Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ANH ẤY LẠI VỀ !




    - H ôm qua anh ấy về đấy. Hỏi, thiếu thốn gì không? Anh ấy chỉ cười thôi!

Đấy, chị lại kể đấy. Chị nhắc tới anh trai tôi. Nay chị tóc bạc trắng đầu, tuổi xấp xỉ bảy chục. Như ngày xưa, vườn hai nhà thông thuông, rẽ rẽ hàng dâm bụt, là sang đất nhà nhau. Giờ chị trông nom đất đai nhà chị và của anh em tôi, tổng cộng tới dăm sào. Dưới bàn tay chị, nó như lột xác, thành khu vườn cây thuốc, thuê mướn dăm ba nhân công, mỗi năm thu về dăm bảy trăm triệu bạc. Bà chị tôi giỏi giang thật!

Riêng khu ao và ven bờ, quang cảnh như xưa: vẫn cây vối soi bóng nước; hàng dừa ngả nghiêng nghiêng; dưới ao đàn cá tung tăng bơi lội; những cánh bèo ong lững lờ trôi… Mỗi dịp về quê, tôi tha thẩn dạo quanh ao, ngắm nhìn cảnh tĩnh lặng, tưởng như thời gian ngưng trôi, đọng đầy ký ức. Nhìn vườn cải vàng rực hoa, chợt nhớ bài thơ “Cải ngồng vườn nhà tôi”, vợ vừa viết đêm trước:

“Một góc vườn lặng lẽ
      Một vạt cải be bé
      Hửng cả chiều đầu đông.
      Cải ơi sao vội ngồng
      Bạc thân rồi bạc lá
      Hoa cũng vàng hối hả
      Rút ruột cả mùa thu.
      Chị tôi nhìn cải ngẩn ngơ
      Lệ lâm thâm thấm quanh bờ chân chim.”

Tôi về thăm chị, người tôi vốn coi là chị dâu. Đang thẩn thơ ngó nhìn, tiếng chị cất lên sau lưng, cắt dòng suy nghĩ của tôi:

- Dạo này thợ hay đến chụp ảnh lắm. Giờ nhà mình thành ra khung cảnh đẹp, chú ạ!

- Thế á?

Thảo nào, tường nhà tôi, nhà chị treo bức ảnh phóng to căn nhà cũ. Dưới con mắt nghệ sỹ, nó đẹp thật, quê quê quá. Dù nay có của ăn của để, hai ngôi nhà cũ chị nhất quyết giữ gìn - ọp ẹp, nhỏ hẹp, mái rạ, tường tre thưng tre trát bùn rơm. Nhà chị hai gian một chai, nhà tôi, một chái hai gian. Vẫn cây rơm trước sân nhà, nền gạch rêu phủ xanh ướt, hàng cau lơ thơ hứng nước trời. Nhớ trước ngày nhập ngũ, anh trai tôi lúi húi dặm lợp mái cho hai nhà, chị và tôi lũi cũi tung những bó rạ, rơm lên cho anh dặm lợp. Thế mà đã gần nửa thế kỷ. Chị lưu giữ căn nhà từng chứng kiến mối tình xưa.

                                      

***


Làng tôi có cổng làng, cổng ngõ. Khi tôi lớn rồi, cổng ngõ còn nguyên vẹn, thấy bảo dựng từ thời vua Tự Đức, xây gạch Bát Tràng, mái khum khum, thấp tè. Ngõ nhỏ, quanh co, sâu hút, tường gạch đôi bên cao lưng lửng. Chỉ lạ, sao cổng ngõ thấp vậy. Các cụ cao niên trong làng bảo, ngày trước dân mình thấp bé, nhẹ cân, diện cao to như anh trai tôi, hiếm hoi lắm.

