Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VỀ QUÊ NHÀ ĂN TẾT



1.

     “Quê Nhà” với tôi vẫn là một dấu ấn đỏ chói trong tâm khảm tôi ngay từ những năm sau ngày đất nước chia hai, nhất là năm mẹ tôi mất, 1964.Lúc này, hai miền Nam-Bắc vẫn được trao đổi thư từ giữa những người thân thuộc với nhau, bằng một tấm thiệp vuông vức, không có phong bì, theo thể thức được ấn định tại Hội nghị Geneve, Thụy Sĩ, năm 1954, để giải quyết cuộc chiến chống Pháp từ 1945-1954. Màu vàng nhạt dùng cho miền Nam, còn miền Bắc là màu trắng. Trên tấm thiệp màu trắng năm đó, một người cháu của tôi viết rằng:
     “Cậu ơi! Bà đã mất. Chúng con ngồi bên áo quan bà, đi bên cạnh bà vào nhà thờ, xuống nghĩa trang…lúc nào cũng nhớ đến hai cậu. Con nhìn quanh nhìn quẩn, ngó tới ngó lui như thể tìm hai cậu, mà chẳng thấy hai cậu đâu…”
    Năm trước đó, 1963, tôi làm được một tập thơ coi như tập “Mở tay”, trong có bài “Nhớ Quê”:

Chai nước lã trên bàn và những viên thuốc trừ lao
Chiếc đồng hồ chết đã ba hôm
Dăm tạp chí nói những chuyện tầm phào
Con chim kêu ngoài sân
Một tôi ngồi đây và bức bản đồ Việt Nam
Tôi tìm quê hương trên đó
Hàng chữ nào mang tên quê hương tôi
Con đường nào đưa tôi về đó
Quê hương tôi có Thánh đường và tháp chuông cao
Những đêm Giáng Sinh rét mướt ngày nhỏ
Tôi đi lễ với mẹ cha và anh chị
Rồi xã hội cướp giật tôi đi
Bây giờ tôi ngồi đây với những viên thuốc trừ lao
Tôi ngồi đây với chai nước lã
Tôi gạch dưới hàng chữ mang tên quê hương tôi
Và tô lại con đường đi về đó
Con chim kêu ngoài sân
Tôi ném những viên thuốc trừ lao vào thùng giấy.

Đến nay, bài thơ “Nhớ Quê” này đã được 45 năm. Cái “bây giờ” của ngày đó trong bối cảnh chính trị, xã hội ở miền Nam Việt Nam đang bày ra một cuộc tranh giành quyền lực giữa phe quân nhân vừa lật đổ ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm và sát hại hai anh em ông, sau khi vài người trong nhóm này “khảo của” ông Ngô Đình Nhu tại Tổng Nha Cảnh sát, lúc chiếc xe M 113 chở hai ông từ trong Chợ lớn đi qua ghé vào, sáng ngày 2/11/1963 (Theo lời chứng của một quân nhân lúc đó cũng có mặt trên chiếc M 113, giấu tên, hiện ở Australia.}
    Tôi gửi gấm tâm trạng chán chường và mệt mỏi của tôi trong bài thơ này. Không có nơi nào để tôi trú ẩn cho qua cái giai đoạn căng thẳng đó bằng thơ và cầu nguyện. Quê tôi ngày đó chắc cũng chẳng được yên lành đâu, vì ở nông thôn đang trong thời kỳ thành lập các Hợp tác xã, nhất là mấy năm trước đã có chiến dịch đấu tố địa chủ.Trong hoàn cảnh ấy, lòng người dân làm sao có được bình an. Nhưng tôi vẫn nhớ quê lắm.
    Có một lần tôi đi trên con tàu Như Long, chạy đường sông Vàm Cỏ Đông, từ Tân An đi Mộc Hóa, tàu dừng ở bến Tân An vào một chiều cuối năm.Vào lúc mặt trời vừa lặn thì từ một quán giải khát trên bến, bỗng nổi lên bản nhạc “Quê Mẹ”:
     … “Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu. Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền. Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt hoen mờ vì con.Ra đi con dâng đời cho gió mưa. Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua”…
    Tôi nhớ mẹ và ngồi ôm mặt khóc trong đêm ấy.
    Sau khi cuộc chiến Bắc-Nam chấm dứt vào năm 1975, người nhà tôi đã vội vã nhờ người ở Hà Nội có dịp vào Sài Gòn tìm tôi, để biết tôi “còn” hay “mất”, bình yên hay “vướng mắc”.
    Bây giờ con đường trở về đã có. Anh chị tôi viết thư vào gọi về: “Thầy nhắc đến em.Cứ lẩm bẩm, sao chú ấy mãi chưa thấy về.”

    Tôi phải về thôi, nhưng mãi đến 5 năm sau, 1980, cho dù với hai bàn tay trắng và với thân phận của kẻ thất thế.Trước khi về, tôi nhớ có mấy buổi sáng sớm, trời Sài Gòn vào cuối thu rồi, tôi đạp xe đến một quán cà-phê ở phố vắng, ngồi ở vỉa hè nhìn hàng cây sao trước mặt, cho lá vàng rơi bay bay trong gió nhẹ. Thấy cảnh đó mà lòng cồn cào nhớ quê.Hình bóng của người cha già âm thầm lặng lẽ, hơn ba mươi năm gian nan của cuộc đời tận hiến, hy sinh, phải ứng phó với những thử thách từ ngoài đến và nhất là ngay nơi mảnh đất thân yêu của mình với một vài thành phần của xã hội mới. Tôi như chìm vào thời gian của dĩ vãng nơi quê nhà an bình, không vướng âu lo và khắc khoải như bây giờ. Tôi như quên tách cà-phê trước mặt, quên có hơi gió lạnh và hình như có cả những giọt sương mong manh rơi xuống vai áo, rơi trên mặt tôi, rơi trên mặt bàn cà-phê.Tôi thoáng giật mình khi người chủ quán lịch sự đến cúi thấp mình, nói nhỏ mời tôi vào trong nhà, vì trời đang có mưa.Sau đó ông mang ra cho tôi bình trà nóng, thay tách cà-phê bằng tách uống trà thanh lịch. Tôi rót ra tách, thưởng thức hương vị trà thơm. Ngoài trời mưa không nặng hạt, khách đi đường lặng lẽ, như đã có từ mấy năm nay.
    Sau đó tôi đã trở về, khi tôi nhận được tờ giấy “bảo lãnh” của anh tôi, do chính quyền địa phương cấp, bảo đảm về hành vi chính trị của tôi trong thời gian tôi có mặt ở nhà.
    Từ lần về đó cho đến nay, tôi đã sáu lần trở về, thì có năm lần đã để lại trong tôi những ấn tượng khác nhau nhưng rất yêu dấu nơi quê nhà.
    Trong bài này, tôi chỉ nói đến lần trở về thứ tư, năm 2004, kỷ niệm 50 năm ly hương, ăn Tết ở nhà.

