K hông như ở nhiều nơi khác với hai mùa mưa nắng, thời tiết ở Huế có 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào sông Hương cũng có nét đẹp riêng của nó trong dáng vẻ dịu dàng, ẩn giấu một chút kiêu sa của nàng Tôn nữ vốn là con vua cháu Chúa, một chút lãng mạn của những tâm hồn nhạy cảm trước núi non hùng vĩ, sông nước bao la, cỏ cây hoa lá, làm say đắm lòng người.
Thầy giáo Võ Liêm Sơn nay đã là sinh viên trường Hậu Bổ. Thầy ngồi tựa lưng vào dãy ghế đá giữa vườn hoa Thương Bạc như muốn tìm một chút yên tĩnh sau những ngày học tập và thi cử mệt mỏi. Cùng với buổi chiều dần lên, dòng sông như một dải lụa mềm vắt qua trước cổ thành Huế. Bên này sông, con đường Paul Bert chạy từ cầu Bạch Hổ xuống chợ Đông Ba. Phía gần chợ có một dãy nhà, ngói có, tranh có, nằm san sát nhau,ban ngày buôn bán tấp nập, ban đêm thấp thoáng những bóng người qua lại dưới ánh đèn gương, đó là những người bán hàng rong, tiếng rao lanh lảnh.
Trường Hậu Bổ là cơ sở cũ của Nha Thương Bạc, nằm một góc trước cửa Chính Đông, sát đường Paul Bert và nhìn ra sông Hương. Khuôn viên được xây tường để cách ly với sự náo nhiệt ở bên ngoài. Phía sau, có hào sen chạy dọc theo bờ thành, đến mùa sen hồng, sen trắng đua nhau nở đẹp như gấm thêu,toả hương thơm ngát cả một vùng. Trước trường có hai cây “bút bút” cành lá mạnh mẽ, trồng đã lâu lắm nay thành cổ thụ mấy người ôm không xuể, quanh năm toả bóng mát xuống cả một khoảng sân rộng. Trường có cơ sở phục vụ thể dục thể thao như sân vận động, bến nước để cho sinh viên đá banh, bơi lội, chèo thuyền.
Bên kia sông là con đường Jules Ferry chạy dài từ sân ga về phía Vĩ Dạ với những hàng cây muối, cây phượng cùng những khóm tre xanh mát bao bọc lấy các trại lính, toà Công sứ Thừa Thiên, ngôi nhà xinh xắn và sang trọng của gia đình ông Công sứ... Nổi bật và rộng lớn hơn cả là ngôi trường Quốc Học với cái tên đầy đủ là “ Pháp tự Quốc Học trường", nơi mà Võ Liêm Sơn đã dùi mài kinh sử suốt bốn năm trường để rồi đến cuối năm 1911 đỗ bằng Thành Chung hạng ưu và được bổ làm giáo học ở Quy Nhơn. Nhìn lại cảnh cũ, ông thấy lòng mình rộn lên những kỉ niệm của buổi hoa niên cùng với bạn bè đồng khoá. Những người bạn như Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đều là người có khí tiết, rất giỏi Hán văn, được thầy dạy chữ hán quý mến thì làm sao mà quên được. Và còn biết bao người khác nữa bây giờ chẳng biết đi đâu, về đâu?
Đối với một số sinh viên khi mới đặt chân đến trường Hậu Bổ thì lấy làm hãnh diện lắm vì trường này là hậu thân của các trường Uyên Bác, Sĩ Hoạn hay gần đây là lớp học đặc biệt đạt trong trường Quốc Học, là nơi đào tạo các nhà khoa bảng của Nam triều trở thành những quan chức của nhà nước trong thời kì tiếp xúc với nền văn minh, văn hoá phương Tây. Nhưng riêng với ông thì đó là sự khởi đầu của một nỗi lo vì khi đã ra làm quan thì dù dưới một triều đại nào cũng khó giữ cho mình được trong sạch, chứ chưa nói gì đến việc giúp nước giúp dân. Trước mắt, đất nước đã mất vào tay giặc Pháp thì vua quan dẫu còn đó nhưng chỉ là thứ bù nhìn. Biết bao con người mặc áo rộng xanh, đội mũ cánh chuồn, ăn lương Nam triều nhưng thực chất là do Pháp bổ dụng thì thử hỏi làm sao mà không làm tay sai cho chúng được? Nghĩ đến đó ông cảm thấy rụng rời tay chân, muốn chạy trốn nơi đây để khỏi đối mặt với một tương lai đầy ám chướng.
Trong lúc đang nghĩ ngợi miên man bỗng ông giật mình vì có tiếng guốc cộp cộp đến gần. Ông ngước lên nhìn người khách lạ và cố tìm trong trí nhớ của mình những hình bóng cũ xem thử người này đã gặp đâu chưa. Trong lúc ông còn bối rối thì người khách lạ đã bắt chuyện.
- Thưa thầy, thấy có khoẻ không?
- Xin lỗi! Anh ở đâu mà biết tôi?
- Thưa thầy, em ở Bình Định ra. Thời kì thầy vào dạy học ở Quy Nhơn em có gặp thầy một lần nhưng nhớ mãi. Khuon mặt thầy có những nét dễ nhớ lắm.
- Thôi được, đã là rứa thì ngồi xuống đây nói chuyện chơi. Nói xong, ông ngồi xích ra một bên để nhường một phần ghế cho khách ngồi.
Buổi chiều thật êm đềm như dòng Hương lững lờ trôi với mái chèo nhẹ nhàng khua nước của chuyến đò dọc ngang qua trước kinh thành. Hai người ngồi yên lặng một chút như cùng dòng nước thả trôi ý nghĩ của mình rồi lại bắt đầu câu chuyện.
_ Anh ở Bình Định mà anh ở huyện nào?
_ Em cũng ở phủ Quy Nhơn, sát với Gành Ráng.
