Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG VỌNG




T ôi mồ  côi cha lúc lên một, mạ tôi năm  ấy vừa tròn mười tám tuổi . Cha tôi bị Máy bay của Tây bắn chết khi đang cày trên đồng.  Lúc đưa đám cũng bị máy bay ném bom, bà con chạy tán loạn. Mạ  tôi không chạy, nằm bên quan tài chồng cho đến sáng hôm sau.   Lúc bà con quay lại để tiếp tục đưa cha ra huyệt thì mạ tôi đã co quắp bất tỉnh vì lạnh.  Người ta gánh mạ về nhà, hai hôm sau đến ngày mở cửa mả mới tỉnh.   Cha tôi đêm là du kích, ngày đi cày, đó là nghe  xóm làng kể lại. Khi tôi đủ trí khôn ít khi mạ nhắc về cha. Mỗi năm đến ngày giỗ,  các cô chú sum họp,  thường kể về cha tôi như là một nông dân chất phác, hiền lành. Họ bảo tôi giống cha như đúc, nhất là tính thật thà chịu khó. Riêng tôi vẫn nghĩ cha tôi là du kích chống Tây.

Nhà  tôi ở cuối xóm, xóm ở cuối làng. Bên kia cánh đồng nơi những rặng tre buồn buồn ấy là  làng ngoại.  Căn nhà tranh nhỏ của mạ  con tôi như nhà bếp  của người ta, dù  vậy cũng ngăn nắp sạch sẽ ấm cúng. Mạ đi làm thuê, cấy lúa hoặc làm cỏ mướn. Năm tôi học lớp nhì (1), khoảng mười tuổi, mạ nhận bò của bác Kha cho tôi chăn vào buổi chiều,  kiếm thêm một mùa bốn thúng lúa, có mùa bò béo tốt bác cho thêm một thúng để thưởng. Bác Kha cười bảo thằng cu Đa nhà thím mùa này làm ra lúa lương rồi. Quê tôi gọi đơn vị năm thúng lúa là một lương. Nhà giàu nhất làng cũng chỉ được trăm lương, gọi là giàu lúa trăm.  Mỗi mùa mạ qua nhà bác Kha gánh lúa về , đổ vào cái sập nhỏ, bảo để dành cho tôi mua sắm sách vở đi học. Lúa vàng rộm trong cái thúng tre màu nâu sậm chảy lào rào vào sập. Tôi nằm ngủ trên sập nghe  thơm nức mùi lúa, lan vào cả giấc ngủ. Mùi lúa còn theo tôi ra tận cánh đồng buổi chiều, có khi len cả vào lớp học buổi sáng, giúp tôi chăn bò siêng năng và học giỏi hơn.  Khi nào nhà hết gạo ăn hay có việc gì cần tiền phải bán lúa,  mạ nói với tôi là cho mạ mượn đỡ, đến mùa sẽ trả lại. Mỗi lần thấy sập lúa vơi đi là tôi buồn, có khi khóc. Mạ an ủi; “Con yên tâm, mạ sẽ trả cho con mà. Lúa của con là lúa chữ lúa nghĩa, ai nỡ ăn chữ ăn nghĩa của con. Con nhớ học cho giỏi, mai mốt làm thầy, có xe “bịp bịp” chạy đi dạy như Thầy Nghiêm, lúc đó mạ có chết cũng yên lòng”.

Thầy Nghiêm đẹp trai lắm, độc thân, mới ra trường sư  phạm. Thầy cao ráo trắng trẻo hơn các thầy gốc ở  làng vừa đi cày vừa đi dạy. Thầy chạy  chiếc xe Gobel màu lam, đèo sau chiếc cặp da to đùng. Trẻ con chạy theo ngửi mùi khói xăng, hít lấy hít để mùi lạ. Chúng nó bảo mùi khói xăng thơm lắm.  Tôi cũng  theo tụi nhỏ vừa chạy vừa hít mùi xăng  đến trường. Trường năm lớp, tường quét vôi trắng, lợp ngói khang trang,  nằm gần trụ sở xã hướng ra hương lộ. Trụ sở xã có giao thông hào, dây thép gai bao quanh.  Đứng bên  sân trường nhìn qua dây thép gai, những lô cốt có lỗ châu mai đen ngòm, bí hiểm. Thầy Nghiêm mới đổi về, dạy lớp tôi. Nhà thầy nghe đâu ở trên phố quận.    

