Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      






MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE HAI VÌ SAO LẠC CỦA CỐ NHẠC SĨ VÔ THƯỜNG


CÀ PHÊ,
MỘT CHÂN DUNG VUI VẺ ĐỜI THƯỜNG



1.

Xưa nay, với ai cũng vậy, rất bình thường là tách cà phê buổi sáng. Đúng ra, thực tế là không riêng gì buổi sáng, người Việt mình bất kỳ ở thành phố hay thôn quê, cũng với bất kỳ nguyên cớ nào đó, đều có thể uống cà phê bất kỳ giờ giấc nào trong ngày. Như bạn bè rỗi rảnh rủ nhau ra quán cà phê. Như đồng nghiệp giữa giờ làm việc kéo nhau xuống căn-tin hay ra quán trước sở làm làm cái cà phê xả hơi. Như bạn cũ đã lâu ngày mới tình cờ gặp lại giữa đường, kéo nhau vào cà phê để hỏi han tin tức về nhau cái đã, trước khi hẹn một chầu nhậu kéo dài để tha hồ chuyện vãn. Như dân làm ăn bàn áp-phe, ký hợp đồng, chốt giá, giao nhận hàng… cũng rất thường là tại quán cà phê.

Cà phê dễ dàng, thong dong như thế nên phải nói là có gì đó rất vong thân tội nghiệp cái cảnh ai đó sáng ra sợ trễ giờ đành mua nhanh cốc cà phê take away trên vỉa hè mang vào sở làm uống sau, hay vội vội vàng vàng nốc ực ly cà phê đá để giải quyết cơn khát giữa đường phố.

Hay bạc bẽo là chuyện uống cà phê dạng fastfood đựng trong ly nhựa đậy nắp. Ăn, uống phải bằng mọi cảm quan nếm-ngữi-thấy mới ngon – đằng này dù dùng ống hút hay kê môi vào vành ly, người uống cũng không hề được thấy/ngắm màu cà phê óng ánh trong ly.

Ngược lại, có lẽ tự thân ung dung, vui vẻ nhất trong mọi sinh hoạt thường ngày của hầu hết mọi người – đặc biệt đối với bọn viết lách như bạn và tôi - là thời khắc cà phê. Cà phê đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là hành vi uống, sử dụng một món uống. Với cà phê tự thân, người uống toàn tâm toàn ý tự phục vụ bằng một số cử chỉ quen nhuần, đã lập đi lập hằng triệu lần trong cuộc sống có cà phê. Và phải với phong thái ung dung như thế mới xứng đáng nói là ‘thưởng thức’ hay ‘nhâm nhi’ cà phê – tức cảm nhận hương vị cà phê bằng cả hai phần Tâm và Thể, còn nói ‘uống’ cà phê chỉ biểu thị một động tác thể lý đơn biệt.

2.

Chợt nhớ André Gide - nhà tư tưởng tiền phong của chủ nghĩa hiện sinh. Trong cuốn Thực phẩm trần gian (Les nourritures terrestres, xuất bản năm 1897), khi đề cao vai trò của các giác quan trong đời sống con người, Gide nêu ý tưởng ‘thực phẩm trần gian’ có nghĩa bao gồm cả hai phía vật chất lẫn tinh thần, như từ một món ăn ngon lành, món uống thú vị cho đến một ý tưởng đẹp, một cuốn sách hay, một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ… Riêng tôi, lỡ có tính hiếu cảm cùng hiếu mỹ, đã có xu hướng khá phàm phu là ở trần gian này tôi khoái nhất cái gì vừa ngon, vừa đẹp lại vừa ăn được, tất cả là nằm trong kho ẩm thực Trời cho con người xưa nay, với đủ loại hạng, từ gạo, rau, cá, mắm dân dã cho đến sơn hào, hải vị cao cấp. Nên khi “triển khai” ý tưởng của Gide, tôi tôn cà phê lên hàng ‘thực phẩm trần gian’ siêu hạng. Và giá trị của cà phê không quan trọng ở mức dinh dưỡng, năng lượng, dược tính… này khác của nó mà là ở ý nghĩa, vai trò độc đáo của nó đối với con người - ít ra là đối với những người ghiền cà phê như tôi, như tạo cảm hứng, tạo hưng phấn, giải khuây, làm cái cớ để gặp bạn bè…

Thực tế là trong cuộc sống hiện giờ, hiếm có thứ gì dễ tìm, dễ tiếp cận như cà phê. Khỏi nói tới cái phin lọc, cái hũ cà phê xay hay mấy gói cà phê ‘3 trong 1’ mà nhà nào cũng có, bước ra đường là cà phê đã chấp chới rộ lên chào mừng bạn. Đó là những cái tủ gỗ hay xe đẩy, xe đạp bán ‘cà phê mang về’ có mặt san sát nhau trên vỉa hè, cho đến những quán cóc bán cà phê bình dân, rồi những quán hay nhà hàng cà phê máy lạnh giá cao, cà phê sân vườn, cà phê sạch, cà phê thư giãn, cà phê fast-food kiểu Mỹ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc…. Mới mẻ, vui mắt nhất là có lẽ là các trạm cà phê sạch từng xuất hiện khắp phố phường Sài Gòn theo sáng kiến kinh doanh của doanh nghiệp “Hệ thống trạm cà phê sạch”, thuộc chuỗi cà-phê-mang-về “RI CAFÉ” với người bán toàn những cô gái trẻ mang tạp-dề màu cam thật bắt mắt…

3.

Uống cà phê, nhâm nhi cà phê đi liền với ngồi cà phê.

Rồi việc ngồi cà phê đi liền với quán cà phê quen.

Rồi ở nơi chốn được chọn lọc ấy, cà phê đi liền với bạn bè, tức những người thường cùng ngồi cà phê với mình.

Bạn-bè-cà-phê là một chân dung vui vẻ rất đời thường.

Có người nói chí lý rằng dân nghiện xì ke, ma túy là bọn luôn ích kỷ, họ thường hút, chích một mình cho đả đời, sao cho khỏi phải chia sẻ, tiêu tốn món ‘chơi’ mắc tiền cho người nghiện khác; còn dân ghiền cà phê thì hay thơm thảo, luôn rủ rê, hú réo nhau để bạn bè đồng điệu cùng có mặt ở các chầu cà phê quán này quán kia, càng đông đủ càng vui.

Bên cạnh đó, ngồi cà phê một mình lại là một sinh hoạt tĩnh tại, riêng tư rất có ý nghĩa và ơn ích cho tư duy viết lách, tính toán công việc hay thả lỏng cảm xúc cho trí tưởng nghỉ ngơi. Và ngay cả những lúc cà phê quay quần bè bạn, ai cũng có thể có những quãng lặng, thầm tách riêng mình ra khỏi đám tha nhân, không khác lúc mình ngồi nghĩ ngợi một mình bên tách cà phê.

Xin mở ngoặc ở đây là người viết thầm có một vọng tưởng, nhỏ bé thôi, đó là trên đời này sẽ được gặp nhiều bạn đọc phóng khoáng, bao dung cho kiểu cà phê lê-la-vỉa-hè bụi đời của đám viết lách, để có thể cùng:

Chào buổi sáng! Café cùng bằng hữu
Hương vị đời nồng ấm chuyện cười vang.


(OK! Café sáng! *Thơ Trần Thoại Nguyên)

*Trích ‘Lời Ngỏ’, tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ & NHẠC, vừa tái bản 2022 online trên TUSACHTRE.





VVM.14.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com