    Lần trở về này là một bất ngờ, khi tôi đến thăm người bạn họa sĩ và làm thơ. Vừa ngồi xuống bàn mời nước tôi, có cả bánh đậu xanh Hải Dương nữa, anh đã nói luôn đến việc sắp về Bắc dự lễ Bế mạc Năm Thánh nhà thờ quê anh, Hà Hồi,kỷ niệm 100 năm xây dựng{1903-2003}.Hai làng chúng tôi gần nhau, nhưng khác huyện. Anh thuộc Thường Tín, còn tôi ở Phú Xuyên, phía Nam Hà Nội. Anh vẫn coi tôi là “thân hữu đồng hương Hà Hồi”. Trong quá khứ cũng như hiện nay, cả hai làng đều có những mối tương giao, những gắn bó thân tình về mặt tôn giáo. Anh bạn tôi cho biết, năm nay còn là năm thứ 50 mình xa quê, nên dự lễ Bế mạc xong, cũng muốn ở lại quê “ăn Tết” rồi mới vào. Tôi “À” lên một tiếng rồi nói “Phải rồi”. Một quyết định hay.

     Ai xa quê mà không nhớ quê thì kể như người đó đánh mất một phần lớn cái tình tự quê nhà, người đó thiếu một “mái ấm” trong lòng. Mà những ai xa quê lại luôn mang trong tâm khảm mình cái “tình hoài hương” hay cái “mộng hoài hương” thì không thể quên cái không gian ngày “Tết” ở “nhà mình”, ở “làng quê mình”. Nó đầm ấm, chan hòa niềm vui, nó biểu hiện trên mọi khuôn mặt của mọi thành phần ở nông thôn, từ người giàu đến người nghèo, từ người cao quý được dân làng kính trọng cho đến “thằng mõ”.Đi về quê “ăn Tết” là đi vào một thế giới nhân văn, một tương giao nhân bản giữa con người với nhau và giữa con người với một không gian huyền diệu.
Có lẽ không ở đâu như Việt Nam, từ xưa cho đến nay, tức là cái bây giờ, mỗi năm cứ vào tháng cuối năm âm lịch, lại có tình trạng người từ phương xa về quê nhà “ăn Tết”. Hoàn cảnh những năm sau này, vì nông thôn dân số tăng cao, đất nông nghiệp mỗi ngày một thu nhỏ lại,công việc không có đủ, lại vì giới trẻ muốn thay đổi, nên họ đã tìm đến những thành phố lớn để mong có được việc làm, bằng không thì cũng phải tự kiếm sống bằng đi lượm ve chai trong các ngõ ngách của thành phố. Họ đi rất sớm trong lúc dân chúng còn say ngủ. Vì không chỉ có một vài người tới lui một địa điểm trong ngày, mà nhiều lắm. Người này chọn vật này, bỏ vật kia, nhưng người khác lại lượm vật đó, cho đến khi cái thùng rác trước cửa mỗi nhà chẳng còn cái gì để lấy nữa.Vậy mà không, thành phần đi đổ rác thường xuyên, nhận tiền công hàng tháng, lại lục lọi một đợt nữa. Đợt cuối cùng có lẽ là tại bãi rác khổng lồ, tập trung rác thành phố về . Nơi đây túc trực thường xuyên cả một đội quân lượm rác đông đảo, đàn bà, trẻ em .. Ngoài việc này, người ở xa đến còn mưu sinh bằng bán hàng rong, như bán sôi, chè, cháo, tàu hũ.Có người sắm được chiếc xe ba bánh, trên đó bán hàng chợ như các loại rau, củ v.v…Chợ gần tan, họ lại đẩy xe vào các ngõ hẻm. Khách hàng của họ lúc này là những bà nội trợ không có giờ ra chợ. Số trai trẻ thì tìm việc trong các đội xây cất nhà cửa.Những thành phần này, có người lâu lâu lại trở về quê, mang theo số tiền kiếm được giúp chồng con ở nhà. Có người, chồng và con trai làm rẫy ở Lâm Đồng, trồng cao su ở Ban-mê-thuột…Họ để lại trong lòng một số người ở thành phố cái mẫu người lao động nông thôn miền Bắc, chăm chỉ, cần cù.Cho nên ngày Tết đến, làm sao những thành phần này lại không muốn trở về để có những gặp gỡ, xum họp, quây quần bên mâm cơm gia đình.Hiểu được lòng người xa quê trong dịp Tết đến, người ta mới hiểu được tình trạng chen chúc nhau tại các nhà ga xe lửa, xếp hàng cả mấy ngày để có chút hy vọng mua được cái vé. Ngành hỏa xa, và ngành đường bộ đều phải tăng các chuyến đi, nhưng trước nhu cầu về quê như vậy, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của cả trăm ngàn người phải rời xa nhà đi làm ăn ở phương xa.

     Khi tôi quyết định về quê ăn Tết, thi ngày Tết cũng đang tới nhanh. Cho nên, ai nấy đều chuẩn bị cho ngày này. Với tôi, “hành trang” mang theo về quê thì nhẹ tênh, nhưng tâm tư thì không thể đưa lên bàn cân để xem nó nặng hay nhẹ là bao nhiêu lạng, bao nhiêu cân. Có lúc nó nhẹ như làn gió thu, có lúc lại nặng như gió bấc mưa phùn. Vì trong tôi có cả một quá khứ đầm ấm giữa gia đình và giữa một làng quê xứ đạo, có cả một không gian yên vui, an lành của tình người.
Không gian ấy, tình người ấy, quyện theo tiếng chuông ngân vào mỗi buổi sáng mai, vào giờ Kinh Truyền Tin ban trưa, và hồi chuông tắt lửa lúc chiều về,đưa lòng nhân thế lên chốn trời cao thăm thẳm. Nơi đó, họ được rửa sạch, được trở nên thanh khiết.

2.

