HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA
T ới hơn mười lăm năm, cậu em vợ tôi ở nước ngoài mới về thăm quê hương. Làng cậu đây rồi! Trước ngày cậu đi làng còn nghèo lắm! Nơi ấy là cái nôi gửi lại một chuỗi tuổi bé thơ lang thang chạy trước mảnh diều giấy, chạy trên cánh đồng, theo những cơn mưa dầm dề, những trưa nắng chói chang. Con mương trước cửa chùa. Cây cầu gỗ cheo leo. Cái ao sau nhà ông Khán... Chao ôi! Tuổi học trò trốn học đi đơm lờ, bắt cá, móc cua đồng, cất vó tép...Rõ ràng còn đó như có một thằng bé lưng trần đen đúa, tóc khét nắng, đu lên cành ổi dẻo quẹo rồi đột ngột buông tùm cả người xuống mặt ao...
Sau bữa cơm gặp mặt, cậu cho biết được về quê ba tháng. Như vậy là cậu được ở nhà ăn Tết. Thật vui quá! Cậu muốn mẹ và các anh các chị đừng bày vẽ ăn uống. Ở nước ngoài, em chẳng thiếu thứ gì, thịt thựa, bơ sữa, quanh năm. Chỉ nhớ mỗi rau muống, dưa gang, mắm cáy, muối vừng và tình người quê ta! Cậu quay sang nói với tôi:
- Anh biết không? Lúc về đến đầu làng thấy đám trẻ đeo mấy cái giọng tre, tự dưng em thèm món cá đồng nấu củ chuối, nấu khế chua, nhất là nấu me đến thế! - Cậu cười ý nhị: - Me làng ta chua có tiếng. Me chua, nhưng người làng ta đâu có chua! Con gái làng ta xưa nay đẹp nhất vùng!...
Tôi cảm phục:
- Cậu đi xa mà vẫn không quên hương vị quê nhà, vẫn ao ta nước mát!
Rồi cậu bảo chúng tôi:
- Mai mốt các anh các chị đãi em một bữa cá mại đen, cá ngạnh xem sao? Em nhớ những ngày mùa mưa tháng sáu theo bố vào làng Hưng Học mua lờ mang ra đồng Năn đơm cá. Gặp buổi mưa nhiều, được toàn cá mại đen, nặng trĩu cả lờ. Thích thật! Lại nhớ những sáng cùng ông nội đi giũ cá ngạnh ngoài sông Đồng Họ ven đê, lội đến ngang ngực và giật cá cứ phăn phắn, sướng cả tay...
Nghe cậu say sưa mà tôi giật mình. Tưởng em ước thứ sơn hào hải vị gì, bây giờ lo dễ ợt. Xuống chợ Cốc, cả phụ tùng tên lửa cũng có. Nhưng cái món cá mại đen, tức cá mại cờ với cá ngạnh thì... quả là đánh đố chúng tôi. Còn khó hơn cả kiếm măng mùa đông! Đề tài rất đơn giản mà thực hiện đâu có dễ. Giữa thời buổi xóm quê đang hóa dần phố xá, đồng ruộng chỗ nào cũng nhiễm hóa chất, đạm, lân, thuốc trừ sâu, trừ cỏ...Đến đám trẻ con cháu chúng tôi đây cũng có thể không biết con cá mại cờ, con cá ngạnh nó làm sao! Đang mạch vui khen làng thôn thay đổi diện mạo, bỗng dưng cậu chuyển sang chuyện mại cờ cá ngạnh, chúng tôi ai cũng nao nao nhớ lại ngày xưa dân dã ngói tranh...
Ngày xưa...Những cơn mưa “tháng sáu máu rồng” chan hòa mặt đất. Đám trẻ chúng tôi trong xóm thường rủ nhau từng tốp chạy ùa ạt ra đồng. Đứa xách nơm lội trên ruộng đầy tràn nước đục chụp cá tùm tụp. Đứa kê giành vào miệng cống qua đường đón chắn cá mại trắng, cả cá tần ghi nhỏ xíu mắt to, long lanh như hai hạt ngọc...Tôi thích đi dọc các rãnh ruộng mạ xem đàn cá mại cờ mừng nước. Chúng đua nhau uốn lượn cái đuôi cờ y như đoàn quân diễu hành giương cờ đắc thắng. Gặp lỗ nước chảy, chúng lại ào xuống như lao qua thác. Hoặc tôi lại cúi lưng ngắm những chú mại cờ tách đàn bơi len lỏi trong bụi năn, thỉnh thoảng lại lao lên đớp mồi đánh tép một cái như gãi ngứa vào mặt nước phẳng lặng. Có con còn ngậm lấy tẹo đuôi của bạn, lay đi lay lại tỏ vẻ đầy thích thú, tinh nghịch.
Xóm tôi có nhóm trẻ hay đi câu cá ngạnh. Quê tôi gọi là giũ ngạnh. Chân bờ rào, bờ dong riềng, đám đất chạn rửa nào cũng bị chúng tôi cày xới tìm giun đất sống cho vào ống bơ, ống vầu để làm mồi câu cá. Đầu đội chiếc nón tuột vành, lưng đeo mảnh áo mo cau, chúng tôi đứa ngồi xổm trên bờ, đứa lội ra vạ sông ngập đến thắt lưng. Tay vung cần câu trúc, cần câu tre vót lấy, quăng vút sợi cước dài có lưỡi câu xiên khẩu mồi giun ra và giũ giũ đầu cần câu vào mặt nước kêu tom tõm. Đó chính là tiếng gọi nhử lũ cá ngạnh phàm ăn đến. Tiếng tom tõm chưa dứt, vòng tròn nước chưa kịp khép thì chiếc phao bằng mẩu muồng muồng khô đã chúi xuống. Tôi vội giật mạnh lên, cần câu quay vun vút trong không gian. Con cá ngạnh to bằng ngón tay cái mắc câu. Nơi lưỡi câu phát ra tiếng kèng kẹc, kèng kẹc thật hấp dẫn. Lúc gặp được đàn cá ngạnh đi đông, giật cần câu không thấu. Chốc chốc ngón tay gỡ cá lại bị cắm gai ngạnh của chúng nhức buốt. Gai ngạnh non không sao, chứ cắm phải gai ngạnh già thì buốt tới óc. Buốt mà vẫn thích, vì nhìn sang hỏi thăm nhau: - Mày được nhiều chưa? Tao lưng giọng! Thằng Hoài Ngớ, thằng Vấu Nhì đã được đầy rồi! Hai thằng ấy dái đen nên bao giờ cũng sát cá...
Cha tôi rất chuộng món cá ngạnh nấu với củ hay quả chuối hột non và cây rọc mùng thả tái. Thời ông làm lý trưởng, có lần làng cử bác Đoàn Ngảnh (là người chuyên giúp việc chia phần rất khéo trong làng) đội khệ nệ một chiếc thủ lợn to gần kín lòng chiếc mâm đồng đến biếu. Ông xua tay: “Thôi Thôi! Coi như tôi đã nhận rồi. Tôi cho bác mang về nhà để cho cô ấy với các cháu nó ăn! Khổ lắm! Cầm dao chia phần cho làng thì tài, không ai chê được, mà phần mình thì không biết có miếng nào đến miệng? Hôm nao cháu nó câu được, cứ cho tôi mớ cá ngạnh là báu nhất”...
Được mớ cá ngạnh tươi còn giãy, cha tôi bận mấy cũng tự tay mình đi đào củ chuối hột non và thái nhỏ như miến đem ngâm vào chậu nước lã, khỏi thâm. Mẹ tôi luộc nhôi cá, vớt ra rổ cho ráo rồi gỡ hết ba cái gai to. Chỉ còn thân cá trơn tuột. Cá luộc được đảo trong chảo mỡ, rim hành, cà chua. Liệu cơ cho nước và quả bứa vào nấu chua. Sau mới nấu với củ chuối, rọc mùng. Nồi riêu cá ngạnh đơm ra váng mỡ nổi vàng óng, béo ngậy, tỏa hơi nghi ngút, ăn ngon tưởng quắt tai. Nhưng cha tôi bảo:
- Bữa đầu ăn gọi là thôi. Còn để bữa sau nấu lại, mới là người biết ăn cá đồng... Quả đúng thế thật! Giống cá ngạnh hai lửa mới tuyệt làm sao! Bây giờ nhiều khi muốn ăn, mà không kiếm đâu cho được.
Chiều cậu em, lâu lắm mới có dịp cả nhà được vui vẻ thế này, mấy chị em gái sau đó tỏa đi mỗi người một chợ, tìm mua cá mại cờ, cá ngạnh. Nhưng chẳng chợ nào có. Một bà hàng cá chợ Cốc còn đáo để mắng vợ tôi: “Cô khùng hay sao lại đòi cá mại cờ, cá ngạnh thời buổi này?” Dì em thì xuống chợ Đình Lưu Khê, chợ Vị Dương. Cũng chịu. Dì mua được mấy cân ngán cùng sò huyết và một cân tôm sú hí hửng đem về, nghĩ cậu sẽ bất ngờ. Ai dè cậu em trợn mắt:
- Các chị có chiều em được mãi không? Tưởng em không biết gì những thứ này đấy à?
Dì em tôi cười xuê xoa:
- Cũng rẻ ấy mà!
- Rẻ bao nhiêu? - Cậu em vặn lại. Dì em lúng búng trả lời:
- Sò ngán rẻ thôi. Riêng có tôm sú đây là đắt này. Một trăm tám mươi nghìn một ký lô, cậu ạ!
- Vậy mà chị khen rẻ, định giấu em. Bằng hơn tạ thóc. Nông dân mình ít ai dám đổi thóc lấy tôm ăn? Thứ này em vẫn được ăn luôn. Khách sạn, nhà hàng chả thiếu...Em về chơi, cốt rau mắm sơ sơ xong việc thôi!
