Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CUỘC CHIA LY THẦM LẶNG




T hi trượt vào đại học anh lên đường. Đơn vị anh đóng ở dãy núi Tà Năng thuộc Khu Sáu cũ. Đỉnh cao nhất của dãy núi này có tên là đỉnh Vú cao khoảng một ngàn sáu trăm mét nhìn ra biển đông sóng, khói mịt mùng. Chiến tranh ác liệt, Khu Sáu gian khổ vô cùng, Bác Ái là vùng giải phóng nhưng luôn thiếu lương thực bởi giặc đâu để yên cho đồng bào cày cấy, gieo trồng; đâu để yên cho mùa màng tươi tốt. Bom đạn, chất độc của kẻ thù làm sao kể xiết, cây cối trụi lá trơ xương, người đau đớn bệnh tật.

Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. Chiến tranh dẫu khốc liệt đến mấy thì cũng không thể ngăn cản người ta đến với nhau, yêu nhau. Anh và chị đã thành một đôi như thế, nhưng là lén lút bởi chiến tranh đang hồi ác liệt, người ta sợ sự yêu đương sẽ làm nhụt chí anh hùng. Cả vùng giải phóng rộng lớn nhưng thưa thớt người này, có lẽ căn nhà sàn của chị là tấp nập người vào ra nhất. Đó là căn nhà tranh tre nứa lá giống hệt nhà của đồng bào Rắc Lây ở đây. Ở đó, có người nữ đại đội trưởng Thanh niên xung phong và chị. Do biết nghề may nên chị được giao nhiệm vụ may vá cho chiến sĩ và đồng bào vùng giải phóng này.

Cuộc sống của chị chắc sẽ êm đềm, sẽ chẳng có gì để nói nếu không gặp anh. Người chiến sĩ trẻ vui tính, đẹp trai của đội công tác K2 do lần anh mang áo quần của đội đến cho chị may vá. Để rồi từ đó, có công việc gì cần gặp chị hay đại đội trưởng Thanh niên xung phong đều do anh đến trao đổi và truyền đạt. Ba con người ấy đã thành thân thích đến như ruột rà. “ Để làm được những điều to lớn, người ta không những phải hành động mà còn phải mơ mộng; không những phải có kế hoạch mà còn phải có niềm tin.” Anatole France nói thế, nhưng anh và chị chẳng có kế hoạch gì khác. Sống, chiến đấu, lao động và học tập như đồng đội. Có khác chăng là anh chị yêu nhau vì khao khát và mơ mộng của tuổi trẻ. Họ đâu nghĩ là sự yêu đương của họ đã làm cho họ khổ đau mãi đến tận cuối đời.

La, người nữ đại đội trưởng Thanh niên xung phong có vẻ cứng rắn với công việc nhưng với chị rất tế nhị, dịu dàng. Có khuyên nhủ gì đó, có rào trước đón sau gì đó, nhưng không thể không cùng suy nghĩ là ngày toàn thắng thì xa xôi quá, diệu vợi quá. Còn tuổi xuân thì có hạn, như đóa hoa nở và tàn rất nhanh chóng. Làm con gái tới tuổi trưởng thành mà không lo về điều đó là giả dối, lo thì lo nhưng biết phải làm sao. Mệnh lệnh ư, không khó, nhưng để cho người ta tự nguyện chấp hành thì giáo điều quá, không thực tiễn. Đã vậy, còn bị người ta nghi ngờ mình ghen tị bậy bạ nữa, nên La thường để hai người thoải mái yêu nhau.

Ngày anh chuyển sang đội công tác khác, chị và La biết được là do người thay thế anh kể lại. Chị đã khóc âm thầm nhiều đêm, bởi ngoài chị không ai biết có một hình hài đang hình thành trong bụng chị. Tuy không là chị em ruột thịt nhưng sống với nhau nhiều năm, La coi chị như em gái mình. Thấy chị có vẻ uể oải của một thai phụ, mặt mày xanh xao, nôn ọe La vỗ về an ủi :

- Dính bầu rồi hả Hân ?

Hân nhìn người đại đội trưởng rồi nhìn xa xăm mà không nói gì.

- Mấy tháng rồi, nói thật đi để chị em mình tính không thì chết cả đám ra giờ.

Chị ôm vai La khóc sướt mướt :

- Chắc hai, ba tháng gì đó rồi.

- Chết thật, sao mà dại dữ vậy, Hân !

- Ảnh nói, ảnh xin tổ chức cưới em mà.

- Ừ thì đúng, xin thì xin, còn cho hay không là chuyện khác nhưng phải là chưa có gì…Phải là tình yêu trong sáng. Đằng này…

- Bây giờ làm sao hở La ?

