Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



“CŨNG MAY LÀ CHA MẸ NGHÈO
ĐỂ CON BIẾT TIỀN LÀM RA KHÓ”
(Đen Vâu)



          

      T ôi thuộc thế hệ mà gu âm nhạc không phải là nhạc mới lại càng không phải nhạc rap nhưng quả thật tôi rất thích những bản rap của Đen Vâu bởi vì lời bài hát rất hay, rất đời đã chạm đến trái tim chúng tôi- những con người “cổ lỗ sĩ” thuộc thế hệ vắt qua hai thế kỷ 20& 21. Đen Vâu bước vào nghệ thuật chưa lâu (2016) đã nổi lên như một hiện tượng âm nhạc của thế kỷ 21 thu hút hàng triệu người hâm mộ và trở thành top 1 trending youtube và giữ vị trí đó đến nay. Mới đây nhất sau khi bản nhạc rap ra mắt chỉ sau một đêm đã thu hút hàng chục triệu lượt xem. (tính đến sáng 6/1/2021, chỉ sau 1 tuần đã có 22 triệu lượt view) . Để có được điều này không phải chỉ xuất phát từ âm nhạc mới này mà từ lời bài hát, Thực sự rất hay, rất có ý nghĩa.

Thời gian qua đất nước ta phải trải qua dịch bệnh, giờ vẫn còn đó những khó khăn. Có thể nhiều người đã mất đi người thân, không thể có được sự đoàn viên như ý. Nhưng ý nghĩa của bài hát vẫn lay động, thức dậy trong ta tình yêu gia đình để càng thêm trân quý.

Và nhất là trong giai đoạn đạo đức có vẻ đang bị báo động, thời gian này xảy ra nhiều chuyện cho thấy những người trẻ quá bị nuông chiều dẫn đến sống không có trách nhiệm với chính mình, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhạc Đen Vâu từng câu từng chữ mộc mạc, đơn giản thôi nhưng rất thấm. Và cũng bởi vì chúng ta tìm được bóng dáng mình ít nhiều trong đó. Vì vậy nhạc Đen Vâu được đông đảo công chúng đón nhận là điều dễ hiểu. Đặc biệt bài hát đã được nghệ sỹ Bạch Tuyết chuyển thể thành vọng cổ, cải lương chỉ sau 2 ngày (tính đến sáng 06/01/2022) đã thu hút 112 nghìn lượt view. Và khi nghe nghệ sĩ Bạch Tuyết ca bài này, thực sự cảm xúc trong tôi phải nói là tan chảy. Rất xúc động. Nên tôi không thể không ghi lại đôi dòng xúc cảm.

Mở đầu Đen có lời thoại hỏi mẹ: - Tuần sau con về mẹ có cần mua gì không?

Thì được mẹ trả lời: -Không cần mua gì đâu! Nhà đủ hết rồi.

Từ câu chuyện được mở đầu như vậy để thấy rằng cha mẹ (chân chính) nào cũng không đỏi hỏi gì ở con. Rồi mạch cảm xúc tiếp theo để thốt lên những lời tự hứa của đứa con hiếu thảo:

Mang tiền về cho mẹ, không mang ưu phiền về cho mẹ.

Tuy nhiên có ai đó không đồng ý (số ít) rồi họ cho rằng đây là thông điệp sai vì họ lý giải rằng có những người cha mẹ không nuôi con tốt, rồi xài tiền con để đánh bài (số này cũng là thiểu số) bởi thế tôi mới nhấn mạnh là bài hát này dành cho những đứa con hiếu thảo và những bậc cha mẹ chân chính. Những đứa con dù ba mẹ nghèo nhưng được nuôi dạy tử tế đã trở thành con ngoan, những đứa con biết cha mẹ lam lũ để biết quý trọng đồng tiền được làm từ mồ hôi nước mắt. “Cũng may mà cha mẹ nghèo để con biết đồng tiền làm ra khó”. Dĩ nhiên không ai muốn nghèo, nhưng biết biến cái rủi thành cái may. Cha mẹ nghèo, con cái biết đồng tiền cha mẹ kiếm được vô cùng vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp chiếm phần lớn, nên nhiều cha mẹ lam lũ kiếm tiền chắt chịu nuôi con ăn học. Không tiếc gì với con. Có người còn cầm nhà, bán nhà để có tiền cho con lên thành phố ăn học. Nhưng nhà có điều kiện là trường hợp cha mẹ có chức quyền, nhiều bổng lộc, làm ăn may mắn phất lên…có của chìm của nổi. Họ ăn mười đời chưa hết thì cần gì con mang tiền về. Nhưng để có được đứa con ngoan là điều đáng mơ ước không phải ai cũng may mắn có được điều này vì giàu sang chưa hẳn có con ngoan cũng không phải có tiền là có tất cả. Trường hợp trên không bàn cãi trong bài hát này. Chúng tôi chỉ gợi ra chút xíu để so sánh và minh chứng để có cái nhìn rõ nét hơn cho cái sự không bằng lòng của ai đó. Nếu không đồng cảm dẫn đến chê khen dẫu có cũng không nên phiến diện mà phán xét. Bài hát này trước hết là là lời tâm tình của Đen Vâu, Đen vâu nói với mình, nói với mẹ và nói cho những hoàn cảnh như mình. Ai nghe tìm thấy bóng hình mình trong đó là tìm thấy tiếng nói tri âm đồng điệu, sẻ chia. Đó là bản nhạc, là tiếng lòng của người nghệ sĩ dâng tặng cho đời.

Bài hát này cũng là “quà tặng” cho những bậc cha mẹ chân chính hết lòng thương yêu con. Những thành phần khác thuộc về ngoại lệ và như vậy không thể có trong bài hát này. Vẫn biết rằng một tác phẩm nghệ thuật nào cũng có những luồng ý kiến khác nhau, 9 người, 10 ý mà. Cũng có ý kiến cho rằng thì là đem tiền về cho mẹ là tạo áp lực cho con cái. Vui lòng đọc kỹ lại lời bài hát lần nữa. Mở đầu bài hát mẹ đã trả lời là:- không cần mua gì. Nhà đủ hết rồi đó sao. Có thấy cha mẹ tạo áp lực gì đâu nào. Cha ông mình đã nói: “Nước mắt chảy xuôi” mà cha mẹ (tôi lại xin mở ngoặc là cha mẹ chân chính) nào cũng thương con, lo cho con hết lòng cũng chỉ mong con khôn lớn, trưởng thành: Nhắc lại lần nữa câu này tôi thật sự tâm đắc: “ Cũng may mà cha mẹ nghèo để con biết đồng tiền làm ra khó” Cái nghèo dĩ nhiên là không ai muốn nhưng đôi khi nhờ vậy mà con ngoan biết lo toan cuộc sống, biết tiết kiệm chi tiêu đồng tiền mồ hôi nước mắt một cách đúng đắn. Nói như thế có bạn lại thắc mắc rằng: - Ủa vậy ai giàu thì con hư à? Hay là chẳng lẽ mọi đứa con nhà nghèo đều ngoan à? Không! tôi không có ý đó. Tùy phước nhà thôi! Nhưng nếu quan sát cuộc sống xung quanh chúng ta thấy con nhà nghèo ít quậy phá hơn! Có những người giàu con họ cũng rất ngoan nhưng không loại trừ có những đứa con nhà có điều kiện thường ỷ lại, không chịu học hành, cố gắng. Vì nghĩ rằng ba mẹ mình có tiền dại chi mà học mà làm cho cực. Ai chẳng thích hưởng thụ. Mấu chốt là ở đây.

