Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




KHÚC ĐOẠN SẼ QUA ĐI  





    Đ ọc xong những dòng chữ ở tờ giấy vở học trò nằm giữa ngó tay cái đè lên ngón trỏ của bàn tay trái. Vĩnh tạm yên tâm. Vậy là ông Thụ đã trả lời và Vĩnh sẽ đi đến đó. Vĩnh sẽ đi đến một nơi khác để xa lánh những cơn nhức buốt đang xoáy giật trong đầu anh. Vĩnh biết vào thời kỳ này, anh đã xám ngắt ở ngoại diện, và cái xó góc mà anh chịu đựng giam mình sẽ không có lối vượt thoát ra. Đã tìm mãi không thấy lối thoát, nhưng bây giờ trước thư hồi đáp của ông Thụ, Vĩnh sẽ đi đến đó. Và sáng nay, thức dậy thật sớm, thu xếp các thứ cần thiết bỏ vào trong cái túi vải màu ô liu. Vĩnh ra đường lớn giữa khoảng thời gian sương mù còn đang tan. Theo chỉ dẫn trong thư của ông Thụ, Vĩnh đi bộ tới cái bến xe nằm ở bên kia một cây cầu, thành cầu mờ mờ trắng, chưa thấy có người qua lại.
    Tới trước bến xe, bến xe gần như còn im lìm. Vắng im, nhưng ở phía trong một góc bến, Vĩnh thấy có một chỗ sáng đèn, Vĩnh đi tới đó. Khoảng cách rút ngắn dần, tới chỗ đèn sáng, Vĩnh ngồi xuống trước một cái bàn gỗ tạp. Chung quanh cái bàn này, những cái bàn khác cũng có những cái đèn dầu bóng hột vịt, bấc lửa đang chập chờn trước gió. Người bán quán bước tới hỏi khách, Vĩnh gọi cà phê đen và lấy ở túi áo ra một gói thuốc đen. Đen đặc cả rồi, Vĩnh thầm nghĩ và cười một mình.
    Từ chỗ Vĩnh đang ngồi nhìn về hướng Vĩnh vừa từ trong đó tới đây, Vĩnh bắt đầu nghe thấy tiếng động của thành phố đang thức dậy. Chợt Vĩnh nhớ lại đêm qua, nhớ đến cuộc rượu chia tay với Vũ. Bất chợt thôi, lúc đó đã khuya, Vũ đã say, anh ta còn đến đập cửa ầm ầm rủ Vĩnh đi tìm quán rượu. Với Vũ, bán chiếc guitar từng gìn giữ, Vũ đã dùng bàn tay chuyên đánh đàn chuyển sang chơi bạc bịp. Phải bịp cỡ bài-ba-lá mới sống được, hiền như mày là chết đói, chết đói, Vũ đã nhiều lần nói với Vĩnh như vậy. Thì cũng đành. Nhưng ta không thể khác, Vĩnh thầm nghĩ và đau buốt thấy mình là một nạn nhân, chỉ vì tên cơ sở trưởng Đình tham ô mà cơ sở phải đình đốn, Vĩnh thất nghiệp.
   Hai người tìm đến một cái quán không quen gần nhà Vĩnh. Ngồi với nhau, càng về khuya, Vĩnh thấy mình và anh ta như hai con rối bị sự khốn đốn giật dây. Thật quá tầm thường khi không vượt lên trên sự tầm thường. Ngày mai mày đi, ừ, ngày mai mày đi thật, Vũ khề khà nói tiếp, như mày thì chỉ còn lên núi non mà sống với mây mù.
    Vì Vũ đã quá chén, lúc đó Vĩnh tỉnh hơn, anh không nói gì, anh cứ im lặng nhìn hơn là nói. Nói hay không cũng chỉ là làm nhàm, có thay đổi được gì đâu. Những câu nói trong cơn say chỉ hiện đến trong thoáng chốc. Cuộc rượu tay đôi tàn vào lúc đã quá một giờ khuya. Dù sao Vũ cũng là ngưiời dám đương đầu với sự trái nghịch, Vũ vẫn dám sống ngược lại với cả chính mình. Nhưng thôi, mỗi người có một số phận. Bây giờ Vũ ở lại trong thành phố và Vĩnh đang chờ xe để ra đi.
