C on sông quả là buồn. Cái tên Nước Đục nghe càng buồn thêm. Buồn như mọi dòng chảy không sinh từ bàn tay chuyên ni tấc của con người hay sức mạnh ngay hàng thẳng lối của cơ giới mà từ tự nhiên, thuở voi đi từng đàn điệp trùng giữa bạt ngàn lau sậy lâu dần thành đường nước, thành sông. Vẻ buồn thao thiết của thiên nhiên còn chưa mất đi nét trầm tư, bí ẩn.
Có lẽ vậy mà dòng sông dư dật chất màu. Như người phụ nữ giàu có nhờ đời sống nội tâm, như áng văn hay mang trong mình chất ngọc. Nó màu mỡ đến mức lục bình sinh sôi khoả gần kín mặt sông, dềnh dang bộ vó hồng hoang, hẻo lánh.
Và con sông gãy khúc vào ngẫu hứng của đàn voi xưa. Dĩ nhiên những người sở tại biết rành điểm xuất phát của nó là một ngã ba chập chã sóng nước, ngã ba Di Hạng trổ vào dòng Cái Lớn cuối trời còn đầu kia chồm qua vùng đất khác, lặng lẽ bắt vào một dòng kênh. Nhưng họ vẫn có cảm giác con sông gãy ra từng mắt xích, chúng hoàn toàn riêng tư từ đặc điểm tới thân phận như như những đời người. Bởi khi đứng ở đầu vịnh người ta chỉ thấy được mõm doi dưới như thể con sông tự dưng trốn mất, để chường ra cái bụng như chữ S, từ đó đơm lên đủ thứ cây sống nhờ vào bãi biền.
Nếu cần kể, trước hết phải kể đến lũ nga họ hàng với lau với lách nhưng bọn nầy thích dầm nước ăn trên đầu trên cổ phù sa. Kế đó là bọn nghể vô tích sự, bọn tâm bấc cho lũ trẻ chơi chòi lẫn trong rau mác cùng họ với lục bình sống nửa ướt nửa khô và rau muống tím có thể nuôi sống cả hai bên xóm. Còn phải kể đến dừa nước, món đặc sản của bãi bồi vùng châu thổ sinh sau đẻ muộn. Không ai biết dừa nước từ đâu tới, có từ hồi nào nhưng nó chính là món quà của nhiên nhiên vĩ đại cấp cho cư dân miệt sình bùn để có cái làm tổ, đỡ gạt nắng mưa. Nó sống dễ dàng, cùng sống với nó là lũ chim bìm bịp quanh năm độc một sắc áo tu hành, từ xa xưa, tiếng kêu buồn ải của chúng đã thành nhịp điệu máu thịt với thuỷ triều. Và, sau biền lá là những nếp nhà đủ thứ bậc, người phía doi thường bị cách bức sau con lạch hun hút, còn người bên vịnh thì bị một thiệt thòi khác từ quy luật lỡ bồi. Sau này, để cứu vãn tình trạng mất đất oan uổng, dân phía vịnh cũng trồng dừa nước xuống, giờ hai bờ đều tịch mịch như nhau và ai đó có lần ví hai rèm dừa như hai bờ mi khiến cho dòng sông có gương mặt của thiếu phụ.
Cuối cùng, sẽ vô cùng thiếu sót nếu bỏ quên cái rượng đáy tồn tại như một biểu tượng của khúc sông, ở đó, những chiếc cọc nhất thiết phải bằng thân cau chắp lại ấy giăng thành hàng, ngày đêm chầy chống kịch liệt với sức mạnh không gì sánh nổi của nước, làm thành cái gạch ngang như kết thúc một cái gì. Mỗi tháng hai đợt nhằm vào con nước, hàng đèn trên cọc được thắp lên đỏ não nùng, từ những sợi dây chăng bập bềnh một chiếc ghe mui ống sơ sài, thuộc một gia đình từ đời này sang đời khác sống chết với nghề đáy sông đầy may rủi, như một sự đặt để của số phận.
