Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TÌNH CỜ GẶP LẠI THẢO VÂN



T ôi được ban chấp hành Hội Đồng hương mời tham dự buổi họp mặt đồng hương nơi thành phố tôi đang sinh sống vào dịp cuối năm; tôi đã nao nức với niềm vui được gặp lại những người bạn cũ, bà con cùng quê; để có thể thăm hỏi, chia sẻ cùng nhau nỗi niềm của người con đang sống xa xứ mà ngày Tết chưa có thể trở về.

Vừa bước vào hội trường của khách sạn, tôi được một người trong ban tổ chức hướng dẫn vào chỗ ngồi ở dãy bàn thứ ba, đã có chị Nhàn và Hân ngồi sẵn ở đấy. Chị Nhàn học trước tôi ba lớp, chung trường, và Hân cùng khối với tôi. Tôi rất vui mừng vì được gặp lại người quen để thăm hỏi nhau, nhắc kể về những kỷ niệm ngày nào dưới mái trường thân yêu, tha hồ cười vui, để chờ đợi giờ khai mạc. Mọi người đến đông dần, các dãy bàn đã gần kín chỗ. Nghe tiếng gọi tôi ở phía bàn bên kia, tôi đưa mắt nhìn sang, Hương và Hà là bạn cùng lớp đang vẫy tay gọi, hẹn tôi lát nữa sẽ gặp nhau ở một quán café nào đó sau khi buổi họp mặt kết thúc. Lòng tôi rộn ràng theo tiếng gọi của các bạn, như sắp sửa được cùng các bạn rong chơi ngày nào. Trong năm, hay nhiều năm qua, vì cuộc sống mỗi người một góc phố riêng, một hoàn cảnh riêng, chúng tôi không có dịp thuận tiện gặp nhau cho dầu vẫn đang sinh sống trong cùng một thành phố. Đời sống với bao lo toan, ưu phiền riêng, đã làm cho chúng tôi dần xa cách, tuy không bao giờ quên nhau trong góc khuất lặng im của tâm hồn mỗi người.

Chương trình buổi họp mặt bắt đầu.

Sau lời phát biểu, chia sẻ cảm nhận của đại biểu, đến thông qua bản tổng kết cuối năm, chương trình sinh hoạt trong những ngày đầu năm mới của ban chấp hành, sau đó là chương trình văn nghệ góp vui. Không khí trở nên vui tươi, rộn ràng hơn với những ca khúc ngợi ca mùa xuân, nhớ về quê hương thắm thiết. Tôi như thấy mùa xuân đến sớm, chan hòa, rạng rỡ trên gương mặt mọi người chung quanh. Bỗng tôi nghe tiếng MC giới thiệu – “Sau đây xin kính mời quý vị cùng nghe nhạc phẩm “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Thảo Vân - một nữ sinh trường Trung học Bồ Đề năm xưa góp vui!”.

Tôi giật mình, nhướn mắt nhìn theo dáng người phụ nữ mặc chiếc váy dài, mầu trắng, đang hân hoan, dạn dĩ bước lên sân khấu. Thảo Vân đây sao? Thảo Vân - người bạn học chung trường, ở chung xóm, chung đường về ngày nào, đã từng khiến cho chúng tôi nao lòng, thương xót, vì lo sợ bạn ấy không chống chọi nổi với cơn bệnh ngặt nghèo, trong tình trạng đau buồn sup sụp, mất ngủ sáu năm trước; đang hiện diện tươi vui, hồn nhiên, nhoẻn cười cúi chào mọi người trên sân khấu trước mắt tôi đây. Nhìn Thảo Vân - tôi vừa ngạc nhiên bàng hoàng, vừa rộn lên niềm vui khôn xiết, đã gần sáu năm qua, tôi chưa được gặp lại Thảo Vân.

Tiếng hát Thảo Vân vút cao, khỏe khoắn, như reo vui “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười...” gieo vào tôi sự thán phục, niềm vui, lẫn chút tự hào. Một Thảo Vân xinh xắn, hồn nhiên, yêu đời đang chọn cho mình niềm vui mỗi ngày trên kia, khác hẳn với Thảo Vân xanh xao, gầy yếu cách đây sáu năm. Tôi bồi hồi xúc động, băn khoăn lặng im, ngắm nhìn bạn đã được hồi sinh, đã sống một cuộc đời mới, đầy sức sống, hy vọng. Tôi cảm thấy những giọt nước mắt mừng vui ứa ra, cũng như đã khóc cho Thảo Vân ngày nào.

