B risbane ngày...tháng ...năm...
Anh à,
“Nếu có một dòng sông biết hát thì em muốn giọng hát của nó phải êm ả du dương như giọng hót của chim Corella, nếu có đồng cỏ nào biết mặc áo xanh thì em muốn nó có mặt ở sa mạc Cunnamulla và nếu có dân tộc nào chân thật và hiền hòa thì anh hãy đến đây, nơi em gái anh đang phục vụ, nhưng đừng vội mắng em rằng con nhỏ này đi tu rồi mà sao nó vẫn ham nhiều chuyện thế?”
Em mới từ Cunnamulla trở về sáng nay sau hơn một tháng sống trong Beaudesert, soạn trong đống thư từ gởi đến, em tìm thấy thư của anh, nhìn con dấu của bưu điện mới hay là thư anh đến ngay cùng ngày em lên đường, chắc là anh đã mong tin em đỏ cả mắt vì không rõ con nhỏ này còn sống hay đã bị dingo nó ăn thịt mất xác rồi.
Không đâu anh ơi chớ có lo, tụi em năm đứa còn hung dữ hơn dingo nhiều nên chưa đứa nào bị làm mồi cho dingo, ngược lại trong chuyến đi vừa qua, nửa đêm trong lúc đi xuyên bang, soeur Nicole lỡ cán chết một con dingo to tướng thì có.
-Mẹ ơi, mình vừa đụng phải ai rồi phải không? Soeur Jacinta kêu oái lên làm cả lũ đang ngủ gà ngủ gật điếng hồn vì nghe rõ ràng bánh xe bên phải đụng trúng vật gì lớn và lồng lên khá mạnh, chỉ có cô nàng Nicole là bình tĩnh thắng xe lại vô lề rồi để máy vẫn running chiếu đèn đuốc sáng trưng.
-Mấy chị ơi, ra giúp mình một tay coi nào. Giọng cô nàng Nicole khô khô ướt ướt giống như ai đang rao bán bánh bò bánh tiêu gì đó.
Đoán ra chuyện có dính dáng đến máu mủ, Soeur Michelle vốn nhát như thỏ đế ngồi co rúm lại gần như cuộn tròn trên ghế, từ xa người ta đoán đó là con Cù-Lần, mãi đến khi em thúc cùi chỏ vô cạnh sười mới lồm cồm bò ra khỏi xe. Con dingo lông lá xồm xoàm tướng tá rất là cowboy, thêm cái bản mặt rất ư là bụi đời nửa đêm đi kiếm ăn vừa lúc xe tới bỗng đâu lại chạy băng qua đường nên bị đụng mạnh gẫy cỗ. Em chạy tới bắt mạch cho nó nhưng xui xẻo nó chết lăn quay ra rồi, cái lưỡi đỏ lòm còn thè ra như nhại lại em nữa cơ, em nhìn tướng tá nó chắc hẳn làm vua một cõi ở vùng này, tổ tiên nó đã theo vết chân người Á châu đổ bộ lên đất Úc, vậy chúng chỉ là dân ăn nhờ ở đậu mà dám cả gan làm “Ngáo Ộp” thiên hạ từ ngày đó, một thứ Cowboy không có nổi khẩu súng (đọc tới đây chắc anh tin là nó có mang súng theo, loại súng bắn nước !). Mấy chị em nhìn nhau chẳng biết làm thế nào, đành chụp hình nó để khi ngang qua trạm bảo vệ wildlife gần Michelle highway thì report cho nhân viên trực hay, sau đó tụi em đào một cái hố bên vệ đường chôn con vật xấu số xuống đó, rồi soeur Nicole ngắm nghía vẽ cây thập gía trên mộ, cắm một cành cây lên trên làm dấu, Rest In Peace và tụi em tiếp tục lên đường.
Trong lúc soeur Nicole chạy vù vù, gió đêm quạt vào xe mát rượi, hai bên đường tối om, bầu trời vào hạ trong đầy sao lấp lánh, con trăng lưỡi liềm (new moon) đã ngả hẳn về hướng tây, hắt ánh sáng lờ mờ lên những lùm cây dại không tên và những thân xương rồng khổng lồ cao lêu nghêu lù lù ngay bên vệ đường, tạo cho cảnh vật về đêm trông thật ma quái, rất phù hợp với Halloween! Thỉnh thoảng cô tài xế lại la lên một tiếng điếc tai để đánh thức tụi em dậy, nhưng vô ích, bốn đứa lại ngủ lăn ra như chết. Nhìn trên bản đồ mới nuốt được một phần tư đoạn đường, còn hơn 200 cây nữa mới tới exit để rẽ vào xa lộ 71.
“Ừ, mấy người cứ lo mà ngủ đi, cái xa lộ Tử thần này đêm nay vắng như chùa Bà Đanh, nếu xe bị ban thì cứ là phó linh hồn trong tay ai thì chưa biết” cô nàng Nicole vừa dụi mắt nhìn đường vửa lầu bầu một mình.