Nhà tôi cuối ngõ Sáu, nhìn ra đầm nước rộng - đầm Nàng Ngọc. Đêm hè đom đóm lập lòe. Bọn trẻ thì thầm, ma đấy. Mỗi con đom đóm là một con ma. Đêm tối thật lắm ma chơi. Ngoài bãi tha ma, từ mặt đất vọt lên những bóng sáng xanh lập lòe, to bằng cái bóng đèn dầu, nhìn khiếp vía. Chập tối, chả đứa trẻ nào còn dám bén mảng ra đầm. Vậy mà ban ngày, trẻ con, người lớn đánh dậm, hôi tát, rình rập bắt cò, vạc. Vớ được con cà cuống đực, nướng lên là có thứ gia vị làm bát nước chấm thơm lừng hương quế. Tôi khoái nhất chị nấu món lươn om củ chuối, vị lá răm thoang thoảng. Thằng bé tôi ngấu nghiến nhai nuốt. Nhìn cảnh ấy, anh chị thích thú. Ba đứa tôi như một gia đình nho nhỏ, tràn trề hạnh phúc!

Anh trai tôi là người sát cá nhất làng. Đầm nàng Ngọc như kho tôm cá của chúng tôi. Anh cắm thả ống lươn, em trai đào giun bắt dế, phi lên với lá chanh, làm mồi nhử bẫy. Cá tôm ăn không hết, muối mắm, hay đem phơi, dành cho ngày đông tháng giá.

Sau vụ mùa, ruộng đồng khô ráo, thùng vũng trơ đáy. Tôi cùng lũ trẻ ra đồng cuốc chạch, những con chạch béo vàng, bị cuộc lật lên, quằn quại. Ngoài chạch, còn cả đỉa nữa, lũ đỉa tròn căng, đen thẫm, nằm thu lu, nhìn phát khiếp. Đặc biệt là lũ ếch nằm mà, những con ếch béo vàng, phồng to, cậy mà ra, chúng vẫn thu lu nằm ngủ đông. Lũ ếch tài tình thật, không tinh mắt, khó tìm được mà của chúng, lớp đất phủ kín đáo, áp bờ ruộng, lấp ló dưới đám cỏ. Phát hiện ra, người ta dùng thuốn - que sắt, đầu cong cong, móc ếch ra, nó nằm chềnh ềnh, mặc cho mọi người bắt.

Truyền thuyết làng tôi về đầm Nàng Ngọc: Xưa có người con gái tên Ngọc. Nàng yêu mà đâu lấy được người mình thương, đau khổ, trẫm mình xuống đầm nước, còn người con trai bỏ làng ra đi. Lại truyền thuyết khác, người yêu đi đánh giặc. Nơi trận mạc, chàng trai bị trọng thương. Ngựa phi về làng, khi nàng Ngọc nhận ra người yêu, thì chỉ còn là cái xác ôm ghì trên lưng ngựa. Chôn cất người yêu xong, đau buồn, nàng trẫm mình xuống đầm nước.

Quê tôi vùng chiêm trũng, ao đầm và sau đê là dòng sông Luộc. Đêm trăng, nam thanh nữ tú cùng lũ trẻ kéo nhau lên đê hóng gió, chơi đùa, hò hát đối đáp với cánh trai trẻ dưới thuyền. Những con thuyền đinh tận mãi xứ Thanh, hay tít vùng bể Móng Cái, thuyền hai, ba cánh buồm nâu no gió, lướt lượn trên sông. Chị vào tuổi trăng tròn, có giọng hát hay nhất vùng.

- Hò ơ. Thuyền kia...

Tiếng hò ngân nga, vang vọng, theo đuổi những con thuyền xuôi ngược sông nước. Cánh trai trên thuyền hò đối đáp lại. Nhớ một lần, trong khi cuộc đối đáp đang hăng, bất chợt lũ trẻ chõ vào phá bĩnh:

- Hò ơ… Thuyền kia đi ngược về xuôi, có thằng bẻ lái…

Tiếng hò đáp chợt lịm tắt. Mấy chị bực bội, mà đành chịu, bọn trẻ hò đáp mất rồi. Chuyện tưởng cho qua, lũ trẻ và đám thanh niên lao tiếp vào cuộc vui, con thuyền lặng lẽ cánh buồm no gió xuôi dòng.