Làng tôi ở trên tuyến đường  đất đỏ từ các làng biển lên quận lỵ. năm 1964 vùng tôi bắt  đầu có tiếng súng từ phía những làng biển.  Với trẻ con đấy là niềm vui.Tiếng liên thanh súng trường thì nhỏ, tiếng trung liên đại liên lớn hơn, thỉnh thoảng có một tiếng ầm có thể là súng cối hoặc lựu đạn. Tiếng pháo lớn từ quận bắn về phía làng biển, bay ngang không gian làng tôi thì rùng rợn lắm. Sau khi kéo dài tiếng hú là một tiếng nổ lớn, khói màu tro bốc lên thích mắt. Bọn tôi đứng trên đồi cao nhìn về hướng biển,  bàn tán về những tiếng nổ và những điều thấy được, cho đến khi người lớn gọi mới chạy về nhà.  Có lần chúng tôi  rủ nhau ra tận nơi sau khi   đã xảy ra chiến sự để lượm vỏ đạn. Những vỏ đạn vàng chóe trên cát trắng nhiều vô kể, nhất là những ụ súng đại liên, trung liên. Chúng tôi tranh nhau lượm mỗi đứa hằng chục ký.  Một hôm đang say sưa nhặt vỏ đạn, nghe mùi hôi, chúng tôi phát hiện nhiều xác người  sình thối vùi nông dưới cát thòi lòi chân  tay lên, ruồi nhặng bu đen. Sợ quá,  chúng tôi bỏ chạy một mạch về làng, vất hết vỏ đạn nhặt được. Thẳng Quy bạn tôi bị ba đánh đau quá ôm đít chạy khắp xóm, ba nó cầm roi tre đuổi theo. Tiếng roi vút vút nổi gai ốc. Mạ tôi không đánh,  chỉ nhìn tôi buồn buồn, bảo: “ Con là thóng mắm đầu giàn của mạ. Con nhớ là cha con chết vì bom đạn”.   Từ đó chúng tôi biết sợ, biết thế nào là chết chóc chiến tranh. Mỗi lần có trận đánh đâu đó, đồng bào lên phố quận mua quan tài, có khi gánh một đoàn hàng chục cái.  Trâu bò chết vì bom mìn, đạn pháo ngày nào cũng có.

Mạ  nhờ bác Kha và mấy chú hàng xóm làm một căn hầm núp đạn cách nhà chừng mươi mét đề phòng lúc cháy nhà không bị ngộp.  Căn hầm nhỏ đủ để mạ con trú ẩn, cũng là  nơi tôi trốn xuống đó đọc sách, học bài từ  ánh sáng của cửa hầm. Mùi  ẩm của đất cho tôi cảm giác lạ, như mình được tách ra với thế giới bên trên. Nhiều khi tôi nghĩ đến cậu Khản. Cậu tôi theo du kích, cũng đang ở đâu đó trong một căn hầm bí mật suốt ngày như vậy. Có lần trong đêm cậu về gõ cửa thức tôi dậy, xoa đầu và dặn dò mạ đừng cho tôi đi xa, nguy hiểm. Cậu chào mạ con tôi rồi lẩn vào bóng đêm.    Hôm sau có ông cảnh sát  tên Bá đến nhà  hỏi mạ: “ Hồi hôm Việt Cộng về em biết không”. Mạ bảo có nghe chó sủa nhưng không biết gì. Ông Bá cười,  dặn : “Em không nên liên hệ với Việt  Cộng, có mệnh hệ gì anh cũng không cứu nỗi”. Mạ nghiêm mặt bảo lo cho mạ con đủ sống đã đứt hơi rồi,  còn đâu mà lo việc khác.  

   Ông Bá thường lui tới nhà tôi,  khi thì  cho lính lợp lại mái tranh, khi thì tặng mạ xấp vải. Ban đầu mạ không nhận, nhưng với sự kiên nhẫn của người đàn ông,  mạ tôi dần dà xiêu lòng. Ông Bá có nụ cười  dễ mến, trẻ con đứa nào cũng thích, lại hay cùng tụi tôi tát cá, bẫy chim, đôi khi giải thích cho chúng tôi về những hiện tượng khoa học. Chúng tôi còn biết ông Bá là bạn cùng lớp với Thầy Nghiêm thời trung học, họ chào nhau lịch sự nhưng không thân thiện mấy.

  Một hôm đi chăn bò, tôi lân  la đến gần một nhóm người đang làm cỏ lúa  ngồi nghỉ trên bờ ruộng. Các cô các bà trong câu chuyện nhắc đến mạ tôi, họ bảo mạ tôi và ông Bá trước sau cũng lấy nhau. Họ còn nói với tôi là coi chừng mất mạ, rằng mạ mà lấy chồng tôi sẽ ra đứng đường, ăn xin.    