     Ngày tôi lên tàu về là 25.12 Quí Mùi, 2003. Đúng 5g sáng ngày 27, tàu vào ga Hàng Cỏ.Khi con tàu ngừng bánh, tôi nhìn xuống sân ga, trong số những người đi đón người nhà, tôi đã thấy bóng dáng các cháu tôi đang hối hả nhìn vào toa xe tôi đi, đã báo về trước. Vừa bước xuống sân ga, gặp tôi, các cháu đã vội hỏi: “Cậu lạnh không? Ngoài này năm nay rét lắm cậu ạ. Cậu mặc cái áo lạnh này vào,đội cả cái mũ này nữa, không thì đi đường…” Sau đó là những câu hỏi về sức khỏe của người này người kia, người ở Sài-Gòn cũng như người ở quê mà chỉ sau một tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi được gặp.
    Khoảng 6g hơn, chúng tôi về đến đầu làng. Xe vừa dừng bánh thì một số các cháu ở nhà, đã đứng đón ở đó, chạy ùa ra, đứa cầm tay, đứa ôm vai tôi, hỏi han rối rít, làm ồn cả một góc đầu làng.Hai cháu lớn đã có chồng có con, đi hai bên khoác tay tôi về đến nhà, lâu lâu lại gục đầu xuống vai tôi. Những cử chỉ của chúng làm người trong làng nhìn thấy, cũng nở nụ cười chào hỏi: “Ông về thăm quê hương đấy à?” Những người đi xe đạp hay xe máy ngang qua, gặp tôi, cũng có lời chào, khác với lần tôi về đầu tiên năm 1980, lúc thời thế đổi thay chưa được bao lâu, tôi vào nhà thờ, đi thăm nhà xứ v.v…, ở đâu tôi cũng thoáng thấy có người đi theo từ xa.
    Gần đến nhà người chị tôi thì mấy đứa con của bà chạy vội vào trong báo cho mẹ, “cậu về”.Chị tôi ở trong bếp đi ra, thấy em về thì mừng, khóc, rồi cầm tay tôi dắt lên nhà. Vừa ngồi xuống ghế thì anh tôi cũng vào tới. Chị tôi nói ngay: “Em vừa về, chắc còn mệt. Ngồi trên tàu mấy ngày liền còn gì mà không mệt. Rồi vào trong nhà tổ em ạ.” Anh tôi cười hiền từ, không nói gì.Cậu con trai của ông, là một trong số các cháu vừa lên Hà Nội đón tôi, nói: “Nhà cháu đã làm cơm, chú vào nghỉ rồi dùng cơm với bố cháu. Ngoài này cô đừng làm gì hết.”
    Những lần về trước đây, chỉ có lầu đầu là chị tôi dẫn tôi vào thẳng nhà tổ, vì ngày đó thân phụ của chúng tôi còn sống. Những lần về sau, bao giờ tôi cũng ghé qua nhà chị tôi trước, như lần về này vậy, ngồi nghỉ trong chốc lát, rồi mới vào nhà tồ. Căn nhà của chị tôi hiện nay, xưa kia là cái vườn, trồng mấy luống cải, mấy luống rau, xu hào, giàn mướp, giàn bầu, bí. Chung quanh vườn, ba mặt là cái ao.Lối vào vườn quay ra ngõ, con ngõ này dẫn vào phía trong, là khu vực của dòng họ tôi. Cho nên, từ ngoài đường cái vào đó, phải đi qua vườn rau này, bây giớ nó là nhà chị tôi. Vì vậy, sau khi thân phụ chúng tôi mất, tôi về mà ghé qua nhà chị tôi trước thì cũng không nghe ai trách cứ gì.Nhà chị tôi còn một mặt giáp với con đường cái, nó nối liền với con đường cái quan, quen gọi là Quốc lộ số 1, có đường rầy xe lửa.Con đường bên cạnh nhà chị tôi dẫn vào nhà thờ, vào các ngõ trong làng. Nó còn là con đường đi tới các làng ở phía dưới, như Đồng Cả, Đồng Sấu, làng Tre có nghề khảm gỗ truyền thống, rồi qua sông là Chuôn.
    Xưa kia, giếng nước, cây đa, cái đình đều ở phía trước mặt vườn rau nhà tôi. Bây giờ, tất cả đã không còn nữa. Khoảng đất này, hiện trở thành cái chợ, nhóm vào buổi sáng. Người ở các làng chung quanh, có mớ rau, con cá, mấy con gà, con vịt hay là vài cân thịt lợn, đều đem tới đây bán. Khoảng 9 hay 10g thì chợ tan.
    Dừng chân ở nhà chị tôi mấy phút rồi theo anh tôi vào trong nhà tổ, nó cũng là nhà anh tôi. Bà chị tôi cũng vào, đi bên cạnh, nắm lấy tay tôi, y như ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường hay nắm tay tôi dẫn vào nhà thờ hay những khi đi học xa.
    Nhìn thấy nhà tổ, lòng tôi bồi hồi. Bước chân như có vướng mắc nỗi lòng nào đó. Cái cổng vào nhà đây rồi. Đột nhiên tôi bước nhanh vào sân, nhìn ngay đến cái cột gỗ tròn ở mái hiên. Cái cột này in đậm hình ảnh người cha già của chúng tôi, ra đứng tựa vào đó, đợi tôi, khi được tin tôi về, lần đầu tiên năm 1980, vào lúc chập choạng tối. Nhưng nay, người đã khuất. Mái nhà tổ xưa cũng đã đổi thay. Khung nhà cũ làm bằng gỗ quí, có chạm trổ những nét hoa văn tinh xảo, mà nghe các cụ trong dòng họ kể lại, mất cả trăm công thợ, nay cũng thay bằng gạch, sắt và bêtông. Hai cái bể nước ngoài sân, sát với bờ tường, cái lớn hình chữ nhật, mái vòm; cái nhỏ thấp hơn, hình vuông, không nắp,lần trước tôi về hãy còn ,nay không còn nữa. Chỉ còn lại cái sân với lớp gạch tàu có từ thời tôi còn nhỏ.
    Lúc bước lên vỉa hè, tôi vẫn nhận ra nơi trước kia là cái cột bằng gỗ tròn, với bóng hình run run của cha già đưa hai tay ra ôm chầm lấy tôi khi tôi về đến. Tôi thoáng dừng lại ở vị trí cái cột gỗ đó. Biết đâu, trong cái khoảnh khắc này, bàn chân viễn xứ của tôi đã chạm đến dấu chân xưa của thầy tôi. Tôi bước vào nhà mà thấy chân như nặng hơn. Anh chị và các cháu đi theo tôi vào nhà, có lẽ không ai nhận ra có một cái gì đó trong tôi đang thúc giục tôi cầu nguyện và thinh lặng.
    Trước giờ kinh chiều, anh tôi dẫn chị em tôi và mấy cháu lớn, vào chào cha xứ, Linh mục Nguyễn Văn Tuyền, quê Bái Đô. Trước khi ngài về đây, xứ đạo chúng tôi có Linh mục Nguyễn Ngọc Oánh (1922-2007), sau là Đức Ông, Tổng quản một vùng đạo ở huyện Phú Xuyên hơn 10 giáo xứ lớn nhỏ, số giáo dân trên 10.000 người.Ngài cư trú ở Hà Thao Ngoại, nhưng vẫn thường xuyên lui tới các xứ dưới quyền để cử hành các lễ nghi trong đạo. Đức Ông Nguyễn Ngọc Oánh đã để lại một công trình lớn lao cho quê hương chúng tôi, đó là việc đại tu ngôi nhà thờ: nâng cao hai tháp phụ cho điều hòa với tháp chính ở giữa, nới rộng hai bên hông nhà thờ theo nhu cầu tăng dân số của làng. Tất cả những sửa chữa đều theo lối kiến trúc nguyên thủy.
    Linh mục Nguyễn Văn Tuyền là nghĩa tử của Đức Ông Nguyễn Ngọc Oánh. Ngài về xứ chúng tôi chưa lâu và cư ngụ hẳn ở đây như vậy, được coi là cha xứ đầu tiên kể từ năm 1953 khi cha xứ lúc đó là Linh mục Đỗ Đức Hanh, rời xứ lên Hà Nội nghỉ vì thời cuộc biến động gắt gao.
    Sau hơn 30 phút cha con chuyện trò thân mật, mặc dù với tôi, đây là lần thăm viếng đầu tiên, giữa một cha sở và một thành viên của giáo xứ, rời xa quê vừa tròn 50 năm. Tôi đã thấy những công trình ngài xây dựng trên mảnh đất quê hương thân yêu của tôi, như hang đá ở ngoài sân nhà thờ, nhà khách giáo xứ và một nhà nguyện đang xây dựng ở đầu làng, chỗ chúng tôi xuống xe ở đầu làng lúc ban sáng. Ngoài ra, ngài còn sửa và cho sơn lại Tòa Đức Mẹ và Nhà Tạm, bằng sơn son và mạ một lớp vàng như cũ.

