Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NÀNG TIÊN CÁ




N gười con gái ngồi bất động như thế đã từ lâu lắm; dễ chừng có cả tiếng đồng hồ rồi. Trời biếc xanh, lác đác những khóm mây trắng thiên hình vạn trạng phía trên, biển xanh thẫm phía trước, sóng dạt dào xô nhau vỗ vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa dưới chân; Tất cả như cùng cuốn hút nàng vào cái bao la mịt mùng bí mật. Ở một góc nhìn từ bên sườn dốc đá, thấy nàng nhạt nhòa trong nắng như một phần của núi non đã hóa thạch từ ngàn năm trước. Nàng, như tượng đá, mong hoài một điều không bao giờ xảy ra; một ước mơ không bao giờ thành sự thực; hay nàng đứng chờ trông một người đã mịt mù bóng chim tăm cá?

Khi tôi đến, nàng vẫn như một hình hài không có thật; một phần của núi non. Mái tóc dài bay xõa tung trong gió biển, bộ quần áo bà ba phần phật bay, dán ép vào thân thể tượng đá với ngực nhỏ, vai thon là tất cả những gì còn sống. Tôi ho nhẹ một tiếng trong khi nhẹ nhàng và cẩn thận nhón từng bước chân trên những phiến đá xanh màu rêu cũ. Nàng vẫn lặng lẽ im lìm như thể nàng chưa bao giờ có thật. Ở phía này của núi đá, tôi chưa thể nhìn thấy rõ được nét mặt nàng, nhưng những sợi tóc nàng thì hằn sắc nét đen trên nền trời xanh ngắt. Có lẽ gió biển mang theo tiếng sóng dào dạt đã át đi tiếng tôi ho nhẹ để đánh thức nàng. Tôi lặng lẽ đứng lại trên phiến đá đen xám trơ trọi bên bụi cây có những bông hoa dị kỳ màu vàng nhạt. Từ đây đến chỗ nàng đứng, chỉ còn hai bước ngắn. Tôi đã có thể nghe được tiếng vải áo quần nàng no gió vỗ vào thịt da nghe phần phật. Tôi có thể ngửi được mùi hương của tóc lồng trong mùi của biển nồng nàn muối mặn. Và tôi tưởng chừng nghe được tiếng thở của nàng lẫn trong tiếng ca ngàn đời của biển.

Tôi loay hoay tìm hoài một tiếng động của trần gian để đánh thức nàng ra khỏi cơn mộng du huyền hoặc. “Xin lỗi cô…”

Hai cánh tay buông thỏng bất thần co lại, khoanh vào nhau che hờ bụng thon và một phần cong tròn của hai vun ngực nhỏ. Người con gái hốt hoảng xoay một nửa người nhìn về phía tôi, xớn xác. Đôi mắt – trong một thoáng, chứa cả trăm lời hỏi han, thắc mắc – mở lớn, tròn và long lanh màu xanh của biển, của trời, của cây lá lao xao.

“Dạ?” Tiếng dạ nhỏ và mềm như hơi thở.

Tôi bối rối không kém gì nàng, có thể vì trăm ngàn hỏi han trong mắt biếc, hay vì một phần ngực tròn mở ra trước đất trời khi chiếc áo bà ba không đủ nút cài, gom đầy gió biển. Phiến ngực màu hồng lợt, nhỏ và căng đầy.

“Ngày nào tôi cũng thấy cô lên đây.” Tôi lên tiếng để trấn an nàng và cũng để trấn an tôi.

“Ngày nào ông cũng lên đây?” Nàng hỏi, đôi mắt vẫn không vơi những thắc mắc. Tiếng nói mềm, ngọt ngào giọng Bắc loãng tan vội vàng trong gió lộng.

Tôi nhìn vào đôi mắt đầy dấu hỏi, “Cô làm tôi nhớ sự tích Hòn Vọng Phu.”

Nàng cười.

“Tôi nghĩ là cô yêu biển lắm.”

Nàng lại cười; cái cười e thẹn của phương đông với đôi môi mở hé, kín đáo khoe một chiếc răng khểnh phía răng cửa bên trái.

“Tôi đoán là cô có làm thơ.”

Nàng tiếp tục nụ cười như câu trả lời có trăm ngàn ý nghĩa.

“Cô nhìn biển hoài, không sợ say sóng sao?”

Hai tay vẫn khoanh trước bụng, nàng khẽ nhún vai như thể rùng mình vì lạnh. Và nụ cười vẫn gắn trên môi.

“Cô đứng hoài như thế, không sợ có một ngày biến thành tượng đá sao?”

Người con gái lắc đầu. Nụ cười vẫn tràn trề, rạng rỡ trong mắt, trên môi. Những sợi tóc theo gió lòa xòa trên vừng trán và trên đôi má màu hồng nhạt. Nàng đưa tay vuốt tóc, vô tình để gió luồn qua khoảng hở trước ngực. Trong chớp mắt, manh áo bà ba no gió căng phồng, và một vuông ngực đầy mở ra trước thiên nhiên. Nàng hoảng hốt quơ quào đôi tay, khép vội hai mảnh áo màu thiên thanh, che kín đồi ngực. Nụ cười chợt héo trên đôi môi mím chặt, đôi mắt cũng tắt đi ánh cười rạng rỡ để thắp lên vội vàng những ngượng ngùng, bất trắc, lo âu. Đôi má hồng lên như nắng sớm mùa xuân bất tận. Nàng chớp mắt cho tan bớt những bối rối trong tia nhìn.

Tôi làm như không thấy gì, thản nhiên nhìn ra khơi xa tít mù. Giọng con gái Bắc trách móc như vọng lên từ cõi xa xăm nào, “Ông làm tôi… Ông lấy mất của tôi hết một buổi sáng rồi.”

Tôi quay lại, nhìn vào đôi mắt – phản chiếu màu xanh của biển, của trời – và đôi môi vừa mím lại sau câu nói.

“Tôi có làm gì đâu.”

“Sao không?”Nàng hỏi, nụ cười thấp thoáng trên môi.

“Vậy chứ tôi đã làm gì?”

“Ông thấy hết trơn rồi!” Chút hờn dỗi vương trong mắt nàng.

Tôi nghịch ngợm, “Thấy cái gì chứ?”

Môi dưới nàng trễ xuống, “Đáng lẽ ông phải nhắm mắt lại.”

Tôi cười, nhắm hờ hai mắt, “Thì tôi nhắm mắt lại đây.”

“Bây giờ thì quá muộn rồi.” Giọng nàng xa xăm.

Hai mắt vẫn nhắm hờ đủ để thấy bóng người con gái phía trước, tôi ngập ngừng, “Bây giờ mở mắt ra được chưa?”

“Bây giờ thì còn nói làm gì nữa,” nàng phụng phịu như trẻ thơ. “Ông ăn gian lắm!”

