Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGƯỜI LÍNH THỔI KÈN Ở ĐỒN MANG CÁ



C hưa hết tháng giêng Huế lại chìm khuất trong những cơn mưa phùn. Mưa bay trắng xóa bên cầu Tràng Tiền.Mưa bay sang thành nội. Mưa trãi màu xam xám lên thành quách,cỏ cây vốn trầm mặc,rêu phong,cổ kính trong nỗi buồn của ngày,nay lại càng buồn hơn. Mưa không lớn,những hạt mưa chỉ vừa đủ làm ướt khóm tường vi trong vườn nhà,song kéo dài thê thê sang hết tháng này qua tháng khác. Thứ mưa rả rít không chỉ thấy trên dãi đất miền trung khô cằn mà còn là thứ mưa rất thơ,rất mộng,rất Huế.Còn nhớ,mới hôm trước tết tân mảo,nắng soi sói nhảy trên hàng cau đang trổ hoa,vậy mà trong chốc lát nước từ trên trời đổ xuống như trút.Mưa hết tháng này kéo qua tháng sau,nhẩm tính có đến hơn hai tháng chỉ thấy nước không là nước. Mưa nhiều đến nổi con sông Đông Ba hiền hòa chảy dưới cầu Gia Hội,bỗng thấy dâng nước lên cao làm ngập tràn đường phố rồi lấn hết vào nhà cửa.

Tôi đâu là dân Huế,sao nghe mưa lại thích được hít thở cái không khí trầm buồn đầy vẻ lãng mạn nơi này.Thích những buổi chiều lặng lẽ ngồi từ bên này sông nhìn qua bên kia sông,thương tà áo tím nữ sinh lượn bay trước sân trường Đồng Khánh.Thích được nép mình đi dưới mái hiên mưa,băng qua ngôi chợ vắng bóng mấy “ mệ “ áo dài thư thả ngồi lể từng con ốc ruốc,chuyện trò rôm rả sau gánh hàng rong,hướng về khu thương mại sầm uất gần đó.

Vô ý,trong lúc vội vã nhảy lên các bậc thang trơn trợt đầy bất trắc,tôi không kịp nhìn tới xung quanh,chừng chạm mặt với ông lão râu tóc bạc trắng đang trú mưa trước hiên ngoài,khiến tôi không khỏi giật mình ái ngại và lúng túng.

- Không thấy lạnh sao cậu em ? Ông lão quấn người trong chiếc áo mưa lính,nhìn tôi cười độ lượng,hỏi.