3.

     Mấy ngày trước Tết, tôi đi thăm họ hàng hai bên nội ngoại và các thông gia với anh chị tôi. Riêng với vị trưởng tộc dòng họ chúng tôi hiện nay, anh tôi đã dẫn tôi đến nhà chào ông từ sáng ngày đầu tiên tôi về đến nhà. Tôi cũng đến thăm những người anh em linh tông đã sống với nhau trong “Nhà chung” thời còn nhỏ. Trong số này có người đã đi học ở Tràng Tập Hoàng Nguyên ít năm với tôi.
    Có điều là tất cả những nhà tôi đến thăm, hầu như không thấy nhà nào có những chuẩn bị gì cho ngày Tết cổ truyền. Ngay đến hai gia đình anh chị tôi cũng thế, anh tôi chỉ làm một ít bánh chưng vào lúc rất sớm, khoảng 3g sáng và làm để dùng trong nhà thôi. Anh làm rất gọn nhẹ, không lỉnh kỉnh và cũng chẳng cần ai phụ giúp.Phải chăng đây là cách người dân đã quen làm từ những năm phong trào Việt Minh nổi lên ở những vùng gọi là “tự do” dưới sự kiểm soát của họ? Rồi chuyển sang giai đoạn Hợp tác xã nông nghiệp, chiến dịch Cải cách Ruộng đất, nên mọi sinh hoạt của thời cũ, những biểu hiện của văn hóa cũ đều bị ngăn cấm gắt gao.

     Chiều ngày thứ hai của tôi ở quê, sau giấc ngủ trưa, tôi ra sân trên lầu nhà bà chị, căn nhà đầu tiên tôi dừng chân lúc về đến, đứng ở đây nhìn toàn cảnh làng. Không còn thấy một mái nhà tranh nào nữa. Toàn thể mái nhà là ngói. Nhìn vào đây, chẳng ai tin đời sống của người dân vẫn còn nghèo. Nổi lên trên tất cả toàn cảnh ấy, vẫn là ngôi nhà thờ, mái ngói đỏ au và tháp chuông cao.
Đang miên man với những hình ảnh của quê nhà, những suy nghĩ về một quá khứ và những giai đoạn mới hôm qua, hôm nay, thì ơ kìa, ở dưới đường có hai chiếc xe máy vừa dừng bánh ngay trước cửa nhà chị tôi. Một trong ba người còn ngồi ở trên yên xe là anh bạn họa sĩ trong Sài Gòn tôi đến thăm rồi nảy ra ý định về quê “ăn Tết” này. Tôi gọi vọng xuống:
    -Anh Quế.
     Nghe có tiếng gọi, cả ba người cùng nhìn lên nơi tôi đang đứng.Thế là nhận ra nhau, gặp nhau nơi quê nhà. Tôi hẹn là sẽ đi thăm anh, nhưng nay anh xuống tôi trước.
    Tôi chạy vội xuống, ra mời “khách” vào nhà.
    Họa sĩ Quế giới thiệu hai người cùng đi với anh, là những người anh em linh tông với tôi, tức con của cha già Phao-lô Đỗ Đức Hanh. Đây là anh Yến còn đây là anh Hiệp.Cả hai anh cũng là người trong gia tộc của Quế.
    Nghe nói đến anh em linh tông với nhau, tôi cảm nhận được ngay cái tình cảm thiêng liêng này. Và có lẽ cũng phát xuất từ cảm nhận này mà hai người anh em linh tông với tôi đã nôn nóng yêu cầu anh Quế khởi sự ngay việc đi thăm tôi trước.Thật là cảm động.

    Cái cơ duyên để mấy anh em chúng tôi có cuộc gặp gỡ hôm nay, chính là tấm hình nghĩa phụ chúng tôi, Linh mục Phao-lô Đỗ Đức Hanh (1888-1968). Vì thời cuộc, cha phải rời giáo xứ quê tôi, để trở về Tòa Giám mục Hà Nội. Năm 1958, người được điều về làm chính xứ Hà Hồi cho tới năm người mất. Năm 2003, Hà Hồi kỷ niệm 100 năm xây dựng ngôi nhà thờ lớn hiện nay. Trong chương trình chuẩn bị cho ngày này, có việc thu thập tài liệu và hình ảnh các linh mục chính xứ và quản xứ Hà Hồi trong 100 năm qua. Tôi có tấm hình của cha già Hanh và trao lại cho anh Quế để gửi về quê. Anh kể lại với tôi, ngoài quê khi nhận được tấm hình cha già Hanh, một nghĩa tử của ngài, anh Nguyễn Văn Yến, nói rằng người mà đến nay còn giữ được tấm hình cha già Đỗ Đức Hanh, phải là một người trọng kính cha già lắm đấy. Cho nên, ngay ở buổi gặp gỡ đầu tiên này, anh Yến đã kể những năm anh được sống với người, được người yêu thương như thế nào…Nghe anh nói, tôi cũng lại nhớ về những năm tôi sống bên người. Hình bóng người trở nên một phần làm nên nhân cách tôi.
    Họa sĩ Quế vừa viết cái gì đó, rồi trao cho tôi. Đó là thiệp mừng năm mới Giáp Thân 2004. Anh viết 4 câu thơ:

Năm mươi năm mới có một lần
Một phần hai thế kỷ được gần quê hương
Yêu thương xuân nở mai đào
Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn

Sau những giây phút gặp gỡ ban đầu, giữa chúng tôi như hình thành đoạn đường nối tiếp một nhân cách, một nếp sống tu trì của linh mục nghĩa phụ giữa đời thường của chúng tôi. Người là một gương sáng về đạo đức, về đời sống phục vụ và là một phong cách điển hình của mẫu thức linh mục thời trước Công Đồng Chung Vaticanô II. Như không mà nên, chúng tôi biết rằng bắt nguồn từ tiềm thức, trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, của những biến động tưởng như không còn gì, lúc này chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào mình là những môn đệ của một Ki-tô khác, Linh mục Phao-lô Đỗ Đức Hanh.
Trước khi tạm chia tay, chúng tôi vào thăm cha xứ.