Tôi mở mắt lớn, lên giọng cười vui , “Tôi có làm gì đâu mà cô nói tôi ăn gian.”

“Sao không?”

“Cô bảo nhắm mắt thì tôi nhắm, cô kêu mở thì tôi mở. Tôi chưa hề ăn gian mà.”

Nàng lại trề môi, “Ông xạo có hạng.”

“Mới đứng nói chuyện với cô có mấy phút,” tôi phân trần, “mà đã mang đủ tội; hết ăn gian tới xạo…”

“Ông vừa ăn gian vừa xạo.”

“Oan cho tôi.”

“Sao không. Đáng lẽ ông phải nhắm mắt lại kia.”

“Thì tôi mới nhắm mắt xong.” Tôi cù nhầy.

“Lúc nãy cơ.” Nàng trề môi.

“Lúc nào?”

“Lúc mà gió thổi mạnh làm rối tóc tôi.”

Tôi làm bộ ngây thơ.

“À, lúc đó… nhưng mà tôi có thấy gì đâu.”

“Sao không.”

“Mắt tôi kém lắm.”

“Ai tin!”

“Cô tin là đủ.”

“Không thèm tin.”

“Rồi cô sẽ tin!”

“Còn lâu!”

Nàng đổi giọng, than van, “Đáng lẽ ông phải nhắm mắt lại. Tôi ghét ông; ghét ông hơn hết cả mọi thứ trên đời!”

Tôi tìm cách lái câu chuyện qua hướng khác, khi nhận thấy trong giọng nói nàng có một chút đau đớn, xót xa.

“Cô đứng đây từ sáng đến giờ, có thấy cánh hải âu nào không?”

Người con gái lắc đầu, hai tay vẫn ghì chặt mép vải che dấu vụng về. Tôi kể lể, “Ngày nào cũng nhìn cô đứng trên dốc đá này, riết rồi tôi có cảm tưởng cô là một phần của núi non, cũng có thể cô là một nàng tiên cá mải miết lên đất liền rong chơi, lúc trở về ghềnh đá, ai đó đã lấy trộm mất phần đuôi cá. Vì vậy nàng tiên cá mới đứng hoài nhìn ra biển, cố tìm một phần đời đã mất.”

“Ông kể hay quá!”

Nàng reo mừng, nụ cười thắp sáng đôi môi màu hồng mịn ướt.

“Ông kề tiếp đi. Tôi thích nghe truyện cổ tích.”

Tôi phấn khởi, “Đuôi cá mất rồi, cô không thể trở về với biển cả được nữa. Cô sẽ phải ở lại đất liền, với núi non, cây cỏ; với suối rừng, sông rạch. Nàng tiên cá ở lại với đất liền để làm đẹp núi đồi, đất đai. Nàng tiên cá ở lại với loài người để điểm trang cho cuộc đời.”

“Ông nói chuyện cứ như thơ vậy,” nàng thật thà khen, đôi tay vẫn không rời hai mép áo. “Nhưng ông có tin rằng ở đâu đó dưới biển có những nàng tiên cá không?”

“Tôi mong là có, còn cô?”

Nàng khẽ gật đầu, mắt nhìn xa xăm ra biển.

“Ví dụ như cô là nàng tiên cá và bây giờ người ta đem đuôi cá trả lại cho cô, cô có trở về với biển nữa không?”

Nàng khẽ lắc đầu.

“Sao vậy?” Tôi thắc mắc.

Nàng lại lắc đầu và mím chặt đôi môi như ngậm một câu trả lời không thể nói ra.

Mặt trời đã lên cao, rạng rỡ bên góc biển phía sau đảo. Nắng lao xao trên sóng nước lấp lánh. Biển xa ngút ngàn vẽ ở cuối chân trời một đường viền xanh thẫm. Chúng tôi đột nhiên cạn đề-tài. Ngoài xa, không một cánh buồm; không một bóng chim bay, chỉ có gió và sóng dạt dào. Tóc nàng bay rối tung trong gió.

Bất chợt, nàng quay về phía tôi, “Ông về đi!”

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, “Còn cô?”

“Kệ tôi!”

Nàng mím môi – vẫn cái mím môi quen thuộc – nhắc lại câu nói ngắn, bằng giọng dịu dàng, nhưng đầy quyền uy, “Ông về đi.”

“Tại sao?”

Nàng vẫn mím môi, “Về đi.”

“Cô không về sao?”

“Tôi ở lại đây.”

Tôi thọc hai tay vào túi quần, rùn cao hai vai, nhìn sâu vào mắt nàng,

“Cô là cả một cõi huyền bí, lạ lùng.”

“Ông xạo!”

Tôi đổi đề tài, “Tên cô là gì nhỉ?”

Nàng trải tia nhìn bối rối lên những bông hoa màu vàng nhạt đu đưa trong gió, ngang bướng lắc đầu.

“Tôi yêu những buổi sáng như hôm nay,” tôi ngập ngừng, chậm rãi kể lể, “Những buổi sáng tưởng chừng chỉ có trong cổ tích. Tôi yêu biển. Thuở nhỏ tôi sống gần biển, lớn lên về sống trong thành phố chật chội, gò bó, tôi cảm thấy tù túng vô cùng. Tôi thèm những khoảng bao la của trời, của biển. Đứng trước biển cả mênh mông, thấy con người nhỏ nhoi, tự nhiên muốn thả trôi hết mọi tị hiềm, bon chen. Mai sau, nếu có thể được, tôi cũng sẽ tìm về sống gần biển. Cô có thích biển không?”

Nàng lắc đầu, hỏi bằng giọng mềm như hơi thở, “Ông có tin rằng ở đâu đó dưới biển, có những nàng tiên mình cá đang bị giam cầm không?”

Tôi gật gù, “Có thể lắm chứ!”

“Tội nghiệp!” Giọng nàng xa vắng, nghe trầm như một tiếng thở dài.

“Ừ, tội nghiệp,” tôi phụ họa.

“Nếu tình cờ ông bắt được phần đuôi của nàng tiên cá, và nàng năn nỉ ông trả lại để nàng có thể về với biển, ông có trả không?”

Thấy tôi ngập ngừng, nàng nhắc lại câu hỏi, “Hở, ông có trả không?”

“Có thể…”

“Tôi ghét cách nói của ông.”

“Thì trả.”

Nàng chợt vui hớn hở, “Ông hứa không?”

“Hứa gì?”

“Ông làm bộ quên.”

“Tôi quên thật mà. Cô nhắc lại đi.”

Nụ cười tắt vội trên môi, và bóng tối loang trong đôi mắt nàng.

“Tôi ghét ông!”

Tôi gật gù, “Tôi cũng ghét tôi nữa.”

“Tôi ghét ông. Mai mốt tôi sẽ không nói chuyện với ông nữa.”

