Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TRÒ CHUYỆN VỚI BÓNG ĐÊM




H ạnh An ngồi lặng yên trên chiếc ghế ngay cạnh cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Những tán lá xoài, cỏ cây, hoa lá ngoài kia đung đưa xào xạc dưới ánh sao trời le lói, mờ ảo. Hạnh An bỗng cảm thấy mình lọt thỏm vào đêm mênh mông, thầm lặng như bị rơi tuột xuống chiếc hố sâu thăm thẳm. Nàng cố bơi trong niềm cô đơn, cố thoát ra khỏi sự cô độc đến mệt nhoài rời rã; nàng lại càng bị bóng đêm vô tận nuốt chửng trong tận cùng niềm cô lẻ, quạnh vắng. Trong vô cùng tuyệt vọng, nàng thầm thì:

-Chào đêm dịu dàng thầm lặng!

Hạnh An cảm thấy dễ chịu, nàng như nghe thấy bóng đêm thì thầm trả lời:

-Chào bạn!

-Tôi rất muốn được nói chuyện với bạn. Bạn có vui lòng trò chuyện cùng tôi không?

-Tôi đang đợi nghe bạn nói đây mà.

-Cảm ơn đêm bao dung!.

-Sao tôi nghe giọng bạn đượm buồn vậy?

-Gần tháng nay tôi không ngủ được. Đôi mắt cứ ráo hoảnh dù cố nằm yên nhắm mắt, nhưng giấc ngủ không thể đến cùng tôi.

-Sao lạ vậy, bạn có điều gì đau buồn chăng?

-Có, bạn ạ!

-Bạn hãy kể cho tôi nghe đi! Tôi mong được chia sẻ cùng bạn đây.

-Tôi có ba người em trai, tất cả đều đã bỏ tôi sớm ra đi. Người em nhỏ nhất đi trước, khi em ấy được cô y tá chích cho mũi thuốc vì cảm sốt. Em ấy lịm dần, mê man rồi không trở dậy được nữa. Kế theo là người em trai kề tôi, em ấy bị ung thư máu bạn ạ! Trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, em ấy nhìn chúng tôi như cố níu kéo, sợ sẽ không còn nhìn thấy những người thân yêu của mình nữa; và có lẽ, em ấy sợ cái thế giới mình sắp đến, sợ sự cô độc, lạnh lẽo của lòng đất nữa chăng?. Đôi mắt ấy cứ ám ảnh, dõi theo tôi suốt gần mười năm nay, và có lẽ tôi sẽ nhớ ánh mắt ấy mãi mãi, mãi mãi.

-Còn một người nữa, sao lại ra đi, hở bạn?

-Còn một người nữa ư? Không biết sao mình lại phải chịu cảnh “sinh ly, tử biệt” sớm sủa những ba lần, mà lại cách nhau một thời gian ngắn?. Mình hoảng hốt, choáng váng, khi người em nữa lại ra đi. Nhìn em ấy đau đớn trên giường bệnh, mình chỉ biết nguyện cầu cho em ra đi thật nhẹ nhàng về một thế giới khác; nơi ấy chỉ có an vui, hạnh phúc không khổ đau như ở cõi trần gian này, mà thôi. Chỉ vậy thôi. Làm sao cứu được khi mắc phải bệnh ung thư gan, hở bạn?.

-Sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình từ ngàn xưa, mà bạn?.

-Tôi hiểu cuộc đời là bể khổ trầm luân, nhưng...

-Nhưng thế nào, hả bạn?.

-Nhưng tôi vẫn cứ thấy các em ấy như đang quanh quẩn bên mình, với những tháng ngày cơ cực thuở nào, bạn ạ! Những ngày chúng tôi cùng ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa, cùng tát nước bằng chiếc gầu dây đêm trăng nào xa lắc. Có lúc, tôi như nghe tiếng cười dòn dã của các em thật rõ ràng khi bắt được vài con cá trê, cá tràu dưới mương. Rồi tất cả biến mất, chìm vào cõi nào mênh mông vô tận, còn lại mình tôi với nỗi thương nhớ ray rức khôn nguôi. Và tôi lại bề bộn với bao suy nghĩ về đời sống áo cơm, cơm áo. Nó làm chiếc đầu tôi như muốn vỡ ra, khó mà chợp được mắt.

-Cuộc đời vô thường mà bạn, đến, đi, rồi lại đến. Kiếp nhân sinh đầy hệ lụy tiếp nối những luân hồi khổ đau thôi.

