S au một tuần nghỉ phép, Biên trở về đơn vị trong một tâm trạng đầy ưu tư. Mọi chuyện vừa xảy ra quá đột ngột, những điều mà chưa bao giờ Biên nghĩ tới.
Từ lúc ra bến xe, bước lên chiếc xe đò về Tây Ninh. Xe qua những nẻo đường sầm uất, bụi bặm, những quận lỵ vắng vẻ như thiu ngủ, quán hàng, nhà cửa liêu xiêu, đồng ruộng khô cằn dưới ánh nắng chói chang của mặt trời mùa hạ. Xe ngừng cho khách xuống, khách lên. Những người bán hàng rong lao xao bên cửa xe mời mua nước giải khát, bánh trái. Biên chỉ lắc đầu, chẳng hề nhìn xem họ là ai. Một chị, một anh hay chỉ là những đứa trẻ cơ cực, lam lũ. Thậm chí, anh cũng chẳng quan tâm đến người khách ngồi bên cạnh. Trong đầu Biên tràn ngập những băn khoăn. Không biết mình còn đi lại trên con đường quen thuộc này bao nhiêu lần nữa. Chẳng lẽ tất cả sẽ trở thành kỷ niệm, quá khứ. Cuộc sống của anh dường như luôn được vận hành bởi người khác. Anh chẳng bao giờ tự quyết định. Nhưng nói thế cũng không đúng. Biên đang bị giằng xé giữa hai chọn lựa.
Trước khi về phép, Biên đã vẽ ra trong đầu mình nhiều chuyện phải làm. Nếu tìm được những thằng bạn cũ, sẽ kéo nhau ra Givral, Brodard uống cà phê ngồi ngắm đô thị sắc màu, sau những ngày kinh kỳ biền biệt. Hay tới quán Hai Cua, nhâm nhi ly bia lạnh với những cuộn chả giò thơm lừng mùi cua biển. Anh cũng không quên lời hứa với ba thằng Hùng là sẽ đến thăm ông, thắp một nén nhang cho nó. Hình ảnh người đàn ông đến nhà xác nhận lại những di vật của đứa con tử trận, mân mê những mảnh giấy ố vàng loang lở màu khô của máu hôm nào, là một hình ảnh chẳng bao giờ anh quên. Những điều quá nhỏ nhoi, thế mà anh lại không thực hiện được, từ sau đêm đó.
Trong lúc chờ đợi những người lính dàn dựng sân khấu. Đám nhạc sĩ ngồi bệt trước thềm cửa của hội trường hút thuốc, trò chuyện. Tất cả cùng gật đầu chào một cách cung kính khi nhìn thấy người đàn bà tiến đến.
Trong chiếc áo dài tha thướt quí phái, người phụ nữ nhoẻn miệng cười thân thiện:
- Mấy anh ban nhạc hả?
"Lính mới" Biên cũng vô tư mỉm cười theo.
Hoà đứng gần đó, chạy lại nói nhỏ thằng em:
- Mày đúng là một thằng ở rừng về, bà Trung tá đó!
Thì có sao đâu, quả thật mình mới ở rừng về phố được hai ngày. Tất cả đều xa lạ.
Nghĩ vậy nhưng Biên cũng cảm thấy ngượng với ông anh.
Sinh nhật của ông Trung tá chỉ huy C3 được tổ chức ngay trong trong căn cứ. Biên không biết người Guitarist thường trực của ban nhạc này là ai. Nhưng Hoà, tay trống và cũng là chef d’orchestre của ban văn nghệ đã muốn thằng em mình chơi nhạc cho buổi sinh nhật tối nay.
Hoà nói với Biên:
- Mày đừng có sợ, anh biết trình độ của mày mà. Dư sức qua cầu!
Hoà đưa cho Biên danh sách những bản nhạc thường chơi trong những buổi dạ vũ. Biên thấy cũng không có gì mới mẻ. Đó là những bản nhạc mà anh thường nghe radio và cũng ôm đàn đệm theo trong lúc rảnh rỗi. Cũng là những bản nhạc ngày trước Hoà đã từng chỉ cho Biên, khi anh chưa vào lính.
Những trường Trung học ở Sài Gòn không phải trường nào cũng có dạy môn âm nhạc. Hai người anh của Biên được học nhạc lý ở trường Taberd. Từng học trống, học saxo với thầy dạy tư. Biên chẳng qua một trường lớp nào cả. Ngón đàn Biên có được cũng nhờ hai người anh nhạc sĩ chỉ dạy và thêm đôi tai biết thẩm thấu. Từ những ngày xưa, khi Biên độ chừng mười hai, mười ba tuổi. Ba anh em vẫn thường tập dợt với nhau. Âm nhạc, kèn trống trở thành nghề của hai người anh. Nhưng với Biên chỉ là vui, vì Biên còn nhỏ quá. Nếu có đàn địch cũng chỉ là những buổi văn nghệ ở trường.
Dù tất cả đều mặc quần áo dân sự, y phục lóng lánh chút hào nhoáng phải có dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng mọi người đều đổi tư thế, cùng đứng lên như thể đang ở sân cờ chuẩn bị màn thao diễn khi ông Trung tá bước vô phòng.
Xuất thân từ trường trung học Pháp và tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia. Trước khi thuyên chuyển về làm chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, ông đã từng là chỉ huy trưởng của nhiều binh chủng thiện chiến. Cao lớn, đẹp trai, oai hùng, hào hoa và nghệ sĩ. Tất cả mọi nét đẹp được hội tụ trong dáng vẻ của ông Trung tá.
Ông đảo mắt nhìn mọi người, giọng miền Nam sang sảng:
- Nhớ nhe! mấy cậu phải commencer với Espana Cani-Pasodoble.
Hoà tiến tới bắt tay vị chỉ huy và kéo Biên tới giới thiệu với ông:
- Thằng em trai mà em nói với Trung tá đó.
Ông gật gù, thân thiện vỗ vai Biên:
- Chơi vui tối nay nhe!
Mọi sự tưởng chỉ bình thường trong câu nói xã giao của ông Trung tá chịu chơi nghệ sĩ. Đêm ấy, Biên đã vui hết mình. Biên cũng chẳng ngờ cái tai quen nghe bom rơi, súng nổ của mình bấy lâu nay lại có thể nghe nhạc và chạy theo nó một cách nhuần nhuyễn. Khi tàn cuộc, trên xe trở về nhà, Biên nghĩ, giá như lâu lâu mình được đi theo anh ba chơi nhạc như thế này chắc là lý thú lắm.
Nỗi ao ước bất chợt của Biên không là niềm ao ước nữa. Nó đang sắp thành hiện thực, cái "thực" hiện ra mời gọi khiến anh sững sờ.
Hoà nói với cậu em trai:
- Sao, mày thấy bữa đó vui không? Thấy vui thì chuẩn bị chờ thuyên chuyển đơn vị. Trung tá thích mày lắm. Mày thấy đó, ông rất nghệ sĩ, ổng nói không muốn một tài năng bị giết chết vì súng đạn. Cũng một dịp may cho mày là căn cứ đang muốn lập thêm một ban nhạc nữa.
Chẳng chờ Biên trả lời, Hoà dư hiểu thằng em của mình. Với tính khí thầm lặng, dáng vẻ lúc nào cũng đầy tư lự. Nó sẽ chẳng bao giờ quyết định một điều gì nhanh chóng. Hoà tiếp lời:
- Nhưng không chỉ chơi nhạc trong căn cứ. Phải ra tiền đồn, cũng nhiều rủi ro vì súng đạn chẳng biết đâu mà tính.
Biên chưa hình dung ra quang cảnh một buổi văn nghệ tiền đồn như thế nào. Anh nghĩ, một khi đã ký thác đời mình vào cuộc chiến. Giao tranh, xáp lá cà còn chưa sợ, huống hồ gì tên bay đạn lạc ở tiền đồn.
Tình hình chính trị không mấy lạc quan trong việc Hoa Kỳ đang lên lịch trình rút quân bằng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh". Có nghĩa là trách nhiệm chiến đấu sẽ hoàn toàn thuộc về quân đội miền Nam. Cuộc chiến sẽ cam go hơn vì không còn sự yểm trợ của đồng minh Mỹ. Nên tin Hoà đem về là một niềm vui vô tận của gia đình.
Biên nhớ lại khuôn mặt niềm nở hân hoan của ông Trung tá khi ông bước lên sân khấu, cảm ơn ban nhạc đã cho ông một đêm sinh nhật vui vẻ. Ông cũng đến gặp Biên, vẫn cái nhìn gật gù như lúc đầu. Biên biết anh mình là một người lính thân cận với vị chỉ huy yêu thích văn nghệ. Và sự thật ông Trung tá muốn kéo anh về ban tâm lý chiến trong căn cứ của ông vì không muốn súng đạn giết chết một tài năng, hay cũng do Hoà vận động, xin xỏ? Đương nhiên Hoà sẽ không nói rõ hơn sự việc này. Tất cả bây giờ do Biên quyết định. Những ngày phép còn lại, Biên trở nên ù lỳ, anh chẳng còn tinh thần đầu óc để làm bất cứ một điều gì khác, ngoài chuyện ra ngồi quán cà phê. Biên không muốn nhìn thấy ánh mắt đầy niềm vui của mẹ anh.
Bà nói với anh:
- Một dịp may mà không phải ai cũng được con à. Má nghe thằng Hoà nói con đờn rất hay, con cũng thích lắm mà!
Làm sao Biên lại không thích. Anh biết đàn từ năm mười một tuổi. Được thi thố hết tài năng trên một sân khấu với cả trăm người nghe đêm đó chẳng phải là một hạnh phúc quá lớn của anh hay sao?
Lần đầu Biên đến quán cà phê này. Một cái quán, mà những chỗ ngồi hầu như đã được đánh số, dành cho lớp người trong văn giới, trí thức. Có thể ví như một câu lạc bộ "Hàn Lâm", dù nó có một cái tên rất mộc mạc, đậm đà văn hoá Đông Phương. Mặc kệ chứ! Dù sao ngồi trong cảnh ồn ào nói cười rôm rả của những tay ký giả, nhà văn, nhà báo vẫn còn hơn là ở một nơi yên lặng, thơ mộng ấm cúng. Cái không khí tình tứ đó chỉ dành cho những cặp tình nhân, trai thanh gái lịch, mà có lẽ ngày trước anh cũng rất thích. Bây giờ thì Biên đã khác. Anh đi tìm sự yên lặng nội tại, nhưng lại sợ thứ không khí êm đềm ngoại giới.
Chưa phải giờ tan sở, tan học. Nên khi Biên bước vào La Pagode, quán chỉ thưa thớt vài người. Biên chọn một chỗ ngồi trong góc khuất, trước mặt anh là một công viên. Nắng buổi chiều dịu dàng rót trên những vòm cây. Nắng qua kẽ lá, thả xuống mặt đường từng đốm sáng chuyển động thành những hình thù ngộ nghĩnh mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi qua. Đám cỏ thưa thấp, biêng biếc một màu xanh, mọc quanh gốc cây của rặng cây cao trước quán cũng se sẽ chao động như thẹn thùng trong nắng gió.
Phố mát mẻ linh động hơn khi chiều xuống. Người qua kẻ lại dập dìu. Những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ. Những tấm áo dài trắng xen lẫn áo màu. Những chiếc mini jupe, quần Jeans, sơ mi hoa hoè tươi mắt. Những người Mỹ cao to, và cả những chàng lính trong bộ quần áo nhà binh, làn da sạm nắng, chắc cũng mới được về phép như Biên. Những hình ảnh mà lâu rồi Biên chưa được nhìn thấy.
Con đường sang trọng nhất nhì của thành phố nên người đi dạo nhìn cũng rất lịch sự trang nhã. Ngay cả những đứa trẻ đang nô đùa, chạy nhảy quanh những băng ghế, bồn hoa trong công viên bên kia đường. Chúng khác biệt rất nhiều so với những đứa trẻ nhếch nhác anh thấy nơi những xóm làng, nơi phố chợ buồn thiu nắng bụi.
Rồi anh sẽ trở lại thành phố này, ngày ngày chạy xe lên căn cứ tập họp. Thỉnh thoảng đi chơi nhạc ở tiền đồn hay có thể vào một vũ trường nào đó như hai người anh. Cuộc sống êm đềm của đô thị, nơi không khí chiến tranh chưa lan tới.
Biên nhớ ngày háo hức trốn nhà đi nhập ngũ. Anh biết rõ mình muốn gì? Tại sao bây giờ phải quay về, sống lại cuộc sống mà mình đã nhất quyết bỏ đi. Nghĩ thế thôi, nhưng anh biết, ngày sắp tới, chẳng bao giờ giống ngày đã qua. Hoàn toàn không, và một tương lai đang chờ anh, nó đầy quyến rũ. Nó không phải là quảng đời nhàm chán thuở xưa.