“Tôi xin lỗi cô vậy.” Tôi hoảng hốt.

“Hết tin ông rồi!”

“Cô nóng tính quá. Dễ giận thì cũng mau quên.”

Nàng chu mỏ rất trẻ thơ, “Còn lâu. Tôi nhớ dai lắm. Tôi sẽ nhớ mặt ông hoài hoài.”

“Còn tôi, tôi cũng sẽ nhớ tất cả… của cô; cho tới chết.”

Nàng khẽ cau mày, “Tôi ghét ông!”

“Đừng ghét.”

“Sao không?” Nàng sừng sộ.

Tôi châm thêm vào cái giận dữ óng ả của nàng, “Chúa dạy rằng đừng ghét ai cả.”

“Tôi ghét ông!”

“Phật dạy rằng oán không diệt được oán.”

“Tôi ghét ông!”

“Ngọc Hoàng Thượng đế phán…”

“Tôi ghét ông,” nàng ngắt lời tôi, nhấn mạnh, “Ghét ông, ghét ông…”

Trong một thoáng, tưởng chừng tiếng dạt dào của biển, tiếng xào xạc của lá cây oằn mình trong gió lắng xuống để chỉ còn vang vọng tiếng nàng trong và thắm đượm nỗi buồn phiền mang theo từ một hệ lụy nào xa tít mù khơi. Rồi gió lại lồng lộng và biển lại xôn xao điệp khúc muôn đời rì rào, xa vắng.

Chợt nàng nói, “Ông về đi.”

“Về đâu bây giờ?”

“Đâu cũng được.”

Tôi lơ đãng nhìn trời, “Tôi chờ cô cùng về.”

Nàng lặng lẽ lắc đầu, “Tôi chưa về đâu.”

“Tôi cũng vậy,” tôi quả quyết.

“Ông về đi mà!” nàng rầu rĩ,

“Tôi sẽ theo cô về.”

“Không được đâu!”

“Cô thật là lạ lùng.”

Tôi nhìn vào mắt, vào môi, vào những sợi tóc của nàng xỏa bay trong gió. Nàng lặng thinh. Tôi tiếp, “Sáng nào cô cũng lên đây một mình, nhìn biển hoài không biết chán. Cô thật là hay. Tôi không thể nhìn biển hoài được. Chỉ cần nhìn biển chừng mười phút là tôi thấy mình bị cuốn hút vào cõi mênh mông vô tận. Cô không bao giờ thấy chóng mặt sao?”

Thiếu nữ lắc đầu.

“Cô là một phần của biển cả.”

Nàng bất chợt xoay người ra biển khơi, như thể câu nói của tôi làm nàng bối rối, mắt nhìn thăm thẳm vào vùng xanh của biển và trời vô tận. Tóc nàng bay tung, rối rắm như những sợi tơ phiền muộn.

“Cô có một lời hò hẹn nào đó với biển khơi.”

Nàng lặng thinh.

“Hoặc giả cô đợi chờ một điều gì ngoài khơi; phía bên kia bờ…” Vừa kể lể tôi vừa nhón bước trên những phiến đá xám, phủ lam nham rêu xanh, đến bên cạnh người con gái, nhìn ra khơi với nàng. “Tôi nghĩ là cô nghe được tiếng thì thầm của ai đó lẫn trong tiếng sóng rì rào. Tôi tin là cô chờ đợi ai đó một ngày kia thả buồm lướt sóng cặp vào bờ hải đảo này. Người đó, một chàng hoàng tử của huyền thoại, sẽ rước cô về ra mắt nhà vua và mẫu hậu…”

Nàng quay đầu nhìn tôi. Trời ơi, đôi mắt nàng đẫm lệ. Hai giọt nước mắt trong vắt trào ra, từ từ lăn trên má, đậu xuống khóe đôi môi mím chặt. Có một cái gì đó siết vội lấy trái tim, làm tôi hoảng hốt, “Ơ… xin lỗi… tôi không cố ý…”

Nàng vẫn lắc đầu. Tôi chưa hết bối rối, “Có lẽ tôi làm cô buồn. Cho xin lỗi…”

Loay hoay với đôi tay thừa thãi và một câu xin lỗi trống rỗng, tôi bối rối nhìn ra biển, tìm kiếm một cánh chim. Biển vẫn vắng ngắt tận cùng. Nhìn biển chán, tôi xoay qua nhìn nàng. Nhìn ngang, đôi mi nàng cong đặm nét vẽ trên màu trời. Những giọt nước mắt lấp lánh vẫn theo nhau lăn dài trên má.

“Chắc tôi làm cô buồn. Xin lỗi, cho xin lỗi một trăm lần. Được không?”

Nàng lặng thinh lắc đầu.

“Tôi hứa sẽ không làm cô buồn nữa.”

Nàng lắc đầu. Những giọt nước mắt trên má rụng xuống trên cỏ xanh, hoa vàng.

“Tôi hứa mà.”

Nàng vẫn lắc đầu. Tôi thở dài, bứt rứt gãi đầu, gãi tai như cậu học trò lần đầu đứng nói chuyện với người yêu, cố dỗ dành, “Cho xin lỗi nghe.”

Nàng im lặng. Tôi kiên nhẫn, “Được không?”

Chợt nàng nhoẻn miệng cười, những chiếc răng đều sáng bóng dưới nắng hồng rực rỡ.

Tôi reo vui, “Vậy huề nghe?”

Người con gái khẽ gật đầu. Những giọt nước mắt cuối cùng rụng xuống trên phiến đá rêu xanh và loài cây có những bông hoa vàng dị kỳ. Bỗng dưng nàng níu áo tôi, kéo về phía nàng, “Đi xuống dưới kia với em không?”

Nàng, một tay giữ hai mép áo che ngực, một tay níu kéo tôi dò từng bước trên những phiến đá xám phủ lam nham rêu xanh. Tôi như mê ngủ, đi theo nàng như cậu học trò ngoan ngoãn theo cô giáo bước vào lớp học ngày đầu niên học mới. Chúng tôi bước xuống gần bờ đá nơi sóng biển dồn dập đổ vào, tung bọt nước mát rượi. Nơi đây, mùi của biển nồng nàn vị muối.

Người con gái vẫn không buông tay áo tôi, “Ngồi xuống đây với em.”

Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống bên nàng trên phiến đá bằng phẳng, do một sự tình cờ nào đó trong quá trình tạo sơn hàng triệu năm về trước, đã được đặt nơi đây cho những đôi uyên ương dẫn nhau tới mà hẹn biển, thề non.

“Em hỏi nhé?”

“Ừ, hỏi đi.”

Nàng buông tay áo tôi, năm móng sắc đan lấy bàn tay tôi. Ánh mắt vẫn xa xăm, nàng nói như năn nỉ, “Trả lời em thành thật nhé.”

