Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ MIỀN CÁT BỤI




    T ên chàng là Nam. Chàng còn sống, về làng. Biệt tăm tích mấy chục năm, nay ở Sài Gòn, chưa vợ, giàu có lắm. Tin cứ bập bõm đến tai nàng. Và thật rồi. Nàng thấp thỏm, người ta nhớ tới mình chăng? Chợt tủi thân, nước mắt ngân ngấn nơi khóe mi. Chẳng thể chạy đến với người ta.

Ơ kìa, người ấy đến kìa, bất ngờ, sừng sững đứng giữa sân. Con người tệ bạc sao, bao lần thoắt ẩn thoắt hiện, dai dẳng bám đuổi, hành hạ đời nàng. Chợt đưa tay lên ôm mặt, nàng tức tưởi...

- Nín đi em!

Vẫn giọng nói đó, âu yếm, thương chiều, nó làm tan chảy lòng nàng. Không kìm nén nổi, đôi tay nàng quàng ôm giữ người ta:

- Nam ơi!

- Nín đi kìa! Lại thích chết sao? Xác hai đứa dập dềnh, kinh, kinh là!

Vừa nức nở, nàng vừa bật cười, vì câu đùa ấy của chàng. Bẹo cái rõ đau vào mạn sườn người ta, y như ngày trước nàng từng bẹo vậy. Mấy chục năm trước từng nghe chàng dọa dẫm thế. Người đâu ác thế. Nàng từng rủ chàng, cả hai cùng chết, kéo nhau ra bờ sông trẫm mình.



Mùa lũ, khúc ngã ba sông Luộc chảy vào sông Hóa vực lớn, sông sâu, dòng nước đảo ngược lộn xuôi, cuồn cuộn chảy. Đêm trăng sông nước mênh mang, tiếng trống hộ đê thùng thùng. Sát mép nước hai đứa ghì quyện, quằn quại trong yêu. Chỉ còn phút giây ngắn ngủi, họ sẽ chết, sẽ cùng nhau sang thế giới bên kia. Nơi miền trời đất ấy, còn được yêu đương chăng, nên họ mê mết lần cuối, yêu nhau hơn thác lũ, hơn cả xoáy cuộn vực sâu.

Nàng và chàng bàn bạc thấu đáo, bàn đến mấy bận, hai hay ba lần cả thảy, kỹ càng, chi tiết. Chàng từng cảnh báo, kiểu ấy là chết trôi, ghê hãi, mặt mũi biến dạng, bụng trương phềnh, tóc tai rũ rượi, lũ cá mương xúm xít tỉa rỉa. Đấy, như xác chết dạt vào cánh bãi, người thân tới, mồm mũi hộc máu. Nàng chả sợ, bảo treo cổ, hay uống thuốc sâu vô pha tốc, chết đâu được kề cận, còn theo kiểu chết trôi, thân xác sẽ bên nhau tận phút cuối. Họ đã lựa chọn, quyết định cách thức ấy, trói ghì nhau, lăn tùm xuống sông.

Nào họ có thích thế đâu. Đến như con chó, ông trời đầy đọa làm kiếp loài phải ăn thứ bẩn tưởi, còn chả thích chết, huống hồ là giống người. Chàng và nàng cặp trai tài gái sắc nhất làng Hạ. Mùa hội diễn văn nghệ các đội chèo mấy xã, em xinh giòn như cô Tấm. Con gái làng Hạ đẹp nức tiếng trong vùng. Chả thế có câu: Gái nhất Hạ, cá nhất Bùng... Làng Hạ có giếng Ngọc, mát trong, nước ngọt lịm, chả bao giờ cạn vơi.

Nàng lại hôn chàng, ôm ghì miết mải; chàng cũng vậy, quấn bện; tiếng nàng, tiếng chàng hổn hển như xoáy nước réo cuộn trên sông. Bất chợt ánh đèn pin bật sáng, cùng tiếng quy lát súng lên nòng rôm rốp. Đèn rọi vào mặt nàng. Chàng ngồi ngược chiều, nhìn không rõ mặt, chỉ thấy tấm thân trần trụi.

- Ngồi yên. Chúng mày hủ hóa, hay âm mưu phá hoại?

Kìa, nàng đẩy đẩy chàng ra và cũng nhoai nhoai người. Chàng biết, nàng muốn cả hai làm gì rồi, lao xuống sông cho thoát cái nợ đời. Theo ý nàng, chàng đã lao tuột xuống dòng sông. Đạn nổ đôm đốp bắn đuổi theo. Nàng cũng nhoài người, nhưng hai chân bị vòng dây trói buộc, tự buộc trước mà, chuẩn bị cho cuộc tự tử của hai đứa. Dân quân xông vào giằng giữ. Áo nàng bung hết khuy cúc, họ không cho cài lại và khênh lôi như một con lợn. Nàng vẫy vùng, quẫy đạp. Dân quân chiếu rọi đèn pin, ồn ã trước chiến công, bắt quả tang kẻ đang hủ hóa và còn bàn bạc kế hoạch phản động.