Nhưng thôi rồi Chúa ơi, tụi em mới bắt vô xa lộ 71, trời mới bắt đầu hửng sáng, cái sáng đầu ngày trong sa mạc nó chẳng giống ai cả nó cứ nhòe nhoẹt ra mờ mờ tỏ tỏ đèn pha cũng chẳng làm cho mặt đường rõ hơn, lúc chạy qua một con phố cổ, Charleville nằm dọc theo xa lộ, thì chiếc Landrover cũ rích của tụi em ( Chị tài khoái lái thứ xe này nên bằng lòng trade in để được nó mới độ ba tuần lễ !) nó ho lên một tràng dài lụ khụ, tưởng chừng như ho gà đó anh, rồi nó dừng lại, nhõng nhẽo không thèm đi nữa. Mà mới lạ làm sao chứ, bốn đứa lồm cồm bò dậy ra khỏi xe dụi mắt mà không thể tin được rằng chiếc xe chết máy dừng lại ngay trước cửa tiệm sửa xe, garage của ông O’Connor! Ông già trang trí bên ngoài cái cửa tiệm nếu không có mấy cái bánh xe lăn lóc ở bên hông thì nhiều người tưởng lầm đó là cái quán bán cháo lòng gần ngã ba Cát Lái. Là người gốc Ireland và cũng là người Công giáo (ông có treo hình Đức Mẹ Fatima trên tường).
Ngó ra, nhìn thấy năm nữ tu mặt mũi phờ phạc ( hẳn là trông tiếu lâm lắm ), ông sai thợ đẩy xe vào garage. Sửa for free. Em can’t believe it ! Trong lúc năm đứa ngồi gặm ổ bánh mì thịt nguội, soeur Thiên An lúc này mới lên tiếng:
Phải chi mà mình đừng cán chết con dingo, thì đâu có ra nông nỗi này.
Làm như mình đi tìm nó để cán không bằng, ai xui nó chạy qua đường làm chi, nhưng còn chuyện sửa xe for free thì sao có lẽ cũng do con dingo chắc.
Mọi người chọc nhau cười cho tỉnh ngủ, hơn tiếng sau chiếc xe đã sửa xong, chúng em cảm ơn lòng rộng rãi của ông O’Connor, ông còn tỏ ý khâm phục khi biết lũ con gái to gan dám “Bỏ phố lên rừng” đi làm việc bác ái. Cô tài mới nhâm nhi hết ổ bánh mì hồi nãy nên cầm vô lăng coi bộ điệu nghệ lắm, bản đồ cho thấy còn 300 cây số nữa mới tới nơi, sớm lắm thì cũng khoảng 12 giờ trưa. Mặt trời đã lên cao, cái mặt đỏ găy đỏ gắt, báo trước một ngày nóng phun ra lửa, bầu trời xanh lơ cao vời vợi, hơi nóng từ sa mạc phía trước bốc lên từ xa tạo nên hình ảnh những đám mây mờ mờ ảo ảo, thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy ngược chiều chui ra từ những đám mây trông thật ngộ nghĩnh như magic show đó cũng là hướng tụi em đang đi tới. Hai hàng cây còng bên đường, mấy tháng trước mưa nhiều lá xanh om từng tầng trổ bông đỏ ối trông thật đẹp mắt tạo cho phong cảnh miền này đỡ khô cằn, làm mấy chị nhớ lại cái sân trường hồi còn nhỏ nở đầy hoa phượng mà thèm khát tuổi thơ tuy khổ vì nghèo nhưng giầu kỷ niệm là chỗ dung thân của lũ ve sầu ngày đêm đua nhau tấu khúc nhạc gọi vào hè, chúng chở cả mùa hè trên đôi cánh yếu ớt đem tặng cho lũ con nít và giọng hát đưa đẩy mùa hạ gãi vào những kỷ niệm ấu thơ chạy theo những con diều biết rước niềm vui lên tới mây trời, lúc này cành cội khẳng khiu bơ phờ vì hạn hán, tiếng ve đã im bặt vì nóng quá nên nghẻo hết rồi, tội nghiệp cho những cô ca sĩ tí hon xinh đẹp mà phải chết non ! Em không rõ ngoài hoả ngục ra có còn nơi nào nóng hơn chốn này nữa không, nghĩ đến những ngày sống lăn lộn với những thổ dân trong sa mạc hồi năm ngoái, đến nay em vẫn chưa hết sợ, nhiều khi không bíết làm thế nào để deal với cái nóng triền miên, đã thế nước nôi còn hiếm hoi nữa chứ, nắng mãi làm những dòng suối cạn khô, gặp cảnh này thổ dân chỉ còn trông cậy vào cơ quan xã hội chuyển nước bằng những xe bồn cho đến khi trời đổ mưa...