Chưa kịp chào lão,tôi đứng lặng người ra nhìn trân trối màu áo xanh bạc màu nơi chiếc áo mưa lính mà lão đang mặc.Chiếc áo gợi nhớ trong tôi thời gian cách nay hơn bốn mươi năm.Cũng vào một ngày mưa gió vần vũ,Ngữ đã lôi ra chiếc áo mưa giống y như vậy, che lên đầu cho hai đứa đi về nơi trú ngụ.Nói chỗ ở,nhưng thực chất Ngữ tạm chiếm dụng gian phòng vốn là nơi dành cho các buổi tập của đội kèn làm nhà.Chẳng vì thế,nhìn quanh chỉ thấy bày biện nhiều chiếc kèn to nhỏ khác nhau;còn lại gồm những sách vở,mùng màn,chăn chiếu,giày vớ,quần áo chưa giặt của Ngữ,tiện tay chỗ nào vất đại vào đấy.Trong vô số hổn độn làm mất vẻ thẩm mỹ ấy,tưởng Ngữ sẽ gây phiền lòng cho nhiều người,nhưng lạ thay chẳng thấy ai trách cứ anh điều gì;bởi ai cũng có gia đình để trở về xum họp mỗi tối.Hóa ra,sự có mặt của Ngử thường xuyên nơi đồn lính vừa mang ý nghĩa giúp đở cho đồng đội vừa tạo ra cơ hội để anh có chỗ ăn uống nghỉ ngơi.Nhờ vậy trong buổi tối tình cờ ghé về đây,chúng tôi đã có nơi để hàn huyên tâm sự suốt đêm.Mặc cho ngoài trời đang mưa gió bão bùng,bên trong bọn tôi tha hồ uống rượu,luận bàn về cuộc chiến tranh vô nghĩa,đồng thời xem Ngữ trổ tài trên chiếc kèn đồng của mình.Với khối kim loại cầm trên tay Ngữ,thoạt nhìn cứ tưởng nó là món đồ chơi trẻ con,nhưng khi chứng kiến việc anh khéo léo lấy hơi từ dưới thắt lưng lên miệng,bắt vật vô tri kia phát ra thứ âm thanh nghe buồn não nuột,bắt người nghe phải vô cùng xúc động.Xem Ngữ trình diễn,tôi chợt nhớ hình ảnh anh lính trẻ da màu ngồi trên ụ cát,thổi lên khúc kèn vĩnh biệt người bạn chiến đấu vừa hy sinh trong đoạn phim đã chiếu trên màn ảnh.Chiến tranh,tôi nghĩ tới thân phận của lớp người trẻ tuổi chúng tôi.Thứ tuổi trẻ mở mắt ra đã thấy bóng dáng tử thần bay lởn vởn trên đầu qua cuộc chiến tranh nồi da sáo thịt,trong đó diễn viên là tôi,là anh,là hết thảy người dân vô tội của hai miền Nam-Bắc,được các bậc thầy đạo diễn Nga,Mỹ,Tàu bày trò chơi bắn giết lẫn nhau,miễn sao họ thu về thật nhiều lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí.Sự thực phủ phàng xem ra ai cũng biết,nhưng một khi đã xòe tay nhận viện trợ thì họ có nói sai cũng phải cúi đầu nghe theo.

Buồn ! Hết nhìn lão tôi lại nhìn vào chiếc áo mưa lão đang mặc.Chiếc áo chỉ dành cho người lính chiến đấu ngoài mặt trận mới được cấp phát để có thể vừa che mưa vừa mặc thay áo ấm.

- Dạ ! Cháu cũng có lạnh đôi chút.Tôi đáp lại lời lão khi nhận ra mình đặc biệt có cảm tình với lão

Có lẽ đoán ra giọng nói của tôi không phải người từng sống ở đây nên lão hỏi:

- Cậu từ đâu ghé về đây ?

- Cháu ở trong kia ra.

- Tìm kiếm gì chăng ?

- Dạ ! Tìm một người bạn từ thời xa xưa.

- À ! Hắn sống ở đây ?

Chiều hôm qua vừa đặt chân đến Huế,tôi vội thuê xe phóng nhanh sang bên kia sông,hy vọng tạo ra sự bất ngờ cho lần gặp lại người bạn cũ một thời.Con đường trong trí tưởng gợi nhớ nơi tôi hình ảnh buổi chiều nhìn thủy triều tràn qua đập đá, làm ướt gót chân son thiếu nữ tha thướt bên chiếc áo dài trắng trên đường tan học về.Cung đường thơ mộng khiến bao trái tim si tình các chàng trai rung động ngâm lên “ áo em trắng quá nhìn không ra “.Tôi thật sự nhìn không ra nơi chốn mà nhà thơ đại diện cho dòng thơ mới ngày xưa từng viết “ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh “.Phải vất vả lắm tôi mới lần ra ngõ nhà Ngữ sau nhiều lần dò hỏi.Con ngõ ngày ấy chỉ vừa đủ cho chiếc xich lô đi qua;không ngờ hôm nay được mở rộng ra thành đường nhựa.Sự đổi thay cũng làm biến mất đi ngôi nhà rường meo mốc như lớp da nhăn nheo của mẹ trong lần bạn đưa về thăm nhà.Gian nhà xưa cũ,tọa lạc giữa khu vườn rộng mênh mông hoang tàn,đổ nát do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh đang diễn ra trên khắp đất nước.Mẹ Ngữ ra đón chúng tôi ngay bâc thềm nhà qua nét mặt lộ đầy vẻ lo lắng.Không lẽ bà nghĩ tôi chẳng đáng tin cậy,dù được giới thiệu là bạn bè thân thiết?Tưởng tôi sẽ buồn lòng qua cách cư xử của me nên Ngữ vôi ghé sát tai tôi nói nhỏ để thanh minh “ ở đây không an ninh nên mẹ sợ “.Sau khi ngó tới ngó lui để cảnh giác,mẹ hỏi.” Mô mà hai đứa lại về trể như ri.Thôi ! Có đói thì còn ít thức ăn cất trong gian tủ bếp,hai đứa ăn cho mau rồi về lại bên nớ cho sớm “.Tôi nhìn đồng hồ tay thấy mới bốn giờ chiều.Ra,Vỹ Dạ cách thành phố bên kia chỉ một con sông nhưng lại thuộc vùng xôi đậu.Tôi chợt hiểu vì sao trên nét mặt mẹ bạn không được vui khi thấy chúng tôi xuất hiện.Tôi òa vở trong sự ân hận và cảm thương cho bất kỳ người mẹ Việt Nam nào có con trai ở vào thời chiến như chúng tôi.

