Â
m thanh dộng vào tai. Cô gái trở mình. Giấc ngủ nhùng nhằng trôi tuột xuống mặt gối. Tim đập hung hăng trong lồng ngực. Cô mở hé mắt.
Giấc chiêm bao dạt nhanh vào vũng tối căn phòng bé nhỏ. Mảnh chiêm bao trôi đi, tiếng cười của bầy trẻ trong những nếp gấp chiêm bao ấy còn
vẳng lại. Âm thanh lạ và gấp gáp bẻ gẫy những tiếng cười rộn rã. Cô gái nhận ra tiếng gõ cửa. Từng hồi. Hối thúc. Hoảng loạn. Cô chống tay
ngồi dậy. Bóng tối đặc kín căn phòng. Cô nghiêng đầu nhìn chiếc đồng hồ điện trên bàn ngủ cạnh giường. Hai giờ mười ba phút. Cô nhìn ra cửa.
Cửa phòng đóng kín. Không chút ánh sáng nào từ bên ngoài lọt vào qua khe cửa. Cô nghe tiếng tim mình khua náo loạn trong lồng ngực.
Tiếng gõ cửa lại dồn dập vang lên. Cô hít một hơi dài, nén sâu xuống lồng ngực để tự trấn an. Ai thế này. Cô lắc đầu vẩy cho sạch cơn ngầy ngật của giấc ngủ còn vướng trên hai mí mắt. Hình ảnh những đứa trẻ trong chiêm bao nhòe đi, rồi tan biến như sương mù. Ý nghĩ dạt nhanh qua óc cô. Ai lại quấy rầy cô lúc hai giờ sáng như thế này. Kẻ gian chắc chắn không làm vậy. Những tên trộm bao giờ cũng rón rén, nhẹ nhàng, tránh tối đa việc gây tiếng động. Tiếng gõ cửa thúc bách, dồn dập như thế chỉ có thể là tiếng gõ cửa của bọn cướp. Những tên cướp có súng, có dao, nói chung là có vũ khí. Và có mục tiêu rõ ràng. Vào nhà, áp đảo chủ nhà, tra tấn, khảo của.
Ngực cô nhói lên cái cảm giác sợ hãi. Cô chỉ có một mình. Cô nhớ mình không làm gì hại ai, cũng không gây chuyện hơn thua với bất cứ người nào. Ngay cả trong giấc chiêm bao vừa mới loãng đi. Giấc chiêm bao rộn ràng tiếng hát trẻ con trong buổi lễ khánh thành pho tượng lãnh tụ ngay trung tâm thành phố ở một quê nhà xa lơ lắc. Bọn trẻ con hát hò. Những đứa trẻ nghịch ngợm với những cây súng nước. Bọn trẻ bắn nước tung tóe vào người cô. Cô chỉ cười. Cô luôn cư xử tử tế với mọi người, dù trong chiêm bao hay ngoài đời sống. Mới hồi chiều cô còn cho ông lão vô gia cư nằm co dưới chân pho tượng Ông Tướng Đầu Hói trong công viên chai nước suối; và cô cũng tuyệt nhiên không gây thù chuốc oán với những tên xì ke, bọn buôn bán ma túy, lũ tội phạm, bọn cặn bã xã hội. Đang thong thả dạo bước, thấy phía trước có đứa tóc râu rậm rì, đáy quần lùng thùng tới đầu gối là cô đảo sang lề đường phía bên kia,
và cố không nhìn cái đứa ấy để nó không có cớ mà gây chuyện. Cô cũng không dan díu với bất kỳ người đàn ông nào để người đàn bà của hắn phải
tính chuyện đánh ghen. Cô nhớ một vài lần cô có mỉm cười xã giao với tên đàn ông đồng hương cao lêu khêu đầu dãy vẫn thường kiếm chuyện chào
hỏi vu vơ, nhưng cô chưa bao giờ thấy hắn đi với người đàn bà nào, nên cô nghĩ hắn còn độc thân. Từ lúc về sống ở đây, cô chưa hề làm mất
lòng ai.
Lại một tràng tiếng gõ dồn dập nữa. Hay là cảnh sát. Cô nhớ trong những phim hình sự thường xem trên ti vi. Bọn cảnh sát cũng gõ cửa như thế. Hung hăng, gấp gáp. Nhưng cô có làm chuyện gì phi pháp đâu mà cảnh sát đến nhà cô lúc hai giờ sáng như thế này. Lái xe chỉ vô tình không ngừng hẳn ở bảng Stop mà cô đã áy náy suốt ngày với mặc cảm kẻ coi thường luật pháp, dẫu chỉ là chút luật giao thông nhỏ nhặt.
Tiếng gõ cửa. Từng tràng tiếng gõ cửa. Rồi tiếng gõ thưa dần, thay vào bằng tiếng rít của móng sắc cào trên mặt gỗ. Đầu óc cô bồng bềnh. Chân tay cô lỏng lẻo. Cô chống tay ngồi dậy. Khung cảnh căn phòng hiện rõ dần. Con mắt đã quen bóng tối. Chiếc bàn học. Máy vi tính nằm giữa bàn. Cuốn sách nằm bên cạnh. Những áo quần mắc trên những cái móc đóng vào phía sau khung cửa. Tiếng gõ cửa rộn ràng. Tiếng gõ chợt to, chợt nhỏ, lẫn vào tiếng móng tay cào trên phiến gỗ, như thể bàn tay của kẻ nào đó ngoài kia đang rũ dần xuống vì kiệt sức.
Cô chợt nhớ trên ti vi khi gõ cửa cảnh sát thường la lớn, Police, open the door! Kẻ nào đang gõ cửa nhà cô không tự giới thiệu như thế. Vậy không thể là cảnh sát rồi.
Hay là một người nào đó gặp tai nạn, đang cần gấp sự giúp đỡ của cô.
Cô thòng chân xuống thảm, đứng dậy, mở cửa phòng ngủ, rón rén bước ra ngoài. Hành lang lờ mờ ánh đèn hắt ra từ cái đồng hồ điện trên bếp lò. Hai giờ hai mươi phút. Cô nhẩm tính trong đầu. Từ khi tiếng gõ cửa đánh thức cô tới lúc này, bảy phút đồng hồ đã trôi qua. Nếu người bên ngoài là ai đó gặp nạn, đang chảy máu chẳng hạn thì giờ này chắc đã chảy hết máu rồi.
“Ai đó?” cô run giọng, hỏi vọng ra. Cái run rẩy hụt hơi làm cách phát âm tiếng Anh của cô nghe ra thứ ngôn ngữ nào lạ hoắc.
Một tràng tiếng gõ dồn dập đáp lời cô.
“Ai đó?” cô gằn giọng.
Tiếng thở gấp, và một giọng đàn ông khàn đục, ngắt quãng, “Mở cửa… làm ơn…”
Cái giọng tiếng Anh rất chuẩn. Trong cơn hoảng hốt, cô vẫn nhận ra được điều đó.
“Ông là ai vậy?” Cô hỏi.
“Cho tôi vào…” Câu nói ngắn, chìm lẫn vào những tiếng móng tay rin rít cào trên mặt gỗ.
Cô nghĩ đến những mưu chước bọn cướp cạn hay dùng để những nạn nhân ngây thơ mở cửa cho chúng vào.
“Mà ông là ai? Tôi không biết ông…”
“Tôi không quen cô…” Giọng nói khàn, hụt hơi luồn qua khe cửa.
“Vậy ông gõ cửa nhà tôi đêm khuya thế này làm gì?”
“Vì cô biết tôi. Cô biết tôi rõ lắm… Cô có thể giúp tôi…”
“Ông ở đâu vậy?”
“Tôi ở ngoài công viên.”
“Công viên nào?
“Cái công viên trước nhà cô.”
Cô nghĩ tới người đàn ông vô gia cư mà hồi chiều cô đã cho chai nước suối. Ông già chiếm cái bậc thềm dưới chân pho tượng trắng làm chỗ cư ngụ. Pho tượng một ông tướng nào đó trong lịch sử, có cái tên dài ngoằng, mà cô và những người cùng xóm vẫn gọi tắt là Ông Tướng Đầu Hói vì cái đầu trơn bóng của pho tượng.
“Tôi chỉ có một mình…” Cô buột miệng rồi sực nhớ mình đã lỡ lời. Tự nhiên lại khai cho người lạ biết mình ở nhà một mình. Thông minh cả đời mà chỉ một giây hoảng hốt đã biến ngay thành đứa ngớ ngẩn. Cô thầm trách mình và đưa tay chặn cái chốt cửa dù cánh cửa vẫn đóng kín và cái chốt vẫn khóa chặt.
Âm thanh khô khốc của tiếng gõ và tiếng cào rin rít của móng tay lên mặt gỗ siết lấy hai thái dương cô. Những móng tay cào được như thế chỉ có thể là những móng tay bằng sắt, móng của những bàn tay phù thủy.
Cô nắm lấy hai vạt áo ngủ, túm cả cổ áo cho thật chặt, như thể đang có hàng trăm con mắt trong vũng đêm nhìn xoáy vào cô.
“Ông có chảy máu không?” Cô hỏi vội.
“Không. Tôi không còn chảy máu được nữa.” Giọng nói khàn đục và hụt hẫng bên ngoài. Âm thanh ấy làm da thịt cô nổi gai.
Vẫn những tiếng gõ, những tiếng gõ yếu nhược. Và tiếng móng sắt cào trên thanh gỗ cánh cửa.
Cô rùng mình.
“Cho tôi vào… Làm ơn cho tôi vào…”
“Không được.”
“Cho tôi vào. Chúng nó… Chúng nó… đông quá.”
Khắp người cô nổi gai. Hai bắp chân cô mềm nhũn. Cô thều thào, “Chúng nó làm gì ông?”
“Chúng nó… chúng nó,” hơi thở phì phào ngắt ngang câu nói của người đàn ông ngoài khung cửa. “Chúng nó đòi chặt đầu tôi…”
Tiếng nổ chát chúa trong đầu cô. Cô run bắn lên. Hai cánh tay rụng xuống hai bên thân người.
“Ai đòi…” cô nói không ra hơi. “Ai chặt đầu ông?”
“Chúng nó… nhiều đứa lắm… chúng nó…”
“Ông ở ngoài đó đi, để tôi gọi cảnh sát cho ông.”
Cô nói và hốt hoảng xoay lưng, bước vội qua phòng khách, vồ lấy cái điện thoại. Tiếng gõ cửa im bặt sau lưng cô.
Cô bần thần nhìn quanh. Những con số trên mặt chiếc đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Cô nhẹ nhàng đặt cái điện thoại xuống bàn. Nếu ông già còn đó và nếu bị thương tích thì giờ này máu ông đã cạn. Và ông đã chết rồi. Không còn tiếng gõ cửa. Không gian im vắng. Căn phòng chỉ còn tiếng rì rào phát ra từ cái tủ lạnh ở góc phòng.
Nhưng đó có phải là ông già vô gia cư ngoài công viên hay kẻ gian muốn vào nhà ăn cướp. Mà đúng là kẻ gian rồi, nếu không tại sao vừa nghe cô nói gọi cảnh sát là biến ngay đi như vậy.
Cô rón rén bước ra phía cửa, ghé mắt nhìn qua cái lỗ nhỏ trên cánh cửa. Khoảng sân hẹp trước nhà vắng tanh dưới ánh đèn đường vàng vọt. Ông già đã bỏ đi. Có phải ông già hay kẻ gian nào đó. Cô bần thần nghĩ ngợi. Hay là những tiếng động ấy lọt ra từ giấc chiêm bao. Cô vào giường và lăn qua lăn lại trên tấm nệm êm ái, mãi mới ngủ lại được.
