T háng 12 năm 1966, trong cuộc thi tuyển (hơn hai nghìn thí sinh dự thi) của Khóa Nguyễn Trãi I SVSQ của Trường Đại Học CTCT Đà Lạt để chọn 200 khóa sinh. Vì lúc đó quân trường mới thành lập nên theo học Giai Đoạn I Quân Sự cùng với Khóa 24 của Trường Bộ Binh Thúc Đức.
Khi vào Thủ Đức, mỗi đại đội (Khóa I thuộc ĐĐ 19) cử một SVSQ vào ban biên tập SVSQ liên khóa 23 & 24. Bạn văn khóa 23 đề nghị tôi tham gia cho vui. Và, tôi cũng thích có cơ hội cùng với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng bước vào Ngưỡng Cửa Quân Đội.
Nào ngờ niềm vui mang theo phiền phức.
Khi vào quân trường ở Đà Lạt và phục vụ ở đơn vị, tôi cũng bị ANQĐ “hỏi thăm” vì ở QN-ĐN có nhiều tên làm báo cùng trang lứa theo VC hoạt động ở Sài Gòn. Thật tình lúc đó, tôi chẳng biết ai trong giới văn nghệ và báo chí ở QN-ĐN có ai hoạt động nằm vùng mà Cảnh Sát & An Ninh Quân Đội theo dõi.
May mà khi 168 sĩ quan tốt nghiệp, có 1/4 được phục vụ trong ngành CTCT. Tôi về Tiểu Đoàn CTCT và sau đó về lại quân trường ĐH.CTCT. (Nếu…?) ra đơn vị tác chiến thì không biết “nghi vấn” có bị đem ra “thử lửa” con tốt đại đội phó trên chiến trận?. Đó cũng là lý do, sống bất cần đời khì không biết nay mai sẽ ra sao! Mà cũng may mắn, mọi điều không gây rắc rối cho bản thân.
Sau năm 1975, năm 1987 từ Đà Lạt về Sài Gòn, mới biết tên tuổi nằm vùng ở quê nhà… giữ nhiều chức vụ trong làng báo ở Sài Gòn. Hú vía!
Tôi thích truyện Kim Dung vì điển hình như Kiều Phong (Tiêu Phong) bị nghi ngờ... may mà thoát khỏi. Đó là lý do tôi có nhiều bút hiệu.
Trong tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, nhân vật Kiều Phong (bút hiệu của Lê Tất Điều), người anh hùng Khiết Đan, lưu lạc sống trên đất Hán. Kiều Phong vẫn tưởng thuộc dòng Hán tộc nhưng khi gia nhập trong Cái Bang thì phát hiện là người Khất Đan.
Khi Kiều Phong biết mình là Tiêu Phong, người Kiết Đan… chọn giải pháp rất anh hùng, hy sinh cho đại nghĩa. Cái đẹp nhất phải chết để bảo tồn danh dự bản thân & khát vọng tự do giữa hai thế lực quyết sinh tử.
Chỉ là nhân vật hư cấu nhưng có nhiều người viết về Kiều Phong, trong đó có tác phẩm của GS Nguyễn Ngọc Huy, viết về Kiều Phong “giữa hai lằn đạn” rất hay. Khi đọc, cảm thấy ngậm ngùi, xót xa và cảm phục nhân cách sống của Kiều Phong ở chốn võ lâm.
Khi tỵ nạn ở Nashville, Tennessee (miền Đông HK) tôi quyết định về Little Saigon để làm báo. Bạn bè lại khuyên rằng đó là nơi chốn “gió tanh mưa máu” (?) nhưng tôi “Thử xem con tạo xoay vần ra sao” (ND)… nhưng ba thập niên rồi “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” (Tác phẩm của Erich Maria Remarque, bản dịch của Phạm Trọng Khôi, Lá Bối xuất bản, anh cũng phục vụ cùng quân trường và sau về phục vụ ở Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt).
Trong thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra, bạn bè năm xưa email thăm hỏi, điểm danh lại… một số đã vĩnh viễn ra đi!
Với tấm hình lưu niệm từ lúc ở quân Trường BB Thủ Đức vào tháng 3 năm 1967, đã mất: Mê Kung Phan Nhự Thức, Phạm Văn Bình, Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Thanh Ngân… còn những người bạn văn thời quân trường trước kia, một số vẫn còn liên lạc với nhau, một số bặt tin nên không biết sống/chết! Cao Thoại Châu, Chu Tân (giám thị trường Nam Tiểu học Đà Nẵng, ra trường, bị thương, trở lại giáo chức) còn ở VN. Luân Hoán (trang web Vuông Chiêu vui với tuổi già trên facebook, ở Canada, Lê Ngọc Châu lấy bút hiệu Lão Ngoan Đồng mới đúng vì “Tuổi tám mươi mà ngỡ như trẻ thơ” bởi trăng chưa tàn trên hè phố như trong ca khúc của Phạm Thế Mỹ. Cặp bài trùng với LH & Trần Hoài Thư. Trần Hoài Thư với Thư Quán Bản Thảo đang chăm sóc vợ hiền lâm trọng bệnh ở New Jersey (Chị Nguyễn Thị Yến bị đột quỵ (stroke) năm 2012, nằm ở nursing home, anh sợ vợ buồn nên đem về sống bên nhau. Một lính trận giang hồ bạt mạng thế mà tuổi giả là người chồng hết lòng lo cho vợ trên chiếc xe lăn). Đọc những dòng thơ, văn của anh viết cho vợ, lòng chùng xuống. Cặp đôi ngày đêm cặm cụi in, cắt, xếp báo dưới basement, nay một mình thui tủi lúc vợ ngủ. Lâm Chương, 10 năm tù, vượt biên 1987, định cư tại Boston, Massachusetts vẫn còn sáng tác thơ, văn; Hồ Minh Dũng viết truyện ngắn rất hay, nay không thấy xuất hiện… Ở Little Saigon chỉ có niên trưởng Vũ Trọng Mục, LS Trần Sơn Hà & tôi. Hơn một năm rồi, không ra ngồi quán cà phê nên chưa gặp nhau.
May quá, tuy gọi là “chốn gió tanh mưa máu” nhưng ba thập niên qua vẫn được yên vui, và nay chỉ còn mình tôi “nặng nợ giang hồ” với tờ báo.
Nay ngẫm lại, làm báo tuy bị báo đời nhưng không báo hại toi mạng mới viết vẩn vơ.
Khi viết, gõ trên keyboard khá nhanh, cho đến nay cũng vừa ngậm điếu thuốc vừa gõ, nhưng ghét nhất là gõ bài của người khác. Vì vậy khi layout đặc san, sách cho ai, tôi giới thiệu người đánh máy bài vở… tôi chỉ edit lại mà thôi. Thế nhưng “ghét của nào, trời trao của đó”. Viết văn, viết báo (nếu có) “tiếng” nhưng không có “miếng”. Sống nhờ layout có “miếng” để hỗ trợ có “tiếng”. Có khi cả hai đều bù trớt nhưng có cái “tình” với nhau. Đó là thời gian đảm trách bài vở và layout 2 đặc san của khóa: 50 năm ngày nhập ngũ & 50 năm ngày ra trường. Lai rai cũng ngốn hết 3 tháng, vừa đợi bài, hình ảnh… gởi đi rồi đổi ý. “Làm dâu trăm họ” mấy ông già chồng khó tính. Gởi bài qua email không dấu, viết tay… thôi đành ngậm bồ hòn phận “con dâu”! Chưa hết, khi layout xong, chuyển qua PDF, gởi đọc lại, thích chí đòi viết thêm. Đôi khi cằm rằm thì bị phán “Mày mang nghiệp vào thân thì phải chịu”.
Niềm vui trong Ngày Hội Ngộ, với đặc san được quý nương “khen” còn mấy ông già chồng chỉ gật gù “mầy giữ gìn sức khỏe để tiếp tục”. Tháng 5 năm 2020 và tháng 5 năm nay vì cái dịch Covod-19, không có cơ hội gặp nhau. Dù “ghét cay ghét đắng” mấy ông già chồng hành hạ “con dâu” nầy nhưng không được dịp hội ngộ với nhau, nhớ nhiều. Tôi lại post trên facebook tấm hình 28 năm về trước (1993) đánh dấu 28 tháng sống bên nhau ở quân trường. Điểm danh lại 1/3 đã ra người thiên cổ! Cũng mong năm tới được “mang nghiệp vào thân” ở cái tuổi cuối đời còn “mầy, tao” với nhau.
Frank Tyger cho rằng “Nếu một người cho bạn thời gian của mình, anh ta không thể cho bạn món quà nào quý giá hơn nữa”. (If a person gives you his time, he can give you no more precious gift).
Với tôi, muốn nhận chân, đánh giá nhân cách, tình cảm, tình bạn của một người, không phải một sớm một chiều mà trải qua thời gian lâu dài… càng lâu bao nhiêu, càng giá trị bấy nhiêu.
Trong truyện ngắn của Tràm Cà Mau với câu kết: “Tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình”. Đúng vậy, trong thất tình, hãy bỏ đi “nộ, ai, dục” và trong lục dục hãy bỏ đi ý niệm về trọc dục mà hướng về thanh dục. Tội tình gì phải rước lấy phiền muộn. Tất cả sẽ chìm trong bóng đêm khi “mặt trời đi ngủ”!