Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÒN ĐÓ HOÀI NGHI




    Q uay lưng về phía tôi là một thiếu phụ có mái tóc cắt ngắn kiểu Nhật Bản, thân hình mảnh dẻ được ủ kín trong chiếc áo khoác bằng dạ màu da bò non. Khi thiếu phụ nghiêng người với tay lấy cuốn Tuyển tập thơ văn trên bàn giới thiệu sách, mái tóc ngắn rũ nghiêng không che hết gương mặt khá thanh tú. Tôi bước đến nói vội:

- Tuyển tập này mới nhất của ... Thiếu phụ ngước mặt lên và cả hai cùng khựng lại trong vài giây.

- Anh là, chị đây là...Vâng, Nghi đây, Hoài Nghi đây thưa anh, thiếu phụ nói không kịp nghỉ - một chút bối rối, tôi đáp nhanh:

- Hảo, Thanh Hảo đây thưa chị, cả hai cùng cười phá lên như reo vui làm một vài người quay lại nhìn ngơ ngác.

Tôi và Nghi biết nhau đã lâu, thường xuyên nói chuyện bằng phone, bằng email hoặc qua thư từ, dù chưa hề biết mặt nhau. Chúng tôi thân nhau trên tinh thần văn nghệ, qua các sinh hoạt về truyền thông báo chí. Đây là lần đầu tiên chúng tôi hội kiến.Tôi nói:

- Chúng ta không biết mặt mà nhìn ra nhau hay nhỉ!

- Vâng - có lẽ do tinh anh phát tiết ra ngoài.

- Chị lại cười tôi rồi, thế thì gió nào đưa một ngươi được mệnh danh là khép kín hôm nay đến với chúng tôi vậy.

- À, à! Một phần do thư mời của Ban Tổ Chức, phần lớn hơn là do trong thiệp có tên anh đấy. Tôi cười cười:

- Chị lại...Thế chị đến với...à! Không Tôi đi cùng mấy người bạn, trong ấy ồn và ngột quá tôi ra đây một tí cho thoáng. Vậy thì, tôi biết ở tầng dưới có một chỗ rất thoáng mà lại có cả cà phê khá ngon, Chị muốn thử chăng?

- Không tiện đâu anh ạ! Vã lại chưa khai mạc mà, anh để cho khi khác nhất định tôi sẽ ghé uống cà phê với anh.Vừa lúc ấy, một vài người khách đến chào nàng. Tôi xin phép rút lui, bước vào một góc khuất sau mấy cây kiển giả để tự phạt cái thói quen tự nhiên của mình bằng một điếu thuốc.

Nghi vẫn cười nói với những người kia nhưng đôi mắt luôn hướng về tôi, với cái nhìn nửa như tò mò, nửa như thẩm định điều gì đó và đôi mắt ấy đã không rời tôi suốt buổi sinh hoạt. Khi tiễn khách tôi lại chạm mặt Nghi ngay cửa, không hiểu điều gì xui khiến, tôi bước đến như cổ máy nói nhỏ vào tai Nghi - chị Nghi ạ! Nghe không bằng thấy, Chị đẹp hơn tôi nghĩ nhiều, Nghi quay phắt lại - nhìn tôi - nói cám ơn và bước nhanh như muốn cho kịp ai đó.

Nghi ngồi trước mặt tôi thu mình lại như một cô mèo con, gương mặt trắng xanh không dấu đước vẻ thanh tú của mình, đôi mắt to, không có nét chì, mũi thẳng, đôi môi nhỏ nhắn lúc nào cũng chúm lại như cười cười. Nghi không có nhan sắc quyến rũ lộ liễu nhưng ngầm chứa cái duyên dáng sau vẻ dịu dàng. Trước ly cà phê hãy còn hơi ấm, Nghi thay đổi thế ngồi, một tay chống cằm tư lự, tay kia để ngay ngắn trên bàn, không hiểu từ lúc nào tay tôi dang ủ ấm trên tay Nghi, nàng lặng yên không nói.