Chiếc xe đang ngon trớn lướt trên đường thì bất ngờ một con chó chạy băng qua. Tài xế nhanh chân thắng gấp. Cả thân xe chòng chành như muốn lật. Bánh xe nghiến trên mặt lộ tạo nên một âm thanh rít rát, rợn người. Xe khựng lại, tiếp theo là những tiếng la ó thảng thốt của đám hành khách đang lơ mơ ngủ, chợt chao đảo mất thăng bằng. Người bị đập đầu vào lưng ghế phía trước, kẻ ngã nhoài theo người ngồi bên cạnh.
Gã tài xế giận dữ nhìn cậu lơ xe:
- Đù má chó nhà ai thả rong bậy bạ? Bà mẹ nó! Mày xuống bắt nó, tao chở về ngã ba Ông Tạ!
Tiếng phì cười cất lên phía sau, tiếng ho hắng và như ai đó đang muốn nôn mửa vì không chịu đựng được cú va đập vừa rồi. Biên không ngủ, nhưng thần trí vật vờ. Anh chỉ sực tỉnh khi khuôn mặt của một người đập nhẹ vào vai anh, một mái đầu đổ xuống, tóc loà xoà trên những ngón tay Biên.
Bây giờ anh mới nhận ra bên cạnh mình là một cô gái. Anh nhớ lúc khởi hành, người khách lên xe ngồi kế anh là một cậu thanh niên. Vì biết mình đi tới trạm cuối cùng, nên Biên đã chọn ghế ngồi sát cửa sổ. Chẳng làm phiền sự lên xuống của người bên cạnh và ngược lại. Lộ trình chỉ có bốn trạm chính là Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ rồi mới tới Long Hoa-Tây Ninh. Nhưng tài xế luôn ngừng xe dọc đường để rước thêm khách. Biên nhìn cảnh vật trước mắt, nhận ra xe chỉ vừa qua khỏi Tha La. Có lẽ cô gái này đã lên xe ở trạm Gò Dầu Hạ. Cả hai cùng ngượng ngùng sửa lại thế ngồi. Chiếc xe lăn bánh tiếp tục khởi hành.
Mùi dầu khuynh diệp thoảng lên mũi Biên. Người thiếu nữ sau khi thoa dầu lên mũi, quay sang nhìn anh, tay vẫn còn cầm chai dầu như tỏ ý hỏi Biên có cần không? Khuôn mặt thiếu nữ không có gì nổi trội nhưng tất cả đều tạo nên một nét mềm mại, một vẻ nhu mì hiền lành.
Chẳng thấy Biên trả lời, cô gái cất chai dầu vào túi xách và ngồi thẳng người mặt hướng về phía trước. Trong nét mặt có vẻ thản nhiên của người con gái, dường như có chút gì thắc thỏm, bồn chồn.
Tại sao mình không nói một điều gì với cô ta. Mà nói gì đây? Mày là một thằng lính cù lần Biên ơi. Con đường không đủ dài cho Biên suy nghĩ tìm lời nào đó để làm quen cô gái. Khách lục tục xuống xe rồi leo lên những chiếc xe lôi chờ sẵn bên vệ đường. Những chiếc xe nổ máy ầm ĩ khi đã đầy đủ khách.
Anh chạy xe ôm tiến đến mời Biên:
- Về đâu vậy anh? Lên em chở về.
Biên lắc đầu, không nhìn anh xe ôm. Đôi mắt anh chỉ đăm đắm hướng về phía bên kia đường đối diện. Nơi đứa con gái cũng đang chờ xe. Chiếc áo sơ mi hoa tím nhạt, quần tây đen, chân đi dép thấp có đính một bông hoa to, gần như che hết cả nửa bàn chân, chỉ để lộ những ngón chân thon nhỏ. Dáng dấp người thiếu nữ không một chút gì của "hoa đồng cỏ nội" mà anh từng gặp. Anh đã trộm nhìn cô trong lúc hai người còn ngồi cạnh nhau trong xe. Giờ cái dáng tím ấy đang đứng nơi kia. Có phải cô cũng đang muốn nói gì với anh. Cô về đâu? Sao bao nhiêu xe trờ tới cô lại không bước nhanh lên như bao nhiêu người khác? Cuối cùng người con gái cũng lên xe, sau khi ngoảnh lại nhìn Biên thêm một lần nữa. Buổi chiều, phố xá bỗng hoang liêu u tịch. Màu trời, cây lá ngã màu tim tím. Tím như áo ai vừa khuất. Biên bước đi, cõi lòng tan tác, tiếc nuối. Ngay cả thị xã này cũng chẳng còn một duyên may nào cầm giữ chân anh sao?
Biên mệt mỏi ngã người nằm vật xuống giường. Tiếng máy phát điện ù ù trong căn cứ như ta thán thêm nỗi buồn chán trong tâm hồn anh. Anh sẽ bỏ lại nơi này, tất cả. Bỏ lại những đồng đội cùng gian nan vào sinh ra tử, để tìm lấy sự bình yên nhàn hạ cho riêng mình. Cách nào, ít nhiều cũng mang theo bóng dáng của sự phản bội. Anh đang quên điều thứ nhất, trong sáu điều tâm niệm đã thề thốt ở quân trường. Biên sắp bỏ cuộc, phản bội anh em! Quyền là người đồng đội gần anh nhất sau ngày Hùng chết. Nó trố mắt khi nhìn thấy anh nằm trên giường, dáng vẻ bần thần, mỏi mệt.
- Sao về sớm vậy?
Thấy anh ậm ừ không nói, nó lại cười nham nhở:
- Tối nay xuống "xóm" không ? Mai mày còn phép mà?
- Mẹ! Xổng cái là đi kiếm đĩ!
Biên không theo Quyền xuống xóm, nhưng tối đó hai người lính như hai cái hủ chìm trong một Snack Bar quen. Người chủ quán là một phụ nữ ngoài ba mươi, tửu lượng chẳng kém gì các đấng mày râu. Chị chủ chịu chơi có vẻ thương mấy tên lính trẻ, nên cái quán rượu này như quán nhà của đám lính trong căn cứ.
Những ngày ở Sài Gòn Biên tránh những niềm vui của mọi người trong nhà bằng cách ra quán cà Phê. Bây giờ Biên cũng muốn quên hiện tại, những hiện hữu quanh anh, những giằng co dày xéo. Còn cách nào để quên hữu hiệu hơn bằng rượu. Tuy nhiên, màu áo tím, mái tóc dài, đôi mắt ngập ngừng băn khoăn như tiếc nuối một lời nào chưa kịp thốt. Tất cả vẫn chập chờn lung linh trong men cay.
Quyền chọc ghẹo, nhăn nhở cười nói bao nhiêu thì Biên lại trầm lắng bấy nhiêu.
Chị chủ nhìn Biên:
- Sao bữa nay buồn vậy em?
Quyền nhớ hôm thằng Hùng chết, Biên cũng thẩn thờ trầm lặng như hôm nay. Biết bạn đang gặp một chuyện gì đó không vui, nhưng bản tính lúc nào cũng ngông nghênh, quậy phá. Quyền nhăn nhở cười:
- Bữa nay đâu có thằng nào chết, chắc mày thất tình hả?
Biên rót thêm rượu vô ly cho bạn, giọng lè nhè:
- Nói nhiều quá, uống đi! Tình là cái con mẹ gì, giá như cuộc đời này con người chỉ biết thất tình.
Quyền chở Biên về nhà anh Ba Trí, một người anh giang hồ có nhà ngoài thị xã. Nơi những thằng lính vẫn thường tá túc qua đêm những lần được xuất trại. Trong khi Quyền đi cất xe, dù say khướt, nhưng Biên vẫn ráng lê bước ra sân đốt điếu thuốc. Một thói quen từ khi về đồn trú vùng biên giới này. Đêm đứng nơi bìa rào, trong hương khói thuốc, nhìn lên đỉnh núi xa như một nghi lễ mà đêm nào Biên cũng thực hành trước khi đi ngủ.
Đêm bây giờ đen đặc, nhưng hồ như trong men say, hình ảnh ngọn núi sừng sững giữa muôn trùng bao la ấy đang hiển hiện trước mắt anh…
Đỉnh núi, cột antenne cao ngất ngạo nghễ giữa thinh không, ánh đèn đều đặn chớp sáng những tín hiệu từ đêm này qua đêm khác. Tất cả mọi thứ còn
đó thuỷ chung. Chỉ có anh đang manh tâm xa lìa, phụ rẫy.
(Trích truyện dài " Những nốt nhạc chiến tranh")