Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


MÙA THU PHÍA TRƯỚC



T uyết rơi nhiều lần trong tháng mười hai.

Gần đến Noel, tuyết bớt dần. Lạnh se sắt, nhiệt độ hàng ngày khoảng tám độ âm. Những hàng cây rụng hết lá từ sau mùa thu, giờ bám đầy tuyết lóng lánh dưới ánh mặt trời trông như được trang trí bằng những bóng đèn nê ông. Cảnh đẹp và buồn. Nhưng dù lạnh hay không thì trời vẫn nắng. Khí hậu bang Colorado là vậy. Nhiều đêm tuyết rơi tầm tã, nhưng cả ngày hôm sau vẫn nắng tưng bừng. Tuyết bám trên các cành cây gặp nắng rụng lả tả. Khoảng ba, bốn giờ chiều là không còn tuyết bám trên cây nữa rồi. Chỉ còn tuyết đọng một lớp dày trên nền đất. Trên trời thì nắng, dưới đất thì tuyết. Cảnh vật trông là lạ.

Mấy hôm nay không thấy Thuỵ đến chơi. Không biết có chuyện gì không vì anh cũng rãnh. Những lúc có anh đến chúng tôi thường ngồi ở phòng khách gia đình ( nhà của người Mỹ bao giờ cũng có hai phòng khách, một phòng dành cho khách, và một phòng dành cho gia đình ). Ở đó nhìn ra vườn cây phía sau nhà, có mấy cây táo fugi của Nhật, và những loại cây không tên. Ở đó chúng tôi thường nói những chuyện ở quê nhà. Có hôm trên đường đi Thuỵ chứng kiến một ai nạn, trông anh có vẻ bị ám ảnh bởi chuyện chết chóc. Anh xin phép tôi hút một diếu thuốc lá, nhìn theo làn khói mơ màng, anh trầm tư:

-Sao lại có những cái chết thương tâm như thế nhỉ. Cuộc đời ngắn ngủi đến mức phi lý. Người mẹ chết, cô con gái ôm xác mẹ khóc nức nở. Đau lòng quá.

Tôi hiểu cảm giác của Thuỵ. Thời còn đứng lớp, đầu tiết học, gọi học sinh lên kiểm tra bài, tôi gọi một em vừa mới qua đời mà tôi không biết. Cả lớp ồ lên làm tôi ngơ ngác. Lớp trưởng nói:

-Thưa cô bạn ấy mất đêm hôm qua rồi ạ.

Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng tôi. Không tiện hỏi em học sinh mất vì lý do gì, tôi ngồi lặng đi giây lát rồi đứng dậy bắt đầu giảng bài. Giờ giải lao tại phòng nghỉ của giáo viên, tôi mới biết gia đình em ấy gặp nạn tối hôm qua. Cả nhà bị giết, em ấy bị nhiều vết thương nhất, có lẽ vì là thanh niên cường tráng nên em đã chống cự lại. Cả nhà bị xáo trộn lung tung đến nổi một hộp sữa bột mà cũng bị đổ ra. Kiểu như thủ phạm đã cố công tìm kiếm vật gì. Nhưng hai chiếc xe máy thì vẫn còn. Một vụ án đặc biệt mãi bao nhiêu năm sau vẫn không tìm ra thủ phạm.

Những giờ sau vào lớp, tôi thấy chỗ ngồi của em vẫn trống. Mặc dù em ngồi bàn thứ ba, nhưng vẫn không có em nào phía sau điền vào chỗ trống. Có hôm một học sinh nào đã để vào chỗ trống ấy một bó hoa. Một sự thương tiếc thầm lặng làm nhói lòng cả lớp. Hai năm sau, lại một vụ án nữa xảy ra tại thư viện trường. Nạn nhân là một cô giáo đảm trách công việc quản thủ thư viện, còn trẻ, chưa có gia đình, Vụ án xảy ra sau buổi tan trường của chiếu hôm trước, được phát hiện vào buổi sáng hôm sau. Cô quản thủ thư viện bị cột chặt vào ghế bằng dây ni lon – loại dây dùng để cột sách – trong tư thế ngồi. Miệng bị nhét giẻ, nhiếu vết thương trên người, và mắt bị đổ mực xanh, loại mực dùng để bơm bút máy ( những năm sau 1975 người ta còn dùng bút máy ). Có lẽ thủ phạm đã dùng mực để xoá đi hình ảnh của mình còn đọng lại trong mắt nạn nhân. Và bao nhiêu năm sau vụ án cũng đi vào chỗ bế tắt, không tìm ra thủ phạm. Thời đó chưa có camera như bây giờ nên việc điều tra vẫn không có manh mối. Những cái chết tức tưởi nhiều oan khuất lắng đọng trong lòng người nhiều thương xót. Ân oán đâu không biết, nhưng cứ nghĩ đến cảnh nạn nhân bị hành hình trên ghế cho đến chết, ai cũng thấy xót xa. Hình ảnh người mẹ khóc vật vã bên xác con vẫn ám ảnh tôi nhiều năm sau đó. Mỗi lần bước vào thư viện để mượn sách, lòng tôi lại thấy nhói đau. Và nhiều năm sau tôi vẫn không thể quên được.

