C ả nhà đang làm răm cối dưới gốc nhãn. Thấy con trai về lại có bạn gái đi cùng nên rất vui. Ai cũng nhận ra con bé đã từng về chơi nhà mấy lần. Hai đứa em gái ôm trầm, gọi tên chị tíu tít. Ông đứng lên đi rửa tay. Bà dẫn nó vào nhà, vén vạt áo lau nước mắt, chưa kịp nói gì.
- Mẹ xem: Mới gần một năm lên biên giới, ăn gạo đỏ muối rang mà anh ấy béo trắng hẳn ra. Chỉ có cái miệng ít nói là không thay đổi! Tính vừa nói vừa lấy cái túi du lịch treo ở xe đạp (Túi của nó) vào nhà:
- Xem anh giáo có quà gì nào! Nó kéo khóa rồi nói như thật:
- Bánh kẹo bố mẹ thắp hương rồi mời xóm láng, chia cho các cháu. Đây là 5 gói chè hoa nhài biếu Bố. Mười quả cau sung biếu mẹ. Hai bánh xà phòng bẩy hai phần trăm chắc là cho hai em gái. Đây nữa, 5 gói thuốc lá thơm Điện Biên bao bạc mời dân làng. Cả nhà đang nhìn anh giáo yêu thương, nể trọng thì nó kêu to “Thiếu quà cho em rồi!” Cái Minh hỏi nhỏ:
- Sao Anh vô tâm thế? Hắn gượng cười:
- Anh bổ sung sau!
- Có thế chứ! Cái Thêu đồng tình.
Thấy các ông, các bà hàng xóm sang chơi Bố bảo:
- Các con đi làm cơm để anh tiếp khách! Tao đi bắt con gà.
Nó bóc kẹo bày ra đĩa, lấy thưốc mời những người sang chơi. Người không hút cũng cầm một điếu. Chả mấy người hỏi thăm anh giáo sống trên cao nguyên thế nào! Ai đến cũng đổ dồn con mắt vào nó:
- Quê cháu xa không?
- Đang công tác ở đâu?
- Bố mẹ có còn khỏe?
- Có mấy anh chị em?...
- Bao giờ cho chúng tôi ăn trầu?
Nó cười duyên, xin phép xuống bếp giúp các em làm cơm.
Mẹ đỡ lời.
- Cháu quê ngay chỗ Cầu Ngọc Ân Thi. Các cháu biết nhau từ hồi còn ở trên đồng. Trầu têm rồi đây! Mời các ông, các bà uống nước, xơi trầu!
Ba giờ chiều nó xin phép:
- Cho anh lai con vào Thị xã để chiều còn làm việc.
Đến phố Cao (cách nhà 3km) nó vẫy được xe tải và dặn:
- Em nhờ được xe chở hàng cho Thương nghiệp. Anh cứ mang xe của em về. Chủ nhật tuần sau vào đón em!
Cả tuần, gia đình, họ hàng, xóm láng đều xoay quanh chuyện vợ con của hắn. Nắng xiên khoai, bố đi đóng cối về. Đặt đôi lồng ngoài cổng, vào nhà định uống hớp nước rồi đi chẻ nan vanh.
Hắn đang nằm võng xem sách vội đứng lên rót nước.
- Con mời bố!
Uống hết bát nước chè xanh ông bảo:
- Anh giáo an cư đi rồi hãy lạc nghiệp!
Không thấy hắn nói gì ông tiếp:
- Học hành, công ăn việc làm của anh thế là ổn. Hai bốn hai lăm tuổi rồi! Anh lập gia đình đi là vừa? Bố mẹ còn lo cho các em!
- Con biết bố mẹ lo cho con, nhưng…
- Anh còn định nhưng đến bao giờ? Anh có biết “Không có vợ, con là người con bất hiếu không? Anh là con trưởng đấy?
- Dạ!
- Dạ rơm làm gì! Kỳ này nghỉ phép 2 tháng cưới vợ đi! Tao thấy con Tính nó thảo đấy!
- Bố mẹ nghĩ thế chứ nhỡ bố mẹ nó không đồng ý thì sao?
- Hôm nay tao làm cho ông Lục. Ông ấy cùng ngành lương thực với bố nó. Ông ấy bảo bố nó khen mày có trí mà hiền.
- Còn nó nữa chứ?
- Về sắc: Anh bói đâu ra được người hơn nó? Nó nhanh nhẹn, hoạt bát thế còn gì! Tôi biết, anh từ biên giới về chỉ một cái ba lô, đựng hai bộ quần áo bên trong. Qùa cho gia đình là nó thu xếp chứ ngữ anh lấy đâu ra chè, ra thuốc thơm, ra xà phòng 72% ! Toàn là của phân phối.
- Con…Hắn định thanh minh chuyện mang chè mật ong…nhưng ông gạt đi:
- Tôi không phải là người hám của. Tôi quý là quý tấm lòng của nó! Tôi trọng cách đối nhân xử thế của chị ấy!
- Bố cứ…
- Nếu chị ấy có nơi có chốn rồi thì thôi!
- Con cũng suy nghĩ như thế!
- Nhưng cũng đừng kén cá chọn canh! Ngày anh mới đi Hà Giang, nó xuống xin địa chỉ nhưng chưa có. Thấy tôi đang cưa răm bằng cái cưa cùn, tuần sau nó mang về cho cái lưỡi cưa Tiệp. Trước đó tôi tìm mua mãi mà không được. Khi trả tiền nó nhất định không cầm. Nó bảo: “Mua phân phối có đáng bao nhiêu!” Bố dùng thử xem có được không? Những người như thế sau này biết gánh vác lo toan cho gia đình!
- Bố cho chúng con thời gian .
Mẹ cầm rá gạo từ trong buồng ra: