Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của Paul Gauguin

  PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG




L ọt thỏm giữa một vùng bán sơn địa, nửa trung du, nửa đồng bằng. Vài ba chục nóc nhà gỗ lợp lá cọ xúm xít dưới bóng cây vườn xanh ngát, mùa nào thức ấy, cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi làm cho người ta liên tưởng tới một ốc đảo thanh bình. Ruộng chiếm ba phần tư thung lũng. Ruộng không nhiều nên làng cũng nhỏ thó. Gia súc là nguồn thu chính giúp người ta bù đắp vào khoảng vơi của khạp gạo trong những ngày nông nhàn.

Ở đó, nghĩa xóm tình làng thật khắng khít chẳng phải chờ có chuyện mới ghé thăm nhau. Phần thưởng quý giá nhất đối với họ là lòng chân thành, vị tha mà họ được nhận. Người ta bảo đàn bà lắm chuyện nhưng nghiệm ra đàn ông cũng chẳng kém gì. Hễ có ấm ức trong lòng, người ta tìm nhau giãi bày, phân bua điều hơn lẽ thiệt. Khi thì ly trà, khi thì chén rượu, riết thành quen không có không chịu được. Ông Tứ nghĩ ngay là có chuyện, khi nhìn thấy lão Mọ khệnh khạng cắp nách chai rượu sang nhà mình.

- Vẫn ngồi chỗ cái bàn đá ngoài sân đó chứ.

- Ừ, trời hôm nay mát. - Ông Tứ nhát gừng.

- Tôi có chai Cát Quế, thằng rể mang từ quê lên, ông xem có cái gì nhâm nhi tôi kể ông nghe chuyện này hay lắm.

- Ông thì ngày nào mà chả chuyện. Còn lưng hũ mắm nêm con, thương hiệu hẳn hoi đấy nhé. Mắm-cá-cơm-Dì Cẩn, chợ Hàn - Đà Nẵng đấy.

- Cũng oách. Nhưng bây giờ chuyện hơn nhau trong kỹ thuật có khi chỉ là đồn thổi bởi doanh nghiệp nào cũng có vốn kiến thức nhất định của mình. Thì dụ như nước tương ấy…Chẳng khác nhau là bao.

- Đồng ý. Nhưng cái mình tin thì bao giờ cũng được ưu ái hơn.

- Rõ.

- Tôi giã ớt tỏi, ông ra vườn bứt mấy quả xoài.

- Xoài bằng hạt mít hay sao mà bứt lắm thế, một quả đủ không ? Lão Mọ vừa nói, vừa đi. Khi đồ nhắm đã chỉnh tề trên bàn, lão Mọ bắt ngay vào chuyện.

- Ông biết chuyện mấy đứa con nhà mụ Thức chứ.

- Chịu.

- Bó máy thật, con mụ có cặp lông mày mỏng như lá lúa ấy…

- Ông hỏi chuyện con bà ấy thì tôi tịt thật, chứ bà ấy ai mà không biết, biết nhiều nữa là khác.

- Chồng chết…

- Biết rồi.

- Bốn đứa con nhỏ..

- Biết rồi.

- Thằng con trai mang họ mẹ…

- Chưa biết.

- A, cái lão này, có nghe không thì bảo. Ông cứ thọc gậy bánh xe thế kia thì tôi còn biết nói gì. Một tay bà ấy tần tảo nhưng cũng chỉ nuôi nổi thằng con trai ăn học thành tài. Còn ba con chị nó cũng chỉ qua trường làng. Nghe đâu cậu quý tử của bà ấy làm quan to ở tỉnh, hai chị kế nó cũng lấy chồng khá giả ở xa. Chỉ cô chị đầu là thương mẹ nên không nỡ xa cái làng này, đành lấy chồng nghèo.

- Ông nói vậy thì lũ con trai ở đây vứt cả à.

- Ý tôi không thế, nhưng ông xem có đứa con gái nào ở cái làng này thoát ra ngoài lấy chồng giàu sang được đâu. Chả có ông nọ bà kia nào liếc mắt tới cái lòng chảo rách rưới này. Tôi nói ông biết, chẳng nhờ thằng Quang làm lớn thì hai chị nó cũng vọc đất mà ăn như bọn mình thôi. Ông không thấy là thằng Quang thường đem xe hơi về rước mụ Thức lên tỉnh hoài à. Khi thì sinh nhật cho bà, khi thì giỗ ông, khi thì đầy tháng, thôi nôi cho con nó. Bao thằng muốn được như nó nhưng đã rớt từ vòng gửi xe. Nội ba thứ quà cáp, hiếu hỷ, ơn nghĩa của đám nhờ cậy cũng đủ giàu sụ. Mà lại vui vẻ cả tỉnh ấy chứ, được dịp o bế quan lớn là hãnh lắm. Thằng Quang làm thế vừa được tiếng, vừa có miếng, hiếu ra phết. Tết nhất có khi nào nó về cái làng này đâu, nhà đóng cửa có mà thất thu à…

