Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của nữ họa sĩ Thanh Trí (HoaKỳ)

MÂY TRẮNG TÌNH YÊU



* Đọc MÂY TRẮNG TÌNH YÊU Chương 1-2

Chương 3


Kinh đô Yên Trường dựa lưng vào một vùng rừng xanh thẳm. Bản làng thấp thoáng xa xa. Cung điện vua Lê nhỏ nhẹ, khiêm nhường, được bao bọc bởi những thành đất đá cao sừng sững và những con hào rất sâu. Tường thành dày vài chục mét, lỗ chỗ vết hỏa pháo. Chiều không bão gió. Đoàn của Cevallos được đức vua tiếp trong ngôi điện dành cho vua làm việc. Đức vua mặc triều phục màu vàng, ngài ngồi uy nghiêm, đôi mắt to đen, sáng lấp lánh, lông mày rậm sắc, gương mặt tinh anh, tuấn tú, đôi tai hơi mỏng, làm giảm vẻ đẹp trượng phu. Bốn người nghiêng mình chào đức vua. Giọng của ngài vang lên:

- Ta miễn lễ. Hỏi khách đường xa đến đất nước ta có việc chi cần tâu bẩm?

Cevallos tiến lên một bước. Lý cũng tiến gần chàng để thông dịch:

-Muôn tâu bệ hạ, chúng tôi từ Tây Ban Nha vượt biển sang Trung Hoa truyền đạo Thiên Chúa. Một trận bão định mệnh đã dẫn chúng tôi đến đất nước ngài trị vì. Chúng tôi lại có hồng ân được gặp ngài. Tạ ơn Chúa.

-Đạo Thiên Chúa được truyền ở Ma Cao, trẫm có biết. Nhưng quốc gia của trẫm theo đạo Phật và đạo Khổng. Người Đại Việt từ cổ xưa đến giờ có tục thờ cúng tổ tiên. Trẫm không quan tâm đến đạo Thiên Chúa. Có một vài linh mục đến đây truyền đạo, đã bị trục xuất.

Lý dịch từng từ một. Ba vị linh mục nghe vua phán, lạnh người. Cevallos bình tĩnh tâu bày:

-Đội ơn bệ hạ và thần dân của ngài, đã mở lòng từ bi, cứu chúng tôi thoát khỏi nguy khốn. Chúng tôi dự định sửa xong tàu sẽ trở về Ma Cao. Nhưng hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, đức vua cho phép chúng tôi cầu chúc bình an cho ngài và vương quốc của ngài. “Sáng danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Giọng nói du dương, truyền cảm của cha cố và thái độ khiêm nhường, dịu dàng, cử chỉ lịch lãm của Cevallo s đã làm cho đức vua cảm mến. Ngài mời bốn vị khách ngồi vào bộ tràng kỷ gỗ đen bóng, chạm khắc hình rồng uốn lươn vừa đẹp vừa oai phong. Ngài chỉ vào cái tủ sách gỗ nâu đỏ, đóng chắn song, thấp thoáng những cuốn sách, đặt bên tay phải của ngài, nói:

-Tôi chỉ đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh và sách luật của các tiên đế, để trị nước, nên không hiểu về Kinh Thánh hay lễ Giáng Sinh của Tây dương. Nhân đây, cha có thể nói cho tôi hay về Giáng Sinh được không?

Cevallos vui mừng như nhìn thấy một vì sao đang đậu trên đôi môi tươi đẹp của đức vua. Chàng vội mở quyển sách trong cặp, đưa cho vua xem hình ảnh Đức Mẹ Ma- ri-a đồng trinh bế Chúa hài đồng. Gương mặt hai mẹ con sáng ánh thiên thần. Vầng hào quang tỏa quanh họ. Đức Mẹ bồng con. Âu yếm. Nâng niu. Thánh Thiện. Yêu thương. Linh thiêng.

Đức vua ngắm bức ảnh. Say đắm. Sảng khoái. Ngài như đang được nguồn thương yêu, vuốt ve, trìu mến, yêu chiều, chở che… từ trời cao rót xuống. Tận đáy sâu tâm hồn ngài Tình Mẹ ùa tràn. Thoảng thơm miệng sữa bé thơ. Muôn sợi tơ lòng yêu thương, nồng ấm thả từ các vì tinh tú tắm hồn ngài. Cảm xúc ngọt ngào như ướp hương hoa nhụy cội nguồn, bóp nghẹt trái tim đàn ông. Ngài thầm nghĩ: “Đây là hương của trời, là hoa của đất. Ta sợ vẻ đẹp thánh thần này. Ta sợ tình yêu thắm thiết vĩnh hằng này. Nó sẽ làm mềm yếu lòng ta. Mẹ ơi! Có phải mẹ đấy không? Chưa bao giờ ta nhìn thấy con người đẹp như thế. Thì ra Tình Mẹ chế ngự thế gian này. Sự trinh tiết, trắng trong là vẻ đẹp bất diệt trời ban cho loài người. Kinh Thánh dạy con người thế phải không? Lễ Giáng Sinh là nghĩa đó phải không?”

Cevallos chiêm ngưỡng vị vua xứ rừng biển nhiệt đới ngắm ảnh Đức Mẹ đắm say, lòng chàng thanh thản lại sau bao âu lo. Chàng kể chuyện Giáng Sinh, giọng êm ái, ngọt ngào:

-Cách đây gần hai mươi thế kỷ, trinh nữ Maria hiền thảo, nết na, ở thành Na- da- ret, được sứ thần của Thiên Chúa báo tin: “Nàng sẽ thụ thai và sinh một bé trai, đặt tên là Giê su. Chính con trai nàng là Đấng sẽ cứu con người ra khỏi tội lỗi”. Chàng Giu-se đã đính hôn với Maria, nhưng chưa ở cùng nhau được báo mộng: “Trinh nữ Maria đã chịu thai bởi quyền phép thánh thần, hãy lấy Maria làm vợ, chăm sóc nàng cùng đứa bé trong bụng nàng. Giu-se sợ mang tiếng xấu và cũng buồn bực vì chưa ăn nằm cùng nàng mà đã mang thai, chàng toan chối từ. Nhưng đây là phép thánh thần, chàng đem Maria về ở với mình tại quê nhà ở xứ Bê- Lem. Họ về đến Bê- Lem thì trời xẩm tối. Ma ria trở dạ. Giu- se tìm quán trọ nhưng không nơi nào chứa, đành phải mang ra hang đá Belem, nơi trước kia tổ tiên của họ là David làm lò nướng bánh bán cho dân. David làm vua, lò bánh bị bỏ hoang. Nửa đêm trinh nữ sinh hài nhi trong hang Belem. Nàng ôm con trong lòng. Âu yếm truyền hơi ấm Tình Mẹ. Giu-se lót máng cỏ, ân cần trìu mến ngắm nhìn thiên thần bé nhỏ ngủ trong máng. Trên cao, ánh sáng thần kỳ tỏa lung linh quanh họ. Nhiều thiên sứ từ trời bay xuống, cùng nhau hát ca, chúc tụng Chúa Giáng Sinh làm người. Đoàn người chăn chiên theo thiên sứ, kéo nhau đến hang, thấy Chúa hài đồng bọc chăn nằm trong máng cỏ, vui mừng dâng bánh, sữa, thức ăn. Bầu trời bỗng có ngôi sao lạ, dẫn đường đưa ba nhà thông thái phương Đông tới hang đá. Họ mững rỡ lạy Chúa hài đồng và dâng lễ vật, vàng, nhũ hương, dược liệu quí. Họ loan tin hài nhi sẽ là đấng chăn dân. Maria hiến dâng con trong đền thánh. Cụ già tiên tri về tương lai con trẻ và nỗi sầu bi của người mẹ. Trong thành Giê-su-sa-lem, vua Hê- rốt nghe tin này, sợ hài nhi sẽ đoạt ngôi của mình, truyền lệnh giết toàn bộ trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống. Tiếng khóc than thảm thiết. Nửa đêm, thiên sứ hiện ra bảo Giu-se đưa hai mẹ con Maria trốn sang Ai Cập. Vài năm sau vua Hê- rốt băng. Giu- se đưa hai mẹ con Chúa hài đồng về lại quê hương. Giê-su sống với cha mẹ trong xóm làng Na-gia-rét yên bình bằng nghề thợ mộc, sớm tối nguyện cầu, năm ba mươi tuổi thì khởi sự giảng Phúc Âm…

Vua Lê Thế Tông chăm chú nghe. Câu chuyện như ảo, như thật về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, sẽ còn tiếp diễn ly kỳ, hấp dẫn trong Kinh Thánh, nhưng ngài không có đủ thì giờ nghe hết. Ngài nghĩ đến công chúa Mai Hoa, chị cùng cha, khác mẹ của ngài. Mẹ nàng là công chúa Chămpa, được vua Lê Anh Tông cưới làm vợ, giữ tình hòa hảo hai nước láng giềng. Mai Hoa hơn ngài vài tuổi. Nàng đọc sách thâu đêm. Nàng mê những tích truyện tôn giáo và mộ đạo từ nhỏ. Nàng gặp được vị cha cố này, chắc vui lắm. Ngài muốn nhờ nàng qua linh mục để học xem đạo Thiên Chúa là thế nào mà người Tây dương say mê thế? Họ lại còn truyền cả sang Á châu, đến cả Đại Việt. Ngài nghe nói ở ven biển Nam Định, Ninh Bình, dân chúng đã xây một số nhà thờ và cầu nguyện hằng ngày. Mặc dù các tiên đế đã trục xuất giáo sĩ, nhưng họ vẫn xây được nhà thờ ở xứ này. Lạ quá.

Vua sai thị nữ mời nước các vị khách. Thiếu nữ yểu điệu trong bộ yếm trắng, váy lụa đen, bộ ngực tròn lẳn, phơi lưng ong, làn da vàng óng ả, cánh tay trần, dâng khách chén gốm màu xanh ngọc lưu li, nước trà sóng sánh nâu hồng, tỏa hương, dịu dàng mời khách. Lý bảo:

- Xin mời các ngài. Trà thơm trồng trên núi cao, lại được ướp hương của hoa sen mọc dưới đầm lầy, mùi hương chắt lọc từ cây, hoa của đất đôi và bùn ruộng quyện vào nhau, ngọt đượm và thơm chát. Các ngài nhâm nhi từng chút, từng chút một mà thưởng thức hương vị của nó. Cwvallo s, ngài thấy không, vị nước chan chát, ngọt đầm đậm tận đáy hồn ta, còn hương của nó thì dâng lên ngào ngạt. Tuyệt quá! Tôi không diễn tả nổi. Ngài thấy sao?

- Vâng. Đúng vậy. Tôi uống nước và uống cả hương thơm. Đất nước này hương thơm được chưng cất từ bùn đen, cỏ dại, cây rừng. Chúng tôi khâm phục lắm. Người Tây phương vượt biển đến đây vì hương thơm quyến rũ. Thưa đức vua, ở Tây Ban Nha, người ta dùng hạt hồ tiêu mang từ xứ này về trả lương cho nhau đấy. Mỗi một ngày công lao động là mấy hạt hồ tiêu, thay trả tiền. Dân chúng tôi trọng hương liệu lắm. Họ tin rằng mỗi người là một linh hồn. Linh hồn cần hương thơm.

Đức vua mỉm cười. Ngài sung sướng nhận ra vị khách Tây rất tinh tế. Thật đáng yêu. Chàng không nhìn xoáy vào tâm thân nửa kín nửa hở, đầy khêu gợi của nàng. Dáng điệu bàn tay cầm chén, cái miệng duyên dáng nhấm từng ngụm nước, mỗi cử chỉ đều toát lên vẻ tao nhã, chân thành, póng khoáng, tự tin của chàng … khác hẳn các võ tướng họ Trịnh. Người bộc trực thì ăn ào ào, nói ồ ồ. Kẻ thâm sâu bí hiểm thì mặt mũi lầm lì, chuyên nhìn trộm. Đáng ghét. Kẻ nịnh thì mặt trắng nhợt, mắt lấm lét, nói năng lí nhí. Đáng chán. Kẻ lừa dối, xảo trá thì nói vờ vĩnh, ngọt như mía lùi, mắt đảo điên. Đáng sợ. Dù bọn họ có bộ mặt trung hay mặt nịnh, hễ thấy đàn bà con gái là nhìn sấn xổ, muốn chiếm đoạt thân xác người ta. Đức vua thầm ao ước: “Giá như các quan văn, quan võ, các tướng sĩ, quần thần của ta đều có vẻ đẹp tinh thần như người khách này, thì ta dễ chịu biết bao”.

Hương vị trà sen làm Cevallos ngây say. Chàng quên cả không gian, thời gian hiện tại. Quên mối hiểm nguy rình rập. Chàng tưởng như đang ở Tây Ban Nha chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Chàng cất tiếng thân thiện với mọi người quanh bàn trà:

- Sắp đến giờ Thiên Chúa giáng sinh. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ mừng dâng lên Chúa hài đồng. Thưa đức vua, ngài cho phép chúng tôi chứ? Đêm nay chúng ta sẽ dâng lên Chúa Giê-su một món quà đơn sơ, nhỏ bé, nhưng chứa đựng tình yêu mến của chúng ta. Một nắm cỏ, một cây thông, một cây nến thắp ngọn lửa hồng và một chút hương trầm đủ thấu lên các tầng trời.

Đức vua muốn hiểu tại sao lại dâng cây thông và cỏ, ngài vui vẻ nói:

- Cha cố có vẻ khiêm nhường quá, xứ sở của trẫm đây, hoa thơm, quả ngọt, thức ăn ngon, bổ, vàng bạc, đá quí, sản vật không thiếu thứ gì. Trẫm có thể chiều ý ngài, cho phép ngài dâng lễ Giáng Sinh đầy đủ như ngài muốn.

- Xin đa tạ đức vua có lòng ngưỡng mộ Chúa. Mấy thứ lễ dâng kể trên là có nguồn gốc của nó. Kề bên hang đá Beelem, nơi Giê- su chào đời có ba loại cây. Một cây ô- liu. Một cây chà là. Một cây thông. Để chúc tụng Đức Chúa chào đời, cây ô- liu và cây chà là dâng hoa quả của mình. Cây thông thẳng ngay, xanh tươi chưa biết dâng tặng điều gì. Bỗng từ trên cao, những vì sao rơi đậu trên các cành thông xanh biếc, dâng ánh sáng vàng lung linh lên Chúa hài đồng. Đó là món quà hài nhi thích nhất. Người Tây phương chúng tôi gọi đó là cây Noel, cây Giáng Sinh, hay là đêm Noel. Đêm Chúa sinh ra đời. Còn nắm cỏ là thứ quà dâng lễ của cô bé nghèo da đen. Trong lúc mọi người dâng sản vật quí mừng Chúa hài đồng, cô bé không có một chút gì, cúi xuống nhặt nắm cỏ dưới chân mình dâng Chúa. Dúm cỏ dại của cô đặt cạnh hài nhi, bỗng nở ra những cánh hoa tươi xinh đẹp. Người ta gọi những cánh hoa dại đẹp xinh ấy là Hoa Đêm Thánh.

Vua Lê Thế Tông nhâm nhi chén trà thơm. Niềm hân hoan dâng đầy. Ngài hiểu lễ Giáng Sinh là Lễ Thánh trong Đêm Thánh. Đêm của tình yêu thương. Tình Mẹ. Tình người thiêng liêng. Đêm của niềm hạnh phúc thánh thiện khi con người ra đời. Đêm của thế giới tinh thần huyền ảo. Không dính nhiều đến của cải, vàng bạc, ăn uống trần tục. Ngài thấy nhẹ nhõm trong lòng. Những phút giây thanh thản như thế thật hiếm đối với ngài. Ngài chợt nghĩ, đôi lúc ngài ngập ngụa trong xác thịt đàn bà, tưởng như thế là hoan lạc, là hạnh phúc. Không phải. Sau những phút ấy, thân xác ngài rã rời. Ngài ghê tởm kẻ đã dâng xác thịt cho ngài, đạp phắt nó khỏi long sàng. Tâm trạng ngài chán chường, rơi tõm vào bóng tối cô độc…

Sợ cha cố đoán được ý nghĩ của mình, ngài vờ mỉm cười. Ngài muốn được tận hưởng khoảnh khắc Thánh thần của Đêm Thánh. “Đây là dịp may hiếm có” ngài nghĩ vây và nói như ra lệnh:

- Ta cho phép các ngài tự nhiên mà sửa lễ Giáng Sinh đêm nay. Lễ được cử hành trong nội điện này, nơi làm việc của ta.

Cevallos mừng vui. Cả bốn người đứng dậy tạ ơn Chúa. Tạ ơn đức vua Đại Việt có lòng nhân.

Ngày 24 tháng mười hai- tới nửa đêm là Đông chí- chấm dứt mùa Đông lạnh lẽo, tối tăm. Sang đầu canh một ngày 25 tháng mười hai, mặt trời mùa Xuân hé rạng, đem tươi vui, ấm áp, sức sống cho muôn loài. Thiên Chúa giáng sinh đúng lúc mặt trời Xuân tỏa sáng.

Đêm 25 tháng mười hai năm 1590. Kinh đô Yên Trường chìm trong màn sương lạnh. Những ngọn núi đen sẫm nhọn như bàn chông, nối nhau cắm xuống đất bằng. Gió từ Ai Lao thổi về hanh hao, buốt giá, khô da thịt. Đêm tối mênh mông. Xa xa, ánh đèn dầu lờ mờ của vọng gác như an ủi: “Đức vua đừng sợ. Đã có chúng tôi đây”. Thỉnh thoảng tiếng trống báo canh vô cảm, cầm nhịp thời gian.

Cevallos và hai linh mục được vua dành cho một chiếc bàn gỗ rộng. Họ đặt cây Thánh giá bằng đồng khắc hình Chúa Giê-su bị đóng đanh. Sau bàn thờ là bức ảnh Mẹ Maria bế Chúa hài đồng. Đôi môi Thánh nữ đẹp như hoa. Gương mặt Mẹ hiền hậu, dịu dàng như ánh trăng đầy ân phúc. Mẹ là nữ vương trinh tiết, là tình yêu thương nhiệm màu tỏa hương trong thế gian. Mẹ đã tự tình trong vũ điệu thánh thần, trong ánh sáng mặt trời, mặt trăng và muôn vì tinh tú, trong ngọc ngà sắc hương của cỏ cây, hoa lá, quả ngọt, sữa thơm… mà sinh ra Chúa hài đồng dưới màn đêm linh diệu. Mẹ ôm Chúa hài đồng trên tay như cành xanh nâng nụ hồng ướp ánh vàng sao rực rỡ nở trong đêm. Phút giây thân thể Mẹ chuyển động, hài nhi cất tiếng khóc chào đời, cả vũ trụ hòa ca. Bầu trời tối đen rạo rực ánh sao. Thần dân theo ánh sao bước đi hân hoan. Trầm hương ngát thơm bay tới Thiên đường… Tâm hồn Cevallos rung động nghẹn ngào. Chàng gài những ngôi sao bằng giấy bạc dát mỏng lên cây thông Noel, trái tim chàng như nhảy múa tưng bừng. Nắm có xanh và hoa dại muôn màu dâng Chúa hài đồng mơn man trong ánh sáng những ngọn nến. Ba vị linh mục mặc trang phục dành cho đức cha, áo chaongf đỏ tôn sự màu nhiệm. Không khí huyền diệu thơm tho ấy tỏa lan trong ngôi điện của vua Lê Thế Tông. Chưa từng bao giờ có.

Đêm nay, đức vua hưởng lễ Giáng Sinh cùng bốn người khách lạ. Ngài không muốn sự có mặt của hoàng phi hay cung tần, mỹ nữ. Ngài không tin họ có thể hiểu được vẻ đẹp tuyệt diệu của trần gian xảy ra trong khoảnh khắc này. Ngài giữ tâm trí mình thật thanh tịnh, giống như ngài từng phải chay tịnh khi lễ đàn Nam Giao nguyện cầu Trời Đất. Mà đây không phải là lễ nguyện cầu Trời cao, Đất thẳm, mà là sự chứng kiến cuộc sinh nở của người Mẹ và bé thơ. Tự nhiên ngài thấy cuộc sinh nở ra con người thật linh thiêng. Thật thánh thiện. Thật đẹp. Thật tinh khiết. Thật trắng trong. Đầy hương sắc. Rộn ràng âm nhạc. Ánh sáng. Chứa chan niềm vui an lạc và hy vọng…

Ngài chạnh lòng đau nghĩ về người Mẹ và bé thơ trong xứ sở của ngài. Từ xưa đến nay, đàn ông không bao giờ nâng niu phút giây thiêng sinh nở. Họ sợ. Họ tránh. Họ ghê gớm. Họ kiêng kỵ không dám đến gần. Họ tưởng tượng ra cảnh người đàn bà đau đớn quằn quại bên vũng máu. Lõa lồ. Bẩn. Gây điềm xấu. Họ bỏ mặc người vợ và đứa con như nụ, như hoa trong bóng tối. Hồi nhỏ ngài sống ở nông thôn vùng Thanh Hóa. Ngài nhớ cảnh ngươi cô họ sinh con đầu lòng, phải giấu trong buồng tối tăm, lạnh lẽo. Người chồng mang cơm cho vợ, không dám vào buồng, buộc rá cơm vào chiếc gậy thả vào giường vợ. Cô vợ lụi hịu bò dậy, chan cơm với nước mắt mà ăn. Không ai hay biết.

Còn bản thân ngài thì sao? Tất nhiên là ngài quá ghê sợ. Ngài là đức vua, cai trị muôn dân, làm sao ngài phải nghĩ đến cái việc đàn bà đẻ ra sao? Và ngài còn thấy bẩn nữa. Thân thể đàn bà đẻ bẩn lắm. Nhưng ngài cần con trai. Nó sẽ nối ngai vàng của ngài. Không thể để ngôi báu rơi vào tay dòng giống khác. Ngài hoan hỉ, yên tâm lớn về ngôi vua được cha truyền con nối, khi đứa con trai được sinh ra. Còn bản thân nó, ngài không cần biết. Đã có người chăm sóc, dạy dỗ nó. Mẹ nó là ai? Ngài lại càng không cần đếm xỉa. Bọn đàn bà, con gái ấy, chỉ làm phiền ngài thôi. Người đòi tiền của, bạc vàng. Kẻ tranh ngôi thứ cho con trai. Người ghen tuông ngầm ngấm. Người đòi xây chùa chiền, cúng bái… Ngay sau những phút giây vui thú thân xác, ngài quên ngay bọn đó.

Đức vua đang nghĩ ngợi miên man thì có tiếng chuông nhỏ rung lên. Chuông rung dìu dịu, vang ngân. Chuông báo mừng Đêm Thánh. Đức vua trang nghiêm nhìn lên hình ảnh Mẹ Maria đồng trinh. Tiếng Cevallos vang ấm, trầm bổng như tiếng hát: “Nguyện xin ân phúc trên ban đầy tràn. Bình an đêm Giáng Sinh cho nhân trần, hạnh phúc chan chứa trong tâm hồn và một năm mới bình an”.

Lý khẽ dịch câu ca chúc Giáng Sinh cho vua nghe. Ngài thấy hạnh phúc chứa chan, chan chứa trong hồn. Ngài không còn nhớ chuyện chinh chiến bên ngoài vòng thành Yên Trường, tận các đầu sông, ngọn suối, tiếng bước chân voi xung trận, tiếng ngựa hí, tiếng súng, tiếng gươm, tiếng hú rợn người của chiến binh dàn quân đánh nhau. Tiếng thét gầm của lính trước khi đầu họ rụng xuống… Tiếng gầm gừ căm giận của dòng sông. Ngày ngây ngất cùng tiếng hát Thánh ca của mấy ông Tây lạ:

“Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong học nhằn tràn đầy nước mắt. Hy vọng đã vươn lên trong nhà hoang, trên ruộng cằn. Hy vọng đã vươn lên trên bàn tay, trên mặt mày. Hy vọng đã vươn lên trong tim người không bối rối. Hy vọng đã vươn lên như triều dâng cho buồm căng xuôi trường giang”.


Chương 4


Tiếng chim hót ríu rít trong vườn như mời gọi công chúa Mai Hoa thức dậy. Nàng nghe rõ tiếng hót của con khiếu, âm vang giòn tan, trong trẻo, làm rộn rã khu nhà. Tiếng chim như dạ khúc của thần linh từ trời cao tưới tắm an bình xuống mảnh vườn rất nhiều cây xanh, nhiều dây leo, hoa dại, quả chín thơm, bao bọc ngôi nhà năm gian, mái ngói nâu, gỗ nâu, tách biệt với cung điện của đức vua vài thửa ruộng và một con suối nhỏ, có cầu gỗ bắc ngang. Mảnh vườn thoảng thơm hương Cau, hương Ngâu, hương Nhài, hương Chămpa… ẩn sau kinh đô Yên Trường, mang hơi ấm thiên thần, xua âm khí của các loài ma quỉ. Mai Hoa công chúa sống ở đây cùng bà dì và hai thị nữ. Nàng là công chúa Đại Việt, mang dòng máu Chiêm Thành, sinh ra đã phải sống trong cảnh chạy loạn cùng vua cha Lê Anh Tông ở đất này, không được hưởng cuộc đời vàng son, nhung lụa của kinh đô Thăng Long. Hai mẹ con sống cùng cô em ruột của mẹ, họ thích sống như người Chiêm, hồn nhiên, giản dị, gắn với sông, núi, biển, trời, tâm hồn mạnh mẽ và nhiều đức tin. Từ khi vua cha bị giết, mẹ qua đời, Mai Hoa buồn nhớ, càng trông về đất mẹ. Hồn nàng vươn theo vũ khúc tamane hrung, tiếng kèn saranay, tiếng trống paranưng ... vừa hân hoan vừa buồn cô liêu, chầm chậm rơi xuống mấy tầng rừng thẳm, đất dày. Nàng và vua Lê Thế Tông tâm đầu ý hợp bởi hai chị em cùng ham học. Nàng thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, nhưng Khổng giáo không phải là tôn giáo. Khổng Tử đã vạch ra một đạo lý về phẩm hạnh của con người, dựng lên những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân với chính trị xã hội. Nó rất hợp với người cai trị đất nước. Còn với con người thực thể, nàng say mê đạo Phật và theo đạo Bàlamôn của mẹ, thành một lối sống tôn giáo, được dẫn dắt bởi các vấn đề tâm linh và đạo đức. Nàng tôn thờ thần Shiva tượng trưng cho tiềm năng sáng tạo vốn có trong vũ trụ và mỗi cá nhân. Ngày thơ bé nàng đã cùng mẹ và vua cha xem thần Shiva nhảy múa. Điệu múa mô tả sống động năng lực sáng tạo vũ trụ của thần Shiva. Thần có khả năng tạo nên cuộc sống và bảo vệ nó, nhưng cũng làm cho nó biến mất. Trong điệu múa này, thần Shiva hiện thân thành thần Nataraja, tay phải cầm một chiếc trống giơ lên cao, đập đều đều như nhịp tim của cuộc sống, tương trưng cho sự nhịp nhàng của sáng tạo. Tay trái phía trên cao, ngài cầm một ngọn lửa để thiêu hủy thế gian. Vòng lửa bao quanh thần Shiva mô tả chu kỳ hủy diệt và tái tạo cuộc sống liên tục được kích hoạt bởi năng lực sáng tạo của thần Shiva. Khi điệu múa vũ trụ của thần Shiva chấm dứt, thì thế gian cũng chấm dứt một chu kỳ sáng tạo và hủy diệt. Điệu múa của thần Shiva cũng tượng trưng cho sự diệt trừ vô minh hoặc sự không hiểu biết và sự xấu xa thông qua hình ảnh ngài đạp người lùn dưới chân mình. Mặc dù vậy, thần Shiva luôn mưu cầu bảo vệ thế gian và những tín đồ của ngài. Tay phải của ngài hướng thẳng về phía trước được đưa lên bằng một pháp ấn, có nghĩa là” Đừng sợ hãi”, trong khi bàn tay trái hướng về phía trước chỉ xuống bàn chân đưa lên của mình bóa cho biết rằng tất cả những ai đến gần ngài với tấm lòng mộ đạo đều có thể tìm được sự che chở nơi chân ngài… Mai Hoa xem điệu múa này, không sao quên được hình ảnh rực rỡ của thân thể uốn lượn, uyển chuyển, xoay tròn, xoáy tít, mềm mại như ánh sáng vờn mây, và khuôn mặt thanh thản, vô tư, an vui của vũ công… Nàng thường mơ mình nhảy múa trong vũ điệu thần thánh đó…