    Quán cà phê đông dần, qua những câu nói của mấy cô gái ở bàn bên cạnh, Vĩnh biết họ là những cô gái giang hồ, còn đang đỏ mắt vì thức đêm. Phấn dầy loang lỗ ở mặt họ và những cái ngáp dài làm méo sệch đi những cập môi son đỏ. Vĩnh uống cạn ly cà phê khi trời vừa rựng sáng. Sau câu trả lời của người bán quán, Vĩnh trả tiền và đi về phía có những tiếng động cơ vừa nổ máy. Thôi, vừa bước tới chỗ chiếc xe có bảng hiệu tuyến đường Vĩnh đi, anh vừa thầm nghĩ, tất cả rồi cũng sẽ qua đi và ta muốn ở giữa rừng núi trong lúc tạm thời gặp khó khăn, thì ta cứ một mình đi tới chỗ đó, để giữ lấy nhân cách của mình.

    Thức dậy giữa hồi chuông đổ dồn từ ngôi nhà thờ kế bên nhà ông Thụ, vì nghe bên ngoài mùng còn nhiều tiếng muỗi vo ve, thức dậy mà Vĩnh vẫn nằm ở trên giường. Trong không khí buổi sáng sớm sương mù chưa tan, Vĩnh ngửi mùi lá mục ở ngoài vườn ngai ngái phả vào.
    Chợt có tiếng quẹt vào diêm. Ở giữa nhà, ông Thụ đang châm đèn. Ông Thụ hơn Vĩnh chưa tới một thập niên về tuổi tác, và dù là em họ của mẹ Vĩnh, ông vẫn gọi Vĩnh là anh. Anh và tôi. Cách xưng hô với Vĩnh như một người bạn hơn là một người ở vai cháu họ. trưa hôm qua; vừa gập nhau, ông vội bảo vợ để bà giết gà đãi Vĩnh. Suốt buổi ăn ấy bên ly rượu, ông kể về sinh hoạt trong rẫy của ông. Vất vả, cực nhọc lắm, rồi anh sẽ thấy, ông nói với Vĩnh. Vĩnh cho ông biết là anh sẽ cố gắng để có thể vượt qua tất cả. Lúc đó ông Thụ chỉ tay ra cái xe bò ở trước sân, bên cạnh là hai con bò đang nhai cỏ, hai con bò kia rất khoẻ, chúng khỏe lắm, ông nói, vậy mà có lúc chúng cũng phải khuỵu xuống. Và theo lời ông, cái rẫy của ông ở cách đây tới hai mươi mốt cây số, từ đây vào đó không có đường cho xe hơi, chỉ có lối mòn mấp mô cho xe bò và xe đạp thồ. Ở trong đó, ông Thụ cho biết tiếp, trước kia là một chiến khu có rất nhiều thú dữ. Rắn, rết, cọp, beo, thậm chí có cả sư tử. Ở đó như thế mà sau ngày giải phóng, ông chợt cười, vì cần miếng ăn, dân cư ở đây đã vượt qua sông, qua suối, đồi cao, cố tìm cho mình một mảnh đất để sống. Dù vất vả, cực nhọc, cả hiểm nguy nữa, nhưng còn có cái mà bỏ vào miệng, ông gật gù với vẻ thấm thía. " Mai anh đi với tôi, ông nói tiếp, tôi sẽ kể cho anh về mỗi đoạn đường, thời mới khai phá...". Nghe ông nói, nhìn gương mặt đen xạm của ông, rõ ràng ông đã chịu đựng nắng gió, vất vả rất cam go.
    Và lúc này, thắp đèn xong ông Thụ đang dùng đóm châm lửa hút thuốc. Âm thanh kéo thuốc lào của ông nhỏ đều, sòng sọc vang trong căn nhà sáng sớm. Thấy Vĩnh ra khỏi mùng, bước xuống đất, ông Thụ bảo Vĩnh :
    - Anh xuống nhà dưới rửa mặt đi. Có chậu nước sạch tôi để cho anh đó.
    - Vâng, lạnh quá. Vĩnh trả lời và đi xuống nhà dưới...