     Sáng Ngày Mồng 1 Tết: Sau giờ lễ ban mai trở về nhà, hai anh em tôi ngồi uống cà-phê. Có lẽ, trong cái không khí lặng lẽ của ngày Tết, anh cũng như tôi lúc đó, đang nhớ về những mảng kỷ niệm của từng thời kỳ, từng giai đoạn của cuộc đời mình. Cái năm, anh và người chị lớn, đã mất, của chúng tôi, dẫn theo một cháu gái con bà chị thứ hai, vào Sài-Gòn thăm tôi. Ngày trở về Bắc, tôi ra bến xe đò đưa tiễn, lúc đó đường xe lửa chưa nối liền được hai miền. Trước lúc anh bước lên xe, tôi nói với anh: “Anh về chăm sóc thầy”. Thế là anh òa lên khóc. Tôi cũng khóc theo. Ngày đó tôi chưa hiểu được nhiều tiếng khóc của anh. Nhưng sau mấy lần trở về thăm nhà, tôi đã hiểu nỗi lòng của anh trong tiếng khóc ấy.Trong lúc ấy, tiếng cười nói của nhiều người ở ngoài ngõ, và trong sân nhà, đã làm thay đổi cái không khí ở nhà tổ chúng tôi. Anh tôi quay mặt ra phía sân, mỉm cười: “ Các cháu đến, chú ạ.”Tôi đứng lên đi ra cửa đón các cháu.Hầu như có cuộc tập trung con cháu của ba nhà ở đây trong giờ phút này. Một cuộc tập họp như vậy là có mục đích: Anh chị tôi được con cháu tặng hai bó hoa tươi, vì năm nay bước sang tuổi 80. Dịp này, làng cũng đã tổ chức một buổi mừng thượng thọ các cụ. Cả làng chỉ có 9 cụ, anh tôi là cụ ông duy nhất. Tiếp theo, một cháu trai sẽ là trưởng họ sau này, hướng về phía tôi, nói: “Thưa chú, năm nay chú về ăn Tết ở nhà với bố mẹ cháu , cô và với các cháu , đó là một niềm vui và có lẽ sẽ không có lần thứ hai đâu. Vì chúng cháu hiểu nỗi lòng của chú, nhớ đến năm chú rời xa nhà ra đi, năm nay kỷ niệm tròn 50 năm rồi, thưa chú. Vậy để tỏ nỗi vui mừng về sự có mặt của chú ở nhà trong ngày này, các cháu xin kính tặng chú bó hoa đầu xuân này. Chúc chú mạnh khỏe và năm tới chú lại về với quê hương và với các cháu.” Tôi đứng lên nhận hoa. Một trận pháo tay nổ ra.Tôi cũng nói vài lời, cám ơn anh chị tôi và các cháu.Đây là một điều bất ngờ, chắc chắn không thể nào quên cái Tết ở “Nhà Mình” như thế này.
    Sau khi các cháu ra về, hai anh em tôi đi chúc Tết vị trưởng tộc. Nhà ông cũng đang có cảnh con cháu ở Hà Nội về chúc Tết.     Từ nhà ông trưởng tộc, anh em tôi ra ngoài chị tôi, rồi đến một vài gia đình bên ngoại.Sau cùng là các thông gia với anh , và một hai người cùng làm việc với anh trong nhà thờ

     Nhìn chung, cảnh Tết ở quê năm tôi có mặt, không rộn rã tiếng cười, không có quần là áo lượt, không mâm bánh chưng như thời tôi được mặc bộ quần áo mới, chân đi đôi giày da, theo cha mẹ đi chúc tuổi ông bà và các vị cao niên trong dòng tộc.
    Nhưng làng tôi bây giờ lại xuất hiện một hình thức sinh hoạt nhóm bạn theo tuổi, trường lớp và mừng sinh nhật của thành viên trong nhóm.Những thanh niên , thiếu nữ dù có gia đình và có con cái, họ vẫn tham gia những buổi họp nhóm của mình như khi chưa lập gia đình.Việc họp nhóm cũng rất là đơn giản. Họ chọn một nơi nào đó khá kín đáo, nhằm tránh gây phiền hà cho ông bà hay bố mẹ. Chỉ cần vài chục đồng đóng góp của mỗi thành viên trong nhóm, là tạo được một không khí thân mật, thắt chặt tình liên đới lâu bền với nhau. Sau Tết mấy ngày, tôi đã thấy một đứa cháu nội của anh chị tôi nhóm bạn để mừng sinh nhật của nó ở một góc trên sân thượng nhà anh chị tôi.Bạn bè mua hoa tặng nó, vừa ăn bánh, kẹo vừa ca hát với nhau.
    Có một nhóm đã mời tôi tham dự buổi họp mặt của họ vào tối ngày Mồng 1 Tết.Đó là Nhóm Hy Vọng. Nhóm này có gần 20 người, nữ nhiều hơn nam, tất cả đã tốt nghiệp Phổ thông Trung học, cũng có người đang học đại học.Tôi chỉ được biết khái quát mục đích của Nhóm Hy Vọng là gồm những người đang tìm hiểu về đời sống tu trì, dòng hay triều.Người trưởng của Nhóm này là Chủng sinh Đai Chủng viện Thánh Giu-se Hà Nội, nếu không có gì trở ngại, sẽ thụ phong linh mục vào tháng sáu hay cuối năm 2005 gì đó. Nếu điều này xảy ra, tôi chắc là phải có mặt, vì linh mục tương lai này là cháu nội của bà chị tôi, người đã mất.Ngoài ra, trong Nhóm Hy Vọng, về Nữ, cũng có người đang là nữ tu của Dòng Mến Thánh Giá, Đa Minh, Phao-lô, Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn v.v…Còn Nam, thì hiện có 4,5 người đang phục vụ tại một giáo xứ nào đó, đợi để vào Đại chủng viện. Có người thì hy vọng ra nước ngoài học, như Hoa Kỳ, Italia.
    Lúc tôi bước vào nhà thì Nhóm Hy Vọng đang ngồi dưới đất sinh hoạt. Tôi cũng ngồi xuống và tham gia vào trò chơi “Bắn tên-Bắn tên”-“Tên ai? Tên ai?”. “Tên” ở đây là ngón tay trỏ. Trỏ vào ai thì gọi tên người ấy. Tôi mắc trúng “ tên”, nên theo lệ, tôi phải kể một câu chuyện, không có thì hát một bài. Tôi xin hát bài Tán Tạ Hồng Ân thay cho kể chuyện. Cả Nhóm cùng hát với tôi. Hát xong, tôi được yêu cầu nói về những kinh nghiệm sống đạo mà tôi đã trải qua. Tôi kể về một gương tu trì vì phù hợp với tinh thần Nhóm. Câu chuyện tôi kể thuộc về một linh mục, mà quê mình đây là “quê ngoại” của ngài. Sau biến cố năm 1975, Chủng viện của ngài ở Đà Nẵng đóng cửa. Để theo đuổi ơn gọi, ngài đã làm nhiều việc để sống, trải qua nhiều đoạn trường đau thắt con tim. Cuối cùng thì ngài vượt qua, Tòa Giám mục Đà Nẵng gọi ngài về và truyền chức linh mục cho ngài. Ngày lãnh ơn cao trọng này, một nhóm trẻ bụi đời đã kết một bó hoa gồm nhiều màu sắc, tượng trưng cho các việc nhóm trẻ này làm, như bán vé số, đánh giầy. Một đại diện nhóm đến nhà thờ tặng hoa cho “Anh Ba”, tên mà bọn trẻ thường gọi ngài.Lúc đó, ngài đang đi giữa một số giám mục,và một đoàn linh mục hơn 100 người hướng về nhà vuông, sau thánh lễ truyền chức linh mục cho ngài tại nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng.