Được một lát, bỗng đâu thấy đám thanh niên hùng hổ kéo tới. Họ là lũ trai dưới thuyền, tức khí câu hò đáp bậy bạ của đám trẻ, lẳng lặng tạt thuyền vào bờ, chạy lên, định trị cho lũ trẻ kia một trận. May quá, lúc đó có anh trai tôi cùng đám trai làng, cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Cuối cùng, canh trai dưới thuyền đành bỏ cuộc.

                                  

***


Chị là cô gái đẹp nhất làng, đẹp như nàng Ngọc. Những người con gái đẹp, dân làng hay ví von: "đẹp như nàng Ngọc". Các cụ bảo, số phận sẽ buồn! Chả rõ thực hư? 

Anh trai tôi, tay trai lực điền, lọt vào mắt xanh của chị. Anh hãnh diện là chủ nhân của “cô thôn nữ mảnh mai, thắt đáy lưng ong, má lúm đồng tiền duyên, tóc đen như gỗ mun, chảy dài chấm gót”. Ấy là những dòng văn trong bài tập làm văn của cậu học trò tôi. Mỗi khi làm bài, tôi lại lấy hình ảnh chị ra làm nhân vật, miêu tả vậy. Chị thân phận côi cút; anh em tôi may mắn hơn, còn có anh có em; chị, thì thui thủi một mình.

Anh trai tôi to khỏe, bắp chân, tay cuồn cuộn, ngực nở vồng. Một cuộc thi đấu giữa đám trai làng, anh giành giải nhất, gánh gánh phân nặng cả tạ, một mạch từ sân kho hợp tác ra tận cánh đồng xa, không thèm nghỉ đỗ chặng nào. Con trâu đực dữ tợn nhất làng, chịu anh một phép, ngoan ngoãn kéo cày cả buổi.

Nhà tôi trông qua nhà chị cách khoảng ao rộng, ngó sang, thấy hết sân vườn bên ấy. Tôi hay mò mẫm qua chơi, vạch hàng dâm bụt, tót sang, trêu chọc đám ong vàng, tìm bắt lũ chim non. Tôi lớn vậy, cậu học trò lớp năm, mà chị chiều chuộng, gội đầu, kỳ cọ chân tay cho khỏi cổ trâu. Này đông cứ đôi tuần chị nấu nồi nước ấm, đổ ra chậu sành, thả vào ít muối, bắt tôi ngâm chân kỹ càng, ngâm cho bợt bở đám ghét bám trên mu bàn chân, trên cổ chân, rồi ra công chị kỳ cọ. Chị bảo, học trò mà chân cổ trâu, họ cười cho đó.

- Ê ê! Con trai đầu đầy trứng chấy này.

Tôi ngoan ngoãn để chị tuốt trứng, gội đầu, dội những gáo nước hương sả, hương bưởi. Thiếu thốn, thèm khát bàn tay phụ nữ, tôi chỉ loáng thoáng nhớ về hình bóng mẹ.

Sau đợt anh trai nhập ngũ, tôi ngã bệnh. Nguyên do bởi nhớ thương anh. Nằm cả tuần điều trị trạm y tế xã, bệnh tình đâu thuyên giảm, cứ mê man tỉnh thức. Ông trạm trưởng quyết định, chuyển tôi lên bệnh viện huyện. Giữa cảnh chiến tranh bom đạn đì đùng, chị cùng cô y tá đưa tôi nhập viện. Chặng đường xa, chị cõng thằng em trên lưng, tôi lúc ấy nào nhẹ nhàng đâu, nặng hơn ba chục cân. Chắc vất vả lắm. Sau này chị kể:

- Anh cu Xuân trên lưng chị, cứ ghì siết, lại còn lảm nhảm.

- Lảm nhảm gì, chị?

- Anh cu gọi mẹ.

