Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

PHÒNG CHỜ

1.

Người ta trao cho Ta một đứa bé mới lau qua nặng ba ký rưỡi. Đứa trẻ sơ sinh chưa thể biết giống ai, nó có thể lẫn lộn với bất kỳ đứa trẻ nào, nó đỏ sậm vì la khóc, nó có cái sạch sẽ và thẳng thớm nhờ phụ nữ bây giờ được ăn ngon mặc đẹp lúc mang thai. “ Con trai nhá, miệng rộng lớn tiếng hết ý nhá ! Bà nội hay bà ngoại đây ?” Ta sung sướng đến luống cuống tay chân, mẹ nó đẻ mổ – bây giờ thấy ai hơi có tiền là người ta giục mổ, mổ đi cho đỡ đau, thấy âm ỉ là mổ đi để còn chọn được giờ tốt ! Mẹ nó được gây tê chứ không chụp mê nên ngoẹo đầu cười ngay khi biết đứa nhỏ nặng hơn mình ngày xưa và đúng là con trai như đã siêu âm.

Thế là mẹ nó bị rạch bụng cho con được tròn hơn, bà nội hay bà ngoại gì cũng mừng như nhau trong giờ phút nầy. Ta lẩm bẩm nựng : “Con trai thì báu bở gì, nữa chỉ việc canh cho đừng mon men tới ma tuý cũng đủ chết rồi !” Nhưng Ta vẫn mừng vì có thể mẹ nó chỉ bị rạch bụng một lần nầy, vậy là có thể yên tâm với chồng và với nhà chồng, một đứa con trai là coi như đã làm xong một việc chính cho nhà họ. Rồi Ta lại thấy đau, tự dưng thót ruột đau : ôi vậy là đứa con núm ruột đã biết thế nào là mang nặng, là sinh đẻ và rồi sẽ còn biết thế nào là nỗi trần ai của một người đàn bà.

2.

Đám thuộc hạ của giám đốc bệnh viện lăng xăng hỏi Ta có cần vào phòng dành cho trẻ sơ sinh và người nhà không, phòng đông nhưng sẽ dành một góc tốt, một giường cho bà và một giường cho cháu. Ta không lạ gì vị giám đốc nầy, nói theo ngôn ngữ chính thống là Ta và người đó đã từng cùng đi một phía ra. Nhưng liệu có còn là một phía không khi thủ tục phong bì của người bệnh và các khoản xây dựng liên hồi kỳ trận ở đây đã làm cho ông ta phẳng phiu đến mức gần sáu mươi rồi mà cả bộ mặt không có nếp nhăn trằn trọc nào. Ta vào đây không bằng con đường quen biết, họ tự nhận ra Ta và chỉ cần giám đốc dừng lại chỗ bà cháu Ta lâu hơn là lập tức đám thuộc hạ bu lại lấy lòng. Ta bảo Ta muốn ở đây, chỗ phòng chờ nầy, vì ở đây bao giờ cũng có người đến và đi nên dễ có giường trống. Thật tình Ta thích cái chỗ có rất đông chúng sinh nầy, những người vợ nhăn nhó được chồng dìu đi chờ giờ lên bàn sản, những cô gái chưa gì đã phải xếp hàng để lấy cái u thời đại ra khỏi cái vùng đáng phải tươi nguyên, tinh khiết, những người phụ nữ dạn dày sinh nở đang gánh lấy cái việc thay cho con rể chỉ vì người mẹ lúc nầy là tất cả. Ta thích sự xô bồ giữa đau đớn và hạnh phúc nầy, Ta thích sự hoà nhập hiếm hoi nầy và Ta thích đứa bé đỏ hỏn trên tay được nhập thế ở một nơi chỉ mới có tiếp nhận chứ chưa có phân loại và sắp xếp.

3.