Hớp thêm ngụm rượu, gắp thêm miếng xoài, lão Mọ ra chiều đắc ý với tài ăn nói lưu loát của mình. “ Con vợ nó cũng chi li đáo để,  xong việc là đưa mẹ chồng về quê ngay với lý do ngàn đời trong sáng : Mẹ không quen ồn ào ở phố. Đểu thật, chúng giàu mà so đo với mẹ chén cơm thì phũ phàng quá ông ạ. Mụ Thức chứ tôi thì vứt, giàu lắm thì cũng ăn ngày ba bữa, ở quê có chết đói đâu. ”

- Nhưng bà ấy có mình thằng Quang, còn cháu nội nữa chứ. Ông nói ngang phè phè thế ai chịu.

- Ối, ông nhà quê ơi, trai gái mà chi. Trai mà bất hiếu, bất nghì thì cũng như không. Hiếu theo cái kiểu của thằng Quang thì đoản lắm. Nghe đâu khi bà Thức bệnh nặng nó cho xe về chở thẳng đến bệnh viện tỉnh. Không làm thế thì xóm giềng vả vào mồm à. Nhắm không qua khỏi, bà Thức đòi về làng lo hậu sự, thằng Quang có cho đâu. Dịp tốt của nó đấy ông ạ, hái ra bạc từ cái tang mẹ cũng là cách nghĩ hay đấy chứ. Lõi như nó, khóc thật.  

- Có riêng gì thằng Quang đâu, cả trái đất đều thế mà.

- Nhưng người Á Đông mình vẫn còn lễ giáo lắm ông ạ. Biết là, anh em thì ai làm nấy ăn, nhưng tràn mồm mà còn tham lam với ruột thịt thì hết cách. Nghe đâu thằng Quang đòi bán mảnh vườn và căn nhà của mẹ chúng nó để chia nhau, chẳng biết chị và anh rể nó tá túc nơi nào. Ngày trước…Ai mà cũng xử sự như nó thì lấy đâu ra nhà cổ, vườn cổ nữa hả ông.

- Chắc nó muốn đưa chị nó lên tỉnh.

- Có mà trời sập.

- Thế là thế nào ?

Không trả lời ngay, lão Mọ tợp một ngụm rượu. Đưa cay xong vẫn cứ ngồi thừ ra một lát rồi mới tóm tắt câu chuyện.

Hôm xong trăm ngày ngày mẹ nó, hai cô chị ở tỉnh cũng về, nó mời ông Được là cậu ruột nó lên thưa chuyện. Nó bảo :

- Em cảm ơn chị và anh rể bao năm qua vất vả nuôi mẹ. Chúng em ở xa không đỡ đần được gì. Nay cha mẹ không còn em cũng muốn anh chị lên tỉnh ở cho gần gũi chúng em. Em tính bán căn nhà và mảnh vườn này chia đều cho mỗi người. Đáng lý ra em phải phần hơn vì phải thờ cúng, giỗ kỵ...”

Lão Được vẫn thong thả nhâm nhi tách trà và cười lặng. Hình như lão biết tỏng chuyện này. Tội nghiệp cho chị hai nó, vừa khóc vừa xót xa :   

- Cậu là trai, quyền quyết định ở cậu. Chuyện thờ cúng mẹ thì chị cũng làm, ai hiếu thì làm. Còn việc bán nhà thì chị nghĩ có cần thiết không ? Cậu và hai dì nhà cao cửa rộng, có người đôi ba cái, bán căn nhà ọt ẹp này liệu được bao nhiêu, mẹ cha không có chỗ đi về.   

- Chị nói thế chứ các cụ phải theo con trai chứ, bàn thờ các cụ trên nhà em lộng lẫy lắm.   

- Chị biết, nhưng chị không thể nghe theo cậu. Quanh năm suốt tháng chị chỉ biết cây lúa, cây ngô. Làm không đủ ăn lấy đâu ra tiền mua nhà ở phố hả cậu. Ở cái làng này, chỗ nào anh chị cũng trú thân được. Nhà tranh vách đất mà có chỗ chui ra chui vào là được rồi, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu. Cậu đã nhất quyết thì cậu cứ tính mà không phải bận tâm gì chị. Ngày xưa, cũng chỉ mình vợ chồng chị nuôi mẹ đau bịnh bao năm ròng có ai đếm xỉa gì đâu...Tội nghiệp mẹ gần đất xa trời mà cũng chỉ cháo rau qua ngày…  

Chị hai nó nói trong nước mắt. Nãy giờ lão Được nín thinh, lão nghe lại điều lão đã biết nhưng mắt lão vẫn đỏ, lão thương xót chị lão gian nan suốt một đời, lão thương lão nghèo túng bẩm sinh. Lão quay sang thằng Quang thăm dò:

- Cháu đã có người mua chưa ?

