S au mấy tháng bị “giam” trong khu lán trại chật hẹp, tù túng, thường trực bị căng thẳng bởi tiếng kiểng và tu huýt, chúng tôi được “xả trại” để đi “ngao du” đây đó trong hơn một tháng, quả thật là một niềm vui và hạnh phúc của tất cả sinh viên sĩ quan. Được trở lại đời sống thoải mái, tự do - hỏi ai mà không thích? Năm 1972, chúng tôi đang hồn nhiên với ước mơ nơi giảng đường đại học, hay đang sum họp với đám học trò thơ ngây đầy ắp tiếng cười - thì lênh Tổng động viên được ban hành khẩn cấp! Mỗi người nhận được một tấm giấy nhỏ của Nha động viên, và lục tục lên đường…
Đại đội của chúng tôi được chở về huyện Ninh hòa, nằm tại ngã ba nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 26 đi Buôn mê thuột, cách thành phố Nha trang khoảng 33 ki lô mét; rồi được phân chia thành nhiều nhóm, đi về các xã. Chúng tôi được đến các xã Ninh đông, Ninh giang, Ninh thọ, Ninh tây, Ninh phước…
Ở xã Ninh đông, vào một buổi chiều buồn, tôi đi bộ lang thang trong xã, ghé thăm ngôi nhà thờ yên vắng, cổ kính, xinh đẹp. Đi lơ ngơ trong sân cô nhi viện, tôi tình cờ gặp người nữ tu dáng gầy, khuôn mặt thanh tú, trong bộ áo chùng mầu đen đang đi trên dãy hành lang cách tôi vài mét. Tôi tiến lại, thăm hỏi bâng quơ, và làm quen với dì. Thời gian ở Ninh đông gần một tuần lễ, tôi vẫn thường nao nức đến nhà thờ thăm dì vào mỗi chiều như một niềm an vui còn lại…
Tôi được biết tên thánh của dì là “Lucia”- dì Lucia, người nữ tu nhạy cảm, thông minh, và rất có duyên. Có lẽ, tôi đã “phải lòng” dì sau mấy lần được gặp gỡ, tuy có lần rất thoáng qua. Hình bóng dì - nhất là tấm chân tình rộng mở, cảm thông của dì đã làm cho tôi rất hạnh phúc. giữa bao thù hận và hiểm nguy đang còn ở phía trước. Rời Ninh đông, chưa thể tìm đến thăm Dì mỗi chiều, tôi rất nhớ, và đã viết truyện ngắn “Dì Lucia”… Trong một đoạn truyện, tôi dã viết: “(…) Trong giấc ngủ muộn màng đêm khuya, tôi vẫn thường mơ thấy dì Lucia đứng đó, trước cánh cửa sắt, bờ tường rêu đen chạy dài theo con lộ vắng vẻ. Từ ngày gặp dì Lucia, tôi thường tự hỏi, tôi có còn dịp nào gặp lại được dì sau này chăng? Dì đã nói: “Xa đây, chắc ông không còn dịp nào gặp tôi nữa đâu. Tôi cũng sắp đi nơi khác rồi.”
Ngày tôi rời xa Ninh đông, tôi có đến thăm Dì: “(…) Tôi ngước nhìn dì:
- Khổ nhiều chuyện lắm dì à.
- Tôi biết.
- Dì có buồn không?
Dì Lucia ngập ngừng:
- Tôi cũng là một con người…
Chúng tôi đi dọc theo bờ tường, phía trong, dưới những hàng bạc hà cao. Cánh đồng phía trước im vắng. Khu nhà nguyện chưa có bóng người. Dì Lucia lặng lẽ hơn sau câu nói, như một lời tự thú, một câu giải bày giản dị nhưng quá khó với dì lúc này. Tôi nghe tôi bàng hoàng. Nếu dì Lucia không cầm xâu chuỗi trên tay, không mặc bộ áo chùng trắng, không còn vướng bận tới những lời khấn trước đức Chúa để hiến dâng trọn đời dì, thì tôi đã nói thực với dì rằng tôi đã yêu dì như một mệnh số. Tôi không thể quên dì. Và ước mơ của tôi, sau cùng, là được gần dì mãi như chiều nay. Nhưng dì Lucia đã quay lại hỏi: “Giáng sinh này ông ở đâu?”
- Thưa dì chưa rõ được.
Dì Lucia cười:
- Tôi hỏi để coi ông có thể tới vui với mấy em ở đây được không?
