Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SỰ THẬT PHŨ PHÀNG




H ai Khoa đứng trước tấm gương lớn của tủ quần áo, anh nghiêng đầu nheo mắt rồi xoay qua bên này một chút, xoay về bên kia một tí, ngắm nghía một hồi , sau đó xốc lại cái áo bỏ trong quần cho thật ngay ngắn, anh đưa hai bàn tay lên vuốt hai bên mái tóc bóng mượt vì được bết lên đó rất nhiều dầu Brillantin, lấy một ngón tay trỏ phủi phủi bộ ria mép được tỉa tót rất điệu nghệ nằm ở môi trên…chừng như đã hài lòng với dáng vẻ bề ngoài rất lịch sự phong nhã của mình, anh xịt lên người một thứ nước hoa thơm phức rồi vừa huýt sáo vừa đi ra cửa với một điệu bộ nhún nhảy như chàng thanh niên mới lớn. Vợ anh đang lúi húi lặt rau trước sân, ngẩn đầu lên nhìn, ngạc nhiên khi thấy hôm nay ông chồng mình sao mà điệu hết biết, chị hỏi:

- Ông đi đâu mà ăn diện bảnh tỏn quá vậy, lại còn xức dầu thơm…nghẹt cả mũi.

Hai Khoa vừa dắt chiếc Vespa ra ngoài cổng, vừa trả lời:

- Tui đi họp bạn để bàn công chuyện mần ăn, chắc trưa nay tui không về, bà với tụi nhỏ cứ ăn cơm với nhau đừng chờ tui.

Chiếc xe phóng đi một cái ào, mang theo người đàn ông trung niên đang ở vào độ tuổi “hồi xuân”. Vợ anh nhìn theo đám khói xe tan loãng trong không khí, hỏi cho có hỏi vậy thôi, chớ chị dư biết ông chồng mình đi đâu rồi. Chị lắc đầu kèm theo một tiếng thở dài.

Từ ngày bán chiếc ghe buôn, lên bờ mua nhà rồi mở tiệm bán gạo, chị thì luôn phải quần quật suốt ngày với những công việc: “ cân đong đo đếm” trong tiệm gạo, con cái mỗi ngày mỗi lớn; phiền một nỗi là đứa này hơi lẫm chẫm biết đi lại trồi ra đứa khác, bây giờ thì đếm được cả thảy tám đứa rồi, chị không có chút thời gian rảnh rỗi nào để lo cho bản thân mình nên héo úa và già đi trông thấy. Còn anh thì cứ thong dong với thú vui “đờn ca tài tử”, không hề âu lo sầu muộn nên ngày càng trẻ trung yêu đời, rồi khi không còn ai rảnh rang để ngồi nghe anh ngân nga giọng ca tiếng đàn nên anh đâm ra buồn, vì vậy anh ưa đi tìm bạn bè từ... “bốn phương trời hội tụ lại một nơi”. Rồi trong một lần hội tụ ấy anh đã phải lòng một cô gái nữa chừng xuân đầy bóng sắc của son phấn, có tướng đi rất là “uốn mình xà”.

Chị thở dài; “tám đứa con là tám cái sự nghiệp” anh đã tạo ra rồi giao khoán cho chị, và chị là người có bổn phận phải vun bồi làm sao cho “tám sự nghiệp” ngày càng phát triển: vừa giàu có về thể chất vừa phong phú cả tinh thần, thỉnh thoảng anh cũng đưa vài “sự nghiệp” đi chơi với anh để mấy cha con cùng nhau dung dăng dung dẻ cho có “tình thương mến thương”. Lúc sau này chị được yên thân vì không phải bù đầu làm món nhậu để anh tiếp bạn “đờn ca tài tử” như hồi còn sống dưới quê hay quảng thời gian buôn bán ở trên ghe. Nhưng sao từ trong sâu thẵm của lòng chị vẫn đeo đẳng một nôĩ buồn man mác. Được cái “tám sự nghiệp” này lại rất yêu bà “chủ tịch hội đồng quản trị Mẹ” nên chi chị cũng có được nhiều phần an ủi. Chị không để lộ cho con cái thấy sự u sầu trong lòng mình, chờ đến khi chỉ còn một mình chị trong đêm vắng, lúc đó nỗi buồn bã cô đơn mới thật là đậm nét. Chị nghỉ rằng: “chuyện của người lớn, mà người lớn thì có lắm điều tội lỗi. Con nít trong sáng như thiên thần, ai nở để cho những tâm hồn bé nhỏ ngây thơ ấy phải lụy buồn đau khổ vì tội lỗi của người lớn kia chứ”.

Nơi anh hai Khoa đến họp bạn để bàn công chuyện mần ăn…không đâu xa lạ, và sự “bạn họp” là một cách nói cho vui vậy thôi chớ…chỉ có một người để họp với anh. Đó là căn nhà mà anh mướn cho Mộng Tuyền: cô nhân tình lỡ thì của anh.

