Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
           

NGÀY CUỐI NĂM
VÙNG ĐẤT CỔ HÒA BÌNH



Đ úng ngày lạnh nhất của năm, chúng tôi đến Hòa Bình, thăm Kim Bôi, Cao Phong và dạo chơi mấy nơi trên đất Hòa Bình, chiếc nôi của nền văn hóa cổ xưa nhất của Việt Nam.

Điểm đến đâu tiên là Kim Bôi, thăm người anh em của trưởng đoàn, người tổ chức cuộc du ngoạn xứ Mường. Trời lạnh, leo lên ngôi nhà sàn, chúng tôi phải ngồi dưới quạt sưởi điện. Bên ngoài gió hun hút thổi. Chủ nhà không phải là người Mường mà ở miền xuôi lên đây làm giáo viên, đưa con chữ vào xứ Mường và lập nghiệp ở xứ sở này. Họ còn đang làm việc, ngày nghỉ đón khách du lịch thân quen chứ chưa làm dịch vụ du lịch.

Chúng tôi được đón tiếp như những khách quí. Bữa ăn thịnh soạn, đầy mâm, thịt gà rang, gà luộc, sườn lợn xào chua ngọt, lợn Mán nướng, canh sườn nấu với loại khoai sọ thơm, cá chép om dưa, sung muối kiểu chua ngọt, su su và cà rốt luộc… Chủ nhân tâm tình, chia sẻ với khách việc lập nghiệp của họ. Là những giáo viên ở xuôi lên từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng họ đã có tầm nhìn rất xa. Mua đất, trồng cây ăn trái, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi gà,vịt, nuôi ong…họ đã sở hữu 500m2 đất gần khu nước nóng Kim Bôi sẽ làm cơ sở dịch vụ ở khu du lịch sáng giá và 2 ha đất canh tác nông nghiệp cách Kim Bôi gần 10 km. Chăm chỉ làm việc, lại có tầm nhìn xa, năng động phát triển kinh tế vườn nên cuộc sống của họ khá giả.

Được ăn, nói , gói về nhiều quà cáp của người chủ nhân thân quí, chúng tôi tần ngần khi chia tay. Chúng tôi hứa sẽ trở lại để được gặp gỡ chủ nhân và thưởng thức thực phẩm sạch của xứ sở hiếu khách này…

Chúng tôi đi tiếp đến Cao Phong.

Huyện Cao Phong, cách Hà Nội gần 100 km nổi tiếng với các giống cam ngon. Mùa cam, sắc vàng của trái cam chín trải dài dọc theo đường quốc lộ. Sắp đón xuân, đón tết, đường lên Cao Phong, tấm thảm đa sắc phủ các ngọn đồi bát ngát, màu cam của cam, màu trắng của hoa mận, màu hồng của hoa đào đón xuân, màu xanh của cây cối…. Vùng này có tới hơn 1200 ha trồng cam quít, bình quân số tiền dân thu được khi thu hoạch cam trung bình là 500 triệu đồng 1 ha. Những vườn cam có chất lượng có thể thu hoạch cao hơn, 1 tỷ đ/1 ha. .Anh Chiến, chủ một vườn cam ở khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết vườn nhà anh có hơn 200 gốc cam, mỗi năm thu hoạch từ 12 đến 15 tấn quả ( mỗi kg cam mua tại vườn là 35 000đ, mua ven đường quốc lộ loại ngon là 40 000 đến 50 000đ).

Cao Phong xuất hiện nhiều tỷ phú cam, có những tỷ phú thu hoạch mùa cam hàng năm, trừ mọi chi phí , họ còn thu được từ 3 đến 6 tỷ đồng. Cam Cao Phong đã vào các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài. Dự đoán, năm 2020 diện tích trồng cam ở Cao Phong sẽ tăng lên 3000 ha.

Từ năm 2007 cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ công nhận thương hiệu, và năm 2014 cấp giấy chứng nhận khẳng định thượng hiệu độc quyền, được xuất khẩu ra nước ngoài.

