1.
Cuối tháng 3, trời chuyển mùa nóng bức. Anh Bảy rủ tôi qua nhà anh làm bậy vài chai bia cho mát. Sau khi sai thằng con chạy mua thêm nước đá, anh vô đề chuyện thời sự, rằng mấy năm trước, công ty anh cho lãnh thêm tiền lễ 30-4 khoảng trên dưới ba trăm ngàn, thiệt không nhiều nhặn gì so với mức lương “cứng” hai triệu mốt của anh. Đã vậy, năm nay tiền lễ ấy chắc chắn còn bèo hơn nữa vì công ty đã chuyển thành công ty cổ phần, phải “liệu cơm gắp mắm” kỹ hơn thời còn bao cấp, tức thẳng tay xiết lại tất cả các khoản lương, thưởng. Nhưng vì sang năm anh Bảy nghỉ hưu nên đối với anh, tiền lễ sắp lãnh dù có bèo bọt vẫn là món bổng lộc cuối cùng của đời công nhân, sẽ ý nghĩa lắm. Anh kết luận vậy mình phải xài thiệt là có lý, có tình – đó là anh em mình sẽ nhậu một bữa thiệt “chất lượng”.
Anh Bảy nói xong thì cười khục khặc. Anh vốn có thói quen hay cười, cười vài tiếng ngắn khi mở đầu một chuyện kể, cười hề hề kết thúc một nhận xét, cười ấm ứ ngưng ngang một ý kiến… Trước cái tánh cười dễ dàng như thế của anh Bảy thì ngoài trường hợp anh kể chuyện tiếu lâm, nhiều lúc tôi đã ngớ ngẩn, không hiểu nổi là anh cười về chuyện gì, vì lý do gì. Khi cười trước khi nói ra một ý kiến hay kể một câu chuyện, là anh muốn gây chú ý đối với người nghe hay tự phê phán trước về điều mình sắp nói? Khi cười kết thúc một thông báo, như vừa rồi là báo cho tôi biết sẽ đãi nhậu bằng tiền lễ, phải chăng anh cười chua chát về ý nghĩa của món tiền gọi là ‘tiền lễ’, hay anh cười như tự chế giễu cái sự “chịu chơi” đem tiền lễ nhậu hết, hoặc anh cười để trấn an tôi, cho tôi khỏi ngại chuyện anh đã nghèo mà còn tốn hao, bao biện anh em như thế?
Dù sao thì anh Bảy cũng đã vỗ vai tôi, cười nữa và nhất mực dặn dò: “Nhớ nghe, bữa 30 qua tui xỉn một bữa cho dui, khỏi si nghỉ chi cho mệt cái đầu chú ơi!”.
Ông bạn vong niên, dễ mến, chất phác, cả đời chỉ sống bằng nghề lao động chân tay, lúc nào cũng ăn nói kiểu ‘ruột để ngoài da’ này coi vậy mà vừa nói đúng chóc tim đen của tôi.
Sau tháng 4 -75, trôi nổi, lưu lạc cả hơn chục năm trời, rốt cuộc tôi về náu thân trong một xóm lao động gần nhà ga Gò Vấp. Hàng xóm trong hẻm toàn dân nghèo, bà con kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn, bán hàng rong hay có làm cho nhà nước cũng chỉ là công nhân quèn, bậc lương thấp. Ở khít vách tôi là anh Bảy, lớn hơn tôi vài tuổi, thợ cơ khí điện lạnh ở một công ty may bên Nhà Bè. Ở chầu nhậu cóc, ổi sơ giao bên nhà anh, anh Bảy hỏi tôi làm nghề gì. Tôi đáp vắn tắt là mình làm báo, đã nghỉ lâu rồi và chỉ còn viết lách vớ vẩn. Tôi nhớ anh Bảy đã cười, nhận xét ngay: “Chà, anh em diết báo chắc phải si nghỉ dữ lắm he? Thôi dô cái đi!”.
Vô xong tua đầu, anh ân cần cầm một miếng ổi, chấm muối ớt đưa cho tôi, lại cười và hỏi câu nữa: “À quên, mình nghèo nên chỉ nhậu rượu đế hà, anh em chơi đế, rượu thuốc được hôn, mà uống khá hôn?”. Tới phiên tôi cười, đáp: “Dạ em uống rượu đế, rượu thuốc cũng quen rồi, gặp gì uống nấy anh Bảy!”.
Vậy là ở ngay vòng đầu phỏng vấn lý lịch, anh Bảy đã phóng khoáng chíp bụng “kết” tôi liền mà chỉ cần thông qua hai điểm thú thật là không có gì sáng giá, một là tôi làm nghề viết, hai là tôi biết uống.
2.
Sắp có dịp lễ lớn, nghỉ dài ngày, quả là một cái dịp quá đẹp để dân biết uống, hay nhậu như tôi và anh Bảy ‘gầy độ’ cùng uống. Đúng hơn, đâu đó chỉ mới đầu tháng 4, có thể nói đại cũng đúng là đại đa số dân nhậu trên đất nước này đều đã cùng nhau vạch vẽ xong xuôi kế hoạch về địa điểm, thời gian, phần hùn hạp… cho bữa nhậu nhất định tưng bừng vào ngày cuối tháng.
Thường thì, nếu có ai rỗi hơi hỏi cái cớ để nhậu, tức dân nhậu uống vì lý do gì, uống cho điều gì, thì tất nhiên sẽ dễ dàng nghe những câu trả lời tương tự nhau, đại loại: nhậu chơi, nhậu cho vui, nhậu để xả hơi, nhậu đỡ buồn… Nhưng có điều là cái cớ để nhậu “30 tháng 4” tới đây lại nhắc nhớ một thời điểm vô cùng đặc biệt, một biến cố lịch sử lớn lao, hạ màn cuộc chiến tranh, chết chóc đồng thời dựng nên bao cuộc đổi đời, kẻ lên voi, người xuống chó cho vô số thân phận. Tiếng súng đã im nhưng tình cảnh phân ly “hai phe” vẫn còn đó theo kiểu: người nhờ biến cố này được thăng tiến, bổng lộc, danh vọng đến tay, làm ăn thêm lợi thế, cả nhà cả họ giàu lên thì đám người này nhậu vui, hả hê ăn lễ mừng lễ; ngược lại, người bởi biến cố này mà bị thua thiệt, mất mát người thân, nhà cửa cùng danh vị, còn lụn bại, nghèo mạt đi thì đám người này nhậu buồn, cầm ly rượu mà ngậm ngùi, nghĩ suy, nuối tiếc dĩ vãng, tưởng nhớ người thân và bạn bè đã mất trong cuộc chiến, ngoài biển hoặc đã bỏ nước ra đi, đăng đẳng nhiều năm rồi không gặp…
Tất nhiên, thực tế thì trong các bữa rượu kéo dài và hào hứng, mọi cảm xúc - dù bởi nhậu vui hay nhậu buồn - rồi cũng lần hồi trôi mất theo những lần xây tua hay dô trăm phần trăm liên tục. Người uống rượu chỉ còn vô tư uống cùng người khác, uống theo người khác, chẳng còn suy nghĩ gì nữa, hay ‘tâm trạng’ gì nữa – cái từ ngồ ngộ mới xuất hiện sau này trong một cách nói, cách viết bỏ lơ chuẩn mực văn phạm, cho các danh từ nhảy vô thay chỗ các tính từ/hình dung từ, như “bữa nhậu chất lượng”, “công nhân tài năng”, “nhà báo trí tuệ”, “lời lẽ tâm trạng quá!”…
Trở lại với anh Bảy, có vẻ như theo anh thì dân làm báo, viết lách, tạm gọi là ‘có chữ nghĩa’ như tôi thế nào cũng phải suy nghĩ, thường xuyên suy nghĩ, nhậu xả xì-trét cho khỏe cái đầu cũng suy nghĩ. Riêng về từ ‘suy nghĩ’ thì như nhiều người Nam bộ khác, anh Bảy lười cái vụ phải chu miệng, giựt hàm dưới vô, xì hơi ra để phát âm cho đúng chữ ‘suy’, cứ nói nhẹ tưng cho nó khỏe, nghe bắt cười là ‘si’, nhân tiện anh cũng cho dấu ‘ngã’ trong chữ ‘nghĩ’ đi chơi chỗ khác luôn – người Nam mà! Tuy nhiên, tôi hiểu anh Bảy, dù có chểnh mãng cái vụ phát âm, nhưng đúng là tình-thương-mến- thương như dân nhậu thường tâm đắc, anh đã lặng thầm mà chú ý, ái ngại dùm cho bạn bè. Thấy tôi đã trót bị cái tật ‘si nghỉ’, như thể đó một khuyết tật đầy khổ ải, thì anh Bảy – con người chơn chất, nghĩ suy đơn giản – dường như cũng có ý nể tôi chút ít nhưng tội nghiệp tôi thì chắc nhiều hơn.
3.
Tôi đã trả lời ngay cho anh Bảy, rằng đến bữa 30 dù tôi vẫn trì độn, không lúc nào gỡ nỗi mình ra khỏi cái thói quen ‘si nghỉ’ đi nữa thì bữa 30 tôi cũng vẫn qua uống, vẫn vui thiệt tình với anh, không say không về.
Thì mọi năm, năm nào cũng vậy, cũng vào mùa này, tôi chẳng hẹn uống rượu với vài bạn bè cùng cảnh ngộ, i>cùng hệ về lý lịch, thân thế, cùng lịch sử tồn sinh trước và sau biến cố tháng 4 là gì?
Bữa rượu dù thật thịnh soạn mổi màn hay chỉ bèo bọt cóc ổi cũng xong, hay càng qua năm càng vắng đi nhiều “chiến hữu” cũng đành. Chỉ uống thôi – dù ít dù nhiều, dù say dù tỉnh. Nghĩa là ở cái góc trần gian vừa đông vui vừa hiu quạnh ấy, vào ngày ấy tôi lại lặng lẽ uống rượu cùng bạn bè khít bên hang ổ suy nghĩ riêng mình.