Trời chiều tháng giêng gió bấc thổi liu riu the thắt, mưa bụi ngược chiều, mặt tôi tê buốt nước mưa và cả nước mắt nữa. Lạnh và đói, buồn, tôi tấm tức khóc. Tay giữ nón , tay cầm roi tre đưa lên quệt nước mắt, tôi  lững thững lùa bò về. Đàn bò đi vào đường xóm sình lầy, mùi phân bò lẫn với không khí ẩm thấp, nghe thấm thía phận mồ côi. Nghĩ đến ngày mạ đi theo ông Bá, tôi đi chăn bò, tối về ngủ một mình trong căn nhà tranh của mình, tôi khóc òa lên.

  Chạng vạng tối,  sau khi bò vô chuồng, tôi  không về nhà mình mà ăn cơm nhà bác Kha.  Tôi vờ chào bác về nhưng lại đi vòng ra phía nghĩa địa rồi quay về phủ rơm kín,  nằm lại trong chuồng bò. Mạ tôi cầm cây đuốc đi tìm khắp xóm, vừa khóc vừa gọi Đa ơi Đa hời.  Tôi nín thinh quyết không ra mặt. Tôi thù mạ tôi lắm. Nghĩ đến ngày "ra đứng đường" rồi  khóc hưng hức, tay nắm chặt, nghiến răng.

Một  đêm thao thức, sáng ra tôi nhớ trong chuồng bò có một mãnh bom nhọn  lượm được hôm qua.  Tôi lấy đâm mạnh vào cây chuối ngập một nửa mảnh bom, mủ chuối ứa ra. Tay tôi run lên nghĩ đó là máu từ chân của ông Bá. Tôi không khóc nữa, nghĩ đến chuyện trả thù.  Tôi lấy bẹ chuối gói mảnh bom lại, chạy về nhà. Mạ ôm chầm tôi khóc. Tôi xô mạ ra, nhìn thẳng vào mắt bà nói lớn: "Mạ đừng đụng vào con, mạ dơ dáy lắm''. Linh tính khiến bà hiểu tôi nói gì, hứa sẽ không quan hệ với ông Bá nữa. Tôi bí mật đem cái mảnh bom dấu vào vách lá. 

Một thời gian không thấy ông Bá lại nhà.  Tôi yên tâm sáng đi học, trưa về ăn cơm nhà bác Kha, chiều  đi chăn bò. Mạ tôi làm cỏ thuê, ăn trưa ở ruộng. Tối về mạ con ôm nhau ngủ. Tôi hạnh phúc lắm, nghĩ rằng mình sẽ có mạ mãi hoài, không bao giờ ra đứng đường ăn xin như người ta nói.     

  Tiếng súng ngày một gần, có lúc  còn nghe tiếng đạn bay veo véo. Những lúc như thế hai mạ  con chạy xuống hầm, ban đêm có khi ngủ luôn trong đó. Mạ nói thì thào vào tai tôi: “Bên tê  lại về, lại sắp chiến tranh rồi con ơi”. Rồi mạ  khóc thút thít.  Tôi ôm chặt mạ, nghĩ đến người chết nhà cháy như những lần nghe người lớn nói về thời chiến tranh chống Pháp.

Mùa hè  đến. Một tuần chúng tôi không được nghe tiếng “bịp bịp” của xe Thầy Nghiêm, không được chạy theo Thầy  để được hít mùi xăng đã như ghiền, lòng cứ buồn nhớ mơ hồ điều gì đó.  Làng xóm vừa sập tối là ai ở nhà nấy, đường làng ri rỉ tiếng côn trùng, lập lòe đom đóm.

Tôi ngồi học bài bên ngọn đèn dầu, mạ ngồi khâu vá  hay chải tóc nhìn tôi âu yếm, lúc đó tôi thấy mạ thật đẹp. Đôi mắt mạ to và buồn buồn, có khi chớp chớp lúc soi gương.  Một tối mạ bảo: “Con dạy cho mạ học với, chỉ biết đọc biết viết là được. Hồi nhỏ chiến tranh loạn lạc,  mạ chỉ học được mấy tháng bình dân học vụ, chữ nhớ chữ quên, thấy người ta đọc sách báo mà thèm”. Vậy là tôi dạy mạ học vần.  Không ngờ mạ học nhanh thế, mới một tháng đã ghép vần được.  Qua mùa  hè mạ đã biết viết, dù chữ còn xiên xẹo.