Thời trẻ, Thuỵ làm trong một công ty máy tính. Anh về hưu được hai năm. Khác với tôi về hưu vào độ tuổi 55 theo quy định ở Việt Nam, người Mỹ về hưu trễ hơn, vào độ tuổi 65. Sau khi nghỉ hưu Thuỵ than buồn, chưa biết sẽ sử dụng thời gian trống như thế nào. Thuỵ lái xe giỏi, như để giết thì giờ anh lái xe một mình từ Colorado đến Washington, vừa đi vừa nghỉ ngơi chụp hình hết ba ngày. Anh rủ tôi đi nhưng tôi không đủ sức khoẻ để vượt qua một hành trình dài như vậy. Có hôm Thuỵ lái xe một mạch đến tiểu bang Texas mất cả ngày chỉ để ăn một món bún chả cá của một tiệm ăn Việt Nam ở Houston – thành phố đông người Việt tại tiều bang này. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, Thuỵ ngã về phe Dân chủ, tôi ngã về phe Cộng hoà. Hai chúng tôi cá cược với nhau. Nếu phe Dân chủ thắng, tôi sẽ phải đi với Thuỵ trong hành trình đến Texas bằng xe, ngược lại nếu phe Cộng hoà thắng, Thuỵ sẽ dịch cho tôi mười truyện ngắn từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Kết cục thì phe Dân chủ thắng. Cả gia đình tôi hơi buồn. Tôi thì mắc nợ cá cược với Thuỵ nhưng còn hẹn, chưa muốn đi Texas. Biết tôi ngại, Thuỵ nói:

-Không sao. Mình xoá nợ cho Miên. Nếu Miên thích thì đi, không thích thì thôi.

Tính Thuỵ là vậy, không cố chấp điều gì. Cuộc sống lăn lóc tạo cho anh một thói quen dễ chấp nhận mọi chuyện. Anh đến nước Mỹ với hai bàn tay trắng, từ khi mới ngoài hai mươi. Sau 1975, cha anh – một công chức Bưu điện hiền lành bị mất việc, má anh cả đời chỉ biết làm một người nội trợ bỗng trở thành một bà bán quần áo cũ ngoài chợ trời. Ba anh cả đời chỉ biết ngồi bàn giấy giờ trở thành người chạy xe ôm. Nhà tám miệng ăn. Thuỵ là con đầu, ba cô em gái kế nhau và hai em trai út. Dốc hết gia tài cũng chỉ đủ lo cho ba người đi vượt biên, ba má Thuỵ ưu tiên cho Thuỵ và hai em trai út đi. Cho con trai đi cũng một phần do má Thuỵ lo gặp hải tặc, là con trai chắc không đến nổi nào. Trong chuyến tập kết ở một vùng biển xa nhà, do đêm tối trời, Thuỵ lạc mất hai em. Cuối cùng anh bị bỏ lại và hai đứa em lại lên tàu trước. Nguyên nhân trong lúc lộn xộn có nguy cơ chuyến đi bị lộ, chiếc tàu nhổ neo bỏ chạy. Thuỵ trốn chui trốn nhũi và tìm cách về nhà. Hôm sau mới biết hai em Thành và Tuấn đã đi thoát.