Trở lại mạch xúc cảm của Đen. Cha mẹ Đen nghèo vất vả nuôi con, và vì vậy Đen cũng phải vào đời sớm khi vừa học xong phổ thông. Mẹ từng “bán lưng cho trời bán mặt cho đất”và làm nhiều nghề khác nữa để kiếm sống. Đen thấu hiểu được điều đó nên khi làm ra tiền muốn đỡ đần cho mẹ đôi chút. Những gia đình chật vật kiếm sống chạy ăn từng bữa sẽ rất cần những đồng tiền con làm được. Ví dụ để lợp lại mái nhà đã dột hoặc nếu có thể thì chuộc lại căn nhà ngày xưa mẹ đã bán cho con ăn học. “Đem tiền về cho mẹ” cũng có thể mẹ không dùng đến mà mẹ để dành dụm cho con, để còn lo tiếp cho con như dựng vợ gả chồng hay còn cả một tương lai dài phía trước. Tại sao không? Nhờ mẹ cất giùm vì mẹ (ở đây không nói đến những người vứt con không nuôi, mẹ cờ bạc, hay mẹ tiêu xài vô độ mà là mẹ chân chính) là nơi con cảm thấy an toàn nhất. Vòng tay mẹ là bình yên nhất! Mang Tiền về cho mẹ không hẳn là tiền mà ý nói thành quả cho thấy con thành công. Cho thấy con đã là người có ích mang niềm vui về cho mẹ chứ “không mang ưu phiền về cho mẹ”. Không mang nợ về bắt mẹ trả (nếu không xã hội đen sẽ dí, trường hợp này không thiếu à nha!).

Đen luôn nhớ : “Cái máy tính mà con thu âm mấy bài đầu mẹ đổi bằng mồ hôi.

“Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so. Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no. Mẹ không dám ăn, không dám mặc không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con”. Chính vì thế khi con làm có chút đỉnh, con báo đáp cho cha mẹ cũng là điều nên làm và hoàn toàn tự nguyện, mua cho mẹ cái túi, được mẹ dùng lòng cũng cảm thấy vui, hạnh phúc.” Bởi vì “Biển cả bao la không đong đầy tình mẹ”

Đen biết “Tiếng nói đầu tiên, Nét chữ đầu tiền là do ai dạy? Chính là mẹ. Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Chính là mẹ. Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? Luôn là mẹ.” Những ký ức không thể quên: “Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè. Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu soong gang”. Ngon bởi có tình yêu của mẹ. Sau này con cái lớn lên có thể đi khắp chân trời góc bể, có thể ăn những món ngon trong nhà hàng sang trọng nhưng dễ gì tìm lại những món ăn giản đơn nhưng thấm đẫm tình yêu cuả mẹ của tháng ngày trong mái ấm gia đình.

“ Bước ra đời là ông này bà nọ trở về nhà là một đứa con ngoan” câu chốt của đoạn này mang ý nghĩa khái quát từ cuộc sống và đúc kết lại rất hay, rất hàm súc, tinh tế. Phần tiếp theo được thể hiện qua giọng ca của Phương Thảo là những câu mang tính dự báo, có một chút triết luận nhẹ nhàng như một điều dĩ nhiên mà ai rời mái ấm cha mẹ lao vào đời cũng phải tự mình đối diện.

“ Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà. Sẽ có rất nhiều hành trình qua trong đời. Rời xa mái nhà đừng hòng còn ai nuông chiều. Và sẽ phải nếm rất nhiều mặn ngọt, chua cay, đắng". Cuộc đời vốn thế, nên sẽ phải chuẩn bị hành trang để đối diện và để thấy rằng gia đình cội nguồn luôn là số 1 không thể nào thay thế.

Mong muốn của cha mẹ là gì? Chúng ta hãy theo dõi tiếp: Con cái trưởng thành, khi ra ngoài phải biết chăm sóc bản thân mình, biết “lo cho mình” để cha mẹ yên lòng. Một câu nói mộc mạc giản đơn của mẹ mà đầy tình mẫu tử. “về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn”.

