Ô ng ngoại bảo, “Ngồi xuống đây, ông cháu mình kể chuyện cho nhau nghe.”
Con bé ngồi xuống bên ông. Hiên nhà loang loang nắng. Bà ngoại đi qua, ngoái cổ lại nhìn hai ông cháu, “Gài cúc áo lại cho khỏi lạnh. Cảm rồi ho sù sụ cả tháng trời đấy.”
Ông ngoại xoay qua, “Bà ngoại nhắc con cài cúc áo lại kìa.”
Con bé ngoan ngoãn làm theo.
“Ðược rồi.” Ông hít một hơi dài và thở ra một cách khoan khoái, “Mình bắt đầu nhé.”
“You go first, Grandpa!” Con bé nhanh nhảu.
Ông ngoại cười thành tiếng. Lần nào hai ông cháu ngồi với nhau, thỏa thuận kể chuyện cho nhau nghe, con bé cũng giao hẹn “Grandpa kể trước.”
“Lần này con kể trước được không?”
Con bé nghiêng đầu suy nghĩ, đưa bàn tay bé bỏng lên, ngón trỏ chỉ vu vơ vào khoảng không gian trước mặt như đếm những câu chuyện đã kể những lần trước, “Con hết chuyện kể rồi.”
“Chắc không nào?”
Con bé gật đầu hai ba cái, “Chắc chắn là hết rồi.”
“Kể chuyện bạn của con cũng được.”
“Ồ,” con bé lại gật gù cái đầu, “My BBF?”
Ông ngoại nheo mắt, quay sang, nhìn xuống mái tóc nâu đen của đứa cháu, “BBF là cái gì ông quên mất rồi.”
Con bé ngước lên nhìn ông, ngạc nhiên. Nó nhớ rõ ràng hai hôm trước lúc ngồi bên hiên, trò chuyện, ông đã hỏi BFF là gì.
“Con nói với Grandpa hai hôm trước rồi mà.”
Bà ngoại đang loay hoay cạnh đó, xen vào, “Con nhắc lại cho ông ngoại nghe đi. Ông ngoại già rồi, hay quên lắm.”
Con bé cười thật tươi. Hai lúm đồng tiền trũng sâu trên má. Nó xoay qua nắm lấy cổ tay ông ngoại, kéo về, đặt lên lòng, dịu dàng, “Con viết lại cho Grandpa nhé, và con bé vừa nói vừa lấy ngón tay trỏ viết lên lưng bàn tay xương xẩu của ông ngoại, miệng lẩm bẩm, “B này F này F nữa này, BFF là ‘best friend forever.’”
“À, ông nhớ ra rồi,” ông ngoại gật gù. “Mà BFF của con là… là đứa nào nhỉ?”
Con bé khẽ lắc đầu, “Grandpa lại quên nữa rồi! Con Shanon đó.”
“Có phải con bé tóc vàng vẫn lại chơi với con không?” Ông ngoại đoán bừa, bởi ông chỉ nhớ có con bé nào đó vẫn lại ngồi làm bài với cháu ngoại ông, nhưng ông quên khuấy màu tóc, màu mắt của nó.
Con bé lắc đầu.
“Hay là con bé tóc nâu?”
“Ðúng nó rồi đó. Con chỉ có một BFF thôi, tên nó là Shanon, tóc nó màu nâu.”
Con bé lại nắm chặt cổ tay ông ngoại, “Ðể con viết tên nó xuống cho Grandpa khỏi quên.”
Nó miết đầu ngón tay lên lưng bàn tay ông ngoại. Những nếp da nhàu nhò, chắc cái tên viết xuống cũng nhăn nhúm, nguệch ngoạc và lem luốc; nhưng không sao, lỡ cái tên Shanon trên lưng bàn tay ông có nhòe đi thì nó sẽ viết lại cho ông, viết hoài cho đến khi ông không quên được nữa thì thôi. Shanon. Shanon. Có vậy mà ông ngoại quên hoài. Con bé cười một mình.
“Sai rồi, tên của Shanon có hai chữ N, để con viết lại cho Grandpa.”
Và con bé chăm chú viết tên bạn nó bằng đầu ngón tay lên lưng bàn tay ông ngoại. Viết xong, nó nhìn chăm chú lưng bàn tay đầy gân xanh của ông, lẩm nhẩm đọc.
“Ðúng rồi. Shannon. Có hai N.” Rồi nó quay qua, ngước đôi mắt màu hạt dẻ lên nhìn ông, “Grandpa nhớ Shannon là BFF của con rồi nhé.”
Ông ngoại nhìn đôi mắt tròn, đôi má bầu bĩnh, cái cằm thuôn, những chiếc răng trắng, lòng chìm vào cõi bình yên, hạnh phúc. Con bé cười sau câu nói, hai lúm đồng tiền xoáy vào trái tim ông cái rung động lao xao trước nét đẹp tuyệt vời của đời sống.