_ Rứa thì tôi biết rồi. Tôi có đến đó nhiều lần, phong cảnh Gành Ráng hữu tình, phía dưới có bãi đá rất đẹp, nước biển quanh năm rất trong. Những ngày hè tôi thường lên tắm ở đó. Đi bộ hay đi xe ngựa cũng được, đi xe ngựa rất thú vị mà chắng tốn bao nhiêu cả.
_ Còn thầy khi vào Quy Nhơn thì thầy ở đâu? Sao mà thầy về lại Huế sớm thế?
_ Tôi quê quán ở Hà Tĩnh, sát dưới chân núi Hồng Lĩnh, vào Huế học mấy năm rồi được bổ làm giáo học ở Quy Nhơn. Chưa đầy một niên học thì gặp dịp may là đầu năm 1912, triều đình mở khoa thi Hương năm Nhâm Tý ở trường thi Bình Định. Tôi nộp đơn xin thi và đỗ cử nhân Hán học. Đến cuối năm, Bộ Lại gọi tôi về học ở trường Hậu Bổ. Tôi đành phải chia tay với học trò để về Huế.
Lúc ở Quy Nhơn, tôi ở phía Đầm Thị Nại. khu vực Đầm Thị Nại bao gồm núi non, sông nước, biển cả rất đẹp, nhất là những đêm trăng sáng hay buổi sớm lúc mặt trời mới mọc. Như chúng ta biết từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ 15, vương quốc Champa đã thiên đô nhiều lần. Trước khi xây dựng kinh đô có tính cách qui mô ở Đồ Bàn, họ đã xây dựng kinh đô ở Thị Nại, dưới chân tháp Thiên Trúc, vây bọc bởi sông Gò Tháp ở phía Bắc và sông Cầu Đung ở phía Nam. Khi kinh đô Đồ Bàn xây dựng xong thì Thị Nại trở thành quân cảng và thương cảng với những tàu chiến và những tàu buôn ra vào tấp nập. Cũng chính ở đó, tháng ba năm Nhâm Tý, lợi dụng lúc gió nam thổi mạnh, Nguyễn Ánh sai các tướng Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thanh, Dayot và Vannier (cố vấn Pháp) đem thuyền chiến từ Cần Giờ ra đốt phá thuỷ trại của quân Tây Sơn. Đó là một trận thư hùng giữa hai bên còn ghi dấu ấn trong lịch sử.
Còn bây giờ thì Thị Nại tiếp giáp với Qui Nhơn để trở thành một nơi phồn hoa đô hội.
Người khách chăm chú lắng nghe thầy giáo miêu tả chỗ ở của mình lúc đang còn dạy học ở Qui Nhơn và đã mở rộng ra những vấn đề của lịch sử một vùng đất thật là thú vị. Người khách tự nghĩ đôi khi mình chẳng hiểu biết gì về mảnh đất mình đang ở, dẫu rằng dưới chân mình còn thấm đẫm bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, xương máu của tiền nhân.
Thầy Võ Liêm Sơn bỗng dưng dừng câu nói. Chắc có lẽ thầy nghĩ mình đã nói nhiều quá, gây khó chịu cho người nghe, thầy đâu có biết rằng người nghe còn muốn nghe nữa.
_ À! Từ nãy giờ mà quên hỏi thăm hoàn cảnh của anh. Rứa thì hoàn cảnh của anh thế nào? Anh ra đây có việc chi?
_ Dạ thưa thầy, hoàn cảnh của em rất khó khăn. Em vẫn còn là một nho sinh. Em có dự thi mấy lần nhưng đều hỏng cả nên chẳng làm được trò trống gì. Có mấy sào ruộng, mấy thước vườn dần dần cũng cầm cố sạch. Vợ con buôn gánh bán bưng, lúc ế ẩm thì mò cua bắt ốc, quanh năm suốt tháng lo miếng ăn không đủ lại còn phải đóng thuế thân, đi lao dịch. Còn việc ra đây em cũng xin nói hết cho thầy nghe mong được thầy chỉ cho một hướng. Sự tình là cha mẹ em ở dưới huyện vì quá uất ức mà phải cãi lộn với người hàng xóm, không ngờ người hàng xóm ấy lại là con cháu của quan Huyện nên cha mẹ em bị quan Huyện bắt và vu cho là dân trốn xâu lậu thuế rồi tự tay đánh chết. Ở trong đó em đã đến nhiều cửa quan kêu oan nhưng chẳng có ai quan tâm giải quyết vụ việc. Em ra đây với hi vọng có quan lớn nào nghe cho chăng. Từ thuở nhỏ em đã nghe chuyện trống rung tam toà. Mình đến đó đánh lên một hồi liệu có ai tiếp mình không?
_ Thầy nghe em kể mà tội nghiệp quá! Thời buổi loạn ly mà! Quan lại từ trên xuống dưới một bề như nhau cả! Em có kêu lên trên cũng vô ích! Ở đây có trống tam toà thật nhưng nó chỉ có gia trị khi còn đấng minh quân. Bây giờ vua ta là vua bù nhìn dù có thấu nỗi dân tình thì cũng chẳng làm gì được. Luật pháp bây giờ là luật pháp của kẻ mạnh, của bọn thực dân, thật là khủng khiếp.
_ Nghe thầy nói em cũng hiểu ra. Nhưng bây giờ em phải làm gì để giải oan cho cha em?
_ Em nên trở về lại trong đó để chăm nom con cái. Khi có cơ hội thì góp sức với qần chúng để quét hết thù trong giặc ngoài. Lúc đó ông cụ sẽ cười vui nơi chín suối.
Thôi, bây giờ cũng đã tối rồi. Tôi mời anh đi ăn cái gì cho đỡ đói bụng và tìm quán trọ nghỉ tạm qua đêm. Nếu sáng mai anh vào lại thì xuống Thuận An hỏi tàu buôn đi Nam mà vào.