Cả nhà rất lo, vì Thành mới mười một tuổi, Tuấn lên chín. Thành vóc dáng gầy còm, ốm yếu. Tuấn ít tuổi hơn nhưng sức vóc có hơn anh. Trên tàu lại không quen biết ai. Má Thuỵ khóc. Ba Thuỵ nói:

-Thôi thì chuyện cũng lỡ rồi, có ai muốn như vậy đâu. Bây giờ lo cho Thuỵ đi chuyến sau. Ơn Trời Phật qua Mỹ anh em chúng nó lại gặp nhau thôi.

Chuyến đi đó là một chuyến đi thật sự gian nan. Khi tàu nhổ neo bỏ chạy hai đứa bé hoảng hồn khi thấy anh trai không có mặt. Cả hai đứa bé đều khóc và bị người lớn nạt nộ vì sợ tiếng khóc làm lộ chuyện. Hai đứa ngơ ngác nhìn quanh, thấy những đứa trẻ khác có nhiều đứa nhỏ hơn mình, nhưng đều có cha mẹ hoặc anh chị đi theo. Mấy ngày chiếc tàu lênh đênh giữa khơi xa như một chiếc lá nhỏ xíu giữa đại dương mênh mông, hai đứa bé bị say sóng, nằm li bì không ăn uống gì được. Đáng ngại nhất là Thành, em gần như mê man không biết gì. Ai lo phần nấy, chẳng ai đoái hoài gì đến hai đứa bé lạc loài. Tuấn có đỡ hơn, khi đói quá em xin được gói mì tôm bẻ ra gọi anh dậy ăn, nhưng Thành ỉu xìu không ngồi dậy nổi. Đến ngày thứ ba thì tàu chết máy, bắt đầu trôi vô định. Những người phụ nữ trên tàu bắt đầu khóc. Có người lâm râm cầu nguyện. Nhóm đàn ông ra sức sửa máy, nhóm khác tụm nhau bàn bạc. Có người lấy áo tẩm dầu đốt treo trên nóc ca bin mong tàu lớn chạy qua nhìn thấy. Cuối ngày có chiếc tàu Malaysia chạy qua, mọi người ra sức kêu cứu và chiếc tàu chết máy đã may mắn dược kéo vào bờ.

Tàu neo đậu cách bờ một khoảng ngắn. Mọi người lục tục lên bờ. Hai đứa bé vẫn nằm thiêm thiếp. Lúc này Tuấn mơ màng biết chuyện nhưng em vẫn không ngồi dậy nổi. Thành thì vẫn không biết gì. Khi mọi người đã lên hết trên bãi, có người chợt nhớ đến hai đứa bé còn nằm lại trên tàu. Họ cử hai người đàn ông khoẻ mạnh lên tàu, một người cõng Thành lên vai, một người xốc nách dìu Tuấn đi. Lên được đất liền, hai anh em lần hồi lại sức và cuối cùng cũng qua cơn nguy kịch.

Vào nước Mỹ, hai đứa bé bơ vơ không bà con thân thích nên được đưa vào cô nhi viện. Hai đứa bé khác tiếng nói, khác màu da, trở thành đối tượng cho thói ma cũ ăn hiếp ma mới. Chúng bị bọn con nít da trắng cho ăn đòn nhiều trận. Thành và Tuấn ngồi nghĩ cách không thể để mình bị ăn đòn mãi được. Và hai anh em đợi đêm khuya bọn chúng ngủ say dùng cây đánh trả. Sau nhiều lần ẩu đả nhau kịch liệt, giám thị cô nhi viện dẹp mãi không được bèn dàn xếp cho hai anh em Thành và Tuấn làm con nuôi của một gia đình người Mỹ. Gia đình này đã có hai con trai cũng ngang ngữa tuổi với Thành và Tuấn, nhưng họ vẫn mở vòng tay nhận thêm hai đứa bé người Việt. Cha mẹ nuôi đối xử với Thành và Tuấn rất tốt nhưng hai đứa con trai của họ thì vẫn hục hặc với với hai thành viên lạ mới nhập gia. Bốn đứa trẻ lại chia thành hai phe ầu đã nhau dữ dội. Dẹp mãi không được nạn đánh nhau sứt đầu mẻ trán của mấy nhóc tì, cha mẹ nuôi của Thành và Tuấn đành gửi hai anh em cho một vị mục sư nuôi dưỡng. Đó là mục sư Alex, ông sống độc thân, nuôi hai đứa bé ăn học tử tế. Cuộc sống của hai anh em tạm ổn từ đó.