-Tôi biết cuộc đời vốn dĩ là vậy, đến rồi đi, đi rồi đến, nhưng vẫn cảm thấy hụt hẫng, bạn ạ! Có một điều tôi thắc mắc, không hiểu sao những việc tôi làm đều không có được một kết quả như ý, dù tôi có cố gắng bao nhiêu cũng đều thất bại. Trồng đậu xanh, dưa hột biết bao hy vọng, nhưng khi thu hoạch thì rớt giá (giá chỉ còn một nửa) không đủ lại tiền cày, tiền phân bón. Tôi phải cố mà hái không dám thuê công, vì tiền bán không đủ trả công cho người hái. Còn mía thì khỏi nói, tiền bán không đủ trả công chặt mía. Bạn ơi! Có phải tôi đang bị “trả nợ” nghiệp cũ không vậy?

-Tôi không ngờ cuộc đời bạn khốn khổ đến vậy.

-Bạn biết không? Nhiều đêm giữa núi rừng u tịch, tôi thấy mình cô đơn khủng khiếp. Tôi nhớ các con tôi đang ngóng chờ ở quê nhà, rồi tôi tự an ủi mình cần phải cố gắng hơn nữa để thu hoạch cho hết, rồi về với các con. Tôi lầm lũi trên con đường từ ga xe lửa về nhà trong đêm khuya lạnh vắng. Cả thị trấn đã yên vắng, chỉ còn một vài ánh đèn từ những sân nhà hắt ra đường buồn hiu hắt. Tôi đếm bước tự an ủi mình rằng, sự có mặt của tôi là niềm vui của các con. Thế là tôi có thể nở nụ cười, và chân lại bước nhanh hơn.

-Dường như cả đời bạn tiếp nối những lo toan, khó nhọc, nhỉ?.

-Chưa hết đâu bạn ạ! Tôi nuôi cá, nuôi tôm thì bị vỡ đìa, nuôi bò thì sổ chuồng bị xe lửa đụng chết. Cuối cùng tôi trở về quê với đôi bàn tay trắng không nhà cửa, không tiền bạc; và tôi nhận ra được một điều quanh cuộc sống đơn lẻ ấy, là “lòng người” sâu thẳm thật khó lường!

-Ôi! Bạn của tôi! Tôi hiểu bạn và thương bạn lắm!

-Những người mà trước kia đã được tôi giúp đỡ, họ luôn động viên tôi trở về. Tôi nghĩ, họ cũng như mình, muốn mọi người được sống trong yêu thương, hạnh phúc. Nhưng không phải vậy bạn ạ! Họ chỉ nói “đãi bôi” cho suông sẻ thế thôi; thấy mình trở về với thân phận như vậy họ tránh xa, vì sợ mình nhờ vả họ. Thế rồi, tôi tá túc nhà mẹ đẻ để tiện việc ăn học cho các con, rồi tìm mua một túp nhà nhỏ nằm trong con hẻm cụt. Túp nhà mà tôi hay đùa rằng “đêm trăng soi, ngày nắng dọi”, nhưng là mái ấm hạnh phúc của mấy mẹ con tôi; và có lẽ, đó là nơi chốn bình yên nhất mà tôi đã có được, và sẽ là “nỗi nhớ” cho tất cả chúng tôi.

Cả năm, hình như chúng tôi không có “khách” viếng thăm, chỉ vài người bạn học cũ thỉnh thoảng ghé lại an ủi - khi hộp bánh, sách vở cho các cháu, khi phong bì vài trăm nghìn để đóng học phí cho các con tôi.

-Ôi! Bạn đáng thương, đáng yêu quá!

-Vậy mà, nhìn những cảnh đời chung quanh mình, tôi thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người khác, bạn ạ! Bà Bảy sát bên nhà tôi, chồng chết sớm, nuôi con trai trưởng thành; về già cũng thui thủi một mình, lâu thật lâu mới thấy vợ chồng người con trai về. Mà bạn biết chúng về làm gì không? - chúng yêu cầu bà Bảy ký giấy bán cái nhà ngoài thị xã (tiêu chuẩn nhà nước cấp cho chồng bà là cán bộ làm việc ở tỉnh) để có vốn hùn hạp làm ăn. Bà Bảy không muốn bán, bị chúng mắng chửi như chúng là cha mẹ của bà Bảy vậy. Buồn quá phải không bạn?.

-Buồn thiệt! Cuộc đời có khi là vậy, bạn ơi!