Thấm thoắt đã ba năm trôi qua kể từ khi ông trở lại đất Huế để học trường Hậu Bổ. Những ngày dưới mái trường này mặc dầu hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn, số tiền trợ cấp cho sinh viên không đủ để chi dùng cho bản thân thì lấy gì mà gởi về giúp vợ con, nhưng ông vẫn để công nghiên cứu và học tập với mong muốn có chút kiến thức để gánh vác việc dân việc nước sau này. Hơn nữa trong quá trình học tập ông được thầy Lê Văn Miến hết sức động viên. Đây là lần thứ hai ông được sự dẫn dắt của thầy. Lần đầu khi còn theo học ban Thành Chung ở trường Quốc Học, thầy Lê Văn Miến đã dạy ông hội hoạ. Thầy có dịp du học ở Pháp, lúc trở về thầy nhận công tác ở trường Hậu Bổ, hiện là phó đốc giáo của trường. Thầy rất tận tuỵ với học sinh, thường tìm hiểu hoàn cảnh của những học sinh xa nhà để giúp đỡ.
Đã gần tháng nay, sinh viên đến trường chỉ để chờ lấy chiếu chỉ bổ nhiệm của bộ lại. Sinh viên phải chờ đợi hơi lâu vì danh sách bổ nhiệm phải thông qua Toà Công Sứ. rủi cho sinh viên nào có lý lịch ba đời dính dáng đến các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Kháng Thuế mà toà sứ biết được, gạch tên trong danh sách bổ nhiệm thì cuối cùng chỉ có việc trở về quê nhà cày ruộng dù cho nhà nước Nam triều có can thiệp mấy cũng chẳng được.
Nhưng rồi đến lúc ông cũng được Bộ Lại gọi vào cử làm Tri huyện Duy Xuyên. Nhận giấy tờ xong, trước khi về lại nhà trọ ông ghé trường Hậu Bổ để chia tay bạn hữu và cám ơn các thầy đã có công dạy dỗ.
Tâm trạng của ông lúc này vừa mừng, vừa lo. Mừng là đã có công việc trở lại, lo là không hiểu tình hình ở Duy Xuyên hiện nay như thế nào. Đêm cuối cùng ở Huế ông cứ thao thức mãi chắng ngủ được tí nào. Dù sao thì cũng đã nhiều năm ở đây với biết bao gắn bó, biết bao kỉ niệm buồn vui.
Trên căn gác gỗ, bên ngọn đèn dầu một mình một bóng, lẻ loi cô đơn. Ông miên man nghĩ về quê hương Lam Hồng hồng của mình, nơi đó có biết bao người thân thuộc, vợ và đứa con lên bốn tuổi. Ông lại nghĩ về đất nước bị phân kì, bị chìm đắm trong nô lệ, dân tình chịu khốn khổ trăm bề. không biết với chức Tri huyện có giúp ích gì được cho dân cho nước hay không
Đêm đã quá khuya, cả Hoàng thành chìm trong giấc ngủ, thỉnh thoảng có tiếng gà gáy ở phía xóm Cồn. Thầy đi đi lại lại rồi mở toang cánh cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Cỏ cây hoa lá gội ướt sương đêm. Mảnh trăng ở phía núi Ngự Bình chiếu vằng vặc, dòng Hương sóng vỗ nhẹ đôi bờ dưới ánh sáng huyền ảo. Bất chợt thầy nhớ lại câu thơ của Cao Bá Quát trong bài Hiểu Quá Hương Giang “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Ngày mai ông sẽ rời Huế để vào Quảng Nam.
Để hiểu biết về một vùng đất mà mình sắp tới trấn nhậm. Ông cố tìm trong trí nhớ những bài học lịch sử và địa lí mà mình đã học được,mặc dầu có chỗ nhớ chỗ quên nhưng những điều cốt lõi của phần đất này thì ông vẫn nhớ rất rõ.
Quảng Nam, từ thời xa xưa là đất Việt Thường. Trong thời kì bị phương Bắc xâm lược thì đời Tần thuộc về Tượng Quận, đời Hán thuộc về quận Nhật Nam. Vùng đất này chịu nhiều biến thiên của lịch sử tiếp theo. Mãi đến năm 1306, sau đám cưới của Huyền Trân công chúa, vua Trần Anh Tông tiếp quản hai châu Ô, Lý để thiết lập thành hai châu mới là Thuận Châu và Hoá Châu. Lúc đó Hoá Châu chỉ mới bao gồm Thừa Thiên và phủ Điện Bàn. Cho đến khi vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm được Chà Bàn, bắt được vua là Chà Toàn rồi lập ra Quảng Nam Thừa Tuyên, chia thành ba phủ là Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Ân thì xùng đất này mới thuộc hẳn về Đại Việt. nó đã liên hoàn thành một dải non sông gấm vóc.
Đó là chuyện mấy trăm năm về trước, còn Quảng Nam từ cuối thế kỉ 19 chỉ có 3 phủ và 4 huyện, trong đó có huyện Duy Xuyên gồm chín tổng, 159 xã và gần 1 vạn xuất đinh.
Nói gì thì nói, có một điều phải nhận ra đây là vùng đất có bề dày văn hoá, rất khí tiết, giàu lòng yêu nước, cần cù lao động và đặc biệt là đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt nặng lòng với nước với dân. Chỉ trong lịch sử kháng Pháp gần đây, một Hoàng Diệu chịu tử tiết với thành Hà Nội chứ không chịu đầu hàng giặc, một Trần Quý Cáp lãnh đạo chống sưu cao thuế nặng sau bị bắt và bị chém ngang lưng, một phạm Phạm Phú Thứ là phó đoàn trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi sang Pháp mưu chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Bộ nhưng bất thành. Sau chuyến đi này, ông đưa ra nhiều phương án để cải cách, để công nghiệp hoá nước nhà. Những người còn sống như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Duy Tân.