Bên ngoài cửa kính của quán cà phê này là một phong cảnh đẹp, ở đó là một vùng đồi thấp nhân tạo, có một vuông hồ mà mặt nước lúc nào cũng trong vắt như gương, không hiểu đã bao nhiêu đám mây soi bóng dưới mặt hồ này. Bây giờ đang là tiết xuân, cái lạnh lẽo mùa đông đã nhường chỗ cho những tia nắng ấm. Ven triền đồi là những tấm thảm màu xanh tím được kết bằng hằng ngàn cánh hoa Bluebonnet biểu tượng mùa xuân của tiểu bang cực nam này. Bên kia hồ lại là những tấm thảm màu vàng rực rỡ của những cánh hoa bé li ti tự như hoa cúc dại quê nhà. Xa hơn một tí, bên kia đồi là một cây Sồi hùng vĩ, cành lá như rũ xuống để ôm lấy đất. Đây là một cây Sồi già, lúc trước khi còn ở một khu chung cư gần đây, mỗi sáng chạy bộ quanh bờ hồ tôi thường nghỉ chân dưới gốc Sồi này. Tôi gợi chuyện:          

   - Chị nghi thấy cây sồi kia không, vài năm trước đây còn vươn cành lên như muốn níu tới trời cao, bây giờ lá cành lại rũ xuống như muốn ôm lấy đất. Tôi nghĩ cây kia như một kiếp người khi trẻ và lúc về già. Nghi mỉm cười, tự dưng tôi thấy Nghi quyến rũ vô cùng.

- Có lẽ anh muốn nói Nghi gìa chăng?

- Ấy, sao chị lại nghi thế - thì anh vẫn gọi tôi bằng chị đấy

- Tôi gọi như thế theo thói quen giao tiếp với phái nữ, trong trường hợp này thì để được gọi lại bằng Anh!

- Từ đầu Nghi chả gọi anh bằng anh là gì.

Sau một thoáng bối rối tôi chưa kịp trả lời thì nàng đã lên tiếng:

-  Anh cứ gọi em bằng tên là được rồi.

Tôi thầm nghĩ hóa ra nàng còn tự nhiên hơn tôi nữa.

Thế thì để thay cho lời cám ơn tôi tình nguyện đưa Nghi đến thăm cây Sồi gìa biết nói sự thật - tuyệt quá - thế thì chúng ta đi ngay đi anh.

Con đường trải sỏi ven bờ hồ có nhiều nhánh dẫn lên những ngọn đồi thấp ở chung quanh, tôi chọn đường dẫn về hướng có cây Sồi, hai bên vệ đường là những tấm thảm hoa vàng rực rỡ, tôi không rời tay Nghi nữa nàng đi sát vào tôi và khẻ nói:

- Anh này, em có cảm giác như chúng ta đang đi tìm động hoa vàng. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đáp nhanh:

- Tiếc thay anh không phải là gã Từ quan - tại sao - vì có em bên cạnh rồi thì anh đây cần gì phải lên non tìm động hoa vàng ngủ yên, Nghi bật cười giòn giã:

- Hóa ra anh cũng biết tán tỉnh cơ à!

Vô hình trung chúng tôi anh anh, em em từ lúc nào không ai để ý.     

      Khi đứng trước cây Sồi hùng vĩ rợp bóng mát, dưới chân là thảm cỏ xanh ngát Nghi nép sát vào tôi hơn dường như sợ cây Sồi kia nói lên những điều rất thật. Tôi xoay người Nghi lại, nhìn thẳng vào mắt nàng và nói:

- Nghi ạ! Anh vừa nghe cây Sồi nói thật.

- Điều gì vậy, khi nàng nói hai mắt mở lớn, đôi môi mọng đỏ như gọi mời, tôi hôn nàng thật nhanh, Nghi ôm siết lấy tôi và hưởng ứng tận tình. Chúng tôi hôn nhau như chưa từng được hôn.

