Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ĐỐT SÁCH




K hi con tầu cập bến, đọc hàng chữ trương trên cầu cảng, ông giải thích: Beppu, ngữ nghĩa là biệt phủ, nơi xưa tập trung các phủ đệ lãnh chúa quốc đảo Đông Bắc Á này. Gia đình tôi và ông tháng 9 năm 2017 có chuyến sang dự lễ tốt nghiệp của con gái nhà ông và con gái nhà tôi, du học ở thành phố chót vót phía Nam Nhật Bản.

Tôi ngạc nhiên về kiến học của ông. Bởi trên đất khách, nhìn chữ nào phô giăng, ông đều tò mò ngó, đọc và giải thích ngữ nghĩa cho hai gái, chúng vốn du học ở đây bốn năm trời, lại sắp là tân cử nhân, mà hiểu biết lõm bõm ngữ nghĩa gốc chữ Hán. Ví như khi đến khách sạn thuộc khu du lịch suối khoáng nổi tiếng Beppu, ông giải thích, tên ấy có nghĩa là: cây Tùng bên giếng nước. Trong chuyến đi, khi hai nhà chúng tôi trở nên thân tình, ông kể câu chuyện về gia đình lớn của mình và tôi hiểu phần nào ông lại biết những chữ tượng hình thuộc diện cổ xưa. Ông gốc gác nho gia, tên Công, nhân vật xưng tôi, trong câu chuyện tôi ghi chép lại sau đây.

♣ ♣  


Ánh lửa rực đỏ, sáng rọi khoảng sân rộng. Lửa hồng, tàn tro bay phất phới. Từng trang, từng cuốn, cả đống sách bị xé bỏ, tung hê vào lửa. Lửa xem xém cháy, khói bốc cuồn cuộn, mỗi khi gió ào ập qua, tàn than theo nhau cuốn bốc, cuồn cuốn cuộn tròn, hồng hồng, rừng rực bốc lên.

Lũ tí nhau - tôi và dăm đứa trẻ trong xóm ngõ khoái trá, xé xoàn xoạt những trang giấy, đua nhau tung vào đống lửa: giấy dó, chữ nho... chúng cháy nhá. Hò reo, chúng tôi cầng cẫng nhảy nhót, tham gia cuộc chơi đốt xé sách.

Tôi đâu biết, đang đốt, xé bỏ tri thức, nền học vấn của tổ tông, ông cha mình, bao đời, bao công sức nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, đúc rút, để rồi trở thành thứ trò chơi xé đốt của lũ trẻ khờ dại, mông muội. Lúc ấy, ông nội tôi, một thầy đồ kiêm thầy lang, đứng lặng góc sân, trân trân ngó nhìn cảnh đốt xé chữ nghĩa Thánh Hiền. Sau này lớn, đọc sách, tôi thoáng so sánh, có giống chăng Tần Thủy Hoàng xưa từng đốt sách, giết nho gia? Tối muộn trước hôm đốt sách, không khí trong nhà vẻ khác lạ. Khuya rồi, chưa ngủ, nằm yên, tôi vụng trộm quan sát, lắng nghe chuyện việc của người lớn. Ông nội thắp nén nhang lên ban thờ, lầm rầm khấn lạy, tiếp đấy cha con ông - ông nội và cha tôi, chụm đầu thì thầm, rồi ông nội trao cho cha tôi vật gì đó, hình như là chiếc tráp, vật bất ly thân của ông. Cha tôi đón lấy và bước nhanh ra sân, thoáng chút vườn sau có tiếng đào xới lục cục. Tôi chả kiên nhẫn nghe, xem tiếp việc của người lớn, giấc ngủ ùa ập tới.