Khi đặt chân đến đất Quảng Nam thì trời đã chập choạng tối. Sau một ngày đi đường quá ư là mệt nhọc, ông tìm vào quán trọ để nghỉ. Sáng hôm sau ông lên trình diện quanTổng đốc rồi đi xe ngựa thẳng về Duy Xuyên. Những ngày đầu đến Huyện đường, ông cùng với một số cộng sự đi về thăm các Tổng và một số làng mạc bị lụt lội, mất mùa vừa qua. Đi đến đâu ông cũng thấy dân tình khổ sở, đói rách, nhà cửa lụp xụp với mái tranh vách đất, đường sá lầy lội, ruộng đất bỏ hoang. Nhiều gia đình có người dính dấp đến việc chính sự, việc xin giảm sưu thuế phải chịu tù tội. Chỉ có nhà các ông Tổng, ông Lý và những người móc ngoặc với quan lại thì vườn tược mênh mông, nhà cao cửa lớn, người hầu kẻ hạ, ăn uống linh đình. Ông cho rằng đó là những vấn nạn cần phải được giải quyết gấp để an dân nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu vì nhiều chuyện quá, hơn nữa ngân sách của huyện chẳng còn là bao. Thuế má của mấy khoá trước thu được bao nhiêu thì một phần phải nộp lên cấp trên, một phần bị quan lại tại huyện tìm cách chia nhau hoang phí hết.
Ông là môn đệ của Khổng Mạnh nên hiểu rất rõ muốn an dân trước hết phải tôn trọng dân, cụ thể là phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân làm ăn sinh sống. Không vì một lí do gì mà dồn dân vào thế đường cùng, mất hết tư liệu sản xuất không còn phương kế làm ăn. Chỉ cần như vậy thôi cũng đã tốt lắm rồi chứ đừng mong chi đến: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” như kinh điển đã dạy. Bởi vậy, chừng một tháng sau khi về trí nhậm ông cho kiểm tra hết các khám đường để phóng thích các tù nhân bị án oan sai như những người bị giam cầm lâu ngày sinh ốm yếu bệnh tật, những người vì nghèo khổ đói rách mà tham gia phong trào xin giảm sưu thuế lao dịch, những người bị giam mà không có án để họ về quê làm ăn giúp đỡ vợ con. Ông cũng kêu gọi những người vì chiến tranh mà bỏ làng chạy lên phố thị ăn ở chui nhủi ở chợ búa hay dưới gầm cầu trở về quê cũ chăm lo cày cấy, khai hoang phục hoá. Ông cho mở thêm chợ búa để dân quê có nơi tiêu thụ sản phẩm làm ra, sửa chữa lại cầu cống để dân dễ đi lại, nơi nào chưa có trường học thì cho xây dựng thêm, những thanh niên chưa có việc làm thì động viên học các nghề như thợ nề, thợ mộc, thợ rèn, thợ khép xay, thợ đẽo cối...
Ông cũng khuyến khích dân làng chung nhau tiền để sữa chữa các cơ sở thờ tự như chùa chuền, đình làng, nhà thờ họ tộc, lăng mộ của các anh hùng trong địa phương với mục đích làm yên lòng dân, củng cố phong hoá.
Từ khi bắt tay vào việc, có một số vấn đề thường làm cho ông hao tâm tổn trí là vấn đề rượu và thuốc phiện. Dân ta từ xa xưa đã có truyền thống nấu rượu. Rượu dùng trong việc cúng giỗ, lễ nghi hằng ngày hoặc dùng để ngâm rượu uống giải mỏi, chữa bệnh. Rượu của ta rất ngon, rất thơm, thường được cất từ gạo hoặc nếp. Bởi vậy dân ta có uống rượu nhưng không hại gì đến sức khoẻ. Từ khi Pháp bảo hộ, họ muốn độc quyền về mặt hàng rượu nên lập ra công ty rượu do nha Thương chính Pháp quản lí. Từ đó người Pháp cấm người Việt Nam nấu rượu. Nếu ai tự tiện nấu dù chỉ để dùng trong gia đình mà bị phát hiện thì chịu trọng hình khổ sai một năm trở lên. Người Pháp bắt buộc người Việt Nam phải uống thứ rượu của họ nấu chứa nhiều chất độc hại. Người nào uống loại rượu này lúc đầu suy nhược thần kinh, lúc sau bị bệnh mà chết. khổ nỗi là nha Thương chính Pháp phân số lượng cho từng hương thôn rồi buộc phải bán hết để thu lợi nhuận.
Thuốc phiện cũng như thế. Chính phủ bảo hộ lập ra Ty thuốc phiện phân bổ số lượng theo số nhân khẩu trong từng hương thôn để bắt tiêu thụ hết cũng với mục đích để thu lợi nhuận cáng nhiều càng tốt và cũng đồng thời làm suy giảm ý chí của nhân dân ta.
Ở Quảng Nam nói chung và Duy Xuyên nói riêng, lệnh cấm nấu rượu được ban bố rất gắt. Ở đây chỉ được dùng một loại rượu Phông-ten của Pháp, một thứ rượu vừa dở lại cực kỳ độc hại. còn thuốc phiện thì tràn lan, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có.
Với ý thức bảo vệ sức khoẻ của con dân, nuôi dưỡng ý chí của dân tộc, ông thường lơ là việc bắt bớ nấu rượu lậu và khuyên dân không nên uống rượu của Pháp.
Việc này mới nghe qua tưởng là đơn giản nhưng đối với người Pháp thì thật là một tội tày trời.
Bọn tay sai đã đánh hơi được ý nghĩ và việc làm của quan tri huyện. Bọn chúng đem mọi việc báo cáo lên quan Tổng đốc và tên Tây Đoan của nha Thương chính.