Tội hủ hóa ngày đó chỉ xếp sau tội phản quốc và phản động. Trong làng nhiều xóm có người đêm đêm đi rình lũ ấy. Ai rình nhiều, phát hiện ra lắm, sẽ được đánh giá là lòng yêu nước cao, được tuyên dương, đọc oang oang trên loa đài.Một ông trong xóm, thấy hết người nọ, người kia được nêu gương trên loa đài, đâm sốt ruột, đêm đêm bí mật đi rình bọn Việt gian. Dù mưa to, bão lớn, hay trời rét căm căm, lão vẫn rình mò. Phải đêm mưa bão, lãokhoác áo tơi; hôm thời tiết rét mướt, khoác bao tải. Vợ lão mới đầu cũng gàn, gàn mãi không xong, cuối cùng mắc xác nhà lão, muốn rình ai thì rình, muốn mò mẫm tới nhà nào thì cứ tới. Có đêm rình, lão bị chó hoang cắn cho mấy phát, vẫn không chừa.

Một đêm lão rình nhà mẹ con bà góa kia, nghe thấy  họ thầm thì, giấu đám phân bắc, loại thượng đẳng phân,  không đem cân chung cho hợp tác xã, mà để bón ruộng phần trăm nhà mình. Tưởng chuyến này được tuyên dương trên lên loa, nhưng khi báo cáo, ông đội trưởng bảo:

- Thế mới chỉ gần là phản động thôi, phải chịu khó tìm ra bọn phản động cơ, chứ phản động phân tro…

Lần sau lão rình và báo cáo vụ mụ già kia, không những mắc tội móc cua, làm vỡ toang bờ ruộng, ở giữa cánh động lại dám chửi vụng ông chủ nhiệm ăn trên ngồi trốc. Lão đội trưởng bảo:

-Đúng là phản động, phản động nặng, nhưng nếu bắt con mẹ già ấy đi tù, già cả thế xã hội tốn kém thêm ngày dăm lạng thóc, chả bỏ, lại mất đi nhân công lao động, yếu đi nền kinh tế tập thể đang đà vươn lên.

Gần nhà lão ta, có một tay nọ, vài tháng nay đêm đêm cũng bí mật đi rình bọn bọn Việt gian, vợ cũng gàn, hắn chẳng nghe. Cuối cùng bà vợ cũng mặc xác ông chồng.Đêm ây là thượng tuần, vào lúc khuya khoắt, nhìn bằng mắt chả thấy gì, có chăng chỉ dùng tay sờ sơ, hay dỏng tai nghe ngóng, lại phải đêm rét mướt, rét cắt da cắt thịt.Không hiểu sao tối đó lão ta tăm tia đúng nhà lão kia để rình. Vì thấy lão kia vài tháng gần đó, mặt mũi rất lấm lét, cứ như thằng Việt gian. Trong những cuộc họp bình công điểm hợp tác xã, lão ta nhìn ngó, tai thì hong hóng.

Lão trườn qua vườn, tiếp cần tường nhà lão kia, tiếp cận đúng vào gian buồng. Lão áp tai nghe ngóng đến cả tiếng. Lúc ấy khoảng một giờ sáng, chợt nghe tiếng kẹt cửa, rồi tiếp đấy là tiếng bước chân, tiếp nữa là tiếng người thì thào,…. Đúng là Việt gian rồi. Đêm hôm thế này, chỉ có lũ phản động mới tụ tập, bàn việc xấu, còn ai bàn chuyện đời sống xã hội, hay khoa học kỹ thuật trồng bèo hoa dâu. Hình như có tiếng cọt kẹt, nghĩ, chắc chúng đang tập luyện quân sự, rồi lại loáng thoáng nghe chúng  thì thào. Đúng rồi, tiếng:

- Giết này (tiếng đàn ông).

- Ứ… ừ….ư. Giết… giết nữa đi… (tiếng đàn bà).

Đúng lũ phản động, đang bàn chuyện giết người. Nghĩ tới đó, trong đầu lão lóe lên ý nghĩ, phải hô hoán toáng lên, báo cho dân làng biết. Thế là vụt dậy, láo gào tướng:

- Bớ làng xom ơi, bà con ơi, có lũ phản động!

Dân làng, dân quân, đèn đuốc, súng ống rầm rấp kéo đến.Kinh hãi quá, lũ phản động gồm một cặp đứa đực, cái, trần nhộng nhộng.


