Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


THIÊN HẠ THÁI BÌNH



T hái Bình đứng bên cửa sổ căn phòng chung cư của tôi, phát hiện ra một việc khiến gương mặt anh rạng rỡ như trẻ thơ.

“Đứng ở cái cầu dưới kia có thể gọi được Hạ đấy”!

Tôi chen ra cùng nhìn xuống.

“Có thể nghe thấy tiếng gọi không nhỉ?”.

“Nghe được. Khoảng cách không gian gần lắm”.

Tôi nói với Thái Bình, rằng anh nên tìm một chỗ đứng ở thành phố này để làm lại tất cả.

Mùa đông bắt đầu tràn về.

Trên những đường phố, lá vàng rơi lao xao. Cái lạnh nhẹ nhàng xâm lấn, luồn lách, đủ cho hết thảy đều co lại và đều trở nên nhỏ bé.

Chúng tôi chạy trên những con phố. Điểm nối là những quán cà phê hoặc trà sữa, trà chanh. Thực ra còn có rất nhiều những điểm cao vợi khác, như tòa cao ốc dành cho người có tiền, ngân hàng, khách sạn, công sở… Nhưng trong trí não lũ chúng tôi, điểm nối thành phố là những quán trà, cà phê nhỏ, xập xình nhạc country đồng quê, hay rock‘n’roll, rhythm and blues…

Tôi đứng ngây người phía bên này đường, nhìn xéo sang, tiếc đứt ruột cái quán người ta mới treo biển Trà Chanh kiêu kỳ và trẻ trung.

Mới mấy hôm trước tôi tính sẽ ghé vào sau giờ làm để hỏi chủ nhà xem giá thuê bao nhiêu. Nhìn cái vẻ chắp nối của khuôn nhà, mà nhà lại đứng ngay mép ngã ba, bị cắt hụt vào mấy mét để làm con đường chạy sát công viên; lại nhìn cái bảng ghi nguệch ngoạc “cho thuê nhà”, tôi đoán chừng giá thuê cũng chỉ độ chục triệu, quá lắm là mười lăm triệu, đủ cho người thuê xoay xở vài năm có lẽ lấy lại vốn. Trong đầu tôi hình dung những phép tính cơ bản. Mỗi tháng tiền nhà, tiền lương cho một nhân viên, tiền điện nước internet phụ phí… sẽ ngốn chừng hai mươi lăm triệu, tiền để Thái Bình đủ chi tiêu, trả nợ ngân hàng quãng chục triệu nữa. Chưa tính đến tiền lương cho chủ quán là tôi, mỗi tháng phải kiếm được từ năm mươi đến sáu mươi triệu. Tính lên tính xuống, mỗi ngày phải thu về ít nhất hai triệu năm trăm ngàn, tương đương với lượng khách bước vào quán là bảy mươi đến một trăm lượt. Toát mồ hôi với con tính sơ đẳng. So đi so lại, nhìn cái điểm quán ở ngã ba vẫn rất hấp dẫn. Nó như con mắt thứ ba, nhìn thấu đường phố với cái cột đèn giao thông xanh đỏ. Căn nhà hai tầng, chạy cầu thang xoáy vòng ốc. Tôi hình dung sẽ kê bàn ghế ở những góc nào. Sẽ quét sơn trắng, không viền màu. Bàn ghế trắng. Quầy bar cũng sẽ trắng viền nâu cà phê.

Hàng ngày tôi cứ đi qua và nhẩm tính như thế. Nhưng tôi vẫn không tìm gặp chủ nhà. Túi tôi có ít tiền quá.

Tôi rủ Thái Bình:

“Làm quản lý quán cho Hạ nhé”.

Thái Bình nhìn tôi:

“Giấc mơ của Hạ đâu phải quán cà phê”.

Tôi im lặng nhìn xa hút lên bầu trời phía trên nóc nhà thành phố. Giấc mơ của tôi, hay của chúng tôi như thế này: là “Thiên Hạ Thái Bình”.