Cam Cao Phong bắt đầu chín từ tháng 8 âm lịch cho tới sau tết mới hết vụ.. Có khoảng 6-7 giống cam trồng tại đây như cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Xã Đoài…Nhưng cam lòng vàng và cam Canh được ưa chuộng vì vị đậm đà, mọng nước, giá cả cao hơn các loại khác khoảng 5000đ đến15 000đ. Mua tại vườn, cam tươi, rẻ hơn mua ở các nhà hàng. Chủ nhân của đa số vườn cam tuổi còn rất trẻ. Họ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất cam và thành quả đạt được không phụ công họ. Nhìn vào những kết quả của họ qua sản phẩm thu được, ta thấy sức bật của tuổi trẻ Hòa Bình- Việt Nam thật mạnh mẽ. Một bài báo nước ngoài đã viết về tuổi trẻ Việt Nam và người Việt như sau: “Giới trẻ Việt luôn tự tin. Nằm dọc tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, dân số trẻ và đang phát triển, kinh tế Việt đầy triển vọng cất cánh. Các đối tác muốn hợp tác lâu dài với Việt nam…Người Việt cực kỳ thân thiện, bất kể già hay trẻ. Sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại xuất hiện mọi nơi, có thể dễ dàng nhận thấy trên mỗi đường phố. Việt nam đang đi lên và sẽ tiếp tục tiến tới không ngừng” ( Trích bài viết của Thái Lương đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 3, 16/1/2015).

Sản vật cam Cao Phong cho thấy sức trẻ vươn lên không ngừng trong tư duy và trong phương thức làm việc của họ.

Chúng tôi, một nhóm người, tuổi U70 đến thăm một vườn cam đang mùa thu hoạch. Một vùng vườn đồi rộng mênh mông cây cam nào cũng trĩu quả, mượt mà. Đi giữa những luống cam, được ngắm nhìn những quả cam vàng ươm hoặc vàng đậm rất mát mắt. Đặt chân lên đất trồng cam, sạch, xốp, êm và mịn. Chất đất phì nhiêu, màu mỡ, được chăm chút, vun bón thường xuyên để nuôi cây cam xanh tươi sai quả. Người trồng cam đổ mồ hôi, công sức chăm cam để có được những vụ cam bội thu. Chẳng thế người ta bảo, người trồng cam có lúc phải ăn cơm đứng.

Dạo chơi cùng cam, ngắm nghía những cây cam trĩu quả, chúng tôi chụp ảnh, quay video bên những cây cam, tay níu các cành cam có chùm cam chi chit, quả to, vỏ mỏng óng ả, đi lại giữa những luống cam chạy dài theo diện tích vườn đồi của chủ nhân một cách thích thú. Chủ nhân vườn cam nói, diện tích vườn của họ gần 2 ha và mời chúng tôi nếm cam. Chúng tôi mạnh dạn lựa chọn những quả cam vàng đậm, mọng nước để thưởng thức. Bóc quả cam tươi roi rói, chỉ cần lau qua vỏ cho sạch bụi là có thể thưởng thức ngon lành, không lo lắng sợ ngộ độc bởi những quả cam có chất bảo quản mà chất độc quá mức cho phép rất hại sức khỏe. Giữa lúc truyền thông đại chúng truyền đi biết bao tin tức về việc chất độc theo thực phẩm vào con người đưa đến bệnh tật, thì việc được thưởng thức cam sạch ngon, vừa tinh khôi, vừa an toàn khiến cho ta sảng khoái, thích thú, ăn một lại muốn ăn hai…và khi rời vườn cam, người nào cũng mua về làm quà ít nhất 3 kg.

