N gày ấy Nam ở nhà người cô để đi học tại một trường trung học trong quận xa xôi, nơi một vùng quê rất trù phú cây lành trái ngọt xum xuê, dòng sông xanh trong mát, người dân hiền hoà chất phác quanh năm vui thú ruộng đồng. Tất cả hoà thành một bức tranh đầy màu sắc vừa sinh động vừa thơ mộng như muốn giữ chân người khi đến. Gia đình Nam sống ở tỉnh lỵ nhưng cha mẹ Nam muốn Nam ở gần người cô cho cô bớt hiu quạnh vì nhà cô không có ai, rất vắng vẻ. Cô rất thương yêu Nam và chăm sóc Nam như con ruột. Nhà cô Nam cách trường hơn nửa cây số, tất cả học sinh thời ấy thường đi bộ đến trường chỉ một số ít đi xe đạp mà thôi. Năm ấy Nam học lớp Đệ Ngũ. Thời đó những nam sinh nữ sinh Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ trông lớn lắm; không biết có phải vì dòng sông nước ngọt, ruộng lúa phì nhiêu thơm ngon, thêm ngọn gió mát trong lành thổi qua đã là môi trường tốt nuôi dưỡng lứa tuồi nam nữ của Nam chóng phát triển. Những cô nữ sinh với chiếc áo dài trắng, nam sinh áo trắng quần xanh sáng sáng trưa trưa đi về đã tạo nên một màu mát rượi dù nắng chói chang. Hai bên đường là ruộng lúa, lúc mạ còn non rập rờn một màu xanh mát, lúc lúa trổ đòng đòng đến thời ngậm sữa no tròn rì rào lả lơi cùng gió nghe êm êm như một bản tình ca. Quê hương đã ấp ủ nuôi nấng tâm hồn Nam thế đó.
Trên đường mỗi ngày đi học, Nam thả hồn theo tiếng gió vi vu tiếng chim ríu rít trên cành, Nam còn nghe lòng xôn xao với bước chân của các bạn nữ sinh cùng xóm và đặc biệt trong số đó Nam chú ý nhiều đến Thuý, cô bạn học sau Nam một lớp mà Nam chưa có dịp làm quen. Nhà của cô Nam cách nhà Thuý chừng vài trăm mét, mỗi lần Thuý đi học đều đi ngang qua trước nhà Nam. Có lúc Nam vừa bước ra khỏi nhà thì đúng lúc Thuý vừa đi đến. Bộ áo dài trắng và nụ cười thơ ngây trên gương mặt dịu dàng của cô gái mới lớn trông Thuý rất xinh và dễ thương, gây cho lòng Nam bao xao xuyến. Và ngày lại qua ngày, cứ mỗi lần Nam vừa ra cửa là gặp Thuý vừa đi tới. Nếu nói tình cờ là không đúng mà là Nam cố tình chờ Thuý đi qua… Chờ thì chờ, gặp nhau thì gặp chưa ai nói được điều gì ngoại trừ Nam được Thuý trao cho nụ cười e thẹn và trong lòng ngực Nam đánh liên hồi không biết Thuý có nghe không? Một hôm, vừa gặp Thuý Nam đánh bạo làm quen:
- Đi chậm thôi, không trễ giờ đâu.
Thuý nguýt Nam một cái - chắc là nguýt yêu - mà không nói gì nhưng bước chân như chậm lại. Lúc đó Nam lại chẳng nói thêm được lời nào. Tối về nhà Nam thấy giận mình quá. Sao mình không tìm câu nào nữa để bắt chuyện với Thuý? Tức ơi là tức.
Một năm học đã trôi qua. Sau ba tháng hè ở thành phố với gia đình Nam trở lại trường. Mùa tựu trường năm 1963, Nam lên Đệ Tứ và Thuý lên Đệ Ngũ. Năm học này là năm học khá bận rộn của Nam vì cuối năm sẽ thi bằng Trung Học đệ nhất cấp, Nam phải học thật nhiều và nhất định là phải đậu, Nam tin như thế. Ngày đầu của mùa tựu trường, người đầu tiên mà Nam tìm kiếm và muốn gặp là Thuý. Cũng như năm qua, mỗi buổi đi học Nam đứng trước cửa nhà chờ Thuý đi qua, Nam vừa gặp Thuý lần này Nam mạnh dạn hỏi:
- Thuý nghỉ hè có vui không? Thuý khoẻ không?
