C ó dịp đi Kon Tum vào lúc có dịch trên phần lớn đất nước nhưng các tỉnh cao nguyên, việc thông thương đi lại còn cởi mở vì các nơi này chưa chịu ảnh hưởng của Covid 19 nhiều; nhờ vậy tôi đã gặp được người bạn đồng môn, cùng học với tôi ở quân trường Đà Lạt, dưới tôi vài khóa (xin phép không nêu tên vì sợ ảnh hưởng cuộc sống bạn ấy).
Hai anh em dắt nhau vào một quán nhỏ, nhìn bao quát con sông Đakbla với dòng nước cạn chảy lững lờ, có những đụn cát trắng xóa dưới đáy nằm phơi mình trong ánh nắng mặt trời. Gió dưới sông thổi lên mát rượi làm chúng tôi có cảm giác khỏe khoắn, thú vị. Chúng tôi gọi món vừa lai rai, vừa hàn huyên tâm sự, kỷ niệm về những ngày hoàng kim, đẹp đẽ ở trường Mẹ.
Câu chuyện bỗng chuyển hướng khi tôi bất chợt nói:
-- Dakbla, con sông có vẻ hiền hòa chú nhỉ?
Thằng em cười:
-- Coi vậy chứ không phải vậy đâu niên trưởng ạ…Dakbla, tiếng dân tộc có nghĩa là “ hung thần dữ tợn” vì ngày xưa cứ vào mùa mưa hay bão lũ, nước con sông đột ngột dâng rất cao, cuốn trôi nhà cửa, người và súc vật đi mất tích…
Thằng em bỗng trầm ngâm rồi nói:
-- Có những ngôi làng men theo sông, ở tít trong rừng sâu còn gọi nó (con sông ) là sông ăn thịt người vì người làng thường thả xuống sông những ai gây ra viêc xấu hay tai hại cho làng…
Hắn nghỉ một chút, nói tiếp :
-- Mùa dịch năm nay làm em chợt nhớ đến mùa dịch của cái làng nơi vợ em ở cách đây hơn bốn mươi năm dẫu cái dịch ngày đó chẳng giống như dịch covid bây giờ.
Rồi hắn bắt đầu kể…
Quê hắn vốn là miền đồng bằng, đất chật người đông ở miền trung. Năm 75, hắn bị đi cải tạo một thời gian ngắn ( vì chưa phải là người lính chiến thực thụ), nhưng về nhà lại mang cái lý lịch “ người của chế độ cũ” nên công việc mưu sinh của hắn khó khăn vô cùng – không được cùng chung với mọi người trong làng xóm đi sản xuất lương thực; làm thuê làm mướn cũng khó kiếm. Cuối cùng, hắn cùng vài người có cảnh ngộ na ná như hắn tìm lên núi rừng cao nguyên đi tìm trầm, tìm gỗ quí ( Hắn còn nung nấu ý định: từ rừng biên giới hắn tìm cách vượt biên qua Cam bốt, Thái lan…). Mọi ý định của hắn chợt thay đổi và cuộc đời hắn rẽ vào khúc ngoặc khác từ khi hắn gặp một người con gái người Thượng lạc vào chốn rừng sâu này…
Một ngày, thằng em cùng hai người bạn luồn lách qua những rừng cây dày đặc để tìm kiếm những cây phong có những hốc sâu chứa trầm, bất chợt thấy người con gái Thượng nằm rũ rượi, váy áo rách tả tơi, gần như bất động dưới một gốc cổ thụ. Thằng em cùng hai bạn đỡ cô gái dậy, đặt nằm một chỗ lót lá êm ái hơn, dùng chăn mền ủ ấm và đút cho cô từng hớp nước, từng muỗng thức ăn nhẹ. Cô ấy đang bị đói lã và kiệt sức khi chạy vào trong rừng.
Sau khi khỏe lại, Rơ Chăm Ai- cô gái có đôi mắt to, cổ cao với làn da trắng khác với phụ nữ miền núi thường có da ngăm đen- ngồi kể cho ba người đàn ông nghe:
-- Các anh có biết không? Em tên là Ai do mẹ đặt có nghĩa là đẹp. Nhưng cái đẹp này cũng là tai họa cho em, cho gia đình em vì em khác với những người thiếu nữ trong làng nên em khổ lắm, nhà em khổ lắm vì người làng, ai cũng ghen ghét…
( Trò chuyện qua lại, mọi người mới biết là Ai có gen của cha lai Tây. Ngày xưa Pháp đi qua làng, có người lính đã cưỡng hiếp bà nội của Ai, sinh ra cha cô nên cô có đặc điểm khác người trong làng là vậy ).