Một hôm ông đi dự cuộc họp dân để bàn công việc nạo vét kênh mương, đắp hồ thuỷ lợi. Khi ông vừa trở về tới huyện đường thì có trát đòi của quan Tổng đốc. Ông dự cảm chắc là gặp việc chẳng lành. Ông khăn gói lên đường để trình diện theo ngày giờ đã định.
Dinh Tổng đốc là một ngôi biệt thự năm giữa khu vườn rông với nhiều bồn hoa cây cảnh đẹp mắt. Trước ngõ là hai cánh cổng lớn bằng gỗ sơn màu nâu sẫm có lính gác rất nghiêm ngặt. Lối đi vào rải đá dăm màu trắng nằm dưới những bóng cây lưu niên, trông rất mát mẻ. Ông xuống xe, đưa trát cho hai người lính gác cổng xem rồi tiến thẳng vào phòng khách, có đặt sẵn nhiều bộ bàn ghế trường kỷ chạm trổ tinh vi.
Ông ngồi đợi đã lâu, lòng như có lửa đốt nhưng quan Tổng đốc đi choi bài chưa về. Ông ngồi nghĩ miên man rồi chợt nhớ hai câu thơ trong Truyện Kiều khi nói về Từ Hải: “Bó thân về với triều đình-Hàng thần lơ láo phận mình sá chi”. Ông tự tiếc cho cuộc đời kẻ sĩ khi phải khom lưng bước vào cổng quan trường, mất hết khí phách, thậm chí còn mất hết cả liêm sĩ.
Ông cứ ngước mắt trông về cổng trước không ngờ quan Tổng đốc đã về từ phía cổng sau. Có lính lệ mời ông lên gác trên gặp quan Tổng đốc. Khi ông bước vào phòng để trình diện thì đã thấy tên Tây Đoan nha Thương chính ngồi ở đó với dáng vẻ cao lớn, mắt xanh, mũi lõ, râu rìa. Đặc biệt đôi mắt trông rất cú vọ. Ngoài ra, có một thư lý riêng của quan Tổng đốc ngồi ở góc phía cửa sổ và một người phục vụ nước nôi, điếu đóm.
Quan Tổng đốc với khuôn lạnh như tiền hất hàm hỏi:
_ Anh là Võ Liêm Sơn, tri huyện Duy Xuyên?
_ Tôi là tri huyện Duy Xuyên.
_ Từ ngày anh về trấn nhậm ở địa phương này sao ngày lễ, ngày Tết không thấy anh tới hầu quan trên
_ Tôi rất bận việc, ít có thời giờ đi lại. Quan Tổng đốc bỗng nhiên mặt đỏ như gấc, tay đập bàn quát tháo:
_ Đồ láo! Sống với đất phải biết đất, sống với trời phải biết trời. Đối xử như anh thì quan trên lấy tiền đâu mà đanh xì phé, uống rượu.
Đến nay tôi mới được quan trên chỉ dạy điều đó. Khi còn học ở trường Hậu Bổ không nghe các thầy nói đến điều này.
Nghe Tri thuyện nói như vậy, quan Tổng đốc càng nổi giận:
_ À! Té ra là như rứa! Anh là người vừa nhu lại vừa cương nhưng đã đến đây thì không thể cứng đầu được. Tôi đã từng bóp nát óc bao nhiêu người, anh có biết không? Tôi nói cho anh biết cái tội của anh là cái tội tày trời. Tôi đã cho ghi hết vào sổ đen rồi.
_ Tôi có tội gì ạ? Quan Tri huyện bình thản hỏi:
_ Anh đừng có giả khờ, giả dại qua ải. Anh có biết từ khi anh về đây đã nói xấu nhà nước Nam triều, nhà nước Bảo hộ với dân bao nhiêu lần không? Anh thả ra bao nhiêu tù nhân, anh có biết trong đó có người tham gia Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân, chống sưu cao thuế nặng?
_ Tôi có phóng thích tù nhân thật, nhưng đó là những người bị án oan sai với bản án ghép tội vu vơ, thiếu chứng cứ; là những người bị giam giữ lâu ngày mà vẫn không thành án lại đau ốm thập tử nhất sinh. Còn những người nghèo khổ đói rách họ xin giảm sưu thuế thì họ có tội gì?
_ À! Anh phải nhớ là anh làm quan mà. Anh bị tiêm nhiễm cái tư tưởng của bọn nổi loạn rồi! Hỏng! Hỏng!
Quan Tổng đốc nói như tạt nước vào mặt ông rồi bỗng dưng ngưng lại, lấy thuốc lào xe vào điếu châm lữa rít một hơi dài, thả khói lên trần nhà, lim dim đôi mắt, ngả người dựa vào chiếc ghế bành bọc vải nhiễu trông thật khoan khoái.
Không bỏ lở cơ hội, quan Tây Đoan chen vào tra vấn tiếp:
_ Người Pháp qua đây, sống nhờ lợi nhuận từ rượu và thuốc phiện, sao anh ngầm cấm dân anh dùng? Nếu dân anh từ khước mua rượu và thuốc phiện thì người Pháp biết bán cho ai?
_ Dân tôi cũng biết nấu rượu. rượu và thuốc phiện của các ông độc lắm. dân tôi bị bệnh nhiều, bị tan nhà nát cửa cũng ví hai mặt hàng đó. Sao ông không về bên Pháp mà bán cho dân ông?
Nghe Tri huyện đối đáp một cách ngang tàng, tên Tây Đoan mặt hầm hầm, giận dữ như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ ngồi đối diện.
Từ ngày về đất Quảng này, tri huyện Võ Liêm Sơn đã biết rõ tên Tây này vô cùng tàn ác, giết dân Nam không chút thương tiếc. Mục đích sống của nó là vơ vét của cải của dân bản xứ nộp về cho chính phủ bảo hộ. Nó thiết lập một đội ngũ tay chân gồm những kẻ không có cha mẹ anh em, mặt mũi dữ tợn, hung ác để dùng vào việc thu thuế. Bọn này luôn luôn tỏ ra đắc lực trong công việc và cũng gây ra không ít tội ác đối với người dân thấp cổ bé miệng. Ông căm tức thái độ hống hách, thẳng thắn phản đối kịch liệt.