Thuý có vẻ vui cười duyên dáng - vẫn nụ cười bao lần Nam mang vào giấc ngủ - Thuý khẽ gật đầu không trả lời, chân bước chậm hơn…
Chỉ sau ba tháng hè Thuý đã thay đổi nhiều, cao lớn hẳn và xinh hơn với nụ cười lấp lánh bên chiếc răng khểnh. Ôi! Em đẹp làm chi, duyên làm chi cho lòng tôi ngây ngất: Tôi chưa hề hớp một chút rượu nào sao tôi lại thấy say say…
Nam tìm cách chuyện trò với Thuý nhiều hơn. Những ngày đi học Nam cố gắng để được đi bộ cùng với Thuý trên đoạn đường, nhưng Thuý luôn luôn né tránh một phần vì e thẹn một phần vì sợ gia đình và bạn bè thấy. Một hôm trên đường đi học Thuý nói với Nam có mấy bài toán đại số đầu năm thầy cho khó quá. Trúng ngay tâm ý, Nam mau mắn nói để Nam chỉ cho. Quả thật Thuý tìm đúng "thầy" rồi. Nam rất giỏi toán, ở lớp thầy thường khen Nam thông minh lanh lẹ, bạn bè cũng "bái phục" những cách giải toán của Nam. Nhân cơ hội này hôm sau Nam trao cho Thuý một quyển đại số để học, Thuý cười duyên cầm lấy lí nhí cám ơn. Và cũng bắt đầu từ đó, mỗi khi có bài toán khó là Thuý tìm đến Nam nhờ chỉ giúp. Thỉnh thoảng có vài quyển tiểu thuyết nhỏ, tập thơ hay, Nam thường trao cho Thuý đọc. Tình bạn cứ thế ngày thêm khắng khít. Chiều chiều Nam thường hay đi qua chợ mua vài viên kẹo đi ngang nhà Thuý cố tìm gặp Thuý để tặng, hình như Thuý biết rõ giờ đi lại của Nam nên Thuý hay nhìn ra cửa sổ trông thấy Nam là Thuý đi nhanh ra ngoài sân nhận kẹo. Một viên kẹo chẳng đáng là bao nhưng chút quà dễ thương nối kết tình cảm của hai đứa học trò nhà quê. Có hôm, Nam trao cho Thuý quyển sách và nói:
- Nhớ xem bên trong Nam có viết gì cho Thuý đó.
Thuý cười và gật đầu. Ngay ngày hôm sau gặp Nam Thuý trách:
- Viết gì ít quá vậy?. Người gì hà tiện chữ.
Nói xong Thuý giận bỏ đi… Đúng thật, Nam chỉ biết vỏn vẹn có ba từ:
"Thuý khoẻ không?"
Sau đó, Nam biên thư cho Thuý và giao kết là nếu Thuý viết một từ thì Nam viết hai từ, nếu Thuý viết một trang, Nam sẽ viết hai trang: Và cũng từ đó Nam và Thuý trao đổi tâm tình trên trang giấy học trò kèm vào quyển sách trao nhau. Thật ra đây không phải là những bức thư tình của những đôi trai gái yêu nhau mà là những mẩu chuyện hay , những câu nói hồn nhiên của tuổi học trò ngây thơ trong trắng. Và cứ thế một trang rồi hai trang ba trang giấy dầy theo tình bạn.
Nhà của Thuý cũng như nơi Nam ở gần bờ sông Đồng Nai. Cái thú nhất của Nam sau khi đi học về là chạy thẳng xuống sông bơi lội. Thời ấy Nam bơi rất giỏi, Nam bơi từ bờ sông bên này qua bờ sông bên kia rồi bơi trở về là chuyện bình thường. Một hôm như thường lệ Nam đi bơi tình cờ gặp Thuý đang giặt áo quần, Nam vừa bơi vừa chuyện trò với Thuý thật thích thú. Và từ đấy hàng tuần vào trưa thứ tư Nam và Thuý hẹn ra bờ sông trò chuyện. Một hôm hai người đang tắm dưới sông, đùa giỡn tát nước vào mặt nhau thì tình cờ ba Thuý đến, ông quát lớn:
- Thuý!!! Lên bờ… Về nhà ngay.