Từ đó, hằng tuần chúng tôi vẫn thường gặp nhau tại quán cà phê đã trở thành quen thuộc với Nghi, tuyệt nhiên không một lần thứ hai đến dưới gốc Sồi già. Chúng tôi cũng không hề nói đến tình yêu làm như điều ấy đả là hẳn nhiên. Nghi không bao giờ hỏi về đời tư của tôi, ngược lại tôi cũng thế. Duy nhất có một lần nàng tự nói cho tôi biết một chút về gia cảnh. Theo lời nàng hiện có hai con đang theo học những lớp cuối trung học nội trú, vợ chồng nàng đã ly thân gần ba năm nay vì một vài thủ tục tố tụng chưa dứt khoát nên vẫn còn ở chung nhà, nhưng sinh hoạt hoàn toàn riêng rẻ. Khi mọi việc hoàn tất chồng Nghi sẽ về quê hương lấy lấy vợ lần thứ hai. Khi nghe kể tôi có tỏ ra một chút ái ngại thì nàng chỉ cười cười và bảo rằng những người viết lách như nàng chỉ sống được với nhân vật trong sáng tác của mình thôi. Dù không đồng quan điểm, tôi vẫn an ủi nàng một cách rất ư là... cải lương:

- Anh chia xẻ hoàn cảnh không vui của em, nhưng lại cũng rất cám ơn những điều không vui ấy, bởi lẽ nhờ nó mà anh mới được gần em hôm nay. Nghi cấu vào vai tôi và nói:

 - Anh lại lẻo miệng nữa rồi. Cứ thế, chúng tôi có khi cảm thấy thật gần gủi, có khi lại thấy thật xa vời.              

 Quay đi quay lại, chỉ còn một hôm nữa là đến ngày lễ Motherday truyền thống. Buổi chiều sau khi tan sở tôi từ chối những lời mời gọi của bạn bè, cố tình ghé chợ Randalls gần nhà mua ít thực phẩm, hoa tươi và tiện tay xách cặp rượu vang lòng tự nhủ làm chút lễ mọn tưởng nhớ bà Cụ quá vãng đã lâu.Vừa đặt chân lên cầu thang dẫn vào căn chung cư bé nhỏ của tôi thì một bất ngờ lớn hiện diện. Nghi, vâng, chính nàng đang ngồi như pho tương ở bậc cầu thang cuối cùng:

- Kìa Nghi, sao không gọi phone cho anh, nàng cười, lại cười!

- Để xem có cô bạn gái nào đến thăm anh không?! Hóa ra chỉ có bà già này thôi.

- Nghi ạ! Nếu ai bảo em già thì có lẽ người ấy mù mất rồi. Nghi đứng dậy và ôm cứng lấy tôi, hai tay tôi còn những xách đồ nên chỉ biết dang ra chịu trận.        

  Nghi giúp tôi bày biện hoa trái trước tấm hình duy nhất của Mẹ tôi và dĩ nhiên, một bàn ăn nhỏ có nến, có thức ăn và cả chai vang ngâm đá dành riêng cho chúng tôi.

Đối diện với Nghi dưới ánh nến khi mờ khi tỏ, chút nhạc Chopin và vài cốc rượu tôi thấy nghi rực rỡ hẳn lên. Không nén được cảm xúc của mình, cả hai dường như cùng đứng dậy một lúc, tôi dìu Nghi bước theo tiếng nhạc dù không rành lắm về khiêu vũ rất may nàng lại khá thành thạo. Tay trong tay, mắt trong mắt, môi tìm môi, những ngất ngây lãng đãng,những rạo rực đam mê, vòng ngực rắn chắc như ép sát vào da thịt tôi nóng hổi, quyện lẫn trong tóc nàng la mùi nước hoa Liz Arden thơm nhẹ gợi nhớ cho tôi một tình yêu  đã xa. Nỗi khát khao bao năm trở thành một thèm muốn hiện thực, khi mảnh vải cuối cùng mang nhãn hiệu của nhà thời trang Victoria's secret trên người nàng  rơi xuống tôi gục mặt vào bầu vú vẫn căn tràn nhựa sống dường như chưa một lần biết cho con bú. Nghi lúc ấy, như con mèo cái trên nóc nhà cháy, oằn người rên xiết, toàn thân như bốc lửa, lằn ranh nghiệt ngã của một tình yêu đã bị xóa nhòa.