♣ ♣

Nàng bị nhốt trong căn nhà kho hợp tác xã từng chứa thuốc sâu, nhốt cả tuần, sau đó dong lên huyện. Tra khảo, truy vấn, nhất quyết nàng đâu khai nhận gì: dây buộc chân để làm gì; cái thằng cởi trần ấy, người nhái phải không;... Đại ý nhiều câu hỏi. Làng xóm ầm ĩ, nàng là đứa phản động, câu kết với bọn người nhái tận hạm đội Bảy của Mỹ ngoài biển Đông,âm mưu tấn công làng ta. Thảo nào, mấy tuần nay máy bay Thần Sấm, Con Ma quần thảo, ném bom trúng kho xăng trên quốc lộ. Trước đó làng xóm có bức tường nào trống đã đầy kín khẩu hiệu bí mật ba không: Không biết, không nghe, không trông thấy. Sau vụ nàng bị bắt, khẩu hiệu được kẻ vẽ thêm dày đặc.

Nàng không đưa tiễn được chàng trong ngày nhập ngũ. Đêm ấy, khi dân quân xô bắt, chàng lao xuống dòng nước lũ, may mắn thoát loạt đạn bắn đuổi. Vài ngày sau khi nàng bị bắt, chàng nhận giấy báo khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trước khi nàng bị dong lên huyện, chàng kịp tiếp cận, tung vào nhà kho mảnh giấy, thông báo ngày nhập ngũ của mình. Chàng đứng chết lặng, nhìn theo người yêu tay bị trói gập cánh khuỷu, dân quân súng ống áp tải lên huyện.

Tại sao chàng và nàng rủ nhau chết? Bởi nàng thành phần dính dáng tới ngụy quân ngụy quyền, trước bố từng là lính bảo hoàng, dù là chân đầu bếp. Bố chàng bảo, đầu bếp cũng có nợ máu với nhân dân. Ông là bí thư chi bộ xã, rất tự hào từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước ngày nhập ngũ dăm hôm, gia đình tổ chức cưới vợ cho chàng. Dù con trai không đồng ý, ông Bí thư nhất quyết bắt phải cưới vợ. Đưa tiễn chàng lên đường tòng quân, hai người phụ nữ - mẹ và vợ chàng - mắt mũi đỏ hoe. Mẹ chàng khóc đưa tiễn con trai ra trận, có ngày đi chả biết có ngày trở về không. Tháng trước làng xã vừa tổ chức lễ truy điệu liệt sỹ. Còn vợ chàng khóc tiễn đưa chồng, bởi cưới xin dăm hôm, sống chung trong căn buồng nhỏ, mà vẫn còn là con gái đồng trinh.


♣ ♣

- Em... em!

Nàng giật mình nghe tiếng người yêu gọi, tý nữa thét toáng lên. Bàn tay đã bịt chặt lấy miệng nàng. Đêm đó trên gò hoang, chàng và nàng đam mê. Tận gần cuối canh năm, khi gà gáy rộ, đằng đông bình minh hé rạng, họ mới bịn rịn chia tay.

Chàng được về phép đôi ngày.Có vợ đấy, mà mấy đêm liền họ bện lấy nhau. Chàng còn nấn ná, nếu không có nàng gàn, có khi đào căn hầm trên gò hoang để hai đứa được mãi ân ái bên nhau: “Không được đâu! Mấy tuần nhốt giữ ở huyện, em nhìn thấy mấy người đào ngũ, B quay, cứ trước bữa trưa và tối, đi vòng quanh sân, vung tay hô khẩu hiệu: Thanh niên ai cũng như tôi thì mất nước.Lại nữa, chính đứa bạn cùng trang lứa với chàng, khi vận hành máy nổ, sơ suất thế nào, bị nghiến cụt ngón tay. Vết thương còn băng bó, hết Đoàn thanh niên, tới xã đội lục vấn, tại sao không bị thương ở vị trí khác. Chi đoàn thôn họp mấy tối phân tích, mổ xẻ, cuối cùng ra kết luận: làm cụt ngón chỏ tay để không bóp được cò súng, ý đồ trốn tránh nhập ngũ. Bị dồn đẩy, uất ức, chàng trai quyên sinh, chứng minh cho tai nạn của mình là trong sáng. Vậy sao chàng có thể chốn tránh, ở lại được.

Khi chàng quay lại đơn vị và đi Nam, sau năm sáu, bảy tháng, làng có tin nóng hôi hổi, câu chuyện từ người già chí đàn bà, trẻ con về hai vụ chửa, nàng và vợ chàng. Nàng thì nhục nhã rồi. "Không biết con ấy ngủ với thằng nào, hay với bọn người nhái ở hạm đội Bảy cũng nên". Còn cha mẹ chàng, ông bà bí thư, hả hể khoe khắp xóm làng, sắp có cháu nội. Ông mơ tưởng tới thằng cháu đích tôn nối dõi dòng giống. Chuyện rồi lắng xuống. Bố đứa trẻ - con của nàng - là ai, dân làng chả quan tâm nữa. Chúng cứ lớn, lũn cũn lớn lên ba, bốn, năm tuổi.


