Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHUNG MỘT DÒNG TRÔI




M àu chiều đỏ ối hắt xuống dòng sông nhiều nỗi ưu tư, lũ ve kêu hè dường chừng như đã mệt, “tiếng hát” thưa dần rồi tắt lịm. Thi trượt vào lớp mười, nhiều đứa con gái bỏ học đã thành lệ ở cái làng chài này. Có lẽ, cuộc đời sông nước không cần nhiều đến cái chữ mà người ta bằng lòng với việc con cái biết đọc, biết viết là được rồi. Mặc cho cánh cửa tương lai khép lại, không còn mơ ước bầu trời để tung cánh bay xa…

Nụ uể oải kéo thuyền ra sông:

- Mày làm cái quái gì mà như ma hớp hồn vậy hả?

Tiếng cha nó la oai oái. Rồi ông xa xôi:

- Học bấy nhiêu cũng được rồi, con gái mà, cần gì mầy. 

Ông quẳng bó lưới trên vai vào lòng thuyền. Chiếc thuyền giãy nẩy lên phản kháng dữ dội rồi cũng chấp nhận nằm im khi con Nụ đưa cây sào tre cắm xuống sông ghìm nó vào bờ. Mười lăm tuổi nhưng nó phốp pháp như cô gái mười tám, đôi mươi. Mắt đen lay láy, mái tóc bó đuôi gà để lộ tấm lưng căng tròn. Gia đình nó sống bằng nghề sông nước, quanh năm cha mẹ nó bì bõm trên dòng kênh này cũng chỉ đủ nuôi bốn miệng ăn. Cuộc sống sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như mẹ nó không phải nằm một chỗ như bây giờ. Hồi ấy bà còn trẻ, chắc khoảng bốn mươi. Ở cái tuổi đó, đàn bà rất già dặn, sung mãn. Tuy nghèo, nhưng biết chăm chút nhan sắc, thoáng nhìn chẳng mấy ai nghĩ là bà đã hai mặt con. Càng chẳng ai tin mới ngần ấy tuổi bà đã mắc bệnh hiểm nghèo, bà bị tai biến mạch máu não liệt nửa người khi cùng mấy bà bạn dùng bữa trưa với món bánh tráng, lòng lợn chấm mắm nêm. 

Giờ, thì Nụ phải gánh vác cái công việc của mẹ nó trước đó, móc mồi để cha nó vừa chèo đạp vừa giăng câu. Chỉ giăng nửa mặt sông thôi để còn chỗ cho tàu thuyền qua lại, giăng xong thì chèo thuyền ra xa xua cá vào. Ngày trước Nụ thích lắm, coi đó là trò chơi khi được cha cho lên thuyền, còn giờ, nó chán rồi. Những cái vỗ, cái đập xuống mặt sông kia là bắt buộc, nó không còn hứng thú với công việc này nữa. Nó thích nghề may, dẫu biết là cha nó sẽ vất vả hơn nhiều khi không có nó. 

- Mày đang nghĩ gì mà thừ người ra thế, nhớ trường hả?

- Không, cha.

Đúng là không thể qua mắt người lớn được, con Nụ quay về với công việc, cây dầm trong tay nó vung lên, đập xuống rào rào. Làm thì làm, nhưng nó không thể không nghe tiếng trống lân dập dồn sau rặng tre làng, nơi mà năm trước nó còn tung tăng với bạn bè trang lứa. Tiếng trống ấy làm cho khuôn ngực nó bồn chồn, háo hức. Nó nghĩ tới lớp, tới trường, tới những đêm trung thu đầy ắp hương vị, với đủ loại đèn lồng tự làm, đuốc tre tự chế, con đường làng bỗng chốc thành rực rỡ lạ thường. Chẳng có trẻ nhỏ nào làm ra được cái Tết Trung thu khi mà không có bàn tay người lớn. Từ chuyện vót nan tre làm khung đèn cho tới việc dán giấy kính lên đó, là một nghệ thuật chớ đâu phải giỡn. Rồi chuyện cắt tua rua, uốn chân đèn, trẻ con thì làm sao được. Mấy hôm nay Nụ tất bật các công việc ấy, chỉ để cho con Nẫm em nó có cái lồng đèn ông sao đi cộ với bạn bè. Nụ dặn nó, tối trung thu mới được đốt đèn lên và xách đi chơi vì chỉ có một cây đèn cầy.  Nhưng con Nẫm chẳng biết xin của ai mà tối tối nó vẫn thắp đèn và xách đi loanh quanh trong nhà. Nụ lo em nó vụng về sẽ làm hư mất lồng đèn trước khi đem ra thi thố với người ta. Hơn nữa, con Nụ sợ người ta thấy mẫu mã đèn của nó đẹp rồi cuỗm mất kiểu dáng và làm đẹp hơn thì uổng công nó lắm. 