Hai năm trước đây tụi em được phái đến một khu vực cũng dành riêng cho người thổ dân, cũng thuộc bộ lạc Murris, khoảng gần trăm gia đình, họ thích sống tự do giữa cảnh thiên nhiên, xa người da trắng, từ chối văn minh hoá, khu họ chọn để định cư thường rất hẻo lánh, bên cạnh dòng sông hoặc suối lớn để chăn nuôi và canh tác. Đàn ông thích săn bắn hoặc đặt bẫy rập, mỗi khi kiếm được nhiều con thịt thì họ đem chia đồng đều cho cả những người không tham dự cuộc săn hôm đó. Còn đàn bà ngoài công việc giúp chồng làm rẫy, họ thường quây quần may vá và nhất là thêu thùa chung với nhau, sản phẩm làm ra vừa ai muốn lấy cái nào thì tuỳ ý, hoặc trao đổi quần áo kiểu cọ lẫn với nhau không mấy khi có chuyện tranh dành cãi cọ nhau bao giờ, nếu năm thì mười họa hai bà có điều chi xích mích thì họ không cãi lộn nhao nhao, khua chân múa tay lên như người mình thường làm trò cười cho hàng xóm, không, họ cãi nhau rất “văn minh”anh ạ, mỗi bà thay phiên nhau ra ngoài sân một mình kể tội kể tình bà kia rồi rút êm vào trong nhà ngồi lặng thinh nghe bà kia ra sân kể tội bà này xong lại rút êm vào trong nhà cho đến khi trận võ mồm kết thúc. Theo em đây mới thật là đời sống văn minh trong tinh thần đùm bọc thương yêu nhau mà trong thế giới mang tiếng là văn minh vật chất của chúng ta, đầy dẫy những của cải nhưng đem so sánh với họ thì thật đáng xấu hổ. Cái quan niệm về quyền tư hữu trong thế giới chúng ta lâu đời có thể đã bị những điều khoản rắc rối của luật lệ bủa vây (Code Civil) chi phối nặng nề không thoát ra được, nó mang nặng mầu sắc ích kỷ,hoặc đi xa hơn với những bộ luật hình sự tạo ra những sự ngại ngùng không dám tra tay cứu giúp bất cứ ai đang gặp tai nạn bên đường nên người “ Good Samaritan” ngày hôm nay trở thành khan hiếm vì sợ làm ơn mắc oán, những hàng rào cản này làm cho hạt giống Phúc âm lắm khi èo ọt. Trong lúc người thổ dân thảnh thơi sống hoà mình với thiên nhiên, theo em họ đã lấy cảm hứng từ những cụm mây trời đủ mọi hình dạng mầu sắc ấm lạnh cứ trôi lang thang, lang thang mải miết không biết mệt như kiếp Bohemian đâu đâu cũng là nhà, mà đã coi mình là mây thì tự nó đã đẹp rồi cần gì đến đồ trang sức giả tạo. ( Thấy lòng mình là mây, nhớ nhà châm điếu thuốc, khói vàng bay lên cây..)
Hoặc họ lấy cảm hứng từ những cánh chim bay trên bầu trời tự do chẳng vạch ra đâu là biên cương, trời mặc cho những bộ lông đủ mầu sặc sỡ. Họ biết cách tận dụng để sống cái giây phút hiện tại làm việc ca hát nhảy múa, đói thì ăn mệt thì lăn ra ngủ. Em đã đọc được bầu trời tự do trong mắt họ đó là những cặp mắt rừng thiêng, của chúa sơn lâm, ngời lên ánh sáng tự do, thà chết chớ không vong bản, trong vũng mắt ấy không có chỗ cho lo âu chen vào, không chứa đựng những toan tính cho ngày mai, cũng chẳng có bóng tối của hận thù, những câu liêm giáo mác cung nỏ hay boomerang chỉ dùng cho mục đích săn bắn. Nơi đây cũng không có nhà tù hoặc phải cần đến biện pháp chế tài nào cả, theo em đây là thế giới văn minh trong lúc xã hội chúng ta đặt ra bao nhiêu là định chế bên cạnh những bộ luật tinh vi chắc nịch như những bức tường đề lao vậy mà kẻ phạm pháp vẫn đầy dẫy. Vậy theo anh xã hội chúng ta có thực sự văn minh không ? Anh có lẽ chưa quên những ngày mới lớn anh em mình có lần trốn nhà đi xem ciné hào hứng mỗi khi người da trắng đụng độ với “ Mọi do đỏ” đánh cướp xe lửa là y như súng nổ, người chết mà phần thua bao giờ cũng dành cho bọn cướp da đỏ phô trương cái bản chất hiếu chiến, rừng rú của thổ dân và cái bản lãnh anh hùng ra tay hảo hớn bảo vệ quyền lợi của người da trắng cứ y như thật, vô tình hoặc cố ý đã in sâu vào lòng những đứa trẻ từ khi còn tấm bé, gieo hạt giống races để từ đáy lòng nó trồi lên những mầm gai góc khinh thường người bản địa...Tới hồi anh em mình lớn lên thấy những tấm mặt nạ của lũ thực dân đi cướp đất rụng xuống phô bày sự gian trá bóp méo sự thật không ngoài mục đích tuyên truyền, một đường lối xảo quyệt mà tổ tiên mình gọi là vừa đánh trống, vừa ăn cướp
Thức ăn ư ? Ăn gì ư ?
