Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NHỮNG ĐÁM MÂY BÀNG BẠC...  



    B ố mẹ Đạo có cái vốn nhỏ là cậu trai út độc nhất, họ lo âu vì sợ cụt vốn mặc dù chưa chắc vốn ấy có gây được lãi chăng. Bất cứ một biến cố nào cũng có ảnh hưởng trong việc quyết định gửi Đạo đến trường: đoàn xe lửa với những toa xe bịt bùng thấp thoáng một vài binh sĩ Nhật đội mủ lưỡi trai có ba mảnh vải che ót dừng lại hơi lâu tại nhà ga thành phố; chiếc máy bay lạ một ngày xồ tới thật thấp động cơ làm choáng óc choáng tai, tưởng như tai hoạ đã đổ xuống đầu mọi người tua tủa chạy ra khỏi nhà nhòm ngó chẳng thấy nó đâu ngoài những mảnh truyền đơn lấp lánh ánh mặt trời; họ tranh nhau nhặt đọc, có người còn nhảy vọt lên cao để chộp nhanh hơn làm như nếu chúng chạm đất tất sẽ tan thành mây khói; các thầy đội phú-lít bổng một buổi bỏ súng ngắn mang súng dài, mặt mày dài ngoằn ra một cách nghiêm trang. Mọi việc đó trì hoãn ngày nhập trường của Đạo. Biết sao, Đạo lớn rồi, đã đến tuổi phải đi học.

Cứ chiếu theo lối mô tả của Thanh Tịnh mà xét thì buổi tựu trường của Đạo không có sương thu không có gió lạnh, cũng không có mẹ âu yếm dắt tay: ba bà chị tiền hô hậu ủng áp giải cậu út đến trường, vừa hầm hè đe dọa vừa an ủi dỗ dành. Cours enfantin (được dịch ra là lớp đồng ấu) phụ trách bởi một ông thầy già mặc áo dài lương đen, một loại hàng mỏng như mùng che muỗi nên chỗ nào có hai lớp vải chồng lên nhau thì mầu đậm mà chỗ một lớp thì chỉ vừa thâm thâm trông như con chó vá. Ông thầy là chỗ quen biết của gia đình, ấn Đạo ngồi vào bàn đầu để ông dễ theo dõi. Nếu ông thật tình tận tâm thì ngày Tết bố sẽ bỏ Đạo lên porte-bagage xe đạp cùng với bì gạo nếp và con gà trống thiến, đèo Đạo đến nhà thầy biếu thầy quà năm mới gọi là tạ ơn ông đã hết lòng lo cho tương lai con trẻ. Hồi ấy không có lớp mẫu giáo vì vậy mọi người phải xoay xở thế nào để đứa trẻ khi bước vào trường đã đọc thông viết thạo. Bậc tiểu học gồm sáu lớp: lớp đồng ấu, lớp dự bị, lớp sơ đẳng, rồi (lúc này thì các vị hành nghề giáo dục không nặn ra được danh từ hán việt đẹp đẽ nữa) lớp nhì năm đầu, lớp nhì năm sau và lớp nhất. Xong lớp nhất người ta thi bằng tiểu học (primaire) vào trung học, học bốn năm để thi bằng thành chung (không hiểu tại sao lại gọi là bằng diplôme vì bằng nào mà chẳng diplôme?); hai năm sau người ta thi tú tài phần thứ nhất rồi phần thứ hai để vào các trường cao đẳng hoặc đại học, chỉ có ở Hà-Nội. Địa phương của Đạo không thiết lập nổi bậc trung học cũng như một số tỉnh nhỏ khác, nên học sinh sau khi học hết bậc tiểu học phải ra Hà-nội, Huế hoặc vào Sài-gòn tùy hoàn cảnh và vị trí địa dư. Đối với chị cả của Đạo tất phải ra Huế. Lý do: vưà là điều kiện địa lý (ra Huế thuận hơn) vừa điều kiện gia đình (bên ngoại ở Huế). Nại cớ sau cho vui vậy chứ việc chị cả vào học Đồng Khánh chẳng dính dáng gì cánh bên ngoại hết. Chị ở nội trú, suốt năm học chị có bước ra khỏi giới hạn cổng trường lần nào đâu; sông Hương chị nhìn nó qua cửa kính dortoir, không khí Huế chị ngửi được trong giờ ra chơi ngoài sân trường; kẹo cau mè xửng chị nhâm nhi vài lần nhờ người bạn cùng phòng chia sớt, giọng nói chị chẳng ngọt ngào thêm chút Huế nào ngoài những "mô, chừ, răng, rứa" là vốn mẹ chia cho từ ngày còn ở nhà. Lúc Đạo vào trường cũng là lúc chị phải chuẩn bị từ giả Huế; bố thấy tình hình cứ gay cấn mãi lên bèn đánh điện tín gọi chị về.

Học đường là khung cảnh xã hội đầu tiên mà Đạo tiếp xúc. Lối giáo dục đặc biệt của bố đã không cho phép nó biết đến xã hội bên ngoài. Lên bốn lên năm nó chỉ chơi một mình. Chơi bóng, nó chơi với bức tường trước mặt; nhằm khi quả bóng lăn ra đường, nó không được phép chạy theo chỉ đành sững người ra đấy mà chờ đợi chị bán hàng rong hoặc anh phu xe đi qua nhặt ném vào cho. Nó không có bạn trừ thằng A con ông Quảng Hòa, chủ tiệm tạp hóa láng giềng. Ông ấy là bạn của bố. Năm khi mười họa, bố mới dắt nó sang nhà A. Nó đứng thu lu một xó chân co chân duỗi nhìn con ông Quảng Hòa chạy nhảy. Phải lâu lắm nó mới lân la đến được bên thằng A; và lâu hơn nữa nó mới tham dự vào trò chơi cùng A. Ông Quảng Hòa có một cung cách sống thật dễ dàng, giản dị. Chỉ qua cách đặt tên con của ông cũng đủ thấy sự xuề xòa ấy. Đứa con trai đầu của ông bằng tuổi Đạo, ông gọi nó là thằng A; đứa con gái tiếp sau là con B; nếu có đứa nữa có lẽ sẽ là thằng hoặc con C, rồi D rồi Đ vân vân.. Ông nhanh nhẩu, dòn dã, phớt tỉnh. Ông cười cười bắt tay người này, thăm hỏi người nọ, đùa cợt vỗ vai vỗ vế người kia nhưng ông chẳng đặc biệt để ý đến ai. Chính nhờ tính nết ấy mà Đạo thấy rất dễ chịu khi chơi nhà ông. Chúng ta tri ân kẻ tận tình săn sóc ta, tỉ mỉ với từng ý thích niềm yêu nhỏ nhặt của ta; nhưng đôi khi chúng ta cũng cảm thấy thoải mái khi kẻ kia không hề để tâm gì đến ta cả. Ông Quảng Hòa vô tâm ngay với con ông. Chẳng hạn thằng A và con B gấu ó nhau, con B òa khóc; ông Quảng Hòa ý thức tức khắc vai trò làm cha của mình, ông nạt thằng A, bế con B lên lòng vỗ về. Nhưng nếu vào lúc đó có người hỏi ông điều gì là ông quên ngay đứa con gái mếu máo trong tay. Ông bỏ nó xuống để đến với kẻ kia, nói nói cười cười. Con B bất mãn càng tru tréo nhiều hơn nhưng ông Quảng Hòa đã hoàn toàn quên khuấy chuyện ấy. Phải lâu lắm ông mới sực nhớ tới sứ mệnh làm cha chưa tròn, quay lại cùng con: con B đã hoàn toàn ráo hoảnh đang cười đùa cùng anh nó và như vậy vô hình chung ông Quảng Hòa vẫn hoàn thành vai trò ông bố, vai trò cảnh sát, vai trò cầm cân nẩy mực. Khi ông Quảng Hòa được tin Đạo sắp đi trường, ông quay lại thằng A: "Mày có muốn đi học với Đạo không?" A lắc đầu và ông hề hề: "Không muốn thì thôi..."; những lúc ấy Đạo chỉ ước được làm con ông Quảng Hòa.