-Còn ông Cử xóm trước có những sáu người con - ba trai, ba gái. Ông ốm nhom ốm nhách, chống cây gậy qua nhà đứa con này vài hôm, rồi lại chống gậy qua đứa con khác vài hôm, giáp vòng; tới đâu cũng bị chúng mắng mỏ “dơ dáy, hôi hám”, vậy mà có đứa nào giặt quần áo giúp ông đâu. Thiệt là khổ!

-Khổ thiệt! Đời là bể khổ, bạn ạ! Nên vui sống với những gì mình yêu thích.

-Đúng thế, bạn! Đời là bể khổ, mỗi cái khổ mỗi khác, nhưng cũng là khổ đau, đau khổ của kiếp người. Nghĩ tội cô Ý, con của bà Tư ở xóm sau, vừa uống thuốc sâu tuần trước suýt mất mạng, may mà đưa đi bệnh viện kịp thời. Ý đau khổ vì bị chồng bỏ rơi, chạy theo người phụ nữ khác xinh đẹp hơn, giàu có hơn. Cả ngày hết lo cho con cái, lại con heo, con gà đầu tắt mặt tối, thời gian và tiền bạc đâu mà sửa soạn với son phấn áo quần; làm sao mà sánh với người phụ nữ kia, suốt ngày chỉ chăm chút móng tay, móng chân, áo quần, giầy dép, hả bạn?

-Phụ nữ khổ thiệt! Nhưng biết làm sao được, hở bạn?.

-Mẹ tôi mất sớm. Tôi là chị cả, cũng là người mẹ thứ hai của các em tôi. Tôi chăm sóc cho các em được, nhưng không giữ được các em ở lại với mình. Và bây giờ, sắp đến lượt tôi, bạn ạ!

-Ôi! Bạn của tôi! Bạn đã bị sao thế?

-Tôi không sợ chết nhưng tôi sợ đau, bạn à! Nghĩ cho cùng, đời người ai rồi cũng phải chết, phải không bạn?. Tôi nghĩ, chết là để được sống lại một cuộc sống tốt hơn nếu như mình có tâm thiện lành, biết yêu thương giúp đỡ người. Tôi không biết mình sẽ như thế nào khi được sống trở lại một kiếp khác. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, hiểu biết được, tôi chưa hề biết lừa dối ai, giận dỗi ai lâu, dù người đó có đối xử tệ với tôi chăng nữa. Cả tháng nay, (từ ngày tôi vào Sài Gòn tái khám, được bác sĩ cho biết, tôi đã bị u xơ tử cung), tôi không thể nào ngủ được. Bao nhiêu dự tính không lẽ đành vứt bỏ?. Trước khi ra đi, tôi muốn làm một cái gì đó để “ghi dấu” kỷ niệm lại cho đời - những tháng năm tôi có mặt trên cõi tạm này. Bạn nghĩ, tôi có thể làm được một việc gì có ích cho đời sống trong những ngày còn lại của đời mình không?.

-Bạn ơi! Tôi tin trái tim nhân hậu của bạn - những người biết sống cho tình thương yêu, rồi sẽ được an vui, hạnh phúc, bạn ạ! Đời nầy vui, đời sau chắc chắn sẽ được vui thôi!

-Vậy bạn nghĩ tôi có thể vượt qua?.

-Đúng vậy! Có niềm tin và hy vọng sẽ vượt qua tất cả. Cứ hy vọng và sống trong yêu thương, để làm những việc giúp ích cho đời sống của chính mình và nhiều người như bạn đã nghĩ nhé!. Tôi tin bạn sẽ luôn được an vui thôi! Mặt trời sắp ló dạng rồi đó bạn.

-Cảm ơn bạn đã lắng nghe, cảm thông và chia sẻ những u uất vướng mắc trong lòng tôi bấy lâu nay. Bạn nói phải lắm - đúng rồi, phải lạc quan hướng tới đời sống có ý nghĩa, dù phải trải qua khó khăn, phải không bạn?.

-Bạn nên vào nằm nghỉ một lát đi nhé!.

-Cảm ơn bạn! Có lẽ tôi cần phải nghỉ trước khi bắt đầu một ngày mới cho hy vọng mới, bạn ạ!

Hạnh An vươn vai đứng dậy, bước lại giường. Nàng cảm thấy thật dễ chịu. Một cảm giác thư thái, an nhiên, nhẹ nhõm, khiến nàng ngạc nhiên vui sướng, như vừa qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Nàng nằm thẳng người trên giường hai tay buông thẳng, nhắm mắt, hít thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng chìm dần vào giấc ngủ.

6/2019




VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com