Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của họa sĩ Tom Fedro

CỌNG RAU DỀN



            

T iếng chó sủa cọc cạch. Một bóng người cao lớn đứng ngoài cổng rào. Con Vện chồm lên, hai chân bấu vào chấn song sắt. Vạt nắng buổi sáng hắt bóng đổ ngược thân hình nó xuống lối đi trơ trụi. Tầm bỏ chiếc rựa và khúc tre vừa chẻ nhỏ ngó ra phía cổng. Ngó và đứng lên, lững thững bước ra ngõ. Tiếng con Vện không còn cọc cạch như trước, vang lên tràng dài như tiếng chó sủa trong những đêm tối trời, thời chiến tranh. Người đàn ông thấp thoáng bên kia hàng rào chè xanh nghiêng đầu chào, miệng mở nụ cười. Nụ cười giống mấy chiếc bông vạn thọ vàng rực hai bên lối đi. Tầm mở cổng. Người đàn ông thả chiếc xách xuống đất, choàng tay ôm chặt vai Tầm kêu “anh Hai, anh Hai”. Tầm chưa kịp nhìn thì khuôn mặt hai người đã nghếch về hai phía, kẹp giữa hai chiếc cổ, nhồn nhột những sợi râu dài ngắn. Cảm giác nhột nhạt tòe ra như những vòi xúc tu, nhưng trí nhớ vẫn cứ lấp lú, chưa thể nhận ra là ai. Mười gây… ba mươi giây sau, hai chiếc cổ rời ra, những cọng râu rời ra, bốn cặp mắt nhìn nhau. Bàn tay Tầm đến lúc này mới cử động theo bản năng, vỗ mạnh lên vai người đàn ông tới tấp, giống như lúc cầm dùi đục bổ liên tục lên sống rựa, chẻ những khúc tre.

-Mẹ cha ơi, bao nhiêu năm biệt tích, nay mới thấy mặt chú - Tầm dừng lại, xô người đàn ông ra xa một chút rồi kéo sát vào, ôm cứng. Những cọng râu lại đâm vào nhau, nhồn nhột nỗi nhớ xa gần. Phải đến phút sau Tầm mới buông tay, dắt người đàn ông theo mình vào nhà. Hai người bước chậm. Ngực Tầm đập thình thịch vì bất ngờ. Khóe mắt người đàn ông thì hơi ươn ướt. Cả hai bồi hồi, xúc động.

Người đàn ông Tầm gọi “chú”, chính là Đắc mồ côi cha mẹ, sống với ông từ Sẵn giữ đình làng. Chẳng bà con thân thích, nhưng Tầm coi như em ruột. Thuở nhỏ Đắc ham để lờ, cắm câu, ham ca cải lương và thỉnh thoảng hái trộm xoài nhà ba Thỉnh chia cho lũ gái làng. Sự học của Đắc cũng ì ạch như đẩy chiếc xe cóc đầy cát lên dốc… dẫu Tầm luôn kèm cặp, chỉ bảo. Lớn lên chút nữa, Đắc bỏ học chạy xe ngựa rồi đánh cộ bò kéo lúa cho hợp tác, chở củi cho lò gạch thủ công… rồi tự dưng biến mất hồi những năm 80, vượt biển đến xứ nào đó cả làng không hề hay biết. Nay thì Đắc trở về, bộ dạng có vẻ tử tế hơn. Tầm hỏi:

-Sao mãi tới giờ này chú mới về, chú đi những đâu?

-Dài dòng và cơ cực lắm anh Hai.

-Sao, chú nói sao. Sao lại cơ cực. Cơ cực mà người ta xúm nhau bỏ đi cả đống?

-Vậy mới gọi là dài dòng.

Tầm bước chậm, gần như đứng nguyên tại chỗ, nghiêng người ngó thẳng vào mặt người đàn ông:

-Khổ à?

-Dạ… khổ nhiều…

Giọng nói thốt ra ngập ngừng khiến Tầm có cảm giác như Đắc đang mang theo màu trắng lạnh của tuyết rơi, của những dòng sông đóng băng, của bầy chim di trú kêu khàn khàn trên trời cao. Con Vện chạy lơn tơn bên cạnh, thỉnh thoảng rên lên ủng ẳng, quấn quanh chân hai người. Tầm ngó lại khuôn mặt đứa em nuôi. Không thấy dấu hiệu “khổ cực”. Khuôn mặt đầy đặn, mập hơn chút và nước da trắng hơn chút, khác với hồi còn ở nhà, ốm nhách, đen thui. Vậy sao nó lại kêu khổ?

Tầm đưa khách vào nhà. Hai người ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn gỗ mộc nơi hàng hiên. Đúng lúc đó, vợ Tầm xách chiếc rổ không bước lên, thấy khách, kêu toáng:

-Hở, ai đây… Chu…ú Đa…ắ…ắc… Trời đất. Tôi nhận ra ngay mà. Vậy là chú vẫn sống, không bị cá nuốt! Phước đức. Coi kìa, chú mập và trắng ra, chẳng bù hồi còn ở nhà - Mụ kêu lên thản thốt, hai tay giơ lên cao, chiếc rổ tre cũng được giơ cao cùng vẫy chào người lạ.

Vợ Tầm vốn dĩ là con mụ đàn bà lắm lời. Đắc chưa kịp nói gì, mụ ta lên giọng ca cẩm cùng lúc chiếc rổ hạ xuống còn tay phải thì hạ thấp chút xíu, ngang miệng:

-Chú về mấy bữa rồi? Chừng nào đi? Thím đâu không thấy? Chưa vợ con gì sao? Mà nè chú có uống nước trà quê được không? Trà ngon của bạn ổng ngoài Bắc gửi biếu. Chú có uống hay không thì nói, đừng kiểu như lão năm Hanh về mấy năm trước, nghĩ tình anh em làng xóm, tôi lui cui nấu nước, rửa ấm chén, pha trà mời. Nhưng chả tỉnh queo lôi trong túi quần chai nước lọc, ngửa cổ uống, giống mấy thằng GI (*) năm xửa năm xưa, đi ngoài phố vừa uống vừa ăn nhồm nhoàm. Gớm, thấy bắt nổi xung thiên. Tôi mà không nể tình làng xóm đã hất đổ mấy tách trà ra sân rồi. Xin lỗi chú nghen, đừng có như cha Hanh nghe. Dẫu gì cũng tình chị em, uống miếng nước lấy thảo. Nè, hay chú ở đây ăn Tết với vợ chồng tôi? Kệ, khổ chút, chõng tre, quạt mo nhưng tình nghĩa đấy chú. Lâu quá mới gặp lại. Tưởng cá nuốt mất xác rồi.

Tầm lừ vợ. Cái tật nói dai như đỉa đói vẫn không bỏ. May, Đắc là em kết nghĩa. Chính Đắc làm chim xanh để hai người thành vợ chồng. Vợ Tầm đẹp, tháo vát, chịu khó; chỉ tội cái lắm lời từ bụng mẹ, không sửa được. Với lại tội ấy chẳng gây chết người nên Tầm bỏ qua.

-Nè - Vợ Tầm lại tiếp tục - Chú phải ở lại với vợ chồng tôi, không đi đâu cả. Mà chú đi đâu bây giờ? Chú tư Sẵn giữ đình chết queo từ khuya. Ở với anh chị là phải phép.

-Cái bà này, thì cũng để chú nó nói gì với chứ. Giành giật nhau ăn uống chứ ai lại đi giành nhau lời nói?

Vợ Tầm im, đặt chiếc rổ tre lên bậu cửa sổ rồi chạy xuống bếp. Tầm nghiêng đầu qua phía Đắc.

-Chú đừng để ý, xưa giờ vẫn vậy. Vả lại, đó là của nợ chú mang đến cho tôi.

-Em hiểu mà. Chị tốt bụng lắm.

-Sao, chú kể lại chuyện đi đứng nghe coi?

-Em đâu chủ ý đi. Mà tiền bạc đâu để đi. Chẳng qua bữa đó em đi thổi cuốc, nhử đa đa ngoài bãi dương. Đâu ngờ tới đúng điểm họ tập kết. Sợ lộ, họ lôi em lên thuyền đi luôn. Lênh đênh nửa tháng trời. Không có chiếc tàu buôn vớt lên thì chết chắc.

-Giữ được mạng sống là quí lắm rồi. Bên đó chú làm ăn ra sao?

-Làm ăn gì anh. Chữ nghĩa không có, nghề ngỗng cũng không. Đâu có ai thuê mình đánh cộ bò, chạy xe ngựa? Chẳng ai ỉa bậy ngoài đường để hốt, cũng không có chỗ để mình để lờ, cắm câu, trồng bụi ớt, giàn mướp…? Đói meo. Sống nhờ tiền trợ cấp, rồi đi cắt cỏ, dọn vườn. Đủ sống qua ngày.

-Cực hẻ?

-Quá ư là cực. Nhưng mà, cực khổ bao nhiêu mình cũng chịu được, còn cái nhớ nhà nhớ quê thì không chịu nổi. Nó nhức nhối như cói dòi trong xương, cắn rứt không chịu nổi. Ai đời tết nhứt mà không có lấy đòn bánh tét, thẩu tai heo củ kiệu. Đêm đón giao thừa, trời lạnh buốt xương, tuyết rơi trắng đường, in như khu đất trước nhà đang bịt khăn tang cho ai đó. Bọn cù bơ cù bất tụi em xúm lại uống rượu khan đến say. Không phải say rượu đâu anh, mà say cho cái màu trắng lạnh lẽo kia. Say vì thiếu khói nhang. Quê hương thì xa tít ngàn dặm. Ngóng về chỉ thấy màu trắng chì bảng lảng giữa thinh không, không ngửi được mùi nhang khói, chẳng đốt được tấm áo cho Táo Công, tổ tiên thì mờ mờ nhúm tro bay cuối chân trời… Say và khóc, đứa nào cũng khóc như khóc cha chết. Thảm. Còn tụi bản xứ, nó nhìn mình tựa kẻ cắp, đâu đủ chữ nghĩa để nói với nó, không thằng nào hiểu thằng nào; đường mạnh ai nấy đi!

Tầm im lặng ngồi nghe. Giọng nói trầm đục, đều đều của Đắc in chang dề lục bình trội lập lờ trên sông, vẫn giữ nguyên vẻ chơn chất thuở nào. Bất chợt Tầm thở đánh sượt khi liên tưởng đến năm Hanh. Nghe đâu hắn cũng dân “thầu khoán” (**) bên đó, nhưng về xứ, mặt vênh lên, coi làng xóm bà con như lũ người bán khai; nói một câu cố tình chêm vài tiếng tây u làm ra vẻ. Đúng là…

Vợ Tầm bước lên, hai tay bưng khay ấm chén, vừa đi vừa suýt soa:

-Trà ngon, khách quí - Nói và đặt khay chén xuống bàn, rót nước mời - Chú uống chén trà cho ấm bụng. Bao nhiêu năm… Mà vợ con gì chưa?

Đắc đỡ chén nước trên tay vợ Tầm:

-Cảm ơn chị…Vợ con gì! Lấy ai, mà ai lấy mình? Nuôi thân chưa đủ lấy đâu nuôi vợ nuôi con. Sống kiểu trơ trụi cũng tốt. Bí quá thì… - Biết lỡ lời, Đắc ngồi im, mặt đỏ lựng. Vợ Tầm tủm tỉm:

-Biết quá mà. Mười ông thì có đến mười một ông... Trả thù dân tộc? Coi chừng… - Vợ Tầm cũng đột ngột im bặt.

Tầm lên tiếng:

-Chuyện đàn ông. Để tôi với chú nó tâm sự. Bà ra chợ coi cái gì ngon ngon mua về đãi chú gọi là mừng ngày sum họp.

Lúc vợ Tầm bước ra khỏi cổng, Đắc đặt chén nước xuống bàn:

-Nói tuồng xấu hổ, nhiều bữa nằm nhà, nghĩ ngợi sao lại nhớ chén mắm cá linh, mùi mắm lóc thái. Nhớ đến chảy nước miếng. Có tiền cũng không kiếm đâu ra ở miệt đông-bắc này, toàn dân bản xứ. Người mình chỉ lèo tèo mười mấy tên tụi em, nhưng hiếm khi gặp nhau. Có gặp cũng chỉ đủ thì giờ gật được cái đầu, chào nhau rồi mạnh ai nấy chạy, hối hả như chạy giặc, như đi ăn cướp vậy, thảm.

Tầm đưa chén nước trà lên miệng, nhấp chút xíu như rửa môi, lên giọng:

-Ở các nước công nghiệp, văn minh thì phải hối hả chạy, đâu lơn tơn, tà tà… như ở mình - Tầm làm ra vẻ hiểu biết.

-Thôi anh, nó nhìn người da màu mình không bằng nửa con mắt đâu, nó quay đi… Kể anh nghe chuyện này. Cách đây hai năm, trong ngày lễ lên trời xuống đất gì đó của tụi nó, bọn em làm overtime…

Tầm giơ tay lên:

-Đó, mới nói lão Hanh, giờ lại đến lượt chú. Thai thiếc cái con mụ đặc. Nói đại làm phụ trội, làm thêm giờ, tăng giờ. Tiếng nước mình cũng đủ để diễn đạt mà? -Tự dưng Tầm nổi nóng.

-Xin lỗi anh, là tụi em cũng phải cố nhét vào đầu mấy cái từ ôn dịch đó để giao tiếp, làm ăn. Chính ba cái tào lao đó mà tây chẳng ra tây, ta cũng không phải ta, thành thứ cứt mốc gì không biết nữa.

-Ờ, Ờ… Thôi chú quay lại chuyện hồi nãy đi.

-Bọn em làm thêm giờ, tiền công tăng gấp ba. Bọn họ có lễ thì tụi này cũng lễ. Thứ bảy xúm nhau tổ chức lễ Nhậu. Sáu thằng nốc 2 chai Gin to bằng bắp vế và hai con gà quay Texas. Mới bắt đầu hơi ngà ngà, thằng Qưỡn Sóc Trăng lôi đâu ra bài thơ, kêu của ông thi sĩ Xuyên Sơn nào đó, gào lên nửa giọng cải lương, nửa hát xẩm, hò Quảng… nghe mà ruột gan cứ thắt lại. Thảm.

-Nghe ghê. Chú làm như bài thơ có sức đốt cháy nhà, như đạn pháo bắn vào chỗ đám đông - Tầm nghi ngờ.

-Thiệt mà. Để em đọc lại anh nghe.

Vẫn cái giọng trầm đục như dề lục bình trôi, Đắc cất giọng đều đều:

   Anh có ở lại đây một trăm năm,
       Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
       Anh có ở lại đây một ngàn năm,
       Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
       …Đường phố, phi trường, núi rừng , ruộng đồng quá rộng,
       Mà lòng con người đa phần tôi gặp,
       Lại nhỏ bé đến li ti,
       Nhỏ bé đến dị kỳ,
       Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất !
       …
       Vì sao ? Vì sao ?

Đấy, tụi em đứa nào cũng thuộc lòng. Nhiều đứa say bí tỉ, nhớ cha mẹ nhớ nhà cứ lảm nhảm “vì sao? vì sao?”. Hễ cuối tuần gặp nhau, làm ly rượu thì lôi ra đọc y như người ta đọc kinh Thủy Xám. Có đứa còn chế ra bài vọng cổ đến chảy nước mắt, thảm lắm.

-Ờ, ờ… thảm thiệt - Tầm nói nhỏ - Hè, đã vậy chú ở quách lại cho xong. Vườn nhà còn rộng, vợ chồng tôi cho chú một khoảnh, chú cất một căn nhỏ, kiếm cô vợ…

-Năm mươi rồi, vợ con chi nữa?

-Thì cũng phải có đôi có cặp, hôm sớm tắt lửa tối đèn chứ? Cái cô Sương đó, hồi xưa tôi thấy chú cũng để ý, qua lại. Cổ góa chồng mười năm nay. Hai người ráp nhau chung sống.

-Sương nào anh?

-Sương con bốn Thơi đó.

Nghe nói “Sương con bốn Thơi” Đắc giật thót người, cắm mặt nhìn xuống mặt bàn gỗ mốc cời, gõ gõ ngón tay lên miệng chén nước, không thành tiếng. Mấy mươi năm về trước, nếu không có sự cố thì hai người cũng có thể thành vợ thành chồng, chưa chắc anh trôi lềnh bềnh như dề lục bình trên sông. Nay thì khó hơn nhiều, không như hồi xưa nữa rồi. Đắc ngồi im suy nghĩ mông lung, cố ráp lại những mảnh vỡ bữa đêm trăng non mấy mươi năm trước. Nhưng cái hình ảnh kia nó thẹo thĩnh mất rồi. Nó thẹo từ cái đêm đó: Đêm hai người hẹn hò ngoài ruộng mía hợp tác. Ma lực tình yêu kéo dính hai người trên gò đất đầy rác mía, miên man với những câu nói chắc chắn khi về đến nhà sẽ không ai còn nhớ nổi. Đắc chỉ còn nhớ mỗi một hình ảnh lúc hai người ngã trên đống rác mía, bản năng đực cái nổi dày cộm trong người anh và trực giác phụ nữ trong Sương cũng nổi lên. Một cái tát như chiếc chày vồ đập đất cục. Đắc xấu hổ đến vô cùng. Cái bản năng quỉ quái kia biến thành lớp bọt khí bay đi mất. Chỉ có Đắc biết, Sương biết… Bóng tối thì bịt kín câu chuyện cũ, nhưng trí nhớ thì vỡ sáng, như thể Đắc vừa phạm tội khi nãy, mới toanh!

Tầm không để ý những thay đổi trên khuôn mặt Đắc, vẫn hăng hái:

-Sống không nổi bên đó thì cứ về, tôi lo. Cô Sương một mình, con gái lấy chồng xa. Tốt, tốt đấy - Nói và Tầm đứng lên, lôi Đắc đứng lên. Cả hai cùng bước ra khu vườn rộng.

Tầm chỉ tay:

-Chỗ góc kia quay ra đường, chú chọn và xây cái tổ cho hai người.

Đắc ngó về phía “chỗ góc kia” theo ngón tay trỏ của Tầm, đầu óc cứ dập dềnh những hình ảnh cũ trên gò đất.

-Bằng lòng nhé? Vậy là vợ chồng tôi vui, chú cũng vui, đỡ kêu khổ.

Đắc nói không ăn nhập và đâu:

-Anh bỏ trống nhiều quá.

-Sao? Hả, à già cả rồi, chỉ hai vợ chồng già, sức đâu nữa!

Đắc nhìn quanh quất, bỗng kêu to:

-Trời, nhiều quá!

-Cái gì? Nhiều cái gì? - Tầm ngạc nhiên vì tiếng kêu của Đắc.

-Tuyệt. Em cũng chẳng biết đi đâu. Tết em ở với anh chị rồi tính. Trời đất! Vườn rau dền xanh um. Để em, anh Hai… nhổ rau dền ăn Tết. Tuyệt. Mấy chục năm mới nhìn thấy nó. Luộc, trộn với muối ớt xiêm… Hơn cả bơ, cả xúc xích, thịt băm… Hơ… Hơ… Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.

Đắc đứng ngây, lẩm bẩm như kẻ mộng du.

(tháng 12/2010)
(*) GI: tiếng lóng chỉ lính Mỹ ở VN
(**)Thầu khoán: chỉ cho những người đi cắt cỏ, dọn vườn hay công viên…


trong tập truyện NGUYỆT TẬN.





VVM.13.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com