Tôi hơn Thái Bình tới năm mươi chín tháng sinh. Chúng tôi đã ở lứa tuổi lẽ ra đã có gia đình êm ấm như bao người.

Thái Bình nói anh sẽ đi Mỹ kiếm việc làm. Giọng nói đơn giản y như kiểu sẽ canh vé máy bay rẻ, chuyển khoản và chờ đến ngày bay. Tôi ủng hộ ý tưởng này mới chỉ gần tương đối. Lúc tôi nói ủng hộ, là lúc tôi thỏa hiệp mà trong tôi hoang mang vô cùng. Câu chuyện của chúng tôi, đúng ra là mối quan hệ của chúng tôi luôn có nước Mỹ chen giữa, làm rào chắn, hay làm mốc giới, hoặc là chữ “Mỹ” được thay bằng một tấm rèm trong suốt như cánh cửa thiên thần.

Tôi nói tôi muốn đi Tây Tạng. Đến lượt Thái Bình nhìn tôi như nhìn một hình nộm. Tôi cao một mét sáu mươi, đủ để không được đứng trong thế giới của Nàng Bạch Tuyết và rất nhiều chú lùn. Tôi có nước da mịn màng, bởi thời gian chưa chèo kéo chơi ú tim. Dù tôi nom không như tương lai một bà nội trợ đảm, nhưng tôi cũng biết lục tìm sách hay cho Thái Bình mượn đọc, biết nhảy vài điệu Gangnam Style, Harlem Shake, cồng chiêng hoặc Shuffle dance…

“Hạ thích Tây Tạng vì gì?”.

“Có cần vì gì mới thích không? Hạ thích đi Tây Tạng!”.

“Hiểu rồi. Tây Tạng và Mỹ có song song với nhau không nhỉ?”.

Tôi cười, nụ cười không đoán định được tương lai. Tương lai của chúng tôi xa thăm thẳm. Chúng tôi cứ đi bên nhau, như hai thanh ray mà lũ học trò ai cũng biết luôn song song, gần nhau đấy mà điểm gặp mãi tận vô cực. Hồi học cấp ba, thầy Khang chứng minh cho chúng tôi thấy hai đường thẳng song song có thể cắt nhau. Tôi không hình dung được hai chúng tôi là hai đường thẳng song song sẽ cắt nhau tại một điểm nào đó xa mù mịt, hay là hai thanh tà vẹt không bao giờ có thể chụm vào nhau?

Nhưng giờ đây, tôi đã có Tây Tạng trong lòng.

Tôi sà vào bất cứ một quầy sách nào có những quyển sách viết về Tây Tạng, hoặc chí ít là những vị đạo sĩ Tây Tạng. La liệt và đầy bí ẩn cần khám phá: Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Đột nhiên đến Tây Tạng, Tây Tạng huyền bí và nghệ thuật sinh tử, Truyện kể Tây Tạng, Đến với Tây Tạng, Vùng đất thiêng Tây Tạng, Shambhala - Vùng đất Tây Tạng huyền bí hay Cuộc hành trình tìm về bản thể...

Tôi xếp những cuốn sách mua được với giá khuyến mãi nhân các hội chợ, hoặc kiếm được từ những đống sách vỉa hè, lòng thầm nghĩ đến Luật hấp dẫn. Rằng cứ nghĩ đi nhé, cô gái mang tên Thiên Hạ, Luật hấp dẫn chỉ cho ta lối đi, hãy nghĩ đến những vùng đất bí ẩn, mà ở những nơi đó, ta có thể tìm hiểu ra phần nào nguồn gốc loài người; ta có thể bắt gặp dấu chân người tiền sử; ta biết vì sao có kim tự tháp, ai xây nên những công trình kỳ vĩ đó; biết hình hài và hơi thở vũ trụ của những Xomachi (*)…

Chúng tôi luôn tranh luận. Trong cái laptop, vật bất ly thân của tôi, bất cứ khi nào mở ra cũng đều có thể đọc lại những dòng tin nhắn ngày chúng tôi mới quen nhau. Những dòng tin như những minh chứng ngọt ngào để con người nhận tình thân trong hàng tỉ người đi qua nhau trên mặt đất.