Và, ở đầu vịnh trên này có một gia đình khác đang làm sống lại cái nghề gần như gia truyền chưa có trong từ điển. Đó là nghề chở đất mướn, chính xác là nghề chở đất doi trời sinh bên kia sông về cho người bên vịnh, thứ đất phù sa tươm mật như thể đường sệt ấy. Một nghề giản đơn không cần vốn liếng, không câu nệ kỹ thuật, không phải hạch toán lỗ lời, không cạnh tranh vì không ai thiết làm, nhưng cũng không bị coi là hèn kém quá.
Hôm đó, Bời, tên người chở đất dậy sớm như thường lệ. Anh bước quáng ra hiên nhìn nước nhìn trời, nhu cầu gần như cố định trước khi vào việc. Đã quá nửa tháng tư, nếu thời tiết không có gì đột biến, đây là con nước kém cuối cùng trong năm, trời dập xuống ít trận mưa, sang tháng sau anh đã gặp khó rồi. Nước đang ròng cuồn cuộn, lục bình chảy dúi vào nhau khiến mặt sông chật hẹp vào hung tợn khác thường. Đêm mới rút lui, từ bên kia doi lá sao Mai còn nheo mắt với anh nhưng không gian uốm vàng báo hiệu một ngày nắng hét và ban chiều có thể ngầu mưa. Không sao, mình sẽ ra ghe sớm để tận dụng hồi nước sát và để đỡ nắng, nhất quyết bữa nay phải kết thúc phần đất cho nhà chủ tịch Lấu kề bên.
Anh khọt nước ồm ồm, dấp nước lên tận đầu như hồi còn trong quân ngũ, lao bước vào nhà bằng cửa sau. Vợ anh, người pháo thủ trong đội nữ pháo binh lừng lẫy hồi nào, đứng trong chái bếp, tay đảo cơm, tay cầm que chập chờn, lom nhom. Như anh, chị chưa già cũng không còn trẻ, trong khi ông chồng lãnh một miếng đạn còn nằm yên dưới phổi trái thì chị cũng được chiến tranh tặng cho một vết thương ở cổ chân. Với gương mặt nám đùm nám đề như mặt ao cạn đầy những tảng bèo khô, với mái tóc còi chỉ còn nhúm bùi sùi sau ót, với dáng đi không thể bình thường trong cái khung lêu đêu, chị giống tàu dừa nước úa xào quắt queo trước giông gió cuộc đời. Hình ảnh ấy quen thuộc đến nỗi Bời không còn thấy tức tưởi nữa, như chính thân thể anh vướng một căn bệnh mãn tính mà anh âm thầm chấp nhận.
Bời ngồi xuống ghế trước chảo cơm xông lên mùi tỏi, hai vai hơi ế ẩm và cơ dưới phổi lâm râm đau vì hôm qua anh đánh nước rút. Anh xúc cơm ra tô, không quên chừa phần vợ và ba con rồi cắm cúi ăn trong tiếng rút lạt lựt xựt của vợ bên mép ván - chị bận chằm lá mướn, nhằm mùa lá hút trước sa mưa, mấy hôm rày chị không có lặng lẽ gấp gáp nhưng là sự lặng lẽ nhịp nhàng, ăn ý của hai người đồng cam cộng khổ.
- Bữa nay nước xiết, đừng chở khẳm quá nghe - chị vợ căn dặn.
- Thì cũng phải đầy ghe kẻo người ta nói mình làm lếu – anh đáp gọn, đứng lên bẻ cọng lá vách làm tăm.
- Trưa nhớ quơ ít rau về xào mỡ cho con nghen! - Chị nói với theo.