  Ngày khai trường gần đến. Tôi phụ mạ  xay lúa. Mạ hò ử ử, giọng nghèn nghẹn  buồn buồn: “ Có mô mà khổ lắm ri, năm ngoái khổ ít năm ni khổ nhiều”. Tôi biết mạ không khổ vì cơm áo, mạ khổ tâm. Mạ gánh gạo đi bán để sắm áo quần mới và sách vở cho tôi, còn mua thêm cho mạ một cuốn Quốc Văn Toàn Thư lớp tư.  

  Nghe nói năm này Thầy Nghiêm  lên dạy lớp nhất, lớp của tôi. Đám học trò áo quần đồng phục đứng hai bên đường chờ xe “bịp bịp” của thầy. Tiếng xe ở vùng quê loang rất xa, cách vài cây số đã nghe thấy. Thường thầy đi qua xóm tôi rất đúng giờ, chúng tôi cứ chờ rồi chạy theo xe Thầy đến trường   là đúng giờ vào lớp. Nhiều khi còn ngái ngủ, nghe tiếng xe từ xa là tôi choàng tỉnh, ôm cặp chạy ra đường cũng  kịp.  Hôm nay có tiếng xe lạ, không phải tiếng xe quen thuộc lạch tạch của thầy Nghiêm. Một chiếc xe nhà binh chạy qua xóm, trong bụi mù chúng tôi thấy thầy Nghiêm mặc áo trắng ngồi lẩn vào đám lính đưa tay vẫy vẫy. Chúng tôi chạy theo đến trường.  Thầy xuống xe với mấy cái va li, chiếc xe đạp, đưa tay chào toán lính ngồi trên xe.  Sau khi phủi bụi bám trên áo quần, thầy ra hiệu chúng tôi xách đồ đạc của thầy vào lớp.

Cả  lớp vào chỗ yên lặng, thầy chậm rãi:   

    - Xin chào các em. Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm học mới, năm học rất quan trọng. Các em phải cố  gắng để có đủ sức thi vào trường quận. Nhà  các em nghèo, nếu không thi đậu vào trường huyện xem như  ở nhà đi cày vì cha mạ các em không đủ tiền đóng học phí trường tư.  Năm nay thầy ở lại làng với các em vì đường từ đây về nhà thầy mất an ninh.  Thầy sẽ kèm những em học lực yếu, trò nào có điều kiện đến trường vào những thứ bảy chủ nhật, thầy dạy thêm miễn phí.   

Cả lớp vỗ tay. Thầy cười rất thân thiện rồi tiếp:  

      - Thầy ở lại bên trụ sở xã. Còn việc  ăn uống chắc phải nhờ phụ huynh các em. Em nào nhà ít người, có điều kiện giúp thầy nấu cơm tháng…

      Có mấy đứa bạn nhìn về phía tôi. Tay tôi run run đưa lên như phản xạ. Cả lớp vỗ tay. Thầy hướng về phía tôi:   

       - Vậy bây giờ em về nói với mạ trưa và  chiều này cho thầy ăn cơm. Mọi chuyện thầy sẽ  bàn với mạ sau. Em về đi.

Tôi xách cặp chạy ra khỏi lớp, lòng hân hoan lắm. Tôi chạy một mạch về nhà.  Ông Bá và mạ tôi đang ngồi trò chuyện ở bàn giữa. Tôi thở hổn hển nói lớn: “Mạ đi chợ gấp, trưa nay có thầy đến ăn cơm với nhà mình”.  Ông Bá đứng lên chào mạ và tôi. Tôi không thèm chào trả, nói tiếp: “Nhà không có đàn ông, xin đừng ai đến khi không có tui ở nhà”.  Ông cảnh sát đi rồi tôi còn nhìn theo, lòng căm hận.

Mạ  quày quả đi chợ. Tôi không trở lại trường, nằm trên sập khóc lặng lẽ. Mạ về, tôi phụ  thổi cơm, nhặt rau, hai mạ con không nói gì với nhau. Mạ bày lên bàn một mâm cơm tiêm tất, bảo: “Để  thầy ăn riêng, xong mạ con mình ăn sau”. Tôi không trả lời, ra ngõ đứng chờ thầy.

  Thầy dừng xe đạp vào nhà, giọng thân mật: “Chào chị  và cháu Đa. Sao chỉ có một cái chén, phải dùng chung với nhau cho thân mật. Tôi cám ơn chị  đã nhận lời giúp tôi. Tôi sẽ gửi tiền trước cho chị, có trở ngại chi không”. Mạ tôi lí nhí cảm ơn Thầy, “Mời thầy dùng cơm, mạ con tôi ăn sau”. Thầy nhất quyết bảo phải ăn chung mới được.

Mạ  ngồi đối diện thầy, tôi ngồi phía trong cùng ăn cơm.  Thầy hỏi thăm công việc, sinh hoạt hằng ngày. Biết tôi buổi chiều đi chăn bò thầy bảo: “Em coi chừng đừng đi  lên rú, mìn nhiều lắm”.  

Mấy tháng qua thật mau. Tôi hảnh diện với bạn bè  vì trưa nào thầy cũng đèo tôi về trên xe đạp.Thầy và mạ đã thân mật tự nhiên hơn. Có lúc Thầy cho mạ mượn sách để đọc, giải thích cho mạ những từ mạ chưa hiểu. Thầy khen mạ ngày đọc sách càng nhanh, không còn đánh vần nữa. Buổi tối tôi học bài, mạ ngồi đối diện đọc sách. Tối đó mạ lật sách của thầy vừa cho mượn hồi trưa ra đọc. Có lá thư rơi xuống bàn, mạ cầm vội lên, tay run run nhét bì thư lại trong tập sách. Tôi linh cảm có điều gì đó thật xúc động từ mắt mạ. Rồi mạ cúi xuống, hai tay bịt mặt , tóc  phủ lên tập sách, vai run lên như đang khóc. Mạ ngồi như vậy thật lâu,  thở dài bảo: “Con đi ngủ đi, khuya rồi”.

  Tôi vào giường, nằm nghiêng giả đò ngủ. Qua bức màn hé tôi quan sát mạ đang gỡ bức thư  ra, môi mấp máy đọc, có khi nhíu mày lại. Thư  của ông Bá hay thầy Nghiêm mà mắt mạ rạng rỡ thế, lại cười mím môi, gấp thư lại ôm vào ngực.  

Mạ nhẹ nhàng vào giường nằm bên tôi. Cả  đêm tôi không ngủ được, mạ thì cứ  trở mình, thở dài. Mạ hôn lên trán tôi, nước mắt tôi ứa ra, hoang mang không biết mình khóc vì  thương hay giận mạ.

  Cuối tháng chạp. Thầy Nghiêm quá giang xe nhà binh về nhà ăn tết. Thầy gửi lại chiếc xe đạp, tôi được dịp xách xe ra đường xóm tập đi. Té lên té xuống mấy lần rồi cũng đi được. Tôi đạp xe lòng vòng đường xóm oai lắm, mấy đứa bạn nhìn thòm thèm. Tụi nó đẩy xe chạy, tôi ngồi trên yên, hai chân để lên sườn xe, miệng làm còi tin tin, không phải đạp.

  Những bữa cơm không có thầy nhạt nhẽo làm sao. Mạ  hỏi ngày nào học lại, tôi thưa mồng bảy tết.

  Đêm giao thừa có vài nhà trong làng đốt pháo, tiếp theo là tiếng trung liên từng tràng của dân vệ trong trụ sở xã, những vệt đạn lửa vẽ lên trời thật vui mắt. Xa xa phía làng ngoại cũng có tiếng súng tiểu liên ,  mạ bảo đó là tiếng súng của du kích, họ cũng mừng xuân. Tôi lại nghĩ đến cậu Khản, không chừng chính cậu ấy bắn cũng nên.

Người đầu tiên đến xông đất nhà tôi lại là  ông Bá. Ngày tết người ta phải bỏ qua hận thù  để cả năm vui vẽ, tôi cũng thế. Tôi lễ phép chào khách, rót nước và lấy mứt ra mời. Ông Bá  xoa đầu tôi khen ngoan rồi lì xì cho tôi một phong bì. Tôi đang phân vân thì mạ bảo: “Đầu năm được lì xì sớm là hên cả năm, con nhận đi ”. Tôi nhận rồi cúi đầu cám ơn.