Khi những rã rời buông thả, những quấn quít đã mệt nhoài, Nghi nằm gối đầu trên ngực tôi thì thầm:

- Có những lúc em thấy anh là thực, đôi khi em lại có cảm giác như anh từ trong tiểu thuyết bước ra, không nói điều gì, nhưng hành động anh lại là đã nói quá nhiều, em biết khó có thể giữ anh trong đời thực nhưng chắc chắn sẽ giữ được anh mãi mãi trong tiểu thuyết của em. Thú thực lúc bấy giờ tôi chưa hiểu hết ý của Nghi. Tôi vỗ về nàng và cái ham muốn rạo rực lại bùng lên, tôi trấn an nàng bằng vòng tay ôm siết, bằng những nụ hôn tham lam, chúng tôi lại quấn lấy nhau như hai thực thể đã gắn liền không tách rời ra. Nàng không ở lại qua đêm, viện lẽ cần viết tiếp một vài trang tiểu thuyết, tôi tiễn nàng ra cửa với nhiều tiếc nuối nhưng không quên chỉ cho nàng nơi tôi vẫn dấu chìa khóa phòng.

Từ đó nàng thường đến thăm tôi vào những giờ bất ngờ nhất chúng tôi vẫn quấn lấy nhau và vẫn dành cho nhau những đam mê tột cùng.


♣ ♣

Qua khung cửa kính một chiều chưa tắt nắng, tôi thấy người đàn ông có vẽ ngần ngừ đôi ba phút trước khi gõ cửa văn phòng nơi tôi làm việc.

- Cửa không khóa xin mời vào - tôi lên tiếng.

Trước mặt tôi là một trung niên mảnh khảnh khoảng trên dưới năm mươi, gương mặt có thể gọi là điển trai, nhưng có một chút khắc khổ cộng thêm mái tóc cắt ngắn dường như để cố dấu đi rất nhiều sợi bạc. Tôi chìa tay ra làm một cử chỉ thân thiện và lên tiếng trước:

- Tôi là Hảo, Thanh Hảo, thưa tôi có thể giúp gì ông hôm nay thưa ông... Người khách nói nhanh dường như để dấu một chút cảm xúc gì đó:

- Vâng, tôi là Sơn, là...chồng của Hoài Nghi. Tôi thở phào tự nhủ - thì ra là thế.

Người đàn ông tự xưng la Sơn nói tiếp:

- Tôi đường đột đến đây cũng vì chút chuyện của Hoài Nghi, ông có thể dành cho tôi một ít thời gian được không, tôi nhìn đồng hồ cũng sắp hết giờ làm việc và gật đầu đồng ý. Sơn nói tiếp:

- Vậy thì tôi mời ông ra quán Kim Tài đối diện đây làm vài cốc bia và nói chuyện cho thoải mái. Tôi tự nhủ hóa ra anh chàng này cũng cần một chút men trợ lực - tốt thôi, tôi đáp.

Sau một vài câu chuyện xa giao mào đầu và sang tuần bia thứ ba, gương mặt Sơn hồng lên nhưng nói năng vẫn rất từ tốn. Anh Hảo này, tôi xin phép được gọi như thế cho thân mật.

- Không có gì trở ngại.

