B ức tượng người phụ nữ Nhật đội nón rộng vành, tay dắt đứa bé trai, được đặt trên chiếc bệ cao trong khu vườn của bệnh viện đứng sừng sửng trong buổi chiều tắt nắng. Nơi đây suốt ngày nghi ngút khói nhang của bệnh nhân và thân nhân người bệnh đến đây chờ người nhà chạy thận nhân tạo. Họ đứng ngồi la liệt ven hồ nước nhỏ phía sau bức tượng. Khu vực nầy nằm ở góc khuất của bệnh viện Chợ Rẫy, nơi của những con người biết trước cái chết. Cũng như mọi người khi đưa chồng đến đây chạy thận nhân tạo Nguyện thường thắp nhang khấn vái lâm râm dưới chân bức tượng khi chồng chị đã yên vị trên gường giữa bao nhiêu là ống chuyền máu từ cơ thể dẫn vào máy chạy thận, và từ máy dẫn vào cơ thể. Trong khi anh nằm bất động suốt bốn tiếng đồng hồ trên giường thì chị cũng ngồi trầm tư chừng ấy thời gian trên chiếc ghế đá bên mé hiên khu chạy thận.
Trong suốt bốn tiếng chờ đợi, Nguyện thường thắp hương cho bức tượng nhiều lần. Chị ngước mắt nhìn khuôn mặt người phụ nữ cao vời trên kia như chờ mong một điều gì đó có thể làm thay đổi số phận người chồng, dẫu biết đó là điều không tưởng. Đứa bé dưới chân người đàn bà rướn hai tay lên cầm lấy bàn tay mẹ, mặt ngước lên trong một tư thế rất trẻ con, như đang vòi vĩnh điều gì. Chị được nghe người ta kể rằng bà mẹ người Nhật nầy đã nhảy lầu tự tử khi đang mang thai đứa bé, trong một lần từ Nhật sang Việt Nam thì được biết rằng chồng mình đã có người đàn bà khác. Khi tình yêu đã mất thì cuộc sống cũng chẳng còn có ý nghĩa gì. Mộ người đàn bà được chôn trong khu vực bệnh viện vì chồng bà là một trong những người sáng lập ra bệnh viện nầy – từ thời thế chiến thứ hai. Và người ta đã tạc bức tượng ngay phía trước ngôi mộ như một niềm thương tiếc. Người ta còn kể là bà rất linh, những đêm khuya hay dắt con đi lang thang trong khuôn viên gần ngôi mộ. Mặt dù chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, từ thời thế chiến thứ hai, lúc bệnh viện mới được thành lập, nhưng Nguyện vẫn thấy lòng xúc động như vừa mới xảy ra.
Trên những chiếc ghế đá bên hông khoa thận nhân tạo,người nhà bệnh nhân túm tụm, kẻ ngồi, người mệt mỏi quá nằm lăn ra ghế đá ngủ, kẻ đọc báo, người nói chuyện râm ran. Người bệnh chạy thận theo lịch trình nhất định nên người nhà gặp nhau mãi cũng thành quen nhau. Phần lớn họ biết tên nhau, biết hoàn cảnh của từng người. Có người ở ngoài Trung vào, có người ở miền Tây xuống, có người ở tại địa phương. Họ nói đủ thứ giọng, râm ran đủ thứ chuyện như để giết thì giờ, nhưng phần lớn đều xoay quanh chuyện bệnh tật, chuyện mưu sinh hàng ngày, chuyện tiền bạc chữa chạy cho người bệnh. Một bà già có thâm niên chạy thận chín năm bao giờ cũng đến sớm. Trong khi chờ đến phiên mình, bà ngồi nhâm nhi đủ thứ quà bánh. Bà nói người ta chạy thận thì kiêng nhiều thứ, tôi không kiêng, thích gì ăn nấy. Sống nay chết mai tội gì kiêng để thành con ma chết thèm! Mọi người cũng ậm ừ đồng tình với bà. Bà toét miệng cười, da mặt sạm đen như sắt vì chạy thận lâu năm, tay băng bó nhiều chỗ, thân hình gầy đét như que củi. Nguyện nhìn bà lão đoán chừng bà vào khoảng bảy mươi, thầm phục con người giản dị kia biết trước cái chết nhưng vẫn bình tĩnh vui vẻ như không.