     Sáng Mồng 2 Tết: Tôi đột nhiên muốn lên ga Hàng Cỏ, mua vé tàu trở về Sài-Gòn.Người nhà không muốn tôi đi ra đường trong mấy ngày này, vì thời tiết rất xấu lại thêm mưa phùn. Tôi vịn cớ, về quê vào dịp này là muốn “mua” cái lạnh của đất Bắc, nên ra đường vào lúc này thì vừa ý quá rồi. Cậu con trai duy nhất của chị tôi ủng hộ việc tôi đi Hà Nội, mua vé tàu rồi vào Hà Đông. Điểm đến sau đó là làng tơ lụa Vạn Phúc.
    Con đường từ quê tôi lên Hà Nội dài khoảng 30 cây số.Mới là sáng Mồng 2 Tết, nên đường vắng người đi. Tôi mặc 2,3 áo. Có cái cổ cao lại còn quàng cái khăn len do hai cháu nữ tu của tôi đan tặng; chụp lên đầu cái mũ len, bịt kín hai tai; tay mang bao da; chân đi bít tất dài, thế mà vẫn lạnh lắm. Nhưng lòng thật thanh thản. Bước vào nhà ga, khách chỉ có vài người . Ở quầy bán vé đi Sài Gòn, một nữ nhân viên ngồi nhàn nhã. Thấy chúng tôi đi tới quầy, chị nở nụ cười tươi như một cử chỉ chúc mừng Năm Mới.Tôi hỏi chuyến tàu vào Sài Gòn sớm nhất, nhưng tàu nhanh hay chậm cũng đã hết vé, chỉ còn vé chuyến vào Sài Gòn , khởi hành ngày 2 tháng 2, tức 12 tháng Giêng. Như vậy là tôi còn ở lại quê đúng 10 ngày nữa. Người cháu tôi không muốn để tôi đi chuyến này, vì phải ngồi trên tàu suốt 39 tiếng.
    Từ nhà ga, chúng tôi vào Hà Đông. Qua cầu Đơ, nhìn về bên phải là thấy ngay bảng hiệu: Tơ Tằm Vạn Phúc. Chúng tôi rẽ xuống con đường vào làng, đi chậm lại. Các cửa hàng đều đóng, đường vào làng cũng ít người qua lại. Tôi hơi thất vọng trước cảnh vắng người ở đây. Nhưng kia rồi, một cửa hàng mở cửa. Tôi muốn dừng lại, nhưng người cháu của tôi nói, mình cứ đi thêm vào trong làng, xem có chỗ nào bán nữa không. Tuyệt nhiên là không, bèn trở ra cửa hàng trên đường vào đây.Một cô bé thư thả bước ra tiếp khách. Tôi ngỏ ý muốn mua mấy món hàng. Cô bé, áng chừng còn đi học, dẫn chúng tôi sang gian hàng bên cạnh, cửa ngoài vẫn đóng. Gian này có đủ thứ, từ lụa tấm nhiều màu sắc, hoa văn rực rỡ và trang nhã, đến các mặt hàng dành cho các bà các cô, như túi xách tay, khăn choàng đầu, quàng cổ v.v…Hàng cravatte của giới đàn ông cũng nhiều và đẹp. Tôi đứng trước mặt hàng này. Chúng như thôi miên tôi. Đã lâu lắm, tôi vẫn ước ao có được một cái cravatte này. Vì nói đến Hà Đông là nói đến lụa tơ tằm, mà mình là người Hà Đông mà không có một cái gì làm ra từ tơ lụa thì kể như thiếu một nét văn hóa đặc thù của Hà Đông. Tôi vừa chọn hàng, vừa nói mấy câu cho vui ngày Tết, vì ngoài cậu cháu tôi ra, không có khách hàng nào khác. Mặc dù mở cửa là muốn có khách, nhưng khách có đến vào ngày này thì chắc là từ phương xa đến. Cho nên cô bé miệng cười tươi, hỏi tôi:
    - Ông ở xa đến ạ? Tôi “ừ”, rồi nói luôn một chuỗi lý do có mặt ở đây vào ngày Mồng 2 Tết này. Tôi vô tư: Tôi ở trong Sài Gòn ra được mấy hôm. Nhớ quê vì xa cách đã 50 năm, lại nhớ cả cái thị xã Hà Đông này nữa. Xưa kia tôi đã học ở đây. Nhớ Hà Đông là nhớ lụa Hà Đông…Bây giờ chỉ còn mặt hàng này thôi. Còn thì đã mất hết dấu tích xưa, duy có ngôi nhà thờ là không, cổ kính và rêu phong. Cô bé nói: “ Cháu cũng có ông ngoại từ trong Sài Gòn về ăn Tết.”- “Thế à? Vui chứ?” –“Vâng ạ”.
    Chúng tôi từ biệt cô hàng lụa Vạn Phúc, ra về mang theo mấy món quà cho vợ, con gái và bạn hữu.