Thái Bình nhìn tôi như nhìn người đến từ hành tinh khác.

“Sao Hạ không làm thuê cho tôi?”.

“Vậy cũng phải xem ai làm chủ tốt hơn nhỉ”.

“Nghĩ ai làm chủ tốt thì người đó sẽ là chủ tốt”.

“Sao còn nuôi mộng đi Mỹ?”.

“Có người chỉ mơ đi Tây Tạng kìa”.

“Không giống nhau nhé. Một đằng định cư. Còn một đằng chỉ là đi khám phá”.

“Ước mơ lao động hiệu quả thôi”.

“Ở lại đi anh. Ở lại nước mình, kiểu gì cũng sẽ sống tốt mà. Anh sẽ đưa em đi Tây Tạng nhé. Và chúng ta sẽ cùng mở một cái cửa hàng nhỏ. Em sẽ bỏ công việc cơ quan chán ngắt để về phụ với anh?”.

Thái Bình không nhắn gì cho tôi suốt mấy hôm sau đó. Dường như anh đang suy nghĩ rất nhiều. Hình như tôi lỡ lời. Hình như tôi luôn muốn phát kiến, mà Thái Bình không phải là người dễ thỏa hiệp.

Và rồi anh biến mất giữa dòng người vẫn hằng ngày đi qua tôi. Hằng ngày, tôi đi qua những chỗ hai chúng tôi từng đứng. Đi qua cái cây được trồng bên vỉa hè phố, mà cho đến giờ tôi vẫn chưa biết đó là loài sala hay chỉ là một cây cho hoa bình thường? Cho đến lúc ấy tôi mới biết hóa ra Thái Bình không để lại cho tôi chút thông tin nào của anh để tôi có thể chạy tìm anh, dựa vào anh, hoặc ít nhất cũng để biết anh vẫn đang tồn tại bình thường.

Tôi đứng bên cửa sổ, nhìn xuống cái cầu vượt vắt ngang hai bờ thành phố cũ và mới. Nhớ đến bộ dạng Thái Bình khi anh nói “Đứng ở cái cầu dưới kia có thể gọi được Hạ đấy”.

Ai sẽ đứng dưới kia để gọi tôi như Romeo gọi Juliet?

Tôi ngồi một mình, mở máy tính xem lại những dòng chat của chúng tôi ngày mới quen nhau. Mà giờ đây chúng tôi đã quen nhau thật chưa nhỉ? Hay vẫn chỉ đi song song bên nhau bao tháng dài?

♣ ♣

“Bạn hay thích làm gì nhất?”.

“Thích ngồi một mình ngắm mưa nghe nhạc không lời”.

“Đàn ông mà, sao cứ thích ngồi một mình vậy? (Sao không là ngồi với ai nhỉ? He)”.

“Còn thích giúp người bạn ạ. Ngồi với ai để nói chuyện đông tây đúng không bạn. Một mình liệu có trở về chính mình không bạn nhỉ?”.

“Giúp người thì cũng cần chọn lọc đúng không?”.

“Điều đó cần thiết bạn ạ nhưng mình không sàng được”.

“Tôi không nghĩ là con người có thể chỉ một mình”.

“Mình nghĩ đó là thể hiện một góc sở thích”.

“Nhưng ý chí thì chỉ một mình mình quyết đúng không?”.

“Đúng bạn”.

“Những người thích một mình thường có ý chí khác biệt”.

“Khác biệt hay khổ biệt bạn nhỉ?”.

“Chắc bạn khi gặp tôi sẽ thấy tôi cả khác biệt cả “khổ biệt” ấy”.

“He he… mình biết bạn sẽ trả lời câu đó nhé. Mình đang nói mình nhé”.

“Cả hai đều khác biệt như nhau thôi”.

“Lại huề bạn nhỉ”.

“Tôi muốn thấy bạn vui mà”.

“Nhưng bạn vẫn ghi điểm nhiều hơn mình”.