Anh mặc vào bộ đồ dày mo không nhớ nguyên là màu gì, giờ uốm màu phù sa - thứ phẩm nhuộm đầy quyền lực, đố quần áo nào thoát được khi dính vào với nó. Rồi anh buộc cái khăn quanh đầu, nhét bọc thuốc rê và ống quẹt vào mũi ghe, quẳng chiếc thúng xúc bùn xuống lòng chiếc tam bản đã giở hết ván sạp, xoải chân đẩy ào nó ra khỏi cái xẻo cạn cặp bờ bến. Từ ngôi nhà tường chữ đinh của con trai chủ tịch huyện bên cạnh ộc ra tiếng nhạc cát-xét xập xình, hình như có mùi cà phê mà anh không xa lạ, dù vậy, anh vẫn nhận ra mùi đất bãi quen thuộc chính anh đưa về đổ đụn trên bến nhà họ, đành là làm mướn, anh vẫn bị nó kích thích như cậu bé chăn trâu ngửi thấy mùi khói un, như nhà nông ngửi thấy mùi gạo mới.
Khúc sông vắng tanh, ghe tàu nào cũng chờ ngơi lục bình. Vọng từ xa tới tiếng kèn toe toe của tiếng tàu đò duy nhất của xã, nó chỉ tạt qua vịnh ngoài rồi rẽ vào kênh tắt ra huyện. Không một làn sương, không gian ráo cạn như gương mặt trọi lỏi, chiếc ghe bên rượng đáy đã đỗ đục từ khuya, trơ lại hàng cọc thi gan với lũ lục bình và sức nước.
Bời khom lưng bơi ràn rạt, chiếc ghe đi chéo ra sông. Chà, vợ mình đã không thừa, tình thế này thế nào mình cũng bị tống tận mõm doi dưới, lượt về mới trần ai đây. Ừ, thì đất của trời lấy ở quãng nào chả được, nhưng năng suất sẽ giảm đi vì chuyện dọc đường, thay vì mươi lượt ghe trị giá bằng một giạ lúa, nay chỉ có thể đạt hai phần ba hoặc phân nửa, nghĩa là đồng tiền cho cái gia đình năm miệng ăn từ rày tới lúa mùa trông vào công việc lên xuống theo con nước sẽ hẻo đi. Thôi được, mình với vợ sẽ kiếm thêm bằng công đánh lá mía hay công cấy công cắt cho ai đó có vụ lúa hè thu, gì chớ tới nước này còn ở đó thể với diện, xin được cất cái đó vào quá khứ miễn không phải cạp đất, không phải khúm núm trước bọn nhà giàu cho vay cắt cổ.
Lũ lục bình nuốt lấy chiếc tam bản như con bạch tuộc quái ác. Ngày xưa không ít người kháng chiến bỏ mạng vì máy bay Mỹ khi sa xuồng vào lục bình và tưởng đó mãi là chuyện ngày xưa. Chúng là thứ âm binh ở nơi chính quyền lơ là nhiệm vụ. Nhưng đó là chuyện của những vị chánh quyền, còn mình thì…Anh quẳng chèo, lật mình qua be ghe bườn tắt trên lục bình, kéo “con ngựa thồ yêu quý” theo. Anh vùng vẫy như thể mắc cạn, nghiến răng với trách nhiệm, với quyết tâm đứng bằng hai chân chớ không bằng đầu gối trên cái nghèo, với những uất ức sặc sụa trong lồng ngực. Nước càng hung, lục bình càng đổ chéo, gần tới bên doi chiếc ghe mới được buông lỏng, anh cứ bơi đứng như vậy để bắt nó cặp bờ.