Cuộc tra vấn kéo dài cho đến trưa, kết quả là quan Tri huyện bị bãi chức.
Ông đến công tác ở Duy Xuyên chỉ được mười tháng. Ngày rời khỏi nơi đây là một ngày mưa gió bão bùng. Những người dân ở các làng ven huyện đường biết tin mang tơi đội nón đến tiễn ông lên đường với bao nỗi luyến tiếc. Họ mến phục một vị quan huyện đã hết lòng vì nước vì dân.
Về đến Huế, ông thấy ngôi nhà hoang vắng quá. Bà vú già giúp việc mấy năm trước gầy ốm xanh xao vẫn ở lại coi nhà và nuôi cháu Võ Bình Sơn mới 5 tuổi, kể từ khi vợ ông bạo bệnh rồi qua đời từ đầu năm. Bà đi đi lại lại và lau chùi bộ bàn ghế từ lâu chẳng ai ngồi, bụi bặm bám đầy. Ông nhìn di ảnh vợ trên bàn thờ mà lòng rưng rưng. Ông nghĩ đâu có đến nỗi gì mà bây giờ như thế này! Vợ ông là con cụ Phan Trọng Mưu, một nhà khoa bảng yêu nước, nhưng khi về ở với ông thì chưa được một ngày thư thái, hạnh phúc.
Ông đặt chén nước xuống bàn rồi ngước mắt nhìn ra ngoài sân. Khu vườn xác xơ tiêu điều, mấy luống rau vàng úa, giàn bầu, giàn bí của mùa trước lá khô queo quắt rũ xuống bay bay trước gió. Cón chó vá vẫn còn đó, nó vừa ngoắt đuôi để mừng rỡ, vừa chạy quanh nhà sủa ầm lên. Ông níu tay kéo con trai vào lòng rồi đưa cho con gói quà nhỏ. Đôi mắt đứa bé sáng rực lên, mở gói quà ra ăn ngấu nghiến. ông nhìn con đăm đắm, lòng buồn rười rượi.
Về nhà được mấy hôm thì ông đến trình diện Bộ Lại, Bộ này đã trả ông về Bộ Học. Ông về làm Thừa Biện ở bộ học được bảy tháng thì bổ ra làm giáo thụ ở Quảng Xương, Thanh Hoá. Dạy học ở đó một thời gian chưa được bao lâu thì lại được cử vào làm Huấn đạo tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 1917, cấp trên xét thấy ông là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực nhiều mặt nên thăng chức cho đảm nhận Kiểm học tại Phú Yên. Và đến tháng 6 năm 1919, lại do nhu cầu công tác, ông được rút về làm giáo sư môn Hán văn ở trường Quốc Học. Cuộc đời ông thật là có duyên với Huế.
Không như mấy lần trước, trở về Huế lần này ông thấy đổi thay nhiều quá. Đường sá sạch sẽ hơn, cây cối hai bên đường xanh mát, nhà cửa được sữa chữa lại làm cho bộ mặt đế đô đổi khác. Các dinh thự của quan Tây mọc lên nhiều nơi, lính Tây có mặt ở mọi ngả đường, hàng quán. Có điều là dân lao động vẫn quá khổ. Hình ảnh người phu xe vẫn làm ông nhức nhối trong lòng. Tình hình chính trị âm ỉ nóng lên, lao Thừa Phủ được xây lại kiên cố, tù nhân bị xiềng xích được dẫn đi từng đoàn với công việc nạo vét cống rãnh quanh thành phố.
Trường Quốc Học vẫn uy nghi, thâm nghiêm với màu vôi cũ, chỉ có cây cối trong trường mang dáng vẻ cổ thụ hơn. Hiệu trưởng bây giờ là ông Nordermant, một người rất khó hiểu vì bên ngoài bao giờ ông cũng tỏ ra mẫu mực sư phạm nhưng bên trong thì chất chứa bao ý tưởng xâm lược. Gần đây, giáo sư Pháp được tăng cường về trường nhiều hơn. Nhìn chung có nhiều thầy tốt bụng nhưng cũng không ít thầy mang tâm địa thực dân.
Khi trở lại dạy học ông ít giao du với các giáo sư khác, hơn nữa thầy Việt Nam ở trường rất ít. Hằng ngày ông chỉ biết từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà, còn bao nhiêu thời gian rãnh rỗi ông dùng để đọc sách và nghiên cứu các tài liệu nói về chính sách của Pháp ở Đông Dương nhất là về mặt giáo dục.
Trong số các tài liệu, ông thấy ngày 21 tháng 12 năm 1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành qui chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương mà nhiều người thường gọi nôm na là “Học chính Tổng qui”. Những điều khoảng trong nghị định này phản ánh một nền giáo dục nô dịch áp dụng cho các nước thuộc địa. Riêng đối với Việt Nam có những qui định xét ra quá thậm tệ khi đối xử với một đất nước đã có hàng ngàn năm văn hiến. Ví dụ như học sinh 11 tuổi phải học lịch sử nước Pháp, xây dựng lòng trung thành của dân bản xứ đối với nước Pháp. Đáng buồn hơn hết là bắt học sinh phải học nội dung của môn luân lí nói về các bổn phận của nước thuộc địa đối với nước Pháp như biết yêu kính, biết ơn, phải cúc cung tận tuỵ với nước Pháp.... Chương trình 27 giờ rưỡi trong một tuần thì chữ Quốc ngữ và chữ nho chỉ học có 3 giờ mà thôi,còn bao nhiêu là chữ Pháp.