    Sáng Mồng 4 Tết: Sáng hôm nay, chúng tôi đi trên ba xe máy để tiễn một đứa cháu ngoại của chị tôi lên nhà dòng Mến Thánh Giá Hà Hồi, sau mấy ngày về nhà “ăn Tết”.Trước khi đi, bố mẹ cháu có làm một mâm cơm gia đình. Ngoài ông bà nội của cháu, bên ngoại chúng tôi có: bà ngoại của cháu, chủng sinh Trần Đình Sơn, cuối năm tới 2005, sẽ thụ phong linh mục, tôi và con trai của chị tôi..
    Từ làng tôi đi Hà Hồi chỉ có khoảng 12 cây số, qua chợ Tía.Tới đường vào làng Hà Hồi, chúng tôi ghé vào nghĩa trang của giáo xứ Hà Hồi, viếng mộ cha già Phao-lô Đỗ Đức Hanh. Vừa lúc ấy, họa sĩ Quế cũng từ trong làng đi ra. Anh dẫn chúng tôi tới mộ ngài, thắp nhang và đọc kinh.Sau đó anh mời chúng tôi vào nhà, trưa trở lại dùng cơm. Vì hôm nay nhóm họ, mở tiệc tiễn anh trở lại Sài Gòn, ngày hôm sau, Mồng 5 Tết. Anh giới thiệu chúng tôi với bào huynh của anh, một bậc lương y. Ông có một phong thái của một mẫu nhân vật văn hiến trong lịch sử dân tộc. Từ bộ y phục của các bậc hiền nho đến mái tóc bạc của một ẩn sĩ và đôi mắt sáng.
    Ở dưới nhà, trong bếp cũng như ngoài sân, các bà các cô đang bận rộn cho bữa tiệc nhóm họ. Chúng tôi cũng xin phép chủ nhà dẫn đứa cháu về nhà dòng. Anh Quế tiễn chân đoàn chúng tôi ra ngõ và nhắc lại lời mời chúng tôi trở lại dùng cơm trưa ..
    Ngõ vào nhà dòng nữ xưa kia có khác, gần 300 năm xây dựng, tường hai bên dựng đứng, cổng nhà dòng đóng. Có một chút vấn vương, một chút nhớ, một chút thương trong lòng tôi khi chúng tôi đứng trước cổng nhà dòng.
    Cô cháu nữ tu của chúng tôi xách túi quần áo bước vào phía trong.Lát sau, chị bề trên đi ra, mời chúng tôi vào phòng khách và ngỏ ý mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa với các chị. Tôi quay sang thầy Sơn như muốn hỏi ý kiến. Thầy mỉm cười vì có lẽ nơi này hay các nhà dòng khác trong giáo phận Hà Nội, chẳng xa lạ gì với thầy. Vì thế, thầy muốn để tôi quyết định thì hay hơn.Tôi lưỡng lự một chút vì đã có lời mời của họa sĩ Quế, cho dù tôi chưa nhận lời. Cuối cùng thì tôi nhận lời chị bề trên M., vì “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời thì có phúc”. Thầy Sơn cho việc tôi nhận lời ăn cơm ở nhà dòng là hay.
    Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ cơm, 11g30, chúng tôi nói với chị bề trên để ra ngoài làng đi thăm mấy người thân. Chúng tôi đến ông Yến, nhưng ông vắng nhà.Bà Yến thấy tôi liền hỏi: Có phải ông là ông Tùy, con cha già Hanh? Tôi đoán là ông Yến đã nói điều này với bà, nhưng tôi cười, nói: Chưa biết mặt mà đã biết tên. Rồi bà kể, ông nhà tôi nói từ mấy hôm trước là có ông ở trong Sài Gòn ra, về quê ăn Tết, chắc chắn sẽ lên đây. Ông nhà tôi có ý mong ông mãi. Tôi cám ơn và nói vài lời để lại cho ông Yến là sẽ gặp nhau mấy hôm nữa.Sau đó chúng tôi đến thăm ông Hiệp.
    Hiện ông là Phó Ban Hành Giáo của Giáo xứ, chìa khóa trong tay, nên cũng thuận tiện cho việc chúng tôi đi thăm nơi này nơi khác, như Đền Cha thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phòng Truyền thống của giáo xứ và sau cùng là vào bên trong ngôi thánh đường Hà Hồi.
    Ở Phòng Truyền thống, nơi đây có một cái tủ trưng bầy những bộ lễ phục của Linh mục thời trước Công Đồng Vaticanô II; trên tường thì treo hình các linh mục quê Hà Hồi và các linh mục ở những nơi khác được cử về đây làm chính xứ hay quản xứ, trong đó có hình của cha Phao-lô Đỗ Đức Hanh. Phòng Truyền thống còn dành một khoảng tường treo hai văn bản của họa sĩ Quế. Một là bài thơ “Làng tôi”, viết trên tờ giấy trắng khổ lớn. Văn bản thứ hai, anh trinh bầy bài thơ dưới hình thức Zig Zag.Anh viết bài thơ “Làng tôi” vào trong mỗi ô vuông và đường Zig Zag. Bài thơ có 24 câu lục bát, tổng cộng có 168 chữ. Số chữ này anh viết trong 48 ô vuông và đường Zig Zag, còn hai ô chính giữ viết hai chữ Hà Hồi. Cũng dưới hình thức này, thay vì 168 chữ của bài thơ, anh viết 168 chữ số vào các đường Zig Zag và ô vuông, còn hai ô trống, anh viết hai chữ Hà Hồi.
    Nhưng cái chính yếu của Hà Hồi vẫn là ngôi nhà thờ, vừa kỷ niệm 100 năm xây cất (1903-2003) và lễ Bế mạc Năm thánh. Dưới đây là những nét căn bản của ngôi nhà thờ này, dựa theo tài liệu do họa sĩ Quế cung cấp.
    Bên ngoài nhà thờ mang kiến trúc Tây Phương, có 3 tháp cao, mỗi tháp có 5 tầng và trên cùng mỗi tháp là mũ tháp. Trên mũ tháp giữa có tòa Đức Mẹ, trên đỉnh tháp là thánh giá. Bên trong nhà thờ, kiến trúc theo phong cách Á Đông, như bộ vì kèo theo lối chồng giường giá chiêng hình cánh sen cách điệu ; nách kèo nối cột với câu đầu, trang trí hoa văn cách điệu làm cho lối kiến trúc Nam thêm đặc sắc. Toàn bộ gỗ làm nhà thờ đều bằng gỗ lim.
    Trên Cung thánh có 3 bàn thờ, bộ thánh giá nến cao, cùng với 11 đôi câu đối dài treo ở các cột gỗ cao, to; có 3 kiệu cổ (một kiệu bát cống, một kiệu hậu bành và kiệu hoa, cùng các đồ rước kèm theo, được đóng từ thế kỷ XVIII). Tất cả đều được trạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, đã làm nổi bật tính cách dân tộc độc đáo,     Bởi tính cách này, nhà thờ giáo xứ Hà Hồi còn quen gọi là nhà thờ Nam. Hiện nay, số nhà thờ Nam còn lại rất ít.
    Giờ cơm của nhà dòng đã tới lúc 11g30, lẽ ra giờ này chúng tôi đã phải có mặt ở nhà. Nhưng, ông Hiệp gọi điện về xin lùi lại 30 phút, nhà dòng đồng ý.Do đó, chúng tôi mới có thêm giờ vào bên trong nhà thờ chiêm ngắm những nét kiến trúc rực rỡ của các Nghệ nhân xa xưa. Chúng tôi đành chia tay với ông Hiệp và cám ơn ông đã dành những tình cảm đặc biệt cho chúng tôi.
    Chúng tôi trở lại nhà dòng.Cơm đã được dọn sẵn. Chúng tôi ngồi vào bàn, một cái bàn dài. Các nữ tu cũng như chi bề trên M. cùng ngồi với chúng tôi. Chị bề trên luôn chiếu cố đến bát cơm trên tay của chúng tôi, chị không chịu để nó chỉ có cơm mà không có miếng thịt gà v.v…Chúng tôi vừa ăn xong thì ông Hiệp đã có mặt ở nhà dòng, cùng tiếp chúng tôi tại nhà khách. Ông mở đĩa thu hình buổi lễ Bế mạc Năm Thánh của giáo xứ Hà Hồi để chúng tôi xem trong lúc ngồi uống trà.
    Lúc này có lẽ đã tới giờ nghỉ trưa của nhà dòng, nên chúng tôi xin cáo biệt và cám ơn chị bề trên và các nữ tu đã cho chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm “trong nhà Đức Chúa Trời” thật ngon.