Tôi lui vườn sau, mở phong bì ra xem. Tay tôi run lên, không ngờ ông Bá lì xì tới hai trăm đồng, số tiền tương đương mấy thùng lúa, bằngcả  mấy tháng tôi đi chăn bò. Tờ giấy bạc có hình Nguyễn Huệ này tôi chỉ thấy một đôi lần. Tôi ngồi xuống bên gốc chuối suy nghĩ lung lắm. Ông này mua chuộc mình chăng. Đem trả lại thì tiếc, nhận thì… Tôi nghĩ đến ngày mất mạ, khóc tấm tức,  nhìn lên mấy tổ chim dòng dọc trên cao, chúng nó bay đâu hết chỉ còn những chiếc tổ đòng đưa buồn bạn. Mai rồi ngôi nhà tranh ấm cúng của mạ con tôi cũng hoang vắng buồn như những tổ chim kia, khi mạ tôi theo ông Bá, khi tôi đi ở đợ chăn bò hay lên phố quận “đứng đường”. Tôi khóc òa lên, cầm phong bì chạy vào nhà. Tôi để phong bì lên bàn trước sự ngạc nhiên của mạ và ông Bá rồi chạy nhanh ra ngõ. Tôi cứ chạy về phía làng ngoại tôi, nơi có cậu Khản và bà ngoại, nơi lũy tre mù mù cuối cánh đồng.

   Bà ngoại ở một mình trong khu vườn bên bờ sông nhỏ.  Nhà vắng hoe, trên bàn thờ cây nhang còn cháy, tàn rụng xuống đầy cả mấy bát nhang. Chắc ngoại thắp nhang cả đêm giao thừa.  Ảnh thờ và bát nhang ông ngoại ở giữa, mặc áo cháo chè bịt khăn đóng, nghe nói ông ngoại là thất phẩm triều đình.  Bên phải ảnh là cậu cả mặc bà ba đen, nghe mạ kể cậu đi Vệ Quốc Đoàn,  mất trước khi đình chiến. Bên trái là ảnh của cậu Ba mặc đồ nhà binh có mang lon chuẩn úy,  mới mất năm ngoái ở đâu trong Nam. Hằng tháng ngoại vẫn lên quận nhận lương tử tuất của cậu Ba, về ghé nhà tôi thường mua nhiều quà bánh cho cháu cưng.  Ngoại chưa có đứa cháu nội nào nên thương quý tôi lắm. Mỗi hè về nhà ngoại tha hồ leo cây hái khế hái ổi. Mấy năm nay làng ngoại hay xảy ra chiến sự giữa quân đội hai bên. Nhà ngoại cháy mấy lần mà ngoại không chết, bà con dựng lại cho ngoại một túp lều đủ để đặt bàn thờ và chiếc giường tre. Mạ không cho tôi về bên ngoại vì sợ bom đạn, khi nào nhớ con cháu ngoại chống gậy sang thăm.

  Tôi kêu lớn ngoại ơi. Có tiếng ngoại vọng lại từ nhà hàng xóm:

“Đứa mô đó, thằng Đa phải không”. Tôi đón ngoại đầu ngõ. Ngoại xoa đầu bảo: “ Cha mạ mi, tết nhứt về thăm ngoại là phải.  Tau định mai qua thăm mạ con mi”.Tôi quàng lưng ngoại đi vào nhà, không nói được lời nào, khóc tức tưởi. Tôi kể trong tiếng nấc về chuyện của mạ. Rằng mạ mê ông Bá, rằng mạ… Tôi còn bịa ra thêm những chuyện không có để kể khổ với ngoại.

Tôi theo ngoại ngược đường bạn trở về nhà. Ông Bá về lúc nào không hay, mạ vẫn ngồi chỗ  cũ bất động, đầu gục xuống bàn. Tôi níu tay ngoại lo sợ một điều mơ hồ quá tầm suy nghĩ của mình. Mạ ngước lên, mắt dàn dụa nước.  Ngoại đến bên quàng vai mạ hỏi “chuyện chi rứa con”. Mạ khóc òa lên, ôm ngoại nức nỡ: “Con khổ lắm mạ ơi, có ai hiểu cho con. Mạ quá con côi, bên này hờn bên tê dỗi. Thằng Khản không hiểu con, thằng Đa cũng rứa, hu hu”. Rồi quay qua tôi mạ tiếp: “Chừ con muốn chi mạ chiều, nhưng phải rõ ràng. Mạ không muốn con vô phép với người ta, nhất là ông ủy viên cảnh sát  ở đây. Con còn nhỏ, mai mốt lớn lên con sẽ hiểu, sợ lúc đó không còn mạ nữa để con xin lỗi”. Tôi đứng trân nhìn mạ,  không hiểu hết câu mạ nói nhưng vẫn tin mạ thành thật với tôi. Tôi nói lớn: “Con xin lỗi mạ. Nhưng nếu mạ thương ông Bá thì con bỏ nhà đi theo cậu Khản, con sẽ giết ông Bá”.