Không thèm nghỉ thở, anh bắt tay ngay vào mảng đất doi trước mặt. Chỉ cần dọn qua đám rau mác lùm lùm với tâm bấc, mặt phù sa đã hiện ra, mịn màng thơm thảo đến ấm lòng. Mặt bùn nổi váng như mỡ, mát lạnh như thể phân urê, bao giờ kẻ đứng ra thuê cũng đặt thứ hàng này nhưng người làm mướn thì khổ sở vì chuyện khó bưng bê của chúng. Tuy vậy, bằng lương tâm nghề nghiệp, anh ít khi gạt bỏ chúng, sau khi xúc chúng bằng thúng đổ vào đáy ghe, anh bắt đầu xắn từng ôm đất dẻo, chỉ cần ấn đôi tay nhà nghề xuống hai lượt là cục đất vuông cạnh ngay. Anh làm hùng hục, lúc sức lực và sự hăng say của một ngày mới còn nguyên. Không bao lâu, chiếc tam bản lé mé đầy, anh ngao ngán nhìn mặt sông và chợt thấy mình đã hung hăng một cách mù quáng để bây giờ vẫn phải ngồi đợi một kẽ hở của đội quân lục bình.
Để tự thưởng, anh ngồi xệp xuống đám rau mác ban nãy, tỉ tê vấn thuốc. Từ bên vịnh đưa sang tiếng heo gào, tiếng trẻ con khóc, tiếng radio và tiếng nhạc từ cơ ngơi hậu bị của chủ tịch Lấu. Năm liền năm, nước đã biến con vịnh thành chiếc cung cong vòng, đã cuốn đi biết bao dấu ấn và kỷ niệm của từng bờ bến. Ba anh đã chở đất, anh đã chở đất nhưng xem chừng chẳng ăn thua, chỉ có thiên nhiên là toàn năng và bất khả khuất phục. Ừ, sao không là người khác mà cứ phải nhà anh như sinh ra là để phụng sự, gánh vác, bảo toàn một bờ sông? Kể ra cả xóm, không ai chịu nhảy vào trả treo với thiên nhiên nhưng cũng không muốn thiệt nên chính họ dựng anh trở lại cái nghề suýt bị bỏ xó và họ rất chịu anh ở cái nết của người cha xưa: không làm lấy để ăn tiền, công xá dễ chịu, không từ chối đất mỡ, lên đất gọn hơ và có khi nhà chủ nhờ cũng không nề hà. Ngược lại phía anh, anh có những rẫy mía phát đạt nhờ món phù sa anh đưa về hay những bến bờ trụ được trước xói mòn của năm tháng, niềm vui ngoài tiền bạc, như ông chủ thấy người ta đang thấm ý món hàng của tiệm mình.
Dù vậy, anh vẫn thấy cuộc đời đã chơi khăm anh một vố không còn cục cựa được. Trước mặt anh, con sông nào có rộng, vẻ thu mình của nó như thế mời mọc cả những chú bé mới sành bơi, nhưng cùng với sức nước và lục bình, nó làm anh thấy nhiêu khê cách bức bạt trùng. Lẽ nào anh đã cất công đi một quãng dài hết cả tuổi trẻ để cuối cùng rơi đúng vào cái điểm xuất phát, ở đó anh gặp lại hình ảnh ba anh trong cái nghề tưởng đã chết cùng với cái chết của ông? Lẽ nào?
Tầm mắt anh dừng lại phía bến nhà, cái bến sinh sau đẻ muộn bị che khuất bởi cái bến có cây gừa của nhà chủ tịch Lấu. Cây gừa với bộ rễ bập vào đất như những ngón tay quỷ bị nước đánh cho lật nghiêng và chính anh đang phải đưa đất về để chập chộ. Nhưng cái bến vẫn chưa mất đi vẻ bề thế giữa hai biền dừa nước, như mọi thứ của nhà họ đều bề thế một cách đương nhiên.
Anh nhớ hồi anh còn nhỏ, nhỏ lắm, nhà họ đã đương nhiên giàu. Sau địa chủ Màu, sau xã Dĩnh là phú Trạch với một mẫu vườn, năm mẫu ruộng đủ trâu và những gì nữa đó của cuộc sống phú nông. Chàng Hai Lấu (con phú Trạch) và ba anh cùng lứa, người chỉ việc học, hết ở xã thì ra thị, người sớm thành tay làm việc món, trong đó việc chính là chở đất doi về sửa bến bồi vườn cho người kia.