“Ừ.”

“Đừng dấu gì cả.”

“Đồng ý.”

“Hứa đi.”

“Hứa.”

“Hứa gì?”

“Thành thật.”

Nàng xoay qua nhìn tôi, bắt bẻ, “Ai hứa?”

“Anh.”

Nàng hài lòng, “Bây giờ em hỏi đây.”

“Ừ.”

Nàng nói thật nhanh, thật nhẹ như hơi thở, “Anh có nghĩ em điên không?”

Tôi ngạc nhiên nhìn nàng.

“Trả lời em đi!”Nàng nói, mắt vẫn đăm đăm dán vào biển khơi mù mịt.

Bỗng dưng tôi thương nàng quá đỗi, như thương một người tình trẻ thơ: bé nhỏ và tội nghiệp.

“Sao lại hỏi câu đó?”

“Ai biết!”

Tôi bóp nhẹ bàn tay người con gái; bàn tay với năm ngón thon và mỏng manh, “Đừng nghĩ tới điều đó.”

Nàng buồn rầu, “Người ta nói em điên.”

“Nói bậy.”

“Thật mà.”

“Đừng thèm tin người ta.”

Nàng lặng thinh.

“Đừng thèm tin người ta, nghe.”

“Thì không tin, em mới hỏi anh đây.”

Tôi gật gù, “Ừ, vậy tốt. Tin anh đủ rồi.”

Nàng xoay qua, nhìn tôi thật gần.

“Em tin anh.”

Tôi bối rối, đọc không nổi những lời dặn dò, thở than, mời gọi trong mắt nàng. Tim tôi bắt đầu đập lỡ nhịp. Tôi chết đuối trong huyền-hoặc-mắt-nàng. Bọt nước vẫn vỡ tung dưới chân, gió vẫn thổi bay tóc nàng trăm hướng. Tôi nói thật ý nghĩ của mình, với nụ cười ngượng ngập, “Em làm anh bối rối.”

Nàng cười; cái cười Bao Tự (mà nụ cười Bao Tự ra sao nhỉ, có khả ái như nụ cười của nàng không?) “Anh kể chuyện cho em nghe đi.”

Tôi đắm đuối nhìn nàng, “Chuyện gì bây giờ?”

“Chuyện anh với em.” Người con gái thì thầm.

Tôi thẫn thờ nhìn vào đáy long lanh đôi mắt ướt, “Ngày xưa…”

Bỗng dưng tôi quên hết mọi truyện cổ tích ngắn, dài. Dường như những ngón tay tôi nắn nhè nhẹ từng ngón tay nàng; những ngón tay tôi vuốt ve vụng về, cà cọ trên những móng dài chuốt cong. Tôi thất lạc, ngồi nghe tim mình lỡ nhịp, nghe tay mình bối rối và hơi thở mình hao hụt.

“Ngày xưa…”

Mắt nàng chở đầy nỗi hăm hở, đợi chờ. Dấu vết một nụ cười còn đọng trên môi.

“Ngày xưa…”

“Ơ, chuyện anh với em kìa.” Nàng gỡ tôi ra khỏi cơn bối rối.

Tôi ngập ngừng, “Ừ, nhưng mà biết kể thế nào bây giờ!”

Nàng dễ dãi, “Sao cũng được.”

“Thì đây: có một cô gái hay khóc yêu một thanh niên trên hải đảo…”

Nàng dụi đầu vào vai, vào cổ tôi để che dấu nỗi thẹn thùng trong mắt và trên má đỏ hồng. Những móng tay nàng bấu lấy cổ tay tôi như những vuốt sắc loài mèo hoang hung tợn. Như một phản xạ tự nhiên, tôi gục mặt vào gáy, vào tóc nàng. Một tay chịu trận cho nàng cào cấu, tay kia vòng ra sau tấm lưng mỏng, ôm níu lấy vai nàng. Hương của tóc ngạt ngào, cuốn hút tôi chơi vơi, hụt hẫng.

Tôi thì thầm trong tóc nàng, “Em là một bài thơ lục bát; là ca dao, là huyền thoại. Em biết điều đó không?”

Nàng dựa lên tôi, trĩu nặng.

“Em đến từ cổ tích…”

Nàng dụi đầu trên mặt tôi, như con mèo nũng nịu. Nàng cọ má vào mặt tôi. Và rồi, tôi hôn nàng. Chúng tôi hôn lên môi nhau miệt mài. Chúng tôi dụi mặt vào nhau khắc khoải. Chúng tôi nghiền nát nhau. Chúng tôi thở chung một nhịp hoảng hốt, hụt hơi. Tôi đọc thầm thơ Thanh Tâm Tuyền trong trí tưởng: Hôn vào môi, vào má, vào răng. Tôi ghì siết vai nàng. Trong khoảnh khắc, tôi đánh mất tôi hoàn toàn. Hơi thở nàng rờn rợn thịt da. Tôi hình dung những vệt gai ốc sần trên da trần nhột nhạt. Tôi rùng mình, nàng rùng mình. Biển khơi nộ cuồng cơn hồng thủy. Sóng bạc quẫy tung bọt trắng xóa bụi nước mờ căm. Biển rút xuống đáy sâu cùng tận; biển dâng lên ào ạt cuốn hút vô vọng. Có loài kình ngư hốt hoảng kiếm tìm. Những con bạch tuộc níu kéo gò siết cuồng điên. Chúng tôi ngã nhoài xuống trên cỏ ướt, chúng tôi lăn lộn dày xéo những bông hoa vàng kỳ dị. Xác hoa vương trên rừng tóc nàng rối nùi. Gió thổi bay tan tác từng cánh hoa nhàu nát. Đồi ngực nàng chênh vênh, tôi trên đỉnh đời, ngã xuống vực sâu mịt mờ tông tích. Tôi mù mịt lối về. Tôi lao đao giữa hư không và ghềnh thác cheo leo và núi đồi hiểm nghèo vô vọng. Tôi gào thét cuồng điên giữa đỉnh trời ngập hương tóc và muối mặn. Tôi nghe nhói đau bờ vai và trước giây hôn mê, còn kịp nghe tiếng hét nàng òa vỡ giữa nộ cuồng của biển; và tiếng nàng – hay tiếng biển cả – rên rỉ gọi tên một người xót xa và tức tưởi.