Ngày ấy, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Thảo Vân suy sụp rồi đổ bệnh phải vào Sài Gòn khám chữa. Sau một tháng nằm viện, bác sĩ cho biết Vân bị viêm gan siêu vi B mãn tính, đã xơ hóa gan từ F3 - F4, nếu không khéo có thể chuyển sang K. Bác sĩ khuyên Vân phải sống lạc quan, thanh thản, không lo nghĩ để có thể vượt qua. Một cú sốc quá mạnh, đã khiến Thảo Vân như rơi vào một cái hố sâu thăm thẳm, tối đen; nhưng rồi Thảo Vân để mình rơi tự do, không một chút cưỡng lại, với nỗi tuyệt vọng. Ngày đêm với nỗi buồn, khó mà chợp được mắt, bác sĩ phải cho Vân uống thuốc an thần, nhưng vẫn khó có được một đêm yên giấc. Thảo Vân phải chuyền nước liên tục mỗi ngày đến nỗi không còn chỗ đưa kim vào để chuyền dịch. Sau hai tháng, Thảo Vân được xuất viện, nhưng phải tái khám thường xuyên và uống thuốc điều độ mỗi tháng.

Nghĩ mình không sống được bao lâu, Thảo Vân luôn cầu nguyện trời Phật hằng đêm, phù hộ cho mình được sống hai năm nữa thôi, rồi có ra đi cũng mãn nguyện, để có thể hoàn thành được một phần nào ước mơ, hoài bão cuối cùng. Mỗi lần Thảo Vân về thăm quê, tôi cùng một số bạn luôn đưa Vân đến những quán cà phê “hát cho nhau nghe”, để có thể cùng nhau hát ca, vui cười, cho Thảo Vân vơi đi nỗi buồn lo, quên đi nỗi đớn đau đang quặn thắt từng ngày. Sau mỗi đêm hát vui như thế, nghe Thảo Vân tâm sự đã ngủ được đôi chút, là chúng tôi mừng. Có hôm, chúng tôi cùng nhau tập tò khiêu vũ, những bước nhảy vụng về, ngây ngô, cố gắng vui, nhìn Thảo Vân nhịp nhàng trên sàn nhảy, chúng tôi thương đến chảy nước mắt.

Thảo Vân ngỏ ý muốn sau khi mình ra đi, còn lại một cái gì đó cho gia đình, cho bạn bè; nên thực hiện một video ca nhạc, với tiếng hát của chính mình, dù lúc bấy giờ giọng hát không còn trong trẻo, làn hơi không còn tươi khỏe như trước. Chúng tôi, bảy đứa làm khán giả, nghe Vân hát và quay video làm kỷ niệm, đứa nào cũng cố giấu những giọt nước mắt, chỉ liếc nhìn nhau e ngại. Thảo Vân về, ở lại quê hốt thuốc nam uống và chơi với chúng tôi cả tháng, rồi trở vào đi tái khám. Nhiều lúc nghe Thảo Vân than thở, uống thuốc nam nhiều quá, nghe bốc mùi là ớn không nuốt nổi; tôi cảm thấy chua xót đắng cay, nhưng vẫn cứ an ủi bạn “thuốc đắng dã tật, phải cố lên mới khỏi bệnh chớ” cho có lệ, chứ tôi chỉ nghe mùi cũng ớn đến tận cổ.

Đi chơi với chúng tôi, Thảo Vân luôn mang theo một chai nước thuốc 1,5 lít đã nấu sẵn để uống, nhắm mắt, nín thở uống một hơi dài, dứt hơi nước muốn trào ngược trở ra, phải lấy tay vuốt nhẹ lên ngực cho xuống. Nhìn Thảo Vân cố gắng giữ sự sống mong manh của mình từng ngày, chúng tôi thương lắm! Vậy mà giờ đây, trước mắt tôi - như có phép mầu, một Thảo Vân xinh xắn, hồng hào, hồn nhiên, cất tiếng ca trong trẻo như ngày xưa thường hát trong giờ sinh hoạt lớp, hay trên sân khấu trại hè, trung thu năm nào.