- Tao không biết, nhưng ở đây mày lấy gì nuôi con, còn tao không thể tránh khỏi kỷ luật.

Nhìn Hân tiu nguỷu, mệt mỏi, thất vọng, La thương tình :

- Chỉ còn một cách duy nhất là rời khỏi nơi này, về Sài Gòn kiếm kế sinh nhai, chôn vùi kỷ niệm. Ở Sài Gòn có hàng triệu cô gái bỏ xứ đến lập nghiệp, chẳng ai quan tâm tới Việt Cộng, Việt gian gì đâu. Mình yên ổn sống mà không phải phản bội tổ chức.

- Nghĩa là La cũng đi ?

- Chứ kỷ luật rồi thì tao phải sống tới chết ở đây à, cuốc đất sinh nhai rồi ở giá ?

Vét hết tiền dành dụm được do nhiều năm may vá cho đồng bào, Hân đưa cho La :

- Khoản này, hai chị em mình sống được vài tháng ở Sài Gòn đấy.

- Mày giữ đi.

- Em bầu bì, nhớ trước quên sau, rơi mất là toi.

Đêm đó, La giao hết công việc lại cho người phó của mình, nói dối là phải đi học xa. Bởi La biết trốn đi trong đêm thì khó tránh được du kích, chết là chắc, vì vậy La chọn giải phải ra đi công khai. Nghĩa là đường đường chính chính ra khỏi làng vào sáng mai. Bởi La là chỉ huy mà đâu cần phải giấy tờ gì, cả làng này ai mà không biết cô. Trăng đêm nay sáng lắm, thường thì không thế, mây và sương mù luôn che phủ nên bom đạn của kẻ thù mất nhiều tác dụng. Hai người con gái ngồi bên nhau ngoài sân rộng toan tính mà không sợ ai nghe. Nồi bắp luộc vẫn ùng ục sôi, hương thơm của nó hòa quyện với hương hoa rừng hợp thành một mùi đê mê mà chắc chắn người thành phố không bao giờ có được. Họ chuẩn bị hành trang chu đáo, lương thực thực phẩm đủ ba, bốn ngày đường để ra tới cửa rừng. Sáng hôm sau họ ra đi, làng cử hai du kích tiễn họ một ngày đường.

Đến Sài Gòn hai người không khó để tìm việc làm, Hân có chân trong một cửa hàng may nho nhỏ ở ngoại ô thành phố, thu nhập cũng khá. La giúp việc cho một nhà hàng. Họ ít khi gặp nhau chắc là do công việc hay vì an toàn cho nhau. Ngày Hân sinh nở không có bông hoa gạo nào rụng và cũng chẳng có ai làm thơ. Hân sinh trong nhà thương công mà ngày ấy người ta gọi là nhà thương thí, dĩ nhiên là chỉ đóng tiền ăn. Còn không có tiền ăn thì đã có cơm từ thiện. Ở đây, chị biết có người đẻ đến hơn mười lần nhưng chưa có ý định thôi. Chị phục sát đất sức sinh nở của người đàn bà, còn chị sao mà ê chề đến thế. Vừa ngán ngẩm, vừa lo sợ, đẻ một lần này chắc tởn đến già. Người thân thích duy nhất của chị là ông chủ tiệm may, ông hơn chị cả chục tuổi đời và đã mất vợ từ nhiều năm trước. Ông vào thăm chị với bó hoa hồng thật đẹp và sữa. Ông ân cần thăm hỏi sức khỏe chị và con. Trước khi ra về, ông đưa chị tên họ của ông và bảo :

- Không có tên cha thì đứa bé không có khai sanh, cô cứ khai tôi là cha đứa bé, để nó còn có giấy tờ mà đi học sau này.

Rồi ông cúi xuống hôn đứa bé đang nằm trong lòng chị, chị khóc bằng những giọt nước mắt sung sướng. Đó là lần đầu tiên chị chạm được hạnh phúc, ông lau mắt cho chị bằng bàn tay trần mềm mại của mình, ông hôn lên trán chị và dặn dò :

- Không phải lo lắng gì về tiền bạc, ăn uống. Hằng ngày sẽ có người mang cơm nước đến cho cô, thuốc thang tôi đã nhờ bác sĩ. Cô ráng ăn nhiều vào để có sữa cho con bú. Năm ngày sau tôi đến đón mẹ con cô nhé.