Phân vân trong vài giây tôi mới dám bạo miệng trả lời lão:

- Bốn mươi năm trước bạn cháu làm lính thổi kèn ở đồn Mang Cá.

- Mang Cá lớn hay Mang Cá nhỏ ? Lão hỏi.

- Vậy có tới hai đồn Mang Cá ư? Cháu chỉ nhớ lần đó bạn đưa cháu đi từ hướng cửa Thượng Tứ qua cầu Ngự Hà rồi về đến nơi.

- Chà ! Khó rồi.

- Có vấn đề chi hả ông ?

Ông lão hạ thấp giọng nói lấp lửng như cố tránh không muốn nhắc đến nơi ấy.Lạ ! Qua ánh mắt lão tôi linh cảm tới điều không hay mà lão đang cố dấu nơi lòng.Tôi cảm thấy bối rối,chưa biết phải nói cách nào để lão chịu nói ra điều lão biết.May sao,lão kịp nghĩ lại nên nhìn tôi thương hại,sau đó mới nói nhỏ cho tôi biết.

- Chỗ ấy không thể lai vảng đến vì đã trở thành doanh trại của . . .

Của ai,lão không nói ra mà bỏ lửng để tôi tự hiểu lấy.Sự thận trọng của lão giống như sự thận trọng của bất kỳ ai đã từng sống qua năm Mậu Thân ở Huế.Đó là sự trả thù man rợ không chỉ với kẻ thù mà còn nhắm vào số gia đình,bạn bè thân tình ngày trước không đi theo mình.

Biết lão là người sống ở Huế lâu đời,có nhiều chuyện để hỏi, tôi cố nài nĩ :

- Ông có thể ngồi lại cho cháu hỏi thăm đôi điều không ?

Được lão gật đầu nhận lời,lòng tôi mừng khắp khởi.Thế là một già một trẻ kéo nhau đi dưới cơn mưa lâm thâm không đủ làm ướt người,nhưng lão cứ khăng khăng cởi chiếc áo mưa đang mặc ra,che trên đầu cho cả hai cùng bước tới quán cà phê nằm ngay bên kia đường.Vô tình sộc vào mũi tôi một mùi lính tráng.Mùi mồ hôi trộn lẫn mùi chuột chết được biết đến từ những đôi vớ lính lâu ngày ngày chưa giặt.Đời lính gian nan cơ cực trên khắp bước đường hành quân vậy mà có mấy ai tránh khỏi số phận nghiệt ngã của mình.Cái số phận của người dân nước nhược tiểu,bị bắt làm bia đở đạn cho việc thử nghiệm các học thuyết hoặc để kiểm định sự chính xác cho các loại vũ khí giết người.

Đợi ông lão ngồi vào chỗ,tôi hỏi:

- Ông uống gì.Cà phê được không ?

- Trời lạnh quá ! Cho lão uống thứ gì nong nóng một chút.

