Đ ã lâu mới có dịp về thăm quê. Một hôm đang đi dạo mát tôi bất ngờ gặp ông giáo già đã nghỉ hưu. Ông mời tôi vào nhà chơi. Chúng tôi ôn lại chuyện xưa, chuyện trên trời dưới đất, chuyện thế thái nhân tình… Bỗng ông đột ngột chuyển chủ đề: mình già rồi nên có ý định viết di chúc. Ý tưởng mới lạ chẳng giống những bản di chúc thường thấy, khiến tôi bị lôi cuốn ngồi nghe ông nói. Của giả chẳng có gì nhiều nên không lo chuyện chia chác cho con cháu. Cái ông băn khoăn là chết thì chôn thế nào để kiếp sau mình được sung sướng. Vì hiếu kỳ tôi nghĩ cứ chịu khó nghe xem có học hỏi được gì không.
Ở đời người ta chết đi cũng có nhiều cách chôn, nào thiên táng, địa táng, hỏa táng, thủy táng vv… Ở Tây Tạng có tục thiên táng. Người ta đưa người chết đặt trên mặt một phiến đá phẳng ngoài thảo nguyên rồi xả xác ra cho kền kền ăn hết. Còn ở ta khi trước thường địa táng, nhưng gần đây nhiều người lại hỏa táng. Riêng ông tâm đắc nhất cái cách “thủy táng”. Thật là ý tưởng lạ, chưa hiểu tôi hỏi ông: Tại sao vậy?
Ông lý giải đây là cách mai táng đỡ tốn kém nhất. Ông học và làm theo lời Bác: Chớ điếu phúng linh đình để tốn tiền của con cháu. Theo ông thủy táng hơn hẳn địa táng vì không phải tốn tiền quan tài, không phải xây trong quan ngoài quách, không tốn tiền mua đất ở nghĩa trang, vài năm sau đỡ khoản bốc mộ cải táng và về lâu dài không sợ chuyện động mồ động mả ảnh hưởng đến con cháu trên dương thế vv… Ông nói hào hứng về viễn cảnh sau cái chết. Tóm lại là cực kỳ tiết kiệm và nhiều ý nghĩa. Với tầm nhìn xa trên mười km. Ông nói với tôi: cứ nhìn cái nghiã trang thành phố mới ngày nào nhỏ xíu mà bây giờ đã rộng bát ngát. Thành phố nhiều lần lấy đất nông nghiệp hai vụ lúa để mở rộng nghĩa trang vẫn còn chưa ổn. Đó là chưa kể đến nhà nhà đua nhau xây mộ hoành tráng. Nhiều họ còn khoanh hẳn cả mảnh đất lớn để đoàn tụ ở một chỗ. Cứ theo cái đà này mồ mả chiếm hết cả đất ruộng. Con cháu lại ngày một đông lấy gì mà cày cấy sinh sống. Thành phố cũng định di dời nghĩa trang lên miền đồi núi cho vệ sinh và tiết kiệm đất nông nghiệp, nhưng mà chưa biết vì lý do gì chưa thành hiện thực. Ông sống đây mà đang nghĩ cho con cháu mai sau, thật là người có tâm có đức, đâu phải chuyện tào lao.
Tôi nóng ruột lái khéo câu chuyện để ông đi vào đề tài chính. Lúc ấy ông mới nói rõ ý tưởng tại sao lại muốn di chúc cho con “thủy táng”. Ông sẽ nói với các con rằng: Bố chết! sau khi làm xong mọi nghi lễ thì bí mật dìm xác bố xuống sông, ở dưới ấy mát mẻ. Món ăn giàu chất đạm này bọn cá rất thích, sẽ giải quyết rất nhanh, chắc chắn chúng ăn vào sẽ rất to và béo. Như vậy bố đã nhanh chóng hóa thành kiếp cá. Ngày nay các đại gia lại có thú đi câu cá. Câu được con cá to béo, các quan vui sướng lắm. Đây rõ ràng là một chiến tích thể hiện tài nghệ câu cá nên ông phải khuếch trương bằng một bữa tiệc chiêu đãi bạn bè cũng là những ông quan cùng gu nhậu. Như vậy thông qua kiếp cá bố chuyển hóa sâu vào huyết mạch, thành các tế bào của các quan. Nói gọn một câu là bố đã hóa thành quan.