Anh nhớ như in cái ngày trái tim anh bị “đột quị” vì Mộng Tuyền, đó là một đêm anh theo mấy người bạn mới quen đi uống mừng khai trương một quán cà phê nghệ sĩ có cả đờn ca tài tử góp vui cho xôm tụ, hợp ý anh quá chừng rồi; không còn gì hơn. Thế rồi sau khi anh vừa đàn, vừa ca xong bản vọng cổ “tình anh bán chiếu”, thì ông chủ quán đến nhờ anh đàn cho một cô bạn có giọng ca “ngọt như mía”, mùi mẫn không thua gì anh; ca một bài, tên cổ là Mộng Tuyền… trời ơi; chỉ mới nghe cái tên thôi mà lòng đã xốn xang rồi, anh hai Khoa vui vẻ, nhiệt tình và hãnh diện gật đầu nhận lời ngay…Hồi trước anh cũng từng đàn cho mấy bà dưới quê ca vài bài vọng cổ, nhưng anh không mấy hứng thú vì đó chỉ là mấy chị “nạ dòng” chân quê tên Sữu, tên Dần……Còn bây giờ…đây là cô gái thành thị có một cái tên rất gợi cảm, ngọt ngào lẫn mộng mơ…

…Mộng Tuyền là một cô gái lỡ thì, cô ế chồng không phải do nhan sắc của cô kém cỏi, bởi trông cô cũng khá đậm đà, nhưng cô ưa kén chọn, và lại đưa ra nhiều điều “Không thích” và nhiều cái “Phải có” cho cách sống của mình; này nhé: cô Không thích sống thiếu thốn và cũng Không thích bương chải để kiếm tiền. Không thích đi ra đường lúc trời còn nắng vì sợ sạm da mặt. Không thích làm những công việc nặng nhọc vì sợ bị nổi gân tay…nói chung là cô không thích làm gì hết nhưng lại có những đòi hỏi khá cao: Phải có đồ ngon cô mới chịu ăn, Phải có áo đẹp cô mới chịu bận, Phải có xe đưa đón, phải có tiền tiêu xài thoải mái… vì vậy cô không thích lấy chồng kiểu “thường thường bật trung”, thà lỡ thì còn hơn lấy phải anh chồng nghèo. Vì quan niệm như vậy nên Mộng Tuyền ưa “kết huynh muội” với mấy ông già nhà giàu nhưng lại ham của lạ, tuy vậy cũng chẳng có được mấy “huynh” bền lâu với “muội” Mộng Tuyền…bởi vì cô là người… “trường túc bất tri lao”…ai mà kham hoài cho nổi?.

Thật tình thì hai Khoa xưa nay là người của ruộng đồng, anh chỉ giỏi món đàn ca tài tử, rồi khi sống lênh đênh trên sông nước, anh cũng chỉ có thứ đó làm vui. Từ ngày trụ lại ở cái đất của thành phố Sài Gòn hoa lệ này, anh cũng chưa hẳn là người đàn ông sành điệu, cũng chưa biết đến một cách tường tận mùi vị ăn chơi của chốn phồn hoa đô hội…nên khi gặp được một người như Mộng Tuyền thì hai Khoa gục ngay…

Ông chủ quán cầm micro lên để giới thiệu “Tài Tử” đờn Hai Khoa và “Giai Nhân” ca Mộng Tuyền, một tràng pháo tay ồn ào tán thưởng làm hai Khoa sung sướng, hồi hộp hết sức, anh làm dáng hơn ngày thường một tí khi so lại mấy sợi dây đàn, còn cô Mộng Tuyền “uốn mình xà” tới đứng sát bên anh, người cô thơm phức mùi nước hoa trộn lẫn với mùi son phấn, thêm chút mùi mồ hôi đàn bà…dù ngạt mủi nhưng thật là hấp dẫn đối với hai Khoa, rồi Mộng Tuyền ngân nga cất giọng ca một trích đoạn trong vở cải lương “Đời Cô Lựu” thì tim anh Khoa bồi hồi run rẩy đến nghẹn ngào, anh cố luyến láy từng cung bật để tiếng đàn sao cho thật là hay.

Một đêm thật vui và đáng ghi nhớ, chưa bao giờ anh hai Khoa thấy rằng mình được sống thực sự như đêm ấy. Cho đến khi chủ quán xin phép phải đóng cửa quán vì khuya quá rồi, anh hai hỏi địa chỉ nhà của Mộng Tuyền, hai người có vẻ bịn rịn quyến luyến nhau ghê lắm, hình như anh hơi nôn nóng nên mở lời đề nghị:

- Tôi đưa Mộng Tuyền về nhà nghen.

Cô Mộng Tuyền giả bộ e thẹn nhưng trong lòng thì rất vui, cô nhão giọng trả lời:

- Dà…ạ…nếu anh không ngại nhà em ở xa. Lúc nảy em phải đi taxi đó.

Có trời mới biết Mộng Tuyền đi bằng taxi hay đi bằng gì nhưng hai Khoa thì tin lắm, anh tươi cười cho người đẹp yên tâm:

- Ngại gì chứ, được đưa Tuyền về là hân hạnh cho tôi quá chừng.

Thế là hai người cùng rất vui vẻ trong đêm khuya trăng thanh gió mát, Mộng Tuyền đang ở chung nhà với vợ chồng người anh thứ Ba tận bên quận Tư, bà chị dâu không ưa gì cô em chồng lúc nào cũng lười biếng đỏng đảnh, làm như mình là tiểu thư khuê các không bằng, bà những muốn có ai đó “rước” đi cái của nợ này dùm để bà khỏi phải ngứa mắt…

…Mà anh hai Khoa rước cái của nợ ấy đi dùm bà thật. Anh say mê đắm đuối cô nhân tình lỡ thì này lắm rồi. Để cho được tự do thoải mái mỗi lần gặp gỡ nhau, anh đã thuê một căn nhà nhỏ tuốt trong một hẻm sâu của quận Tám, tiền mướn nhà cũng như mọi thứ sinh hoạt phí của cô Mộng Tuyền anh hai lấy từ trong tiệm gạo; nơi mà vợ anh suốt ngày nhọc nhằn lam lũ mua bán, chi tiêu thứ gì chị cũng phải đắn đo cân nhắc từng đồng. Anh không ở hẳn với Mộng Tuyền vì cô không thích hầu hạ ai suốt ngày, ai mê cô thì ráng mà chịu cái thói lười biếng đỏng đảnh của cô, còn cô thì bất cần; chính cái vẻ bất cần của cô nó làm cho hai Khoa sợ bị mất cô nhân tình này lắm lắm nên phải chìu chuộng cô mọi bề.