Tôi gọi hai tách cà phê.Cà phê sữa dành cho lão còn đen cho tôi.Tội nghiệp! Trông lão càng hom hem hơn khi cởi bỏ chiếc áo mưa ra.Trong lúc chờ đợi thức uống mang tới,tôi hỏi thăm lão về gia cảnh.Lão buồn rầu cho biết: “ lão mất thằng con trai trong vụ tết Mậu Thân.Tính ra,nếu còn sống con lão giờ này cũng ngoài năm mươi.Nói tội tuổi trẻ các cậu chẳng vay gì từ đất nước,song lại phải trả một cái giá quá đắt cho cuộc chiến giữa người Việt với người Việt,qua sự dàn xếp xảo trá từ bọn lái súng,tay bắt mặt mừng,cụng ly kêu len ken được chiếu trên truyền hình cho thấy Mỹ, Trung Cộng ăn mừng việc ký kết hiệp định Genève,báo hiệu sự thảm bại nhìn thấy trước của miền Nam “.

Hai tách cà phê được cô gái mang tới đặt trước mặt tôi và lão.Mùi thơm cà phê bay theo làn khói trắng,tỏa hương nhẹ nhàng kích thích lên khứu giác tạo nên sự mê hoặc.Tôi nhìn lão,định bụng nói lời chào mời,nhưng đã kịp nhìn thấy hai giọt nước lăn trên lớp da nhăn nheo của lão.Thì ra,lão đang cố gắng ghìm người bên sự xúc động để khỏi phải văng tục trước sự giả trá ngày càng định hình rõ nét nơi cuộc đời.Đúng ! Không ai thương mình bằng chính dân tộc mình.Câu nói tưởng sống đến từng tuổi này lão đã quá rõ,không ngờ lại là mối bận tâm khiến lão luôn phải trăn trở;bởi trước đó nếu ai nói ra điều cấm kỵ ấy chưa chắc được yên thân.Vì thế lão vờ sống như thui chột trước vận mệnh đất nước,đợi một lúc nào đó mọi người sáng mắt ra.

Thấy lão cứ mãi trầm ngâm tôi lên tiếng nhắc:

- Ông uống đi kẻo nguội.

Chậm rải nâng tách cà phê lên đặt ngang miệng,thưởng thức chút hương vị ngọt,đắng,cay trên đầu lưỡi xong,lão khẽ khàng hỏi:

- Bạn cậu người miền nào ?

- Dạ ! Hắn là người Huế chính cống.

- Rứa,hắn phải có nhà ở đây ?

- Bạn cháu còn phải trong nom bà mẹ già sống bên kia sông.

- Vậy cậu đã thử về bên nớ tìm chưa ?

- Cháu dò hỏi mãi mới biết căn nhà bị tịch thu từ lâu,nay giao cho người khác vào ở.

Lão nhớ lại ngày dài nhất trong đời lão.Ngày Huế nhốn nháo,hoảng loạn như ong bị vở tổ khi,nhà nhà tranh nhau gom góp mớ tài sản riêng ra đi.Đi đâu,lão biết để làm gì,chỉ thấy quần áo lính tráng,vật dụng vất bỏ đầy trên mặt đường chạy giặc,trong lúc đâu đâu cũng vang dậy tiếng súng,tiếng đạn pháo gầm thét,tiếng rên la than khóc lấn át tiếng kinh cầu nguyện,tiếng chuông vẳng đến từ hàng trăm ngôi chùa trong thành phố.Máu,nước mắt một lần nữa lại đổ xuống trên vết thương chưa kịp lành miệng nơi gương mặt hiền hòa vốn có của người dân Huế.Chiến tranh ! Sự hủy diệt không chừa bất kỳ một ai một cái gì.Tin Quảng Trị thất thủ,mặt trận phía Nam từ núi Bông,La sơn,Phú Bài lần lượt bị đánh chiếm thì,chẳng bao lâu đồn Mang Cá dù có tử thủ cũng chẳng thể cầm cự lâu hơn.Lão đã tiên đoán điều đó khi chứng kiến đoàn người tay sách nách mang,chạy lui về phía biển Thuận An.Tình cờ qua số người tháo chạy,lão biết có một số binh sĩ đã mở chốt lựu đạn tự sát tập thể,trước khi để cho địch đánh chiếm đồn.Họ là ai ? Lão thầm cầu mong trong số những người lính trẻ đã hy sinh,không có người mà anh bạn trẻ ngồi trước mặt lão đây đang ra sức kiếm tìm.

Gạt đi sự lo lắng vừa thoáng nghĩ ra trong đầu,lão tìm ra câu hỏi mà trong thâm tâm lão sau này luôn thấy hối hận vì không kể lại sự thật.

- Cậu có nghĩ hắn bỏ đi đâu,lão dừng lại nghe ngóng trước khi nói tiếp, như vượt biên chẳng hạn ?

Tính Ngữ rất cực đoan.Quan niệm “ sống cái nhà già cái mồ “ luôn thể hiện trong phong cách sống riêng của mình,vậy thì anh có thể bỏ đi đâu cho được?Tôi nhớ đêm hai đứa ngồi uống cà phê ở một cái quán bên trong thành nội.Bão và nước lụt dâng lên tận mắt cá chân vậy mà bạn cứ khăng khăng đòi ngồi ở nơi mình đã quen.Gần bốn mươi năm sau,trở lại nơi này tôi vẫn nghe âm vang bên tai lời Ngữ nói: “ tuổi trẻ chúng ta chỉ có hai con đường để chọn.Một là trốn lên rừng đi theo phía bên kia.Hai là đi thứ lính nào đó,sống cho qua cuộc nội chiến tương tàn “này cái đã.Không ngờ,chỉ sau vài tháng Ngữ đã xin vào đội lính thổi kèn ở đồn Mang Cá,nhờ trước đây có thời gian học hành ở nhạc viện.Tôi không ngạc nhiên trước quyết định như vậy vì Ngữ còn có mẹ già cần được chăm sóc.

Nghĩ vậy tôi trả lời lão:

- Bạn cháu không đời nào chịu rời khỏi Huế..Anh là thanh niên sống có lý tưởng và yêu quê hương.

Câu nói của tôi không ngờ đã gây cho lão suy nghĩ đến nhăn cả nếp trán.

- Cháu có linh cảm rằng lão biết điều gì đó?

- Nhìn cậu tôi lại nhớ tới đứa con trai.

- Lão có con trai ?

Đưa tấm áo mưa màu lính về phía tôi,lão nói trong sự xúc động dạt dào nơi tình cha con :

- Đây là kỷ vật duy nhất của con lão để lại.Thằng nớ bị bịt mắt dẩn đi biệt tăm trong kỳ tết Mậu Thân năm nào.Đã nhiều năm trôi qua,hể nghe ai nói đến bất kỳ hố chôn tập thể nào được khai quật,lão cũng tìm tới để với hy vọng may ra tìm thấy tin tức về đứa con.Buồn.Càng hy vọng bao nhiêu sự tuyệt vọng càng nhiều hơn bấy nhiêu;bởi sau mỗi lần tìm kiếm trong vô vọng,tinh thần lão càng thêm hụt hẩng rồi suy sụp thêm.Tội nghiệp,hắn là đứa con trai mới lớn,chưa hề biết yêu ghét ai,chưa hề nếm trải cuộc đời nhưng đã bị đẩy vào lò lửa chiến tranh để cuối cùng phải trả giá.

Nghe tâm sự đau buồn nơi lão khiến tôi vô cùng bối rối.Sự thật,tuổi trẻ chúng tôi không được biết một chút về gì chiến tranh,bởi khi sinh ra đã nghe thấy tiếng bom đạn rền rĩ làm giật mình đến khóc thét trong tay mẹ.Lớn lên một chút lại chứng kiến bao sự mất mát từ những người anh,người chị,người cha,người chú ra đi mãi mãi không về.Vậy ai là người gây nên tội ác,ai đã đẩy hàng triệu triệu thanh niên vừa rời ghế nhà trường chưa bao lâu,cầm súng bắn vào người mà mình chẳng hề có sự thù hận hay quen biết ?Từ những câu hỏi luôn bị dằn vật trong đầu,lớp người trẻ tuổi khám phá ra thực tế phủ phàng rằng: khi nội chiến mấy chục năm kết thúc thì cả miền Nam lẫn miền Bắc đều là người bị thua cuộc,trong đó người chiến thắng không ai khác hơn Mỹ,Trung cộng và Liên Xô .