Nhưng giá có A cùng đi học với nó thì cũng đỡ lắm; ít ra nó có thể trông cậy vào sức vóc của A cùng với tính tình hài hòa của thằng bạn độc nhất này. Từ lúc bước vào lớp, nó chưa hề dám quay mặt nhìn ra các dãy bàn đàng sau. Nó hãi hùng vì tiếng ồn như vỡ chợ và tưởng tượng ra những tên đầu trâu mặt ngựa sau lưng nó. Sau bài tập đọc, nó bắt đầu cảm thấy buồn tiểu. Các bà chị đã chuẩn bị cho Đạo việc đó rồi: "Hễ em muốn đi tiểu thi đưa tay lên như ri (một bà chị ra dấu cách giơ tay) rồi thưa thày cho con ra ngoài (không cần nói đi tiểu, bà ấy giải thích); sau mỗi lớp học đều có nhà cầu (em cứ đi vòng ra sau thấy cái nhà nho nhỏ cao cao là đó). Hễ thấy mót tiểu thì xin thầy đi ngay, đừng nhịn mà tiểu trong quần đó". Các bà chị ấy khi đã giảng giải điều gì thì rõ ràng lắm, rõ ràng đến tỉ mỉ đến dài dòng đến ngán ngẩm. Cái khó là việc thực hiện: nó nhìn ông thầy già đang cắm cúi viết trong sổ, nó len lét với cái đám thú vật chung quanh; thôi thì nó đành nhịn chờ giờ ra chơi vậy (cũng nhờ các bà chị miệng lưỡi nhiều quá mà nó biết rằng giữa giờ học sẽ có mấy phút ra chơi). Lúc nghe ba tiếng trống thì cái ồn ào sẵn có được nhân lên ít nhất là mươi lăm lần; bọn trẻ xô nhau chạy ra ngoài; Đạo cũng vội vàng vòng ra phía nhà cầu. Một cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra: bọn học trò tranh nhau vào nhà cầu, vì quá đông chúng bèn đứng đại bên ngoài, xếp thành hàng, đứa nọ đái vào chân đứa kia. Khoảng cách giữa mỗi đứa có lẽ tương đối đều nhau nhưng vì có đứa cao đứa thấp nên có những đứa la lối gấu ó vì bị phóng uế lên đến tận bắp chân, thậm chí ướt cả quần. Đạo không ngờ tình thế càng lúc càng khó khăn như vậy: nó sợ bọn trẻ đái vào nó, nó sợ bị trêu chọc, nó sợ đến quên mất cái nhu cầu thân xác và tưởng rằng chờ đến lúc về nhà cũng chẳng sao. Nhưng sở dĩ nó nhịn tiểu vì còn một lý do sâu xa hơn nữa là...ông Thịnh.

Không cần có sự giáo dục , đứa trẻ khi nhìn thấy một con vật bị thương chẳng hạn, sẽ lập tức động lòng trắc ẩn. Tình cảm ấy có tính tự phát. Nhưng cũng có những trường hợp khác phải cần được dạy dỗ phân tích cho thấy, đứa trẻ mới hiểu được. Việc ông Thịnh chột mắt và thối mồm chẳng gây nơi Đạo chút ưu ái nào. Nó không muốn biết rằng con mắt chột chẳng phải là điều người ta mong cầu cũng như hơi thở kém thơm tho nhiều khi không chỉ do sự ăn ở thiếu vệ sinh mà có thể do một bệnh chứng thuộc bộ tiêu hóa. Mẹ Đạo dạy cho nó lòng thương người. Mỗi lúc có kẻ ăn xin đứng chìa tay ở cửa, nếu có Đạo bên cạnh bà đưa cho nó đồng trinh bảo nó trao vào tay người và giảng giải: "Tội nghiệp họ con nờ, con thấy họ què không, con thấy họ không.thấy đường không (bà tránh nói đui mù), con thấy họ lỡ lói không? " vân vân.. Dù vậy đối với ông Thịnh, Đạo không hề thay đổi tình cảm khi nhìn con mắt chột của ông (ông ta có đau khổ gì đâu và nghe ra dường như thích thú vì không cần nheo một bên mà nụ cười của ông vẫn rất nham nhở); là vì mỗi bận ông Thịnh đến, ông chỉ gieo sợ hãi cho thằng bé. Ông Thịnh to cao người, thường mặc bộ pyjama đen (nhiều kẻ vẫn thường mặc đồ ngủ ra đường), tóc rẻ ngôi ở giữa và có lẽ rất ít khi đến gặp thợ cạo nên những lọn tóc dài ngoằn ướt đẫm thứ dầu chải bóng ấy cứ rơi xuống trán khiến ông phải luôn tay vắt chúng ra sau vành tai như muôn ngàn chiếc gọng kính. Bố chẳng phải là kẻ quảng giao nên Đạo càng thắc mắc không hiểu ông Thịnh có mối liên hệ nào với gia đình: bà con chăng hay chỉ là một người quen? Tại sao ông năng đến chơi vậy? Điều chắc chắn là ông Thịnh thô lỗ, hể trông thấy Đạo là ông sà đến chộp lấy nó và thọc tay vào tận trong quần để ...mò chim. Vào thời buổi ấy xã hội Việt-Nam còn trong sạch ghê lắm; người ta không nói đến những thói hư tật xấu trong dục tình: không có luyến ái đồng tính, không có những thác loạn giữa người lớn và trẻ con, cho nên việc làm của ông Thịnh tuy không được tán thưởng nhưng cũng chẳng bị phản đối. Người lớn cười xòa và Đạo chạy trốn. Ông Thịnh hề hề. Đạo biết ông chột nhưng lúc ông cười Đạo vẫn cho rằng ông nheo một mắt và cái cười của ông vì vậy nhuốm màu chế diễu quái ác.
Vì ông Thịnh từ đó Đạo đâm ra sợ người vạch quần mò chim. Sự thể này đã đưa đến hậu quả là buổi đến trường đầu tiên đó nó nhịn tiểu. Lúc tan học nó mếu máo với các bà chị vì tức bụng quá không đi được nữa. Ba bà chị bèn xúm lại, mỗi người đưa ra một biện pháp: bà thứ nhất đề nghị trở vào trường nhưng đã trễ, bác cai trường đã lạnh lùng khóa cổng quay lưng đi về phía cuối vườn; bà thứ hai trông trước trông sau bảo rằng thôi thì cứ đứng bên vệ đường mà phóng đại; bà thứ ba dẫy nẫy: "Phố xá đông thế này...và coi chừng phú-lít nó bắt". Bà ấy bèn vỗ về cậu em khóc nhè: "Thôi đứng lên chị cõng về vậy". Đạo không kịp chạy vào cầu tiêu mà đành làm ướt một khoảnh sân xi-măng ngay trước mặt nhà!

