N hững sợi tóc dài đen mượt nắm lại thành một lọn trong tay được chải vuốt bằng chiếc lược sừng trâu hình nửa vầng trăng trên bàn tay của má cứ hiện ra trong đầu mỗi lần tôi nhớ má. Má tôi mất đã lâu nhưng hình ảnh đó tôi vẫn không quên. Còn nhớ ngày nhỏ, lần đầu tiên thấy má chải từng sợi tóc cầm trong bàn tay tôi rất ngạc nhiên. Má ơi, sao tóc má rụng nhiều vậy? Má nhìn tôi cười thật hiền. Không phải đâu, tóc mượn của má đó. Tóc mượn? Mượn của ai? Sao má phải mượn tóc? Vậy là má phải giải thích một chập cho con bé khờ khạo là tôi về cái lọn tóc mượn này. Rằng đây vốn là tóc của má được góp nhặt từ rất lâu, rất lâu khi má còn là con gái tới giờ. Má nói đàn bà sau khi có chồng, sanh đẻ rồi già đi, tóc sẽ càng ngày càng thưa dần, càng ít đi, muốn bới lên cũng không đủ tóc nữa. Bởi vậy phải tích cóp từng sợi tóc rụng, gom lại thành lọn để sau này cặp thêm vào tóc trên đầu rồi bới lại thành đầu tóc tròn đẹp. Má còn đọc cho tôi nghe câu ca dao miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ xưa:
Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười dòn anh mê
Vốn “Cái răng cái tóc là gốc con người” mà! Má nhìn mái tóc còn ngắn ngủn của tôi nói thêm. Ngày xưa con gái cũng thường để dành tóc để làm tóc mượn như vây, có khi còn phải mua thêm tóc của người khác nên mấy cô gái có mái tóc dày nhà nghèo thường để tóc dài rồi cắt bán để kiếm chút tiền đó.
Lớn lên một chút, tôi nhìn mấy người trạc tuổi má, nhìn những cô giáo trường má dạy mới thấy hầu như họ đều bới đầu như má, trừ một ít cô giáo trẻ. Lại nhớ câu thơ từng dạy học trò:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…
(Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm)
Mới biết cái đầu tóc của má chính là một nét đẹp truyền thống của phụ nữ xưa. Nhưng để làm đẹp cho búi tóc sau đầu đó, người phụ nữ phải dụng công biết bao! Tôi đã nhiêu lần nhìn mê mải má tôi ngồi trên bộ ngựa gõ bới đầu. Bàn tay cầm lược chải mái tóc dài, chải lọn tóc mượn rồi kẹp lọn tóc mượn vào mái tóc cho sát, cuộn tóc lại , ngoáy mấy vòng rồi lận lại cho tròn. Chưa hết, má còn lấy một cái bao lưới bọc tóc lại. Cái bao tóc chỉ là lưới mỏng, bình thường bán đầy ngoài chợ, thắt chặt sợi dây luồn bên trong là đầu tóc đã chắc, khó sút ra được. Nhưng má còn cẩn thận hơn, dùng một cây trâm xỏ ngang qua để giữ tóc. Điều thú vị còn là ở cây trâm cài tóc này đây. Nói là trâm vì chức năng của nó đúng là để cài đầu giống như các loại trâm cài mà ta thường thấy trong phim cổ trang hiện nay. Nhưng trâm của các tiểu thư khuê các, của các thiếu nữ xinh đẹp trong phim thì là trâm vàng, trâm bạc, trâm ngọc thiên hình vạn trạng mà cây trâm của má lại chỉ là một cây móc tay bằng đồng vô cùng đơn giản. Nhà ai có mẹ, có bà thường ăn trầu thì đây còn là cây ngoáy trầu nữa. Còn nhớ thỉnh thoảng tôi mè nheo với má. Má ơi, cho con mượn cây móc tay một chút đi, tai con ngứa quá! Mà cây trâm cài đầu của má cũng đã di vào thơ dân gian nữa đó:
Ngó lên bên chợ Tổng Châu
Thấy cô đương đệm trên đầu giắt ghim
Thế mới biết tuy không son phấn, không tóc quăn, tóc uốn kiểu này kiểu nọ, các bà, các mẹ, các chị xưa vẫn rất dụng công chải chuốt lam đẹp cho mình. Từ chỗ chắt chiu góp nhặt từng sợi tóc rụng nhiều năm trời để có được những lọn tóc mượn dài, đẹp. Từ chỗ vuốt từng sợi tóc bằng dầu dừa cho tóc óng mượt đến bao tóc, cây ghim để giữ tóc tròn chắc sau đầu, cách làm đẹp ấy sao mà đáng yêu đến vậy! Và còn nữa, ai đã gọi tên “tóc mượn” cho việc làm đẹp này? Tôi mở sách, mở mạng tìm hoài không ra. Chỉ là “mượn”, hồn nhiên vậy thôi. Ngày trước dân gian thường dùng từ “mượn” để nói về chuyện thuê mướn người làm trong nhà như mượn bạn, mượn bầu… Còn ở đây là mượn tóc chính mình để kẹp thêm vào tóc mình, thú vị biết mấy! Vậy là bộ ba tóc mượn, móc tay, dầu dừa đã gắn với hình ảnh phúc hậu, dịu dàng của người phụ nữ miền Nam xưa. Nhưng quan điểm về cái đẹp ngày nay đã thay đổi nhiều, vẻ đẹp xưa có lẽ chỉ còn trong kỉ niệm mà thôi.
Mấy ngày nay nhớ má, tôi mở album nhìn hình cũ. Hình má chụp một mình, hình má đứng cùng bạn đồng nghiệp trong sân trường, trước lớp học. Ai cũng áo dài, bới tóc sau đầu, chỉn chu, nghiêm túc. Tôi nhìn hết hình này qua hình khác mà cảm thán trong lòng. Ôi, một thế hệ, một thời phụ nữ đã qua, làm sao giữ lại cho cháu con ghi nhớ? Hay tất cả rồi sẽ vùi chôn vào quên lãng, vào sự khắc nghiệt của thời gian?