♣ ♣ ♣

Chị là vợ; nghỉa là một cái máy làm ra tiền nhưng chi tiêu rất dè xẻn, là cái máy đẻ ra những đứa con trai, con gái (nay thì ngưng hoạt động rồi), là máy nấu cơm, rửa chén bát, giặc ủi quần áo cho chồng con, và là một công cụ dành đó để chồng độc quyền “giải quyết việc riêng” khi muốn…Nói tóm gọn thì chị - là vợ – và cũng là một cái máy đa năng nhưng không được chồng yêu quí trân trọng; không hề dám có lời ta thán, lúc nào cũng chỉ biết chịu đựng bằng sự im lặng.

Còn cô nhân tình Mộng Tuyền là một cái máy chỉ biết xài tiền và biết đờn ca tài tử với anh, ngoài ra thì cô không biết làm gì hơn. Âý quên…Nhưng mà trời ạ, cô Tuyền này còn “ biết làm ” một việc rất độc chiêu mà vợ anh ở nhà không biết làm; đó là cô biết cách oằn người, biết buông ra những tiếng rên rỉ và còn biết run lên từng cơn mỗi lần anh hai Khoa “đụng tới”; y như là cô bị trúng gió vậy đó…một ngọn “gió tình”; chính những điều cô nhân tình Mộng Tuyền này “biết làm” đã đưa anh hai Khoa đến chổ “chết ngắt”.

Có lần Mộng Tuyền hỏi:

- Anh nè, bà vợ anh có biết chuyện của anh với em không vậy?

Hai Khoa cười lớn:

- Làm sao bả biết được.

Mộng Tuyền ngã ngớn:

- Lở như bả biết rồi bả…tạt ác xít em như cô Cẩm Nhung hồi nọ là em không sống nổi đâu nha.

Hai Khoa trấn an:

- Vợ anh…bả hiền khô hà, bả không dám làm gì em đâu.

Mộng Tuyền nguýt một cái:

- Xí…khi ghen thì có hiền mấy cũng trở thành dử như cọp cái.

- Yên tâm đi mà.

Mộng Tuyền lại đã đớt:

- Anh ơi…em với vợ anh…khác nhau ra làm sao? Nói em nghe coi.

Hai Khoa vùng lên ôm lấy người tình mà cười tít mắt:

- Khác nhau một trời một vực; vợ anh là một khúc củi mục đốt hoài không cháy, còn em ấy à…em là một cành thông có rất nhiều nhựa, chỉ cần mồi một tí lữa là em cháy phừng phừng…

Hai người khoái chí cười lớn rồi ngã ngớn đốt cháy nhau…phừng phừng thiệt.

Mãi tận khuya anh hai Khoa mới từ giả người tình để về nhà; anh sãng khoái tinh thần và yêu đời quá đổi. Người tình và căn nhà trọ thì vẫn chỉ là nhà mướn, vợ tạm. Còn căn nhà trong đó có vợ con anh đang ở thì đó mới thật là nhà của anh, vợ của anh, con của anh. Anh đến nhà trọ với Mộng Tuyền trong lén lút và về nhà với vợ trong hiên ngang…trời ơi; sao mình giỏi quá ta, hay quá ta; mình phục mình hết sức. Anh huýt sáo một bản nhạc tình bởi vì với bài ca vọng cổ thì làm sao huýt sáo được, mà anh lại đang rất cần và rất muốn thể hiện sự thích thú sãng khoái của mình bằng một cách nào đó.


♣ ♣ ♣

Mộng Tuyền nằm yên nhìn lên trần nhà, gần nữa năm rồi mà cô chưa “vòi vỉnh” hai Khoa được bao nhiêu cho xứng với cái công cô cứ phải uốn éo, rên rỉ…đôi khi lại còn giả bộ run rẩy làm như là cô bị “sốt tình” cấp tính vậy đó. Hai Khoa thì tỏ ra thích ý lắm, anh ta cho rằng mình đúng là người “đàn ông đích thực”. Thật mâu thuẫn quá đi, nếu đúng là người đàn ông đích thực thì dù với bất cứ người đàn bà nào, tính luôn cả vợ mình; anh ta cũng đốt ra tro chớ đâu phải đi chê vợ của mình là “khúc củi mục”. Anh ta đâu biết rằng…mỗi lần Mộng Tuyền run rẩy uốn éo thì đó chỉ là một sự giả đò mà thôi, cô cứ giả đò với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác; riết rồi trở thành một thói quen rất nghề nghiệp, chớ thật sự thì Mộng Tuyền cũng chỉ như một khúc củi mục không hơn không kém, nhưng nhờ cô đã rất khéo léo biết cách làm cho bọn đàn ông lầm tưởng cô là một cành thông nhiều nhựa…mồi tí lữa là cháy phừng phừng ngay để họ thích thú tự mãn về mình. Chán ngắt, chán lắm, chán vô cùng; Mộng Tuyền đang chán ngấy khi phải diển cái tuồng rên rỉ, uốn éo…nó chỉ làm cho cô mỏi hai bên hông mà thôi chớ cũng chẳng sung sướng gì mấy. Người ta chỉ sung sướng trong chuyện đó khi người ta yêu nhau thật sự kìa. Mộng Tuyền đâu có yêu ai ngoài yêu tiền và bản thân cô. Tuyền thở ra một hơi dài đầy chán nãn: “Mình phải…uốn éo run rẩy dử hơn nữa đặng câu hai Khoa một cú lớn”. Mộng Tuyền nói thầm cho một mình cô nghe, có con thằn lằn trên trần nhà tắc lưỡi hưỡng ứng.