Cái khó ban đầu đã qua, Sơn vào chuyện:

-Tôi biết giữa anh và Nghi trước hết là giao tình văn nghệ cùng giới cầm bút với nhau, dễ cảm thông và dễ gần gũi nhau; thời gian gần đây cái tình cảm viết lách nó đã biến thành một ràng buộc thực tế hơn. Những gì Nghi làm tôi đều biết rất rõ, dù tôi không hề theo dõi nàng. Bởi lẽ tôi và Nghi chung sống với nhau đã hơn mười lăm năm nay. Tôi hiểu nàng muốn gì và tôi luôn chìu ý nàng, tôi để cho nàng toàn tâm toàn ý sống vơi văn nghiệp của nàng. Chúng tôi có với nhau hai cháu đang theo học những năm đầu trung học, nàng đóng vai một gia sư chỉ cho các cháu về chữ nghĩa, phần tôi phụ trách công việc vừa là người chủ gia đình, vừa là cha, vừa là mẹ, tuy không giao ước rõ ràng, nhưng tôi chấp nhận việc này, cuộc sống chúng tôi chưa hề có cãi cọ chứ đừng nói đến việc ly hôn. Nếu là một người khác có thể đã đi đến chuyện này nhưng tôi thì không, có thể anh sẽ cho là tôi nhu nhược. Nhưng tôi chấp nhận cả sự thực lẫn tiếng thị phi bởi lẽ tôi yêu Nghi và yêu các con tôi. Tôi tin chắc một điều là Nghi có thể buông thả về thể xác để tìm cảm hứng và tích lũy kinh nghiệm để viết. Nhưng Nghi đã, đang và sẽ không yêu ai ngoài tôi và những nhân vật do Nghi dựng nên. Nghi vẫn quan niệm hư cấu phải dựa trên một phần sự thật. Nghi luôn luôn muốn biến những thực thể quanh nàng thành những nhân vật trong tiểu thuyết của nàng. Nói cách khác Nghi chỉ sống thực với nhân vật tiểu thuyết của chính nàng. Tôi và Nghi vẫn hằng đêm “đồng sàng nhưng dị mộng” Hình như anh đang cười tôi, vừa nói Sơn vừa chiêu bia và tiếp:

- Ngươi ta cười tôi nhiều lắm rồi anh ạ! Nhưng không sao cả bởi vì tôi...vẫn rất yêu Nghi.

Sơn nói không ngừng và dường như nói cho chính mình không nhất thiết phải có người nghe. Thêm một vài tuần bia nữa, Sơn lại trở nên ít nót, có vẻ trầm ngâm, bất chợt Sơn nhìn thẳng vào tôi và nói:

- Anh Hảo ạ! Tôi nghe tiếng anh đã lâu, mục phân tích tình cảm của anh viết trên các báo anh cộng tác tôi vẫn thường theo dõi và quả thực theo tôi anh có rất nhiều kinh nghiệm. Hy vọng những gì tôi tâm sự sẽ là một đề tài mới cho anh. Tôi nhủ thầm:

- Thật ra bạn mới chính là người phân tích đúng đấy Sơn ạ!

Trước khi chia tay, tôi định nói với Sơn rằng tôi cũng yêu Nghi nhưng chắc chắn không bằng tình yêu Sơn dành cho Nghi đâu, nhưng không hiểu sao tôi lại không nói lên được điều ấy. Khi bắt tay từ giã tôi mới nhận ra bàn tay Sơn đẫm ướt mồ hôi.           

   Như đoạn cuối của một tiểu thuyết rẻ tiền, hoặc giả như cảnh chót của một tuồng cải lương tâm lý lý xã hội tôi đặt bút viết: 

