Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




- C on chào mẹ! Để con băm rau lợn cho! Bà giật mình ngẩng lên:  

-  Con đã về! Mẹ xong rồi. Anh ấy đang đọc sách ở trong nhà ấy!  

-  Con hẹn anh ngày mai lên đón nhưng có xe của Bố, con về luôn.

Hắn bật dậy khỏi võng, vọng ra.  

- Bố đi bằng gì?  

-  Mai chú Khắc ở Hà nội cũng về! Xe qua đón bố! Anh hết mệt chưa?

Mẹ bước vào:  

-  Anh giáo suốt ngày ngủ gà ngủ vịt như người giao nước ấy?  

-  Nhớ các em gái Thái đấy mẹ ạ!  

-  Hà Giang làm gì có người Thái!  

- Thì Mèo Mán, Tày Nùng?  

-  Không đâu ấm áp hơn là quê hương!  

-  Anh văn chương quá! Mai lên Ân Thi nhá  

-  Nhưng đã…  

-  Em chuẩn bị đây rồi! Cái khăn vuông len Trung Quốc biếu Bà. Cái khăn vấn nhung biếu mẹ. Bố thích thuốc lào Tiên Lãng Hải Phòng. Thằng Linh, thằng Hoạt cho mỗi thằng một cây bút Trường Sơn! Anh thấy hợp lý chưa?        

Hắn thấy “nó lập trình hợp lý thật! Cứ thế mà đi!”. Nhìn ra sân hắn nói:  

-  Hai đứa lấy xe của chị đi đâu mãi chưa về nấu cơm?  

-  Cứ để em nấu. Có cân thịt em xin ở kho thực phẩm Đoàn Đào, chỗ ông Đài đây.  

-  Em biết ông Đài? Ông ở sau nhà mình.  

-  Thương nghiệp, Lương thực, thực phẩm thì chỗ nào chẳng biết nhau!       

Cơm nước xong hai đứa xin phép gia đình đi dạo mát, Nó đòi lên thăm cái nền nhà cũ trên đồng. Nó nhớ vanh vách: Chỗ này chúng mình kéo vó tôm. Đây là chỗ đặt cái cối xay. Kia là cái cầu ao kê bằng mấy hòn gạch Bát tràng vỡ…Thằng Vinh, cái Huệ ngồi trên cối giã gạo lối ra cổng…Bụi tre hóa vẫn xanh tốt!... Bỗng nó reo lên:  

-  Anh ơi!Đẹp chưa kìa! Nó chỉ quầng sáng.  

-  Lưới lửa phòng không Hà Nội đang nhả đạn đấy mà!

-  Như pháo hoa! Tuyệt quá!  

- Sau cái tuyệt ấy là bao nhiêu mạng người không còn trên cõi đời này!  

- Anh như ông cụ non,lúc nào cũng sách vở.  

- Quê mình đêm nay vẫn yên bình, mai có thể là bãi chiến trường!  

- Thế nên ta phải sống theo nhịp thở của chiến tranh chứ! Lúc cần vui ta cứ vui. Chả tội gì phải chối bỏ niềm vui!               

Lâu nay hắn cứ nghĩ: trong bụng nó chỉ toàn những con số khô khan (kế toán), thiếu tình người! Thế mà nó lại đưa ra những tư tưởng sát thực tế, rất nhân văn, đầy sức thuyết phục. Hắn bị đổ sập như một tủ sách  mối xông.       

Hắn nắm chặt vai nó:

- Em thật đáng yêu!

- !!!       

Chúng bàn nhau chuyện cưới.        

Nó mua vải pơ-pơ-lin Song Hạc và ga-ba-đin Nam Định rồi đưa hắn tới hiệu cắt may Đại Đồng nổi tiếng của Hưng Yên để may đồ cưới.  

- Tổ chức vào ngày chủ nhật 18 - 6 (Âm lịch) cho đông vui anh nhá! Hắn im lặng.      

Nó lo chè thuốc cho cả hai nhà. Cỗ bàn nhà nào nhà nấy tự giải quyết.     

 Căng nhất là thực phẩm! Lợn có trong chuồng vẫn không được giết mổ. “Ông phó cối” đã phải hối lộ cho cán bộ một cái cối tân nhưng vẫn phải tuân thủ hai điều kiện: Cỗ không được có lòng và chọc tiết không có tiếng kêu!        

Khó quá! Nó bảo:  

-  Tội gì mà ăn cỗ “bàn than”- Cỗ thịt thái phay ở quê: (Một xỏ, một xương, ba vuông, một rối, một lòng)! Trên ấy ông em xin được lợn ở Xích Đằng, mổ ngay ở kho, thuê thợ Thị xã làm giò chả mang về. Dưới này em cũng bảo cánh thợ ấy tới, lấy thịt đem lên làm như thế. Vừa nhàn cho gia đình vừa lịch sự! Còn điều kiện hai thì…Em chịu!  

-  Để hỏi bọn ba toa (Thợ giết mổ) xem.      

Thợ giết mổ đến nhà lắc đầu:  

-  Chọc tiết mà không kêu chỉ có lợn ốm! Đập chết nó cũng kêu. Thịt sẽ đỏ, không giã  được giò! Chúng cháu xin chào thua cái trò đánh đố của ông cán bộ địa phương này!        

Tất cả ngao ngán… bực dọc!  

-  Yên trí! Tôi có cách! Nói rồi “Ông phó cối” đổ gio vào cái gầu dây, chụp lên mõm con lợn. Nó không kêu được một tiếng, trước sự thán phục của mọi người.             

Khách về chung vui với cô dâu rất đông. Chỉ có khách Hà Giang của chú rể là vắng. Đám cưới không vì thế mà mất vui!       

 Cô dâu, chú rể ra tận cổng chào, tiễn khách. Ông Đồng - Bố thằng Bùi Thế Vinh, chậm rãi nói:

- Chúc mừng hạnh phúc hai cháu! Đám cưới hiếm có trong thời buổi này! Chè ngon, thuốc thơm. Đón tiếp chu đáo lịch sự. Cỗ bàn sang trọng nhưng sao các cháu lại cưới vào ngày “Tam Nương”?  






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com