Sau chuyến đi lạc mất hai em, số Thuỵ long đong lở vở hai chuyến đi nữa. Đến chuyến thứ ba mới lọt. Anh vào nước Mỹ sau hai em ba năm. Ngay sau khi hai đứa trẻ rời khỏi nhà cha mẹ nuôi, vị mục sư – qua trí nhớ của Thành – đã lần hồi tìm được địa chỉ và liên lạc được với gia đình Thuỵ báo tin đang nuôi dưỡng Thành và Tuấn. Nhờ đó khi ở trại tạm cư, Thuỵ được chấp nhận vào nước Mỹ và gặp lại hai em. Khi gặp lại nhau, cả ba anh em ôm nhau khóc ròng. Thuỵ để cho bọn nhỏ lựa chọn, hoặc tiếp tục sống với mục sư Alex, hoặc sống với anh. Mặc dù rất quý mến vị cha nuôi là mục sư, nhưng hai đứa trẻ vẫn theo về sống với Thuỵ.

Sau niềm vui đoàn tụ là những ngày tháng Thuỵ lăn xả vào chuyện mưu sinh. Mục sư Alex cũng nhiệt tình giúp đỡ ba anh em từ việc ổn định chỗ ở, cho đến việc chuyển trường cho hai đứa bè, và giúp Thuỵ tìm việc. Anh làm hai job. Một job từ sáng sớm cho đến ba giờ chiều. Một job từ bốn giờ chiều cho đến mười giờ đêm. Gần nửa đêm anh về thì hai đứa trẻ đã ngủ. Buổi sáng anh dậy thật sớm, lao vào bếp nấu nướng thức ăn cả ngày cho hai đứa nhỏ, gọi chúng dậy ăn uống rồi tự đi học bằng xe buýt. Anh vội vã lái xe đi làm trước cho kịp giờ. Ba giờ chiều mấy đứa nhỏ tự về nhà bằng xe buýt và tự ăn uống, học bài. Cũng may là Thành và Tuấn đều ngoan và chăm học. Thuỵ chỉ phải lo kiếm tiền, phần nuôi em, phần lo gửi về nhà cho cha mẹ. Đôi khi nhận được thư cha mẹ nhắc đến chuyện học hành, Thuỵ thở dài vì thấy khó mà theo đuổi được việc học lúc này. Chàng trai ngoài hai mươi tuổi nhiều lúc cảm thấy không đủ thời gian để thở nữa nói gì đến chuyện học hành. Nhưng Thuỵ tự hứa với mình khi nào lo cho các em học hành thành tài xong anh sẽ đi học lại.

Chín năm sau, khi cả hai em đã ra trường, Thuỵ mới lao vào chuyện học hành, lúc bấy giờ anh đã ngoài 30 tuổi. Chương trình tin học anh đã học ở Việt Nam ba năm trước ngày vượt biên, nên anh tiếp thu cũng dễ dàng. Ba năm sau anh đã lấy xong các tín chỉ đại học. Học thêm hai năm Cao học nữa Thuỵ tròn 36 tuổi. Ở tuổi đó mới ra trường rất khó tìm việc làm ở xứ này, nhưng nhờ bằng cấp của anh là loại giỏi nên anh cũng có một chỗ làm thu nhập tạm ổn. Thành và Tuấn lần lượt mua nhà ở riêng như hầu hết giới trẻ ở Mỹ. Thuỵ lại sống một mình. Ba má Thuỵ sang thăm con mấy lần, nhưng không thích sống ở Mỹ nên họ chỉ qua rồi về. Họ khuyên Thuỵ lập gia đình vì anh cũng đã lớn tuổi. Đến lúc Thuỵ nghĩ đến cuộc sống riêng tư thì anh cũng đã đi được một nửa cuộc đời. Ở tuổi này mọi khao khát về một mái ấm bỗng chựng lại, nếu không vì ba mẹ thúc giục thì Thuỵ đã không lập gia đình. Một phần vì Thuỵ trầm tính, ít giao tiếp nên ít quen biết với người khác phái. Thời phổ thông tôi học cùng lớp với Thuỵ nên rành tính anh. Thuỵ chỉ biết cắm đầu học, ít tham gia những cuộc vui tập thể nên bị lớp đặt cho biệt danh “ con mọt sách.”Trong lớp có một bạn nữ tên Yên Chi tính cách cũng na ná như Thuỵ. Vì vậy mà Thuỵ và Yên Chi bị ghép làm một cặp. Cả lớp hay chọc quê cặp này: “ Mọt sách chồng, cộng mọt sách vợ sẽ ra mọt sách con”.

