Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CHỊ TÔI




    T ôi thở phào nhẹ nhõm vì ở quê mọi chuyện bình thường, chị Gái lên chỉ cốt chỉ đón mẹ con tôi về quê ăn Tết. Đúng là tôi sơ ý quá, không báo trước, làm chị vất vả, Tết này đã có kế hoạch về quê. Thoáng thấy ân hận, lâu nay mải mê công việc, bận bịu chuyện gia đình, đâm lơ là, ít quan tâm tới chị. Lần này chị lên, linh tính mách bảo, chắc còn việc gì nữa, mà chưa tiện nói ra. Việc gì thế nhỉ? Hay câu đùa của tôi lúc chị em gặp nhau là thật, chị sắp xây dựng gia đình. Đang miên man suy nghĩ, chợt tiếng chị cắt ngang: "Lâu nay em có nhận được thư của thầy và dì không?" Tôi giả vờ như không nghe rõ, lại thấy tiếng chị hỏi tiếp:

- Vẫn còn giận thầy sao em? Thầy năm nay tuổi cao, gần bảy mươi rồi! Đến bao giờ chị em mình mới gặp lại được thầy? Nhiều lúc nghĩ, chị thấy thương thương ấy!

Chị vẫn nghĩ tôi còn giận ông, đang thuyết phục em gái đấy. Không, tôi có còn giận nữa đâu, có đêm mơ, gọi ra tiếng: Thầy ơi! Khi tỉnh giấc, thấy nước mặt lã chã trên gò má. Song tôi cố lấy giọng gay gắt:

- Thì có ai bắt thầy phải vậy đâu. Chính thầy gây ra thế. Em không quên cảnh chị em mình ôm nhau khóc và u ngồi lặng. Ông ấy - thầy... thầy bỏ chị em mình, bỏ u. Vì thầy, mà u, mà chị...

- Kìa Tý... em - chị ngắt lời tôi - Nếu còn sống, u chắc chả còn giận thầy nữa!

**

 Ngày ấy tôi giận hờn thầy tôi lắm. Mãi sau này khi làm cha làm mẹ, mới thấu hiểu cho ông. Mỗi khi chợt nghĩ đến ông, trong tôi cảm giác tui tủi và hờn dỗi của đứa con sớm mồ côi mẹ, bằn bặt xa cha từ khi mới lên sáu, bảy tuổi. Chỉ những ai trải qua, không có cha, không còn cả mẹ nữa, mới thấu hiểu niềm ao ước, có cha, có mẹ. Với tôi, tuổi thơ trôi qua khá nặng nề. Dù lúc đó còn nhỏ, tôi vẫn cảm nhận không khí gia đình mình. Thầy tôi lạnh lùng với vợ. Tuy chưa một lần nghe ông quát tháo, nhưng cũng chưa bao giờ nghe thấy một lời ngọt ngào của ông với u tôi. Tôi biết, bà rất sợ và yêu chồng.

U tôi, một người đàn bà nhu mì, lại không được khỏe mạnh. Sau này tôi mới biết, nguyên nhân đau ốm của bà. Lần sinh nở tôi, ca sinh khó khăn, phải mổ, u tôi không còn khả năng sinh đẻ nữa. Và rồi tuổi thơ ấy, dù là nặng nề, cũng có kéo dài được đâu. Nó quá ngắn ngủi, kết thúc bật ngờ và thật buồn tủi. Tết năm ấy nhà tôi đụng nửa đùi lợn, có gói giò, nấu nồi thịt đông. Sáng hai chín Tết, thầy tôi đi đâu đó. Tôi hỏi, không thấy u tôi nói gì, chỉ nghe tiếng bà thở dài, nom đến tội nghiệp. Biết mẹ buồn, tôi không dám hỏi nữa. Lúc mẹ cùng chị Gái lúi húi gói bánh chưng ngoài sân, tôi quanh quẩn nghịch rá gạo và nồi đậu xanh. Tôi làm gạo đỗ vương vãi và lộn xộn đám lá dong. Chị Gái hết dỗ dành sẽ gói cặp bánh đẹp, luộc rền cho tôi, rồi hứa, mừng tuổi cho em Tý đồng năm xu mới để bỏ ống và dỗ em ra ngõ chơi, tôi vẫn không chịu. Đến khi làm đổ rổ lá, bực quá, chị phát cho một cái, tôi lăn đùng ra ăn vạ. Đúng lúc ồn ã đó, thì cánh cổng xịch mở, thầy tôi xuất hiện. Cùng về với ông có người đàn bà lạ, tôi chưa lần nào nhìn thấy bà ta. Thấy tôi đang lăn lộn trên sân, gạo đỗ vương vãi, thầy tôi quắc mắt:

- Khốn nạn. Mày tưởng sung sướng lắm mà hành a!

Sau mỗi tiếng quát là những cái phết của ông. Đau thì ít, tủi thân thì nhiều, tôi nấc lên, khóc không thành tiếng. U tôi thương con, van vỉ xin chồng và người đàn kia cũng vậy. Rồi bất chợt sau đó tiếng chị tôi thất thanh:

- U, u ơi, u làm sao thế này!

Còn đang tức tưởi tôi vẫn kịp nhận ra tiếng kêu lạc giọng của chị. Ngoái đầu nhìn về phía u, kìa, sao mặt u tôi xanh xám, người mềm oặt, người dựa nghiêng vào chị Gái. Thấy ồn ã, hàng xóm đổ sang, người xúm vào lay gọi, người cầm bát ăn cơm chạy đi xin nước tiểu trẻ con, người đi lục tìm tóc rối. Chỉ loáng sau bà hàng xóm bê bát nước tiểu lại, thả búi tóc rối vào, khuấy khuấy, rồi múc từng thìa, đổ vào miệng u tôi. Một lúc sau mới thấy u tôi he hé mắt. Rất lạ, cảnh tình vậy mà thầy tôi thờ ơ. Suốt cả thời gian hàng xóm cứu chữa u tôi, ông và người đàn bà kia không hề ló ra sân. Tôi loáng thoáng nghe người lớn nói, u tôi ngất vì ghen. Tôi không hiểu ghen là cái gì và tại sao bà phải ghen.

Khi u tôi đã tinh tỉnh, hàng xóm tản về hết rồi, thấy thầy tôi bực dọc bước ra sân, người đàn bà lạ bẽn lẽn bước theo ông, họ lặng lẽ dời nhà và cả hai không một lời nói năng gì với chúng tôi. Mấy ngày Tết không thấy ông về, còn u tôi nằm bệt giường. Gần rằm tháng Giêng mới thấy thầy tôi quay về, theo sau vẫn là người đàn bà lạ hôm trước. Nhưng lần này thầy tôi có vẻ buồn, ánh mắt nhìn chúng tôi là lạ. Qua chị Gái, ông bảo, có chuyện muốn nói với u tôi. Trong lúc chị Gái lưỡng lự, chưa vào buồng gọi mẹ, thì u tôi húng hắng ho, vịn cửa bước ra. Thầy tôi ngập ngừng, dáng vẻ căng thẳng, mấy lần châm lửa, mà chả hút xong điếu thuốc lào.

- U cái Gái... tôi có chuyện muốn nói... - tiếng ông trầm và nhỏ - Chắc u nó cũng biết. Nào tôi có muốn cảnh tình này đâu. Bận sinh con Tý, u nó phải mổ, không sinh nở được nữa. Nhà lại chỉ hai mụn con gái. Tôi đã buồn, biết u cái Gái còn buồn khổ hơn. Mà thôi, không nhắc tới chuyện ấy nữa. Lâu nay, chưa nói ra, thì u nó đã hay. Đây là cô ấy, người làng Hạ. Con Gái, con Tý sẽ gọi bằng... dì. Cô ấy không ở đây đâu, mà u con mày lo. Thầy và cô ấy sẽ đi xa, đi vùng kinh tế trên Lào Cai. Thủ tục xong rồi. Hôm nay thầy và cô ấy về gặp mẹ con mày, chiều ra ga, ngược chuyến tầu tối. Thầy tính kỹ rồi, nhà cửa ruộng vườn để lại hết cho mẹ con. Giờ cái Gái đã lớn, thầy đi rồi, mày phải giúp đỡ u, bảo ban em Tý.

Chị tôi nức lên, còn u tôi lặng đi, không nói nên lời, mắt bà nhòa lệ, những giọt nước mắt thánh thót nhỏ xuống vạt áo. Tuy mới sáu, bảy tuổi tôi vẫn cảm nhận được điều bất hạnh đang xảy ra với u con tôi. Thầy tôi lục lục xếp xếp đám quần áo. Ông làm khá vội vàng và cố giấu đi vẻ mất bình tĩnh của mình. Tôi kịp nhận ra, khuôn mặt ông cũng nhoà trong nước mắt, ông mấy lần để tuột dây gói đồ. Người đàn bà - tức là dì tôi ấy - phải giúp ông thắt buộc lại. Bất ngờ, tôi lao về phía thầy tôi, ôm ghì lấy ông. Hai tay thầy tôi đặt lên vai tôi, cô gái út, nó đang rung lên, rung lên theo nhịp:

- Tý ơi, con còn giận thầy nữa không? Hôm trước thầy nóng giận, thầy đánh Tý, Tý đau không? Nào có phải thầy muốn thế đâu. Bao giờ lớn, các con sẽ hiểu, sẽ tha thứ cho thầy...