Con bây giờ đã gặt hái được ít nhiều thành công, người hâm mộ xếp hàng dài xin chữ ký, con biết ơn khán giả và tự hào con là con của mẹ “ Dù không phải thế phiệt trâm anh” nhưng con đã trở thành người có ích được sự mến mộ trong lòng công chúng. Đồng tiền con kiếm được là đồng tiền chân chính bằng mồ hôi nước mắt và lao động sáng tạo của con. “ Tiền của con không cần phải rửa” nó chỉ “ám mùi mồ hôi” công sức của con để mẹ yên lòng: “ con là công dân tốt”. Lao vào đời không làm mẹ phiền lo. Mang tiền về cho mẹ là đồng tiền thơm tho”. Và con cũng biết thời gian khắc nghiệt không ai có thể ngược dòng tàn phá của thời gian. Con mỗi ngày mỗi lớn, mẹ mỗi ngày già đi “Bao nhiêu tiền mua lại được một ngày khi con ngồi vừa lọt cái soong gang” Thời gian trở lại thời thơ ấu là điều không thể. Nhưng con vẫn “muốn được nghe mẹ mắng mỗi ngày để con thấy rằng mình còn chưa không ngoan” Khi con đi ra ngoài mẹ vẫn luôn dõi theo con để mà nhắc nhở: “Đừng ham chơi và chọn bạn mà chơi” cạm bẫy ngoài kia nhiều lắm! Con hãy cẩn thận và biết giữ gìn sức khỏe: “ Chạy xe ra ngoài đừng rồ ga bốc đầu. Ra bên ngoài học điều hay mang về. Tiền khó kiếm tập xài cho tiết kiệm. Đừng hút thuốc như ba mày”.

Và con biết mẹ vất vả, tháng ngày lam lũ đã sớm bào mòn sức khỏe và tuổi xuân, thời gian tàn khốc quá! Con muốn làm gì đó để bù đắp cho mẹ dù chỉ một chút thôi! “Nếu con có nhiều tiền tiền con sẽ sản xuất son môi. Màu son cho các mẹ con đặt là son sắt”. Vâng quả là tấm lòng son sắt của các mẹ một đời chăm lo cho chồng con rất đáng được ghi nhận.Tiếp tục mạch tự sự trong bài hát là những lời tâm tình bằng ngôn ngữ dung dị, mộc mạc rất đời thường nhưng dễ đi vào lòng người. “ Giờ con không phải doanh nhân con vẫn có kế toán để tiền của con không có đứa nào thó mất” .Đây cũng là lý do Đen muốn gửi tiền cho mẹ: “ Vì tay mẹ có nhiều vết chai nên con đưa tiền về để mẹ cầm cho nó chắc”. Anh muốn mẹ giữ tiền, có lẽ đối với đứa con ngoan thì mẹ là nơi an toàn nhất. Đen hiểu có lao động vất vả mới biết trân quý đồng tiền. Để từ đó đặt niềm tin đúng chỗ bởi anh biết mẹ bao giờ cũng dành điều tốt nhất cho con. Lòng người mẹ nào cũng vậy. Con là tất cả. Lo cho con cho đến khi sức cùng lực kiệt vẫn đau đáu vì con. Và anh tiếp tục mạch cảm xúc như là một sự lý giải: “Chim thì có tổ là con người thì chắc chắn phải có tông”. Gia đình là nguồn cội, không có nơi nào an yên và ấm áp hơn mái ấm gia đình và vòng tay cha mẹ. Điều này là tuyệt đối. Như trên tôi đã nói là cha mẹ chân chính. “Mang tiền về cho mẹ hiền” để làm gì? Và chúng ta hãy nghe Đen trả lời cho bản thân Đen và thay cho nhiều bạn trẻ là: “Để mẹ may thêm đôi cánh” chắp thêm đôi cánh cho bước vào đời cao xa hơn. Dành dụm giùm con để sau này còn lo tiếp những việc con cần trong tương lai. Bài hát lại tiếp tục lới những ca từ hay và ý nghĩa : “ Cũng may đã từng lênh đênh để con biết yếu thì đừng ra gió”. Quả thật ca từ đốn tim đông đảo công chúng trong đó có chúng tôi- thuộc thế hệ phụ huynh của Đen- thế hệ không còn trẻ nữa, thế hệ đã đủ chiêm nghiệm với cuộc đời này.