Tôi quả quyết:
- Tôi sẽ tới, thưa dì. Chắc là ở đâu tôi cũng sẽ về đây ngày Giáng Sinh… Dì hãy cầu nguyện cho tôi còn sống để trở lại.”
Gần 40 năm sau, trong một lần “mạn đàm” với nhà thơ Cao Thoại Châu, anh đã hỏi tôi: “(…) Trước 1975 truyện của anh đăng trên những tờ báo “quý tộc” như Vấn Đề, Văn, Bách Khoa v.v.. - những “khung cửa hẹp” theo cách nghĩ của tôi - còn ngày nay, những người viết không có những “khung cửa hẹp” để… lập thân lập nghiệp văn chương. Tôi cho rằng nếu hồi năm 1973 gì đó mà tờ Bách Khoa không đăng truyện ngắn “Dì Lucia” thì có thể anh mất một cơ hội để nâng niu bàn chân Việt”. Báo chí hiện nay hình như không mặn lắm với việc “đào tạo” người viết, anh có tiếc không?” Tôi đã trả lời anh: “(…) Truyện Dì Lucia là truyên đầu tiên tôi gởi cho Bách Khoa và được chọn đăng ngay! (…) Và, nếu… “Dì Lucia” không xuất hiện mà bị nằm trong ngăn kéo báo Bách Khoa, hay “thất lạc giữa đường” thì cũng thật là tiếc bởi vì… Dì Lucia rất đẹp!”
Nhà thơ vẫn còn “thắc mắc: “(…) Trở lại với “Dì Lucia”, gợn lên một tình yêu như cái mầm… không mọc tiếp (nhưng cũng không thui chột), người nữ tu này rất “người” một cách trong sáng, phần tôi rất mê những chút tình lãng mạn, éo le mà sương khói như thế. Kết thúc truyện: “Tôi sẽ tới, thưa dì. Chắc là ở đâu tôi cũng sẽ về đây ngày Chúa giáng sinh. Dì hãy cầu nguyện cho tôi còn sống để trở lại”. Hoà bình hơn 30 năm, không còn nỗi sợ chết của người lính bị động viên, anh có biết Dì Lucia ở đâu?” Tôi đã vui vẻ trả lời anh: “(…) Tôi biết! Dì Lucia ở tại Ninh hòa (thời điểm 1972-73) và sau đó, cho tới hôm nay sau hơn 30 năm, Lucia đang ở trong… trái tim tôi! Có một điều rất an ủi là nhà văn KQT từ Hà Nội cũng đã gởi comment góp ý với tôi về chuyện ấy: “Tôi đã đọc trên báo Văn Nghệ Già nay đọc lại trên blog của anh, cảm thấy đó là một truyện ngắn rất hay!”
Truyện “Dì Lucia” đã được đăng ở tạp chí Bách Khoa số 384, tháng 11 năm 1973, sau năm 1975 - tôi bị “thất lạc” số báo BK ấy (không còn bản thảo lưu vì lúc ấy, tôi chỉ viết tay một bàn duy nhất rồi gởi cho tòa soan BK qua đường bưu điện). Anh Trần Huiền Ân - người cộng tác với BK rất sớm (từ thập niên 60) đã photo cho lại tôi một bản, nên dì Lucia mới được “trở về” với tôi sau mấy chục năm xa cách!
Vào dịp Giáng Sinh năm nay (2013), tập truyện ngắn thứ 15 (tác phẩm thứ 18) của tôi sẽ được phát hành, có tên là “Dì Lucia” - để nhớ lại một thời không thể nào quên của tháng năm gian nan, khổ ải! Sau hơn 40 năm “xa dì Lucia”, hôm nay, nếu Dì còn ở đâu đó trong một chủng viện (hay nhà thờ nào), thì tuổi đời cũng trên 60 rồi! Còn tôi? Tôi đang bước vào tuổi 70, đón Giáng Sinh trong niềm cô độc, bỗng nhớ hình bóng Dì. Tôi đã “thất hẹn” với Dì Lucia, bởi vì - tôi vẫn còn sống sau cuộc đao binh, mà vẫn chưa có dịp nào trở lại ngôi nhà thờ xưa, để được “vui với mấy em”…
Ai có biết Dì Lucia bây giờ đang ở đâu, xin chỉ giúp. Tôi muốn tạ lỗi cùng Dì, và gởi đến Dì Lucia một câu: “Chúc Dì một mùa Giáng Sinh
vui vẻ, an lành, hạnh phúc!”