Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐƯỜNG ĐỜI VẠN NẺO



T hảo Nguyên nắm chặt mép bàn cố nén sự hồi hộp nhưng trên gương mặt cô không giấu được nỗi căng thẳng, âu lo - cô nhìn ông hiệu trưởng:  

    -Dạ! Thầy mời em ạ?      

   Ông Hạo - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, ngôi trường Thảo Nguyên đang dạy. Tiếng ông Hạo rõ và khô:      

   -Tôi mời cô để thông báo cùng cô một việc - ông dừng lại, liếc nhìn cô giây lâu - cô buộc phải thôi việc. Giọng ông đều đều, theo chính sách chung cô là một trong những giáo viên nằm trong diện không được tiếp tục giảng dạy nữa, trong đợt “tái xét” lý lịch kỳ nầy. Tôi mời cô đến để thông báo, ngày mai cô không cần phải đến lớp nữa.      

   Một cảm giác gây lạnh tràn ngập cơ thể,Thảo Nguyên giật mình - điều cô lo lắng bấy lâu nay giờ đã rõ. Cô hoang mang, ngơ ngác, như người đang bị trôi trên dòng nước chảy xiết, không biết phải vin vào đâu, cầu cứu ở ai để được tiếp tục dạy; bởi đây là nghề mà cô hằng mơ ước, và cô đã cố gắng biết bao mới được như ngày hôm nay.  

   Thảo Nguyên run run:       

  -Dạ! Theo em được biết là ai làm người ấy chịu mà Thầy, đây là ước mơ của em và em đã đạt nhiều thành tích giáo viên dạy giỏi, chưa từng bị kỷ luật lần nào. Xin Thầy xem xét lại có được không ạ?      

   Không để Thảo Nguyên đợi lâu, giọng ông Hạo rắn rỏi:      

   -Đây là chủ trương chung của nhà nước, cô nên chấp hành và không có trường hợp ngoại lệ.       

  Ông Hạo mới về làm hiệu trưởng đầu năm học này. Ông nói tiếng nửa Bắc nửa Nam hơi khó nghe. Ông nghiêm nghị, quyết đoán. Hiếm thấy ông cười, lời ông nói ra không ai dám cãi, lúc nào trông vẻ mặt ông cũng khắc khổ, đăm chiêu, khiến lũ học trò gặp ông cứ lem lép.  

   Thảo Nguyên nghe phong phanh tin “tái xét lý lịch” này từ lâu, cứ nơm nớp lo, nhưng cô tự an ủi mình: “Cách mạng hay lắm, ai làm người ấy chịu, không ảnh hưởng gì!” - nên cô vẫn nuôi hy vọng cho mãi đến hôm nay. Hôm nay, chính tai Thảo Nguyên nghe ông hiệu trưởng thông báo, khiến cô choáng váng. Thảo Nguyên chống hai tay lên mặt bàn, đứng dậy, đầu óc trống rỗng, lảo đảo bước ra phía cửa. Cô cảm thấy hụt hẫng, mọi thứ chung quanh cô như lạnh lùng với cô và cô có cảm giác mình như một kẻ đứng bên lề đời sống, là đồ vật bị vứt đi.       

  Thảo Nguyên nhớ lại niềm vui tràn ngập trong ngày đầu tiên về trường công tác. Cô như con chim soải cánh giữa bầu trời rộng lớn, cô cố gắng để giảng dạy, hết lòng vì học sinh thân yêu, không bao giờ lơ là chểnh mảng. Thảo Nguyên luôn được nhà trường đánh giá cao, luôn là giáo viên tiên tiến, xuất sắc, vậy mà giờ đây cô bị thôi việc vì lý do không phải lỗi của cô. Thảo Nguyên đau đớn bước về phía cổng trường từng bước chậm rãi. Đến cổng trường, cô quay người lại nhìn khoảng sân trường một lúc, như để ghi nhớ hình ảnh ngôi trường thân yêu lần cuối. Nơi đây đã ghi dấu bao kỷ niệm thân thương mà suốt cuộc đời này sẽ không bao giờ cô quên. Nơi đây đã cho cô bao niềm vui, hạnh phúc với tiếng cười trong trẻo cùng đám học trò thơ trẻ.       