“Ông nhớ rồi,” ông lặp lại câu nói như một lời hứa quan trọng. “Rồi, bây giờ mình bắt đầu kể chuyện.”
“BFF của con đang buồn lắm.” Con bé chợt thở dài.
“Vậy à?”
“Vừa buồn vừa sợ.”
“Sợ gì vậy?” Ông ngoại hỏi.
“Nó sợ mất daddy của nó.”
Ông cụ vươn thẳng cái lưng cong gù vì gánh nặng thời gian.
“Sao lại sợ mất daddy?” Ông hỏi, trong đầu hiện ra những chiếc giường bệnh viện ngay hàng lối, những hành lang lạnh lùng vách tường trắng, những thân người ốm o, nhùng nhằng những dây nhợ nối vào những túi dịch truyền treo ở đầu giường. Ông đã đến nơi ấy nhiều lần nên hình ảnh ấy rõ nét trong đầu ông.
“Nó sợ lắm. Nó kể cho con nghe, rồi nó khóc nữa.”
Tội nghiệp những đứa trẻ ngây thơ. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu được chết là vĩnh viễn quay lưng, là mãi mãi không trở về. Con bé BFF này của cháu ông biết sợ mất bố, nghĩa là nó đã hiểu phần nào ý nghĩa của sự chết.
“Daddy nó bị gì vậy?” Ông hỏi liều. Chuyện trò thường xuyên với đứa cháu ngoại, ông biết tò mò là một tật xấu, nhưng ông không kiềm lại được. Ông chỉ muốn biết bố con bé Shannon có bị chứng bệnh nan y nào đó không và nếu vậy thì nó có biết rõ bố nó sẽ ra đi một ngày không xa lắm không.
Không như ông, trái tim ông đập thất thường, những mảnh tĩnh mạch đùi ghép quanh những mạch máu trong lồng ngực giúp ông kéo dài cuộc sống, dù chúng cũng có thể bung ra bất cứ lúc nào.
Con bé dường như không nghe thấy câu hỏi của ông ngoại bởi nó dõi mắt nhìn ra khoảng sân rộng trước mặt, những ngón tay vẫn mân mê những sợi gân vồng lên trên lưng bàn tay ông ngoại. Những tĩnh mạch xanh thẫm, ngoằn ngoèo như những con giun đất bên dưới lớp da khô như giấy dầu dùng gói đồ trong tiệm bán thực phẩm ăn liền.
“Không bị gì hết”
“Vậy sao nó lại sợ mất…”
“Bố mẹ nó sắp divorce.”
Ông thở ra nhẹ nhàng. Những ý nghĩ chạy loanh quanh trong đầu. Divorce thì cũng vẫn còn sống. Còn sống thì còn cơ hội thấy mặt nhau.
Con bé tiếp, giọng rầu rầu, “Bố nó không được custody.”
“Nghĩa là sao?”
Con bé lúng túng, “Là… nó mất daddy của nó. Là… no visit.”
Cả hai cùng im lặng. Những ngón tay con bé thôi vẽ bùa trên lưng bàn tay ông ngoại.
Bà ngoại đi ra đi vào, bận rộn với những cụm rau thơm trồng bên lối đi, đứng lại nhìn hai ông cháu, rồi mỉm cười bước đi.
Những buổi chiều cuối tuần của họ là như thế. Con bé ngồi với ông ngoại trên vỉa hè. Nắng vẽ đầy những chấm vàng nhạt muôn hình dạng trên nền xi măng sau khi đã luồn lách qua kẽ lá cây phong ở hiên nhà.
Bà ngoại chăm sóc những luống rau thơm trong khoảng sân hẹp bên hiên như người mẹ chăm nom bầy con đang tập đi. Và luôn lắng tai nghe câu chuyện của hai ông cháu, lâu lâu lại nhắc chuyện nọ chuyện kia.
“Grandpa có BFF không?” Con bé chợt hỏi.
“Ồ…” ông ngoại chợt bừng tỉnh. “BFF?”
“Yeah, BFF của Grandpa là ai?”
Ông cười, chỉ về phía vợ đang lúi húi bên luống rau xanh. “Bà ngoại đó.”
Con bé lắc mạnh bàn tay ông ngoại, “Không được đâu, bạn kìa, bạn bên ngoài…” Con bé loay hoay tìm chữ.
Ông hiểu. Ông gật gù cái đầu lưa thưa tóc bạc. Và ông nhớ đến thằng bạn thời trẻ. Nếu như sống vào thời này – và nếu như nó còn sống – thì ông cũng có thể xem nó như BFF của ông.
“Grandpa có BFF không?” Con bé nhắc.
“Có chứ.”
“Your turn. Grandpa kể chuyện BFF của Grandpa đi.”