Ngoại hết nhìn mạ lại quay nhìn tôi. Đôi mắt thất thần của ngoại trắng dã, liếc qua liếc lại, nửa như muốn phân xử, nửa như tuyệt vọng. sau này tôi chưa bao giờ thấy một đôi mắt như thế, để hỏi rằng, đôi mắt đó nói chi, hay chỉ  trong hoàn cảnh thời đó mới có những đôi mắt lạ lùng như thế. Đó là đôi mắt cõi âm, lại muốn sống với cõi dương, hòa giải cho con cho cháu, không cần ai thắng ai thua. Cậu  Ba, cậu Cả , cậu Khản…đứa nào cũng con ngoại.

   Những ngày tết qua đi buồn bã. Mạ và tôi  ít nói chuyện với nhau. Tôi cứ mong ngóng Thầy Nghiêm, chỉ có Thầy là tất cả.

   Bữa cơm đầu xuân với Thầy Nghiêm có gà  bóp rau răm, giò heo nấu măng và bánh tét chiên. Mạ có vẻ không khỏe, hơi buồn. Mạ cười gượng gạo, không hồn nhiên như “năm ngoái”. Thầy hỏi tết có chi vui không, mạ bảo buồn. Thầy  hỏi mạ có biết đánh bài tới không, mạ bảo biết mà không ai đánh.  Thầy nói với tôi , “em đi chăn bò đi, chút nữa Thầy về”.

  Tôi lùa bò ra đồng. Đồng lúa thì con gái dưới nắng chiều xuân rộn ràng như lòng tôi: Mạ và  Thầy đang nói chuyện đầu xuân. Tôi tưởng tượng ra nhiều câu nói hay của loài người,  mĩm cười với bầy bò. Bầy bò cũng tỏ ra ngoan với tôi, gặm cỏ.

  Nhá nhem tối, tôi cố tình về muộn để thầy với mạ nói chuyện. Hai người vui là tôi vui.

Người chào tôi đầu ngõ không phải là thầy Nghiêm mà là ông Bá. Tôi lầm bầm đi vào nhà. Tôi tỏ ra  không thèm ăn uống gì, giả đò đau bụng. Tôi trùm mền nghĩ đến điều bất trắc, cho tôi, cho cả mạ. Không khí làng xóm hôm nay nặng nề từ lúc tôi lùa bò về, như báo trước với tôi những điều đau xót.

  Xóm làng chìm trong tối tăm, xa xa vọng về từ trường sơn những tiếng bom rùng rùng như sấm đất. Những tháng gần đây thỉnh thoảng  có những trận công đồn vào quận lỵ hay những trụ sở xã. Làng tôi có mấy người chết trận đem xác về. Những tiếng phèn la, tiếng sanh hòa với tiếng khóc  buồn thê thiết. Chúng tôi thường im lặng đi theo đám âm công lầm lụi gánh quan tài ra nghĩa địa, để đến lúc hạ huyệt ném vào đó nắm đất thay lời tiễn biệt.

  Mạ nằm xuống bên tôi hỏi, “Con ăn cháo không mạ  nấu cho”. Tôi nằm im như chết. Tôi sẽ chết như cha tôi, như các cậu tôi. Chết như là một dấu chấm hết trong một bài luận văn thầy Nghiêm dạy.

Có  tiếng gõ cửa nhẹ. Mạ nhanh nhưng nhẹ nhàng. Trong bóng đêm tôi nghe ngóng cách xử sự của mạ. Tôi nằm im, chờ.  Mạ đi cửa trước ra sân. Tôi nhớ đến mảnh bom được dấu nơi vách lá,  chỉ cần  mò vào là có ngay. Tôi nhẹ như mèo, tôi khôn lanh như thằng chăn bò. Mảnh bom trong tay tôi lạnh ngắt. Phen này mày phải chết nghe chưa, lão Bá.