Qua những dòng tiểu sử trên Bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Việt. Chúng ta được biết Đen Vâu sau khi học xong Trung học phổ thông vào đời sớm kiếm sống bằng những công việc vất vả như làm công nhân môi trường, mở quán bán cà phê với đứa em...Và những năm tháng lăn lộn đó, cộng với những trải nghiệm cùng gia đình từ Nam ra Bắc đã tạo vốn sống cho Đen Vâu” khi “từng lênh đênh” để biết tìm hướng đi đúng. Bạn ấy đã “tìm thấy đường, trong bao la muôn trùng xa đó”. Đen cảm ơn đời, chúng ta cảm ơn Đen sau 4 năm ấp ủ đã trải lòng vào bản nhạc với những điều hữu ích giản dị mà rung động lòng người. Ca khúc này thực sự có giá trị truyền cảm hứng tích cực hơn những bài giáo huấn khô khốc phi thực tế. Kết thúc bản nhạc lần nữa Đen nhấn mạnh điệp khúc: “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ…Và cuối cùng với câu nói hóm hỉnh: “ Ba cần thì xin mẹ haha..ha” rất dễ thương và rất đúng với những gia đình truyền thống.

Còn ai cảm thấy không đúng, cha mẹ không xứng đáng… thì thôi! không đem tiền về cho mẹ có sao đâu, đời luôn có ngoại lệ mà! Đen nói với ai đồng cảm chứ Đen không bắt ai cũng như anh. Nên cũng đừng bắt bẻ mà chi.

Đến với nghệ thuật, bài hát đầu tiên để công chúng biết đến Đen là hát với cô bé xứ Huế (Linh Cáo). Nơi mời Đen bước lên sân khấu chuyện nghiệp cũng chính là Thành phố Huế- xứ sở của thành quách rêu phong- nơi trọng sự bảo tồn, tính cách trầm lắng, khiêm cung nên cái mới cái hiện đại phải được sàng lọc kỹ lưỡng không dễ gì chấp nhận. Điều này làm cho chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thú vị.

Như vậy Đen Vâu chỉ mới bước vào con đường âm nhạc từ năm 2016 đến nay thời gian chưa lâu. Đen đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận với hàng triệu fan hâm mộ … Bởi tài năng và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc từ những trải nghiệm của cuộc sống là chất liệu để đưa vào loại hình nghệ thuật hiện đại mới mẻ bằng ca từ hay, chạm đến hàng triệu trái tim. Dù Đen không qua trường lớp chuyên nghiệp nào anh vẫn trở thành nhạc sĩ và người biểu diễn có sức ảnh hưởng lớn, tác động tích cực vào cách nghĩ, cách sống cho giới trẻ hiện nay. Âm nhạc có sức thuyết phục rất lớn khi nó xuất phát từ trái tim, từ sự chân thành và nó đi thẳng vào trái tim rồi đọng lại những thông điệp cuộc sống cần nhắn gửi. Dù đôi lúc có những câu còn thô ráp mang tính đời thường như ở một số bài khác nhưng có lẽ rap là ngôn ngữ đường phố phải đậm chất đời thường nên đôi khi có ngoa ngôn một chút. Nên chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, nhìn ưu điểm vượt trội chứ không đánh giá tiểu tiết. Dù sao những bài hát có ca từ hay đã làm nên tên tuổi của Đen Vâu. Thành công của Đen là điều đáng trân trọng và cỗ vũ. Chúng tôi thực sự rất thích các bài như: Trốn tìm, Mười năm, Đi về nhà và Mang tiền về cho mẹ… Không phải ngẫu nhiên mà phải xuất phát từ năng khiếu có sẵn, cùng với đam mê. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường Đen từng sáng tác và biểu diễn văn nghệ. Điều này cho thấy những gì thuộc sáng tạo nghệ thuật cần nhất là năng khiếu, lòng đam mê và sự lao động nghiêm túc mới được công chúng đón nhận. Không có năng khiếu không làm được điều này. Chúc cho Đen Vâu dồi dào sức khỏe, giàu cảm hứng sáng tác để tiếp tục có những sản phẩm âm nhạc mới, giữ vững kỷ lục đón nhận và dành được sự yêu mến trong lòng người hâm mộ.

Sài Gòn ngày 06/01/2022




VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com