Nghi rất thương,

Khi Nghi nhận thư này thì anh đã rời xa thành phố đầy những kỷ niệm dễ thương và chắc chắn sẽ xa em vĩnh viễn, anh muốn nói vơi em rằng anh yêu em nhưng trước hết anh phải tồn tại như một thực thể bằng xương bằng thịt thì tình yêu kia mới chất ngất men say mới trổ mầm hạnh phúc, tiếc thay anh không làm được điều ấy.Vì nếu anh ở lại chắc chắn anh sẽ bước vào những trang tiểu thuyết của em và  anh sẽ trở thành một nhân vật hư cấu của chính em. Trong tình yêu cái làn ranh giữa mộng và thực rất dễ xóa nhòa. Anh muốn tồn tại để mãi mãi yêu em, theo anh nghĩ không phải chỉ có những nhân vật do em dựng nên mới yêu và thủy chung với em, hãy nhớ quanh em còn những người rất thực lòng yêu em. Anh chúc em sống vui viết khỏe và hãy viết những gì đang xẩy ra xung quanh mình, anh sẽ nhớ mãi nụ hôn đầu tiên dưới gốc cây sồi biết nói sự thật kia.  

Thương nhớ vô cùng - Hảo.

Khi người chạy bàn quen thuộc mang đến cho Nghi ly cà phê còn bốc khói và một bì thư nhỏ, Nghi mở thư, nước mắt nhạt nhòa, ngoài kia mặt hồ còn lãng đãng khói sương, những thảm hoa xanh vàng vẫn còn đẫm nước và cây Sồi biết nói sự thật rung lên trong gió sớm đầu ngày. Nghi có cảm giác như trò chơi khổ đau mới thực sự bắt đầu và những con chữ ngủ yên bỗng dưng thức dậy. Nghi với tay mở cặp lấy giấy bút đặt lên bàn và ghi xuống: Hư ảo một cuộc chơi. 


♣ ♣ ♣

           Hai năm sau, tôi lưu lạc về Louisiana, thành phố đầy những con đường mang tên tiếng Pháp. Những con hẻm nhỏ và ít được tu sửa nhưng lại đầy khách bộ hành như sài gòn một thuở nào xa. Hằng ngày làm phóng viên ảnh cho một tờ báo địa phương, tôi đã rảo bước trên khắp hang cùng ngõ hẻm, từ khu Versailles đầy rác rưởi và người việt ly hương làm những nghề lao động, ngư phủ… đã tụ lại ở đây. Có chợ chồm hổm dành cho những Cụ bà già với nón lá truyền thống, bán hoa quả tươi, rau mùi, rau sống tự canh tác trong vườn nhà. Có những quán Bar nhỏ hẹp nơi tụ tập của giang hồ tứ chiến và dĩ nhiên đã hình thành một xã hội đen thu nhỏ cũng góp phần làm cho khu này thêm phức tạp. Tôi cũng la cà săn ảnh trên cầu con Cò, tàu casino, hệ thống sòng bài Harras và dĩ nhiên hằng ngày không quên ghé café Du Monde thơm lừng, ngắm khách du lịch thập phương đầy ắp khu French quarter. Tôi cố tìm quên trong cộng việc, quên gì, nhớ gì, chỉ biết một điều hình ảnh Hoài Nghi dường như vẫn là một ám ảnh khôn nguôi.

Cộng sự viên bất đắc dĩ của tôi là cecile người Việt một trăm phần trăm, nhưng lại thông thạo tiếng Hispanic một trăm phần ngàn. Cecile cũng là cô giáo Việt duy nhất dạy tiếng Việt cho trẻ em trong nhà thờ xứ Vực Sâu. Mọi thông tin xã hội thời sự nóng bỏng đều từ nàng mà có. Chính vì vậy, căn phòng nhỏ của tôi cũng trở thành nơi quen thuộc của nàng, là nơi nàng thực tập làm bếp, và tôi là người được nàng dùng để thí nghiệm cho những món ăn mới. Nàng giúp tôi thu dọn mọi thứ, tạo trật tự cho căn phòng của một gã độc thân và chính nàng cũng là người đồng sàng ủ ấm tôi trong những ngày đêm bão dông đe dọa. Nàng cho tôi mọi thứ mà chưa hề nói tiếng yêu tôi. Giữa chúng tôi là tình bạn - tình bạn kiểu Mỹ. Những tưởng mọi việc cứ thế mà qua đi…