Ở những nước dân trí còn thấp thường thì người ta trọng thị quan lại hơn tất cả. Một người làm quan cả họ được nhờ. Mục đích lý tưởng của đời họ là phấn đấu làm quan. Người ta không từ một thủ đoạn nào để được làm quan. Do đó mới có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp giả, còn giảm tuổi phi lý như tuổi ông anh lại kém cô em gái bốn tuổi… Mặc dù làm quan lương “bèo” nhưng nhiều quan nhà cửa hơi hoành tráng, còn xe ô tô đời mới vv… ấy là chưa kể cái tài xoay sở hưởng thụ mà phó thường dân làm sao hiểu nổi. Người ta nghĩ ra sáng kiến kết nghĩa rồi mời nhau giao lưu. Tất nhiên theo phương châm cổ truyền “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Anh đến giao lưu, chúng tôi chiêu đãi thật hữu hảo, thật hào phóng, chia tay lưu luyến mỗi người một phần quà. Thế rồi ít nữa anh mời chúng tôi đến giao lưu học hỏi, anh lại chiêu đãi xả láng: tiền quyết toán tiếp khách, hội thảo sao cho họp pháp, có đút túi đâu mà sợ. Vì ở “nội bộ” nên quan làm gì mà không biết. Có lần ông kể chuyện với bạn là vào trong ấy họ sống thoáng lắm, chiêu đãi các bạn đặc sản quê hương, một chén súp yến bé tẹo mà cũng triệu đồng, đĩa yến sào cũng chỉ ba triệu, rồi rượu tây mấy triệu một chai… Các con thấy bố làm quan có sướng không? Nhưng giao lưu cấp tỉnh, cấp thành phố sao bằng giao lưu học hỏi các nước bạn. Là khách mời nên mình chỉ chi chút ít còn bạn bao hết. Cứ lần lượt giao lưu học hỏi hết Á, Âu, Mỹ… tha hồ mà tham quan du lịch, lại được thưởng thức những thứ hoa thơm cỏ lạ. Tất nhiên khi chia tay lại chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và mời bạn sang tham quan tìm hiểu đất nước quê hương tôi vào thời gian thích hợp… Còn nhiều cái sướng, cái lạ nữa không tiện nói ra đây vì “Thiên cơ bất khả lậu” mà.
Các con tôi lúc đầu thì phản đối dữ lắm vì sợ làm theo di chúc của bố thiên hạ người ta đàm tiếu chê cười. Nhưng khi tôi lý giải cái hay, cái “ích nước lợi nhà” và lấy chính cuộc đời mình làm minh chứng. Ca dao tục ngữ tân thời có câu: “Thật thà, thẳng thắn, thường thiếu thốn/ Lỗi lầm, luồn lọt lại lên lương”. Bố là người thật thà, thẳng thắn nên kiếp này thiệt thòi, thiếu thốn, sống khổ quá rồi. Chúng con sẽ làm theo di chúc của bố để kiếp sau bố sẽ sống sung sướng như trên.
Nhưng có điều ghi chú nhỏ thế này: Các con phải làm sao thật bí mật, thật kín đáo kẻo ngưới ta phát hiện sẽ phạt cái tội làm ô nhiễm môi trường sống. Tiền phạt quá tiền chôn thì gay. Đấy là lo xa thôi chứ thấy món ăn ngon cá xơi sạch còn gì mà ô với nhiễm. Vả lại lúc các con ra thấy không còn gì thì bố đã thành quan rồi, kẻ nào dám phạt.
Ngồi nghe ông giáo lý giải cái chuyện di chúc kỳ lạ để kiếp sau được sống sung sướng tôi chỉ biết cười. Hình như xả được ra nó nhẹ người, ông cười khoan khoái, rồi cám ơn tôi lắng nghe ông tâm sự. Ngồi chơi đã lâu tôi cũng xin tạm biệt ông giáo ra về, đầu tôi vẫn còn vấn vương suy nghĩ về câu chuyện giàu óc hài hước của ông giáo. Tôi bất giác bật ra một câu: “Ôi! Thế thái nhân tình”.
Độc giả nghe chuyện rồi, vậy ai có ý tưởng gì hay kể giùm nghe.