Đồng khởi 1960, một đoạn sông Nước Đục thành vùng trong, Hai Lấu vào khu, phú Trạch được động viên xẻ bớt đất cho người nghèo. Mẫu vườn của họ còn nguyên, ba của Bời vẫn không ngớt việc với nó. Học sách họ, nhiều nhà tới gọi ba anh đi chở đất riết thành nghề. Anh nhớ mãi mùi bùn xa xăm trên đầu tóc, những sợi lông tay dài xoắn tít như thể đóng rong và gương mặt màu tràm lụt cùng với cái miệng meo méo khi ông nghiêng đầu nhảy lửng cửng để ngoáy nước kẹt trong lỗ tai ra. Rồi, trong một chuyến đất chiều không ai hiểu ông sa sẩy thế nào mà ghe chìm, ông chui vô đục đáy. Chắc ông đã lặn hụp để cứu chiếc tam bản và bị vọp bẻ hoặc rong quấn.
Bom đạn dày lên, cả nhà phú Trạch chạy tốc ra thành, con trai họ ở lại đi với kháng chiến. Má anh bảo “Theo bác Lấu đi. Thời buổi này con trai đừng có nằm nhà”. Lúc đó anh mười tám tuổi. Và lúc đó bác Hai Lấu hàng xóm đã thành uỷ viên thường trực một cơ quan cấp tỉnh, sự thăng tiến có phần nhờ vào học vấn, cũng đương nhiên thôi.
Nhờ quen lớn, anh được gọi làm bảo vệ, chủ yếu bảo vệ bác ta. Anh được cấp một cây các-bin báng xếp, mấy trái lựu đạn da láng, một chiếc xuồng đặc biệt khô ráo với đôi chèo bằng đước rất xinh - sự ưu tiên hình như đã rắp ranh có từ hồi đó. Khi anh chèo, dù đường dài bao lăm, vị thủ trưởng nghe radio và đương nhiên ngồi, khi đi bộ anh đeo cùng lúc hai cái ba lô còn vị thủ trưởng đương nhiên đi gậy, tối tối anh phải giăng mùng cho vị thủ trưởng đương nhiên vào ngủ và chiều nào anh cũng có nhiệm vụ giặt từng chiếc quần đùi đương nhiên của ông ta.
Một hôm, chiếc xuồng sa vào lục bình giữa ngã ba hẹp. Trong lúc anh chầy chống thì ngài thủ trưởng đương nhiên lim dim với chương trình đọc truyện đêm khuya trên đài, cây dầm nằm không đằng mũi. Ra khỏi lục bình thì một bên chèo đứt quai, anh phải vật vã với kiểu đi một chèo của dân Cà Mau. Ngài thủ trưởng tức mình ngẩng lên quát: “Mầy chèo kiểu gì ngồi tức dái thấy mẹ, Bời?”.
Mấy ngày sau anh bỏ cơ quan đó, đầu quân vào một đơn vị bộ đội chủ lực.
Sau hoà bình vài năm, anh phục viên với hàm đại đội trưởng, năm vết thương, trong đó có vết thương trầm kha dưới phổi, cùng người vợ pháo thủ từng làm anh thán phục trong những đợt hợp đồng chiến đấu. Má chết, gia đình một chuỗi em chen chúc trên đất đai hương hoả và cơn tập đoàn hoá đã làm cho ruộng nương tiêu điều, vô chủ hết. Vị hàng xóm giờ là chủ tịch huyện sau cái giáng chức (tội hủ hoá với nhân viên) rủ anh sang canh coi hộ vườn đất ông ta. Vợ chồng anh cậy cục với vô số hố bom và lau sậy để lập lại miếng vườn, chưa ra nghề chở đất nhưng chuyện xúc bùn vét mương với anh là chuyện hằng bữa. Anh được họ chia hai hoa lợi, người có công kẻ có của. Nghĩ cũng đương nhiên.