Chiều muộn hôm sau, thấy cha tôi lịch bịch bê hết sách vở ra sân. Trước đó, ông nội tần ngần ngắm nghía từng cuốn, cầm lên, đặt xuống và tôi thấy thật buồn cười, ông như làm động tác ly biệt sách, sau rồi thất thần đặt chúng xuống nền nhà. Cha tôi lần lượt bê ra sân, xếp thành những chồng, những dãy. Lạ lùng quá, lâu nay, những cuốn sách ông nội quý chúng như vàng, ngay cả tôi đứa cháu trai độc, chỉ được ngó nhìn, chưa một lần rờ tay vào chúng. Ông nội từng bảo tôi, sẽ dạy, lớn lên sẽ chuyền chúng cho tôi:

- Quý gấp trăm, gấp nghìn lần vàng bạc nhá - ông từng nói thế.

Đứa trẻ lên sáu là tôi, có biết vàng bạc là gì đâu. Bà nội tôi hay kể: "Cái đận Tây càn, mọi người khuân vác của nả - mâm, nồi đồng chạy giặc, còn ông mày cứ luật quật ôm tay nải sách, chạy giặc". Ông nội tôi trân trọng, giữ gìn, yêu quý sách như con ngươi của mắt mình. Những cuốn sách, như ông rỉ rả bảo tôi, thằng cháu nội mới tí tuổi đầu, sách của cụ nội, kỵ nội tôi để lại đó, tri thức của người xưa. Cụ, kỵ tôi từng lều trõng vào kinh đô Huế, như cụ nội, đậu cử nhân, được bổ làm quan. Tôi nghe, chả hiểu tri thức, trí thức là gì.

Nhìn những trang sách cháy rừng rực, chúng tôi - lũ trẻ nhảy múa, hò hét. Bất ngờ nghe tiếng hét và ánh mắt sắc lạnh của cha tôi, nó tóe lửa, uất hận. Đang nhảy câng cẫng, tôi chưng hửng, vội nem nép lỉnh vào trong nhà, lũ trẻ hàng xóm cũng vội vàng giải tán. Không nén nổi lòng, tôi vẫn còn tiếc nuối cuộc chơi đốt sách, lén ngó ra sân: những trang sách cuối cùng đang dang dở cháy. Ánh lửa sót lại, hắt chiếu vào ông nội tôi đang đứng góc sân, dáng ông như pho tượng đồng... câm lặng. Tối tiếp sau nữa, những bức đại tự, hoàng phi, câu đối, do chính tay cha tôi hạ xuống, bê vác ra sân, xếp và tự tay châm lửa đốt. Sao ánh lửa đốt sách, đốt câu đối, đại tự, cứ thấp thó, ám ảnh mãi trong tôi. Ngoài kỷ niệm ấy, ký ức nữa của tuổi thơ tôi không quên, ấy là buổi đi xem bắn người, nó diễn ra trước buổi đốt sách của nhà tôi dăm, ba tuần.  

♣ ♣  


Người lớn trong nhà - ông nội, bố mẹ tôi đâu hững hờ trước các cuộc đấu tố đang sôi sục diễn ra trong làng. Bữa ấy tôi thấy ông nội trầm ngâm, ngồi trên cỗ sập gụ, trước ấm trà, chép miệng:

- Thời với buổi!

Nghe, tôi hóng hớt hỏi:

- Thời buổi là gì hả ông?

Không thấy ông trả lời, chỉ thoáng thở dài thôi. Ký ức xem cuộc bắn người của tôi là bữa đấu tố một ông già trong làng. Ông nội và cha tôi đâu tham gia, trước đó thấy cả hai người trùm chăn, nằm trên giường, mẹ tôi rong ra vào trước ngõ, như là đánh tiếng với hàng xóm, nhà có người ốm.

Làng xóm tưng bừng, cờ rong trống gõ, tiếng loa tay ý ớ vang vọng xóm ngõ, lũ tí nhau háo hứng quét dọn dọc đường làng. Không khí thật tưng bừng, chuẩn bị cho cuộc đấu tố địa chủ. Ông già bị trói ghì cánh khuỷu, du kích kè kè hai bên, theo sau là rồng rắn con cháu nhà ông ta - một dãy dây dài dúm dó, sợ hãi, cập rập bước.