Anh hai Khoa vì không thấy, không nghe nên không biết. Nói đúng ra thì anh không biết nhiều thứ lắm…anh không biết rằng trong trái tim của vợ anh luôn có một ngọn lữa cháy âm ỉ; mà vì anh không biết cách khều ngọn lữa đó ra để thổi bùng lên cho nó cháy “phừng phừng” nên anh lại chê bai vợ mình là “khúc củi mục”… Anh cũng không biết trong tâm hồn chị có những sợi dây tơ lòng; mà vì không hề để ý đến nên anh chưa bao giờ chịu so lấy những sợi dây tơ lòng của chị để nó được rung lên từng cung bậc luyến láy…Anh chỉ thích, chỉ biết so dây cho cây đàn phím lỏm của mình, bây giờ anh lại đi so sợi dây tơ lòng của người đàn bà khác để rồi khen người ta mà chê vợ của anh.

Anh hai Khoa thật ra là một người đàn ông không biết gì hết, không biết là mình đang bị cô nhân tình cho vô tròng…Anh vẫn rất là hiên ngang tự mãn.


♣ ♣ ♣

Em của chị dưới quê nhắn tin lên là má chị bị bịnh nhắc đến chị hoài, chị liệu mà thu xếp để về thăm má vài ngày kẻo má nhớ quá rồi trở bịnh nặng. Sáng sớm lúc anh hai Khoa chưa chải chuốt để đi ra ngoài, chị đem chuyện này ra nói với anh, xin anh cho chị về quê mấy ngày, hai Khoa mau mắn hối thúc:

- Má bịnh thì bà về ngay đi, cửa tiệm để tui trông coi cho.

Chị dặn dò:

- Ông cẩn thận khi cân đong gạo, tiền chợ đưa cho con Ngọc Ngà vừa vừa thôi, bây giờ nó sắp thành thiều nữ rồi nên cũng ưa xài tiền…

Anh khoát tay:

- Bà yên tâm mà về thăm má, mọi chuyện trên này để tui lo.

Làm sao chị yên tâm cho được kia chứ khi mà anh cứ lấy tiền từ cái tiệm gạo này mà đem đi “làm ăn” hoài. Trong khi đó chị thấy anh chỉ có ăn xài mà thôi, chứ làm thì chưa. Nhưng chị cũng thương nhớ má già ở quê, thôi thì đành vậy. Đêm chị khóc vì nhiều nổi ngổn ngang trong lòng không biết phải đem đổ đi đâu cho nhẹ bớt.


♣ ♣ ♣

Về lại quê xưa nhà cũ, chị ôm má mừng mừng tủi tủi, cha chị hỏi thăm con rể quí với bầy cháu ngoại. Chị trả lời mà cay đắng trong lòng:

- Dạ…chồng con vẫn khỏe, mấy đứa nhỏ ngoan lắm cha à, bị tụi nó đang đi học nên không về thăm ông bà ngoại được.

Chị muốn khóc mà nói với cha rằng: “ cháu ngoại ngoan thì đúng rồi, còn con rể quí thì…cha ơi…” nhưng chị sợ cha mình buồn, mấy chục năm nay dấu được, bây giờ phải cố mà dấu thêm.

Sáng nay chị đi chợ, bao năm rồi mới về thăm cha má và các em, chị muốn mua và nấu một bữa cơm thật ngon đãi cả nhà. Cây cầu khỉ năm xưa được thay bằng cây cầu ván, bụi tre hồi đó thầy giáo Nam ưa đứng lấp ló nhìn lén chị nay thì đã bị đốn mất tiêu, thay vào đó là căn nhà lá của vợ chồng đứa em gái…tự nhiên lòng chị chùng xuống, mênh mang một nỗi nhớ và bâng khuâng một nỗi buồn khi cảnh sắc đã thay đổi quá nhiều.

Không hiểu sao chị lại cố tình đi ngang qua nhà thầy giáo Nam; mặc dù không thuận đường cho lắm. Thầy có nhà; đang ngồi trong sân với một đứa bé trai chừng tám tuổi, hình như thầy đang dạy nó học bài, bất chợt thầy ngẩng đầu lên và thấy chị, thầy bước vội ra cổng; xởi lởi chào hỏi:

- Ải…về bao giờ vậy?

Chị nhìn thầy giáo Nam hơi bỡ ngỡ và ấp úng:

- Dạ…em…à…tui mới về hôm qua; thầy giáo có khỏe không?

Thằng bé chạy ra đứng gần thầy giáo Nam, nó giống thầy như tạc, thầy cúi xuống đưa tay xoa đầu nó rồi giới thiệu với chị, giọng hơi ngậm ngùi:

- Con trai lớn của tui…Ải nè, không ai sống mãi được với nỗi buồn, với sự cô đơn, tui cũng đã già…phải tìm cho mình một bến đậu; phải không Ải.

Rồi tự nhiên thầy kể về vợ mình:

- Mười năm trước cô ấy từ dưới Cà Mau đổi về đây dạy học…hai đứa tui…gái già chưa chồng; trai quê ế vợ…thôi thì kết nghĩa vợ chồng, cứ an phận sống với nhau… hạnh phúc cũng bình thường.

Chị cúi đầu cố dấu giọt nước mắt:

- Tui xin mừng cho anh…thôi, nắng lên cao rồi, chào anh…cho tui gởi lời thăm hỏi cô giáo.