   Mọi thứ trước mắt cô như sụp đổ, cô hoang mang không biết mình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới. Như mọi lần gặp bất trắc trong cuộc sống, Thảo Nguyên đã luôn tự mình an ủi mình sau phút giây chìm đắm trong thất vọng, với những ý nghĩ mạnh mẽ hơn rằng, mọi việc rồi cũng sẽ đi qua. Cô cảm thấy an tâm hơn khi nghĩ đến Thạo - người chồng sắp cưới, đã yêu thương cô hết lòng.    

♣ ♣      

   Bà Thanh - mẹ Thạo, náo nức, tất bật chuẩn bị đón mừng ông Tùng - Ba Thạo trở về nhà. Hơn hai mươi năm qua bà Thanh một mình nuôi dạy anh em Thạo nên người, xa vắng tình thương của người cha nên bà “đóng vai” cả cha lẫn mẹ. Vất vả lắm mới nuôi anh em Thạo được như ngày hôm nay. Thạo dạy cùng trường với Thảo Nguyên, Hằng em Thạo là y tá điều dưỡng ở bệnh viện huyện. Bà rất yêu quí con dâu, hài lòng vì con dâu bà hiền ngoan có tiếng trong làng. Bà luôn cầu nguyện hằng đêm, một ngày nào đó vợ chồng bà sẽ được đoàn tụ. Hôm nay, lời cầu nguyện ấy đã thành sự thật, ông Tùng đã được thuyên chuyển trở về quê công tác.      

   Ông Tùng bước vào nhà, ngôi nhà ngày xưa ông sống cùng cha mẹ được bà Thanh sửa lại khang trang hơn. Ông hài lòng mỉm cười khen thầm vợ ông thật giỏi giang, một mình nuôi dạy các con ông nên người lại sửa sang nhà cửa đẹp đẽ như thế. Vợ ông vẫn ở vậy nuôi con, chờ chồng không như những người phụ nữ đã quên tình, bỏ con đi lấy chồng khác. Ông Tùng xúc động, nghĩ sẽ bù đắp lại phần nào sự cơ cực bấy lâu cho vợ và các con.      

   Bà Thanh bàng hoàng nhìn sững khi thấy ông Tùng bước vào cửa. Người chồng thân yêu đã xa cách hai mươi mốt năm nay trở về mạnh giỏi. Bà Thanh bước lại gần, mấp máy đôi môi mà không thốt lên lời. Ông Tùng cười, ôm chầm lấy hai vai bà, vỗ vỗ vào lưng:     

    -Tôi đây mà, tôi xin lỗi đã xa mẹ con bà hơn hai mươi năm. Xin bà hiểu cho. Từ nay tôi sẽ yêu thương bà và các con để bù đắp lại phần nào những ngày khổ sở ấy, bà nhé!       

  Bà Thanh nước mặt ràn rụa, cười như khóc:     

    -Ông còn sống sót trở về là tốt rồi. tôi hạnh phúc rồi.       

  Anh em Thạo vui mừng đón người cha trở về, cả nhà quây quần thăm hỏi trong không khí ấm cúng, vui vẻ. Ông Tùng thăm hỏi về công việc làm của các con, của những người thân, bạn bè hàng xóm. Khi nghe bà Thanh báo sắp đến ngày tổ chức cưới cho con trai. Ông Tùng đăm chiêu khi biết ba của Thảo Nguyên hiện đang tập trung học tập và cô đã bị thôi việc. Không khí trở nên căng thẳng, ông Tùng nhìn con trai, tiếng ông khô, rõ:      

   -Không được! Vẻ mặt ông trở nên lạnh cứng - Không thể có cái đám cưới này con ạ. Cha nó đang học tập, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con lâu dài. Ba sẽ giới thiệu cho con cô gái khác để con có một tương lai tươi sáng, vững vàng - dừng một lát, liếc nhìn vẻ nhợt nhạt chợt hiện trên gương mặt Thạo - con yên tâm về chuyện “vợ con” khi đã có ba về nhé!      

   Thạo bàng hoàng không biết trả lời thế nào, anh im lặng một lát rồi thở dài:      

   -Nhưng chúng con yêu nhau năm năm rồi, đã bỏ lễ hỏi, sắp đến ngày cưới mà Ba.      