    Trở lên, ông Thụ bảo anh cùng ông đi uống cà phê. Buổi sáng nào khi ở rẫy về đây ông Thụ cũng ra quán cà phê bà Tổng, quán nằm ở phía bên ngoài nhà ông, sát với quốc lộ. Hôm nay cũng thế, nhưng quán bà Tổng có một người khách lạ đi theo một người khách quen : Vĩnh bước vào quán cùng ông Thụ. Trong quán đã có nhiều người ngồi đối diện nhau trên hai cái ghế dọc theo cái bàn chiều dài chừng ba thước. Từ cửa vào trong, choán hết cả quán, chỉ có cái bàn duy nhất này.
   Từ lúc bước vào, Vĩnh chỉ im lặng. Im lặng và lắng nghe những câu chuyện khác hẳn với sinh hoạt ở thành phố. Những câu chuyện toàn nói về đậu xanh, về bắp, lúa, thuốc trừ sâu, thời tiết, và tai nạn.
    Không hơn mười lăm phút, rời quán, ông Thụ cho Vĩnh biết hai người phải trở về nhà ăn sáng để đi vào rẫy. Vì có Vĩnh, thức ăn sáng ngoài đĩa tép rim với khế, còn có một đĩa trứng chiên. Ông Thụ bảo Vĩnh phải ăn thật no, vì quá trưa từ đây mới tới được rẫy. Ở đây cũng vậy, mà vào trong đó cũng thế, ông nói tiếp, ngày nào cũng ba bữa ăn. Cơm sáng không phải là điểm tâm, mà cũng là một bữa. Xong bữa, vào việc, ông Thụ bỏ chân ra khỏi dép, xếp vào cái túi nhà binh cũ của ông. Vừa cột bò vào xe ông vừa hỏi đứa con gái lớn nhất đã xếp đủ các thứ cần thiết để mang theo chưa. Con Lan cho biết nó đã soạn xong từ trước khi nấu cơm. Xem xét xong mọi sự, ông gọi thằng Quân và cho nó biết : Hôm nay nó sẽ đánh xe. Tao và anh Vĩnh đi bộ, ông nói với thằng Quân, con Lan đi với mày. Thằng Quân gật đầu, và rất nhanh, nó lấy cái roi đánh bò và nhẩy phốc lên xe. Khi chiếc xe đã khuất ngoài hàng rào dâm bụt, ông Thụ lấy cái túi vải nhà binh đeo vào vai trái của ông. Tay mặt ông cầm cán rựa đạt lên vai phải. Vĩnh theo chân ông ra ngõ, hai người đi giữa hai hàng cây dâm bụt, lá xanh và hoa đỏ còn ướt nước mưa. Từ dầu ngõ băng qua mặt quốc lộ, hai người bước trên một lối ngõ khác dẫn vào bên trong. Cái ngõ rất nhỏ lại dẫn vào một khu nghĩa địa rộng rãi. San sát bên nhau ở nghĩa địa này là những ngôi mộ xây, bên trên có những cây thánh giá, nhiều cây đã xám đi vì thời gian. Theo thói quen, ông Thụ có những bước chân rất nhanh, và Vĩnh rối cẳng ở bên cạnh ông.