Nghĩ cũng lạ; tại sao khi biết thầy giáo Nam ở vậy vì nhớ thương mình thì lòng chị tuy rằng xót xa ngậm ngùi thật đó; nhưng vẫn có một niềm vui với ngọn lữa cứ âm ỉ mải trong tim. Vậy rồi đến khi thầy không còn muốn nhớ thương hoài gì về chị nữa mà đi lấy vợ và có con; thì lòng chị lại đau đớn quay quắc như là mình đã bị mất đi một phần hồn vậy, chị giận dỗi chỉ muốn dập tắt ngọn lữa đang cháy âm ỉ kia đi để nó trở thành mớ tro lạnh.

Thầy giáo Nam đâu biết rằng từ ngày đi lấy chồng đến giờ chị chưa đếm hết trên mười đầu ngón tay cho mười ngày hạnh phúc chồng vợ. Chị chỉ có những niềm hạnh phúc lớn lao của một người mẹ bên các con mà thôi, nhờ vậy mà chị chịu đựng được bao nỗi nhọc nhằn cay đắng…Chưa một lần được chồng kêu chị bằng “em” và xưng “anh”, mà tiếng xưng hô “anh và em” ấy chính là cách để so lấy sợi dây tơ lòng của chị cho nó run lên, luyến láy từng cung bậc…Chưa một lần anh nhìn chị với ánh mắt đằm thắm thiết tha; mà ánh mắt nhìn đằm thắm thiết tha ấy chính là mồi lữa để làm cho trái tim chị cháy bùng lên. Chưa bao giờ…

Gương lược thầy tặng năm xưa vẫn còn nằm trong túi chị đây, gương đã ố mờ còn lược thì bị gảy hết mấy cái răng…chị buồn lắm, chỉ muốn quăng hết hai thứ đó xuống sông như quẳng đi mối tình bấy lâu nay nằm sâu trong đáy tim mình, nhưng chị vẫn không nở bởi tận trong đáy lòng chị mơ hồ có một sự tiếc rẻ không sao giải thích được.


♣ ♣ ♣

Mộng Tuyền hết rên rỉ thở ra, lại uốn éo run rẩy, đến giận dổi tỉ tê, rồi khóc lóc hờn tủi với anh hai Khoa, cô cố làm sao dồn hai Khoa vào thế “bị triệt” không có đường thoát, vì cô biết hai Khoa đã quá say đắm cô rồi. Một lần sau khi châm lữa đốt cháy anh “phừng phừng”, cô ra tối hậu thư:

- Hoặc là anh đưa em về ra mắt vợ anh rồi tuyên bố vị thế của em, hai là anh phải lo một số tiền thật lớn để chúng mình đi làm ăn xa.

Anh hai Khoa nhăn nhó:

- Em buộc anh khó quá rồi đó.

Mộng Tuyền vênh mặt:

- Còn điều thứ ba nữa là…mình chia tay.

- Âý…từ từ…để anh tính coi điều nào tiện nhất cho tụi mình.

Cô nhân tình hiến kế:

- Em thấy điều thứ hai là tiện và gọn nhất cho hai đứa mình.

Khi nói đến ba chữ “hai đứa mình”, Mộng Tuyền nhão giọng nghe mùi hết biết làm anh hai Khoa không còn nghĩ đến điều số một hay số ba gì được nữa. Bây giờ chỉ có việc là về nhà phải nói làm sao cho thật trơn láng để lấy số tiền lớn mà vợ anh nhất quyết không cho bất cứ ai đụng tay vào, chị gọi đó là món tiền “bất khả xâm phạm”.

Mộng Tuyền vẻ nên một bứa tranh đẹp cho hai Khoa mê:

- Anh nè, hôm qua em về thăm anh chị Ba, thấy anh Ba đang bàn chuyện đi lên cao nguyên mua đất trồng cà phê…nghe nói ở trên mấy miền Cao Nguyên đó đất vừa rẻ, vừa tốt rất thích hợp để trồng Cà Phê; em ham quá “chời” luôn…

- Lên tận Cao Nguyên…xa thấy mồ.

- Aí da…đi xa để làm giàu, xây dựng tương lai của hai đứa mình chứ bộ. Em tính vầy nghen anh: anh ráng kiếm một số tiền khá khá rồi hai đứa mình theo anh Ba lên cao nguyên mua đất trồng cà phê…mau giàu lắm đó anh à…đi nghen anh…rồi mình còn có con với nhau nữa chớ. Em thích lắm rồi đó.

Hai Khoa không còn đường thoát với những câu nói rất nũng nịu của người tình Mộng Tuyền, anh gật đầu coi như xong. Mộng Tuyền lại õng ẹo cọ cọ vào người anh hai Khoa như con mèo đang cọ vào chân của chủ.


♣ ♣ ♣

Bửa cơm tối nay, trước mặt đông đủ mọi người trong gia đình, sau khi ăn xong mấy chén cơm với canh chua cá kho tộ, hai Khoa ung dung xĩa răng và nói cho cả nhà nghe:

- Bà với mấy đứa nhỏ nè…tui phải đi làm ăn xa một chuyến…

Ngọc Ngà hỏi trước:

- Đi làm ăn xa là đâu vậy ba?

- Tuốt trên cao nguyên lận.

Ngọc Tuấn cười hỏi:

- Má có đi theo ba không?

Hai Khoa trợn mắt:

- Má tụi bây còn phải ở nhà buôn bán nữa chớ, đi rồi ai coi tiệm gạo?...

Ngọc Ngà cười:

- Thì để cho con với em Tuấn coi, ba má đi lên cao nguyên làm ăn mang mấy đứa nhỏ theo luôn… tiện lợi quá rồi.