Như đứa bé nghịch ngợm vừa sơ ý làm vỡ một món đồ gia bảo, hoảng hốt thu nhặt những mảnh vỡ dấu đi trước khi bố mẹ kịp phát giác, tôi cuống quýt gài nút áo cho nàng bằng những ngón tay còn ngậm đầy xúc động. Trong khoảnh khắc, chúng tôi không dám nhìn vào mắt nhau. Manh áo nàng khép hờ, che vuông ngực đầy xớn xác. Tôi dáo dác nhìn quanh. Cám ơn buổi sáng và dốc đồi còn mê ngủ. Ngày nghỉ, chẳng có ai ra góc đảo hẻo lánh này sớm như chúng tôi. Chỉ có những bụi cây xanh rậm rạp mà tôi không biết tên, với những bông hoa vàng hình dáng dị kỳ, cùng những mỏm đá nhấp nhô làm nhân chứng cho một đổi thay không tên gọi. Và biển ngoài kia dạt dào ngàn đời sóng vỗ.

Một chút gì đó xuyên qua hồn tôi như sợi chỉ xuyên qua mép vải, nhói lên một chút áy náy, ăn năn có thật. Một cánh hoa vàng nhàu nát vướng trong tóc nàng, tôi gỡ cánh hoa và chải tóc cho nàng bằng thơ Nguyên Sa: Tay anh mười ngón có vừa tóc không? Những sợi tóc ướt rối vì sương sa và hơi nước do sóng biển vỡ tung bên bờ đá. Tôi đỡ nàng ngồi xuống lại trên phiến đá bằng phẳng, thiên nhiên đã đặt sẵn cho những đôi nhân tình. Bậy quá! Thêm một đường kim xuyên mũi chỉ áy náy qua hồn tôi. Cơn hồng thủy đã tan, trận bão biển đã lắng, sóng nước bạo cuồng đã dịu đi, tôi liếc nhìn hông nàng, bắt gặp vết hằn dây thun quần trên da thịt nàng màu đỏ như vết roi thời thơ ấu. Nàng nhìn ra biển khơi, xa vắng. Bàn tay tôi, với những ngón bồi hồi còn run rẩy theo nhịp riêng của từng ngón, đặt hờ trên vai nàng. Tôi quay sang nhìn nàng với muôn ngàn thắc mắc. Khuôn mặt nàng nhìn nghiêng, hằn sắc nét trên nền xanh của trời, như phiến đá tạc dở dang bởi một nhà điêu khắc thiên tài mà đãng trí, đã quên thổi vào đó một đời sống linh động.

Người con gái ngồi bất động nhìn ra biển. Tôi nắn nhẹ vai nàng. Tội nghiệp! Có lẽ nàng xấu hổ và ân hận đến tê cứng người như tượng đá. Đôi mắt trẻ thơ này, đôi môi mịn ướt này, mới chưa đầy một phút trước đây, còn ham hố, loạn cuồng, mê muội; bây giờ xa xôi như chưa hề có thật. Tôi bỗng dưng thấy mình tội lỗi và gian manh. Nhưng còn nàng? Ừ, nàng thật là tuyệt vời. Nàng dựa ép vào tôi và tôi lặng lẽ ôm siết lấy vai nàng. Chúng tôi cùng nhìn ra biển khơi, lắng nghe tiếng sóng và gió rì rào, thắc mắc.

Khi những sợi tóc nàng đã được gió hong khô và thổi bay rối tung lên mặt, lên vai áo tôi, là lúc cơn điên mê vừa lịm tắt. Hơi thở đều hòa và trái tim trở lại những nhịp bình thường, tôi thì thầm trong tóc nàng, “Em.”

Nàng nghiêng đầu, kề tai sát miệng tôi, “Gì, anh?”

“Ơ… thì…” tôi ngập ngừng. “Biển đẹp quá!”

Nàng cũng thì thầm, “Em yêu biển.”

Tôi ngậm những sợi tóc nàng trên môi, “Em là một phần của biển cả.”

Nàng xoay qua, gài lại những nút áo chưa kịp cài khuy của tôi. Gió lộng mở ra giữa đất trời đồi ngực nàng đầy vun.

“Gọi em là Thụy.” Nàng tự giới thiệu.

Tôi đáp lời nàng, “Còn anh là…”

“Anh là Nguyên.” Nàng cướp lời.

“Hở?”

“Anh là Nguyên.” Nàng nhấn mạnh.

Tôi bối rối, “Em…”

“Gọi em là Thụy.” Nàng nhìn tôi thật gần. Tôi chơi vơi trong mắt nàng. Đôi môi hồng hé mở, khoe hờ những chiếc răng trắng bóng, và đầu lưỡi mềm ướt lặng lẽ chực chờ. Như con thú bị thôi miên vô phương trốn chạy, tôi nhìn sâu vào mắt người con gái, và chỉ cố nhìn vào mắt nàng, nhưng vẫn thấy đồi ngực nhấp nhô.

Nàng hôn nhẹ lên môi tôi. “Nguyên; Nguyên của em…”

Cái tên chợt bật sáng trong tăm tối lòng tôi một ngọn đèn. Phải rồi; vài phút trước đây, trên đỉnh cao của cơn điên mê, nàng đã gọi cái tên này; cái tên dễ nhớ mà tôi đã quên khuấy đi sau cơn thất lạc.

Một giọt buồn loang trong tôi như giọt mực nhỏ vào ly nước trong. Tôi bóp khẽ vai nàng, “Em.”

“Gọi em là Thụy.” Nàng ngắt lời tôi.

“Ừ, Thụy; mà… Nguyên là ai vậy?”

“Anh chứ ai.” Nàng chỉ tay vào ngực tôi, chỗ của trái tim, cười rạng rỡ.

Tôi bối rối, “Nhưng mà… Thụy có lầm người không?”

Nàng lắc đầu, tự tin, “Lầm sao được. Anh nói bậy không à!”

“Chắc không?”

“Chắc chứ. Chỉ có Nguyên của em mới lì lợm dễ thương như vậy.”

“Hở?”

“Người ta đuổi hoài cũng không chịu về. Giống hệt như hồi còn ở Sài gòn. Anh nhớ lần đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm đêm giao thừa không? Anh lại trễ cả nửa tiếng. Em chờ, tức muốn chết mà không dám khóc. Tết nhất mà khóc, xui cả năm, thành ra đành phải đứng chờ. Mãi sau anh mới đến. Giận quá, em đuổi anh như đuổi tà mà anh không chịu về. Người đâu mà lì lợm!”

Nàng liếc tôi thật ngọt, thay cho dấu chấm câu. Tôi cố gắng hình dung lại khung cảnh chùa Vĩnh Nghiêm giữa lòng Sài gòn của mười lăm năm về trước. Đã xa quá rồi và đã lâu quá rồi những ngày Sài gòn đưa đón thuở còn đi học. Tất cả còn lại trong một ngăn trí nhớ tôi tồi tệ về chùa Vĩnh Nghiêm chỉ là khoảng sân rộng thênh thang với những bậc xi măng cũ mòn của một đêm giao thừa nào đó cuối thập niên 70. Đêm rực rỡ, tràng pháo giao mùa ném lên không gian u tối những lóe sáng vàng, cam, đỏ, tím, muôn màu. Và tôi thuở đó, với N. còn nàng với một Nguyên nào đó lạ mặt. Nguyên; cái tên vô nghĩa. Ngàn đời tôi không ưa cái tên đó. Và bây giờ, tôi là Nguyên, một vai mới trong tấn kịch đời.