Người ta nói không ngoa chút nào: cuộc sống mới quả có rất nhiều thay đổi; sự thay đổi về chính trị kéo theo đổi thay kinh tế và xã hội. Không ai bảo ai, những trò chơi cũ bổng chốc biến mất. Thầy Paul mỗi buổi chiều không còn thay quần áo thể thao để xuống sân tơ-nít nữa. Những ông thông ông phán thất nghiệp không còn bày trò họp nhau đàn địch và ca nam bình nam ai nữa. Cách mạng đào thải nhiều lớp người; cách mạng cũng đào thải nhiều lớp tuổi. Ông chánh Sâm hết ngoặt bộ râu cá trê, mắt ngước lên trần nhà mà cãi cọ với bố nữa. Ông thưa đến chơi và khi đến, đầu ông cúi xuống suy nghĩ đắn đo và thở dài sau mỗi câu nói. Ông Point-virgule không còn mặc áo dài trắng, tay chống can thong thả ngắm phố; nếu ai tò mò tìm hiểu sẽ thấy ông bây giờ bắc ghế ngồi lấp ló bên cửa tại nhà ông. Mỗi người một phản ứng, mỗi người một biểu tỏ khác nhau. Ông chánh Sâm vốn bản chất hăng say, giờ cảm thấy có chỗ lạc đường nhưng ông đâu dễ chịu thua dù đã nhũn nhiều phần. Ông thắc mắc về viễn ảnh được vẽ ra cho xã hội cộng sản tương lai: làm việc tùy sức, ăn tiêu tùy tài ở giai đoạn phôi thai và làm việc tùy sức, ăn tiêu tùy nhu cầu vào giai đoạn hoàn chỉnh. Đề tài ấy sẽ là những cuộc đấu khẩu miên viễn giữa ông và bố, nhưng ông không háo thắng như ngày trước mà chỉ tìm cách đẩy bố đến chỗ nào ông thấy là bố lúng túng thì ông dừng lại: ông gần như có thái độ của tay hiệp sĩ trung cổ, thấy đối phương rơi kiếm thì lập tức dừng lại khoanh tay chờ kẻ kia nhặt kiếm lên rồi mới tiếp tục ẩu đả. Không phải ông là kẻ chán trò chơi ấy mà chính là bố; hai người bạn mà mục đích mỗi cuộc gặp gỡ là những khẩu chiến giờ đây hết tìm ra ý vị gì nữa nên một trong hai phải ra đi. Với chức cựu chánh tổng, ông chánh Sâm chẳng trực tiếp dính líu với chính quyền cũ nên ông không cảm thấy có tội gì với cách mạng, vả lại, ông nghỉ, thái độ ông cũng có mặt tích cực: ông muốn tìm hiểu cách mạng đấy mà. Cho nên, bố không buồn khẩu chiến với ông nữa thì ông ra đi. Ông ra đi, đỉnh đạc hiên ngang như Quan Công với bộ râu ba chòm (ông thiếu mất hai chòm râu hai bên mang tai); trái lại, với lớp người khác sự ra đi hàm vẻ xa lánh, trốn chạy. Thí dụ như anh Hai. Anh Hai là rể trong đại gia đình, vốn là giám đốc cảnh sát, sau ngày cách mạng anh mang cả gia đình anh gồm chị và ba đứa con ra xa thành phố lập trại trồng khoai và nuôi dê sữa. Đó là thế xuất của anh. Ở xã hội mới người ta không dễ gì làm Sào Phủ, Hứa Do vì còn phải nghỉ đến hộ khẩu cùng phiếu thực phẩm.
     Giữa dòng cuồng lưu, có những con cá khôn và những con cá dại; những con khôn sẽ tự xuôi mình trôi theo dòng nước, con dại cố bơi ngược rồi cuối cùng sẽ hoặc đuối sức mỏi mòn hoặc bị trôi dạt không còn tìm được anh em đồng bọn. Cách mạng đào tạo những lớp người mới với luân lý mới và thị hiếu mới. Lớp trẻ sẽ là lớp người hậu thuẫn của cách mạng: tuổi trẻ và cách mạng dễ hợp duyên nhau. Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến dài hơi chống ngoại xâm và nội thù, người ta muốn lớp trẻ sống đời sống vật chất giản dị: sự xa hoa là kẻ thù vì nó sẽ ru ngủ nhiệt huyết và táo bạo, hai đặc tính của thanh xuân rất cần cho giai cấp tiền phong. Các cô gái cắt tóc ngắn và ăn mặc gọn gàng. Do đó có sự xuất hiện loại dép cao-su trắng hiệu "Con Hổ" gồm hai quai tréo đàng trước để giữ mấy ngón chân và một quai đơn giản phía sau vòng gót, tiền thân của đôi dép lốp xe sau này cày mòn dãy Trường Sơn. Nồi nước đã sôi thì nên giữ ngọn lửa cao mãi, cứ một hai ngày lại có một cuộc biểu tình tuần hành hay cuộc mít-tin để hoặc phản đối điều này hoặc ủng hộ điều khác. Mọi người đều hồ hỡi hay ít ra, tỏ vẻ hồ hỡi; chỉ có Đạo là thực sự hồ hỡi thôi. Trường học đóng cửa, thầy Paul hơi chới với một chút vì lỡ chọn tên Tây, cô Anh thì rất là tiểu thư khuê các e thẹn không chịu mặc quần ngắn trưng hai bộ đùi quá trắng và quá thon, và ngay cả ông đốc đạo mạo rất xứng đáng là đồ đệ thầy Khổng cũng chưa biết phải xoay xở ra sao. Bạn tưởng dễ ư? Lấy thí dụ như bạn vào vũ trường nhưng chưa là tay khiêu vũ sành sỏi, bạn rất muốn theo nhịp nhún nhảy cùng mọi người, nhưng cần phải có chút thì giờ nhẫm đếm nhịp đã chứ. Còn tùy thời cơ. Gặp tuýt thì bạn tuýt ngang xương, dễ hú; nhưng nếu là tango, là cha cha cha, rumba boléro mới làm sao đây? Thậm chí ngay cả nhảy dây cũng còn phải chờ khi đường dây hạ xuống nữa là! Tóm lại, vẫn cứ dùng vũ trường như hình ảnh tượng trưng thì người ta sẽ thấy thầy Paul còn đứng rất xa cửa vũ trường, cô Anh thì ngập ngừng ở cửa, còn ông đốc thì thâm thò thậm thụt vì chưa bắt trúng nhịp và chưa biết nên đưa chân nào ra trước, chân nào sau.
     Tạm thời Đạo ở nhà, mỗi tối bày sách vở ra bàn chịu sự trừng phạt của chị cả. Bố bận làm cách mạng, thì đại tỷ thay quyền; ngọn thước kẻ của chị cả thay cái quắc mắt của bố; nhưng ban ngày thì mọi người đều bận làm cách mạng nên họ gửi Đạo lên chơi với thằng em Thanh con ông chú. Chúng tha hồ trèo leo nhảy nhót. Vì mẹ ốm nặng nên mỗi ngày nhà phải mua một chai sữa dê nhỏ cho mẹ dùng. Người sản xuất sữa dê là một cựu giáo sư tại một tư thục của một họ đạo và chính ông cũng là người có đạo. "Đạo" là từ chỉ Thiên chúa giáo, lý do giải thích tại sao ông giáo phải chịu thất nghiệp. Việc mua sữa ở nhà ông giáo khiến mọi người nảy ra ý kiến gửi Đạo đến nhờ thầy dạy dỗ. Như vậy, mỗi sáng Đạo ôm sách đến nhà thầy học và khi về mang theo chai sữa cho mẹ, góp cho thầy Dương hai nguồn tài chánh: một phần tư chai sữa mỗi ngày và học phí cuối tháng. Ngoài những bài luận bài toán, thầy Dương cũng dạy cho Đạo tiếng Pháp vì thấy rằng Đạo có vỏ vẻ đôi chút; vô hình chung Đạo cũng là con cá lội ngược.