    Ngày hôm sau, Mồng 5 Tết, chúng tôi lại tiễn một người cháu nữa trở về nhà dòng MTG ở Hà Nội, sau mấy ngày ăn Tết ở nhà. Lần này là cháu nội của chị tôi. Cô cháu nữ tu này, vào lúc chính quyền Hà Nội cho lính và chó săn, đêm ngày 19/9/2008 bao vây Tòa Giám mục Hà Nội và dòng Mến Thánh Giá, không cho ai ra hay vào, dù là các nữ tu của nhà dòng cư trú hợp pháp.Cô cháu của tôi lúc ra để đi học thì được nhưng về thì lại không được, nên phải trọ ở ngoài hơn một tuần lễ. Ngay sau đêm bị bao vây, nhà trường có cuộc trao đổi với cháu:- Em còn cầu nguyện không?- Em vẫn cầu nguyện, vì cầu nguyện là một việc rất quan trọng của người công giáo- Em đừng cầu nguyện nữa, vì có thể ảnh hưởng đến việc học của em.- Thưa cô, em thấy mình không có gì gọi là vi phạm nội quy của nhà trường. Nhưng còn cầu nguyện thì em vẫn phải cầu nguyện. Còn nhà trường quyết định như thế nào về việc học của em thì đấy là quyền của nhà trường.- Chị trao đổi với em một tí thế thôi chứ không có gì.- Em cám ơn cô.
    Đấy là nội dung cuộc nói chuyện qua điện thoại của cháu với tôi, ngay sau buổi học hôm đó.

    Đến ngày Mồng 10 Tết, chúng tôi tiễn thầy Sơn trở về Chủng viện. Theo dự định, chúng tôi ghé vào Hà Hồi, chia tay với ông Hiệp và ông Yến. Khi biết ý định của chúng tôi sẽ ghé vào nghĩa trang viếng mộ cha già Phao-lô Đỗ Đức Hanh, ông Hiệp cùng đi với chúng tôi. Vào tới nơi thì thấy ông Yến đã có mặt, đang thắp nhang và nến trên phần mộ cha cố Phao-lô. Ông Hiệp đề nghị thầy Sơn chủ trì mấy phút cầu nguyện này.Sau khi cầu nguyện, chúng tôi chia tay nhau ở đây. Một người bác của thầy Sơn chở thầy lên nhà trường, còn chúng tôi trở lại nhà.
    Lúc đi cũng như lúc về, trời có mưa nhẹ, không rét lắm. Nhưng với tôi thì đây là những lúc tôi cảm thấy hài lòng về những ngày ở quê nhà.

    Khi tôi viết về những ngày này, tháng 1/2009, thì thầy Trần Đình Sơn ngày đó đã là Linh mục rồi, trong thánh lễ truyền chức linh mục do Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc chủ sự, ngày 29/11/2005 tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Đến đầu năm sau, 2006. Lm Trần Đình Sơn đã đi du học tại Italia, ngành Giáo Phụ.

4.

     Tạm Biệt Quê Nhà.
     Tôi chỉ còn được ở quê hai ngày nữa thôi, nên thời gian này tôi đã đi chào những người thân trong gia tộc và mấy anh em linh tông trong làng.     Chiều ngày 11 Tết, chị em tôi và mấy cháu, xuống nghĩa trang viếng mộ các cụ, các anh chị, như ngay sau ngày tôi có mặt ở nhà. Sáng ngày hôm sau, 12 tháng Giêng Giáp Thân, ngày cuối cùng của tôi ở nhà, thân phụ thầy Sơn đi với tôi vào chào cha xứ. Hôm đó là Thứ Hai đầu tháng (2.2.2004), cha xứ có buổi họp với các giáo lý viên trong vùng, nên ngài mời chúng tôi vào đợi ở văn phòng giáo xứ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi đứng ở ngoài sân ngắm cảnh nhà xứ cha mới xây dựng, xem hòn non bộ đặt trong cái bể bằng gang, mà nghe kể, thì ngài mua từ Ninh Bình, mang về bằng xe cẩu, hòn non bộ tách riêng ra. Một lát sau cha xứ về, ngài mời chúng tôi vào trong nhà uống nước, nhưng chúng tôi xin được ở ngoài sân để giảm bớt thì giờ của cha. Tôi thưa với ngài: Chiều nay con tạm biệt cha, gia đình và dân làng để trở về Sài Gòn. Con kính chúc cha luôn được bình an, mạnh khỏe, Ân thánh và Niềm vui. Ngài cũng chúc tôi trở lại Sài Gòn được bình an và mạnh khỏe.

    Như những lần trước tôi về,lúc ra đi, tôi đều từ trong nhà tổ , sau khi thắp nến trên bàn thờ Chúa và ba cây nhang ở bàn thờ Tổ Tiên, có hai hình thầy mẹ chúng tôi. Đọc kinh xong, tôi nhìn lên di ảnh các ngài, lặng đi phút giây, rồi bật khóc, thú nhận mình bất hiếu, không ở nhà để chia sẻ những gian nan, những thử thách, những khổ đau chẳng những của người dân, mà nhất là những đắng cay, xót xa, tủi nhục của một tông đồ giáo dân dưới chế độ vô thần, suốt mấy thập niên. Đứng sau lưng tôi là anh chị và hầu như có mặt tất cả các cháu trong gia tộc, có cả các chị bên mẹ chúng tôi nữa.Mọi người đều im lặng. Khi tôi quay ra, có cháu gái lấy tay gạt nước mắt. Ai cũng muốn lên tới ga Hàng cỏ đưa tiễn tôi, khi tàu chuyển bánh mới trở về, như những lần trước. Nhưng lần này tôi đi khi thời tiết miền Bắc còn rất lạnh, mà nếu đợi tới sau lúc tàu rời sân ga, thì về đến làng là khuya. Tôi bước ra cổng, ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà yêu dấu. Khi ra tới nhà bà chị, tôi tạt vào thắp nhang và vái chào người anh rể của tôi đã mất. Một số người khác đã đến đây đợi tôi ra để chào chia tay, trong đó có ông Trưởng Ban hành giáo của giáo xứ. Trước lúc ngồi lên xe, tôi chào tạm biệt mọi người có mặt, dặn dò mấy cháu đang còn đi học, cần mẫn, chăm chỉ.

     Lúc ra đến đường cái, cậu con trai của chị tôi chở tôi, nói: Cậu ạ, có tất cả là 10 xe, tổng cộng 20 đứa nhất định đi theo tiễn cậu đấy.Tôi bảo cháu chậy chậm chậm lại, để các xe đó tiến lên đi trước, cậu sẽ chào từng cặp từng đôi. Cháu nào thấy thế cũng mỉm cười, mặc dù tiết trời lúc chiều tối rất lạnh.

(Ngày 19/1/2009)



VVM.06.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com