Nàng kéo tôi ra khỏi vũng lầy của trí nhớ, “Nguyên à.”

Tôi chần chừ, “Ờ… gì Thụy?”

“Anh còn giận mẹ không?”

“Hả?”

“Anh còn giận mẹ không?”

“Ơ… mẹ nào?”

Nàng nguýt tôi thật dài, “Mẹ em.”

Tôi ngỡ ngàng, “À… thì…”

Nàng xoay người qua, nhìn tôi – như cô bé học trò nhìn thày giáo – chờ lời giải đáp cho một câu đố nan giải.

“Thì sao?”

Tôi nhủ lòng thật vội, nếu như tôi gặp mẹ nàng và nếu như tôi yêu nàng, tôi cũng sẽ thương mẹ nàng và kính trọng bà như mẹ tôi. Xin hứa với lòng; xin hứa.

“Có giận gì đâu!”

Nàng cười tươi, “Thật nghe?”

“Thật.”

“Chắc nghe!”

“Chắc.”

Nàng hôn nhẹ lên môi tôi. Tôi ngậm vội lấy môi nàng, ham hố. Chúng tôi cuốn lấy nhau vất vả, cuống quýt, rồi bất chợt buông nhau. Tôi loay hoay gỡ những sợi tóc nàng rối quyện vương trên mặt, trên môi.

Tiếng Thụy thì thào, “Cũng tội nghiệp mẹ, phải không Nguyên?”

Tôi lừng khừng, “Ừ… thì cũng…”

Nàng nhìn ra phía biển khơi, “Anh có vẻ vẫn còn giận mẹ.”

“Đâu có!”

Nàng khẽ lắc đầu, “Nguyên dấu em. Nguyên vẫn còn giận mẹ như hồi đó. Cũng không hẳn lỗi tại mẹ tất cả đâu. Một phần cũng tại mình. Nhất là tại Nguyên; Nguyên tự ái, Nguyên ngang tàng, bướng bỉnh,” nàng quay sang, ném cho tôi một cái liếc, tình như một câu thơ tình lục bát, thay cho dấu chấm câu. “Đã nhịn mẹ được năm sáu năm trời mà cuối cùng lại tự ái vặt để cho tan vỡ hết. Thành ra lỗi của anh một phần; nếu không giờ này cu Tý chắc cũng đã biết đi rồi.”

Tôi hụt hẫng, chới với; rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Cu Tý?”

Nàng cười, hai má ửng hồng. Chút bối rối vướng trong giọng nói, “Cu Tý… con của chúng mình…”

“Cu Tý làm sao?” Tôi ngắt lời nàng.

Má nàng đỏ đặm hơn, “Hồi đó, nếu em liều nghe theo anh, chiều ý anh, thì bây giờ cu Tý cũng đã biết đi rồi, phải không?”

“Ừ… có lẽ…”

Nàng cúi đầu, thì thầm. Tiếng nàng loãng tan trong gió, tôi nghe tiếng được, tiếng mất, “Tại…em…một phần.”

Tôi bóp nhẹ bàn tay người con gái, “Tại em?”

“Ừ. Hồi đó nếu em chiều Nguyên, mình sống với nhau một đêm chồng vợ, em đã là của Nguyên; mẹ chẳng còn lý do gì ngăn cản. Hồi đó, em lý tưởng quá, em nghĩ đến thứ tình thánh thiện, phải không Nguyên?”

“Ừ… thì…”

Giọng Thụy xa vắng, ngậm ngùi, “Để có được nhau, đôi khi phải dùng những mánh lới, thủ đoạn. Hồi đó em không đồng ý với Nguyên, bây giờ em hoàn toàn đồng ý. Cũng muộn đấy, nhưng muộn còn hơn không.” Nàng bóp nhè nhẹ những ngón tay tôi, dịu dàng. “Em xin lỗi Nguyên nhé. Tha lỗi cho em không?”

Tôi lơ đãng nhìn những cụm mây trắng như bông từ từ trôi trên nền trời xanh thẫm. Thụy thúc khuỷu tay vào cạnh sườn tôi, nhắc nhở, “Tha lỗi cho em không?”

“Tha.”

Nàng cười vui, “Hứa không?”

“Hứa.”

“Hứa gì?”

Tôi hơi bực bội, “Thì hứa tha.”

Nàng gật gù, “Cả mẹ nữa; Nguyên phải hứa không được giận mẹ.”

“Ừ, hứa; không giận mẹ cũng không giận Thụy chút nào hết. Được chưa?”

Người con gái hả hê, thoải mái, thở ra nhẹ nhàng, “Cám ơn Nguyên.”

Tôi nghiêng đầu, cụng nhẹ vào đầu nàng, “Không có chi.”

Buổi sáng yên tĩnh. Mặt trời lên cao dần, nắng sớm bò trên ghềnh đá, lan dần tới chỗ chúng tôi ngồi. Màu hồng của nắng làm rực rỡ sắc vàng của những bông hoa dại hình dáng lạ lùng mà tôi không biết tên. Bóng hai chúng tôi in đặm nét trên bờ đá xám như vết điêu khắc trong hang động thời tiền sử. Trong một thoáng chúng tôi cùng lặng yên theo đuổi những cảm xúc, những ý nghĩ riêng tư vụn vặt. Sóng vẫn ồ ạt nối tiếp nhau vỗ vào ghềnh đá; bụi nước bay mát lạnh không gian. Xa tít ngoài kia, nơi nước biển màu tím ngắt, biết đâu chẳng có những nàng tiên cá vô tư ca hát, vui đùa hay muộn phiền vì thương nhớ, chờ mong.

“Nguyên!”

Giọng Thụy xa vắng. Tôi lặng im.

“Nguyên à.”

“Gì, Thụy?”

“Em nhớ nhà.”

“Anh cũng vậy.”

Nàng băn khoăn, “Làm sao về bây giờ?”

“Anh cũng không biết nữa.”

Nàng xoay qua, nhìn vào mắt tôi, “Anh phải biết.”

Tôi gật gù, “Cách nào?”

Nàng mỉm cười, tinh nghịch trỏ ngón tay lên trán tôi, “Suy nghĩ. Thông minh nhất nam tử.”

Tôi ngập ngừng, “Suy nghĩ làm chi cho điên đầu.”

“Nguyên nói gì?”

Nàng chợt giật nảy người như vừa chạm vào một vật gì kinh khủng. Tôi bối rối, tránh tia nhìn của nàng, “À… thì anh không… muốn… nhức đầu.”