Có chi ăn nấy, tụi em cũng từng ăn với họ, ngon thì cơm bánh cá thịt, lạt thì củ khai nướng cũng xong, những căn lều ấm cúng dưới những tàn cây mà vật liệu chỉ đan bằng rơm cỏ mà làm nên truyền thống họ nên từ chối sự ô nhiễm tiếp cận với đời sống văn minh để giữ cho họ cái triết lý coi trọng nhân nghĩa hơn vật chất. Chính phủ liên bang tôn trọng và khuyến khích các cộng đồng thổ dân giữ gìn truyền thống tự do của họ và bảo vệ những đặc quyền cá nhân cũng như đặc khu của họ tạm gọi đó là những lãnh địa bất khả xâm phạm. Nghĩ lại chẳng phải ngày xưa anh em mình còn bé, lớn lên trong luỹ tre làng cũng đâu có khác gì mấy, anh nhỉ, cũng đi chân đất mặc quần xà lỏn đi học bình mực tím lủng lẳng trên tay, giờ ra chơi cũng cãi nhau hăng như mổ bò, nhưng vậy mà vui anh nhỉ, đồ chơi hai anh em có mỗi con diều cũng sướng đáo để vì nó bay lên trời cao, cao hơn cả các con diều khác mà chính vì sự nó quá cao nên già néo đứt dây nó bị gió cuốn đi xa, thật xa chao chao như vẫy tay chào vĩnh biệt lũ trẻ con rồi đâm xuống cái đầm đầy nước làm anh em mình nhìn nhau tiếc ngẩn tò te. Nơi đây không có những bộ luật thành văn làm chai cứng lòng người, ở đây cũng chẳng thấy mặt mũi những ông công tố viên đằng đằng sát khí phùng mang trợn mắt hăm he kết tội người khác. Nhưng nơi đây chỉ có một bộ luật bất thành văn đã khắc sâu vào tim người, bộ luật yêu thương. Cái bản chất đầy tình người ấy vẽ ra trong em bức chân dung của một Đức Kytô nghèo khó, sinh ra và lớn lên trong một xóm nhỏ điêu tàn ngoại ô Nazareth trong lòng đầy ắp tình thương. Nơi đây chúng em gặp gỡ
Đức Kytô hàng ngày, cũng như họ, đi chân đất, nằm chiếu manh, ăn cơm bốc, đi câu cá làm thức ăn, rồi chiều đến với cây guitar cùng với bọn con nít nghêu ngao những bài Thánh vịnh rồi cùng với chúng nhẩy ùm xuống sông thay vì bồn tắm với vòi bông sen...Nếu không có lệnh trở về, đôi lúc tụi em muốn ở lại đây anh ạ.
Nơi chúng em đang phục vụ tương đối gần phố xá, nên mỗi cuối tuần tụi em đi chợ, chở về đầy ắp cả xe đầy đồ tươi, soeur Michelle còn mua tặng cho các ông mấy thùng beer, còn nước ngọt cho đàn bà và con nít. Cuối tuần theo tục lệ của bộ lạc Murris họ quây quần ăn uống chung với nhau, tối đến ca hát nhảy múa um xùm cho tới khuya mới chịu ra về, nhiều nhóm uống rượu say-loại rượu do thổ dân điều chế lấy bằng bắp xay với vỏ và lá cây khô, hương vị cay nồng và đắng nghét, họ mời chúng em thử đứng ngoài nhìn rồi vỗ tay nhưng rượu vừa nặng vừa hôi nồng kỳ quá sặc sụa lên khiến họ cười như nắc nẻ. Họ ôm nhau ngủ lăn lóc, chẳng phân biết ai là chồng mình ai là vợ nữa, sáng hôm sau thức dậy ai nấy cứ thản nhiên, tỉnh khô coi như chẳng có chuyện gì xẩy ra ! Tụi em chỉ còn biết ôm bụng cười.