Chuyện tập đoàn trườn qua như cơn bão, ruộng đất bị xới tung, nhổ bưng cả tình làng nghĩa xóm một thời. Hôm đó, chủ tịch Lấu đi vỏ lãi công về báo sẽ cho đứa con trai đầu về xứ trông coi đất đai thờ cúng ông bà. Bởi được họ đền ơn bằng một khoảng thổ cư và trong đợt truy đất gốc, họ đã thu lại ba mẫu ruộng cũ bằng sức mạnh của cái hộ khẩu hùng hậu.
Nhờ được ưu tiên, vợ chồng Bời được cho bảy công rưỡi ruộng. Giữa đội quân gia đình liệt sĩ, anh bị xếp xuống hàng thứ phải nhận đất giữa đồng, còn xa mới làm lúa hè thu được. Rồi anh nhường hai công rưỡi lẻ cho một người em bà con thuộc diện có tội đã bỗng dưng không còn cục đất cắm dùi. Anh giác đác với vợ: “Xứ mình dòng họ nào cũng có người bên này bên kia. Chẳng lẽ để họ trắng tay như thời tá điền hay xúi họ vượt biên hoặc âm thầm làm giặc?”. Vậy là nhà năm miệng ăn, năm công đất độc canh, vợ chồng anh không đi làm mướn thì con anh ăn học bằng gì?
Lộc, con trai ngài chủ tịch đương kim quả là người của mọi sự đương nhiên. Trong khi anh mài lưng ngoài mặt trận thì anh ta đương nhiên học (má ở thành mà). Hoà bình, mới vừa hết phổ thông đã được vào biên chế, rồi đi Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị làm lực lượng kế cận. Đùng cái bỏ việc thay ba về ôm đất gốc để chuẩn bị thành ông chủ trong cơ chế thị trường. Miếng vườn đương nhiên có hoa lợi, ngôi nhà tưởng to nhất xóm đương nhiên mọc lên và anh ta cũng đương nhiên thành ông chủ của Bời trong nhiều việc liên quan tới công xá. Giờ thì anh đã thành chính ba anh ngày xưa trên mảnh vườn của Phú Trạch, hình như hai bên đều đã đi con đường vòng ba trăm sáu mươi độ để cuối cùng gặp nhau ở điểm ban đầu. Và hình như anh lệ thuộc họ sâu hơn vì mảnh đất thổ cư ơn nghĩa, thứ ơn nghĩa mập mờ vẫn cứ ràng buộc đến mức người ta không dám há miệng kêu một điều gì.
Với công việc sống nhờ sa bãi như con còng, con ốc, nhiều lúc Bời thấy y như anh đang cạp đất. Và trong buổi sáng đặc biệt chật vật này, ý nghĩ đó trở lại khiến anh muốn bật cười. Anh quẳng mạnh tàn thuốc xuống bùn, lồm cồm nhổm dậy nhưng bùn níu anh xuống, từ từ, êm thấm và quyết liệt. Nhưng đã thuộc lòng cách bươn trên bùn, anh đi tới chỗ chiếc ghe.
Ban đầu anh bơi bằng mái chèo. Nước đã dịu, lục bình có giãn ra nhưng chiếc ghe nặng không dùi qua nổi. Anh lại nhảy xuống nước tay vẹt đường, tay bè tam bản. Chém cha cái lũ vô tích sự này, cái thứ phởn phơ ăn chơi theo dòng chảy này, cứ thấy con người ngó lơ bời rời là chúng kết lại sinh sôi như nấm, toan đẩy con người vào thế lùi, thế bó tay! Anh cắn răng lăn qua bên kia be ghe, dưới ngọn nước, mở đường bằng cách quăng hết lũ lục bình trong tầm tay rơi chồng lên nhau, giận nỗi giận chưa từng có trong đời. Cuối cùng chiếc ghe lóp ngóp ra khỏi bọn giặc cỏ, anh trèo lên cầm lại chèo, hai cánh tay như muốn rụng khỏi bả vai nhưng nếu anh không gắng sức, nước sẽ đạp anh xuống tận rượng đáy, chỗ ba anh bị cuốn vào ngày trước.