   Nét mặt ông Tùng khô cứng, không lộ một cảm xúc gì:      

   -Cưới rồi cũng bỏ. Đó là mệnh lệnh, Ba đã hy sinh cả đời vì tổ quốc, vì vợ, vì con, gia đình. Con phải nghe lời Ba để sự hy sinh của Ba có ý nghĩa chứ?     

    Bà Thanh ứa nước mắt:      

   -Thảo Nguyên rất hiền lành, là cô gái nết na khó tìm. Ông tính toán quá như thế chưa chắc gì tốt đẹp hơn đâu.      

   -Không thiếu gì những cô gái như thế, vì tương lai của thằng Thạo, mình phải nghe lời tôi. Lấy nó sẽ bị liên lụy, không thể nào có một tương lai tốt đẹp được. Tôi nói rồi, chia tay đi. Tôi muốn tốt cho con không phải tính toán gì đâu - quay qua Thạo ông nói rõ, con nghe chưa? Không để Ba nói thêm nữa nhé!      

   Thạo ú ớ khổ sở nhưng không dám cãi lời Ba. Anh yêu Thảo Nguyên hết lòng, nguyện suốt đời sẽ ở bên cô ấy. Vậy mà sao thế này? Những lời nói của ông Tùng lay động lòng anh chăng? Những lời thề nguyền của hai đữa thì sao? Anh sẽ rất đau khổ và rất nhớ cô ấy, nhưng lời của Ba anh lạnh lùng, rõ ràng thế kia anh không dám trái lời. Bao năm nay dù Ba anh không bên cạnh nhưng anh luôn yêu kính vì những gì Mẹ kể về Ba, nhưng lẽ nào lại nghe lời Ba phụ rẫy Thảo Nguyên? Không thể! Trong Thạo bao nhiêu là mâu thuẫn, khổ sở. Anh không thể sống nếu thiếu Thảo Nguyên được. Thạo nghĩ, có lẽ suốt đời này anh không thể nào quên cô, không ai có thể thay thế để anh có cảm nhận yêu thương trong sáng, chân tình như với Thảo Nguyên. Trái tim anh như rung chuyển, quằn quại, môi anh khô khốc chua xót. Hơi thở anh bỗng dồn dập khi nhìn thấy Thảo Nguyên lửng thửng từ sân bước vào. Anh đã mời cô đến chia vui cùng gia đình ngày đón mừng Ba anh trở về. Thảo Nguyên cúi chào lễ phép:      

   -Dạ! Con chào Ba Mẹ! Con rất hạnh phúc biết Ba đã trở về đoàn tụ cùng gia đình.      

   Bà Thanh kéo Thảo Nguyên lại ngồi xuống bên mình, bà cầm tay cô bóp nhẹ như muốn truyền cho cô chút nghị lực để có thể chịu đựng những gì đang xảy ra. Ông Tùng nhìn cô nói chậm rãi:      

   -Chú chào cháu! Cảm ơn cháu đã đến chia vui cùng gia đình chú, nhưng - ông nhoẻn cười, từ nay cháu đừng xưng hô như thế nữa. Chúng tôi không thể làm Ba mẹ cháu dược đâu.       

  Thạo nhìn ông Tùng như van lơn:      

   -Kìa Ba!       

  -Không Ba Mẹ gì hết - Giọng ông trở nên đanh thép, Ba đã nói rồi. Không thể có cái đám cưới này - quay sang Thảo Nguyên ông nói rõ, mong cháu hiểu cho, gia đình tôi không thể đón nhận một cô con dâu như thế. Cháu hiểu chứ! Nếu cháu thương con trai tôi thật lòng thì hãy chia tay nó đi, để nó có một tương lai tươi sáng hơn.      

   Thảo Nguyên bàng hoàng, mắt tối sầm không thể nhìn thấy gì. Cô nghẹn ngào rơi nước mắt, đôi môi cô run run mấp máy như muốn gào lên điều gì. Thảo Nguyên chợt quỳ xuống:      

   -Dạ! Thưa Ba! Đây không phải là lỗi ở con, chúng con yêu nhau mấy năm rồi, con không thể sống thiếu anh ấy. Con có thể làm bất cứ việc gì Ba yêu cầu, ngoài việc đừng bắt con rời xa anh ấy.       