Tạm biệt vườn cam chúng tôi đi thăm Bảo tàng di sản văn hóa Mường ở thành phố Hòa Bình do ông Bùi Thanh Bình, cử nhân văn hóa, nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Mường làm giám đốc. Bảo tàng được cấp giấy phép hoạt động ngày 2/1/2014 theo QĐ số 01/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hòa Bình. Bảo tàng được tọa lạc trên diện tích mặt bằng là 4000 m2, với 6 ngôi nhà chính đáp ứng đầy đủ các hoạt động của Bảo tàng. Tầng1 là kho mở có trên 1000 cổ vật các loại . Tầng 2 là phòng trưng bày di sản văn hóa Mường với 1200 cổ vật trình bày theo chủ đề và niên đại, từ thời tiền sử- thời đại đồ đá đến thời cận hiện đại. Các vật dụng sinh hoạt trong lao động sản xuất như công cụ lao động và vũ khí bảo vệ mường bản, chống ngoại xâm, thú dữ bằng đá, đồng, sắt…đến vật dùng cho sinh hoạt như bát đĩa, chum vại, bình, lọ bằng gốm, sứ…khá phong phú. Nếp sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Mường bình dân và Lang Mường từ thời cổ đến nay cũng được tái hiện sinh động qua ngôi nhà, ẩm thực, qua tục Thờ cúng Tổ tiên của người Mường, thông qua các hiện vật trong “Túi Khót” của Thày Mo, qua bộ lịch tre Mường, qua thanh kiếm, chuông đồng của thày Mo, qua đồ trang sức, trang phục …. Văn hóa Mường đậm nét qua nhạc cụ và sinh hoạt văn hòa của dân Mường. Bước vào nơi trưng bầy các bộ cồng chiêng, vào thư viện trưng bày hàng ngàn cuốn sách cổ, sách nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật, từ khi có văn tự đến nay, sách quí hiếm được lưu giữ cẩn thận chúng tôi rất ngưỡng mộ nhà sưu tầm vật quí. Hơn 20 bộ cồng chiêng cổ với hơn 200 chiếc, trong đó có 3 chiếc chiêng được xem là cổ nhất hiện có trên Hòa Bình. Phần lớn cồng chiêng sưu tầm được ở Thanh Hóa được đem về trưng bày ở đây, đậm chất văn hóa Mường.

Thăm Bảo tàng di sản văn hóa Mường tại thành phố Hòa Bình, vùng văn hóa Đông Sơn, cái nôi của người Việt cổ, chúng tôi tìm về văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Mường. Chúng tôi đánh trống đồng Đông Sơn, tiếng trống đồng như mang âm vang của quá khứ, trầm hùng và sâu lắng. Giao lưu thân thiết với các thành viên của bảo tàng, ngồi uống rượu cần, đánh cồng chiêng, đi vòng quanh ngôi nhà của người Mường cùng các cô gái trẻ người Mường, già trẻ hòa đồng vui vẻ. Muốn thấy hết cái hay, cái linh thiêng, đằm thắm của cồng chiêng thì phải đứng từ xa, trong cảnh suối, khe, đồng bãi, núi rừng mà chơi, mà nghe, nhưng ở ngôi nhà, nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu giữa chủ và khách ở nhà Bảo tàng vẫn khiến chúng tôi thấy dư âm của thời xa xưa qua tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm hùng, êm ái.

Chiều về, trong cái lạnh cuối mùa, nhiệt độ từ 0 độ đến 7 độ C, chúng tôi gặp gỡ, giao lưu với câu lạc bộ khiêu vũ thành phố Hòa Bình tại khu trung tâm Hội nghị Hòa Bình. Câu lạc bộ khiêu vũ thành lập được ba năm, thành viên trẻ trung đầy xuân sắc. Trong những bản nhạc vũ vui vẻ, tha thiết, trẻ già đi bên nhau. Lớp trẻ trao cho chúng tôi sự trẻ trung, nhiệt tình, còn chúng tôi, bên họ như thấy tuổi xuân sống dậy. Chúng tôi nói với người trẻ nhất của câu lạc bộ khiêu vũ là, hơn 50 năm trước, chúng tôi cũng như các em, trẻ trung và say đắm, với mọi thứ, từ làm việc, chơi và yêu…Chúng tôi chúc nhau đón năm mới vui vẻ, khỏe mạnh và chia tay nhau trong mối giao lưu mới đầy ấn tượng, nhớ nhung.

Xuân đến rồi. Chúng tôi đến vùng đất cổ chơi và thấy, Cội nguồn, Con người và Đất nước luôn gắn kết. Thăm cảnh quan, bảo tàng di sản văn hóa Mường, giao lưu với con người, nhất là với các bạn trẻ chúng tôi thấy, lịch sử là một dòng chảy, một sự tiếp nối không ngừng. Có quá khứ hào hùng sẽ có tương lai tươi sáng. Văn hóa đậm tính dân tộc có trong máu những con người ở đây tạo nên những con người lịch sự, hiếu khách, luôn giữ gìn nét đẹp trường tồn của đân tộc mình.

Nền Văn hóa Đông Sơn, với Hòa Bình đa sắc luôn luôn là vùng viễn du hấp dẫn, ai đã đến rất khó quên./.

(Bài có tham khảo tư liệu trên Internet)





VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com