Được vua Lê Thế Tông cho gặp gỡ linh mục Cevallo nàng rất vui. Năm 1588, vua Lê Thế Tông chưa đủ tuổi, nàng nhiếp chính, đã mời hai linh mục từ Ma Cao đến giảng đạo, năm sau, vua đủ tuổi trị vì, hai vị bị cấm dâng lễ… Nay vua em bỗng nhiên lại cho linh mục tới, nàng thấy sự lạ lùng. Vua Lê Thế Tông không có đức tin vào thần thánh như nàng, nhưng ngài có học vấn, ngài hiểu triết gia và sự sáng tạo những triết lý về cuộc sống. Ngài biết, tôn giáo là một thứ ánh sáng giải quyết cho con người những vấn đề tinh thần mà con người không tìm thấy ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào. Đó là một tâm hướng tư nguyện, nhờ đó con người mới chấp nhận những chân lý và thực hành những giới điều răn dạy tốt đẹp để sống và suy tôn, phụng thờ Đấng sáng tạo tối cao, vô hình. Bản thân ngài cũng thay mặt thần dân cúng tế Trời Đất cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho lòng người an lạc. Nhưng đối với đạo Thiên chúa từ Tây phương xa xôi tới, ngài chưa hiểu rõ, và một vài viên quan cho rằng người Tây dương sang đây để cướp nước, nên ra lệnh cấm các giáo sĩ tới truyền đạo… Còn nàng thì luôn tin có Đấng sáng tạo như thần Shiva mà nàng tôn thờ. Nàng được linh mục giảng những bài đầu tiên về Thiên Chúa hai năm truớc, nên đã hiểu đó là đạo thờ Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô tự xưng là con Thiên Chúa, vâng mệnh Đức Chúa Cha xuống dạy con người các luật pháp để chung sống công bình, yêu thương, biến trần thế thành vườn địa đàng. Chúa Giêsu là người hay là thần, nàng không biết nhưng cuốn Kinh Thánh kể về cuộc đời ngài là kiếp sống thần kỳ, chết đi sống lại để cứu rỗi con người, nàng chưa có dịp hiểu thấu, mới chỉ nghe chuyện trinh nữ Maria sinh ra ngài trong đêm Giáng Sinh thần thánh, nàng đã mê say, muốn tìm, muốn biết tận ngọn nguồn…

Ước nguyện của nàng thành sự thật, các linh mục lại tới biệt dinh này, giảng đạo cho nàng. Nàng thầm reo” Ôi! Vua em, người bạn tâm hồn của ta. Ngài lo việc sơn hà xã tắc, nhưng không quên chăm sóc phần hồn cho ta. Tạ ơn hồn thiêng cha mẹ đã gắn tình chị em ruột thịt thành tình yêu thương thiêng liêng”. Hồn nàng hân hoan uốn theo vòng tròn ánh sáng, bay theo làn gió thoảng hương trầm.

Nàng chạy ra hiên ngắm nhìn những làn mây trắng mỏng như sương, la đà nhè nhẹ trên dãy núi xanh lam. Nàng thầm nhủ hôm nay là ngày đẹp trời. Mây trắng. Nắng ấm và gió lành. Cây hoa Chămpa nở rực rỡ, ngan ngát hương. Nàng kiễng chân đưa tay hái những bông hoa vàng khoe đều năm cánh, còn vương giọt sương đêm, mang vào phòng khách, cẩn thận xếp từng bông hoa thơm lên cái bát gốm Chămpa màu nâu đất, đặt lên bàn tiếp khách. Nàng khẽ gọi Thùy Dung:

- Dậy đi em. Hôm nay nhà ta có khách. Em đun nước pha trà hoa Ngâu và chuẩn bị cho ta một lò trầm hương.

-Dạ thưa công chúa, con sẽ làm ngay, mình đốt trầm trước hay đợi khách đến ạ?

-Thôi được, em mang lò trầm ra đây, tự tay ta nhóm trầm trước khi họ tới, cho hương trầm tỏa ra ngoài ngõ, vườn cây, đón chào khách quí.

Thùy Dung thon thả trong bộ quần áo kiểu Chiêm màu trắng, áo thân dài đến chân, trời lạnh nên nàng quấn thêm khăn màu thanh thiên, nhanh nhẹn lấy từ trong tủ gỗ ra một lò trầm bằng đồng màu đen bóng. Lò trầm Chiêm Thành này là kỷ vật thiêng liêng của mẹ, công chúa chỉ dùng trong những dịp đặc biệt. Lò trầm mang dáng một nụ hoa sen, ba chân cong mềm mại, đặt trên nền lá sen, nhẹ nhàng nâng thân lò, tạo vẻ duyên dáng thánh thiện như thiếu nữ dâng hoa lên Đấng sáng tạo, nắp đậy chạm trổ hình hoa hồng dây, lộ những khoảng trống tinh tế, khi gỗ trầm cháy, khói sẽ bay ra theo đó, tỏa muôn nét tơ trời, vẽ trong không gian vô vàn đường cong mềm óng, màu trắng xanh, uốn lượn trong vũ khúc tự do thần thánh. Công chúa xếp từng mảnh gỗ trầm chẻ nhỏ xếp vào lò, ánh lửa bật cháy, gỗ trầm bén lửa, từ từ nhả khói luồn qua các kẽ hở của nắp đậy lò. Khói uốn éo bay lên. Cả ngôi nhà thơm mùi trầm ấm áp và quyến rũ. Mùi thơm thanh sạch của cây rừng già nhiệt đới chở cả đại ngàn mênh mông về đây.

Cevallos đi cùng Santa, thông ngôn người Bồ Đào Nha tới biệt dinh thăm công chúa Mai Hoa. Hai người rẽ lối mòn cỏ dại đi về phía ngôi nhà vang tiếng chim và thơm mùi trầm hương. Công chúa tự thân ra mở cửa đón chàng. Nàng hiện ra trong bộ xiêm áo màu mây trắng. Họ trao nhau ánh nhìn hương trời, sắc nước. Ánh mắt to đen long lanh như đáy nước dòng sông của nàng giao thoa cùng ánh mắt xanh như sóng biển của chàng. Cevallos định cúi chào công chúa theo phong cách hiệp sĩ Tây Ban Nha, chợt nhớ mình đang đóng vai linh mục, chàng ngưng lại. Tâm hồn chàng vang lên tiếng thơ trẻ trung, tinh nghịch:” Ôi nàng công chúa xinh đẹp nhất trần gian/ Ta dâng nàng trái tim trong sáng và đau khổ của ta/ Ta dâng nàng những chiến công oanh liệt của ta... Tất cả mọi hiệp sĩ Tây Ban Nha/ Phải công nhận nàng là người đẹp nhất trần gian”. Cevallos nhìn Santa, thầm mô tả vẻ đẹp bí ẩn của công chúa Đại Việt. Tóc buông xõa dài và uốn lượn trên thân người giống mây tháng năm trên nền trời. Đôi má mơn man nhung tơ của cánh hoa hồng. Đôi môi thắm ngậm nụ hồng hàm tiếu. Cặp tuyết lê căng tròn như trái ngọt. Làn da nâu đen mịn màng của nàng như phấn hoa mặt đất. Nhưng đôi mắt đen sâu như đáy nước của nàng chứa chất một nỗi sầu vạn kiếp, mà nước mắt có thể tuôn rơi bất cứ khoảnh khắc nào…

Hai chàng Tây cao lớn được mời ngồi vào bộ bàn ghế gỗ nâu đen, các đường viền của nó chạm trổ hình chim, hoa lá, trên bàn bày bát hoa Chămpa, và lò trầm khói tỏa hương thơm, ngạt ngào, thanh tao, bí ẩn. Công chúa Mai Hoa không tỏ ra khách sáo, xa lạ, không một chút kênh kiệu, nàng nói về thú thưởng thức trầm hương của xứ sở mình, tạo không khí thân thiện với vị cha cố:

- Hai ngài nhìn thấy khói len lỏi qua các khoảng trống của nắp lò bay lên mà xem, khói đang nhảy múa trong không gian những vũ điệu của thánh thần, tự do và khoáng đạt, an lạc và uyển chuyển, nhẹ nhàng mà kỳ diệu, ẩn chứa nhiều tiếng nói, nhiều âm thanh không lời… Đây là trò chơi nhốt khói. Khói bị nhốt trong lò, nó vẫn tìm mọi lối để thoát ra và bay lên, thành nghệ thuật, tỏa hương. Nó bay lên thành muôn hình vạn dáng, vẽ nên một bức tranh khói không giới hạn và tỏa hương đầy ắp không gian.

Cevallos thả hồn theo những sợi khói thơm như vờn bay, như nhảy nhót, như mỉm cười, như chào mời, dâng tặng sự bình an. Khói từ lò trầm hương, chầm chậm vẽ những đường tơ vương vấn, hương thơm dìu dịu, đằm thắm, mơ màng. Hồn chàng bay theo những sợi khói tơ nhện mỏng manh, đến những cánh rừng xanh biếc buổi bình minh, thoảng nghe tiếng thông reo, suối hát, tiếng chim hót lao xao và nắng hồng trải lụa, mây trắng bồng bềnh trôi trên nền trời xanh lơ.

Santa nhìn cha cố lặng im trong niềm đắm say, chàng cũng không thể thốt thành lời. Chàng không thể chuyển dịch nổi những lời lẽ dịu êm và sâu lắng, đầy vẻ duyên dáng, ý nhị của công chúa sang tiếng Tây Ban Nha. Tâm hồn phương Đông như một thứ âm nhạc không lời, người ngoại quốc tinh tế phải cảm nhận bằng trái tim, ánh mắt và hương thơm. Mọi tiếng động lúc này sẽ phá tan những cảm xúc trinh nguyên thơm tho của phút giây gặp gỡ… Ngôi nhà thơm hương trầm. Không lời. Hương tan trong hồn quấn quýt số phận họ lại với nhau từ phút ấy…


Chương 5


Mai Hoa vẫy tay gọi Thùy Dung dâng trà mời khách. Công chúa mỉm cười nói về trà hoa Ngâu:

- Thưa cha, tôi mời trà hoa Ngâu, đưa dắt ngài về không gian Đại Việt thế kỷ mười ba, thời Phật giáo thịnh vượng trên đất nước tôi. Cây Ngâu dáng giống cây trà xanh, được trồng trong chùa hoặc các mảnh vườn thanh tịnh. Hoa nhỏ li ti tỏa hương kín đáo, nhẹ nhàng, tinh khiết, ướp trong hương trà khô, pha với nước mưa đun sôi, thành một thứ nước thơm, vị ngọt chát, khi ta uống, tâm hồn trở nên an lạc, trầm lắng. Chuyện kể rằng có lần tổ thiền Bồ Đề Đạt Ma khi tham thiền đã ngủ gục. Tỉnh dậy, ngài tự cắt hết lông mi của mình vứt xuống đất, như là một hình phạt cho sự buồn ngủ lúc hành thiền để đạt được sự giác ngộ. Những lông mi bị cắt đó rơi xuống đất mọc thành cây lá xanh tươi xung quanh ngài. Một hôm ngài hái những cái lá xanh thơm đó đun nước uống, liền hết buồn ngủ, trí óc tỉnh táo, sáng suốt. Đó là cây trà. Tục uống trà của người Đông phương bắt đầu từ đó. Các thiền sư khi tu tập thường uống trà. Chúng ta uống trà, tâm trí tỉnh táo, khoan hòa, thanh tịnh, siêu thoát, thêm hương thơm mầu nhiệm của hoa Ngâu, trong khung cảnh tĩnh lặng, thanh khiết, yên bình, tâm hồn lắng dịu, ung dung tự tại, hiền hòa, hồn người quyện với nhau đậm đà, ý vị.

Cevallos cảm động nhận tách trà nóng tỏa hương thầm từ bàn tay ngà ngọc, năm ngón búp măng mềm mại xòe như cánh hoa sen trắng thơm mát của công chúa. Cha cố nói chậm để Santa dịch:

- Chúng tôi có hồng ân lạc bước tới đất nước của nàng, và bất ngờ được sống trong biết bao cảm giác thiêng liêng tiếp diễn trong tâm hồn chúng tôi bằng âm thanh dào dạt và hương thơm ngọt lành lan tới tận cả cõi Trời. Từ phút được gặp nàng, tôi miên man nghĩ đến vẻ xinh đẹp, tri thức và đức hạnh của người mẹ sẽ cứu rỗi thế gian. Hình như Đức Chúa Trời luôn ban linh thánh cho nàng và xứ sở này.