Công việc hàng ngày của tụi em là mở lớp dạy Anh ngữ cho trẻ em, cắt tóc,dạy nấu ăn, khâu vá chữa những bịnh thông thường và phát thuốc. Trẻ em học Anh ngữ rất nhanh nhưng phát âm với giọng thổ âm của họ, nên cừ dòn như bắp rang. Con trai con gái đều cởi trần trùng trục, lúc tới trường cũng ở trần! Chúng thích vẽ mặt và hình thần linh , hoặc hình thú vật trên cánh tay của chúng, sơn và vật liệu rất đơn giản ai cũng có thể tự chế ra được đó là bột đá trắng đem mài ra với nước trộn với nhựa cây leo Mamu, nhiều đứa trẻ có lẽ rất xinh, nhưng vì cha mẹ thích vẽ chằng chịt, nên mặt mũi nhuôm nhem trông đến buồn cười. Con gái thích học nấu ăn và may vá, nhưng vì trình độ dân trí còn rất thô thiển, nên đứa nào cũng đòi may một bộ áo dòng giống như của tụi em để mặc vào những ngày đại lễ. Em rủ chúng lên rẫy sau giờ học chỉ cho chúng những loại berries hoang dã có vị ngọt ngọt chua chua hái về và cô cháu ngào bột với levue nướng lên thành những muffin, chúng thích lắm ( chúng em có mang theo lò gas nướng) chỉ vài ngày sau mọi nhà đều muốn có muffin để họ làm món tráng miệng, khi ra về chúng em để lại cái lò nướng và những bé gái hôm nay đã tự tay sáng kiến ra nhiều loại muffin khác nhau.
Soeur Cecilia nhiều năng khiếu về âm nhạc, hội họa và điêu khắc, nên mỗi nơi chúng em đến ở lại làm việc một thời gian, trước khi ra đi, bao giờ chị cũng miệt mài cả tuần lễ, bỏ ăn bỏ ngủ đắp một pho tượng chúa Jesu vác chiên con trên vai, tay kia dắt em bé Murris đặt trên tượng đài trong sân trường làm kỷ niệm.
Sáng nay trong khi xe chạy ngang qua khu vực cũ, chúng em cũng dừng lại mấy phút nhưng không vào trong làng, vì nếu gặp lại, họ sẽ giữ không cho bọn em đi. Nơi sắp tới còn hẻo lánh hơn, xa thành phố mà ngày mai là thứ bẩy, nên tụi em sẽ ghé chợ mua sẵn một xe đầy lương thực tươi để phát cho mỗi gia đình một ít enjoy cuối tuần. Đây là bản sóc của ông Kangulu, một người đầy nhiệt tình, trông ông rất dữ tợn vì những nét vẽ rằn ri trên mặt nhìn đến phát khiếp, nhưng thực chất ông lại rất hiền lành, hiểu biết và đại lượng, ông là người duy nhất ra đón tụi em khi nhìn thấy bụi đất tung lên từ xa biết chiếc xe đang đến còn những người khác đều lên rẫy làm việc. Theo lệ làng, chief là người duy nhất trong buôn không phải đi canh tác, nhưng có bổn phận giữ an ninh cho khu xóm và lo phần giao tế với chính quyền cũng như giao hảo với các lân bang. Vợ ông, bà Manbara người tròn như cái cối xay, thật phúc hậu, nhìn tụi em từ đầu đến chân rồi cười toe toét, tiếng cười bộc trực thay cho lời welcome.
-Các cô ai biết nói thổ ngữ của chúng tôi ? Ông vừa văn điếu thuốc rê vừa hỏi với giọng thân thiện.
Mọi người chẳng ai biết nói đành trả lời bằng tay chỉ vào em. Thật ra thổ ngữ của bộ lạc Murris không khó, chỉ khó cách phát âm, nhiều tiếng phát ra nghe cùng âm hưởng nhưng dài ngắn khác nhau để diễn tả những ý nghĩa nhiều khi trái nghịch nhau!
Chúng em theo ông dọn vào một căn nhà tiền chế chỉ để dành khi hội họp để làm nơi tạm trú và dành cho khách vãng lai, nên khá hơn những căn nhà cûa đồng bào, có nhiều cây tỏa bóng rợp có nước vòi dẫn vào trong nhà từ chateau d’eau. Hơi nóng xung quanh bốc ra từ những lùm cây dại không nhớ tên đang bị chết thiêu đi vì nắng nghe quen thuộc nồng nồng ngai ngái đánh thức giác quan mỗi mùa hè đến sống chung với người thổ dân sóng sánh cái mùi rất là hoang dã từ mồ hôi và da cháy nắng của họ dù em có bị bịt mắt dẫn đi thì em đoán cũng không lầm được.
Hai ngày cuối tuần sinh hoạt cộng đồng qua mau, chúng em đã quen nên hội nhập rất nhanh với những tục lệ cá biệt mặc dù đều là dân Murris. Buôn của ông Kangulu dân số thật đông đúc có trên trăm gia đình chiếm khu đất rất rộng lớn và trù phú, nhiều cây ăn trái xanh tốt, có dòng sông chảy qua nên nước nôi phủ phê hơn.