Đở lấy chiếc áo từ đôi tay gầy yếu rung rung nơi lão,tôi lên tiếng an ủi :

- Xin ông chớ buồn.Con người sống chết có số.Giống như bạn cháu,đến giờ này vẫn không có được chút tin tức nào.

Số mệnh ! Lão không tin chuyện một người kê súng bắn vào đầu không chết.Lão tin chiến tranh đã giết con lão,giết những đứa bạn của nó,giết một lớp người nghèo khổ,giết đám dân chúng quê mùa nông thôn;bởi họ ít học vấn,ít luôn cả tiền bạc.Ai chứ lão thừa hiểu sự bất công đó,song sự khôn ngoan không giúp lão có được nhiều tiền để lo cho con một chỗ yên thân.Càng nghĩ tới đứa con trai,lão càng thấy hối hận với nỗi đau dày xé trong lòng từng ngày.Lão buồn rầu ta thán:

- Ước chi lão được chết thay cho con lão.Già từng tuổi này còn giúp ích được gì cho xã hội, sống chi cho chật đất. Ôi ! Đáng lẽ lão chẳng nên nhiều chuyện kể lại việc đã xảy ra trong quá khứ,song cứ nhìn vẻ mặt đau khổ đầy sự lo lắng nơi cậu khiến lão đây bức xúc vô cùng.Thôi thì để lão thuật lại chuyện thất thủ ở đồn Mang Cá,do đám người chạy loạn đã từng kể lại với lão. Không rõ trong số người tự sát ở đồn Mang Cá hôm đó có người bạn mà cậu đang muốn tìm hay không ?

Qua chuyện kể,tôi hình dung ra từng ánh mắt kinh hoàng của đám vợ con lính tráng cùng với số thường dân vô tội,chen lấn,xô đẩy,dẫm đạp lên nhau chạy tán loạn dưới cơn mưa đạn pháo khi địch tấn công đồn.Máu,nước mắt,xác người thân,cha mẹ,anh em gục xuống trước những đôi mắt hồn nhiên tuổi thơ;bởi chúng đâu hiểu rằng bom đạn chẳng giống như thứ trò chơi chiến tranh mà chúng thường chơi trò rượt đuổi nhau.Và,bên sự nhốn nháo tột cùng nhìn thấy ở mọi người,tôi kịp nhận ra Ngữ qua hình ảnh người lính thổi kèn trong đêm mưa gió bão bùng ở đồn Mang Cá.Người bạn gan lì,từng có mặt trong hầu hết các cuộc đấu tranh của sinh viên chống lại sự bất công lẫn cuộc chiến tranh vô nghĩa đang kéo dài.Qua đó,việc có mặt của Ngữ cùng với sự tự sát tập thể của những người lính thà chết theo đồn,hơn là chịu đầu hàng giặc là hành động phi thường chỉ có nơi các vị thần.

Buồn.Tôi nhìn cơn mưa đang rơi lâm thâm từ phía bên ngoài.Bỗng dưng hai mắt tôi nhòe đi không còn trông thấy gì.Không biết tại mưa hay do những giọt nước làm mặn bên khóe mắt.Hốt nhiên,từng khuôn mặt trẻ trung nơi người lính hiện ra,tay người này nắm chặt tay người kia và ngẩn cao đầu cười ngạo nghễ bên quả lựu đạn được rút chốt sẳn sàng cho sự hy sinh. Ầm ! Tiếng nổ đủ nghe chói tai,đồng thời hất tung mọi thứ bay lên cao,trước khi thịt da,xương,tóc,máu đỏ bắn tung tóe ra khắp mặt đất.

Tôi hốt hoảng gọi tên người bạn. Ngữ./.






VVM.07.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com