“Không phải vậy, anh ám chỉ em điên kìa.”

“Bậy nào!”

Tôi nhìn nàng, bắt gặp đôi môi hồng, run run vì giận. Giọng nàng đặc lại, “Thì tại điên em mới nói bậy.”

“Nhảm!”

Đôi mắt rưng rưng, Thụy tiếp, giọng ướt sũng, “Em biết, tại em điên nên mới hay nói nhảm.”

Tôi cầm lấy bàn tay nàng, bóp nhẹ, “Thôi mà, anh có nói gì đâu!”

Nàng vùng vằng, giật tay ra khỏi tay tôi.

“Có!”

“Nói gì?”

Cơn giận sủi bọt trong tôi. Tôi cố gắng kiềm chế cho khỏi trở nên cộc cằn. Nàng vẫn làm mình làm mẩy, “Anh nói em điên.”

Thôi rồi, cơn giận sôi sục đã đẩy bật nắp chiếc-ấm-nước-lòng-tôi.

“Em điên quá,” tôi sựng lại mất vài giây để cố nhớ cái tên của nàng, “Thụy à!”

Trong khoảnh khắc, nàng chết sững. Đôi mắt mở lớn. Cánh mũi phập phồng như người ngạt thở đang cố hít thật nhiều khí trời. Miệng hé mở và đôi môi run run như đang trong cơn động kinh. Má nàng đổi từ màu hồng qua màu trắng xanh của con bệnh thiếu máu kinh niên. Chỉ có những sợi tóc bay phất phơ trong gió, và manh áo mỏng trên ngực nàng là có nhịp sống riêng; nhịp của gió biển nồng hương muối, tất cả còn lại bị cuốn vào cơn giận dữ óng ả.

Những giọt nước mắt ứa ra trên mi, lăn dài xuống má, đọng lại dưới cằm, rồi rơi xuống trên vai, xuống ngực nàng. Đột nhiên, nàng nấc lên một tiếng và bật khóc. Thế là xong. Tôi ngồi yên chịu đựng. Nắng đã lên cao. Bóng hai đứa tôi bò ngoằn nghoèo trên tảng đá xám, lan một phần xuống cỏ xanh và hoa vàng, trông kỳ dị như con quái vật hai đầu, ngả nghiêng, vật vã. Tôi lặng yên nghe nàng khóc, người nàng rung theo mỗi tiếng nấc. Âm thanh bị nén xuống trong lồng ngực, nên tiếng khóc nghe tức tưởi, xa xăm như một uất ức không cùng.

Tôi ngồi, lặng nghe nàng khóc như vậy không biết bao lâu. Cho đến khi cơn giận dỗi tan loãng trong gió biển, những giọt lệ cạn khô trong mắt, để lại vệt khô óng ánh trên đôi má hồng lợt lạt. Những tiếng nấc tức tưởi đã thưa dần rồi tắt hẳn, chúng tôi vẫn chưa nói với nhau một câu nào. Cả hai cùng nhìn ra biển khơi.

Khi mặt trời đã lên cao, hắt xuống vai chúng tôi những tia rát bỏng, nàng nói, “Thôi, em về.”

Tôi băn khoăn, nghĩ cách gặp lại nàng. Nếu như nàng không trở lại đây, tôi sẽ khó lòng tìm gặp lại nàng, giữa hải đảo với hàng chục ngàn người chen chúc giữa những cây dừa cao lêu nghêu và loài chuột mập mạp chạy khắp nơi như những con chó nhỏ, tròn trĩnh.

Có tiếng người lao xao phía bên kia dốc đá, loãng trong gió biển. Nàng đặt tay lên đầu gối tôi, lay nhẹ, “Nguyên.”

Tôi như người nửa mê, nửa tỉnh, “Gì?”

“Em phải về.”

“Sao vậy?”

Nàng ngập ngừng, “Sắp tới giờ thăm bệnh của bác sĩ.”

“Tại sao?” Tôi thắc mắc.

Giọng nàng buồn thiu, “Nguyên cũng biết là em bệnh mà.”

Tôi đặt tay lên tay nàng, “Em ở khu nào?”

“Em không có chỗ ở nhất định,” nàng cúi đầu như áy náy, lo âu. “Người ta cho em một phòng trong bệnh viện Sickbay.”

Tôi quay sang nhìn nàng, ngạc nhiên, “Thật không? Anh có thấy em ốm đau gì đâu!”

Nàng mím môi, “Em điên.”

Tôi chợt nhớ cơn khóc lóc của nàng cách đây chưa đầy năm phút.

“Thôi mà, em phải nghe anh. Em không có bệnh gì hết; em khỏe mạnh.”

Nàng nhoẻn miệng cười, bóp nhẹ những ngón tay tôi, “Em thích Nguyên. Phải như Nguyên là bác sĩ thì em đâu có bệnh.”

Tôi gật gù, “Nếu em muốn, anh sẽ làm bác sĩ cho em.”

“Chắc nhé!”

“Ừ.”

Nàng ngả người, gục đầu vào vai tôi như nương nhờ sự chở che, cứu vớt, “Em ghét mấy người trong bệnh viện Sickbay. Họ cứ đòi mang em đi chạy điện.”

Tôi vòng tay qua vai nàng, vỗ về, “Em có bị gì đâu mà chạy điện.”

Nàng thì thầm, “Họ nói em điên.”

“Họ nói giỡn chơi.”

“Không có, họ rất nghiêm trang. Họ thành thật.”

“Đừng tin họ.”

“Em không tin họ. Nhưng họ vẫn bắt em uống thuốc. Em sợ những viên thuốc; em ghét những viên thuốc. Những viên thuốc màu trắng đắng ngắt và những viên thuốc màu hồng không chua, không ngọt, không đắng, người ta bắt em uống mỗi ngày. Những viên thuốc làm tim em đập mạnh, làm tay em run, làm miệng em khô đắng, làm đầu óc em mịt mờ u ám. À, Nguyên ơi tại sao người ta lại làm ra những viên thuốc không chua không ngọt không đắng nhỉ? Em thù những viên thuốc như thế…”

Nàng sôi nổi với những ý tưởng không đầu đuôi. Ánh mắt nàng rạng rỡ, nhìn thăm thẳm vào khung xanh của trời, của biển cả mênh mông. “Tại sao lại có những viên thuốc không đắng, không chua, không ngọt; những viên thuốc ngu ngốc như sỏi đá vô tri. Em thù, em ghét hết mọi người ở bệnh viện Sickbay. Nguyên biết không? Em chỉ mong có dịp nào em sẽ bắt nhốt họ vào những phòng khám bệnh, buộc tay chân họ vào giường; bắt họ nuốt từng viên thuốc, từng viên thuốc…”

Tôi ngơ ngác nhìn nàng đang say sưa trong giấc mộng trả thù. Nhìn nghiêng, nàng giống pho tượng một nữ thần đang thôi miên kẻ tử thù trong thần thoại.