“Có tính điểm đấy à? Tôi không muốn sự “khổ biệt” nữa. Tôi sẽ cố gắng vượt qua. Tôi nghĩ tới đây chúng ta sẽ vui hơn, đúng không”.

“Mình là đàn ông mà công việc chưa đâu vào đâu”.

“Thực ra tôi luôn ước giá như chúng ta bình đẳng hơn… Thì tôi dễ được bạn đón nhận sự chân thành hơn. Tôi muốn trình bày ý gì đó cũng thuận hơn. Tôi không muốn tôi được xếp cao hơn bạn. Điều đó khiến tôi càng cô đơn...”.

“Mình nghĩ ông trời rất công bằng đó bạn nhỉ, vì ai ai cũng chọn cho mình điều tốt, còn những người kém cỏi đau khổ khác sẽ ra sao? Nên mình nghĩ tất cả đều bình đẳng tốt lành dưới trời đất”.

“Tôi mong bạn luôn vững tâm. Con đường đời còn dài mà… Có chút nào cho tôi được dựa vào không?”.

“Tôi… Ngại…”.

“Nếu bạn vững vàng, tôi sẽ luôn được yên tâm. Như là được dựa.

“Vững về điều gì bạn?”.

“Về ý chí ấy. Không nghề nghiệp, thì sẽ tìm. Không bằng cấp, thì sẽ tự học. Không có gì trong tay, hãy mạnh mẽ lên để sẽ có. Được không?”.

“Ý chí mình cũng cao, mình ít khi phụ thuộc lắm, mình muốn tự lập bạn ạ”.

“Vậy bạn giúp cho tôi yên tâm rồi”.

“Mình cảm ơn bạn!”.

“Chúng ta sẽ là bạn với nhau nhé”.

“Chúng ta đang là bạn của nhau rồi mà”.

“Vậy kết bạn thật nhé?”.

“Thật!”.

♣ ♣ ♣

Bỗng nhiên, sau rất nhiều ngày, trên màn hình máy tính của tôi hiện lên những dòng chữ quen thuộc, như ngày nào chúng tôi mới quen nhau.

“Tôi quyết định rồi. Tôi sẽ không sống ở nơi nào xa quê hương. Tôi sẽ đưa bạn đi Tây Tạng. Được không?”.

Tim tôi run lên. Như tìm lại được niềm cảm mến mới mẻ ngày nào.

Tôi trả lời:

“Cảm ơn bạn đã trao cho tôi thêm sức mạnh. Chúng mình cùng viết một câu gì gửi nhau để lưu giữ nhé”.

“Viết gì? Được thôi. Nhưng trước khi viết ra câu ấy, tôi đề nghị một việc”.

“Được thôi. He…”.

Một vài giây như chững lại.

“Hãy - gọi - tôi - là - anh - nhé”.

Đó là câu nhắc lại, là câu anh đã viết cho tôi ngày mà chúng tôi quyết định tìm gặp nhau.

Một dòng chữ tiếp theo chạy trên màn hình:

“Anh sẽ cùng em đi Tây Tạng”.

Im lặng. Rất lâu.

Tôi rê con chuột bên bàn máy, run rẩy.

Và rồi trên màn hình ở hai nơi, đều cùng lúc hiện lên dòng chữ:

“Thiên Hạ Thái Bình”.

Tên tôi không phải Thiên Hạ. Nhưng từ khi quen Thái Bình, tôi có thêm cái tên mới là Thiên Hạ.

Phố đêm long lanh những ánh đèn muôn màu thật gần. Hoa mimosa vàng được mang về từ Đà Lạt đang dần hé nở những cánh mỏng manh dưới sương.

Dường như mùa xuân đang len lỏi nhẹ nhàng theo gió về.  

(*) Xomachi: Hình hài người thiền hóa đá, lưu giữ gien nhân loại - Theo nhà bác học Mundasep, cuốn Chúng ta thoát thai từ đâu.





VVM.07.1.2022 - Minh họa: Văn Nguyễn

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com