Mặc dầu giờ Hán văn ít nhưng ở trường Quốc học lớp nào cũng có, đó là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều học sinh nhất là những học sinh tuấn tú có tâm huyết, chí khí. Trong những giờ lên lớp ông thường cho học sinh chép đúng sách giáo khoa nhưng khi giảng thì tuỳ theo nội dung từng bài mà mở rộng ra để liên hệ với tình hình đất nước, thế giới và nỗi khổ đau của nhân dân các thuộc địa. Thông qua đó, ông gợi lên lòng yêu nước ở mỗi học sinh trước truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, sự khổ nhục của người dân nô lệ. Đối với những giờ học như thế, học sinh rất chăm chú học tập và tỏ ra đồng cảm với thầy. Trái lại trong một số giờ học về lịch sử do các giáo sư Pháp phụ trách thì bị học sinh làm mất trật tự hoặc là tìm cách ra ngoài.
Vào một buổi chiều, ông đã hết giờ dạy nhưng còn đứng núp mưa trên hiên tầng một. Nhìn xuống cửa sổ ông thấy giữa sân trường một thầy giáo Pháp vừa đá đít, vừa tát tai, nắm cổ áo lôi bừa một học sinh lên văn phòng giao cho ông giám thị. Vì trời đang mưa nên em học sinh ướt hết quần áo, tay chân bê bết bùn đất thật là tội nghiệp. Em học sinh này bị đuổi học với lí do ngồi trong lớp dám vẽ tranh hí hoạ, bôi lem mặt mũi của một thầy giáo Pháp.
Mấy ngày sau, giáo sư Võ Liêm Sơn đối chất với ông giáo sư người Pháp này. Tố cáo sự giảng dạy của ông ta là thiếu văn hoá, thiếu sư phạm, đối xử tàn tệ với học sinh, xúc phạm đến dân bản xứ. Được góp ý không những ông ta không rút kinh nghiệm lại còn nổi thịnh nộ, lên văn phòng nói xấu giáo sư Võ Liêm Sơn với ông hiệu trưởng.
Lúc cụ Phan Bội Châu mới ra nước ngoài đã viết Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư để gởi về trong nước. Các tác phẩm này được chuyền tay trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh và nhiều tầng lớp dân chúng khác. Năm 1923, cụ viết tác phẩm Thiên Hồ Đế Hồ để gởi đến “Hội đồng minh học sinh đạo Cơ đốc toàn thế giới” đang họp ở Bắc Kinh để tố cáo chính phủ Pháp đội lốt Thiên Chúa giáo bóc lột và tàn hại nhân dân Việt Nam. Tác phẩm này đã gây một tiếng vang trên chính trường quốc tế, ảnh hưởng đến các phong trào ở trong nước.
Năm 1925, sau bao nhiêu năm bôn ba ở hải ngoại, cụ Phan Châu Trinh về nước diễn thuyết ở Sài Gòn gây được tác động lớn đến các trường học trong cả nước và nhiều tầng lớp dân chúng. Nhưng không may đến ngày 24-3-1926 cụ bị ốm rồi qua đời. nghe được tin này, học sinh Quốc học rất xúc động, ai cũng muốn làm một cái gì để tỏ lòng tiếc thương đối với cụ, đồng thời thức tỉnh đồng bào trong cả nước.
Một buổi tối trong căn nhà lá ở khu vực Bến Ngự, giáo sư Võ Liêm Sơn cùng một số học sinh tâm huyết họp bàn tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.
Lúc đầu ai cũng ngại là không thể tổ chức thành công được vì tình hình mật thám Pháp cùng với lính Nam triều theo dõi canh gác ghê lắm. Nhưng với lòng quyết tâm của tuổi trẻ lại có giáo sư của mình bên cạnh nên ai cũng nhất trí là phải tiến hành.
Kế hoạch đã bàn xong, cả thầy và trò bắt tay vào soạn diễn văn, riêng thầy đã chuẩn bị sẵn hai câu đối:
_ Mười lăm năm trước thấy cụ ở đây, gươm đã mang ba thước kề đầu, khẳng khái mấy lời trời đất chứng minh lòng thiết thạch
_ Hăm mấy triệu đồng bào trông cụ về nước, đại văn hoá nửa chừng xây móng, gió mưa một trận nước non chan chứa lệ tan thương.
Lễ truy điệu được tổ chức trót lọt tại chùa Từ Đàm với rất đông học sinh các trường cũng như đồng bào ở các vùng phụ cận đến dự.
Kết quả của lễ truy điệu gây được một tiếng vang rất lớn, làm chuyển biến hẳn bầu không khí chính trị đang âm ỉ ở đế đô Huế. Có điều Chánh mật thám Pháp Sogny ghi vào sổ đen và lưu tâm đặc biệt đến giáo sư Võ Liêm Sơn và một số học sinh cầm đầu tổ chức buổi lễ truy điệu.
Cuối năm 1925, trong khi hào khí từ những bài diễn thuyết của cụ Phan Châu Trinh đang thắp lên ngọn lửa Duy Tân thì vua Khải Định băng hà. Vĩnh Thuỵ đang du học ở Pháp về nước chịu tan, rồi sau đó lên ngôi lấy niên hiệu Bảo Đại. Triều đình Huế nằm trong tay các vị đại thần. nhiều người nhận ra sự yếu kém của triều đình Huế. Năm 1926 cũng là năm cụ Phan Bội Châu bị bắt và bị đưa về an trí Trí ở Huế. Do lòng mến phục tinh thần ái quốc, ái quần của cụ Phan, giáo sư Võ Liêm Sơn thường ghé thăm.
Mùa xuân năm 1927, nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của cụ, ông dẫn một đoàn học sinh lên chúc thọ, được cụ tiếp đãi ân cần cùng trao đổi nhiều vấn đề lí thú.