“Nếu có Nguyên làm bác sĩ, em sẽ làm y tá. Em sẽ chích cho họ một trăm mũi thuốc mỗi ngày. Nguyên biết không. Những buổi sáng, họ hay bắt em phải chích thuốc. Em trốn, nhưng họ hứa tìm Nguyên cho em nên em mới chịu uống và chích thuốc. Họ hứa hoài mà chẳng bao giờ tìm cho em. Thành ra sáng nào em cũng ra tìm Nguyên ngoài biển. Đâu biết là Nguyên ở rất gần bên em từ bao lâu nay.”

Nàng dụi đầu vào vai, vào cổ, vào mặt tôi, nũng nịu, “Đừng bỏ em nghe Nguyên.”

Tôi vỗ nhẹ vai nàng, “Không bỏ đâu!”

“Nguyên thương em hoài nghe?”

Tôi choáng ngợp trong mùi hương của tóc, “Thương hoài.”

Tiếng lao xao bất chợt vọng lên nghe thật gần. Chúng tôi giật mình quay lại. Một đám thanh niên, thiếu nữ bước trên những mỏm đá, tiến về phía chúng tôi. Tiếng reo mừng tở mở xen lẫn tiếng la hét. Một thiếu nữ mặc chiếc váy màu xanh da trời vừa nhón chân nhảy trên mỏm đá, vừa chỉ tay về phía chúng tôi. Chiếc váy rộng của nàng phần phật bay trong gió.

Tôi nghe được giọng miền Nam của người con gái, “Con nhỏ điên đó đó; đúng nó rồi!”

“Đừng để nó chạy mất, về cao ủy sạc thấy mẹ!” Giọng khàn đục của một gã đàn ông.

Thụy hoảng hốt đứng bật dậy, xớn xác tìm đường chạy trốn. Trong chớp mắt, đám người đi lùng bắt đã trải rộng, che kín lối thoát thân của nàng. Họ xăm xăm tiến về phía chúng tôi. Tôi bối rối nhận ra người y tá quen mặt trên bệnh viện Sickbay trong đám thanh niên. Tất cả cùng nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ. Thụy đứng nép sau lưng tôi, hai tay vòng qua ôm bụng tôi, siết chặt, như nương nhờ sự che chở. Tôi duỗi thẳng hai tay, chờ đám người tiến lại gần.

Người y tá nói bằng giọng khàn khàn, “Cô ấy phải về bệnh viện. Cao ủy y-tế cần gặp ngay.”

Tôi phân trần, “Cô ấy có ốm đau gì đâu!”

Vòng tay Thụy, như con trăn của rừng thiêng, siết mạnh hơn quanh bụng tôi.

Người y tá lạnh lùng, “Anh làm sao biết được!”

Những sợi tóc của Thụy bay trong gió, lất phất trên mặt, trên cổ tôi nhột nhạt. Mùi hương của tóc và vị mặn của muối nồng nàn khứu giác. Đôi tay run rẩy siết quanh tôi và đồi ngực nàng nóng ran áp sau lưng tôi xôn xao những nhịp lo âu, sợ hãi của trái tim lưu lạc. Hơi thở nàng phì phà trên cổ tôi nhột nhạt.

“Đã đến giờ khám bệnh và chích thuốc. Nếu để quá giờ, cô ấy sẽ lên cơn.”

Khuôn mặt gã y tá trung niên lạnh như băng sau câu nói. Tôi đặt tay lên đôi bàn tay mềm đang siết chặt lấy nhau vòng trước bụng tôi, xoay đầu nói với nàng, “Bây giờ em về bệnh viện một chút thôi, được không Thụy?”

Đám người tạo thành vòng tròn nhỏ vây quanh chúng tôi, chờ đợi. Thụy cứng cỏi, “Không!”

Tôi năn nỉ, “Anh sẽ cùng đi với Thụy.”

“Không!”

Tôi dỗ dành, “Nghe anh đi. Về bệnh viện một chút xíu cho bác sĩ thấy mặt thôi.”

“Không!”

“Về chích thuốc rồi ra đây anh kể chuyện cho nghe.”

“Không!”

“Không nghe, ngày mai người ta nhốt em trong bệnh viện Sickbay, em sẽ không gặp anh được đâu!”

Vòng tay siết quanh tôi chợt nới lỏng. Tôi quay lại, đặt tay lên vai Thụy. Nàng gạt tay tôi xuống, tức tưởi, “Nguyên nói dối em.”

Đám người thì thào to nhỏ. Người y tá tròn mắt ngạc nhiên, “Anh là Nguyên hả?”

“À… Ừ.” Tôi ngập ngừng.

Hai giọt nước mắt ứa ra trên mi nàng, “Em ghét Nguyên!”

Bất chợt Thụy xoay người bỏ chạy. Đám người lạ và tôi sững sờ một giây rồi hấp tấp chạy theo. Những tảng đá nhấp nhô giữa những bụi cây rậm rạp làm cuộc đuổi bắt trở nên vất vả, khó khăn. Tiếng la hét hỗn loạn lẫn trong tiếng sóng dạt dào. Thụy nhảy nhót như con mèo nhỏ trên những phiến đá gập ghềnh. Tôi gào thét gọi tên nàng. Tiếng gào của tôi lẫn vào tiếng hò hét của đám đông. Tôi trượt chân trên phiến rêu xanh của tảng đá nhỏ, ngã một cái đau điếng. Vừa lồm cồm ngồi dậy được, tôi lặng người thấy nàng đứng sừng sững trên mỏm đá cao sát bờ vực. Tôi cuống cuồng, “Thụy. Đừng!”

Nàng ném cho tôi cái nhìn thù oán, “Đồ phản bội!”

Tiếng hét của nàng vang trong tiếng sóng, lẫn với tiếng xôn xao hốt hoảng của đám đông. Tôi mê muội nhìn nàng buông mình xuống vực sâu, mất hút sau vách đá dựng trên bờ vực. Những tiếng “Ê! Đừng! Ấy! Kìa kìa! Đừng đừng! Trời ơi!…” lẫn vào nhau thừa thãi, vô nghĩa.

Không một tiếng động nào vọng lên được từ cõi thẳm sâu mịt mùng của biển. Đám người đứng lặng như những hình người hóa đá trong cổ tích, trên mỗi khuôn mặt còn đặm nét kinh hoàng.

Ngoài kia, biển vẫn thản nhiên như con bệnh tâm thần không còn ý niệm nào về thời gian và sự đau khổ của kiếp người. Cơn bệnh dửng dưng với mọi đổi thay của cuộc đời.

Pulau Bidong, tháng 06, 1982





VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com