  -Không được! Ông Tùng có vẻ tức giận - Dứt khoát không được. Gia đình chúng tôi không thể có con dâu như thế. Xin cháu hiểu cho.     

    Hằng - em gái Thạo, đang đứng nép bên cánh cửa nhà giữa khóc thút thít:      

   -Ba ơi! Ba làm như thế không được, chị ấy rất tốt. Chia rẽ tình duyên của người khác là lớn tội lắm đó, liệu anh Hai con có hạnh phúc bên người khác được không? Giọng Hằng bỗng trở nên cay đắng - Trái tim có lý lẽ tự nhiên của nó, không ai có quyền bắt nó phải làm khác…      

   Ông Tùng đứng dậy, giận dữ:      

   -Ba nói rồi, không được là không được. Nhà phải có tôn ti trật tự chứ; lâu nay không có Ba bên cạnh nên các con coi thường lời nói của Ba hay sao?      

   Thạo lúng túng đỡ Thảo Nguyên đứng dậy. Anh biết Ba anh đã quyết, anh không thể cãi lại. Anh khổ sở nhìn cô:      

   -Em! Có lẽ chúng ta có duyên mà không nợ …       

  Vừa nghe xong lời Thạo nói, cô vụt đứng phắt dậy, vội chạy ra cửa. Những bước chạy hụt hẫng, chới với trong vô vọng.  

   Thảo Nguyên đếm bước lang thang trên cánh đồng lúa đang chín vàng, mùi lúa chín thơm thơm ngày xưa cô rất thích cũng không thể nào gây cho cô cái cảm giác yên bình Rồi cô đi mãi qua những lò gạch bỏ hoang, đôi chân cứ bước từng bước vô định như thế. Cô vô cùng đau đớn, cô muốn chết đi để có thể bay được đến nơi chân trời mơ ước, nơi đó có ngôi nhà mà cô và người cô yêu từng vẽ vời về tương lai tươi đẹp. Nơi ấy chỉ có tiếng cười, có yêu thương với những đứa con xinh xắn. Hình ảnh đêm trăng sáng hôm nào bổng nhiên hiện về mờ mờ qua màn nước mắt - Em có thấy trăng đang cười không, Thảo Nguyên?  -Trăng mà cũng biết cười hả anh? Lạ hen! Cô nghe rõ tiếng mình cười khúc khích.- Có chứ! Trăng cười thì mới sáng được chứ em. Ngày xưa cả nhà thường quây quần để nghe Nội kể chuyện đời xưa vào những đêm trăng sáng như thế này nè  - Vậy chắc anh biết nhiều chuyện cổ tích lắm hả? Em cũng rất thích nghe kể chuyện  - Anh kể em nghe chuyện về một ngôi nhà nhé! -Rất vui được nghe anh kể.       

   Thạo mơ màng nắm lấy tay Thảo Nguyên - “Ngày xưa, có một ngôi nhà nằm trên ngọn đồi ở vùng cao nguyên đầy sương mù. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng chung quanh vườn trồng toàn hoa là hoa. Buổi sáng, khi ông mặt trời thức dậy uống hết màn sương trắng đục kia; ngôi nhà rực rỡ dưới tia nắng ban mai, những khóm hoa tươi thắm còn long lanh những hạt sương đêm. Ở đó có đôi vợ chồng trẻ, hai vợ chồng là giáo viên dạy ở một ngôi trường nằm ở ngoại ô thành phố gần ngôi nhà họ đang sống. Ngày ngày hai vợ chồng đến trường với học sinh, tối họ thường ngồi bên nhau, anh ôm đàn để chị cất cao tiếng hát. Anh hạnh phúc đón bình minh bên người vợ thân yêu, ngắm hoàng hôn nơi ngôi nhà mơ ước, cùng nhau ngắm hoa, ca hát. Rồi các con của họ ra đời trong tình yêu thương vô bờ đó” - Thạo bóp chặt tay Thảo Nguyên và choàng ôm cô hôn lên má - đứa con gái đầu của họ có tên là Như Nguyện, coi như họ đã được như nguyện ước; và đứa con trai thứ hai là... – anh ngập ngừng giây lát – nhường cho em đặt tên đó.      

   -A! Nãy giờ anh “xạo” em đó hả? Làm người ta cứ tưởng... – Thảo Nguyên quay sang đấm vào lưng Thạo túi bụi - hồi ấy anh học viết kịch hay đạo diễn thì chắc giỏi lắm đấy.      