Trước lúc ra về, giáo sư xuất khẩu tặng cụ Phan bài thơ để chia sẻ nỗi thanh bần và cô đơn của cụ: “Giờ đến đây rồi mới biết đây/ Thoả chưa ao ước đã bao ngày/ Một hàng bia chó, gan phơi nắng/ Ba cột tre tiên, cột chống trời/ Này lá, này hoa, này chí sĩ/ Đây thơ, đây ảnh, nét anh tài/ Đô thành nghe nói thanh cao lắm/ Mà chỉ thanh cao một chốn này...”
Cụ Phan cũng đọc hai câu thơ: “ Những tưởng anh em trong bốn bể/ Nào ngờ trăng gió nhốt ba giang” và tiễn khách ra tới tận cổng.
Không ngờ sau lần chúc thọ này, cả nhóm lại bị mật thám theo dõi gắt gao. Giáo sư Võ Liêm Sơn bị hiệu trưởng gọi lên cảnh cáo, các học sinh bị ghi vào sổ đen. Một tháng sau thì bộ học bãi chức giáo sư của ông. Ông lại phải rời trường quốc học trong nỗi uất hận khôn cùng.
Lúc này, ông động viên học sinh của mình bằng câu nói: “ Sống mà nô lệ cũng như chết, chết vì tự do chết cũng như sống” để mong các em giữ vững ý chí của mình.
Sau khi bị bãi chức, đời sống của gia đình ông thật khó khăn. Số tiền dành dụm được từ bảy năm dạy học chỉ đủ để ăn tiêu một cách dè xẻn chưa đầy một năm. Ông đành phải sắp đặt cho bà vợ kế và con cái về lại Ninh Thuận để tìm cách sinh sống.
Thời điểm này ông ở lại Huế làm quân sư cho đám học trò của ông. Cuộc biểu tình của học sinh Quốc học lại nổ ra với lí do phản đối chính sách giáo dục ngu dân của chính phủ Bảo hộ và sự đàn áp học sinh sau lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.
Vợ con đi vắng, ngôi nhà vốn đơn sơ lại càng vắng vẻ hơn. Những buổi sớm trong mưa phùn gió bấc ông ngồi uống trà một mình. Hay những đêm hè nóng bức, hoặc đêm đông giá lạnh ông không ngủ được do nhớ vợ thương con và vì bất đắc chí khi chưa tìm ra lối thoát để góp phần giúp dân giúp nước.
Tìm giải khuây, ông quyết định cộng tác với nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư và dành phần lớn thời gian để sáng tác. Ông cố viết cho xong cuốn văn học quốc ngữ Cô Lâu Mộng và cuốn Hài Văn.
Mặc dầu như vậy, tâm hòn ông không bao giờ yên tĩnh được. Một số bạn hữu chí cốt bị bắt bớ giam cầm. có nhiều đêm ông mượn chén rượu để tiêu sầu. Có lúc giữa đêm ông thức dậy ngâm thơ sang sảng. Những người hàng xóm không hiểu ông nhiều lắm nhưng thấy ông hay đau yếu và gầy đi nên thường sang động viên ông để vui sống qua ngày.
Đầu năm 1930, ông quyết định về Ninh Thuận thăm vợ con. Ông thấy Phan Rang thay đổi nhiều so với lúc ông về làm huấn đạo ở đây. Tuy vậy đời sống nhân dân vẫn khổ vì hạn hán kéo dài, mất mùa liên tục, quan ta quan tây thi nhau bóc lột. Riêng vợ con ông còn khổ hơn thế nữa vì chân yếu tay mềm chắng lao động được gì mấy. Bởi vậy ông phải ở lại đây một thời gian để giúp đỡ vợ con.
Đến cuối năm, ông trở lại Huế chưa kịp xoay xở gì thì ông và đứa con trai lớn bị mật thám Pháp bắt giam vào lao Thừa Phủ.
Một buổi sáng mùa đông, cả Hoàng thành chìm trong làn mưa mỏng, gió lạnh buốt thấu xương. Lao Thừa Phủ hiện thân của địa ngục trần gian, tù nhân cũng đã thức dậy. tiếng xích sắt vang lên khô khốc khi tù nhân di chuyển kéo lê trên mặt nền bê tông. Những dãy nhà dọc theo đường Jules Ferry như còn ngái ngủ dưới những hàng cây muối là úa vàng.
Hai cha con ông bị xích lại với nhau chờ đưa xuống tàu để chuyển ra giam ở Thanh Hoá. Theo từng bước chân đi là nỗi uất hận.
Đứng trên bến nước ông ngước mắt nhìn Huế lần cuối với bao niềm thương nhớ. Dòng Hương giang vẫn một màu xanh thẳm như những ngày đầu ông mới tới đây, lao xao sóng vỗ đôi bờ. Cơn mưa nặng hạt dần, những giọt mưa như những giọt lệ của ngày chia tay phả vào mặt ông rồi chảy dài xuống đôi má xạm nắng. Lòng ông rung lên nỗi hoài cảm. Ông thầm đọc một đoạn trong Cô Lâu Mộng, bài thơ dài mang đầy tâm sự của ông:
... Trời không cùng
Đất không cùng
Núi người chồng chất
Bể người mênh mông
Ồ, sao núi toan thành vực?
Biển toan hoá thành đồng?
Tấn tuồng tranh cạnh xông mưa gió
Giọt máu oan cừu đỏ núi sông!
...
Trời biết cho không?
Đất biết cho không?
Năm canh giọt lệ ố khăn hồng!...
Một hồi còi vang lên dữ tợn, tàu đã đến giờ xuất bến. Ông ngẩng cao đầu nhìn một vòng quanh như muốn gởi lại Huế những lời hẹn ước về một trận chiến đấu mới quyết liệt hơn để đưa dân tộc thoát vòng nô lệ, rồi ông cầm tay con chui vào hầm tàu tối.