    Qua hết khu nghĩa địa, lối mòn bắt đầu dẫn xuống dốc. Vậy là nghĩa địa nằm trên đỉnh một ngọn đồi thấp. Rải rác ở phía trước và phía sau có nhiều người như những cái bóng cũng đang đổ dốc. Tới cuối chân đồi, hai người gặp một cái cầu gỗ bắc ngang một con suối. Ông Thụ cho Vĩnh biết, dòng suối chảy như thế mà khi nước lũ, đã có người té xuống bị cuốn đi. Đó là lúc cây cầu này chưa có, một người đàn bà lội ngang đã bị cuốn đi với một đứa con mới chỉ ba tháng. Người chồng nhoài theo để cứu cũng bị cuốn đi, may nhờ có hai thanh niên lực lưỡng cứu kịp. Vĩnh quay lại nhìn cây cầu, kịp tránh lối cho một thanh niên đẩy chiếc xe thồ vượt lên. Vẻ mặt người thanh niên dường như thiếu ngủ, hốc hác. Ông Thụ cho Vĩnh biết, đã có vài thanh niên ở đây, khi thồ hơn một tạ luá hoặc đậu xanh xuống dốc, không kìm nổi, bị càng xe đánh ngã xuống và chịu chết dưới càng xe. Vì đêm qua mưa lớn, lối đi lúc này do nước ở con suối tràn sang ngập gần đến đầu gối. Đến đây thì Vĩnh có dáng đi mò mẫm. Và không thể mang đôi dép được nữa, Vĩnh cúi xuống lấy dép cầm lên tay. Nhưng lấy dép ra, đi chân không nhiều lúc Vĩnh thót giật người lên vì đá sắc mà gan bàn chân Vĩnh lại quá mỏng. Có lúc Vĩnh đứng lại, nhắc chân lên để xem có bị toạc ra, chảy máu hay không. Có, máu đã chảy, ở đoạn đường thứ nhất, tan hoà vào nước đục. Cũng may, khoảng nước ngập không quá kéo dài. Lối đi lúc này đến đoạn bằng phẳng trở lại, Vĩnh bỏ dép xuống, xỏ chân vào dép. Nhưng chẳng bao lâu, đoạn tiếp tới quá nhiều bùn. Bùn lầy làm Vĩnh không thể bước nhanh. Vĩnh lại cúi xuống lấy dép và bất chợt, trong một cơn hoa mắt, Vĩnh ngã dúi mặt xuống bùn. Ông Thụ vội vàng quay trở lại, kéo Vĩnh dậy.
    - Mình đi chưa được hai cây số, còn 19 cây số nữa, anh thấy như phải vác thập tự chưa ?, ông Thụ vừa nói vừa cười.
    Mấy cô gái từ phía sau vượt lên, họ trùm khăn kín mặt, chỉ hở có đôi mắt, cười khúc khích trước cảnh Vĩnh với gương mặt dính đầy bùn.
    Ông Thụ cũng cười, bảo Vĩnh :
    - Đáng lẽ tôi nên để anh ngồi xe bò với tụi nó .
    - Không sao, để cháu biết mùi vị ở đây mà .
    Mùi vị ở đây còn nhiều lắm, vừa đi tiếp, lại ngã. Vừa đi, cố giữ mà vẫn còn ngã. Vĩnh đã ướt đẫm bùn nước. Vác thập tự cũng chỉ trầy trật thế này thôi, ông Thụ lại cười. Trời lại chuyển mưa kia rồi, ông ngẩng nhìn lên những đám mây xám vần vũ nối tiếp. Vĩnh cũng ngẩng lên nhìn bầu trời. Bầu trời buổi sáng mà mây xám đang tràn khắp.
    - Anh có áo mưa không ? Ông Thụ hỏi Vĩnh.
    - Dạ có.
    - Nếu mưa lớn mình sẽ tìm chỗ trú. Còn ở đây, mưa nắng gì người ta vẫn cứ đi. Ở đây luôn phải ở dưới mưa và dưới nắng.
    - Vậy thì cứ đi, cậu ạ. Không sao đâu.
    Vĩnh nói " không sao đâu ", và cũng may, lối đi ở đoạn trước mặt, dưới chân chỉ có những viên sỏi nhỏ. Hết đoạn này, hai người dừng lại trước một con dốc ngược, tầm mắt hút trên những thân cây giữa sườn đối cao vút. Vượt lên được chừng một trăm thước, càng cố trèo, độ dốc có lúc làm Vĩnh tuột xuống. Mồ hôi tươm ra trên trán Vĩnh, chảy xuống mặt. Ở bên trên, ông Thụ nhìn lui, ông dừng lại và rẽ ngang, vào ngồi trên một phiến đá. Ông nói lớn xuống :
    - Anh cố lên đây, mình nghỉ một lát, anh Vĩnh ạ.