Có lần, Thảo Vân về quê ngày đầu, ngày hôm sau chóng mặt không ngồi dậy được. Thảo Vân nhắm mắt nằm dài, không dám nhúc nhích, bảo tôi lấy giùm bộ đồ ngắn để thay, lỡ có việc gì thì nhập viện cho gọn. Tôi sợ quá, nhìn bạn lo lắng: “Cậu thấy thế nào, vào viện nhé!”. Thảo Vân trả lời “Mình không mở mắt được, thấy mái nhà như đảo lộn, quay tít, nhưng mà không sao đâu, Hạnh đừng sợ. Nếu mình có chết đi, sẽ phù hộ cho Hạnh và gia đình. Gọi giùm mình chiếc tắc xi đưa mình vào bệnh viện nhen!”. Thảo Vân tiều tụy, da vàng nhợt nhạt như không còn chút sinh lực. Tôi không biết nói lời gì để an ủi bạn, chỉ cầm tay bạn trong tay mình, bóp nhẹ như truyền chút niềm tin cho bạn, và cầu nguyện cho bạn chóng khỏi bệnh, rồi vội đưa Vân vào viện.

Thảo Vân hát hết bài, cúi chào mọi người, rồi bước xuống sân khấu về chỗ ngồi. Tôi lật đật đứng dậy bước lại đón đường Thảo Vân đang đi xuống. Thảo Vân thấy tôi, mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, nắm chặt tay tôi kéo lại cùng ngồi chỗ với mình, giọng khẽ khàng:

-Không ngờ được gặp Hạnh ở đây, lát nữa hai đứa mình ra quán cà phê nào ngồi chơi một lát rồi về nhen.

Sau khi buổi họp mặt kết thúc, tôi, Thảo Vân, Hương và Hà cùng kéo nhau ra một quán cà phê vườn ở phía bên kia đường. Mỗi chúng tôi gọi cho mình một thức uống, rồi cùng ngồi hàn huyên, kể nhau nghe về mình, rộn ràng như thời còn đi học. Tôi nhìn Thảo Vân - nói ngay nỗi băn khoăn, thắc mắc của mình:

-Ngạc nhiên quá đi, không ngờ tụi mình lại gặp nhau ở đây. Còn nghe nhỏ Vân hát nữa chứ. Cậu đã nhờ vào điều mầu nhiệm nào vậy?

Thảo Vân cười thật tươi:

-Không thấy sao còn hỏi, hết chết rồi.

-Thiệt không vậy trời?

Thảo Vân cười sảng khoái:

-Bộ cậu tiếc bữa tiệc bữa đó hả?

Bốn đứa chúng tôi ngã ra cười vui vẻ. Hương khuấy đều ly nước đưa lên uống một chút, rồi đặt ly xuống bàn quay qua Thảo Vân:

-Tiếc thật, nó nói không qua khỏi vài tháng, mà giờ sáu năm rồi nó vẫn còn nhăn răng cười kìa. Sao mình không tiếc được chớ.

Hà cười, giọng hồn nhiên:

-Vậy mới nói, nhân duyên mầu nhiệm, quả đất tròn mà - rồi hát - “Em ơi, trái đất vẫn tròn, chúng mình bốn đứa mãi còn gặp nhau” hi hi hi.

Tôi nhớ lại bữa tiệc hôm đó, tôi và Hương chuẩn bị để tạo niềm vui khi biết Thảo Vân đang lâm trọng bệnh. Chúng tôi mua con gà nấu cháo, với ít cá tươi, mực tươi luộc ăn bánh tráng, sau khi quay video Thảo Vân hát để lại cho gia đình và bạn bè. Hôm đó rất vui, và cũng rất buồn, mỗi người đều lặng thầm một cảm nghĩ riêng đau xót về Thảo Vân. Cùng nhau tổ chức bữa tiệc nhỏ hôm ấy, là chúng tôi muốn ghi dấu lại kỷ niệm cuối cùng với Thảo Vân, để nhớ mãi về bạn, nếu một ngày nào đó Thảo Vân ra đi. Tôi biết Thảo Vân cố giữ thản nhiên, gượng vui cùng bạn bè hôm ấy, nhưng trong lòng thật đau đớn. Niềm vui cùng nước mắt rưng rức trong lòng, dù cố giấu, nhưng chúng tôi vẫn thấy trên khuôn mặt Thảo Vân một nét buồn rười rượi, xa xăm.