Dân từ mấy làng lũ lượt kéo tới. Nơi diễn ra cuộc đấu, người đông ngàn ngạt, ngay trên cánh bãi áp đê, cuối làng, vừa thu hoạch vụ ngô xong xuôi. Tôi ngồi áp cạnh mẹ. Mở màn trận đấu, mấy người lớn nói năng gì đó, rồi đồng loạt những cánh tay của già trẻ, lớn bé đồng loạt vung lên. Mọi người quen nghi thức rồi, nó là cuộc đấu thứ ba, hai kẻ trước đều bị bắn rồi. Thấy mọi người hô, mọi người vung tay chân, tôi cũng khoái trá, bắt chước theo:

- Đả đảo! Đả đảo!...

Mở đầu cuộc đấu vui và thật lạ mắt, tôi háo hức ngó xem và buồn cười con mẹ dở điên dại kia - cả làng biết, mỗi khi mụ ta qua xóm tôi, bọn trẻ nhua nhúa bám theo. Mụ này nhảy tênh tếch, chỉ trỏ vào mặt ông già, rồi vỗ đành đạch vào háng mình. Lũ trẻ thấy vậy, rũ ra cười, người lớn quát liền, cấm cười. Tiếp đấy cuộc đấu tố bắt đầu kinh hãi. Một bà già tôi chưa từng gắp bao giờ, chắc người làng bên, mặc váy thâm rách, bà ta nói gì đó, rồi sau gào lên khóc, tay xỉa xói vào mặt ông già. Kế đó một ông xấn xổ nhảy ra, ông này mình trần, đóng khố, giọng oang oang, mặt đỏ tía như da gà chọi, quát chửi hăng hái. Ơ kìa, ông ta thình lình thẳng tay giáng vào mặt ông già cái tát trời giáng và rồi sau đó, mỗi câu quát, ông già bị đấu xơi luôn cái tát. Kinh nhất là cảnh ông ta túm ngay chỏm râu cằm bạc phơ phơ của ông già, lúc đó mặt mũi ông già chuyển sang màu tím tái, miệng mũi nhoe nhét máu...

Tôi sợ hãi, vùi ngay mặt vào ngực mẹ, không dám xem tiếp nữa và i ỉ khóc, bắt kì được mẹ phải cõng tôi về nhà. Chỉ hay rằng, ngay chập choạng ấy, ông già kia bị đem ra xử bắn. Nhà tôi đốt tiệt mọi thứ, ông nội vẫn đâu thoát cuộc đấu tố. Nhà không ruộng đất, chỉ nghề cắt thuốc và chân đồ nho, ông vẫn bị lôi ra đấu tố. "Trí, sĩ, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" - đứa trẻ sáu tuổi như tôi, bập bẹ đọc hàng chữ viết ngệch ngoạc bằng vôi, dọc bên đường làng.

Cuộc đấu tố ông tôi, còn nhỏ tuổi, tôi chỉ nhớ láng máng rằng, họ kéo tới - các ông đội và các ông bà nông dân. Cả nhà tôi, gồm ông bà, bố mẹ và tôi kéo nhau ra quỳ mọp trước sân. Ông đội giơ ra tờ giấy gì đó, đọc xong, họ ùa ùa xốc vào nhà tôi. Quỳ ngoài sân, liếc vào trong nhà, thấy các ông bà nông dân nháo nhào vơ vét, nhặt nhạnh mọi thứ của cải, đồ đạc nhà tôi. Bất chợt, thấy ông đội xộc ra, quát thẳng vào mặt ông nội tôi:

- Vàng để đâu?

Ông nội và cha tôi sợ hãi, lắc, lắc đầu. Một cái tát trời giáng vào mặt ông nội tôi, tức cái mặt ông già bước qua tuổi thất tuần. Đó cũng là cái tát đầu tiên, sau này ông tôi còn lĩnh thêm nhiều, nhiều cái nữa, cả thụi, đấm, đạp túi bụi, đến mức ông nội tôi bị rời rụng ra chiếc răng cửa. Tát ông nội tôi xong, ông đội quay vào hò hét các ông bà nông dân:

- Lục xoát, kể cả đào bới tung lên. Vàng ấy. Lão khọm già này, bao năm bóc lột, sẽ đầy vàng bạc!

Và thế là các ông bà nông dân lục lọi, đào xới tung cả nền nhà tôi lên và còn kéo nhau ra vườn hì hục cuốc, thuốn tiếp. Họ hậm hực, chả thấy tí vàng bạc nào. Chúng tôi bị đuổi ngay khỏi nhà. Vài ngày sau đến lân ông nội tôi bị đem ra đấu. Biết vụ hôm trước rồi, buổi đấu ông nội mình, tôi vùi mặt vào ngực mẹ, không dám xem cảnh ấy, chỉ nghe bà tôi và mẹ thút thít khóc. Sau mỗi tiếng bốp bốp, chát chát là bà tôi rên rỉ lên:

- Sao đánh ông ấy thế. Ông ấy già rồi. Con lạy, con xin các ông các bà nông dân. Ông ấy bốc thuốc, cứu người. Ông trời ơi!

- Câm mồm! Con mẹ ngoan cố kia, chúng ông vả cho gãy tiệt răng bây giờ.

Đúng là đận ấy, ông nội tôi bị vả gãy chiếc răng cửa, sau này mẹ tôi thường sụt sùi kể lại. Ông tôi vẫn còn may chán, xong cuộc đấu, chả bị lôi ra xử bắn, làng đủ chỉ tiêu bắn người rồi.  Lần đấu tố ấy cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông nội. Ngay sau cuộc đấu kết thúc, chiều muộn, hai tay ông bị trói dật ra sau, bước đi tập tễnh, chắc bị đánh đạp đó, rồi họ rong ông tôi đi, chả rõ là đi đâu. Sau phong thanh, ông bị lôi đi cải tạo. Ấy là thời điểm đầu năm 1956 và rồi vùi xác nơi rừng sâu nước độc. Ông nội tôi với cái tội đồ nho, thêm tội cực to nữa, đảng viên Quốc dân đảng và bốc thuốc bóc lột bà con nông dân. 

Dăm, ba tháng sau ngày ông đi cải tạo, bỗng thấy bà nội, cả mẹ tôi mếu máo, họ khóc vụng trộm thôi, khóc trong lều, khóc xó bếp, nhà tôi lúc ấy sống trong túp lều ọp ép ria làng, bị đuổi ra khỏi nhà mà. Tôi thấy trong lều, cha quỳ xuống rì rầm khấn lạy. Ấy là cha tôi nén làm nghi thức tang ma cho linh hồn người cha của ông, vừa chết tại nơi giam cầm xa xôi, cách trở. Người con trai làm cái việc báo hiếu bậc sinh thành một cách âm thầm, nén vụng, không tiếng khóc, không vành khăn tang chở, không cây gậy tre chống, đến nén nhang để tiễn biệt cha mình về nơi suối vàng, cũng không có nốt. Sau ngày ông nội mất độ nửa năm, người lớn trong nhà nửa khóc cười, bà nội lẩm bẩm ra mồm:

- Ông mày không phải diện phản động, không phải quân Quốc dân đảng, không hủ nho, không bốc thuốc bóc lột... Sửa sai cho ông mày rồi!

Đứa trẻ tôi ngớ ngẩn hỏi bà: 

- Thế ông cháu chết vì gì?

Bà ớ ra, lại kéo vạt áo lên chùi dòng nước đang rỉ ra trên khóe mắt, bà nội tôi khóc cho chồng của bà đó! Họ trả lại ngôi nhà cho chúng tôi. Quãng năm sáu mốt, sáu hai, thấy trong nhà người lớn rục rịch, chuẩn bị sang cát cho ông nội tôi, lúc ấy tôi là đứa trẻ mười một, mười hai tuổi, đã biết, biết rồi. Vốn là cháu đích tôn, nên tôi có trong thành phần đi sang cát, gồm cha tôi, hai bác rể và tôi.

Vài tuần trước đó cha mẹ chuẩn bị đám ngũ vị hương để đun nồi nước vang tắm gội cho xương cốt ông nội tôi. Mẹ chuẩn bị cả nồi chân, quang sảo, cuốc thuổng, sau rồi đồ nghề chuyến đi gọn nhẹ lại, chỉ quang gánh, mấy nắm cơm và ruột tượng gạo. Gà gáy canh tư chúng tôi lên đường. Cả ngày cuốc bộ, chân tay tôi rã rời. Gần chiều muộn, chúng tôi tới ngôi làng xa lạ kia, nơi có bãi tha ma vùi xác ông nội tôi. Vùng này đồi như bát áp, cây rừng rậm rạp. Chúng tôi trọ ở một gia đình nọ, cha tôi quen biết ông chủ. Trước đây, nhờ có ông ta, cha tôi biết về ngôi mộ của ông nội tôi. Dù chiều muộn, chúng tôi vẫn kéo nhau ra bãi tha ma, chủ nhà xăng xái dẫn đường. Áp cánh rừng, trên bãi cỏ rộng, còn dấu vết móng, tường gạch cũ rêu phong. Ông chủ nhà chúng tôi trọ chỉ trỏ bảo, đây là trang ấp xưa của một ông dưới Hà Nội, hồi tàn cư năm bốn sáu, bốn bảy, kéo nhau về đây, rồi bom đạn, cả nhà họ chết tiệt. Mộ ông nội tôi bơ vơ, mồ đất thấp tè, cỏ tranh che phủ.

- Mộ ông cụ đó.

Ông chủ nhà chỉ tay và nói tiếp:

- Ngày ấy có ba người cả thảy. Ông cụ là người mất đầu tiên. Chỉ sợ, giờ chả còn nổi xương cốt. Vùng này mối xông dữ lắm.

Nghe vậy mọi người lặng đi.

Cảnh rừng chiều hoang lạnh, gió ào ạt thổi. Cha tôi lom khom thắp bó nhang. Cập rập, run rẩy mãi, ông mới thắp lên nổi. Khói hương cuộn bốc. Không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến cuộc đốt sách năm nào. Ơ kìa, lúc đó trên trời cao, hoàng hôn núi mây chiều tím lịm, thấp thó bóng mây như dáng hình ông nội tôi - sừng sững pho tượng đồng lặng im thuở nào. Tôi buột miệng:

- Ơ, ông kìa!

- Đâu, đâu?

Mọi người kinh hãi, nhìn theo tay tôi chỉ lên trời cao. Ông chủ nhà vội vàng chắp tay vái, mồm miệng lầm bầm khấn khứa:

- Con lạy cụ. Cụ linh thiêng, phù hộ độ trì cho. Hôm nay cháu con lặn lội tới đây đưa cụ về quê. Nơi đây rừng núi bơ vơ, lạnh lẽo lắm, cụ ơi!

Chờ tàn tuần nhang, cha tôi và hai bác rể hạ lưỡi mai mở cửa mả. Hôm sau, gà gáy canh ba, chúng tôi ống hồng, mai thuổng, gánh nồi chân nước vang trở lại bãi tha ma. Trời đêm rừng tối mịt mùng, những con đom đóm lập lòe, tiếng gà rừng gáy điểm canh. Ngày tháng cuối năm, xứ rừng rét buốt cắt da cắt thịt. Chúng tôi phải làm sớm, để công việc bốc hót xong xuôi, trước khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi. Sang cát, bốc hót, xương cốt kiêng kỵ nhất là ánh nắng soi chiếu vào. Đồi đất nơi đây rắn đanh, cứng ngắc. Cha, hai bác rể tôi ấn mai xuống rất rè chừng, rón rén, sau rồi chỉ dám nhè nhẹ và họ dùng tay không cào bới đất.

- Hình như có lớp chiếu này.

Tiếng ông chủ nhà trọ:

- Đúng đó. Ngày ấy bó xác ông cụ bằng manh chiếu cũ.

Thời gian, manh chiếu mủn mục. Gỡ, đẩy đất, gỡ lớp chiếu mủn mục, dưới ánh sáng ống hồng, lộ dần ra hình hài bộ xương cốt ông nội tôi: xương sọ, xương sườn, xương ống tay, chân. Tiếng cha tôi sụt sùi:

- Đúng là thầy tôi rồi. Ngày đấu tố, thầy bị đấu, gãy chiếc răng cửa. Thầy ơi! Con lên đưa thầy về quê đây...

Và tiếng nức nở của cha.

Xương cột ông nội tôi được rửa ráy cẩn thận bằng nước vang, cả rượu trắng, lau thấm giấy bản cẩn thận, rồi xếp thứ tự vào vuông vải trắng: các đốt xương sống, rẻ sườn, ống tay, ống chân... May quá, công việc hoàn tất trước khi mặt trời mọc. 

Chúng tôi chỉ kịp cảm ơn, chào ông chủ nhà trọ ngay nơi bìa rừng hoang vu ấy. Vừa làm công việc hiếu đễ, cần kiêng cữ cho gia đình họ, chúng tôi không lại nhà ông chủ trọ. 

Cha tôi lụi cụi gánh trên vai gánh hài cốt cha mình; ông đang làm cái việc hiếu đễ mà ngàn vạn năm rồi, con dân đất Việt đều làm thế.

♣ ♣ ♣  


Tôi xa quê, sống nơi phố thị, mẹ cha thành người thiên cổ cả rồi. Là trai độc, cháu, chắt đích tôn, nghĩ mình mắc lỗi với tiền nhân quá, tôi quyết định về mảnh đất hương hỏa, xây ngôi nhà thờ. Sau lễ động thổ, mấy ngày đầu tôi có mặt, gọi là trông nom, còn khoán gọn cho nhóm thợ trong làng. Ấy là cuối chiều hôm thứ ba, thợ đang đào móng, tôi lạo dạo sân trước, chợt thấy thất thanh:

- Giời ơi, vàng!

- Của ông, của ông!

- Mả mẹ chúng mày. Của bố... Bố thấy đầu tiên nhá! Giật mình, tôi lao vọt ra nơi nhóm thợ đang thi công. Kìa, mấy tay thợ xúm vào giành giật nhau vật gì đó. Hãi hùng nhất là tay thợ kia lăm lăm chiếc xẻng. Án mạng đến nơi, hốt hoảng tôi hét lên. Tiếng hét làm nhóm thợ giật mình. Đang giằng giật, cả hai buông ra, nó rơi bịch xuống. Cái tráp, miệng tráp bung ra. Kìa, không phải vàng nén, vàng lá, không phải của giả quý giá... chỉ có tri thức thôi!

Cho đến lúc này tôi nhớ ra, biết cái vật mà đêm ấy ông nội và cha tôi thì thào, rồi mang ra chôn ở vườn sau. Nhóm thợ ơ ớ ra, nhìn vật chứa đựng trong tráp. Tôi chầm chậm bước lại, trân trọng bê lên. Tri thức của tiền nhân đấy - cuốn sách giấy dó, mực tàu, những con chữ tượng hình như rồng bay phượng múa.

Từng chứng kiến cảnh đốt, xé sách, lại chứng kiến cuộc tranh cướp vàng bạc, con người ta cứ mông muội mãi thế ru?/.


  


VVM.15.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com