Thuý sợ quá lật đật đi về, Nam cũng sợ không ít và lo cho Thuý nhiều hơn… Ngày hôm sau đi học, Thuý nói với Nam là mình bị một trận đòn và bị ba cấm không được tắm sông nữa và cấm luôn việc giao tiếp với các bạn trai. Kể từ đó Nam và Thuý đã mất hết những cơ hội để gặp nhau, để được trao nhau viên kẹo, để được cùng nhau đắm mình dòng nước trong xanh mát rượi, hai người chỉ còn mỗi cơ hội duy nhất là trao đổi thư từ cho nhau qua quyển sách mà thôi.
Tết năm ấy nhà trường tồ chức cho học sinh đi du ngoạn Vũng Tàu trong đó có lớp của Nam và Thuý. Đây là dịp tốt cho hai bạn tự do chuyện trò gặp gỡ. Cho đến bây giờ Nam còn nhớ rõ mặt biển Vũng Tàu nước xanh trong vắt, sóng vỗ rì rào từng đợt…từng đợt… nối đuôi vào bờ, gió thổi mơn man như vỗ về tâm sự. Nam và Thuý đi dọc theo bãi biển dưới hàng dương xanh mát, tóc Thuý bay bay thơm mùi con gái, hai bạn nói chuyện học hành, chuyện cuối năm Nam trở về thành phố, chuyện vu vơ… Chỉ bao nhiêu đó thôi nhưng nói mãi nói hoài không hết. Thuý chợt hỏi Nam:
- Nam về thành phố rồi xa bạn xa bè ở đây. Về trên đó Nam nhớ ai nhiều nhất?
Nam cười cười úp mở:
- Thuý còn hỏi. Người đó bí mật mà. Không nói.
Thuý chợt đỏ bừng hai má, đôi mắt long lanh.
Sau chuyến đi chơi về bạn bè bắt đầu trêu chọc Thuý và Nam. Nghỉ tết vào Nam bắt đầu tập trung cho việc học nhiều hơn vì chỉ còn non vài tháng nữa là Nam thi rồi. Nam luôn tự tin ở chính mình và quyết không phụ lòng thầy cô, cha mẹ. Dạo này Nam và Thuý ít khi gặp nhau, sau một buổi học ở trường, chiều đến Nam tìm nơi vắng vẻ trong khuông viên chùa để ôn bài thi. Nơi đây thật lý tưởng. Ở một góc sân cây bồ đề rợp bóng mát cành lá xum xuê, trước sân chùa hoa kiểng bốn mùa xanh mát đủ màu thoang thoảng hương thơm, tiếng chuông chùa ngân nga như ru lòng người. Nam ngồi dưới gốc cây ôn bài thoải mái. Nhiều lúc học xong Nam lang thang quanh chùa ngắm cảnh, không khí trầm lắng yên tỉnh ở đây khiến Nam thấy lòng thanh thản. Một hôm đang chậm bước phía sau chùa tình cờ Nam thấy bóng dáng người con gái giống Thuý quá, cố nhìn kỹ đúng là Thuý rồi. Thì ra ở phía sau chùa là nhà Thuý, Nam vẫy tay chào, Thuý biết ngay là Nam. Sau đó, những lúc không có ba Thuý ở nhà Thuý thường đạp xe vào gặp Nam. Chỉ vài phút ngắn ngủi với vài câu thăm hỏi Thuý trở về nhà ngay.
Thời gian trôi qua thật nhanh mới đó mà chỉ còn hai tuần nữa là đến hè rồi, Nam biên thư mời Thuý đến nhà cô Nam gặp nhau trước khi Nam từ giã trường về thành phố. Thuý đến nhà Nam, hai người ngồi đối diện nhau ở bàn học Nam và nói với nhau nhiều lắm. Vẫn chuyện học hành, chuyện tương lai, nhưng lời yêu thương chưa ai dám ngỏ. Cuối cùng rồi cũng phải chia tay. Nhìn ánh mắt buồn buồn của Thuý, Nam nghe lòng rung động, Nam mạnh dạn nắm tay Thuý và hôn lên trán Thuý trước khi tiễn Thuý ra cổng… Sau buổi gặp gỡ đó, hai người không hẹn ngày gặp lại. Nam về thành phố chuẩn bị kỳ thi. Kết quả của kỳ thi Nam đã đỗ hạng Bình Thứ và được tuyển vào học lớp Đệ Tam, ban B trường Trung học Ngô Quyền. Suốt năm học Đệ Tam, Nam có viết ba lá thư nhờ người bạn gái của Thuý trao cho Thuý nhưng Nam không thấy Thuý trả lời. Nam thầm nghĩ chắc tình bạn thời thơ ấu đã chấm dứt hay xa mặt cách lòng? Trách ai? Riêng Nam thì Thuý ơi!!! "Tình nhỏ đâu dễ quên".