     Trong điều kiện bình thường, nếu đứa trẻ theo đuổi học hành một cách đều đặn thì mỗi tuần nó chỉ đến trường hai hoặc ba ngày là có một ngày nghỉ giữa tuần, tiếp đến hai hoặc ba ngày nữa là đến cuối tuần. Thỉnh thoảng có ngày lễ ngày hội và sau rốt, có ba tháng hè. Lứa tuổi của Đạo, vì hoàn cảnh kháng chiến, lại còn nhiều ngày nghỉ hơn nữa. Mới khai giảng, học được năm bảy hôm thì trường bị máy bay ném bom: nghỉ. Tìm nơi khác tá túc, phái tốn thì giờ sắp xếp trường lớp, tổ chức lại chương trình học, việc đó của các thầy cô; còn bọn trẻ chúng nó? -Nghỉ! Cho tới khi tổ chức vừa tạm ổn, chúng nó mới lò dò trở lại trường, đứa có mặt, đứa còn chưa kịp nghe tin, thì có thể có lệnh tản cư vì địch lấp ló đâu đó: trường đóng cửa. Lại nghỉ. Theo gia đình về miền quê tản mác nơi này nơi khác, người lớn lo đói, lo đau ốm, làm gì có thì giờ nghỉ đến việc học hành cho con cái, bọn trẻ tha hồ dong chơi, có được vài chữ trong bụng, sau thời gian không màng đến sách vở, chúng quên gần hết; cho nên nếu có cơ hội học lại là phải ôn từ đầu. Nhà giáo dục càng lúc càng gặp thêm khó khăn, mất rất nhiều thì giờ và công sức mà kết quả chẳng gặt hái được bao nhiêu. Vạn nhất, khi có khả năng thực hiện, các thầy các cô bổng từ đâu không rõ, ùa nhau đến mở trường mở lớp; học sinh cũng ùa nhau đến. Nhưng vì chịu ảnh hưởng quá nặng nề của đời sống vật chất hằng ngày mỗi người mang đến học đường mỗi khó khăn, mỗi vấn nạn riêng tư của họ. Lớp học thu nhận mọi thành phần quái dị, khác biệt: trẻ con ngồi chung cùng người lớn, anh có vợ có con đùm đề miệng méo theo bàn tay cố nắn nót trang chữ viết, ông cụ sửa gọng kính nát óc vì bài tính đố còn bọn trẻ con thì vừa học vừa véo ngắt đùa nghịch. Có khi người ta phải tổ chức lớp học đêm cho người lớn vì ban ngày họ bận kế sinh nhai và lớp học khuya trước lúc ngày rạng cho bọn trẻ con để tránh sự khủng bố của máy bay địch.
     Giặc Pháp tuy không có khả năng nới rộng, lấn chiếm, nhưng tìm cách quấy rối bằng lực lượng hải và không quân. Tàu thủy đi tuần ngoài khơi thỉnh thoảng cao hứng rề gần bờ thế là quân canh gác khua kẻng khua chuông báo động; nếu thấy có gì đáng nghi ngờ, sẵn đại bác chúng nện vài quả vào, dân chúng tưởng chừng địch sắp đổ bộ, xô nhau mà chạy. Còn không quân? Chắc nhiều lắm cũng chỉ vài chiếc phóng pháo, vài chiếc quan sát loại Morane nhưng tầm với quá gần nên những chiếc spitfire cũ kỹ đó vẫn có thể tung hoành trên vùng trời vắng đối thủ: ném vài quả bom mà chẳng thiết tìm mục tiêu, khạt năm bảy tràng đại liên vào đám dân lố nhố chạy trốn như đàn kiến dưới kia. Trong điều kiện sống như vậy ai cũng mệt mỏi không thể phác họa nổi một tương lai, dù cận kề. Những đứa trẻ lớn lên không để cho bố mẹ kịp nhận ra, lớn lên cùng với dốt nát, dở dang học vấn. Đạo có cái may là có một nửa tiểu đội chị gái tức là một nửa tiểu đội cô giáo nên dù không đến được trường, dù máy bay ném bom, dù tàu thủy rập rình nó cũng cứ luôn luôn phải gù lưng, oằn vai bởi những kiểm tra sít sao của đám nhân viên giáo dục bất đắc dĩ đó. Không có tài liệu giáo khoa thích hợp, các bà chị cho nó học những bài học xưa thời các bà ấy. Đạo thuộc lòng những bài thơ của bà huyện Thanh Quan nhờ tiếng ru của mẹ, những bài tập đọc trong các sách luân lý giáo khoa nhờ các bà chị, và hát những bài hát tiếng Pháp thời ..thống chế Pétain! Đạo "lạc hậu" như vậy khá lâu trước khi được giáo dục theo phương pháp cách mạng. Từ chỗ vác súng gỗ đi đều bước và hát:

Une fleur au chapeau
A la bouche, une chanson
Un coeur joyeux et sincère...


Đạo chuyển sang:

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường..

Nghiễm nhiên nó trở thành một nhi đồng ...cứu quốc!





VVM.16.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com