Lắm lúc tôi mơ hồ cảm nhận, thấp thoáng bóng hình mẹ tôi trong ký ức của đứa trẻ lên bốn, lên năm. Mẹ bỏ anh em tôi ra đi từ buổi ấy. Với chị, tình cảm trong tôi thật lạ lùng, đan xen bóng hình mẹ, chị và còn cả thứ tình cảm lạ lùng. Lắm khi mơ hồ cảm nhận, tôi tự thẹn với lòng. Cái ngày xưa ấy, khi anh chị tự tình bên ao, lũ trẻ rình rập và bao giờ tôi cũng là kẻ đầu têu phá bĩnh.

- Lũ thằng Xuân nhá!

Có lần một đứa trong bọn thì thào:

- Họ ra đó hôn nhau đấy.

- Hôn nhau là gì - tôi hỏi.

- Là… áp mồm vào nhau!

Nghe vậy, tôi giận run người, trút tất cả nỗi hậm hực,  tức bực vào hòn đất, vung tay ném mạnh về phía họ. Tôi ghen tuông anh trai ư? Sau này, một, hai, ba bận… tôi phải thầm cảm ơn chị, kẻo không, thành ra kẻ mắc tội với anh trai mình. Mỗi lần vậy, chị kín đáo gợi nhắc những kỷ niệm về anh.

Lần chị tiễn tôi nhập học. Tôi trúng đại học, trường sơ tán tận trên Thái Nguyên, từ quê lên đó hơn trăm cây số, qua hai, ba chặng xe khách và tàu hỏa. Nhớ cảnh chen chúc mua vé, tranh xô lên xe, nay tôi còn thấy rùng mình. Sáng sớm trên đê, bình minh ló rạng, không cầm nổi long, chàng thanh niên tôi cầm nắm bàn tay chị. Chả phản ứng gì, bàn tay ấy vẫn để yên trong tay tôi, chị chỉ nhắc về cuộc chia ly với anh trai tôi. Chàng trai tôi bừng tỉnh, buông thả bàn tay chị. Trên xe chen chúc, đứng kiễng nổi một chân, ngó nhìn xuống, tôi thấy mắt mũi chị đỏ hoe. Thế là lần thứ hai, cũng bến xe ấy, chị đưa tiễn hai người trai trẻ và đều thẫm đẫm những giọt nước mắt thương nhớ.

                                        

***


Thời kỳ Tổng thống Mỹ - Johnson ném bom đánh phá miền Bắc, anh trai tôi sinh năm trâu, Kỷ Sửu, bước vào tuổi mười tám, lên đường nhập ngũ. Chị tuổi hổ, Canh Dần. Anh tôi hay đùa, hổ ăn thịt trâu và dê nữa, tức là tôi, tuổi Ất Mùi. Đêm trước ngày anh nhập ngũ, trăng sáng vằng vặc. Nơi bờ ao, anh cùng chị bên nhau. Không như bao đêm khác, chỉ còn đêm ấy thôi, tôi để họ có không gian yên lặng bên nhau, chả đầu têu, kéo đám bạn đến quấy phá và cũng còn bởi tôi bận cùng lũ thiếu niên nhi đồng thôn khua trống ếch rộn ràng, cổ vũ cho cuộc ra quân nhập ngũ.

Sáng ấy chúng tôi cuốc bộ lên phố huyện. Trong làng nhiều trai tráng lên đường,nhà nhà lũ lượt kéo nhau đi đưa tiễn. Đi đầu là đám thiếu niên trương băng rôn bằng tấm cót, kẻ khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phía sau là mấy đứa trống ếch gõ tùng tùng. Tôi líu ríu bước bên anh. Cả tôi, cả chị mắt mũi đỏ hoe. Anh tôi cứng rắn lắm, vì anh là chỗ dựa của chị em tôi. Cố đùa vui, anh nhắc chuyện hổ ăn thịt trâu và dê. Vai khoác ba lô, anh nắm chặt bàn tay thằng em. Lúc đó tôi đâu biết, chỉ nghĩ, anh ra đi rồi quay về. Nào hay, chiến tranh là khốc liệt, là bom rơi, đạn lạc, là ngày đi chả biết có ngày về không. Nghĩ lại, giờ tôi còn ân hận. Cuộc chia ly, tôi cứ luẩn quẩn, bám riết lấy anh, nào để anh chị có phút giây riêng tư. Giá mà ngày đó, họ có một nụ hôn ghì siết nhỉ. Trên xe, anh vẫy vẫy chiếc khăn mùi xoa, cả tuần trước đó chị nắn nót thêu đôi chim bồ câu trắng muốt.