Gần hai năm sau đó, vào buổi tối Thuý đến nhà Nam tại thành phố, Nam nhìn ra thấy Thuý đứng ngoài với chiếc xe đạp, Thuý nở nụ cười thật tươi và nói:
- Nam ơi! Mau ra ngoài chơi với em một chút. Nam mừng quá vội đáp:
- Sao hôm nay em đến đây? Anh vui lắm… Anh ra ngay đây.
Lần dầu tiên tự nhiên Nam và Thuý xưng là anh em, Nam đưa Thuý bằng xe đạp của Thuý đến Cầu Mát Biên Hoà. Hai người ngồi trên ghế đá trước bờ sông tâm sự.
Sau một hồi chuyện trò về trường xưa lớp cũ, chuyện sức khoẻ học hành, Thuý mới trách Nam không biên thư cho Thuý để Thuý mãi mong chờ. Giờ thì mới vỡ lẽ thư Nam không đến được tay Thuý. Nam đùa:
- Chắc thư của Nam được đem bán rẻ rồi.
Trong lúc chuyện trò, Nam thấy Thuý vui nhưng không tự nhiên, có một nỗi buồn nào đó mà Thuý chưa nói được. Nam hỏi mãi Thuý mới nói là ba má Thuý đã chấp nhận lời cầu hôn của vị sĩ quan hiện đang đóng đồn trú tại đó.
Thuý rất buồn, Thuý không bằng lòng. Nam thoáng thấy những giọt nước mắt sắp trào ra trong mắt Thuý. Nam lặng thinh không biết nói gì, hai tay Thuý đập mạnh vào vai Nam:
- Sao anh không nói gì vậy?.
Nam lại yên lặng một lúc lâu mới nói:
- Hiện tại anh chưa có gì cả, chưa làm được điều gì cả. Anh và em không làm gì khác hơn là vâng lời ba má.
Thuý ôm chầm lấy Nam và gục đầu vào ngực Nam khóc nức nở. Nam và Thuý đã thực sự chia tay từ đó.
Nam thấy mình đã đánh mất một thứ gì quí giá nhất và nghe lòng buồn khôn tả nhưng thời gian không cho phép Nam rảnh để buồn vì kỳ thi Tú Tài I đã gần kề. Bao nhiêu tâm lực Nam học là học và kết quả là Nam đã đỗ xong Tú Tài I rồi năm sau Tú Tài II và lên đại học. Thời gian này Nam không có tin tức gì về Thuý cả. Nam cố quên và không muốn nhớ bởi vì Nam nghĩ mỗi người đã có một lối đi rồi. Nam muốn Thuý quên đi những ngày cũ để sống trọn vẹn với hạnh phúc mà Thuý đang có.
Ba năm sau, chiều chủ nhật, sau khi về thăm gia đình Nam trở lên Sài Gòn tình cờ Nam gặp lại chị em Thuý đang đi trước rạp Biên Hùng. Sau những lời thăm hỏi, Nam xin từ biệt. Thuý chưa muốn chia tay, Thuý mời Nam vào quán nước gần đó ngồi nói chuyện. Thuý cho biết là Thuý vừa sinh xong được bé trai 6 tháng, chồng Thuý đã chuyển về vùng cao nguyên nên Thuý đã theo chồng về đó sống mấy năm rồi. Thuý tâm sự tiếp:
- Pleiku buồn lắm! chung quanh toàn là núi rừng. Buổi sáng bầu trời luôn luôn được sương mù bao phủ, buổi chiều thì mưa dầm dề làm em nhớ nhà, nhớ lại thời đi học, nhớ đến anh…
Nam không muốn thấy Thuý buồn nên pha trò:
Thúy có biết nhà thơ Vũ Hữu Định viết gì không?
…Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong….