Ai bỗng dưng ôm mặt khóc tức tưởi, cô nói:
-- Em muốn xấu xí mà có được đâu. Mọi người trong làng cứ nghi em là “ Ta Blau “ (ma lai ), sợ đêm tối em đi ăn ruột gan của người khác nên họ dùng các loại dây rừng có gai vây kín nhà em, khiến cho việc ra rẫy hay thu hoạch lương thực khó vô cùng. Gia đình em đói lên, đói lên đói xuống. Đã vậy, Tơ Pơi ( già làng ) thỉnh thoảng đem em tới Nhà Rông làm bùa chú, đánh đập em bầm mình, bầm mẩy…
Nói tới đây Ai nấc lên nghẹn ngào, cô nói trong nước mắt:
-- Mấy bữa nay, người trong làng bỗng đau bịnh chết nhiều, mà người nào đau cũng bị “ to cái bụng “, đi ra ngoài nhiều… rồi kiệt sức mà chết… Người trong làng nghĩ rằng do Ta Blau gây ra, mà người đó nghi là em nên Gìa Làng cùng mọi người chọn một ngày bắt em thả trôi sông…
Cô nín lặng một chút rồi kể tiếp:
-- Cũng may trong làng có một Tơ Đăm ( thanh niên ) thầm yêu em nên đã lén báo cho em biết. Em đã tìm đủ mọi cách để vượt ra khỏi làng, chạy về phía rứng sâu… Cũng may gặp được các anh!
Thằng em châm một điếu thuốc rồi nói:
-- Bọn em nghe Ai kể thì đều hiểu, làng của Ai đã bị dịch tả lây lan. Em đoán đa số họ ăn trúng một loại nấm độc hái trong rừng về… Nhưng tình hình và hoàn cảnh bọn em lúc đó cũng như họ đang có thành kiến với Ai nên không thể tiếp cận giải thích được.
-- Ba thằng em đành phải gác công việc riêng của mình, dùng rìu mang theo đi đốn gỗ rồi đẻo vạt, dựng cho Ai một căn nhà tranh. Rồi thức ăn được san sẻ cho bốn miệng ăn, cộng thêm rau trái trong rừng kiếm được
Sau đó thằng em chậm rãi kể tiếp câu chuyện của đời hắn cho tôi nghe…
Lương thực ba người mang theo cạn dần. Công việc tìm trầm cũng không mấy tiến triển nên họ muốn quay về quê, nhưng họ còn phân vân vì kẹt Ai. Cuối cùng hắn ( thằng em ) vì có cảm tình với Ai, rung động trước sắc đẹp của cô nên tình nguyện ở lại bảo vệ Ai. Hai người kia đã để lại toàn bộ lương thực và vật dụng trước khi về quê.
Hắn và Ai sống những ngày đầm ấm, hạnh phúc bên nhau giữa núi rừng hoang sơ nhưng không quên viễn cảnh đói khác sắp tới. Bất ngờ có một toán người lạ cũng từ phố lên lạc đến chỗ vợ chồng Hắn. Họ cho biết mục đích của họ là tìm những kim loại quí gắn trong một số bộ phận của máy bay hay xe tăng của Mỹ bị rơi hay hư hỏng như: bạch kim, vàng bạc hoặc nhôm dẻo….May mắn cho Hắn là trong thời gian đi tìm trầm , Hắn đã gặp nhiều xác máy bay, xe tăng trong vùng này nên việc hợp tác làm ăn diễn ra nhanh chóng. Công vệc làm ăn này thành công ngoài sự tưởng tượng của hắn. Các món hàng khai thác được thuộc loại hàng hiếm thời bấy giờ bán được nhiều tiền.
Cuộc sống của vợ chồng hắn trở nên đầy đủ hơn. Họ rời rừng và mua đất định cư ở gần thành phố Kontum. Ai đăng ký đi học ngành y với tâm nguyện giúp đỡ đồng bào của mình thoát khỏi bệnh tật, xóa đi mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu mà cô từng là nạn nhân…
Chia tay với thằng em, tôi chúc mừng cho sự thành công,hạnh phúc của Hắn và cô “ ma lai “ xinh xắn tên Ai.
(24/6/2021)