Bị ghép với Yên Chi, tôi biết Thuỵ không thích nhưng không phản đối ầm ỉ. Yên Chi không đẹp, khuôn mặt bạn không có nét nào thu hút người khác phái, lại cao quá khổ. Thời đó con gái cao quá không phải là ưu điểm như bây giờ, vì vậy Yên Chi thường hay mặc cảm. Có lẽ vì bạn hay cúi xuống cho thấp bớt, lâu ngày thành thói quen nên lưng hơi còng. Tính Yên Chi hiền, mặc cho bạn bẻ đùa cợt, Chi không quan tâm. Kết thúc lớp mười hai phổ thông, bạn bè tan tác mỗi đứa mỗi ngả. Thuỵ đậu Bách khoa, nghành máy tính. Yên Chi đậu vào trường Y. Khi Thuỵ đi vượt biên anh đang học năm thứ ba. Tôi và Thuỵ mất liên lạc với nhau từ đó.

Mấy chục năm sau, tôi lại tình cờ gặp Thuỵ tại nước Mỹ. Trong dịp tết Nguyên đán, tôi đến thăm người chị ruột tại thành phố Houston – nơi có đông người Việt sinh sống thứ hai, sau California. Năm đó Houston tổ chúc hội chợ tưng bừng, không khí khá nhộn nhịp, Người Việt xa xứ vì thế thấy đỡ nhớ không khí tết tại quê nhà. Cũng có hoa, có quất, có xổ số Lô tô với nhiều giải thưởng lớn. Đang chen lấn trong hội trường, tôi tình cờ đụng vào một người đàn ông đi ngược chiều, tôi ngước lên nhìn anh và chúng tôi nhận ra nhau trong niềm vui vỡ oà. Thì ra đó là Thuỵ. Anh đang đi công tác một tuần tại đây. Một điều vui nữa là chúng tôi được biết mình ở cùng tiểu bang Colorado. Những năm tháng đó Thuỵ đã ly hôn chỉ sau năm năm chung sống ngắn ngủi. Vợ Thuỵ cũng là người Việt, quen Thuỵ qua trung gian một người em họ. Hai người có với nhau một đứa con trai, thằng bé sống với mẹ.

Tính từ khi ly hôn đến khi Thuỵ gặp lại tôi cũng đã qua mười lăm năm, Thuỵ vẫn sống một mình. Lo cho các em yên bề gia thất xong Thuỵ thấy nhẹ gánh. Thành và Tuấn, các em Thuỵ đều có vợ con, các cháu cũng lớn. Từ đó Thuỵ sống như một lãng tử, nhất là sau khi về hưu, nay đây mai đó.

Thấy khất mãi cũng không tiện, tôi đồng ý đi Houston với Thuỵ bằng xe hơi, để trả cái nợ đã thua trong lần cá cược. Thuỵ dặn tôi mặc gọn nhẹ, mang giầy thể thao, Trên đường đi từ Colorado đến Houston sẽ có những điểm dừng xe vào rừng leo núi. Chúng tôi khởi hành vào lúc chín giờ sáng. Trời tháng mười hơi se lạnh nhưng nắng vàng rất đẹp. Colorado đang mùa Thu, lá chưa vàng lắm nhưng đã bắt đầu đổi màu. Trên những đọt cây phong đã bắt đầu hoe hoe đỏ. Xe chạy qua những cánh đồng hoa vàng bát ngát. Thuỵ nói đây là một loại cây người ta trồng để ép dầu. Khoảng ba giờ chiều thì đến vùng đồi núi ven đường. Thuỵ nói:

-Giờ thì bọn mình đổ bộ vào rừng.

Cảm thấy hơi lạnh, tôi khoác thêm một chiếc áo gió. Thuỵ nòi:

-Leo núi một lát sẽ toát mồ hôi ra đấy. Rồi Miên sẽ thấy chuyến đi này không tệ đâu.