Buổi sáng cô thức dậy trễ. Chuyện bất ngờ đêm qua làm cô trằn trọc mãi. Mười giờ sáng cô mới ra khỏi giường. Việc đầu tiên cô làm là mở cửa xem ông già đêm hôm trước còn đó không. Tờ báo cuộn tròn, buộc bằng dây thun nằm trơ vơ trên thềm. Người đưa báo bao giờ cũng đến sớm và ném tờ báo đúng ngay cái chỗ mọi ngày. Cô nhìn đăm đăm xuống nền xi măng. Không có vệt máu. Không có dấu chân vương bùn đất. Cô nhìn săm sói bên ngoài cánh cửa, tìm những vết cào móng tay. Không có gì hết. Cô đi vòng phía trước, nhìn hai bên hông nhà. Không có xác người nào nằm vật vạ ở đó. Cô nhìn ra đường. Những chiếc xe cảnh sát đậu dọc theo khu công viên trước nhà. Đèn khẩn cấp nhảy múa trên nóc xe. Cô tò mò túm chặt vạt áo bước xuống khoảng sân hẹp trước nhà. Ba bốn người hàng xóm lao xao trò chuyện bên lề đường. Một người trong đám là gã đàn ông đồng hương lắm chuyện vẫn luôn tìm cách gợi chuyện, đưa đẩy với cô.
“Chuyện gì vậy?” Cô hỏi trống.
“Bọn phá hoại.” Một người trả lời.
Cô nhướng mắt ngạc nhiên.
“Có kẻ nào đó đập gẫy cổ pho tượng trong công viên.” Người thứ hai giải thích.
“Thế là thành phố này có đúng bốn pho tượng bị bọn phá hoại đập gẫy cổ rồi.” Người thứ nhất tiếp lời.
Cô tròn con mắt, “Pho tượng nào thế?”
“Pho tượng Ông Tướng Đầu Hói trong công viên. Chỗ tôi thấy cô ngồi đọc sách hoài đó,” gã đồng hương cao nhòng nhiều chuyện nói với cô bằng tiếng Việt. “Lúc này chẳng hiểu sao khắp nơi nổi lên phong trào đập phá tượng đài kỷ niệm.”
Cô bối rối nhớ lại giấc chiêm bao đêm vừa rồi. Và người đàn ông nào đó đập cửa cầu cứu. Cô nheo mắt nhìn ngược vào trí nhớ, cố phanh phui tìm chỗ giao tiếp giữa chiêm bao và thực tại. Cô hoang mang như người đi lạc. Giấc chiêm bao có lễ khánh thành tượng một ông lớn ở quê hương cô. Và cái phần gõ cửa cầu cứu phải chăng là đoạn chiêm bao tiếp nối. Những ý nghĩ làm cô chóng mặt.
Và cô thắc mắc không biết phong trào đập phá tượng đài – như gã đồng hương vừa nói – có lan về tới quê nhà cô không. Nếu có thì chắc cả tháng trời đập phá liên tục cũng không cách chi hết được. Cô nghểnh cổ, dõi mắt nhìn sang khu công viên bên kia đường. Ông Tướng Đầu Hói thấp thoáng phía sau những tàng cây phong xanh lá. Cô nhớ nét mặt hiền từ cùng hàng râu mép vểnh lên như hai dấu hỏi và cái đầu trơn bóng của Ông Tướng. Những người cảnh sát lẩn quẩn chung quanh chân tượng.
Bỗng dưng câu nói của người đàn ông đập cửa nhà cô đêm qua lao xao trong óc cô, Chúng nó… chúng nó… chúng nó đòi chặt đầu tôi!
Cô ngồi thụp xuống bậc thềm, hai tay ôm lấy đầu. Cơn chóng mặt quấn lấy cô. Khuôn mặt hình chữ nhật của gã đồng hương méo xệch trước mắt cô.
Giọng gã chợt dài và loãng ra như phải luồn qua sợi dây điện chắp mối đến một chiếc loa vỡ. “Chỉ là pho tượng thôi mà. Cô có sao không?
Em có sao không?”
Nov. 04. 2020