Chị nạt nhỏ hai đứa con lớn:

- Thôi đừng cà rởn nữa, má ở đây với tụi bây, không xa đứa nào hết.

Anh hai Khoa đem bức tranh mà hồi chiều nay cô Mộng Tuyền đã vẻ cho anh, rồi tối nay thì anh đưa ra cho chị xem, khác một chút là chỉ có mình ên anh đi lên cao nguyên mà thôi. Chị hỏi:

- Nhớ năm ngoái ông cũng lấy tiền nói là đi Phước Long trồng cao su, rồi năm nay ông đòi lên Cao Nguyên trồng cà phê?

Anh vuốt bộ ria mép trả lời:

- Ờ…thì vì không gặp thời nên bị thất bại, cây chết; hết vốn…

Chị nặng mặt cằn nhằn:

- Tui đâu còn tiền để mà đưa cho ông?chuyến trước đưa ông hết rồi.

Anh nỗi quặu:

- Không nói nhiều, mai ra ngân hàng rút tiền đặng đưa tui…nhất định chuyến này tui phải lên cao nguyên mua đất trồng cà phê…người ta đi mần ăn mà cứ cản đản hoài, vợ con gì mà kỳ cục, nói cho bà hay là tui chán lượm bạc cắt ở cái tiệm gạo này lắm rồi.

Nói xong anh đem bộ mặt nặng trì trì ra đằng trước ngồi uống nước trà, chị thở dài; lúc này chưa thể khóc được vì sợ các con nhìn thấy. Chuyện gì chị cũng nhịn, cũng dấu. Thôi thì chịu thua cho yên nhà yên cửa để các con của chị còn yêm tâm mà học hành.

Ngày trước mỗi khi buồn, buổi tối chị thường ngồi một mình trong đêm khuya, đem gương lược thầy giáo Nam tặng ra để nhìn mà nhớ về thấy; như một niềm an ủi trong thầm lặng nên chị không cảm thấy cô đơn. Còn bây giờ thầy giáo Nam đã có vợ, có con, chị không còn hứng thú gì để mà nhớ về thầy vì thầy không còn là của chị trong tâm tưởng. Chị buồn và cô đơn lắm nên nước mắt cứ ràn rụa tràn đầy hai bên má, gương lược chị đã nhét sâu xuống tận đáy va li từ sau cái ngày về quê thăm má và thấy cuộc sống của thầy giáo đang có một “hạnh phúc cũng bình thường”…


♣ ♣ ♣

Số tiền tiết kiệm chị rút từ ngân hàng ra để đưa cho anh hai Khoa đi “mần ăn” cũng khá lớn, đó là tất cả tâm huyết, mồ hôi nước mắt và sự dè sẻn trong chi tiêu của chị mà có. Chị tự an ủi mình rằng “thôi thì như đang đánh một canh bạc”. Cuộc đời của chị nào có khác chi một canh bạc.

Cầm tiền đưa tiền cho anh mà chị rớt nước mắt, cố dặn dò anh:

- Đây là món tiền cuối cùng tui để dành, nay thì tui đưa cho ông; ráng gìn giữ kỹ lưỡng đặng mà làm vốn.

Hai Khoa cười tươi rói:

- Bà yên chí, vài năm sau tui đưa lại cho bà gấp mấy lần.

Chị thở dài; khó tin được rằng anh sẽ đưa lại cho chị, nhưng cũng ráng tin…biết đâu?.

Còn chừng hai tuần nữa là Tết đến, chị bỗng giật mình lo lắng khi đưa hết tiền cho chồng một cách sớm đến như vậy. Có ai cận Tết rồi mà còn lo chuyện mua bán đất đai đặng trồng trọt mần rẫy kia chớ, không khéo anh lại vung tay quá trán thì thua luôn. Chị đứng ngồi không yên khi anh hai Khoa cầm tiền ra đi từ sáng sớm, anh nói với chị là:

- Tui đi tới nhà anh bạn để bàn cho thấu đáo chuyện lên Cao Nguyên mua đất trồng cà phê, có tiền rồi thì chuyện gì cũng chóng vánh…

Chị thở dài:

- Gần Tết rồi...Ai cũng lo sắp xếp để nghỉ ngơi ăn Tết.

Hai Khoa lừ mắt:

- Sao bà cứ ưa cản đản tui hoài vậy? Tui muốn mần ăn mà bà…

Chị làm thinh, bây giờ ngồi đây mà lo lắng thì được ích gì kia chứ? Thôi thì đành vậy.

Hai Khoa chạy xe Vespa qua tổ uyên ương của mình, thấy mặt anh tươi rói là cô Mộng Tuyền biết ngay mình đã thành công rồi. Cô bá cổ hai Khoa gịt xuống giường, đả đớt:

- Em nhớ anh quá chừng luôn hà.

Hai Khoa khoái chí:

- Anh cũng nhớ em quá trời.

Hai cái nhớ “quá chừng” và “quá trời” nhập lại thành một cái nhớ muốn long trời lở đất luôn…

Lúc này Mộng Tuyền mới đi ngay vào vấn đề chính:

- Anh nè…anh đã có tiền chưa vậy?

Hai Khoa ngồi dậy, bước ra phòng ngoài mở cốp xe lấy ra một cọc tiền đưa cho Mộng Tuyền:

- Em cầm lấy đi, nhiều lắm đó nghen; đủ lên Cao Nguyên mua một chục mẩu đất trồng cà phê lận.