Công chúa nhìn đôi mắt xanh hiền hòa của chàng, khẽ nói như hát:

- Cha cố mới gặp tôi lần đầu, làm sao hiểu được tâm trí tôi và cả những con người ở xứ sở này. Hãy nhìn vào trái tim tôi, và tiếng chim kêu những buổi chiều tà, xao xác gọi nhau về tổ ấm. Khi hoàng hôn tắt dần, màu hồng tím sẫm chuyển thành màu đen choàng lên dãy núi kia, là lúc tâm hồn tôi lưu lạc. Thượng đế bắt tôi phải lo âu, buồn chán. Trước mắt tôi là cuộc đời đau khổ, là đám người tranh nhau xuống mộ, cả vua chúa, lẫn võ tướng công hầu cũng vậy mà thôi. Họ không nghe thấy tiếng tôi kêu thảm thiết. Họ không biết cuộc đời người ngắn ngủi, phù hoa, cứ chém giết, tranh giành nhau một thứ quyền lực hão huyền. Ngôi nhà của tôi đây, hay đời tôi luôn rộng mở, nhưng đầy buồn lo và trống rỗng, tâm hồn tôi không yên tĩnh, chứa chất những âu lo. Liệu tôi còn phải còng lưng gánh nỗi bi sầu xứ sở bao lâu nữa? Ông trời già thật bất công vô cớ bắt tôi cõng gánh nặng này. Tôi nghe nói địa ngục dưới âm phủ và thiên đường ở trên trời. Nhưng ngẫm soi mình tôi thấy địa ngục và thiên đường ở ngay trong hai nửa trái tim tôi…

Cevallos nhận ra trong giọng nói của nàng ấp ủ một linh hồn lớn, linh hồn vĩ đại, bấy lâu chìm ngủ rất sâu trong trái tim nàng, giờ đây đang thức dậy. Chàng bỗng cảm thấy mình có bổn phận phải chăm sóc linh hồn cao thượng, lành mạnh, quảng đại, ngự trong hình thể tươi đẹp của nàng. Linh hồn nàng phải được thăng hướng lên cao, đến cõi vô cùng của trời đất… để nàng hiểu được rằng với tình yêu vĩnh hằng, vô biên của Đấng sáng tạo tuyệt vời trong cảm giác, nàng sẽ hạnh phúc hưởng thụ vẻ đẹp hoàn hảo của thiên nhiên, vũ trụ, hòa điệu trong hơi thở êm đềm dịu ngọt của nàng…

Chàng bắt đầu nói với nàng bằng giọng trầm ca du dương của cha cố:

- Tôi hy vọng đến một ngày, công chúa sẽ thay đổi tâm trí trong cách nhìn cuộc sống, bằng con mắt thứ ba. Con mắt của niềm tin, vượt lên mọi giới hạn vật chất và cuộc sống thường ngày. Sống không niềm tin thật là một bất hạnh lớn. Không tin, con người sống trong mù mịt, không tìm ra câu trả lời về vấn đề sinh tử liên quan đến hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Người ta sinh ra từ đâu? Sống là gì? Chết là gì? Làm thế nào để tìm được hạnh phúc? Chỉ khi nào có niềm tin ở Thượng đế con người mới giải đáp được các câu hỏi đó. Ta biết nàng không phải là người vô thần, nhưng nàng chưa thực sự dấn thân hy sinh như một nhà đạo hạnh để cứu mình, cứu đời, nên nàng chưa cảm nhận được Đấng tối cao luôn che chở, đem hạnh phúc đến cho nàng. Thượng đế hay Thiên Chúa, Đấng tối cao… là vô hình, ẩn sâu trong tâm thức của chúng ta. Một ngày trăng sao sáng đẹp, nàng hãy nhìn lên bầu trời. Ngàn triệu ngôi sao lấp lánh trong tầng cao bao la, người ta bảo đó là hàng tỷ ngân hà. Vũ trụ tinh tú khổng lồ vô biên đó phát ra một tốc độ kinh khủng, tốc độ ánh sáng nhưng chưa một tinh tú nào chạm nhau... Và sự sống xuất hiện trên mặt đất và sự sống được bảo tồn là một sự xếp đặt hết sức diệu kỳ, chúng ta biết tạ ơn ai ngoài Đấng sáng tạo hay Thiên Chúa toàn năng…

Nàng cảm nhận được ánh mắt Cevallos dành cho nàng, mênh mang một tình cảm nồng nàn, cao siêu, thần thánh:

- Vâng thưa đức cha, tôi hiểu những điều ngài sẽ nói cùng tôi. Thế giới vô hình với thánh thần và cả ma vương, quỉ quái đối với tôi không có gì xa lạ. Tôi phải sống chung với chúng theo cái cách mà tổ tiên tôi truyền dạy.Tôi mong muốn được biết về đạo Thiên Chúa. Tôi đã xin đức vua lưu các ngài tại kinh đô Yên Trường một khoảng thời gian dài. Từ nay, mỗi chiều chúng ta gặp nhau tại biệt dinh của tôi để cha giảng đạo, tôi sẽ học Kinh Thánh. Nhưng trước hết tôi muốn hiểu về cuộc sống của cha và đất nước Tây Ban Nha xa lạ mà thân liễu yếu đào tơ như tôi, không bao giờ tới được.

-Tạ ơn Chúa đã dẫn dắt nàng. Vâng, tôi sẽ kể về cuộc đời tôi, sẽ dẫn nàng đi du ngoạn bốn bể năm châu cùng tôi trong bão biển qua chàng thông ngôn Panta đáng yêu này. Hỡi Panta, hãy cùng ta kể về những đất nước bên bờ Địa Trung Hải của mình cho nàng công chúa đẹp như thiên thần trong lâu đài gỗ thơm này nghe. Nàng sẽ phải khóc. Nàng sẽ trở nên đầy sức mạnh. Nàng sẽ hát ca và nguyện cầu Chúa cùng ta. Giống như những nốt nhạc xanh từ trời cao siêu việt, dệt hồn chúng ta thành bản nhạc giao mùa.

Santa cung kính nghiêng mình tước linh mục và nói:

-Thưa đức cha, cho phép tôi được hôn đôi bàn tay sương gió của ngài, tôi luôn tôn sùng ngài, hiệp sĩ của đất nước Tây Ban Nha đến với Thánh đường sau những con đường đời chinh chiến và những cơn bão đại dương. Tôi sẽ kể chuyện đó với nàng công chúa xinh đẹp mà tâm hồn như vàng bạc, châu báu, kim cương, như hương thơm của xứ sở rừng già, đồng lúa, biển cả, hỗn mang giao phối.

Cevallos mỉm cười với người bạn Bồ Đào Nha, đất nước láng giềng của mình. Tâm hồn họ thật gần nhau.