Đêm đầu tiên của một đứa trẻ thật dài. Ta ngồi để ngắm nó phập phồng và thảng thốt. Chợ và bệnh viện là hai nơi mà người ta thức một cách vạ vật và ngủ một cách phấp phỏng, thương tâm. Bệnh viện thời nay nhiều nhôm và kính, ý tưởng tiện dụng thay cho gỗ, vec-ni và kiểu cọ, những tưởng màu sắc và thẩm mỹ là hai thứ đều có giá trị an ủi ở những nơi như nơi nầy. Nhờ tấm kính không quá nhiều bụi Ta nhìn thấy bức tường mới của khuôn viên, bức tường cao còn hơn tường của nhà tù hoặc nhà thờ mà Ta vẫn thường thấy. Sao vậy ? Những đống gạnh vụn và vôi và vửa la liệt dưới chân tường cùng những thứ rác lặt vặt, người ta đã xây xong và không muốn dọn dẹp chúng, sao vậy ? Nếu chỉ có vậy thì mắt Ta không hướng ra phía đó làm gì, có gì đâu một bức tường dù nó có thể cao hơn nhà tù, một nơi mà những người già vẫn còn quen miệng gọi là Nhà thương. Ta nhìn thấy một cái chòi cao như một chòi canh, mái tôn rẻ tiền và lại không tấm vách nào, như ai đó ở bên ngoài tường đã cắm nó trên một cây sào và cứ giữ nó một cách chung chiêng, khó nhọc như vậy. Một làn khói củi lửa bay lên, lặng lẽ, kiên nhẫn giờ nầy sang giờ khác, hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Thỉnh thoảng có một người đến dưới chân tường ới khẽ, một cái xô vừa vừa được thòng dây xuống và người ới đặt vô đó khi cái phích, khi cái tô, khi cái cà mèn, khi cái ca nhựa. Thì ra bên ngoài là một cái bếp phục vụ người nuôi bệnh, nước sôi cháo nóng, cơm hộp nước dừa tươi, cà phê đá và mì ăn liền... không thiếu thứ gì. Một cái chòi kiểu nước lên thì chòi sẽ được tôn lên, ngang tàng, bất trắc. Ta đẩy cửa kính thò đầu ra để chiêm ngưỡng một sự thách thức, một sự mưu sinh âm thầm mãnh liệt. Một người đàn bà bưng cà mèn cháo đi qua nói khẽ : “Chỗ nầy ngon mà rẻ hơn căng-tin nhiều”.

4.

Ta bước vào cái nơi mà người nào là khách của bệnh viện cũng phải ngần ngại khi không đừng được. Những khung cửa gỗ mục chân cho thấy những cái râu ngọ nguậy của bầy gián, nền gạch vàng úa lở lói, những cái la-va-bô bẩn thỉu què quặt và những cái bệ xổm thời bao cấp rơi rớt tàn tạ. Nhưng đôi dép Ta cảm nhận được cái nền gạch sạch bong một cách khả nghi. Một cái đầu bù xù từ trong một cái hốc thò ra : “ Bà đi đâu vậy ?” Đi đâu mà còn phải hỏi à ? Ta thấy mình không còn chút nhu cầu gì bởi cái giọng quát nạt như thể cấm vận đó. Nhưng Ta vẫn tò mò vì cái nền gạch quá sạch của chỗ nầy. Một chiếc mùng thời tiền sử, một chiếc ghế dài cọc cạch bện bằng ni-long đã tung nhiều sợi ra, rách rưới. “Cháu đương dỗ cho con gái cháu ngủ. Cháu sợ cô dội nước động nó thức”. “ Thì chỗ nầy làm ra là để dội nước mà ! Nhưng sao phải ngủ trong nầy, lại cho con nít chịu đựng cái mùi nầy ?” Một cái gì vừa đứng vụt dậy hiện ra đầy đủ trước mắt Ta, lời giải thích, sự cầu xin, nỗi mặc cảm và cả sự liều lĩnh nữa. Một người phụ nữ trẻ, sạm đen một cách khó hiểu và gầy, gầy như một que củi bị quên trong một cái xó. Ta phẩn nộ :“ Nói cô nghe, sao lại cho trẻ con ngủ trước cửa buồng nhà xí nầy ?” Chắc cô ta đã quá quen với những câu hỏi loại nầy nên giọng nói trơn tru, ráo rảnh : “Con của cháu còn nhỏ mà giám đốc không cho ngủ ngoài hành lang kia. Cháu trông coi với bán vé cho nhà vệ sinh nầy”.“Cháu ngủ vầy, ban đêm người ta muốn thì làm sao ?” “Ban đêm chỉ có những người ở phòng chờ vô đây nhưng cháu năn nỉ, cháu đưa người ta đi chỗ khác. Người ta thông cảm hết trơn hà !” “Sao không để con ở nhà cho chồng ?” Lần nầy thì cô ta hết lưu loát mà còn cúi xuống, ngập ngừng : “ Dạ tụi cháu có nhà đâu cô ! Chồng cháu cũng đương coi một nhà vệ sinh của phòng trực ngoài kia !”

5.

Buổi sáng, vợ ông phó giám đốc vẫy Ta vào căng-tin. Một gian quán rộng ưu đãi, trên phần đất ưu đãi và ở vào vị trí ưu đãi. Một người đàn bà tuổi sung mãn, da thịt sung mãn, vòng vàng và nụ cười sung mãn. Thậm chí không vàng mà toàn bạch kim lấp lánh, thời thượng. Hồi ông giám đốc là y sĩ, bà vợ là chị nuôi của bếp ăn bệnh xá chiến khu, hoà bình ra thành ông đi chuyên tu, bà thành người ghi phiếu khám cho phòng trực, ông được đề bạt phó, bà thành cán bộ công đoàn, ông lên giám đốc thì bà về nghỉ với cái căng-tin gia đình. Ta ăn hủ tiếu và uống nước dừa xiêm lạnh được mời, đám con cháu bà giám đốc lăng xăng chiều khách, thu tiền, lau dọn. Ta không biết nói chuyện gì với người đàn bà có nghề buôn bán bẩm sinh nầy, Ta thấy ở bà cũng như nhiều người khác cái câu hỏi dai dẳng : con mẹ văn chương nầy chắc là ngu có hạng mới  đi bỏ ông chồng có số lên xe xuống ngựa ! Ta chịu đựng được tất cả, như người đàn bà trong Kinh thánh chịu những viên đá của bọn tự cho rằng mình chưa bao giờ tà dâm. Ta ngồi và không thể không nhìn cái bức tường cao chớn chở của bệnh viện, nơi cái căng-tin dựa lưng vào. Thì ra vậy, để căng-tin nầy có khách thì tường bệnh viện phải thật cao và cũng vì vậy mà căn chòi của cái bếp bên kia tường cũng phải tham gia cái trò mèo vờn chuột lâu nay. Ta đứng dậy, đi thẳng vào bếp và nhét tiền ăn tiền uống buổi sáng của mình vào túi đứa con dâu bà giám đốc. Ông giám đốc phóng xe máy vào tận trong sân bệnh viện, vẻ mãn nguyện với đứa cháu nội trai trong tay. Ông ấy dừng lại trước mặt Ta : “Chậm nhất là tối nay sẽ cho chuyển mẹ nó khỏi phòng hậu phẩu, sẽ sắp xếp cho mẹ con nó một phòng riêng loại tốt”. Ta cảm ơn qua loa rồi lách ra, trong mắt của ông ấy Ta chẳng là cái thá gì, cái nghề viết lách khó nhọc và hiểm nguy nầy nhưng Ta vẫn bị săn đuổi để được chăm sóc. Vì con cháu Ta là con cháu của một ông quan đứng đầu thị xã, Ta là vợ cũ của một người trong bộ tam tam mà không thuộc cấp nào ở địa phương dám lơ là.

6.     

Ta chú ý đến một bà lão nằm ngủ từ hồi khuya đến giờ trên chiếc gường số bốn của phòng chờ, sát vách tường. Bà lão chân trần, không thấy dép ở chân giường, bàn chân giao chỉ nứt nẻ dày như tấm mo cau, cái quần vải nilong đen quăn queo, cái áo bà ba màu cháo lòng và một chiếc giỏ xách bằng nhựa trên đầu nằm, loại giỏ người ta dùng để đi mua rau mua cá. Một gương mặt nhô cả xương trán, một giấc ngủ đơn giản, há hốc như là bị chụp thuốc mê rồi. Ta chưa bao giờ thấy một bà lão nông dân già một cách cứng cỏi như vậy, nghèo một cách vô tư như vậy và ngủ một giấc ngủ trần ai sâu sắc như vậy. Ta chờ, có ý chờ vì tò mò nhưng hình như bà lão không có ý định thức. Một bé trai chừng mười hai tuổi, không dép, quần áo cũ sờn, già hốc so với tuổi bẻ tay lễ phép đi đến và cúi xuống bên ngoài chiếc chụp lưới của cháu Ta : “ Em con trai hả bác ?” Nó có vẻ sung sướng vì đứa bé là con trai. Rồi nó khom người ngắm đứa nhỏ, tự nhiên, chân thành. ở đâu ra đứa bé nghèo mà hồn nhiên như vậy? Ta hiểu ra:“ Có phải cháu đi với người bà nằm ngủ kia không?” Đứa bé gật đầu, có ý dò xét lại. “Không, tại vì bác thấy bà cháu ngủ ngon quá ! Vậy, hai bà cháu nuôi ai ở đây ?” Một ánh nhìn vững vàng, chịu đựng : “ Đâu, bà cháu đi mổ đó chớ !” “Bà già rồi, mổ gì mà đi vô khoa sản nầy ?” “ Bà bị sa tử cung từ hồi đó. Cháu đi nuôi bà!” Ta những muốn kêu trời: “Cháu mà đi nuôi bà ?” Đứa bé tiếp tục bẻ tay, nhẫn nhục : “ Thì nhà đâu có ai ! Bà chín người con mà người nầy đẩy người kia, ba cháu bắt cháu phải nghỉ học để đi nuôi bà !” “ Rồi tiền rồi xoay sở làm sao ?” “Bà có chế độ vợ liệt sĩ, miễn phí hết. Bà có ba chục ngàn trong túi !” Ta ngồi như bị đóng đinh, không nói nên lời. Mà nói với ai, nói với cái chòi bên kia tường rào hay nói với mẹ con cái cô gầy đủi trong toa-let ? Nhưng bà lão vẫn ngủ, không hiểu sao bà ngủ kỹ vậy, ngủ bù, ngủ để quên hay là ngủ để mơ giấc mơ có con cháu hiếu thảo và sung túc.