Số là, hằng năm nhà làng có phần quà cho ai có chiếc lồng đèn ông sao đẹp nhất. Phải là đèn ông sao làm bằng thủ công chứ không phải loại đèn hiện đại nào khác. Phần thưởng cho chiếc lồng đèn đẹp nhất xóm đó, chỉ là gói bánh trung thu nho nhỏ giá chẳng là bao nhưng tinh thần mới là chuyện lớn. Anh phụ trách Đoàn sẽ giơ cao chiếc đèn lồng được giải lên trước đám đông, người đoạt giải sẽ được đứng trên bục cao nhất, được người ta vỗ tay tán thưởng xôm trò. Ôi, vui sướng biết nhường nào. Con Nụ ao ước được một lần như thế. Nó hy vọng và chắc như đinh đóng cột là năm nay nó sẽ đoạt giải, bởi chiếc lồng đèn ông sao của nó quá đẹp và quá kỳ công. Nó và em nó nhìn hoài vẫn không biết chán, bố nó cũng khen đẹp còn mẹ nó thì khỏi phải nói, bà rối rít khen chẳng tiếc lời. Đó là chiếc lồng đèn năm cánh, hai màu. 

Khoảng trống giữa các cánh của ngôi sao nó gắn những chiếc chuông nô-en nho nhỏ rất đẹp. Khi đốt đèn lên và đi thì những chiếc chuông đó sẽ đung đưa và phát ra thứ ánh sáng lấp lánh diệu kỳ. Niềm hy vọng của nó là thế, nên nó treo lên xà nhà, em nó chẳng thể nào với tới. Còn bây giờ thì phải làm sao đây, muốn lấy xuống cho em nó cầm đi chơi cũng chẳng thể. Nó trách mình, sao không giao đèn cho em nó từ chiều, em nó chắc buồn mà khóc lên rồi. Nó thương em quá. Nó muốn xin cha cho nó về chốc lát nhưng không dám. Trống lân càng thúc giục lòng nó càng rối tung. Nó lẩm nhẩm khấn vái đất trời. 

Thường thì thả xong lưới khi trời đã tối mịt, cha nó neo thuyền gần đó để ngủ và canh chừng kẻ trộm. Khuya ông thức dậy, kéo lưới lên, gỡ cá ra xếp vào thúng mủng rồi gánh cá ra chợ là vừa kịp sáng. Hôm nay ông không làm thế, ông bảo con thả lưới sớm:

- Móc mồi nhanh để chạng vạng về là vừa!

- Ủa, về hả cha. Ai coi lưới?

- Bộ mày không đi cộ đèn với em hả?

Rồi ông tiếp:

- Khuya tao ra gỡ cá cũng được.

Vậy là con Nụ có dịp tụm năm, tụm ba với bạn bè rồi. Nó say sưa hát bài “Tết trung thu em xách đèn đi chơi…” làm cha nó phải phì cười. Trong ông, đang trào dâng niềm xúc động thật sự. Nghèo quá, ông chẳng lo cho con được gì, nghĩ mà buồn, mà tội. Bạn bè ông cũng chỉ đám dân chài, cũng nghèo như ông. Ông sợ, mai này con ông cũng sẽ khổ như mẹ nó. Nó cũng sẽ ôm sóng mà sống như vợ chồng ông, rồi con cái, rồi khó khăn hơn bây giờ bởi sông càng ngày càng ô nhiễm, cá càng ngày càng ít đi. Ông muốn cho nó ăn học tới nơi tới chốn để có cuộc sống khá hơn nhưng đành chịu, lực bất tòng tâm. Ông có nỗi khổ riêng của mình. Ông cắm cây sào thật chắc xuống lòng sông rồi buộc một đầu lưới vào đó, đầu kia ông neo vào một nhánh rễ loà xoà phía bờ bên nhà. Ông cũng cột chiếc thuyền của mình vào đó và treo chiếc đèn bão lên mui như thường ngày. 

Con Nẫm reo lên khi thấy cha và chị về:

- Mẹ bảo em đi chơi đi, chị không về đâu. Em đang tính đi thì chị về.

Nụ không trả lời, lấy đèn xuống trao cho em, em nó liếng thoắng:

- Vào thay đồ nhanh đi chị. Em đốt đèn lên nhé.

- Ừ.

Khi hai con đi rồi, vợ ông nhìn ông trìu mến:

- Tui nghĩ thế nào ông cũng về, mỗi năm có một cái trung thu mà ông, bắt nó làm lụng quần quật suốt ngày cũng tội…

Nói được bấy nhiêu thì nước mắt đã tuôn ra rồi, để mặc chúng chảy dài xuống chiếu, bà giữ nguyên bàn tay của mình trong bàn tay ông. Ông lau nước mắt cho vợ, mắt ông cũng ngấn nước. Ông quay mặt nhìn ra đường, hình như ông không muốn bà thấy ông cũng yếu lòng như bà. 

Trăng đêm nay sáng quá, trời trong và cao. Tiếng trống lân dập dồn thôi thúc. Hai vệt sáng, một trên đường làng, một dưới mặt sông cùng song hành, ông hình dung trong vệt sáng đó có chiếc đèn lồng của các con ông. Rồi khi vệt sáng đó nhoè đi, tiếng trống lân không còn thôi thúc, ông kéo mền đắp thêm cho vợ: 

-  Tui ra sông đây bà. 






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com