Nam nhìn mãi Thuý vẫn đẹp, vẫn dễ thương nói:
- Em không khác xưa, chắc em hạnh phúc lắm.
Thuý nhìn Nam nói :
- Anh có vẻ gầy đi nhưng rắn rỏi hơn xưa nhiều!<
Nam đáp lại:
- Ừ! Tại anh bận học quá không còn thời giờ làm gì cả.
Thuý lại cười buồn:
- Cả đến việc nhớ đến những kỹ niệm ngày đi học?
- Nam cười…
Hơn nửa giờ sau hai người chia tay. Trước khi đi Thuý đưa cho Nam địa chỉ và muốn Nam thỉnh thoảng biên thư thăm Thuý. Nhìn bóng Nam lẫn khuất trong khách đi đường, Thuý buồn bã thì thầm: "Làm sao em quên được".
Hai năm sau, Nam tốt nghiệp đại học và làm việc tại Sài Gòn, Nam vẫn còn giữ địa chỉ của Thuý nhưng Nam không muốn liên lạc vì Nam nghĩ cả Nam lẫn Thuý cần quên nhau đi để tâm hồn thư thái trong cuộc sống hiện tại.
Năm sau, tờ báo xuân của sinh viên Sài Gòn vừa phát hành nhân dịp Tết trong đó có bài viết của Nam. Nam quyết định gửi cho Thuý kèm theo lá thư thăm hỏi. Vài tháng sau Thuý và em gái đến tìm Nam trong buổi chiều thứ bảy, Nam cùng chị em Thuý dạo phố Lê Lợi, ăn uống và xem Xi-nê tại rạp Rex. Trong bóng tối của rạp Xi-nê Nam cầm tay Thuý, hai người tựa đầu vào nhau tâm sự và không biết trên màn ảnh đang chiếu gì… Sau đó, mỗi lần Thuý về thăm gia đình ba má Thuý đều lên Sài Gòn thăm Nam. Có lần Nam đưa Thuý vào viếng vườn Tao Đàn, trong khung cảnh tươi mát thơ mộng này, Thuý tâm sự:
- " Ở bên anh em cảm thấy được sung sướng vì em được đi bên cạnh người em yêu".
Ngừng một chút Thuý nói tiếp:
- "Em có một gia đình hạnh phúc, chồng em rất tốt, yêu em anh ấy làm tất cả vì em, cho em, nhưng em lấy chồng mà không có tình yêu. Em đã nói với anh, em chỉ yêu có một người. Nhiều lúc nghĩ lại em có lỗi với anh ấy lắm nhưng em biết làm sao đây?. Một nhà văn nào đó đã nói "Con tim có lý lẽ riêng của nó", đúng quá phải không anh?".
Và rồi tháng 4 năm 1975, dòng người đã đưa Nam đến đất Hoa Kỳ. Ở đây được vài năm sau khi ổn định cuộc sống, Nam lập gia đình và có con. Thuý vẫn ở lại quê nhà. Hai mươi năm sau, Thuý cùng gia đình sang Mỹ định cư. Thuý thăm hỏi bạn bè địa chỉ và số điện thoại của Nam. Thuý gọi đến Nam và thăm hỏi. Hai người nói chuyện:
- Chào em! Thuý khỏe chứ. Hai mươi năm qua ở quê nhà cuộc sống em ra sao?
- Em vẫn khoẻ, cuộc sống không có gì khó khăn lắm nhưng em phải đi làm nhiều hơn trong thời gian chồng em đi học tập.
- Em vẫn nhớ đến anh?
- Em không có thì giờ rảnh để nghĩ về anh nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn còn ấm áp trong trái tim em.
- Em có nghĩ là anh đã chết rồi không?
- Không!!! Chắc chắn là không. Em biết anh là người lanh lợi tháo vát nên luôn luôn tin rằng anh đang sống đâu đó trên quả địa cầu này.
- Cám ơn em! Em và gia đình vẫn khoẻ, có được cuộc sống yên vui hạnh phúc trên xứ này anh mừng lắm.
- Khi nào rảnh anh nhớ điện thoại cho em để em biết anh vẫn khoẻ và em vẫn còn nghe được giọng nói của anh. Cho em gửi lời thăm chị và các cháu.
- Cám ơn em nhiều lắm! Chúc em vạn sự an lành và thành công trong cuộc sống mới.
Gác điện thoại xuống bàn, Nam thì thầm: