiệm ăn Nhật Bản, Đại Hàn..., những tiệm Kim Hoàn, Bán vé Du lịch, Khách sạn sang trọng ... nằm hai bên những đường phố tĩnh lặng đầy không khí “Thiền!”

**

Một thời gian sau, khi Michiko và Nguyễn đã tốt nghiệp cao học, vì công việc đi làm hàng ngày để sinh sống, hai người bạn ít có dịp gặp nhau. Họ thỉnh thoảng liên lạc bằng điện thoại để thăm hỏi. Hoặc những dịp nghỉ lễ nhiều ngày, họ đưa nhau đến bờ vịnh Berkely ngồi nhìn qua bên kia bờ là thành phố San Francisco để nhớ lại những ngày còn là sinh viên với nhiều kỷ niệm vui buồn như khi đi dạo trên một đoạn cầu nhô ra trên biển chuyện trò hoặc xem phi cơ biểu diễn trên không phận San Francisco ngày “Blue Angels Air show “ của Không Quân U.S Navy tổ chức hàng năm hoặc ngồi trong công viên bên cạnh bờ vịnh thảo luận bài vở.

Một buổi sáng trong dịp nghỉ lễ cuối năm dương lịch, Michiko gọi điện thoại cho Nguyễn:

“ Hello Nguyễn, em muốn gặp Nguyễn ... đúng hai ngày nữa được không?”.

“Được, mà chuyện gì vậy, Michiko, anh hồi hộp quá khi nghe lời nói này của em?”

“Không có gì quan trọng, em chỉ muốn nhờ anh đưa em lên phi trường San Francisco để về Nhật Bản ăn Tết.”

Hai ngày sau, đúng hẹn Nguyễn lái xe đến đón Michiko tại nhà nàng.

Ngồi trên xe, Michiko cho biết:

“Em muốn về thăm nước Nhật là quê hương của em trong dịp đầu năm dương lịch. Từ xưa Nhật bản đón Tết theo âm lịch vào ngày mồng Một tháng Giêng như những dân tộc sống ởû Triều Tiên, Trung Hoa, Việt Nam...nhưng hình như (em không nhớ rõ) từ năm 1874, Nhật Hoàng đổi lại ngày Tết Nhật Bản tính theo dương lịch ngày 1 Janvier như người Tây phương.”

“Từ trước đến nay em về thăm quê hương bao nhiêu lần rồi?” Nguyễn hỏi.

“Đây là lần đầu. Tự nhiên em nghĩ mình là người Nhật mà biết quá ít về dân tộc, văn hóa, văn minh tại quê nhà. Như kẻ bị lưu đày hay mất gốc vậy. Vì thế em quyết định về Nhật tham dự lễ hội Tết năm nay và ghi danh theo học tại một trường đại học về văn chương, ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản trong một vài năm.

“Michiko, em đi chắc có kẻ buồn!”

“Em biết. Nhưng em yên trí”.

Tiếng loa phóng thanh mời hành khách đi Nhật-Bản chuẩn bị …vào phòng làm thủ tục sau cùng để lên phi cơ.

Nguyễn cảm thấy buồn vì sắp cô đơn.

Bỗng Michiko nhanh như chớp vít đầu Nguyễn xuống gắn một nụ hôn dài trên môi chàng.

Bây giờ Nguyễn mới hiểu rõ câu nói “Em biết. Nhưng em yên trí”của Michiko đã nói vừa rồi.

Các thiếu nữ Á Đông giống nhau một điểm e lệ và cảm thấy ngượng ngùng khi phải thốt ra từ miệng mình ba tiếng “Em Yêu Anh!” đầu đời.

Michiko đưa tay cho Nguyễn bắt, nàng cảm động nói nhanh:

“Sayonara! Mata aimasho”(Chào tạm biệt. Hẹn gặp lại)

Nguyễn đưa tay lên môi làm một động tác “hôn gió” khi Michiko sắp bước đi và nói:

“Je t'aime beaucoup, Michiko. Bon voyage! ”

Trời cuối năm ở San Francisco rất lạnh, nhưng Michiko và Nguyễn đều cảm thấy ấm lòng.




VVM.24.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .