Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


QUÁN CÀ PHÊ GIVRAL VÀ TÔI



T rong những ngày gần đây, thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy trên những trang mạng, trong những quán cà phê gốc phố ở San Jose, ở Bolsa, ở Paris, hay trong một gốc của các quán cà phê Starbuck nào đó mà có đông người Việt, câu than vãn thầm kín, nuối tiếc quá khứ của dân Sàigòn xưa:“Ôi! Quán Cà Phê Givral Của Sàigòn Xưa Không Còn Nữa…”

Vâng, sự thật thì sau ngày 10 tháng 4 năm 2010, quán cà phê Givral tại Sàigòn chỉ còn là đống gạch vụn. Nghe đâu một công trình công nghệ sẽ được xây cất lên thay thế vào địa điểm của quán Givral, hình như đó là dự án của công trình công nghệ Vietcom. Nếu quả thật vậy thì đó cũng tốt thôi, một sự đổi mới đáng kể, nhưng tại sao lại có lời than vãn nhức nhối như vậy? Trở lại quá khứ với một chút lịch sử, từ xa xưa quán cà phê Givral của Sàigòn đúng ra là quán cà phê nhỏ giọt, một loại sở thích uống cà phê nhàn nhã của người Sàigòn, luôn luôn uống với bạn bè, với người yêu, vừa uống café vừa nghe nhạc êm dịu, mà vẫn còn lưu truyền đến hôm nay tại hầu hết khắp nơi trong nước, ngay cả ở Hội An, Huế, Hà Nội, chớ không chi ở Sàigòn. Mặc dầu sau năm 54, miền Nam Việt Nam chịu nhiều sức ép và ảnh hưởng của hơn 500 ngàn lính viễn chinh Mỹ và sau năm 75 là các Tập đoàn đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam hôm nay, sở thích uống Café nhỏ giọt vẫn nghiễm nhiên tồn tại, và hãnh diện tồn tại nữa là khác. Chẳng những nó tồn tại trong nước, sở thích uống Café phin còn theo chân người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới. Nếu có ai chẳng tin, hãy đến thung lủng Hoa Vàng- San Jose, phố Bolsa ở Orange County, hay phố Argyle của Uptown Chicago, và những phố khác ở Melbourn, Sidney mà xem những “ông Mỹ ông Úc gốc Việt”, già cũng như trẻ, ngay cả những người Mỹ người Úc chính hiệu, Đen cũng như Trắng, Vàng cũng như Nâu, họ trầm lặng ngồi thưởng thức từng giọt cà phê từ những tách Café đen quánh vừa thơm nồng vừa đắng, cái vị đắng vừa đủ để cho ta hoài niệm vị đắng đầu đời…Uống Café nhỏ giọt đã trở thành nguồn suy tư, cảm hứng cho âm nhạc, thi ca, hội họa của mọi giới và...mọi thời. Những ai đã từng dừng chân đôi lần tại các quán Café Sàigòn trước 75 như Quán Hân, Pagoda, Imperial, Givral và nhiều quán khác nữa, sau này dù có đi đâu về đâu cũng khó mà quên được cái hương vị, cái không khí, khi thì trầm mặc khi thì xôn xao dao động vì chiến tranh của nó. Vì thế cho nên khi nghe tin quán Café Givral bi đập phá chỉ còn là đống gạch vụn, thì những người Sàigòn xưa làm sao tránh được cảm giác tiếc nuối, ngậm ngùi.

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Tự Do Á châu do Mặc Lâm thực hiện. Nhà báo ở trong nước, Đỗ Trung Quân, đang sinh sống tại Saigòn khi trao đổi với nhà báo Mặc Lâm, ông Quân cho biết ý nghĩ của ông về lịch sử của Quán Café Givral Sàigòn:

“Một địa danh như thế, một cái quán như thế, đối với tôi quán cà phê Givral còn là một địa chỉ lịch sử, một địa chỉ văn hóa. Các nhạc sĩ nổi tiếng từng ngồi ở đây trước 75 cũng như sau 75. Tất cả các nhà báo quốc tế, cũng như các nhà báo trong nước đều ngồi uống cà phê ở đây để thu thập tin tức về chiến tranh Việt Nam. Nhân vật Phạm Xuân Ẩn, nhà báo cũng là nhà tình báo nổi tiếng cũng thường ngồi ở đây. Nhưng rất tiếc có một số nhà báo khác họ chưa có cảm giác được nỗi đau khi mất một địa chỉ như thế đâu vì đa phần có thể họ không sống ở Sàigòn, họ không phải người Sàigòn xưa như tôi….”

Nhà báo lão thành, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh hiện đang sống ở Cali. Ông là người Bắc, di cư vào Nam và di tản qua Mỹ vào năm 1975, ông cũng phát biểu với nhà báo Mặc Lâm cảm tưởng của ông về sư “ra đi” của quán cà phê Givral Sàigòn:

“À, đúng rồi, tôi đã ở Sàigòn, tôi là ký giả. Ngoại trừ khi tôi đã là Tổng thư kí của Việt Tấn Xã thì tôi không ra, mà còn là phóng viên tôi đi ra ngoài thường vẫn ngồi ở quán Givral và tôi nhớ rằng các anh em bạn, cũng là báo chí, hoặc là phóng viên hoặc là biên tâp viên thỉnh thoảng cũng ra ngồi ở đó, lấy tin tức rồi thì nói chuyện... Thế nhưng nó chỉ là một tòa nhà do người Pháp người ta xây ra từ thời xa xưa thì tôi nghĩ rằng bây giờ dân tộc nào muốn tiến bộ họ hủy bỏ cái gì mà cổ hũ mà không dính dáng tới vấn đề văn hóa, vấn đề gọi là ngưồn gốc của dân tộc Việt Nam, không dính dáng đến nơi thờ cúng tôn nghiêm của các tôn giáo, thì tôi cho rằng đặp bể cái cổ để xây cái mới là đúng…”

Những điều phát biểu của nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh nghe rất chân, không có những tình cảm vụn vặt riêng tư đan xen vào. Có lẽ là vì ông cũng không phải là người Sàigòn xưa chăng? Ông vốn dĩ người Bắc kỳ di cư vào Nam sau năm 1954.

Riêng cá nhân tôi, tôi đã sống ở Sàigòn, một thời sinh viên khá dài từ năm 1959 đến năm 1969. Tôi đã từng uống cà phê với các bạn bè ở các quán Imperial, quán Hân, quán Pagoda, quán Givral…và nhiều quán khác nữa. Phải nói những quán cà phê Sàigòn thuở ấy, thuở những năm 60-68, là những quán Càfé của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, hoa sĩ, nhạc sĩ, của giới trẻ, nhất là các cô cậu sinh viên, thanh niên nam nữ Sàigòn. Nhưng sau Coup Mậu Thân và sau khi cuộc thương thuyết ở Paris khai mạc, chiến tranh ác liệt hơn, lúc ấy các quán cà phê Sàigòn trở thành nơi săn tin lý tưởng về chính trị, văn hóa cũng như quân sự ở khắp các Vùng Chiến Thuật. Lúc ấy các nhà báo mới tràn vào các quán cà phê Sàigòn. Café Givral có một vài ưu điểm vì nó tọa lạc ngay trước tòa nhà Quốc Hội, như nó lúc nào cũng dòm vào Quốc Hội. Dù muốn hay không nó cũng nhuộm một chút màu sắc chính trị. Tất cả quán cà phê Sàigòn lúc ấy, chứ không riêng gì quán cà phê Givral, đều có một không khí lãng mạn, chan hòa một chút trăn trở về chiến tranh, băn khoăn về cuộc sống. Thỉnh thoảng những năm 60, những chú GI cũng vào uống Coffee ở các quán này. Nhưng sau cùng ở họ cũng trở lại các quán có sàn nhảy, tiếng kèn đồng nhạc Jazz và rượu Whisky như Moulin Rouge, Lido, Maxime, Côte d’Ivoire…có lẽ họ cảm thấy ở đó thích hợp với màu áo trận của họ hơn.

Vào những năm 60-68, với môt anh bạn ở cùng gát trọ, anh là sinh viên Cao Học Hành Chánh Khóa II, chúng tôi thường rủ nhau đi uống cà Givral vào những trưa hè. Với anh ấy, Givral là quán có máy lạnh tốt, nhạc êm dịu, anh ưa thích nhất. Ngồi trong quán Givral nhìn qua bên kia đường Tự Do, trước tòa nhà Quốc Hội, nắng trưa hè rung rinh như khối thủy tinh bốc khói. Những lúc ấy cầm lòng sao được, ai mà không nhớ đến “Nắng Thủy Tinh” của Trịnh Cộng Sơn. Có lúc vì ôn bài thi cuối năm mệt nhọc, sau khi uống tách cà phê Givral, nhờ có máy lạnh, tôi gục đầu ngủ dài ngay cạnh bàn cà phê Givral trong lúc đó anh bạn tôi miệt mài viết luận án Cao Học. Chính nơi cái bàn mà tôi thường ngủ gục ở đó, là nơi anh bạn tôi đã viết và hoàn tất luận án Cao Học Hành Chánh của anh.

Đến năm 1975 miền Nam ta mất. Anh bạn tôi bị bắt đi tù cải tạo ở Quảng Ninh. Năm 1979, vì chiến tranh biên giới với Trung Cộng, trại học tập của anh dời vể Nghệ Tĩnh. Tại đây anh bạn tôi đã qua đời vì ăn đói, thiếu dinh dưỡng và thận suy.

Sau hơn bốn mươi lăm năm lưu vong, bây giờ ngồi nghĩ về ngày 30/4/75, nghĩ về số phận quán café Givral hôm nay, và nghĩ về cái chết của anh bạn tôi trong trại học tập cải tạo, tôi thầm hỏi, có ai có những kỷ niệm ràng buộc với quán cà phê Givral Sàigòn một cách hạnh phúc, thần tiên, và đau đớn, như tôi không nhỉ? /.





VVM.08.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com