Thảo Vân kể:

-Các cậu biết không, ngày ấy mình rất đỗi bàng hoàng khi biết mình đang bị lâm bệnh ngặt nghèo như thế giữa lúc bơ vơ. Trong đầu mình bao nhiêu là mâu thuẫn, có lúc nghĩ, thôi chết đi cho nhẹ người, cho vơi đi những khổ đau, bệnh tật; nhưng rồi mình lại sợ, sợ vô cùng với những cơn đau, những cơn choáng váng, nôn mửa liên tục hành hạ bất chợt. Có lẽ mình sợ đau chứ không phải sợ chết, nếu cái chết như một giấc ngủ dài thì nhẹ nhàng quá, có gì mà sợ phải không? Thương cô Bốn của mình ghê, đi chợ mua đủ thứ, hết ép ăn món nầy, lại món nọ liên tục, như sợ mình chết liền vậy. Cô Bốn xách cái nón, mang đôi dép xẹp bạc mầu chạy ra chợ một lát là về đủ thứ, cứ thế mà ép mình ăn. Lúc ấy, mình chẳng có cảm giác gì, cứ nghe theo lời cô, như ăn để rồi chết vậy. Rồi cô nghe thầy thuốc nào ở đâu hay cũng biểu mình đi hốt thuốc về uống. Mình nhớ có hôm nghe ở đâu có bà bác sĩ trị bệnh như mình đã hết ở tít trong Cần Thơ, cô về đưa địa chỉ, biểu mình vào chữa. Cô mếu máo: “kỳ nầy cháu mình hết chết rồi” rồi hu hu khóc, làm mình nẫu cả ruột, không biết phải làm thế nào. Cô còn nói nếu không có đủ tiền, cô sẽ đi mượn giúp. Nhưng rồi mình đã nói với cô như dặn với lòng mình: “không phải ai cũng được bà ấy chữa khỏi đâu, con đang uống thuốc nầy, lại đi hốt thuốc nọ, có khi tiền mất tật vẫn còn mang. Cứ theo một thầy mà uống thuốc thôi cô ơi, con người có số cả, trời kêu lúc nào con đi lúc đấy cho rồi…”. Cô Bốn nghe, mắng mình “Cái con nầy, bướng là chết đấy con!”. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, thương cô Bốn quá đỗi.

Tôi nóng ruột:

-Nhưng mà giờ cậu thế nào? Hết bệnh thật rồi hả?

Hà quay sang lườm tôi:

-Để từ từ nó kể, làm gì mà hỏi dồn dập thế?

Thảo Vân vẫn giọng đều đều:

-Thế rồi, tự nhiên mình tin vào cái số mình không chết dễ dàng như vậy được. Mình phải sống, phải làm một cái gì đó để lại cho đời sống mình đã chịu ơn, cho người thân, bạn bè. Mình đối mặt với bệnh tật, sống chung với nó, không sợ gì nó cả. Mình cố gắng bằng tất cả nghị lực còn lại, nhưng nhờ có cái phao cứu sinh, đã giúp mình vượt qua nhanh chóng. Rồi mình, mình...

Thảo Vân ngập ngừng, tôi nóng lòng:

-Rồi sao?

Thảo Vân cười lớn:

-Rồi mình sống chớ sao - Thảo Vân cười vui vẻ, nói tiếp - Mình tập viết văn. Mình tìm niềm vui bên trang viết, miệt mài từng ngày với niềm đam mê mới, không còn thời gian để nghĩ đến buồn đau, bệnh tật gì nữa. Rồi mình sống! Như bây giờ, các cậu thấy đó ha ha ha.

-Nói vậy ai nói hổng được, phải nói rõ chớ.

-Rõ là thế nào?

Tôi giục:

-Cái phao cứu sinh của cậu là cái gì? Vì sao cậu lại hết bệnh, xinh tươi, khỏe khoắn như bây giờ?

Thảo Vân vẫn nở nụ cười hồn nhiên trước những cặp mắt ngạc nhiên của chúng tôi. Trong tiếng cười ấy, như có niềm vui thầm kín, như có điều gì bí mật. Nghĩ mà thương Thảo Vân, mừng cho bạn đã vượt qua những đớn đau, buồn khổ, trở về cuộc sống khỏe mạnh, để miệt mài với niềm đam mê mà bạn đã chọn.

Im lặng giây lâu - giọng Thảo Vân hân hoan:

-Là mình đã gặp được một nửa của mình đã thất lạc từ kiếp trước rồi, các cậu ạ!.

Cả ba chúng tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên nhìn Thảo Vân - rồi cùng ôm nhau cười hạnh phúc.

09/2018




VVM.17.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com