   -Anh thích làm “Thầy giáo” hơn, để sáng sáng còn đưa cô giáo Thảo Nguyên đến lớp nữa chứ.      

   -Hổng dám đâu! Hay lúc đó để người ta đạp xe một mình.       

  -Làm gì có! Anh phải đạp xe đưa em đến lớp chớ, ai để “vợ yêu” phải đạp xe một mình. Anh mà nói gian – anh ngập ngừng – cho ông trời...     

    -Thôi, thôi, không thề thốt đâu nhé! Linh lắm đó! – Thảo Nguyên đưa tay bụm miệng anh.      

   Thạo ôm chặt cô vào lòng, hôn lên mái tóc đen mượt thơm hương dứa và bồ kết, anh thủ thỉ: - Anh ao ước có được ngôi nhà như thế, ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đầy ắp tiếng cười. Anh sẽ trồng thật nhiều hoa, đủ loài hoa em yêu thích. Mở cửa sổ là có thể nhìn thấy những khóm hoa cánh bướm mong manh, những khóm hồng đỏ thắm để em có thể cắt cắm vào lọ mỗi sáng. Tối chúng ta ngồi trước sân uống trà, anh sẽ lắng nghe em ngâm thơ, ca hát. Quanh chúng ta hoa là hoa, thơm ơi là thơm. Anh sẽ trồng mấy chậu Nguyệt Quế cho em, hoa trắng nhỏ mà thơm ngát – Thạo bóp nhẹ tay cô – Em rất thích loài hoa này, đúng không? – Thảo Nguyên cười – Sao anh biết? – Anh biết mà, anh hiểu em nhiều hơn em nghĩ đấy, em yêu ạ!”        

   Thảo Nguyên vừa đi vừa khóc, cô cắn chặt môi cố ngăn những giòng nước mắt đang lã chã rớt trên má. Cô nghẹn ngào nấc lên “Còn đâu ngôi nhà mơ ước? Đâu rồi người yêu dấu đã từng thề non hẹn biển?”. Mới đó, chỉ một buổi sáng thôi, bỗng dưng mất hết. Thảo Nguyên như nghe tiếng cười vui từ cõi xa xăm nào vọng về, dày xéo trái tim nhỏ bé của cô.  

   Thảo Nguyên đi mãi đến mệt nhoài, đôi chân rũ rượi - cô thất thểu trở về nhà trong vô thức, lê từng bước vô cảm bước vào giường ngã lăn xuống, mắt nhắm nghiền.  

   Mẹ cô - bà sáu Hương nhìn con gái lo lắng, lấy khăn nhúng nước vắt khô lau mặt và tay chân cho con. Mọi người trong nhà không biết việc gì đã xảy ra cho cô, nhìn nhau bối rối, yên lặng. Bà Hương kéo chiếc mền đắp lên người cô rồi bước ra ngoài.     

♣ ♣ ♣         

   Đám cưới của Thạo và Thủy thật rình rang, từ trước giờ trong xã chưa có đám cưới nào tổ chức lớn như thế, từ sáng sớm kèn nhạc đã vang dội. Thủy rạng rỡ trong chiếc áo cô dâu ôm bó hoa đi bên Thạo. Thủy là con gái ông Tú - giám đốc sở thuơng nghiệp, bạn thân thiết với ba Thạo từ khi ra Bắc. Tiếng cười nói rộn ràng của đám người trong làng chen lấn xem đoàn xe họ gái đưa dâu. Nhà Thảo Nguyên cách nhà Thạo chừng hai trăm mét, cô nghe rõ mồn một. Tiếng nhạc, tiếng nói cười, như những mũi kim ghim vào trái tim nhỏ bé non nớt của cô. Thảo Nguyên bần thần vào buồng, nằm kéo mền phủ kín người. Cô cảm thấy mệt lã, chới với, như sau một cuộc chạy đường trường vượt qua nhiều chướng ngại, hiểm trở.          

   Theo dòng thời gian, nỗi đau dần trôi qua, như vết thương liền mặt -Thảo Nguyên bằng lòng với công việc đồng áng cùng bà con làng xóm, khi chưa có việc nào làm thích hợp với sức khỏe và khả năng của mình, như tìm kiếm niềm vui, niềm an ủi còn lại. Mới đầu cô còn ngượng nghịu, lúng túng, sau nhờ bà con dẫn dắt, cô quen dần. Trong tâm hồn cô sự an bình cũng dần hiện rõ theo năm tháng. Thảo Nguyrên luôn nói với chính mình - cuộc đời dù có nghiệt ngã thế nào cũng phải gắng sống và bước tiếp, để có thể lo cho các em.  

   Thảo Nguyên nhận làm những chiếc mành trúc để kiếm thêm thu nhập, phụ mẹ trang trải các sinh hoạt thiết yếu trong gia đình. Cô khéo tay, những chiếc mành trúc cô làm thẳng đều, xinh xắn, nên lúc nào cô cũng được nhận giao hàng nhiều hơn người khác.     

    Rồi một ngày, mẹ cô hay tin ba cô không bao giờ trở về được nữa, mặc dù ông đã hứa sẽ cố gắng để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ông đã lên cơn sốt ác tính, nóng sốt mê man, đờ đẫn gần tuần lễ. Thuốc men ít ỏi không đủ, không người chăm sóc, ông càng yếu dần. Ông đã ra đi mãi mãi không trở về sum họp với mẹ con cô như ước nguyện.        

   Bà Hương đau yếu luôn, bà không chịu nổi chấn động lớn đã ập đến gia đình. Trong hoàn cảnh lận đận khó khăn, lao tâm, lao lực đã khiến bà bị chứng bệnh ho. Những cơn ho kéo dài ngày càng nhiều làm bà khó thở. Thảo Nguyên lo lắng cho mẹ chạy đôn chạy đáo, ai bày gì cô cũng làm. Tiền bạc không có nên cô tự đi hái những cây thuốc nam hàng xóm chỉ bày về sắc cho mẹ uống. Nhờ trời, mẹ cô cũng đỡ dần vì sự chăm sóc tận tình, lo từng miếng ăn thức uống của cô con gái hiếu thảo. Trong làng có người yêu quý cô, muốn có được người con dâu như cô, họ gợi ý dò hỏi nhưng cô không dám nghĩ đến chuyện chồng con. Dường như trái tim Thảo Nguyên đã lạnh cứng, khép chặt. Có những người bạn học cũ chung trường đem lòng yêu cô, ngõ lời cầu hôn, nhưng cô nguyện ở vậy để lo cho gia đình.      

   Thủy kênh kiệu, nhiều lần đã tỏ ra khinh thường Thạo, xem anh như một vướng bận, không coi Thạo ra gì. Càng ngày anh càng xa cách Thủy, anh sống lạnh lùng vô cảm với người vợ ngày nào cũng ngang ngược, đòi hỏi nầy nọ. Bấy giờ anh mới thấy rõ ra, hôn nhân không tình yêu, không cảm thông, khó mà hạnh phúc. Thủy biết trong lòng anh luôn có hình bóng cũ, nên cô luôn tuồng đàn đúm bạn bè, đi chơi về khuya. Thạo biết vợ mình đang có người đàn ông khác, nhưng anh vẫn dửng dưng mặc vợ muốn làm gì thì làm. Họ xung đột cãi vã nhau hằng ngày, khiến bà Thanh rất bực bội và tiếc thương cô con dâu hụt ngày nào. Nhiều khi bà Thanh cằn nhằn chồng: “Cũng tại ông hết, chia rẽ tụi nó giờ ông thấy có tốt hơn không?”. Ông Tùng ậm ờ cho qua chuyện “Thì tui có biết đâu như thế này”.     

    Được mấy năm chung sống trong sự gắng gượng phiền lụy. Một ngày kia, Thủy đưa cho Thạo đơn ly hôn cô đã ký sẵn chỉ yêu cầu anh ký vào. Thủy còn trắng trợn cho Thạo biết, cô không thể sống với anh. Thạo dửng dưng ký vào đơn không nuối tiếc. Thạo đã nhìn lại mình, tự thấy căm ghét chính bản thân mình nhu nhược. Yêu mà không dám bảo vệ, không tự chủ được bản thân để mọi việc vỡ lỡ, tan nát. Nhiều đêm, Thạo tìm quên trong men rượu, trong cơn say để mong có thể thấy lại tình yêu của chính mình.      