Ánh mắt của Santa nhìn sang công chúa:

-Thưa công chúa có gương mặt buồn cao thượng của nữ thánh, nàng có đủ sức nghe chúng tôi không? Nghe những câu chuyện khám phá biển lớn và khám phá những mảnh đời chìm nổi để bay lên… Tôi đến từ đất nước Bồ Đào Nha, tiếng Latinh có nghĩa là” hải cảng ôn hòa”, phía Bắc giáp Đại Tây Dương, phía Nam là Địa Trung Hải. Đất nước tôi hiện lên vẻ đẹp cổ kính, u tịch của những pháo đài cổ, tu viện, nhà thờ Thiên chúa, những công viên xanh cây và những quảng trường lớn, nơi vui chơi của hòang gia, những thánh địa, khu tưởng niệm danh tướng, nhà truyền đạo, nhà hàng hải với những con tàu lớn, nhà thờ hài cốt những người chết vì chiến tranh. Và tâm hồn Bồ Đào Nha? Nàng hãy lắng nghe bài thơ Bản dạ khúc ở Veníse” Âm nhạc không chịu ngưng, mà tràn đầy huyền bí/ Có lẽ vì em dừng chân lâu quá ở bến đò/ Mặt nước phản chiếu nỗi buồn hay niềm vui từ ánh mắt của em?/ Mà sao cứ lặng thầm/ Không bùng nở như pháo hoa, để màn đêm rộng mở.”
Còn Tây Ban Nha, quê hương của đức cha nằm ở bán đảo Iberian, phía Tây giáp Bồ Đào Nha, Đông Bắc giáp Pháp, phía Đông và Nam nhìn ra Địa Trung Hải. Đất nước này được mệnh danh là “vương quốc đấu bò”, người Tây Ban Nha theo Thiên chúa giáo, từng là một cường quốc trên biển, chinh phục các nước châu Âu, châu Phi, đặt chân lên châu Mỹ, nhưng lại hợp nhất với Bồ Đào Nha. Thành phố Barcelona nằm ở bờ biển Địa Trung Hải là niềm kiêu ngạo của Tây Ban Nha, là “ viên ngọc của bán đảo Iberian”, nơi thương giao công nghiệp mỹ lệ nhất thế giới. Ở đây có những nhà thờ, cung điện dát vàng, bạc, đá hoa, ngọc bích, cẩm thạch, với những tác phẩm nghệ thuật, hội họa quí giá…

Công chúa dõi theo câu chuyện như lạc vào cổ tích. Nàng chú ý đến phong tục đấu bò kỳ lạ của Tây Ban Nha với cảm giác vừa sợ vừa lạ, nàng mời trà Santa và nói:

- Tôi thật ngạc nhiên vì tục đấu bò trở thành quốc túy của dân Tây Ban Nha, đáng sợ đấy, và cũng dũng mãnh nữa. Ở nước tôi, từ thời Trần vua thường thích xem đấu hổ. Quân sĩ đánh nhau với hổ, vua, thái hậu và các phi tần đến xem. Họ xem đấu hổ để chứng minh sức mạnh của mình. Họ muốn hổ bao giờ cũng phải chịu thua nên đã cắt hết nanh vuốt hổ khi nó vào trận quyết đấu với con người. Có lần con hổ bất chợt nhảy ra khỏi chuồng đấu, leo lên lầu, những người trên lầu sợ chết khiếp, riêng khâm từ Bảo Khánh hoàng thái hậu bình tĩnh lấy cái chiếu che cho thượng hoàng cùng mọi người. Con hổ lên lầu thấy đống chiếu lù lù, gầm lên mà nhảy xuống, mọi người thoát chết. Tôi thì chẳng bao giờ thích xem cái trò đó.

Cevallos nói:

-Con người không quên quá khứ của mình. Trò đấu bò nhắc nhớ lại thời xa xưa tổ tiên chúng tôi sống trong rừng hoang vu cùng dã thú, họ thường xuyên phải liều mình đấu với bò rừng, sau này trở về đất và biển, xây lâu đài, thành quách, cung điện, nhà thờ, sáng tạo nghệ thuật, nhảy múa, hát ca… Đấu bò trở thành một loại hình biểu diễn. Người Tây Ban Nha thích thú cuồng nhiệt với các trận đấu bò. Mỗi năm có hàng nghìn trận đấu bò. Con bò đực được dùng trong các trận đấu bò rất hung dữ, được người dân chuyên nuôi để đấu bò. Bò chỉ đấu một lần rồi bị loại vì bò ra trận lần thứ hai không hung dữ như lần đầu. Các đấu sĩ đều phải huấn luyện nghiêm khắc, phải có thân thể cường tráng, có lòng can đảm và kỹ thuật tinh xảo, giỏi vờn con bò đực hung dữ và có khả năng đâm chết bò bằng một nhát kiếm. Phần thưởng cho đấu sĩ xuất sắc là hai cái tai bò và một cái đuôi bò.

Người Tây Ban Nha không chỉ thích đấu bò mà còn giỏi múa hát nữa, đặc biệt là vũ điệu Flamenco sôi nổi, được gọi là quốc túy Tây Ban Nha. Điệu Flamenco bắt nguồn từ vũ đạo của người Digan, người Andalucia và người Ả Rập pha trộn phong cách nhiều dân tộc. Người ta vừa nhảy vừa hát, vừa múa, với chủ đề chính là Thượng đế, phụ nữ và tình yêu… Họ nhảy ngẫu hứng theo từng loại nhạc, vừa hát vừa nhảy. Chân họ gõ xuống nền nhà, đánh các ngón tay để phát ra tiếng kêu giòn giã mà lại có tiết tấu, nhịp điệu, hấp dẫn mọi người bằng vẻ đẹp cơ thể và sự sôi nổi, hào hứng… Các chàng trai Tây Ban Nha còn có phong tục nịnh con gái đẹp ở nơi công cộng. Con trai Tây Ban Nha tình cờ bắt gặp bất kỳ một cô gái đẹp nào trên phố đều có thể chủ động đến nịnh đầm vài câu, khen ngợi vẻ đẹp của cô gái, làm cô ta cảm kích vui vẻ đối đáp lại vài câu. Kiểu đối đáp ý nhị, tình tứ này hay và đẹp như những bài tình ca Tây Ban Nha ngẫu hứng…

Cevallos bỗng ngừng lời. Im lặng. Hương trầm dâng cảm xúc thanh tao. Cha cố thầm hát theo làn khói hương trầm:” Nàng công chúa kiều diễm của vườn hoa Đại Việt ơi! Cuộc gặp gỡ với nàng đã cho tôi nhớ lại tuổi thanh xuân của tôi. Một chàng trai Tây Ban Nha phong độ hiệp sĩ, cưỡi ngựa đi khắp bốn phương tìm sức mạnh và tình yêu. Chàng ngẩng cao đầu đi trong ánh sáng, nước và lửa mà trái tim rung lên ngọt ngào, say đắm: “ Hơi mát đầu xuân ngả xuống cánh rừng/ Như cái hôn vô tình của Trời trao tặng Đất/ Một chút gì mới tinh không thể mất/ Trong khói sương xanh thẳm đến vô cùng…/ Những đám mây cao, lớp lớp trập trùng/ Như bốc dậy từ men say đất trẻ/ Lá non nướt, khiến tim mình run khẽ/ Hạt mưa nào thấm đẫm mãi thung sâu…/ Hoa hạnh đào ơi, đẹp quá, có ai đâu!/ Sao cành vẫn khoe tươi, hoa một mình trổ sắc?/ Khiến ta nhớ tuổi dại khờ ngày trước/ Tuổi biết yêu mà không có ai yêu!/ Đời đã hầu qua, mất mát đã nhiều/ Đâu có thể chọn con đường khác nữa?/ Nhưng dẫu thế, rừng ơi, ta vẫn nhớ/ Hơi mát đầu xuân từ giấc mộng không còn”.

  ... CÒN TIẾP ...






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com