Hôm nay trong đám người nhà quen thuộc ấy xuất hiện hai vợ chồng trẻ. Người chồng đi chạy thận lần đầu, người ốm xanh xao, da vàng bủng, khuôn mặt hốc hác. Người vợ mặt buồn buồn. Cả hai còn rất trẻ, khoảng ngoài hai mươi. Nghe họ nói giọng miền Trung, hình như là Quảng nam hay Quảng Ngãi gì đó. Khi người chồng vào chạy thận rồi, người vợ mới bắt đầu hòa nhập vào đám thân nhân người bệnh. Nguyện nghe cô than thở rằng hai người vừa cưới nhau chưa được bao lâu thì phát hiện anh bị bệnh thận, đồng lương công nhân thì quá ít ỏi, ăn còn chưa đủ nói gì đến việc chữa bệnh. Cô gái nói và thở dài ảo nảo. Hai bàn tay cô gái xoắn vào nhau như muốn tìm một điểm để bấu víu. Gần đó có một người đàn ông nằm dài trên một góc khuất, anh là một bệnh nhân ung thư nhưng không tiền chữa chạy, đến bệnh viện nằm lây lất với một khối u trên ngực. Như thể ở môi trường đó bệnh sẽ đỡ hơn chăng! Anh cũng ở miền Tây xuống nhưng không hề có người nhà đi theo. Một thân một mình, ai cho gì ăn nấy. Nguyện thở dài thầm nghĩ: “ Địa ngục không ở đâu xa, địa ngục chính là nơi đây”.
Hai hôm sau khi Nguyện đẩy băng ca cho chồng đi chạy thận theo định kỳ thì gặp anh công nhân đi chạy thận một mình. Hỏi anh sao lại đi một mình, anh nói giọng ngẹn ngào như cố kiềm nén tiếng khóc:
- Cô ấy bỏ cháu rồi cô ạ. Cũng phải thôi, cháu cũng không muốn làm khổ cô ấy.
Cả đám người nhà bệnh nhân ngồi lặng đi. Bà già chạy thận vui tính nhất cũng không bình phẩm gì. Khi anh công nhân vào phòng chạy thận rồi bà già mới nói:
-Tôi chạy thận ở đây chín năm tôi đã thấy nhiều cảnh đau lòng lắm. Năm ngoái cũng có một đôi vợ chồng trẻ đưa nhau đi chạy thận lần đầu. Khi anh chồng vào chạy thận cô vợ bỏ đi biệt luôn. Bác sỹ gọi người nhà bệnh nhân vào trao đổi thì không thấy đâu. Anh chồng chạy thận xong ra ngoài gọi điện thoại cho vợ mãi chỉ nghe ò í e. Thế là xong! Từ đó về sau thấy anh đi một mình. Mình ái ngại không hỏi nhưng cũng đoán được sự tình. Bệnh nầy là bệnh biết trước cái chết mà.
Bà già nói cứ tỉnh như không. Trên khuôn mặt còm cõi vì bệnh tật đó không có vẻ gì buồn chán hay tuyệt vọng cả, hay là sống lâu trong cái khổ người ta đã quen rồi. Chị nhìn bà lão và không khỏi thầm so sánh với người chồng đau ốm liệt nửa người đang chạy thận trong kia. Sau mấy tháng đau ốm nằm liệt một chỗ vì căn bệnh tai biến mạch máu não, nhiều căn bệnh nặng khác - nhân lúc cơ thể suy yếu - cũng phát sinh làm khổ anh .Trong đó có căn bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Cái gì gắn với mấy chữ “ giai đoạn cuối “ cũng gây một ám ảnh đau lòng. Có nhiều lúc Nguyện thấy đôi mắt chồng nhìn mãi vào khoảng không trước mặt như nhìn vào một cõi hư vô nào đó. Cũng có lúc trong cơn mê ngủ anh nói lảm nhảm : “ Đi đâu bây giờ ?” khiến chị lạnh người với ý nghĩ anh đang đi vào hành trình cuối cùng của đời người. Và chị liên tưởng đến câu chuyện của cô em họ là bác sỹ khoa hồi sức cấp cứu ở một bệnh viện nọ. Vì làm ở khoa nầy lâu năm nên cô em đã nhiều lần cận kề với nhiều bệnh nhân sắp lâm chung, và cũng từng nghe những lời nói của họ trong cơn hôn mê trước giờ chết. Cô kể có lần nghe một bệnh nhân nói trong cơn mê: “ Tôi biết cái cửa sau rồi đấy. Mười lăm phút nửa tôi đi “. Và đúng mười lăm phút sau người bệnh tắt thở. Có khi cũng có người bệnh nói: “ Các người đứng quanh tôi làm gì nhiều thế? Lát nữa tôi sẽ đi mà“. Cô y tá lạnh người nhìn quanh: không ai đứng gần gường của người bệnh cả. Và giây lát sau người bệnh chết.