Tới nơi, anh buộc ghe đất vào chạc gừa, tót về nhà vục nước lu ra uống. Thằng Bình con Minh đi học tận vịnh trong, thằng Lên được má ẵm theo tới chỗ chằm lá, nạn ăn cắp vặt lộng hành như thứ âm binh trên cạn đã quơ không còn mống gà để đánh tiếng đỡ buồn, căn nhà quạnh quẽ như nhà hoang. Từ phía vườn nhà chủ tích Lấu dội sang tiếng mía ngã ào ào càng lúc càng tiến về phía nhà anh, thì ra họ đã bắt đầu thu hoạch vụ mía chính, ấy là những âm thanh thành đạt như thể bao vây uy hiếp anh thêm. Hồi sau anh thất thểu đứng lên, gì thì gì cũng phải sống, phải làm lụng vì tương lai lũ con, dù biết công sức được trả tiền của anh đã bồi bổ không ít vào sự giàu có đương nhiên nhà họ.
Trưa về, bận bịu với những ý nghĩ khúc mắc, anh quên béng món rau nên bị vợ càu nhàu cho một trận. Cơm xong anh lại ra ghe, quyết dứt điểm phần tiền công đã nhận trước của họ, cái quyết tâm đầy chất lính. Nước đã lớn trào, lục bình trôi tản mác, anh gặp lại nguyên giề lục bình do anh quẳng đống ban sáng. Cữ này anh gặp cái khó khác là bãi ngập phải làm mò, nước cứ ngấp nghé lỗ tai. Bề nào cũng đụng khó, đời mà.
Xế chiều nước lại nhửng ròng, lục bình lại cụm vào nhau nhểnh nhảnh, sau đó đổ băng băng như đầu ngày. Chúng lắc lư như thể chọc tức anh. Thế mà còn những ba chuyến đất nữa mới đủ số, trong anh vẫn không thôi quyết tâm chấm dứt công xá với nhà họ, có thể anh không bao giờ đưa phù sa về cho họ nữa. Ừ, thì bỏ, gì chớ có tam bản, có đôi tay lành lặn trong cái xứ gần như đàn ông đã phải phủi chân lên bàn thờ sớm hết thì khối chuyện làm mướn, lo quái gì!
Mặt trời chen lặn, khúc sông úa vàng nham thạch như sắp chết ngột tới nơi. Khi anh dong lượt ghe cuối cùng qua bãi, thằng Bình đang vọc đất trong xẻo, đứa con trai nhỏ thơm ngát bảnh bao của nhà Lộc đang dùng ống sậy thổi xuống đầu nó những bong bóng xà phòng đủ màu. Nó chành miệng cười, gọi:
- Ba! Coi con xắn đất nghề bằng ba chưa nè?
Anh xua nó đi tắm để cơm nước tiếp má và lại hùng hổ dùi qua lục bình. Trời tối nhá nhem, đợt đưa đất lên ghe lần cuối đã hút kiệt sức lực, anh chỉ muốn nằm xoài lên mớ đất đó mặc kệ cuộc đời. Vết thương đang lên tiếng vì ngấm lạnh, cái lạnh thường kèm theo cái đói và cái đói nào cũng tổn thương tinh thần kéo theo những rầy rà khắp lục phủ ngũ tạng.
Khúc sông trở nên âm thầm, lào thào điệu hát u tịch trong ánh đèn thổn thức của hàng đáy. Anh bơi đứng ra sông, trước khi khuất vào lục bình còn nhìn thấy ánh đèn lù mù phía bên nhà, chắc vợ con đang ngóng anh. Cữ làm ráng này quả phiêu lưu, dại dột, chẳng những anh đang đùa với hiểm nguy được đêm tối a tòng mà còn đùa với thân phận chính mình. Biết vậy, anh đưa ghe vào lục bình, từ từ, ăn chắc, mọi việc rồi cũng suôn sẻ, hú hồn, nếu như một bên chân không đau nhói lên như bị bẻ quặt. Vọp bẻ rồi, ý nghĩ đó làm anh choáng váng, anh vụt nhớ tới ba, cũng chính đoạn sông này. Lẽ nào?