- Dạ có ạ, chú Thiện.

- À, thằng cha buôn bò chứ gì ?

- Dạ.

- Bao nhiêu ?

- Dạ, ba chỉ một sào.

- Vị chi, chín chỉ, tậu được con Dream Trung Quốc !

Lão nhếch môi, chưa chịu buông tha :

- Nhà cháu cần mấy đồng bạc lẻ thế thật sao ?

Thằng Quang ấp úng :

- Cháu thì sao cũng được nhưng còn vợ con, còn dâu rể, ai cũng phải có phần chứ cậu.

Lão Được giận run, chẳng cần giữ ý, giữ lời :

- Tao chưa thấy đứa nào giẩy cỏ, cuốc đất một ngày ở vườn nhà này trừ anh chị mày. Nhưng thôi, người ta mua bao nhiêu tao mua bấy nhiêu.

Lão giận dữ.

- Chồng đủ một lúc chứ cậu.

- Yên trí, già như tao hổng lẽ…

Quay sang chị hai nó, ông bảo :

- Cháu đi mời ông trưởng thôn và ông tư pháp thôn lại đây cho cậu.

Mọi người có mặt hôm đó đều há hốc mồm. Quái, cái lão nghèo nhất hành tinh này lấy đâu ra số tiền to thế, hay lão có của chìm. Quanh năm chỉ độc chiếc áo bảo hộ lao động bạc phếch, chén rượu nhạt đãi bạn cũng chẳng đầy. Bốn thằng con trai của lão cũng thế, làm khoẻ thật , ăn khoẻ thật nên nghèo cũng nghèo thật.

- Hai ông chính quyền đến, bắt tay cả nhà giống như họ hàng thân thuộc :

- Mấy chị em tụi bây mới về hả.

- Dạ.

- Nghe nói tụi bây làm ăn ngon lành, tao nừng.

- Lương nhà nước mà chú, tháng nào lủm tháng đó, có dư dả gì đâu.

- Tao hổng xin à...

Ông trưởng thôn cười khà khà :

- Nhà có gì vui mà mời bọn này ? Sao gương mặt nào, mặt nấy bí xị thế kia.

Ông vừa nói, vừa đưa tay khoanh một vòng tròn ám chỉ. Lão Được nhanh nhảu :

- Có tất, nhưng xong việc này đã…

Rồi lão thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Ông trưởng thôn và ông tư pháp thôn cứ cười. Chẳng ai hiểu mô tê gì. Ông trưởng thôn nhìn ông Được :

- Thôi thì… Của mình lạt buộc, đến nước này ông đành phụ lời của chị ông vậy.

Nói rồi, ông ta lấy trong cặp táp vẫn đeo bên mình ra phong thư còn dán kín. Ông Được cũng có một phong thư như vậy. Đó là di chúc của bà Thức có chính quyền và hai người hàng xóm xác nhận :  

“…Nhà cậu nghèo, năm thằng con trai nheo nhóc lo ăn cho chúng cũng tối mặt. Lại nghe thiên hạ xấu mồm đẻ năm thằng con trai là mạt, ngũ quỷ mà. Nên cậu mợ sang nhờ bố mẹ nuôi cho một đứa, coi là con bởi bố mẹ cũng không có con trai…”.

Nghe thế cũng đủ, vợ chồng thằng Quang nhìn ông bà Được, cha nó đây ư, mẹ nó đây ư. Những người thân thuộc mà nó chưa bao giờ biếu được cây kẹo, chưa bao giờ có sự tôn kính thật lòng. Ôi, ông trời. Ông trời sao quá quắt thế. Tai nó ù lên, khổ sở như kẻ trộm trước vành móng ngựa. Nó phủ phục xuống chiếc bàn con có di ảnh mẹ nó, không, cô nó mới đúng. Người đã nhịn cơm con, nuôi cháu. Cho cháu cuộc đời vinh quang trong khi con mình phải chịu thua thiệt trăm bề. Trong đó, làm sao không có phần đóng góp của cha mẹ nó, những người mà nó chưa bao giờ làm cho họ vui được một ngày, hạnh phúc được một ngày. Trời ơi, biết phải làm sao đây. Nó vẫn khóc sướt mướt. Có lẽ đây là lần khóc thật nhất trong đời nó.


            



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com