Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của họa sĩ Đào Hải Phong

BẾN YÊU




M áy bay đáp xuống sân bay Nội Bài. Những ngày áp Tết, mưa xuân lất phất lạnh. Nhận phòng khách sạn xong, ông già xuống quầy lễ tân, gọi tắc xi.

Gần bảy mươi năm rồi ấy nhỉ, thời gian như thoi đưa! Rồi cũng trở về với cát bụi thôi, nắm tro cốt ta sẽ về đất mẹ.

Cậu chàng tắc xi mau chuyện, ông nghe câu được câu mất, xa quê lâu quá mà.

- Cụ quê ở đâu ạ?

Chợt nhớ tiếng mẹ đẻ - từ cụ, cậu tắc xi vừa dùng, à, nay mình tuổi lên cụ rồi, tám mấy rồi còn gì. Xe dừng, ông bước xuống bến đò Đông. Bến xưa, cái bến yêu ấy, đâu nhỉ? Lặng tìm, lặng nhìn,… Năm ấy mùa nước đông ken, dòng sông Đuống nước lặng lờ trôi, bãi ngô non đang kỳ trổ hoa, dòng sông bên lở bên bồi. Bóng Thắm chìm, tan loãng trong đêm hoang vắng. Lặng buồn, cuộc đời là bãi bể nương dâu? Ông chợt nhớ về bài thơ mình từng làm tặng em:

“Mưa xuân bất chợt dịu dàng
Con đò mùa đông đang sang ngang
Chở đầy lưu luyến chen mong ngóng
Nửa muốn quay về nửa muốn sang
Chiều xưa có người qua sông Đuống
Cát mềm ướt lún gót chân son
Gió bấc sau lưng lùa thân mỏng
Mưa rây trước mặt thấm môi non.”

Ngẩn ngơ đứng lặng sân đình. Vẫn ngôi đình xưa, mái đình trĩu nặng, võng oằn thời gian, “lưỡng long triều nguyệt”, cây đề cổ thụ cả mấy vòng tay ôm,... ký ức trong ông đổ về. Chính tại ngôi đình này, ông từng bị trói ghì cánh khuỷu, khát đến cháy họng,… Làng bạn đất khoa bảng, ông nghè, ông cống đầy; thời Lê, từng có cụ đậu thám hoa, còn thơ truyền tụng lại:

“Thám hoa biệt nghiệp kim thành tụ
Thượng tướng linh từ cổ hữu danh”.

Làng Đà, tổng Cói, gọi là nhà quê, nhưng nếu đường chim bay, chỉ cách Bờ Hồ dăm, ba ki lô mét. Qua cầu Long Biên, men theo đê sông Đuống, sang đò Đông, là đến quê bạn. Vùng này xưa vốn là vườn thượng uyển, Lâm Hoa Viên nhà Lý. Từ kinh thành Thăng Long, các vua Lý theo đường thủy về quê nội tế lễ tổ tiên - vùng Đình Bảng, dừng chân lại quê ngoại – tổng Cói. Chàng từng thăm ngôi đình Thái Bình, gần làng Đà, nằm mép sông Đuống, địa danh lưu truyền, Trần Thủ Độ tận diệt họ hàng, thân tộc nhà Lý.

Ngày Chủ Nhật, một cuộc pích ních nhẹ nhàng, Chàng học sinh trường Bưởi, quần soóc trắng, guồng xe đạp về thăm quê bạn. Về thôn quê cho đầu óc thảnh thơi, bớt căng thẳng chuyện học hành. Nhà chàng vốn sinh sống nơi phố cổ. Chàng ngầm tự hào, “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Gốc gác xưa, nhà chàng dân quê, lâu lắm rồi các cụ ra thành Thăng Long sinh sống. Nông thôn với chàng, chỉ qua trang báo, truyện ngắn, tiểu thuyết: u tịch, cô liêu, buồn tẻ, đói nghèo và ngơ ngác; là dưới ao bèo, tiếng ếch ộp oạp kêu, tiếng quạ hú nơi gò tre,... Bạn rủ, vậy là chàng về thăm chốn quê. Hóa ra, nhà quê không đến nỗi như trong trang báo, trang truyện, hay như sự hình dung, tưởng tượng của chàng. Ngôi làng Đà cổ kính, đẹp ghê, giếng nước, sân đình… cây bồ đề cổ thụ dễ đến mấy trăm năm tuổi. Nhà bạn năm gian đại khoa, rồi nếp ngang, dãy dọc, sân vườn, ao cá,… gọn gàng, ngăn nắp.

Làng Đà thay đổi quá, chả còn mấy dấu vết xưa. Bước theo dòng ký ức, "Làng xưa thiết kế kiểu răng bừa, mười sáu ngõ xóm." Ấy là ông già nhớ lại lời giảng giải của cha bạn, cụ cử nhân họ Ngô. Bao quanh làng bằng lũy tre dày, bên ngoài ao đầm vây bủa; hai cửa chính mở ra hướng Bắc, Nam; cánh cửa lim dày, đêm hôm khép, cài lại, sáng sớm mở ra. Thật là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trộm cướp chịu.

Nhà bạn đâu nhỉ? Ngõ Bảy. Chỉ nhớ ngôi cổng ngõ đồ sộ, đắp hàng chữ Nho, kiến tạo Tự Đức năm... Kìa, cổng ngõ đây rồi: cũ kỹ, thấp tè, kẹp áp bên ngôi nhà xây mới cao to, sừng sững. Ông già lẩm nhẩm đếm, chầm chậm bước. Ngõ nhỏ quanh co, sâu hút, thi thoảng sót lại bức tường rào xây từ thuở ấy. Ô kìa, vẫn còn ban thờ hậu khiêm nhường, lấp ló, nằm áp lùi trên bức tường rào xây. Bạn từng giải thích, ban thờ vợ chồng ông bà già trong ngõ. Không con cái, họ công đức ngôi cổng và con đường gạch, vỉa nghiêng nghiêng. Đêm ba mươi, dân ngõ ra thắp nén nhang lên ban thờ bầu hậu. Văn hóa thôn quê nước Việt, ơn huệ người có công, có sức với cộng đồng, dù chỉ là con đường nhỏ.

Kìa, cổng nhà bạn đây rồi. Ông già lặng nhìn, như thấy thời gian trôi. Cánh cửa gỗ cũ kỹ, mủn thẫm. Kéo sợi dây xích, chuông đồng leng keng kêu, nghe như tiếng thuở xưa vọng về, ùa ập. Ai đó trong nhà:

- Đợi một tí, hầy!

Nghe, chợt nhớ và từng đùa bạn từ đế “hầy” ấy, cả "nẫn nộn". Vùng quê ngọng, mãi bạn mới sửa "lổi". Người đàn ông cỡ ngoài sáu chục, ra mở cổng. Ông già giật mình, tí thì cất lên tiếng chào. Chao ơi, sao giống cha của bạn quá, cũng râu ba chòm, tóc bạc. “Trường Nam thi với trường Hà”, cha bạn từng lều chõng thi cử, dự khoa Canh Tý (1900) cùng nhà thơ Tú Xương. Cụ đậu cử nhân duy nhất của tổng Cói và xứ Đông Ngàn. Người đàn ông ngập ngừng chào khách. Vẻ mặt ông ta bối rối, khách vội cất lời:

- Xin cho hỏi, có phải nhà em... À. Dạ xin lỗi! Nhà cụ Thắm, không ạ?

Mặt chủ nhân thoáng ngỡ ngàng, rồi chợt như nhớ ra, ngắc ngứ, gật đầu xác nhận:

- Dạ… Đúng thế ạ. Mời cụ vào nhà!

Tòa nhà vẫn như xưa, ngói mũi hài, cửa bức bàn,... Sao căn nhà như thấp bé, lùn tịt xuống? Khi người ta lớn, cái gì xưa cũ đều đâm ra bé bỏng lại ư? Sân, vườn hẹp lại, thì đúng rồi, bởi nay bao bọc quanh là mấy tòa nhà cao tầng của hàng xóm. Ô kia, bể nước mưa vẫn y xưa, nhớ em Thắm đứng múc nước thuở nào. Khác với chiếc áo dài Le Mur của dân nội thành, em tóc vấn đuôi gà, áo tứ thân thẫm, tôn làn da em trắng nõn. Lần đầu tiên chàng học sinh trường Bưởi về quê, chạm mặt em gái của bạn, chàng ta sững lại. Hóa ra, bạn có em gái, xinh tươi quá, tuổi trăng tròn. Thế mà giấu biệt nhá – chàng nghĩ vậy, thoáng nụ cười nhẹ.

Nhà có khách, dưới nhà ngang, cụ đồ cho lũ trẻ nghỉ học. Lớp học dăm, mười đứa trẻ, tuổi lỡ cỡ, chúng khoanh tay lễ phép chào khách, lẹp kẹp guốc, áo the long tong chạy ra cổng. Theo học cụ đồ, chắc được chữ nào, hay chữ đó. Nho học xuống nước, tây học lên ngôi, người ta học chữ Pháp, chữ quốc ngữ, mấy ai còn theo chữ Nho nữa. Bạn, con cụ đồ vẫn khác, dù tây học, nhưng rất “nho nhe”, cái tính gàn gàn, kiểu đồ Nho.

Khi hầu chuyện cha bạn, thi thoảng chàng lại đánh mắt ra sân, mong nhìn thấy bóng hồng. Trên sân, em Thắm tí tí lại bước qua bước lại - em giúp mẹ nấu nướng dưới bếp, tiếp đãi khách. Chàng vài lần nữa được giáp mặt em: khi bê mâm cơm lên nhà trên, rồi thì... Bữa cơm, chủ khách tọa trên bộ sập gụ, chỉ có cụ đồ, con trai và bạn của con dùng cơm; hai người phụ nữ, bà đồ và cô con gái, ăn dưới nhà ngang. Món đặc sản là miến xào rau cần, quê bạn có nghề trồng cần và bỏng gạo.

Cha của bạn, ông già chừng ngoài bảy chục, ung dung, tự tại, da đỏ bồ quân, áo the thâm,  khăn xếp, đi đôi guốc gộc tre, chống cây gậy trúc,… thực người đẹp như tiên ông. Biết bạn của con trai về chơi, cụ đồ ăn mặc trịnh trọng vậy. Kiến thức của cụ cử thật thâm sâu. Chàng chăm chú lắng nghe lời ông cụ giảng giải: ý nghĩa sâu xa của bức đại tự, các câu đối,… bày treo trong nhà. Tác giả tặng chữ đều là những bậc túc nho tăm tiếng, bạn đồng khoa, đồng niên với ông cụ. Cụ cử ăn chân tiên chỉ làng này cả chục năm mà. Sau cuộc gặp chàng từng đùa: “Cụ tiên chỉ, hưởng mình một cỗ nhá”, làm bạn giận cả tháng.

Trong lúc ông cụ giảng giải, chàng thoáng mỉm cười, làm bạn đâm khó hiểu về nụ cười vu vơ ấy. Chàng phải giải thích: “Lúc ấy toa nhớ tới câu chuyện, cụ Nguyễn Khuyến cho chữ. Làng nọ đến xin cụ Tam Nguyên, cũng là kẻ từng học hành, nhìn chữ cụ cho, kẻ kia chả rõ là gì. Làng ấy đình bị cháy, dân dựng lại, cụ Tam Nguyên “vẽ” chữ giống y cái chày đứng. Cười, mà cụ giảng giải: chày đứng, tức là đừng cháy. Thì quá đúng, đình làng người ta cháy, nay cầu mong thôi đừng hỏa hoạn, còn mong muốn gì nữa!”

Khi chia tay, cha mẹ bạn đứng dưới hàng hiên tiễn khách, còn em Thắm, ra tận cổng tiễn hai anh. Dắt xe qua sân, cánh cổng đang khem khép, chàng ngoái đầu nhìn lại, ơ kìa, mắt Thắm dõi theo. Bất ngờ gặp ánh nhìn của chàng, em đâm ra lúng túng, đánh vội cặp mắt sang hướng khác. Chao ôi, nom thẹn thùng, ngây thơ quá! Ánh mắt ấy cứ theo chàng, qua đò Đông sóng nước lao xao; đạp xe lững thững trên đê Đuống, chàng thẫn thờ, đến mức bạn nhận ra sự khác lạ:

- “Moa” sao thế?

Tế nhị, chàng nhoẻn miệng cười. Chả lẽ bảo, tại em của “moa” đấy, bắt mất hôn “toa” mất rồi! Thế thì ngượng chết.

Đôi tuần sau bữa ấy, lấy cớ là quý phục kiến thức của cụ cử, chàng lại về thăm quê bạn. Vì bạn bận việc, chàng đạp xe về một mình, tám, chín giờ sáng, đã có mặt ở quê. Bà đồ có việc, sang giỗ làng bên, nhà chỉ có hai cha con, cụ đồ bận bịu dạy đám trẻ, nên nhiều lúc, chàng giúp nàng việc nọ kia. Lúc ra về, em Thắm tiễn chàng ra cổng. Họ nấn ná và chàng kịp rút chiếc khăn mùi xoa ra tặng em. Tay Thắm vội rụt lại, đâm ra chiếc khăn rơi rơi, bung ra cánh thư chàng giấu bên trong. Nàng đành lúng túng cúi xuống nhặt; còn chàng, vội vã nhấn bàn đạp xe. Bản nhạc dạo yêu của họ là vậy đấy.

Tình yêu đẹp lắm, êm đềm, lặng lẽ và thơ mộng, tất nhiên cha mẹ và bạn chàng mơ hồ nhận ra điều đó. Chàng nhớ, nàng có mái tóc dài. Đêm ấy mùa trăng, mùa trăng tháng mấy ấy nhỉ? Chàng nghỉ qua đêm ở nhà bạn. Tình yêu nảy nở ở một gia đình nền nếp, gia phong – cụ cử Nho học, phải chuẩn mực. Trăng vằng vặc sáng, chàng và bạn bắc ghế ra sân, đàm đạo chuyện văn chương thế sự, còn nàng đứng góc sân chải tóc. Tóc nàng chảy dài, phất phơ bay trước gió, thoang thoảng hương xả, hương nhu... Nhớ em Thắm mớ ba mớ bảy, mồng Năm Tết cùng chàng và bạn đi hội Cổ Loa. Bên Giếng Ngọc, chàng kể về mối tình Mỹ Châu - Trọng Thủy, em e thẹn, ngước mắt buồn, thỏ thẻ, "Họ phải xa nhau?"

Giá như không có cuộc binh đao nhỉ? Sau ngày nước Nam giành độc lập, bạn chàng tham gia Vệ Quốc Đoàn, còn chàng đăng lính Vệ Binh Quốc Gia. Có đau không, hai người bạn học, lại hai bên chiến tuyến?

Bước chân vào nhà, vẫn y cảnh xưa, gian thờ, cỗ sập gụ, bộ trường kỷ,… bức tranh quá khứ hiện ùa ập về. Gần bảy mươi năm rồi còn gì. Thoáng giật mình, nhìn mấy tấm hình bày trên ban thờ: cụ cử; lại ảnh của bạn nữa, sơ mi tay áo lửng, quần trắng, nụ cười niềm nở và kìa, cả bức hình ký họa ngày xưa của Thắm, họ thành người thiên cổ cả rồi. Người già mau nước mắt, nước mắt nhớ kỉ niệm xưa, nước mắt về mối tình đầu và nước mắt cho cả chính mình, ở cái tuổi mà người thân quen, sao bỏ đi hết mất rồi, người ơi! Thắp nén nhang cho cuộc đoàn viên “âm dương cách trở”; bạn học, mà thành ra kẻ bên này, người bên kia chiến tuyến, cách mặt nhau bằng cuộc chiến đằng đẵng mấy mươi năm, để rồi, nay người thành thiên cổ, kẻ tha hương chốn chân trời góc bể! Tiếng chủ nhân cắt ngang dòng suy nghĩ của ông già: 

- Cha cháu hy sinh trong chiến trường miền Nam năm sáu tám. Còn cô cháu, mất đầu năm năm sáu, sau ông nội đôi tháng. Ngày ấy cháu mới hai, ba tuổi, chỉ nghe mẹ cháu kể lại thôi. Ông cháu chết cơ cực. Nhà không ruộng, nhưng bị quy cái tội hủ nho. Đói lắm! Lúc mất, chả có nổi cỗ quan tài, đành hạ cánh cửa xuống, ghép làm ván. Chập choạng tối, mấy người nhà khênh ông cụ ra đồng. Dân làng sợ các ông đội, chả ai dám đưa tiễn. Cô cháu cũng vậy, bó chiếu...

Khổ thân cụ cử, đức cao vọng trọng nhất vùng, ăn chân tiên chỉ cả chục năm, kể cả bao tiền của, công lao tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, vẫn không thoát khỏi cảnh chết hờn tủi, vì lắm chữ nghĩa. Cũng khổ thân em Thắm nữa! Hóa ra vạ lây cha mình, cái diện “hủ nho”.

Người đàn ông kể đận “em Thắm” đói. Bà chị dâu thương tình, chả biết cách gì cứu giúp. Bữa ấy có nắm cơm, bọc lại, giả quang gánh ra đồng, vùi xuống ruộng khoai, rồi bên nhà, đánh tiếng xa gần vọng sang, chỗ nọ kia, ngầm ý bảo, ra đó moi lên, lấy mà ăn. Tai vách mạch rừng, đề phòng ai đó rình mò, nghe ngóng. Kẻo không, bà chị dâu có chồng bộ đội, bị vạ lây.

Trong lúc tiếp khách, ông già quan sát, thấy chủ nhân vẻ bồn chồn, bất chợt đứng lên, giọng lễ phép:

- Thưa cụ, cụ đợi con một tẹo ạ!

Nói rồi, ông ta bước vào buồng trong, được một chốc quay ra, trên tay bê hộp gỗ nhỏ.

- Dạ. Cô cháu chẳng để lại gì, trừ… Mẹ cháu dạy, của cô có thứ này. Cô trăng trối, lúc nào ấy, “người ta” đến…

Cuốn sổ tay bìa màu đỏ thẫm, lại liếc nhìn bức hình của Thắm trên ban thờ... Lần ấy, bạn, chàng và Thắm có cuộc pích ních. Trên đê sông Đuống, lúc ngồi nghỉ, nhìn Thắm, chàng vội chớp lấy, làm nhanh bức ký họa. Từ cặp mặt già, đùn ra giọt nước mắt trắng đục, tay run run ông đón lại kỷ vật xưa, những bài thơ yêu từng viết tặng người tình thời trai trẻ.

Cuộc tấn công Hà Nội của người Pháp, diễn ra giằng dai, cuối cùng quân Pháp chiếm được thành phố. Giữa bom rơi đạn lạc, chàng liều mình từ nội thành lặn lội ra ngoại ô, về ngôi làng kháng chiến, quê Thắm. Chàng bị du kích tóm sống; nghi là quân do thám, bị trói ghì cánh khuỷu, nhốt ở đình cả buổi. May thay, chuyện đến tai, cụ cử ra trình bày, xin xỏ mãi, chàng mới được tha.

Cuộc chia tay, em Thắm mắt mũi đỏ hoe, lẽo đẽo theo sau, hai du kích súng ống kè kè áp giải; họ chả nói năng với nhau được câu nào.

Trời nhập nhoạng, con đò rời bến. Bên bến đò Đông, bóng người thiếu nữ nhòe mờ, nhòe mờ, chìm thẫm trên bãi sông./.


  


VVM.18.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com