Quán ăn nhỏ bán hàng Seafood của bạn tôi ở góc đường Manche và Grand là quán duy nhất trong khu do người Việt làm chủ nhưng lúc nào cũng đông khách, chủ quán cũng là một tay chơi ảnh chuyên nghiệp nên tôi thường ghé qua học thêm nghề và thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam chỉ nấu cho gia đình dùng. Như thường lệ tôi ghé quán sớm khi chưa có khách. Chủ quán đang trầm ngâm trước ấm trà nóng bằng đất thố nung đã trổ màu nâu non. Tôi xề vào và tự nhiên rót trà, anh bạn không buồn nhìn tôi mà chỉ nói. Trưa có rảnh ghé nhà giải khát vài chai, có tiệc bỏ túi, tôi ậm ừ - có thể.

 - Phải ghé chứ không có thể gì cả tớ không thích kiểu cách Bắc Kỳ của quý ông đâu nhé. Cậu khéo mồm mép, tới ba hoa vài đường cho họ biết thế nào là lễ độ.(Chúng tôi đều là Bắc kỳ há mồm nên đâu còn kiểu cọ gì đâu). Mà họ là ai, quen hay lạ, tôi hiếu kỳ nên tự nhủ sẽ đến.

Khi tôi đến, phòng khách đã chật kín người, tiếng cụng ly chan chát, tiếng cười nói râm ran.Tôi trở ra theo cửa hông nhà vào cái quán phía sau vườn, gọi là quán chứ thật ra chỉ là cái Patio nhỏ được bài trí lại theo cái nhìn của một tay chơi ảnh. Na ná như quán cà phê đàn Bầu ở đà lạt ngày nào. Tôi vẫn thích đến đây vào những ngày cuối tuần lai rai bia rượu và nghe nhạc cổ điển. Quanh vườn những khóm hoa cúc dại đã nở, mùa Thu vừa chạm sân sau. Chủ nhà như biết ý đã chờ tôi ở đấy.

- Tớ biết thế nào cậu cũng lỏn vào đây.

Tôi cười cười:

- Khách của ông là khách làm ăn mà, mồi béo rượu ngon làm hư người đấy, tớ ngại lắm.

- Khéo bày, một thời lính lác còn sợ gì, thôi vào đây bồ tèo giọng dẻo đeo, có dành cho chỗ đúng gu đây này.

Bàn ăn gia đình sáu ghế mà đã đầy năm, tôi khựng lại không phải vì ghế mà vì trong bàn có mặt… Cecile và… Hoài Nghi. Gia chủ ấn tôi vào bàn và nói hãy tự làm quen đi, tớ phải tiếp khách ngoài kia. Tôi khẽ chào và bắt tay từng người, chưa đến chỗ Hoài Nghi thì Cecile mau mắn giới thiệu:

- Đây là Chị Nghi đến từ Texas

- Và đây là Anh Hảo Phóng viên ảnh, bạn em.

Tôi khẽ khàng - hân hạnh …

Sau hai năm thời gian không dài nhưng dường như đã ít nhiều cay nghiệt với Nghi. Làn da mịn màng đã trổ vài chấm tàn nhang, mái tóc vẫn cắt ngắn nhưng chân tóc đã có nhiều sợi bạc, bàn tay đã lộ gân xanh và đuôi mắt thì vết chân chim đã chạm. Dù vậy nàng có vẻ đẫy đà hơn trước. Chỉ có màu mắt nâu vẫn long lanh khi đối diện tôi trong quán vườn sân sau. Tiếng nhạc dịu êm hay những ly bia đẩy tôi trôi về cõi mơ hồ nào đó. Tôi khó lòng lên tiếng. Bất ngờ Cecile xuất hiện, ấn vào tay tôi tập sách và nói nhanh một hơi dài:

- Truyện của chị Nghi viết và anh là nhân vật chính đấy nhé. Đừng ngạc nhiên, em là đọc giả trung thành của chị ấy, và cũng vì chị ấy mà em đến với anh. Em thay chị ấy khi anh ở đây một mình. Bây giờ thì hết nhiệm vụ em bàn giao anh lại cho chị Nghi.        

       Tôi và Nghi chưa kịp nói gì thì Cecile nghiêng người ôm hôn vào má tôi và nói khẽ:

- Em không yêu anh đâu chỉ thương thôi và không gì thay đổi, em biết anh sẽ về bên ấy hoặc chị Nghi sẽ sang đây, nhưng em vẫn là cộng sự viên của anh mà. Nàng buông tôi ra và bước nhanh vào nhà.

Quả thật tôi hơi hụt hẫng. Bấy giờ Nghi mới nắm lấy tay tôi và nói nhẹ như làn khói thuốc vờn bay:

- Anh Hảo, Cecile là người cùng quê em, học cùng trường, dưới vài lớp, tụi em liên lạc với nhau lâu rồi, trước cả khi anh sang đây. Em vẫn theo anh từng bước thăng trầm. Mọi chuyện là do em nhờ cậy, Ceciel sống hồn nhiên và tự do theo kiểu Mỹ nên dễ dàng giúp em chăm sóc anh. Cô ấy đến và sẽ đi như gió, không ở lâu một chỗ nào, nhất là không có trong tiểu thuyết của em, nhưng cô ấy rất chân tình, anh phải quý trọng điều đó.

- Vậy thì còn em…dường như có điều không vui.

- Em ư! Em là cháu họ của bà gia chủ ở đây.

Nàng nói luôn một hơi như sợ tôi ngắt quảng:

- Chuyện ngày ấy…cũng buồn cười. Em vẫn thường sống theo ảo giác, có người nói em bị đứt dây. Thật ra em vẫn trải lòng ra, sống hết mình cùng nhân vật do chính mình dàn dựng. Và đem chính bản thân em ra làm thí nghiệm. Anh Sơn là một người bạn đúng nghĩa và rất thân của em, để thử nghiệm, em đã nhờ anh ấy đóng một tiểu phẩm kịch do em dàn dựng, cả anh và anh ấy em đều xem là diễn viên. Em chưa hề sinh nở thì làm sao có con. Không phải anh đã từng thấy bụng em không nhăn và còn nói em như gái còn son sao. Tất cả em đã dựng thành truyện trong cuốn sách Cecile thay em đưa tặng. Hai năm qua, như anh thấy em đây, đã thay đổi nhiều quá phải không. Ngoại hình đã thế trong thâm tâm đã đổi thay cách nghĩ, cách nhìn, vì em đã cảm nhận được tình yêu trân quý biết bao. Cho đến nay em vẫn là phụ nữ chưa chồng nhưng đã sớm là sương phụ chỉ vì anh. Anh về lại nhé, chúng ta thử làm lại từ đầu…

Ở đây xa cách những nhánh sông, nhưng trong gió dường như có tiếng sóng râm ran. Điếu thuốc cháy dỡ dang, chút tàn rơi vào mắt hay những lời tự bạch của Nghi như những hạt mưa ngâu rớt muộn vào trong chính đôi mắt nâu nhạt nhòa nhân ảnh của nàng.

Sự thường người ta thường nói mùa Thu là mùa của chia ly, của màu tím ảm đạm, của gió gầy đẩy đưa cuống lá trơ cành, của những sáng mù sương, của những đêm đầy ảo cảnh, của mùa trăng gọi tiếng soi tru.

Với tôi, chỉ tôi thôi nhé, mùa Thu này còn có vàng hoa cúc nở xôn xao. Tôi ghì chặt Nghi vào lòng và thầm nhủ - Dường như chuyện chưa đến hồi kết thúc. Vì mùa Thu vẫn đến rồi đi.  





VVM.24.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com