Anh lập cập níu lấy be ghe, nếu không khéo, chiếc tam bản sẽ lật nghiêng. Chỉ có chiếc ghe mới cứu được anh thôi. Anh lần lại phía mũi, nhún mình nằm sấp trước mõm ghe, chờ cho cơn đau dịu xuống để hai chân trở lại bình thường. Không chịu bó tay, anh trườn trên mặt bùn để rút toàn thân lên, sau đó sẽ xoa cho hai chân mau khỏi. May quá, anh mừng thầm, anh còn níu kịp be ghe để sống với nó, bằng không, chắc giờ anh đã theo ba xuống tận đáy sông rồi.
Càng lúc chiếc ghe càng chao lắc dữ dội, chuyện gì xảy ra vậy? Anh trừng mắt với bóng đêm, nhìn thấy hàng đáy đã rất gần, từ phía đó hàng cọc lắc lư kịch liệt như chúng đang phùng mang chưởng nước tuôn on ót về phía mình. Lục bình chen lấn nhau gây ra những tiếng rì rầm ma quái và chiếc ghe xoay trở như một gã say giữa dòng nước. Anh kêu cứu với ai, ai cứu nổi anh giữa lúc giặc cỏ hung hăng này và người ta sẽ cười cho khi biết chỉ vì muốn chấm dứt dính líu với nhà Lấu mà anh đùa với sức lực và nước sông. Dù gì anh cũng phải thoát khỏi rượng đáy này, nếu không, anh không bao giờ thoát khỏi khúc sông được nữa.
Sức nước đã không cho anh toan tính, nghĩ ngợi lâu. Nó chảy bừng bừng, đã nghe rõ tiếng dây ràng đáy quạt trên đầu lục bình sàn sạt. Một sức mạnh phi thường. Trong lúc anh loay hoay như con kiến, giề lục bình trôi cùng chiếc ghe rung rinh, tiếp đó là chiếc ghe bị quật vào cọc đáy gây ra một tiếng động rợn người. Trước khi bay lên sợi dây chăng của hàng cọc, anh còn nghe nó quay mòng dưới chân để rồi nghiêng hẳn, từ từ mất tăm dưới mặt nước. Lồng ngực anh nghẹn tức như đó là cái chết của một đồng đội do sự vụng về của anh.
Bằng kiểu lần dây như bộ đội vượt suối, anh vào được chiếc cọc cuối an toàn. Với cú đạp phi thân vào thân cau, anh thoát hẳn lũ lục bình và bơi quáng quàng vào bờ. Một tàu dừa nước chấm đọt trên mặt sông níu lấy anh, anh treo tay trên đó như bị hành hình, ngoảnh nhìn lần cuối chỗ chiếc tam bản bỏ mình. Chẳng còn thấy đói, chẳng nghe vết thương hoành hành, chỉ thấy đau, nỗi đau tức tối, nực cười. Giờ thì chẳng những anh không thoát được họ mà có khi còn sa lầy hơn khi phải níu vào đồng tiền giúp đỡ của họ, như anh phải níu vào tàu dừa nước này. Mất chiếc tam bản anh như kẻ cụt chân, giờ có muốn tồn tại bằng nghề chở đất cũng không dễ dàng gì. Vậy mà thằng con anh cứ ham tập xắn đất trong xẻo để chuẩn bị kế nghiệp anh! Anh đu mình lên bám vào bẹ dừa nước, ngửa cổ cười lên hưng hức như một gã dở hơi đang cười nhạo cả đất trời.