    Vĩnh cố leo lên. Và anh lên tới được. Ngồi bên ông Thụ ở một độ cao có thể nhìn thấy khắp vùng dưới thấp, Vĩnh thấy những thửa ruộng có những sắc độ màu xanh đậm nhạt khác nhau. Ông Thụ cho biết vì các chủ ruộng trồng cây không cùng thời gian nên các thửa ruộng như thế. Hút thuốc bằng điếu cày, uống nước từ cái bi-đông xong, Vĩnh cố gắng cùng ông Thụ tiếp tục vượt dốc. Tới đỉnh đồi, cảm giác nghe như chiến thắng, Vĩnh bám gót ông Thụ xuống dốc. Xuống cũng phải cố gắng, phải kìm hãm để đừng bị trượt chân. Dù sao, xuống vẫn dễ hơn và mau hơn là lên. Xuống tới chân đồi, có một mặt sông chận ngang con đường đi tới. Mặt sông không quá rộng, nhưng theo ông Thụ, ở sông Mây này, khi nước chảy xiết rất nguy hiểm. Cũng đã có nhiều người bỏ mạng khi qua đây. Hôm nay, mặt sông phẳng lặng, có nhiều thanh niên đang bơi qua, họ vẫn mặc cả quần áo.
    Ông Thụ nói với Vĩnh :
    - Mình không như họ được đâu. Tôi và anh phải qua bằng đò.
    Đến lúc này Vĩnh mới chú ý đến cái đò nhỏ ở trước mặt. Có khách gọi, ông lái đò đẩy sào cho đò lướt vào bờ. Ông Thụ bước lên trước, cái đò nhỏ chòng chành, thêm Vĩnh, càng chòng chành hơn.
    Qua hết mặt sông, ông Thụ trả tiền, lấy một dúm thuốc lào trong cái hộp tròn trước đựng thuốc ho, biếu cho ông lão lái đò. Mưa lại đổ. Những hạt mưa dày làm mờ đi cảnh vật trước mặt. Đường trơn lầy, Vĩnh lại té. Lồm cồm bò dậy, những ngón chân cong xuống để cắm vào bùn đất mà vẫn chực ngã. Chợt ông Thụ níu Vĩnh dừng lại, trước mặt có một con rắn đang trườn ngang. Nó không trườn thẳng mà ngoằn ngoèo, có lúc lại cất cái đầu hình tam giác lên.
    - Rắn hổ đó, nó rất nguy hiểm, ông Thụ nói.
    Rắn, rết, bọ cạp ở đây bây giờ vẫn còn rất nhiều. Còn rất nhiều giữa những bãi đậu xanh và bắp bạt ngàn dưới bầu trời xám đục. Đó, trước đây chỉ là những rừng lồ ô, là cây cối đủ loại, rồi sức khai phát quqyết sinh của những người chỉ còn biết trông cậy vào đất để có miếng ăn đã tưới rất nhiều mồ hôi của mình lên đó.

    Ông Thụ giơ mặt đồng hồ đeo ở cổ tay bên phải lên xem và nói với giọng vui vẻ :
    - 13 giờ 30 rồi.
    Vĩnh thở ra khi ông Thụ chỉ tay tới phía trước, nơi có một cái lều tranh ở giữa những cây đu đủ cao nghệu và những cây gì nữa chưa trông rõ.
    - Đó là cái lều của tôi, ông Thụ nói.
    Vĩnh thấy cái lều thật đơn lẻ giữa chung quanh, dưới bầu trời không mây, cao lộng.
    Chiếc xe bò đã thấy nằm trước sân lều, cái sân này đầy hoa tím rải rác.
    Dù đã mệt, Vĩnh nghe như hồi phúc khi nhìn xuống cái hồ ở phía sau lều. Mặt hồ sáng lóa dưới nắng, nhìn sang bên kia là một khu đồi dầy cây lá xanh. Ông Thụ cho biết đó là cái hồ nuôi cá trắm cỏ của ông. Không đủ tiền để thuê đào vét nên hồ còn nhỏ, ông nói tiếp, nhưng cá ở dưới hồ hiện nay đã khá lớn. Vĩnh lấy thuốc đốt hút, anh cảm thấy ở đây thoáng đãng, anh được thu giãn khi nhìn mặt hồ giáp ranh với ngọn đồi dẫn lên cao. Màu xanh làm anh dịu lại. Bên kia ngọn đồi, qua một con suối thường xuyên nước ngập tới lưng là phần bưng của ông Thụ. Bây giờ được như thế này, nhưng trước đây, mồ hôi, những cơn sốt, những ngày ròng rã chịu đựng vất vả đã phải nối tiếp chịu đựng.