♣ ♣

Bom đạn vẫn đì đùm, người chết bom, người hy sinh ngoài mặt trận. Ai ai cũng mệt mỏi, ước ao hòa bình, cầu mong chiến tranh chấm dứt. Dịp ấy có chiếc máy bay địch rơi. Dù bung ra, thằng phi công Mỹ bay lơ lửng trên trời. Dân mấy làng gậy cuốc bủa vây, tóm sống được nó. Tiếp đất, nó bị thương, phải ngồi trên xe trâu. Nếu không có dân quân súng ống vây quanh, dân làng ùa vào, băm vằm xác nó nát như tương. Làng bao người bị chúng thả bom đạn giết chóc. Tháng trước, rốc két đốt cháy nửa làng. Sợ nhất ở hố bom kia, vô tình thấy tảng thịt trôi lình phình. Hóa ra là khúc đùi người. Căm thù thằng giặc, dân làng nét mặt phừng phừng, nhua nhúa chạy theo, đồng thanh gào thét:

- Đả đảo đế quốc Mỹ tàn ác!

Tay phi công bị thương, vừa đau vừa lơ ngơ ngó nhìn đám nhân dân. Chắc nó hiểu, những người kia chả phải mừng vui, hô hào, đón rước nó.

Hòa bình chưa thấy đâu, làng trên xóm dưới lại nhận được tin dữ. Buồn nhất là ông bí thư xã. Mặt ông rũ buồn, cả tuần lễ chả thiết ra khỏi nhà. Ngay cả khi chủ trì cuộc họp, mặt ông cúi gằm, không còn say sưa chỉ đạo nữa. Rồi ông quỵ, ốm đúng một tuần thì mất. Đồn rằng, trước khi mất, thổ ra bát máu. Đám tang ông bí thư có thằng cháu đích tôn quấn vành khăn tang chở ông nội nó. Nàng cũng đưa con tới. Nó là cháu của ông mà, cũng như nàng ấy, phận dâu con vô thừa nhận, buồn tủi đưa đám. Trong tang ma, ánh mắt hai người phụ nữ chạm nhau, vợ của chàng và nàng. Thoáng nhìn thôi, họ cùng nhau chia sẻ, những đớn đau của kiếp phận đàn bà. Nàng âm thầm bước theo dân làng đưa tiễn người đã khuất lần cuối.

Không chết mới là điều lạ, ông bố mất bởi đau uất quá. Mấy buổi trên đài phát thanh Sài Gòn, oang oang tiếng con trai chiêu hồi địch, gửi lời thăm hỏi tới cha mẹ và cả dân làng Hạ. Thật khác thường, hơn nửa năm sau ngày bố chồng mất, cô con dâu lại thắt thêm vành khăn tang mới. Chả biết chởai. Bà mẹ chồng gặng hỏi, nàng dâu nhất mực im lặng. Lòng người mẹ quặn đau. Chắc con dâu phong thanh đâu đó, thông tin về chồng nó. Lặng lẽ bà đặt thêm bát nhang lên ban thờ. Bát nhang chả dám trương tấm hình con trai - một đứa chiêu hồi.

 
♣ ♣ ♣

 

- Cô ấy bảo - chàng nói với nàng về vợ mình - giao hết cửa nhà, ruộng vườn, lên Hà Nội sống với con trai.

- Anh nhận không? Cô ấy mất cả đời người phụ nữ  rồi.

- Đâu anh có nhận.

- Thế gặp thằng cu con cô ấy chưa?

- Rồi, điện thoại. Nó biết, bố nó là ai rồi.

- Em cũng biết từ lâu. Từ hồi có giấy báo tử của người yêu chị ấy, sau ngày ông cụ mất dăm tháng.

Nàng bảo chàng cùng ra nơi gò hoang, thăm lại chốn xưa. Nơi gò hoang cây cối um tùm, vắng lạnh và âm u. Đâu đó những ngôi mộ xây cất cầu kỳ, đắp rồng phượng. Giữa không gian xưa, những ký ức yêu chập chờn trong họ. Chàng chợt sững người, không tin nổi tai mình:

- Em bảo con trai chúng mình rồi. Con chỉ ao ước được gặp bố nó.

Con trai? Lặng đi chàng nhìn nàng.

Chỉ tay về khu đất tường cao, hai mộ phần xây đợi sẵn, gam màu trắng lạnh.

- Phần của em đó,còn phần dành cho anh. Về đây cùng em nhé!  
 

             (Chiều 29 Tết Đinh Dậu, 2017)


                                                      



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com