    Dũng - con trai chú hai Sang xóm trước, trở về sau năm năm cải tạo. Anh gặp Thảo Nguyên, rồi đem lòng yêu thương và xin cưới cô làm vợ, nhưng cô không bằng lòng. Cô nói rằng trái tim cô đã chai mòn, không còn biết rung cảm nữa. Dũng vẫn gắng chờ và càng yêu cô hết lòng. Anh sắp xếp công việc làm của mình để có thể phụ giúp cô trong mọi thứ, có khi bâm bang, gieo sạ, có khi lấy nước vào ruộng, bón phân. Anh ăn mặc giản dị, dễ gần, nói chuyện vui làm mẹ và các em cô rất thích và quý mến. Trong nhà ai cũng khuyên cô nên đồng ý cuộc hôn nhân này, nhưng cô không dám tin là mình sẽ hạnh phúc. Một buổi tối, anh lên thăm nhà thấy cô còn ngồi kết bức mành trúc. Anh cười, sà vào:      

   -Thảo Nguyên chỉ cho anh kết với, mai mốt anh sẽ tự tay kết một chiếc treo ở cửa từ nhà trên bước xuống nhà dưới của chúng ta.     

    -Anh này hay thiệt! Nhà nào là nhà của chúng ta? Đừng có giỡn à nhen.      

   Dũng cười cười:    

     -Anh có giỡn đâu, nghiêm túc mà. Thầy bói nói rằng em sẽ là vợ anh, thiệt mà.     

    Thảo Nguyên phì cười:     

    -Thầy bói ở đâu thế? Bói ra ma quét nhà ra rác, đừng tin. Chỉ nói cho vừa lòng khách để được thưởng tiền thôi.     

    Anh bỗng cầm tay Thảo Nguyên - nói giọng nghiêm túc:     

    -Anh sẽ chờ cho đến khi em bằng lòng. Thầy bói còn nói con đầu chúng ta là con gái nữa đó.    

     Thảo Nguyên nhìn sâu vào mắt anh, cô nhận thấy sự chân thành trong đôi mắt ấy. Có một cái gì đó làm trái tim cô xúc động, xao xuyến thật bất ngờ. Cảm giác này đã từ lâu không xuất hiện trong trái tim bé nhỏ khô cằn của cô. Đôi tay cô run run, môi cô mấp máy:     

    -Anh!      

   Dũng hôn lên đôi bàn tay mềm hơi lạnh ấy, anh cười:      

   -Anh sẽ đặt tên cho con gái chúng ta là Như Nguyện, được không em?      

   Thảo Nguyên giật mình, cô rút đôi tay về. Cô hoảng hốt bóp chặt hai tay lại với nhau giấu vẻ sợ hãi, lo lắng. Ngôi nhà mơ ước ấy và cái tên Như Nguyện đã đi vào xa xăm. Hôm nay lại cũng ngôi nhà và cái tên Như Nguyện. Cô nhắm mắt và hai hàng nước mắt long lanh lăn dài trên má. Dũng ôm chầm lấy cô, đưa tay lau nước mắt rồi hôn lên đôi má còn thấm ướt. Anh thì thầm:      

   -Anh yêu em! Em đồng ý làm vợ anh nhé! Anh sẽ cho em một gia đình hạnh phúc, là người vợ yêu thương của anh và là mẹ của các con anh.      

   Thảo Nguyên khóc trên vai anh. Cô không nghĩ trái tim cô còn biết rung cảm, cô không nghĩ có người biết trân trọng, yêu thương mình. Hạnh phúc đã trở về sau bao năm mệt nhoài đau đớn, cô nghe luồng máu nóng đang chảy đều trong khắp cơ thể. Cô cũng đã mở lòng biết yêu thương, đón nhận. Mối tình xưa đã phai mờ, đôi khi thoáng hiện về trông xa xăm rồi vụt mất, như một vết cứa đớn đau trong cuộc đời chưa kịp lành. Cô thấy được rằng, đường đời muôn nẻo, nhưng ta phải tỉnh giác để đi vào con đường an vui đích thực lâu dài cho mình và cho người; đừng để một ma lực nào lôi kéo, quyến rủ, sa chân bước vào con đường khổ đau, tội lỗi.

02/2018



VVM.18.3.2023