    Vào trong lều, Vĩnh ngạc nhiên rồi thích thú khi thấy những khúc cây cổ thụ bị cưa ngang dùng làm bàn và ghế vây quanh. Thức ăn đã được hai chị em Lan dọn sẵn. Canh đậu xanh nấu chỉ bỏ muối, ăn với cà pháo, vậy mà bữa ăn ở đây lại vơi đi một nồi cơm số 6.
    Sau bữa ăn, ông Thụ lấy từ trên cái giường treo ra một cái lưới, ông nói với Vĩnh :
    - Chiều nay anh đi lưới cá với tôi. Ở đây có những hố bom còn đầy cá trắng.
    Quả như lời ông Thụ nói, giữa buổi xế chiếu, mỗi lần ông kéo lưới lên, Vĩnh ngạc nhiên khi thấy cá trắng cả lưới. Và anh càng ngạc nhiên khi một mẻ có hai con ếch lớn bằng cỡ bàn chân ông Thụ, thân phủ đầy rêu xanh, mắc lưới, chúng ngọ nguậy ở giữa những con cá trắng đang cố thở.
Đúng như ông Thụ nói, ở đây cũng có niềm vui của nó. Niềm vui ấy, bắt được hai sô cá về, ông bảo thằng Quân đi mời mấy người bạn quanh vùng đến để uống rượu. Thằng Quân đi, ông Thụ tự tay làm cá, làm ếch. Lan nhóm bếp, chiên ếch, chiên cá. Những người đến được giới thiệu là Phẩm, là Long. Bữa rượu uống dưới mây chiều kỳ tuyệt giữa rừng đồi vây quanh, dưới những cánh chim đang bay về tổ. Ông Thụ gắp cho Vĩnh cái đùi ếch to như đùi gà, là một món lạ miệng Vĩnh chưa bao giờ biết tới.
    - Cứ uống cho say, anh Vĩnh ạ, chúng ta cứ uống cho đến lúc trăng lên, ông Thụ nói.
    Rồi ngày nối ngày, Vĩnh cũng đen xạm vì nắng, gió.
    Các công việc nặng nhọc thì sức lực rổi cũng tự điều chỉnh với nó. Sống ở đây Vĩnh thấy anh có được một nơi yên ổn giữa những ngày lên, đêm xuống.

    Nhưng rồi trong cuộc sống, ở đâu cũng thế, cũng có chuyện không muốn mà vẫn xảy ra. Lan thấy Vĩnh chẳng biết vì sao lại đến đây, lại được cha mình ân cần đối đãi. Sao lại đối đãi ân cần với một người không thể cáng đáng nổi với công việc bằng những người chung quanh. Trong khi Vĩnh được như thế, Lan không lúc nào được nghỉ ngơi, Lan đâm ra bực bội trước sự có mặt của Vĩnh. Làm việc từ tinh mơ, ngủ phải ngủ rất muộn và dậy phải dậy rất sớm, vừa dậy đã phải nấu cơm, sắp xếp đủ thứ. Rồi mọi người ăn cơm xong lại phải thu dọn, rửa bát. Nước chưa khô ở tay, hai bàn tay lại phải sục sạo vào các thứ chuẩn bị cho phần cơm trưa nấu ở ngoài bưng. Ngày ngày cứ như thế chiếm trọn sinh hoạt của Lan. Nếu ở thành phố, một thiếu nữ 17 tuổi như Lan chắc chắn không như Lan ở đây. Có nhan sắc thì ở đây cũng bị thui chột, ố vàng, xanh xám đi. Còn Vĩnh, là người ở thành phố, sao Vĩnh lại đến đây. Tài giỏi gì, nhổ mạ thì mạ đứt, rễ còn dưới đất, cấy xong, vừa buông tay thì mạ đã đổ. Còn cuốc hả, chỉ được vài phút lại ngừng tay để gạt mồ hôi. Lan chỉ thấy như thế, Lan đâu biết Vĩnh chỉ quen tay làm đàn, làm những cây đàn guitar. Vĩnh không đủ sức với những công việc nặng nề. Lan không cần biết, Lan chỉ biết trong cả lúc mưa lúc nắng, Lan vẫn phải đội trời, Vĩnh lại được cha Lan thúc giục tìm chỗ trú mưa hoặc nơi nghỉ nắng. Cùng với những chán nản vì cực nhọc đều đạn quanh quẩn của Lan, dần dần Vĩnh như một cái gai nhọn chọc vào mắt Lan. Cái gai ấy sáng nay lại bảo rằng bị sốt. Bị sốt hay không, hay chỉ vì muốn được ở lại lều. Sốt gì, bọ cạp cắn thì có đáng gì. Được rồi, chiều nay Lan sẽ không im lặng nữa.