Nguyện nghĩ đời người từ khi sinh ra đến khi về già, ai cũng đã từng trải qua nhiều chuyến đi, thì cái chết phải chăng là hành trình cuối! Gọi là hành trình cuối nhưng cũng có rất ít người phải đi lại nhiều lần. Thời con gái còn sống với ba mẹ, xóm Nguyện có một bà già chết rồi sống lại, và sống được đến mười năm sau. Trong những năm đầu sống lại bà thường lê la ở nhà hàng xóm, sáng qua nhà này một tí , chiều qua nhà kia một tí. Bà nói bà phải đi trốn, không thì người ta tìm đến nhà bắt chết lại. Ai hỏi bà về thế giới bên kia bà cũng lắc đầu quầy quậy có vẻ sợ hãi, bảo không biết gì hết. Hồi nhỏ Nguyện rất sợ bà già này. Nghĩ đến cái cảnh bà đã nằm trong quan tài rồi, bỗng nhiên cựa quậy đập quan tài rầm rầm, con cháu tức tốc mở nắp hòm thấy bà ú ớ nói, mắt láo liên trông phát khiếp khiến có người bỏ chạy là Nguyện rùng mình. Cũng may nhà ba mẹ Nguyện cách nhà bà khoảng ba trăm mét nên bà không đến bao giờ.
Nhưng Nguyện cũng không ngờ sau này chồng mình cũng như thế. Anh đã một lần tưởng là đã chết. Xác anh đã được đưa vào nhà xác, Nguyện đã báo tin cho các con. Vì anh qua đời ở Sài Gòn, thân nhân ở đây cũng ít, trong lúc con trai còn chưa kịp đến, chị ngồi bên anh trong nhà xác. Bất chợt thấy anh mở mắt hỏi đây là đâu vậy. Nguyện hoảng hốt, vừa mừng vừa sợ. Chị vội báo cho bác sĩ và đẩy băng ca cho anh trở lại phòng bệnh, Anh nói anh vừa đi một chuyến đi khá dài, qua bao nhiêu chặng đường tưởng là không thể đi bộ được. Nhưng anh nhớ là mình đi khá nhanh, giống như bay là là trên mặt đất. Cũng có nhiều người cùng đi với anh nhưng anh không thấy ai là người quen. Cảm giác lúc đó thân thể rất nhẹ, mọi đau đớn biến mất, người lâng lâng sảng khoái. Cho đến khi đi đến một dòng sông, trong khi mọi người chen nhau qua đò, anh lại dừng chân. Anh phân vân như mình vừa bỏ quên lại một cái gì đó rất quan trọng. Anh không chần chờ nữa và lập tức quay về. Đường đi thì rất xa, nhưng đường về thì rất nhanh. Anh mở mắt thấy Nguyện ngồi khóc bên cạnh, và thân thể lại dội lên cơn đau mà bao lâu nay anh vẫn thường chịu.
Sau này anh còn kể cho bác sĩ nghe, lúc anh qua đời, anh thấy vợ chạy đi gọi bác sỹ. Hồn anh bay lên trần căn phóng bệnh, nhìn xuống anh thấy thân xác mình bất động giữa bao nhiêu bác sỹ. Anh còn kể bác sỹ Phong là người nhồi tim cho anh. Sau bao nhiêu cố gắng vẫn không có kết quả, bác sĩ Dũng thất vọng ngữa mặt lên trời lẩm bẩm một câu gì đó và đi ra ngoài báo tin cho vợ anh. Những điều anh kể lại, các bác sỹ đều xác nhận là đúng.
Nhưng lần trở về này của anh ngắn ngủi chỉ sáu tháng. Hình như là để chứng kiến con trai thành gia thất. Sau khi chết hụt, anh khỏe lại, có thể ngồi xe lăn đọc bào, uống cá phê mỗi buổi sáng. Nguyện bàn với con trai cưới người vợ đã đính hôn, để ba chứng kiến việc trọng đại của con mình.
Trong thời gian chuẩn bị đám cưới, bệnh anh trở nặng. Nguyện về Đà Nẵng, vừa đi đưa thiệp cưới mời bà con, bạn bè, vừa nghe điện thoại của con gọi về báo tin xấu. Nguyện không biết đám cưới có tiến hành kịp không. Con trai chị cũng lo âu, nhưng vẫn quyết định cưới chạy tang. Bà con và bạn bè ai cũng hồi hộp, nhưng rồi cũng qua. Không ai ngờ sau đó anh lại hồi phục. Bác sỹ thấy bệnh đã qua cơn nguy kịch, cho phép Nguyện đưa anh trở về Đà Nẵng. Đúng sáu tháng sau ngày sống lại, lần này thì anh ra đi vĩnh viễn.
Có lẽ lần này khi qua con sông ngăn cách giữa cõi trần và cõi chết, anh thấy mình đã không quên gì nữa. Điều anh quên trong lần ra đi trước là quên không nhìn thấy con trai thành gia thất. Bây giờ một khi đã chứng kiến rồi, anh đã thanh thản qua sông.