Rừng có rất nhiều thông, reo vi vút trong gió chiều. Thuỵ đi nhanh nên thỉnh thoảng lại đứng chờ. Đúng như Thuỵ nói, tôi bắt đầu thấy nóng vì vận động nhiều. Anh nói:

-Ráng chút nữa sẽ đến một dòng suối đá. Tha hồ ngồi nghỉ.

-Rừng này có nai không Thuỵ?

-Lát nữa đến suối cậu sẽ thấy có rất nhiều nai.

Khoảng mười lăm phút sau tôi đã thoáng nghe có tiếng róc rách. Mười phút sau chúng tôi đã thấy dòng suồi trước mặt. Suối không to lắm nhưng nhiều ghềnh đá. Ném cho tôi chai nước,Thuỵ nhìn quanh và nói:

-Nai kìa Miên.

Theo tay chỉ của Thuỵ tôi thấy một đàn nai vàng óng khoảng trên mười con, đang gặm cỏ. Chưa bao giờ tôi thấy nai nhiều đến thế. Vườn nhà tôi nhiều nhất là sóc, nai thì lâu lâu mới có một con đi lạc vào vườn. Thuỵ nòi:

-Nai thích sống gần suối, vì có nước. Những con có sừng là con đực, con cái không có sừng.

Thượng đế cũng thật tinh tế khi sáng tạo muôn loài. Nai đực có sừng để chiến đấu chống lại kẻ thù, bào vệ bầy đàn. Nai vốn hiền lành, thấy tôi và Thuỵ chúng vẫn bình thản gặm cỏ, không có dấu hiệu sợ sệt nào. Thuỵ nói:

-Ở nước Mỹ này muông thú đều hiền lành và không sợ con người. Vì con người không sát hại chúng. Nếu như ở Việt Nam thì đàn nai kia ít nhất cũng có vài con vào nhà hàng năm sao rồi.

Nắng vẫn vàng hoe nhưng gió đã nhiều hơn. Những ngọn thông ngã nghiêng theo chiều gió. Ngồi yên một chỗ tôi lại bắt đầu thấy lạnh. Thuỵ hỏi:

-Mỗi lần về Việt Nam cậu có gặp đầy đủ các bạn cùng lớp không?

-Làm sao mà đầy đủ được hả Thuỵ. Mấy mươi năm rồi, đã tan tác hết rồi. Chỉ còn khoảng bày đứa còn ở Sài Gòn.

-Bây giờ Yên Chi ở đâu?

Tôi trêu Thuỵ:

-Vẫn còn nhớ Yên Chi cơ đấy. “ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”

Thuỵ nhìn tôi, cái nhìn rất lạ gieo vào lòng tôi một thoáng xao xuyến:

-Nếu nói “ Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy…” thì phải nói mình lưu luyến người khác cơ, đâu phải Yên Chi.

Tôi giả vờ tỉnh bơ:

-Ai mà biết được. Chỉ có Thuỵ biết thôi đấy.

-Rồi sẽ có lúc Miên biết thôi.

Thấy tôi lạnh, Thuỵ lấy áo khoác của mình khoác vào vai tôi:

Miên có nhớ câu ca dao bọn mình học hồi lớp mười không nhỉ. “ Yêu nhau cởi áo cho nhau” ấy.

Tôi không trả lời. Một luồng hơi ấm từ áo Thuỵ len vào người tôi. Cả hai chúng tôi đều bơ vơ ở tuổi xế chiều, Nhiều lúc cô đơn quá tôi cũng thoáng nghĩ đến một bờ vai vững chãi của ai đó để tựa vào. Nhân sinh trên trái đất này có đến mấy tỷ người, nhưng để tìm được một người hiểu mình đâu phải chuyện dễ. Chắc Thuỵ cũng vậy. Long đong mãi đên tuổi về hưu ngó trước ngó sau cũng chỉ một mình. Thời gian qua rất nhanh, thoáng chốc đã đến tuổi già – một tuổi già cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Chúng tôi xuống núi. Buổi chiều thật yên tĩnh. Chỉ có những cành cây khô dòn gãy dưới bước chân. Rừng thông vi vút gọi. Mùa Thu đang ở phía trước.





VVM.18.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com