Mộng Tuyền ôm cứng cọc tiền rồi hôn vào má anh hai Khoa một cái, cô cười sung sướng, cười toe toét, cười hết cở đến nỗi để lộ cả hai hàm răng, cái miệng của Mộng Tuyền giản nở ra gần tới mang tai. Anh hai Khoa không thấy người tình của mình rất xấu với cái cười này, mà anh chỉ thấy lòng mình thật khoan khoái vì đã mang đến cho người tình niềm vui quá lớn. Chừng như niềm vui đã thoát ra hết, Mông Tuyền trở lại bình thường, bây giờ thì cô vạch ra một kế hoạch và bàn với hai Khoa:

- Anh nè, chừng ăn Tết xong hai đứa mình lên Cao Nguyên ngay nha.

Đến bây giờ hai Khoa mới thắc mắc:

- Chính xác là đâu ha em? Pleiku? Ban mê thuột hay Kontum?

Mộng Tuyền thoáng có chút nghĩ ngợi:

- Chiều nay em qua thăm anh chị Ba, em sẽ hỏi cho thật tường tận là nơi đâu, anh nghen…à mà anh nè, Tết này anh có về quê thăm cha anh không vậy?

Hai Khoa thở dài:

- Cha anh nhắn anh về thăm ổng, năm nay ổng cũng già quá rồi, anh đang sắp xếp coi ngày nào thì về quê cho tiện…xa em…nhớ quá chừng.

- Anh nên về sớm, làm con phải giữ đạo hiếu chớ anh, em chờ anh mà…xa anh em cũng buồn nhớ lắm chớ bộ. Chừng mình lên Cao Nguyên rồi thì cũng khó có dịp để anh về quê thăm ba vì lúc đó mình còn phải lo mua đất trồng cà phê nữa chớ…

Chao ơi là sung sướng. Hai Khoa ngất ngây nghỉ về một miền đất mới đầy xa lạ nhưng ấm áp vì như cô Mộng Tuyền hứa hẹn: “ nơi đó chỉ có anh và em thôi nhé”.


♣ ♣ ♣

Chị sắp xếp các thứ quà cáp đặng anh hai Khoa đem về quê thăm cha, chị dặn dò anh phải qua bên nhà thăm cha má chị nữa. Nói cái gì anh cũng “ừ” rất vui vẻ làm chị cảm động ghê lắm. Anh dẩn theo hai thằng con trai kế út, ba cha con đùm túm nhau ra bến xe, chưa Tết mà sao nắng đẹp và rộn ràng quá chừng.


♣ ♣ ♣

Thay vì ở chơi dưới quê chừng một tuần, nhưng chỉ mới ba ngày thôi mà anh hai Khoa nóng ruột nóng gan hết sức, anh bồn chồn đi ra đi vô đứng ngồi không yên, mấy người bạn cũ chạy qua mừng, kêu anh làm một bửa “đờn ca tài tử” như hồi đó cho vui nhưng không hiều sao anh hai Khoa thấy đắng nghét cổ họng, ca không nổi một câu, cha anh lấy làm lạ sợ anh có bịnh gì chăng?.

Sáng ngày thứ tư, anh hối thúc hai đứa con phải đi về, hai đứa nhỏ mới được về quê nội; quê ngoại lần đầu nên thích lắm đòi ở lại, anh nạt nộ một hai bắt phải về, ba cha con ra bến xe với hai tâm trạng, không ai nói với ai lấy một câu khi chiếc xe đò lăn bánh.


♣ ♣ ♣

Chưa kịp cho chị hỏi han chuyến về thăm quê của ba cha con, anh hai Khoa tức tốc dắt chiếc Vespa phóng đi một cái ào để lại đằng sau là sự ngơ ngác của vợ. Lòng anh nóng như lữa đốt.

Căn nhà đã khóa cửa ngoài với một ổ khóa mới, anh đứng tần ngần trước cửa ngó quanh ngó quất một đổi thì bà chủ nhà đi tới, bà hỏi:

- Uả, anh Hai tới chở đồ đi hả? Cô Mộng Tuyền có dặn tui chừng vài bữa nữa anh tới chở đồ đi.

Hai Khoa rụng rời tay chân:

- Chị nói sao? Vợ tui…vợ tui…

Đến phiên bà chủ nhà ngạc nhiên:

- Ờ; hai hôm trước cô Mộng Tuyền trả nhà cho tui, cổ nói anh mua nhà mới rồi nên không mướn nhà này nữa, tui đã trả lại cho cổ ba tháng tiền đặt cọc rồi.

Hai Khoa đổ sụp xuống như cây chuối bị đốn ngã, anh rên rỉ:

- Chết tui rồi…nó…nó…nó lừa tui rồi…

Chừng như bà chủ nhà cũng hiểu ra ít nhiều nội tình của câu chuyện, không ai ưa và thông cảm cho một thằng đàn ông phản bội vợ, bà mỉa mai:

- Vậy là anh bị con nhân tình nó lừa rồi chớ gì?...

Bà ta tình bồi thêm một câu: “đáng đời” nhưng thấy anh có vẻ đã mất hết tâm trí và mặt mày xanh mét, thở hụt cả hơi nên bà ta bỏ đi.

Hai Khoa ngồi đó lâu ghê lắm, đến chừng tỉnh lại được một chút, anh gượng dậy leo lên xe chạy qua nhà anh Ba của Mộng Tuyền. Anh trai Mộng Tuyền không có nhà, chỉ có bà chị dâu, khi anh hòi thăm đến cô ta thì bà chị dâu tròn mắt sửng sốt:

- Uả, lâu nay chú mướn nhà cho cổ ở mà…cổ đâu có về đây.

- Vậy chớ nghe cổ nói anh Ba chuẩn bị lên cao nguyên mua mấy mẩu đất trồng cà phê, ảnh rủ Mộng Tuyền cùng đi mà.