Thầy tôi tay ôm, vai xách bọc quần áo, người đàn bà líu ríu khoác tay nải, bước sau ông. Trước đó tôi nghe bà ấp úng mấy câu gì đó, hình như là chào và xin u tôi tha thứ. Tiếng chị Gái cũng nấc lên thành nhịp. Tôi cố vùng ra, mà không thoát nổi cánh tay ghì siết của chị. Ghì mãi, ghì mãi, tận khi thầy và dì tôi đi khá xa rồi, chị mới buông tay và cả hai chạy vọt ra sân. Chị em tôi đứng lặng nhìn theo bóng hai người. Tôi còn nhớ, ông và người đàn bà bước đi vội vã, họ đi như là chạy trốn ấy. Chúng tôi trân trân ngó theo, tận khi bóng hai người khuất sau rặng cây xa xa trên cánh đồng chiều tà quê. Hình ảnh ấy cứ khắc đậm mãi trong đầu óc non dại và qua suốt những năm tháng cuộc đời tôi.

Sau dịp ấy, sức khỏe u tôi suy giảm nhanh, vài tháng sau thì bà mất. Chị tôi phải nghỉ học. Mười ba tuổi chị thành lao động chính, tự nuôi mình và em ăn học. Nhờ có người chị tần tảo, mà tôi tiếp tục được đến trường và cũng là người đầu tiên ở làng, bước chân vào đại học. Mấy năm xa nhà, những dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, tôi biết có người đang theo đuổi chị. Không hiểu sao, chị không chịu nhận lời, hỏi thì chỉ ập ừ, trả lời cho qua chuyện. Trong thâm tâm tôi biết, lý do - chị quyết chí nuôi em ăn học cho đến nơi đến chốn. Bao năm đằng đẵng nuôi em, em ra trường, xây dựng gia đình, chị vẫn phòng không. Người con gái có cái núm đồng tiền rất duyên và đôi mắt đen thăm thẳm năm nào, nay đã quá tuổi xuân.

Lại nói về thầy tôi. Sau ngày ông đi xây dựng kinh tế mới, chúng tôi thi thoảng nhận được thư ông. Cuộc sống của ông bà trên vùng cao ấy khá vất vả, lại sinh nở nhiều, chúng tôi có thêm hai em gái và hai em trai nữa. Rồi thư ông cũng thưa vơi dần, năm hay vài ba năm một lá. Có lẽ do thư về, mà chả có thư đi, chúng tôi giận ông, nhận được mà không hề đáp lại.

Trên chuyến xe về quê ăn Tết, bất chợt tôi nghe chị Gái nói, mới nhận được thư trên ấy. Cậu em trai lớn của chúng tôi vừa sinh cháu thứ hai, còn cậu út, mới lập gia đình, tôi buột miệng:

- Thôi thế thì thầy và dì giờ cũng đỡ vất vả. Chắc cuộc sống ổn định rồi. Tuổi già của thầy dì sẽ đỡ vất vả.

Nghe tôi nói vậy, chị Gái vẻ rất vui, tiếng nho nhỏ:

- Thế là em không còn giận thầy và dì nữa. Chị lên chuyến này đón mẹ con về ăn Tết, cũng là chuyện ấy đấy.

Từ lúc nghe chị nói vậy, tôi thấy sốt ruột quá, rất muốn rõ, chuyện gì, song tàu xe, thật chưa tiện hỏi.                                  

   

***  

      Về đến nhà, cổng ngõ không khép, giữa sân có đôi trai gái vừa gói bánh vừa chí chóe trêu đùa nhau. Hai đứa con gái tôi: Ủn chị và Ỉn em lanh tranh chạy trước, thấy cảnh đó, chúng dừng cả lại.

Quá bất ngờ tôi thấy thầy tôi đứng trên hiên nhà. Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn không quên khuôn mặt của cha. Lặng như trời trồng, tôi chả nhớ mình có thốt nên câu nào không, kể cả câu chào người cha của mình ấy. Tận khi chị Gái thảng thốt giục, tôi mới chợt nhớ:

- Thầy!

Lâu lắm rồi tôi mới được gọi lại câu ấy. Với tôi, tuổi thơ quá thiếu thốn tình cảm, tình cảm của cha, của mẹ, chợt nay nó ập đến, đến trong muộn mằn.

Trong bữa cơm chiều tối xum vậy, đoàn viên, lâu lắm rồi tôi mới thấy chị Gái vui đến thế. Chị như trẻ ra đến mươi tuổi. Nhìn chị Gái cười, tôi lại thấy núm đồng tiền rất duyên và đôi mắt thăm thẳm xưa./.

  Hà Nội, 1998


                                                      

VVM.16.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com