Ông dõi mắt vào khoảng trời biếc xanh trước mặt. Khung xanh bị cắt ngang bởi cái hàng rào gỗ. Con chó nhà hàng xóm chợt sủa vu vơ bên kia hàng giậu.
“Hồi đi lính ông cũng có BFF…” Ông nói và trong đầu hiện lên hình ảnh người lính trẻ, nai nịt gọn gàng, súng ống, đạn dược ghì nặng một bên vai, và ba lô nặng trĩu trên lưng.
“Grandpa đi chiến tranh, đánh nhau với Viet Cong. I know that.”
Ðứa bé nhắc lại một câu trong những câu chuyện ông ngoại vẫn thường kể.
Ông khẽ gật đầu. Hôm ấy trong chuyến di hành toán của ông bị phục kích. “Bọn Việt Cộng chúng nó ác lắm.”
Ðang lom khom xới đất, bà ngoại đứng thẳng dậy, “Ông kể hoài cái chuyện máu me cho nó nghe làm gì vậy?”
Nhìn vào khoảng không trước mặt, nơi hình ảnh những người lính nhập nhòe trên màn hình ký ức, ông lúng túng tìm chữ. Sau cùng ông tìm ra được, “Bọn bad guys ác lắm.”
“Nhưng còn BFF của Grandpa thì sao?”
“Nó bị bọn bad guys bắt…”
Bà cụ xoay hẳn người lại nhìn hai ông cháu, trong tay còn nắm chặt bó rau thơm. “Ðã bảo đừng kể chuyện chiến tranh. Ðầu óc nó còn non nớt…”
Nhìn nét mặt cau có của bà, ông đổi đề tài, “Bây giờ ông cháu mình nói chuyện khác nhé.”
Con bé nhìn bà ngoại và nhanh chóng gật đầu.
Câu chuyện của hai ông cháu vẫn thường ngưng ở đó, bởi mỗi lần ông ngoại nhắc tới vùng ký ức đen ngòm ấy thì bà ngoại gọi hai ông cháu vào ăn cơm tối. “Nhanh lên kẻo nguội hết rồi!”
Một buổi sáng, mảnh ghép trong động mạch tim bung rách ngay khi ông ngoại vừa bước xuống khỏi giường. Ông đổ gục xuống nền nhà. Xe cứu thương đến đưa ông đi. Rồi ông đi luôn. Ðứa cháu gái không còn ai để cùng ngồi bên thềm nhà còn âm ỉ hơi nóng cuối ngày, kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện.
“Chừng nào Grandpa mới về?” Con bé hỏi bà ngoại.
“Lâu lắm ông ngoại mới về.” Bà ngập ngừng với câu trả lời.
Con bé không chịu ngừng ở đó. “Bao lâu?”
“Bà ngoại đâu biết.”
Bà ngoại cố gắng xây quanh đứa cháu ngoại duy nhất, đứa cháu mà bà nuôi như con mình sau khi bố mẹ nó chết vì một tên khủng bố lái xe lủi vào đám đông trên phố. Lúc ấy con bé mới chập chững tập đi. Bà ngoại cố gắng xây một bức vách tinh thần bảo bọc tuổi thơ của con bé; bà muốn che chắn cho nó khỏi mọi u ẩn, ngược ngạo của đời sống.
“Con biết Grandpa đi đâu rồi.” Con bé nghiêng đầu nhìn bà ngoại.
“Sao con biết?”
“Con biết.”
“Ông ngoại đi đâu?”
“Ông ngoại đi cứu BFF của ông ngoại.”
Nước mắt ứa ra, làm nhòe đi ánh nhìn mệt mỏi trong mắt bà ngoại. Bàn tay vô hình nào đó siết cứng lấy cổ bà. Bà nhớ câu chuyện nghe lóm được lúc hai ông cháu ngồi với nhau bên vỉa hè và bà loay hoay với luống rau cuối vườn. Bà vẫn nhớ ý nghĩa của những chữ BFF, dù con bé chỉ viết cho một mình ông ngoại, để ông khỏi quên, nhưng bà vẫn nhớ. Bà nhớ cả hình ảnh người lính lọt vòng vây kẻ thù trong cuộc chiến mấy mươi năm về trước dù bà chỉ nghe ông kể tiếng được tiếng không.
“Sao con biết?”
“Ông ngoại là good guys. Good guys không bỏ rơi BFF của họ.”
Bà ngoại đưa tay gạt nước mắt.
“Sao bà ngoại khóc?”
Bà ngoại lắc nhẹ cái đầu như cố vẩy đi những giọt nước mắt.
Con bé nắm lấy một ngón tay bà ngoại. “Con sợ ông ngoại bị bọn bad guys bắt.”
Và bỗng dưng con bé sụt sùi, rồi lẩm bẩm nói như nói cho một mình nó nghe, “I don’t want those bad guys to take my Grandpa.”
(Nov. 01. 2020)