Bà chị dâu la lên:

- Làm gì có chuyện đó, chồng tui đang đi làm ở công sở, nhà cửa vợ con nơi đây…hơi đâu mà đi cho xa xôi vậy chú…không có chuyện đó đâu.

Lại một lần nữa anh bật ngã như cây chuối…lần này là cây chuối bị thúi từ trong ruột. Anh chết điếng người, cổ họng khô ran, đắng nghét.


♣ ♣ ♣

Nhờ giỏi vén khéo, lo xa cho bầy con tám đứa nên chị vẫn còn một khoảng tiền bí mật; đó là tiền chị chơi hụi tháng, cuối năm chị mới hốt. Với món tiền hốt hụi này mà chị sắm sữa cho các con và chưng dọn trong nhà không thiếu thứ gì. Mức bánh bông hoa trái cây… nhìn no cả mắt, thêm một nồi thịt kho hột vịt nữa.

Anh hai Khoa thì trở nên lặng lẽ, đầu bù tóc rối, râu ria không thèm tỉa tót. Anh đau lắm khi mất đi món tiền quá lớn vì cô nhân tình nẩy lữa, nhưng đau nhất là anh đã bị cô ta lừa một cách ngọt xớt; và anh thì mắc lừa một cách thật là ngu ngốc. Anh cảm thấy ray rức trong lòng và ăn năn hối hận vì mình có lỗi với vợ quá chừng quá đỗi, còn vợ anh thì lại không dám đụng vào sự đau khổ của anh vì chính lòng chị cũng đang có một nỗi đau âm thầm.

Tối hôm nay chờ cho các con đã ngủ say, anh đến ngồi bên cạnh chị, nắm tay chị vuốt ve, anh gục mặt vào lòng bàn tay của chị mà nghẹn ngào nói:

- Mình à, tui có lỗi với mình nhiều lắm, tui mong mình tha lỗi cho tui.

Nước mắt hối hận của anh ước đẫm hai lòng bàn tay chị, chị cũng đã lờ mờ biết chút ít về nỗi đau của chồng mình nên chỉ thở dài an ủi:

- Thôi ông à, của đi thay người, cuối năm bị xui thì sang năm mới may mắn lại đến.

Anh hai Khoa vuốt tóc chị, đây là lần đầu tiên của mấy chục năm chồng vợ anh mới có cử chỉ này:

- Cám ơn mình đã không trách móc mà lại còn an ủi tui.

Chị bạo dạn ngã đầu vào vai anh và nói như là muốn tâm sự:

- Ông đừng chê cái tiệm gạo này chỉ lượm bạc cắt mà thôi để rồi đâm ra chán nản thì trật lắm đó ông à. “Tích tiểu thành đại, tích thiểu thành đa”; Buôn ngô buôn tàu không bằng buôn hà tiện. Nhờ lượm bạc cắc từ tiệm gạo này mà tui đã nuôi được một bầy con khôn lớn, mà tui có tiền triệu đưa cho ông…Từ nay ông đừng có phụ rẩy chê bai cái tiệm gạo này mà hảy cùng chung tay với tui lo cho nó; đặng còn lo cho các con về sau này nữa. Chuyện qua rồi, năm mới việc mới…nghe ông.

Anh gật đầu cảm kích tấm lòng của chị, hối hận tội lỗi của mình đối với vợ. Bây giờ thì anh mới bắt đầu khều ngọn lữa lâu nay vẫn âm ỉ trong lòng chị để cho nó bén mồi, tuy chưa thể nào được “phừng phừng” như ý nhưng dù sao nó cũng đã cháy lên được chút ít. Và cũng từ bây giờ thì anh mới bắt đầu so mấy sợi dây tơ lòng của chị, nó rung lên từng cung bật luyến láy tuy không dử dội nhưng cũng khá ngân nga.

Mấy chục năm rôi bây giờ mới biết đến sự rung động của vợ chồng, dù đã già nhưng nào ai cấm được người ta vui “xuân muộn” kia chứ? Kể ra anh hai Khoa đã bị cô nhân tình lừa một cú tình và tiền quá lớn nên đau đớn ghê lắm, còn chị thì vô cùng xót xa tiếc của…Nhưng khi ngồi bên nhau sau chuyện bị lừa đó; trái tim của anh và chị bắt đầu có chung một nhịp đập, thì cái chuyện bị lừa mất số tiền lớn ấy tính ra vẫn còn quá nhỏ so với những gì anh chị vừa có được – với nhau – điều này mới thật là vô giá và có một ý nghỉa vô cùng to lớn.

Mùa Xuân năm nay chị phải “tô son điểm phấn” lại cho mình, chị sẽ nói anh hai Khoa mua cho chị gương mới, lượt mới để chị đem ra soi mỗi ngày trước mặt anh và các con, không lén lút âm thầm như khi soi bằng gương lượt của thầy giáo Nam tặng ngày chị đi lấy chồng.

Chị moi từ dưới đáy va li lên để lấy món quà gương lượt năm xưa mà vất vào thùng rác, không một chút tiếc rẻ. Bây giờ thì lòng chị rất là vui tươi, thanh thản nhẹ nhàng.

Cám ơn cô Mộng Tuyền đã lừa gạt tình và tiền của anh hai Khoa.

Cám ơn thầy giáo Nam đã quên chị mà đi lấy vợ và có con.

Cám ơn họ vì bây giờ anh chị mới thật sự là có nhau và của nhau.





VVM.24.7.2021 - TÁC PHẨM CỦA HỒ THỦY CHỈ PHỔ BIẾN TRÊN VIETART NEWVIETART VIỆT VĂN MỚI.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com