    Và buổi chiều, vừa về đến lều, ông Thụ đã sai Lan đi lấy gạo trắng thơm để nấu cháo cho Vĩnh. Lan lớn tiếng cãi lại :
    - Cơm đó thôi, sao còn phải cháo ?
    - Anh ấy ốm mà .
    - Ốm thì về thành phố mà ốm. Con thấy ông ấy ở đây có làm được gì đâu, chỉ tốn gạo thôi, đồ ăn bám.
    Ông Thụ nhẩy tới, tát liên tiếp vào mặt Lan. Vĩnh kêu lên để can ngăn, ông cũng không dừng tay. Đến khi ngừng, ông quát lên :
    - Ngu tối lắm. Mày biết cái gì. Đi nấu cháo. Thằng Quân đi lấy hai quả trứng gà, đem ngay ra đây.
    Nước mắt giàn dụa trên mặt Lan, nhưng Lan chỉ cắn hàm răng trên vào môi dưới, không để bật ra tiếng khóc.
    Không, ở đây không phải chỉ có một Lan đâu. Còn rất nhiều Lan khác nữa.

    Nghe tin Vĩnh bị sốt, lại nghe cả tin Vĩnh bị Lan hỗn xược, Phẩm hất đám cám còn lại trong thúng xuống hồ cho cá, rồi vào nhà mặc vội quần áo, quơ lấy cái túi vải, đi sang nhà Long. Phẩm cùng Long lội suối, vượt đèo. Qua khúc suối cuối cùng, bị trượt chân trên một hòn đá dưới đáy nước, bung cả dây kéo quần mà Phẩm cũng không hay biết. Phẩm mang đến cho Vĩnh lọ thuốc cảm và sáu viên thuốc sốt rét. Qua những ngày quen biết, Phẩm rất mến Vĩnh. Trong bộ quần áo còn ướt nước suối, đưa thuốc cho Vĩnh, Phẩm cười đùa :
    - Chúc mừng rồi sẽ bình thường, rồi sẽ chai đá thêm.
    Ở bên cạnh Phẩm, sau những lời thăm hỏi tình trạng cảm sốt của Vĩnh, Long hỏi anh về chuyện Lan, Vĩnh chưa trả lời, Phẩm đã vỗ vai Vĩnh :
    - Đừng buồn, anh Vĩnh. Tôi có nghe anh Thụ kể lại. Nhưng anh đừng chấp với con Lan, nó còn trẻ dại lắm.
    Vĩnh không nói gì. Tự đáy lòng, anh chỉ thấy thương xót cho Lan. Quay qua chỗ ông Thụ đang ngồi hút thuốc, Phẩm hỏi ông :
    - Còn rượu không, anh Thụ ?
    - Còn một bi đông dự trữ, ông Thụ vừa trả lời vừa dụi bỏ cái đóm đang cháy lửa.
    - Vậy thì ta làm gà đi. Anh còn gà không , Nếu không tôi sang mượn bên ông Cửu. rượu với cháo gà nóng, sốt đến cỡ nào sốt cũng vỗ cánh mà bay.

    Vĩnh váng vất, váng vất vì cảm sốt, cả vì tâm trạng, Vĩnh không chấp nhất với Lan, tự đáy lòng anh, không có điều đó. Tự đáy lòng anh, nặng trĩu những điều khác .





VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com