K hi một em bé được sinh ra, bác sĩ liền vỗ cho em bé kêu oe oe. Mọi người nghe đều cười vui. Vậy mà từ xa xưa đến giờ người ta cho đó là tiếng khóc đầu đời, như điềm báo một cuộc đời đầy khổ ải mà em bé này phải gánh chịu. Người viết thấy người đời từ ngàn xưa thiếu hiểu biết, văn hóa kém, chứ không phải giàu tưởng tượng, thấy đâu nói đó. Cứ thấy con nít mới sinh biết kêu lên mấy tiếng oe oe thì cho là khóc. Đó chính là sự bắt đầu những nhịp thở đầu đời của bé chứng tỏ cơ thể của bé bắt đầu làm việc. Cũng từ thời điểm này người mẹ bắt đầu tập cho em bé thưởng thức những giọt sữa nồng ấm làm thành bữa ăn thịnh soạn đầu đời của bé.
Từ đây bữa ăn từ sữa mẹ của em bé tiếp diễn đều đặn từng ngày. Cơ thể em bé phát triển theo. Đến thời điểm nào đó em bé đổi sang ăn cơm với thức ăn như người trưởng thành. Như vậy ăn là nhu cầu để phát triển cơ thể. Người không ăn sẽ đói và rồi sẽ chết. Người ta tuyệt thực là dọa tự tử để đòi hỏi hay yêu sách gì đó. Một người đang đói sẵn sàng làm bất cứ điều gì theo yêu cầu của người đến cho ăn. Có khi đói quá như hồi ở tù cải tạo người ta phải ăn những động vật không sợ bị bắt tội phá hoại môi trường như cóc, nhái, rết, cuốn chiếu. Hai con vật sau này anh em cải tạo đặt cho cái tên “tôm đất” vì ăn thấy ngon giống thứ thiệt. Rắn và ếch thuộc mặt hàng cao cấp rất ít khi bắt được. Một anh bạn lớn tuổi hơn nhiều nhưng đồng cấp “bò nhị”, vì anh ta đi lính hồi thời Tây đeo lon từ “đơ-zèm cùi bắp, chữ nghĩa thiếu thốn nhờ người viết làm giúp bài thu hoạch, qua ngày hôm sau anh ta bắt được một con cóc, anh đem rang muối rồi tặng cho người viết hai cái đùi cóc mập ú. Người viết muốn nhường lại một cái đùi, vì con cóc có hai cái đùi là ngon nhất, nhưng anh ta không chịu, bắt người viết phải ăn hết hai cái đùi để bổ dưỡng đồng đều hai chân của người viết đang bị tê vì “thủng”. Người viết tặng cho ông này danh hiệu “thầy thuốc thủng”. Cái chuyện ăn để sống ứng với câu ca dao:
“Ăn mà đặng sống ở đời,
Người ta không sống ở đời mà ăn”
Con người dần dần trưởng thành, cái ăn không chỉ là làm cho tiêu tan cơn đói mà còn đem lại cho con người gia tăng khẩu vị biết thưởng thức món ăn, thấy món ăn nào ngon thì thích ăn, món nào không kích thích được khẩu vị, không chảy được nước bọt, tức là món ăn đó dở, người ta không muốn ăn.
Nhiều khi bữa ăn còn là phương tiện giúp cho sự giao tiếp thêm phần thân mật. Đọc bao nhiệu truyện của tác giả Hồ Biểu Chánh đều thấy ở nhà quê khách tới nhà, chủ nhà luôn luôn mời “ở lại ăn cơm, mấy đứa nhỏ mới câu được con cá lóc gần một kí nấu canh chua ngon lắm”. Ở thành phố người ta khá giả hơn, khách đến nhà cũng thường được chủ nhà mời ăn uống cộng thêm chuyện nhậu nhẹt xây dựng được tinh thần đoàn kết lên cao độ.
Có người đi xa về mua về một món hải sản hoặc một món thịt rừng (khi chưa có luật cấm bắt động vật quí hiếm), hoặc ghé Bến lức mua mấy con chuột đồng đem về chế biến rồi mời bạn bè đến thưởng thức. chén chú chén anh xôm tụ vui vẻ.
Ngày nay dân số càng đông, nhu cầu ăn uống càng lớn, cách ăn uống càng biến đổi, khi thì thức ăn phải được nướng, thịt heo, thịt bò cũng nướng, gà, vịt, cá lớn cá nhỏ cũng nướng, đến trái đậu bắp cũng nướng. cho nên có nhiều tiệm ăn có bảng hiệu “dê nướng” hay “làng nướng”. Có khi thức ăn làm theo dạng lẫu. Đủ thứ lẫu, lẫu bò, lẫu cá, lẫu thập cẩm. Người ta luôn tìm mọi cách chế biến thực phẩm cho thực sự hấp dẫn để phục vụ cái miệng con người. Đó là nhu cầu ăn ngon, là “sống ở đời mà ăn”. Người nào ăn được nhiều hơn, được ăn ngon hơn sẽ được hạnh phúc nhiều hơn. Hơn ai không cần biết, có thể hạnh phúc hơn quá khứ của họ.
Tóm lại, ăn uống là một nhu cầu lớn nhất của con người, số lượng hoạt động của con người đều nhắm vào cái ăn cái uống. Dân Mễ trùng trùng diệp điệp vượt biên vào đất Mỹ cũng để tìm cái ăn, nói cho văn chương một tí là họ đi vì lí do kinh tế. Chỉ cần nhìn dân Mễ và các nước Nam Mỹ hàng hàng lớp lớp đổ về hàng rào biên giới phía Nam nước Mỹ sẽ thấy cái ăn để xóa đói của con người quan trọng như thế nào. Khi họ vượt qua biên giới tự họ sẽ thấy ngập tràn hạnh phúc vì sẽ được ăn nhiền và ăn ngon.