Anh nhập ngũ, rồi vào chiến trường B. Thư từ ngày đó khó khăn, thi thoảng dăm, mười tháng mới nhận được một lá. Nguyên tắc bí mật, không ghi địa chỉ, nên chả rõ anh đóng quân, chiến đấu chiến trường nào. Chi tiết cứ ám ảnh trong tôi qua bức thư anh kể, anh từng ôm và ngủ với xác người chết. Một lần tại trạm xá dã chiến trong rừng, anh lên cơn sốt rét ác tính. Rét run cầm cập, anh chỉ kịp bò vào lán, quặp lấy người lính đang nằm trên kệ nứa. Sáng hôm sau, khi dứt cơn sốt, mới hay rằng, đang ôm cái xác mềm nhũn và lạnh ngắt.

May rằng, ngày ngày tôi vẫn được ngắm nhìn anh - bức hình anh tươi cười, chụp trước ngày nhập ngũ. Chúng tôi kéo nhau lên phố huyện, chụp hình kỷ niệm anh và chị, rồi chung ba người, người ta kiêng chụp ba, anh đứng giữa, bảo cứ chụp và cả bức chân dung anh nữa. Nụ cười của anh ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Anh tòng quân, hợp tác xã hàng vụ cân đối cho tôi non tạ thóc, lại công điểm chăn dắt con trâu mộng hung dữ, ngày trước anh vẫn cày kéo nó, chả nhà nào dám nhận. Còn phần chính là do chị cáng đáng nuôi dạy đứa em trai của người yêu đang nơi trận mạc.

Quê tôi ngày đó bom đạn ác liệt. Đêm đêm dân làng giật mình, nháo nhác lao ra hầm trú ẩn tránh bom; trên trời máy bay Thần sấm, Con ma gào rú, quần thảo, súng đạn nổ đì đùng. Lắm khi giữa làng nở ra hố bom sâu hoắm, rộng to bằng cả cánh ao bèo. Tôi ngồi học bài tận trong buồng, mà ngọn đèn dầu hỏa còn làm cái chong đèn cho bớt ánh sáng, kẻo máy bay trên trời nhòm ngó thấy. Cứ dăm tháng, làng trên xóm dưới nhận giấy báo tử. Không khí làng quê tang tóc, những cái chết từ chiến trường xa vọng về. Bao ông bố, bà mẹ rấm rứt khóc cho những đứa con trai trẻ ngả xuống nơi trận mạc.

 Nhớ trước tết Mậu Thân, xuân 1968, đêm Giao thừa, tôi ra sân đốt pháo. Làng xóm tiếng pháo nổ đì đùng. Chị xuống bếp nấu nướng gì đó. Lửa bếp bập bùng. Tôi thoáng nghĩ, còn gì nữa đâu để nấu nướng nhỉ? Nồi bánh trưng đã vớt, ép ván rồi; nồi thịt đông, rồi chè kho cũng xong xuôi. Thương nhớ người yêu, chắc chị xuống đó khóc vụng. Tôi cũng vậy, nhớ anh trai quá. Bầu trời đêm kìn kịt đen, mưa xuân lất phất, tôi co ro trong tấm áo bông, thi thoảng lại quệt tay lau dòng nước mắt. Tôi thầm khấn cầu: Trời, Phật ơi, phù hộ cho anh con nhá!

Còn đang là những ngày mồng của Tết, loa phóng thanh đưa tin dồn dập, nào quân ta đang tấn công sân bay Non Nước, Đà Nẵng, rồi tòa Đại sứ quán Mỹ, mãi tít tận Sài Gòn,… lòng tôi càng quằn quại nhớ anh.