Phải đến nửa tháng sau. Hôm ấy thứ bẩy. Chúng tôi lại họp mặt ở nhà bà ngoại. Mọi người đang chăm chú theo dõi chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV3 thì có tiếng xe ôm tít còi inh ỏi ngoài cổng. Vợ chồng tôi nhanh chân chạy ra. Một chị phụ nữ bịt khăn kín mặt để tránh nắng, chỉ hở hai con mắt, xuống xe, tay xách một cái bao xác rắn. Chị trút bao, lộ ra một chiếc lờ đơm cá giếc bọc bẹ chuối còn ướt trương, vội vã nói:
- Hàng độc đấy! Bác bá nhận cho em. Chị Hà nhờ em mua hộ, dặn từ mấy hôm trước. May quá dịp này có mưa. Phải rình người ta vừa đơm ngoài đồng về, em mới tranh mua được. Chẳng nơi nào kiếm được món này đâu. Họa chăng đồng Năn Hà An còn mái chua là có thể có thôi!
Thì ra là một mớ cá mại đen! Vợ tôi đón lấy bọc "tặng phẩm quí hiếm". Tôi nói nhỏ: Thế là vợ chồng mình thua dì Hà rồi!
Cậu em tôi đổ cá vào chậu nước mưa. Con đen, con xám, con vẩy đỏ còn tươi nguyên, nhảy tanh tách vung cả ra ngoài chậu. Chúng bơi dày đặc, quẫy lượn thỏa thuê, khoái chí. Cậu em chọn lấy hai con to nhất, đẹp nhất thả vào cái bát nhựa. Ngẫm nghĩ thế nào, cậu đứng dậy bê chiếc bình rượu tây bốn, năm lít gì đó hạ xuống nền nhà. Rượu trong bình đã tiếp khách còn chừng già nửa. Cậu dồn rượu vào mấy cái chai, xếp lại. Loáng sau, chiếc bình đã được rửa sạch sẽ, đổ nước mưa trong vắt, pha thêm ít nước ruộng tới lưng. Cậu thả hai con mại cờ vào đó. Nhìn qua thành bình, hai con mại cờ tự dưng to phình lên, quét hai cái đuôi dài như hai cái chổi. Chúng lượn quanh bình nhìn nhau, đôi mắt đen tí long lanh, cái miệng nhỏ tẹo hớp hớp thật dễ thương. Cu Thắng, cu Thế, cái tí Hường vỗ tay reo ầm ĩ :
- A ha! Nhà mình có bể cá rồi! Ông trẻ ơi, thả mấy con nữa vào. Cho ít cơm, ít cộng cỏ cho nó ăn đi...
Cậu em ngẩn ngơ ngắm nghía chiếc bình cá. Cậu như sống lại tuổi bé thơ ngày nào cũng vô tư như bọn trẻ bây giờ...
Bữa chiều ấy hóa ra lại bận và vui. Người thái ớt, thái lá lốt, giã gừng. Kẻ thái quả chuối hột xanh. Cậu thì trèo lên cây me hái trái non, nhưng cũng đủ chua. Riêng chỉ còn thiếu khoản mẻ. Bà mẹ vợ tôi đi lần khắp xóm không ai có, đành xin bát bỗng rượu đem về. Cậu em vẫn mạch ký ức ngày xưa:
- Thời ông bà nội với bố mình còn sống, bao giờ trong nhà cũng nuôi một hũ mẻ. Mỗi hôm thả vào một bát cơm nguội. Mẻ sống qua ngày này tháng khác. Có cá đồng về là nấu được ngay, vừa khử tanh lại vừa thơm ngon!
Cậu gặng vợ tôi:
- Chị có nhớ không? Một lần em trêu chị. Chị đuổi em chạy khắp quanh nhà. Lớ ngớ thế nào, chị vồ hụt em, vồ luôn vào hũ mẻ, làm đổ lênh láng hết sạch. Sợ bố về sẽ mắng hai chị em, em đánh liều vặt mấy quả bòng chua, gạ thằng cu Ma Toi về lấy hũ mẻ nhà nó trút sang hũ nhà mình. Keo ấy thoát trận...
Mải bươn trải với cuộc sống làm ăn, dông dài với những cuộc rượu bia, tiệc tùng thịnh soạn...Thú thực bữa đó, nhờ cậu em, chính tôi mới có dịp được hưởng một bữa riêu cá mại cờ ngon bùi, béo ngậy đến thế. Tôi phân bua:
- Cậu ơi! Chị cậu nấu ăn cũng nghệ lắm. Nhưng bây giờ lấy đâu ra mại cờ được? Thừa nhận rằng cậu đi Tây mà vẫn vấn vương hương đồng gió nội. Xin chịu cậu!
Cậu em tôi hạ đũa, mắt sáng lên:
- Hôm nào ra Giêng Hai có mưa to, anh em mình thử đi giũ ngạnh ngoài đê xem sao. Biết đâu lại có đấy!
Đến nước này, tôi cũng đành hạ đũa kêu lên:
- Cậu lại đánh đố các anh các chị nữa rồi! Mại cờ ư? Cá ngạnh ư? Có mà lội ngược ngày xưa!