  Tôi lẻn ra bằng lối cửa sau, bò vòng ra phía trước, tay cầm chặt mảnh bom. Trời tối đen, tôi định thần nhìn kỷ những thân chuối như hình người dang tay lúc lắc, lờ mờ. Có hai người ôm nhau? Tôi căng mắt lên, không, đó chỉ là hai thân chuối. Kiến cắn đau điếng, tôi nghiến răng bất lực nhìn sâu vào bóng đêm. Không nghe tiếng người, chỉ tiếng lào xào của gió thổi qua vườn. Mạ tôi theo ai đi đâu, hay trốn cùng ông Bá nơi bí ẩn nào trong vườn, ngoài xóm.  Hai người đang làm gì với nhau.  Tôi muốn kêu lên, la lên thật lớn bớ bà con, hay là khóc to lên cho mạ tôi nghe mà quay về với tôi. Vậy mà tôi vẫn nín thinh. Hình như ai đó mách bảo tôi, như đôi mắt mờ đục của ngoại, như lời năn nỉ của mạ khiến tôi bò trở lại, vào nhà. Tôi tự an ủi, biết đâu mạ hẹn với thầy Nghiêm cũng nên, hay là cậu Khản về giao cho mạ việc gì đó bí mật.   Tôi leo lên giường, tay thả lõng mảnh bom, nhìn lên trần nhà âm u đen thẳm. Tôi ấm ức khóc. Tôi đánh đố với chính tiếng nấc của mình, mong manh giữa hy vọng và tuyệt vọng, rồi ngủ thiếp đi.   Mạ kéo giật tay tôi cùng lúc những tiếng nổ  lớn từ hướng trụ sở xã. Ánh chớp hắt vào nhà cùng những tiếng ầm ào liên hồi lẫn trong từng tràng súng máy. Mạ kéo tôi chui xuống hầm. Hai mạ con ôm chặt nhau run rẫy. Mạ nói thì thào vào tai tôi, “Đúng là họ tấn công trụ sở xã rồi con ơi”. Tôi lo lắng “không biết thầy Nghiêm có sao không”. Mạ lại bảo: “Cả cậu Khản và ông Bá đều là người thân của mạ con mình, lạy ơn trên cho tai qua nạn khỏi”. Tôi nhắm mắt lại tưởng tượng đôi mắt đen to như con gái của cậu Khản, nụ cười dễ mến của ông Bá đang nhìn tôi cười trìu mến. Lúc này tôi chỉ mong tiếng súng dừng lại như trò chơi đánh trận giã, đừng có ai thương vong và mau kết thúc.

Tiếng súng im đi một lúc. Có tiếng người rù rì  cùng tiếng lách cách của vũ khí chạm vào nhau đi dọc đường xóm về phía cánh đồng. Mạ  bảo “họ rút đi rồi đó”.

Bỗng những tiếng hú rùng rợn của pháo từ quận lỵ bắn về, qua cửa hầm,  ánh chớp và những tiếng nổ đính tai dập mạ vào tôi, dập tôi vào mạ.  Mạ ôm chặt tôi, đè tôi xuống bảo “Nằm yên, nhà mình cháy rồi”. Tôi nghe tiếng heo kêu ré lên như bị chọc tiết. Lẫn trong mùi khét có mùi gì thơm như cốm rang, chắc sập lúa của tôi cũng đang cháy.

Trời sáng hẳn, qua cửa hầm những đám khói xanh bay chậm, tiếng lách tách từ nhà tôi đang cháy. Tiếng bác Kha kêu lên: “ Mạ con Đa lên đi, yên rồi”. Mạ cùng tôi bò lên hầm, không gian như sáng ra hơn vì nhà tôi chỉ còn là đống tro nghi ngút khói. Bác Kha kể:

“Nghe nói cả hai bên chết nhiều lắm, hai người bác biết rõ là Thầy Nghiêm và ông Bá đều chết. Có một xác không toàn thây, bà con bảo có thể là xác cậu Khản”.

Mạ  tôi quỳ xuống, mắt trợn trừng trắng dã, hai tay quờ quào đàng trước như đang với bắt gì đó.   

  Bốn mươi mấy năm qua bà con gia nương ai cũng xem mạ  tôi là phụ nữ gương mẫu,  thủ tiết thờ chồng nuôi con. Riêng tôi mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ là ân hận lắm. Mấy năm lại đây  mạ đau yếu luôn nằm bệnh viện.  Một lần lục tủ mạ tìm hồ sơ bệnh án tôi bắt gặp hai tấm hình đã nhòe ố của Thầy Nghiêm và ông Bá. Tôi lặng lẽ đem đi phục hồi rồi lồng kính để vào bên  dưới di ảnh của cha tôi. Ra viện về nhà thấy hai bức ảnh tươi rói đang cười, mạ khóc òa sụp xuống lạy. Mạ quỳ như ngày xưa, hai tay cũng chới với  bơi về phía trước.

Ngày mạ tôi sắp vĩnh biệt cõi đời, hai tay bà  cũng quơ quàng như thế. Dì tôi bảo trước khi lìa đời con người thường có động tác   “bắt bóng”, bàn tay yếu ớt hươ qua lại như  vẫy tìm ai đó. Tôi ước mong rằng mạ sẽ gặp  cả ba người ở thế giới bên kia.

(1) Thời trước năm 1968 ở miền Nam, lớp học được gọi từ lớp 1 đến lớp 5 là: Năm, tư, ba, nhì, nhất.





VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com