                                  

***


Sau mùa hè đỏ lửa Quảng trị 1972, tôi đậu vào đại học. Tiếp đó Hà Nội trải qua mười hai ngày đêm B52 Mỹ trải thảm bom khu Khâm Thiên,… rồi nhân dân vui mừng sau ký kết hiệp định Paris. Chàng sinh viên tôi từ trường hăm hở về quê ăn Tết. Thông tin ngày đó khó khăn, thư từ gửi cả tháng trời, có khi chưa tới tay người nhận. Nơi quê nhà, chị gửi thư gấp lên trường, mà tôi nào có nhận được.

Từ bến xe khách huyện tôi cuốc bộ về làng. Ngó nhìn sân vườn sạch sẽ, chị vẫn ngày ngày sang quét dọn, chăm sóc căn nhà chúng tôi. Bâng khuâng đứng nhìn, lòng  man mác buồn. Lại nhớ tới anh! Anh ơi, anh đang ở đâu? Bao giờ anh em mình mới xum họp? Ngó sang nhà chị, vắng lặng lạ. Chắc chị đang ngoài đồng, "cấy chưa xong chưa yên lòng ăn Tết”.

Thoang thoảng, ngan ngát mùi pháo, mùi hương bài nhà ai thắp. Ờ, còn vài ngày nữa Tết rồi. Nhớ ngày trước vào dịp qua ông Công, ông Táo, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, chị lúi húi cho vôi bột vào cái xảo và áp áp xuống mặt đất quanh ngõ, quanh nhà. Các vệt vôi lấm chấm vuông, nom thật vui mắt. Chị bảo, xua đuổi tà ma. Chọn cành mận hay đào đẹp trong vườn, đốn, rồi đốt gốc, chị cắm vào bình, bày lên ban thờ hai nhà. Còn anh trai tôi dựng cây nêu - cây tre cao vút, trên ngọn phất phơ mấy dải vải xanh đỏ. Cái thú của tôi là lang bang ra chợ, ngắm nghía người sắm Tết. Chợ Tết bày bán đủ thứ. Xem ra, thú nhất là la cà quanh mấy ông hàng pháo, pháo tép, pháo đùng, pháo cối. Chợ tết đì đùng tiếng pháo. Mùi thuốc pháo, mùi hương hòa quện trong mưa xuân lất phất. Cái thú nữa của tôi là đếm tiền mừng tuổi, anh trai và chị mừng tuổi cho tôi những đồng năm xu sáng choang. Suốt Tết, tôi mâm mê và khư khư giữ chúng, xem xem đếm đếm, sau Tết bỏ vào ống nứa tiết kiệm. Đẩy cửa bước vào nhà. Trống vắng bóng người, không khí nặng mùi ẩm mốc. Vẫn chiếc giường tre anh em co quắp ngủ. Chiếc cần câu dựng góc nhà, cả chiếc mũ lá anh trai từng đội. Kìa, tôi sững sờ. Trời ơi, sao lại thế kia? Bức chân dung anh tươi cười nhìn tôi, lồng trong khung kính, trang trọng bày trên nóc tủ, phía trước là bát nhang hương khói cuộn tỏa. Tôi lao nhanh sang nhà chị. Chị ngồi đó thẫn thờ, như già đi mươi tuổi. Hai mắt đỏ sọng, sững sở chị nhìn tôi. Đứng như trời trồng, giờ tôi chỉ còn chị là người thân yêu duy nhất:

- Sao giờ này mới về em, Xuân! Anh đi rồi em ơi, đi ở thành cổ Quảng Trị!

Gục lên vai tôi, chị khóc, khóc rấm rứt, nghẹn tắc. Những giọt nước mắt lã chã chảy, đầm ướt trên vai, trên áo tôi. Cho đến tận lúc đó, tôi vẫn chưa tin, tôi mất mất anh trai rồi, anh tôi đi xa mất rồi! Giấy báo tử về làng. Họ hàng thân thích nào có ai. Trong lễ truy điệu, duy nhất có vành khăn tang của người con gái thắt cho chàng trai hy sinh nơi trận mạc./.

(Viết, Hà Nội, ngày 01/01/2017)


                                                      

VVM.20.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com