Hân lí nhí nói lời cảm ơn. Năm ngày sau ông đến đón mẹ con chị về nhà ông, ông bảo ông không có con, bảy năm chung sống với người vợ trước chứng minh điều đó. Thấy chị không người thân thích, nửa năm qua cũng chẳng thấy tình nhân của chị tới lui. Chắc là duyên trời đã định nên chị mới tìm đến nơi này và gặp ông, nếu chị không từ chối thì cho ông nhận đứa bé là con của mình. Ông cũng không yêu cầu chị vội vã trả lời ông, phải suy nghĩ cho chín chắn để không ân hận ngày sau. Ông giao chị căn phòng tầng một, sát phòng ông. Đò là căn phòng dành cho khách khứa hay bạn bè.

Đêm ngoại ô Sài Gòn không nóng, gió từ bờ sông thổi vào mát rượi, hàng cây bò cạp nước nở hoa vàng từng xâu lung linh dưới ánh đèn đường trông thật đẹp. Các cô gái chàng trai tình tứ hôn nhau trên ghế đá dọc thềm sông mặc người ta qua lại. Hân bước đến cửa sổ vén rèm nhìn xuống tìm xem ông ngồi nơi nào. Vẫn trên chiếc ghế đá trước nhà, dưới gốc cây bò cạp nước, nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh đèn đường hắt qua từ bờ sông bên kia. Ông chủ ngồi đó, đốt thời gian thư giản của ông bằng năm, ba điếu thuốc Bastoz không đầu lọc rồi mới quay về. Bao năm rồi vẫn thế nhưng Hân nào có biết, chị ở nhà trọ sáng đến làm, chiều về nên ba hôm nay chị ngỡ ông đang chờ câu trả lời của chị. Tấn cái gối dài phía bên ngoài thằng bé, chị rón rén đến bên ông và ngồi xuống.

- Thằng bé đã ngủ ?

- Dạ.

- Cô uống gì, tôi gọi.

- Còn xưng…tôi ư !

Ông quàng tay qua vai chị, tay kia nâng cằm, ông hôn lên đôi mọng đỏ chờ đợi của chị.

Sài Gòn giải phóng, đường phố tràn ngập cờ sao. Chị không biết có bao nhiêu người thật sự sung sướng và bồn chồn như chị. Không biết có bao người lo âu, thắc thỏm như ông. Thằng bé đã được năm tuổi, ông và chị bế nó đi cùng rừng người đón mừng chiến thắng. Đi bên hàng quân xa rợp màu áo lính, rợp màu cờ xanh đỏ sao vàng, bỗng có tiếng gọi tên chị thật lớn : Hân…Hân ơi… Đã chuẩn bị từ trước cho cuộc hội ngộ này dù rất là mỏng manh, nên chị không ngoái đầu nhìn lại. Có bước chân dồn dập đến bên chị, anh nhìn chị ngập ngừng :

- Có phải đây là…Hân không ?

Ông chủ định trả lời, thì chị kịp chặn lại :

- Chắc ông lầm, tôi là Ngọc, còn đây là chồng và con tôi.

- Vâng, xin lỗi ông bà, tôi lầm.

Anh đứng đó nhìn theo hai người cho đến khi không còn thấy bóng dáng họ. Anh nghĩ chắc người giống người, anh đâu hay rằng chừng ấy thời gian thì làm sao có thể thay đổi nhanh chóng một khuôn mặt mà anh hằng nhìn ngắm để đến nỗi không nhận ra. Mà nếu là Hân thì lẽ nào…Anh quay về với nhiệm vụ của người lính.

Khi về đến nhà ông chủ để thằng bé tự do chơi đùa, ông kéo chị ra hàng hiên thì thầm :

- Người ấy là cha của thằng bé ?

Chị gật đầu.

- Em cũng là Việt Cộng ?

- Vâng, ngày trước.

- Em dứt khoác giữ kín chuyện này trong lòng.

- Năm năm sống với anh rồi còn gì, ơn anh nuôi dưỡng và bảo bọc mẹ con em, em làm sao quên được. Còn anh ấy còn trẻ, còn tương lai sáng ngời phía trước, làm sao ưng nhau lại được khi mà em bị kết tội phản bội, tội “ hồi chánh “ nặng lắm anh ơi.

Ông chủ im lặng ôm chặt chị trong vòng tay, hai thân hình đã quyện vào nhau thành một. Trong ông, hạnh phúc bây giờ mới thật sự dâng trào, ông không còn lo một ngày nào đó người ta dành chị trong vòng tay ông, và thằng bé kia nữa nó sẽ mãi mãi là con ông. Một ánh sao vừa băng qua bầu trời, mong ước của hai người đã được trời cao chứng giám.





VVM.07.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com