Sáng thứ hai đầu tiên, tất cả các em đều được khám răng, phát kem và bàn chải, xà bông thơm khăn mặt, khăn tắm và clipper cắt móng tay. Những ngày tiếp theo con trai con gái đều được hớt tóc. Con gái được đeo bông tai, chưa đầy tuần lễ sau trẻ con hết thảy đều được transform, sạch sẽ thơm tho sáng sủa, tươm tất sẵn sàng để đầu tuần đi học. Hai chị em con chị là Jagera mười tuổi khuôn mặt rất xinh hay mắc cở nhưng lại hay nói và thằng em Kabi bẩy tuổi cha mẹ chúng rất trẻ ông Wulgurukaba người cha tuổi trạc 36, 37 và người mẹ Ngaro hay kể lể, tâm sự. Jagera hằng ngày thích lẩn quẩn bên chúng em và hay tò mò một cách dễ thương.
-Soeur ơi, chừng nào thì soeur sẽ lấy chồng hả soeur ? Mẹ con nói con gái đứa nào lớn lên cũng lấy chồng hết trơn. Trong lúc hỏi hai mắt cứ lấp lánh như vừa tìm được câu kiểu rất ư là người lớn trong khi hai tay múa may làm ra bộ người lớn thật.
-Xấu như soeur chẳng ai buồn cưới đâu, phải đẹp như má con mới đắt chồng chớ. Em buồn cười quá, vuốt má nó em trả lời.
Nghe người khác khen mẹ mình đẹp nó hớn hở ra mặt:
-Vậy chắc soeur Nicole có chồng rồi hả, chồng soeur chắc là đẹp trai lắm hả soeur ?
Đến đây thì tất cả tụi em đều phá ra cười, làm nó ngẩn tò te chẳng hiểu mô tê gì. Nó lắc cái đầu lia lịa làm hai cái tòng teng mới xỏ tai hôm trước vung vẩy khiến nó bị distracted và cũng cười thách lên, em ôm nó vô lòng:
-Đã là soeur thì phải chọn đời sống độc thân, nghĩa là không lấy chồng, hiểu chưa, suốt đời thuộc về một tu hội, không những thế còn phải quên mình, hy sinh trọn đời vì lòng yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, vì thế các soeur không có chồng.
Mắt nó lại sáng lên rồi như bị lây nhiễm, phát hứng lên:
-A, con hiểu rồi, nếu mẹ con bằng lòng cho con đi theo các soeur, mai mốt con có trở thành soeur không ? Vừa nói tay nó vừa mân mê cái áo dòng ra chiều ham lắm.. tội nghiệp.
-Lẽ tất nhiên, nếu con muốn, Thiên Chúa sẽ rất vui lòng và Ngài sẵn sàng chờ đợi con ngày đó. Vừa nghe em nói xong như đánh thức trí tưởng tượng của nó làm nó rơi vào trạng thái của một nữ tu, nó làm dấu thánh giá giả bộ mở cuốn kinh nguyện và qùy xuống cúi đầu như nghi thức chúng em thường làm trong giờ kinh nhật tụng. Nó bắt chước một cách thành thạo không mắc cở.
Con bé thật hồn nhiên dễ thương, có giọng ca thánh thót như loài chim Little Corella, là giống chim bản địa cùa tiểu bang này. Bài ca Spritual Song of the Aborigine, diễn tả hết ý nghĩa về lòng yêu quê hương của người bản xứ, họ gắn liền đời sống với đất đai, cây cối núi sông...
I am the child of the Dreamtime People.
Part of this land, like the gnarted gumfree.
I am the river, softly singing
Chanting our songs on my way to the sea.
My Spirit is the dust-devils
Mirages that dance on the plain
I’m the snow, the wind and the falling rain
I’m the part of the rocks and the red of the desert earth.
Red as the blood that flows in my veins.
I’m Eagle, Crow and Snake that glides
Thorough the rain forest that clings to the mountainside.
I awakened here when the earth was new.
There was emu, wombat, kangaroo
No other man of a different hue.
I am this land
And this land is me
I am Australia.
Con nhỏ trong lúc cao hứng lên quên bẵng cả tính mắc cở vốn dĩ của nó, dựa người vào lòng soeur Jacinta và bắt Jacinta phải ôm choàng lấy nó trong khi nó cất cao giọng hát thuộc lòng, hơi nó dài và ngân nga như dòng suối mặt nó man mác như tiếng gió thổi qua những rặng phi lao hay khuynh diệp và chấm dứt như ánh chiều dương êm đềm le lói len lỏi giữa những bông hoa đuôi chồn xa tít chân trời.
Chúng em vừa cảm động vừa khen ngợi nó có giọng hát ngây thơ nhưng truyền cảm vào lòng người nghe tình yêu quê hương khó quên làm nó vui sướng quá khi được thưởng một lon nước ngọt là món đồ uống thú vị của trẻ con ở đây. Em đang đoán mò có lẽ anh muốn thơ của em ending ngay tại đây. Chưa đâu anh, em vẫn còn muốn bắt anh phải chiều em như ngày xưa, trốn ngủ trưa ra bờ lúa săn bắt bằng được cho em những con cá Xiêm trống tướng tá phải thật ngổ ngáo mình xanh dương đuôi và vây như dải lụa mềm. Anh đọc thêm một vài trang nữa vì mission của em gái anh còn đang dang dở và điều mà em muốn chia sẻ với anh chưa bắt đầu... “Ồ, té ra con nhỏ này nhiều chuyện quá, hi hi...”
Tuần lễ trước ngày mission của tụi em kết thúc, đó là một buổi sáng thứ ba, như thường lệ các em trong bản lũ lượt tới lớp học trong lúc cha mẹ các em lên rẫy hái bắp vì đang vào mùa thu hoạch, khắp nơi rộn rã tiếng nói cười, cảnh sinh hoạt trong buôn dường như có thêm luồng sinh khí mới thổi vào tâm hồn mọi người làm ai nấy thêm nô nức, trai gái vui đùa chọc ghẹo nhau ngoài đường, em đoán đó là không khí mùa gặt. Đàn bà đi tay không còn đàn ông đeo gùi, nhóm trai tráng lôi theo những chiếc xe hai bánh đóng thùng bên trên, rẫy cũng không xa mấy cây số thôi.
Khi vô lớp lúc điểm danh, thấy vắng mặt hai chị em Jagera, sau này mới hay đứa em bị lên sởi nên con chị phải ở nhà trông em. Trước khi lên rẫy, Ngaro, người mẹ đã nhúm lửa và vùi mấy bắp ngô mới hái hôm trước trong tro nóng và dặn Jagera đến giờ ăn trưa thì lấy bắp ra để hai chị em cùng ăn. Mọi người đi hết cả làng vắng teo, hai đứa nhỏ ở nhà buồn thiu, đồ chơi duy nhất của chúng là sợi dây thừng thường ngày để nhẩy skipping. Hôm đó một buổi trưa hè gió mát rượi, hai chị em trải chiếu nằm đọc sách cho nhau nghe, thằng em nghịch ngợm dùng dây thừng cột chân hai chị em vào với nhau, con chị nghe cảm giác ngồ ngộ buồn cười nên để yên như vậy rồi cả hai ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Gió thổi đã làm cho than nóng trong bếp cháy bùng lên, bén vào vách lá và ngọn lửa được dịp bốc cao lên. Jagera chợt nhìn thấy ngọn lửa, bừng dậy trong kinh hoàng, con bé càng hốt hoảng khi nhận ra cả bốn chân đều bị cột chặt bằng sợi dây thừng, gió càng to, ngọn lửa càng lớn, con bé càng thêm hoảng hốt...Vừa vùng vẫy vừa la thét cẩu cứu...Lửa đã leo lên đến mái nhà...Nó càng gào lớn hơn...Trong tuyệt vọng, nó lấy hết sức và can đảm cúi xuống ghé răng cắn vào sợi dây thừng rồi dùng hết sức dựt thật mạnh khiến cái nút thắt bung ra...Nhưng ngọn lửa hung hãn như con quái vật đã quyện chặt lấy hai trẻ vào giữa một cách bạo tàn, nó chỉ còn kịp xô đứa em ra khỏi ngọn lửa hừng hực...Tiếng cầu cứu bỗng im bặt...Chỉ còn lại những tiếng lốp đốp của những ống tre bị nổ vì áp xuất...Jagera cố gắng lết được ra ngoài, nhưng vì hy sinh để cứu em nên bị phỏng nặng.
Tiếng kẻng báo động do chief Kangulu khua vang cả sa mạc làm đội thanh niên chạy như bay về làng nhưng không còn kịp nữa. Cha mẹ Jagera có linh tính chẳng lành về con mình nên cũng cắm đầu, cắm cổ chạy theo đoàn thanh niên, nhưng Jagera đã được đội cứu hoả đưa tới bịnh viện địa phương. Con nhỏ bị phỏng nặng cấp ba, suốt đêm vẫn hôn mê không tỉnh lại, bác sĩ trực cho biết phổi và bộ phận hô hấp bị damaged nặng nề vì sức nóng không thể cưú sống được. Soeur Lucia và em phải dìu Ngaro ra xe vì lo bà bị xỉu, hai ông bà xin cho con mình được vào đạo như lòng nó trước đó mong ước. Được sự bằng lòng của cả hai người, chị Lucia thay mặt cho Giáo hội đã đổ nước rửa tội cho Jagera, hai giờ sau con bé trút hơi thở cuối cùng.
Tờ mờ sáng, mọi người trong bản lại bị đánh thức dậy vì tiếng kẻng của tù trưởng Kangulu, dù không nói ra nhưng ai nấy đều đã biết. Họ lắng nghe tin buồn rồi làm theo chỉ thị của vị niên trưởng. Riêng ông, ông lấy quyền tối thượng của vị lãnh chúa, dùng ngân sách dự trữ đặt mua ngay căn nhà tiền chế cho gia đình Wulgurukaba, và huy động hơn trăm thanh niên làm việc ròng rã trong ba ngày đẻ hoàn tất công trình chuẩn bị cho ngày tang lễ. Niềm vui đầu mùa gặt mới nở rộ vài ngày trước, hôm nay đã bị bao trùm bởi cơn mây mù của ngày tang chế, trời đất bỗng trở nên ảm đạm, cây cối đứng im ủ rũ, không một tiếng chó sủa, không một tiếng chim ca, thiên nhiên dường như cũng đồng cảm thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau đớn với loài người. Jagera hôm nay trang trọng trong bộ lễ phục của nữ tu Dòng Chúa Chiên Lành do tụi em cắt may và mặc cho cháu với sự đồng thuận của vị tù trưởng và cha mẹ. Đứng trước linh cữu và toàn thể cộng đồng Murris từ khắp nơi trong miền tới tham dự thánh lễ an táng theo nghi thức Công giáo và nghi thức cổ truyền. Người cha, ông Wulgurukaba nói lời cảm tạ, bài của ông có giá trị đến nỗi đã được ghi vào lịch sử truyền giáo của cộng đồng Murris hôm nay
“ Thưa toàn thể cộng đồng và đại diện các cộng đồng Murris lân bang Ngọn lửa oan nghiệt đã cướp đi người con yêu qúy của chúng tôi, cũng là người cháu của toàn thể quý vị trong cộng đồng, nhưng hôm nay Thượng Đế của Thiên chúa giáo đã bù lại cho chúng ta một người con mới Công giáo đầu tiên, một nữ tu đầu tiên mà cũng là vị thánh trẻ đầu tiên mà dân tộc ta đã đóng góp cho nước Trời đã mở ra một kỷ nguyên mới, một trang sử mới cho toàn dân chúng ta”.
Trước sự hiện diện của ba vị tù trưởng lân bang, ông Kangulu đã khen ngợi lòng quả cảm anh hùng không sợ chết và nghĩa cử cao đẹp của Jagera dám hy sinh mạng sống để cứu em mình và tuyên dương cháu là thần tượng của tuổi trẻ và cho phép ghi lời nói bất hủ của ông Wulgurukaba vào lịch sử bộ tộc Murris, nó mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên người dân ngoại biết đón nhận hạt giống Tin mừng.
Trước khi vĩnh biệt, quan khách và mọi người trong trong cộng đồng tuần tự im lặng lên hôn mặt Jagera lần cuối, thả một bông hoa Immortelle lên người để tỏ lòng thương tiếc và sống mãi trong lòng mọi người sau đó cùng cất tiếng ca bài Spiritual Song of Aborigine.
Tên tuổi của Jagera đã chính thức đi vào lịch sử của dân tộc Murris cũng như ở lại trong lòng mọi người mãi mãi và là niềm kiêu hãnh cho tuổi trẻ. Mọi người trở lại nhà Jagera trong im lặng và cùng nhịn ăn chiều hôm đó.
“Con nai nhỏ, vâng thưa anh, đúng vậy đã ba ngày nay em đánh mất con nai nhỏ, Jagera chính là con nai nhỏ của sa mạc Beaudesert nó nhỏ thó lanh lẹ và có đôi mắt nhung như mắt nai. Khi từ nhà Ngaro ra về em nhận ra trái đất nghiêng ngả lệch sang một bên hay chính em đang nghiêng nghiêng điều này cho em biết em vừa mất nó vĩnh viễn, mặc dù những ước mơ của nó vào phút chót của cuộc đời đã được thể hiện em hy vọng nơi thế giới vĩnh hằng nó được vui sướng, hài lòng, trước khi rời khỏi nơi đây em sẽ ra ngồi bên mộ và cô cháu tâm sự với nhau, em hy vọng năm tới em được trở lại đây để tiếp tục mission của chúng em”.
Chúng em quyết định ở lại thêm vài ngày để an ủi cha mẹ Jagera và phụ với ông tù trưởng và đám thanh niên đặt pho tượng Chúa Jésus vai vác chiên con, tay kia dắt Jagera lên tượng đài. Ông cho khắc dưới chân tượng đoá hoa immortelle và hàng chữ bằng vàng: JAGERA PRICESS OF LOVE.
Trong khi ngồi viết những dòng thư này cho anh, bên tai vẫn còn văng vẳng lời ca thánh thót của loài chim Little Corella:
I am this land.
And this land is me.
I am Aus...tral...ia...
Vĩnh biệt Jagera !
Em của anh
Teresa Kim – Chi