7.

Buổi trưa, cuối cùng bà lão cũng đã thức. Bà ngồi dậy gọn gàng, một người gãy gọn như được trời cho ở cái tuổi bảy mươi mốt, một cuộc đời biết có âu lo thì cũng chẳng giải quyết được gì. Bấy giờ Ta mới để ý cái lỗ mũi hớt nhìn thấy toàn bộ hai cánh sụn bên trong, như bị vớt đi cho gọn – những người có loại mũi nầy thì nghèo chết luôn. Thằng cháu hướng về phía Ta rồi nói gì đó với bà nội, thật dễ chịu khi chung quanh là những người không biết lên án và tà dâm là gì. Bà lão đi lại chỗ đứa trẻ, dáng đi vẹo sang bên như đã từng bưng bê nặng rồi thành tật luôn. Một vẻ mặt đôn hậu tinh khiết : “Nghe cháu tui khen đứa nhỏ thấy cưng lắm”. Hoàn toàn là sự làm thân của những người trên một chuyến đò gian khó chứ không hề có vẻ gạ gẫm kiếm chác như Ta thường thấy ở những bà già của những khu du lịch. “ Cháu muốn nhờ cháu nó đi mua cơm giùm, bác cho phép nó không ?” Bà lão lúng túng, xởi lởi :“ Đâu có gì dâu, cô ! Chỉ sợ tay chưn nó hổng được sạch sẽ ?” Ta kêu thầm : Trời ơi, chắc chắn nó phải sạch gấp trăm lần tay của vợ chồng ông giám đốc bệnh viện nầy !” Ta nhờ nó mua hai suất cơm hộp ở chỗ cái xô có sợi dây thòng xuống từ bên kia bức tường. Ta sẽ cho nó năm ngàn tiền công, không, ba ngàn thì chừng mực và tế nhị hơn và sẽ biếu bà lão một suất cơm, thế là Ta cũng đã giúp được người bán hàng giấu mặt trong cái chòi trên cao kia. Thằng nhỏ sung sướng chạy đi, nó đâu biết Ta sẽ cho bà cháu nó những gì, nó sung sướng vì được giúp đỡ người khác. Nó thuộc loại người không thể ngồi không, âu đó cũng là cái số của nó. Nó trở vào, hớn hở, Ta nhét tiền vào tay nó và cảm ơn, nó nhìn người bà dần dừ chờ đợi. Ta mời bà lão hộp cơm, bà mừng không tả xiết nhưng vẫn để cơm và tiền lại rồi kéo cháu nội bẽn lẽn ra ngoài. Ta không hiểu ra làm sao cả. Ta xuống khu vệ sinh nhờ người phụ nữ phải ngủ trong toa-let giặt tã cho, Ta cũng muốn cô ta có tiền bằng một công việc thích hợp. Cô ta mừng quýnh : “Con cũng hay được người ta mướn giặt đồ hoài hà! ” Ta thấy hai bà cháu nhà kia ngồi xổm thành một nhúm bên hành lang, vẻ đói và khát. Sao họ làm Ta khó xử thế không biết. Ta cầm hộp cơm và chỗ tiền lẻ ra van nài, bà lão cầm lấy với vẻ xẻn lẻn của một cô gái trẻ và nhường ngay cho đứa cháu nội ăn trước. Thằng nhỏ đang ăn bỗng người phụ nữ ở nhà vệ sinh réo có người nhờ đi mua nước uống kìa. Cô ta bước tới liến thoắng : “Cô kiếm việc cho cháu, cháu kiếm việc cho nó, cô mà còn thương nó huống chi là cháu, phải không cô ?”

                                       *

Ta trở lại với đứa cháu mới có một ngày đời. Nó trắng ra bằng nước da thị thành từ trong trứng nước của nó, nó ngủ yên với vẻ mặt mới vướng có một phần hai mươi bốn nghìn tám trăm bụi bặm cuộc đời nếu tính theo tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay. Thằng cháu của bà lão kia, người phụ nữ trẻ dưới khu vệ sinh kia chắc cũng đã từng có vẻ mặt thiên thần như vậy. Ta vẫn cứ muốn ở lại phòng chờ nầy cho đến khi con gái Ta ra viện, để ít nhất Ta cũng được nhìn thấy rất nhiều con người có cách bơi qua cái bể khổ không giống như cách Ta bơi. Cuộc đời nầy, đứa cháu của Ta sẽ bơi bằng cách nào để không bị chết chìm trong đó, phải, nó sẽ bơi bằng cách nào thì chắc chỉ có trời mới biết được !   


  


VVM.19.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com