VỀ QUÊ NGOẠI
M ỗi khi trời bước sang mùa Hè thì mưa cũng bắt đầu rơi, bất kể những trưa, những chiều, không hẹn trước. Mà nghĩ cũng lạ, những lúc mưa tầm tả rơi, tôi lại nhớ quê da diết. Không chỉ khi Hè, khi mưa mà triền miên nỗi nhớ, dẫu qua bao nhiêu tháng rộng năm dài, vẫn không chút nào nguôi ngoai.
Trong những giấc ngủ chập chờn, hình bóng quê làng hiện ra, vừa gần gũi thân thương, vừa xa xăm diệu vợi. Mà nào có đâu xa, chỉ cách một con sông Cái Răng Bé, bước qua bên kia cầu là chạm chân lên miền ký ức. Qua bao lần triều dâng tràn bờ, biến đổi thăng trầm, làng quê vẫn còn đó con đường chạy dài theo con rạch nước lớn nước ròng, vừa có gì thăm thẳm neo buộc, vừa rộng mở, ôm ấp, vừa nhẹ nhàng đón đưa, vừa dịu dàng khép kín những hồi ức ăn sâu vào tâm trí của người xa quê.
Phải, quê tôi không xa lắm, từ trung tâm thành phố về tới nơi chỉ hơn chục cây số, vậy mà thăm thẳm đường đi. Bởi con đường không bằng phẳng một mạch, mà cách trở bởi những cây cầu khỉ chơi vơi. Những khi trễ chuyến đò thì chúng tôi phải đi bộ. Gặp lúc trời mưa, đường xì xụp, phải xách dép mà đi, đi qua hơn hai chục cầu khỉ ghập ghềnh, gian truân là vậy, mà mấy chị em tôi vẫn không nao núng, đến khi thấy cổng rào có hàng bông giấy đỏ rực, chúng tôi mừng quýnh “Tới nhà ngoại rồi”.
Mèn ơi, sau chặng đường gian nan ấy, bà Bảy ra sau vườn bẻ mấy trái bình bát mang vô dầm đá đường cho mấy đưa tôi, mùi vị chua chua ngọt ngọt khiến bao nhiêu nhọc nhằn tan biến hết. Mấy đứa tôi giành nhau trèo lên cây trứng cá, hái những trái chín đỏ vừa ăn vừa bỏ vô túi để dành. Sau đó rủ nhau tắm sông, tôi ôm cây chuối lặn hụp đùng đùng dưới dòng nước mát lạnh, cảm thấy thỏa thuê vô cùng.
Bữa cơm quê là những món ăn cây nhà lá vườn. Đôi mắt bé nhỏ của tôi choáng ngộp với cái ơ cá lóc kho tiêu, dĩa mướp xào tép riêu, tô canh măng nấu với cá trê đồng nóng hổi. Tôi nói, canh măng thấy ngon mà con sợ đắng. Bà Ngoại múc cho tôi một chén rồi nói đây là măng Mạnh Tông, đầu mùa mưa măng non và ngọt lắm, đến mùa Đông muốn ăn cũng không có. Thật vậy măng rất ngọt, không đáng như tôi nghĩ. Từ đó tôi rất thích canh măng.
Sau bữa cơm, mấy đưa tôi ra sau vườn. Văng vẳng tiếng ong kêu vo ve mơ hồ xa xăm, tiếng gió, tiếng lá cây rì rào, tiếng bước chân lạo xạo trên lá khô, dưới ao bông lục bình nở tím lịm, quanh bờ ao rau má mọc xanh rì, những trái xoài non treo lủng lẳng trên cây như trêu chọc cơn thèm của chúng tôi, ánh nắng dịu dàng xuyên qua kẻ lá như những vệt kim tuyến lấp lánh, ở chỗ thưa lá, có một khoảng sáng ùa xuống, rồi bừng lên, như một làn sương mỏng tan theo gió.
Lá tre thả những vệt xanh mới chồng lên xanh bàng bạc, lên vàng nâu, khô xám, tất cả đan trên màu đất quyện lại nâu đen. Gió lùa hơi nước vòm cây lá cỏ xuống, chúng tôi đứng ngây ra ở giữa vòm trời mông lung.
Mấy đứa tôi tung tăng, rượt đuổi nhau, chơi trốn tìm quanh mấy gốc cây dừa. Đứng nép vào thân cây, bất chợt tôi bắt gặp những mảng xanh dài lan ra ngút ngàn, không ranh giới, không còn phân biệt khu vườn của nhà Ngoại với nhà láng giềng, khu vườn bổng trở nên rộng mênh mông với màu xanh không ranh giới.
Sự liên tưởng của tôi có thể còn đi xa hơn nữa nếu không có tiếng của má gọi vào nhà để chuẩn bị ra về. Mấy đứa tôi tiếc rẻ khu vườn, chần chừ không muốn đi.
Rồi mùa mưa này nối tiếp mùa mưa, những ký ức tưởng sẽ trôi đi theo theo dòng nước, nhưng không, tất cả vẫn còn sống mãi trong ký ức của tôi, bình dị như mùi canh măng đầu mùa của Ngoại cùng với câu chuyện Mạnh Tông khóc măng, con rạch lớn ròng, khu vườn cút bắt…
Ngày xưa trong tâm trí trẻ con thêng thang rộng mở mà vô tư, chỉ biết về quê để được tắm sông, được leo trèo bẻ trái, được ăn những món quê do Ngoại nấu, rồi tung tăng chơi trò cút bắt, rồi nghĩ tới những câu chuyện cổ tích xa xôi, đắm chìm trong sắc màu của nắng và màu xanh vô tận của vườn cây sum suê trái. Đến khi lớn lên, phải lo lắng, phải chuẩn bị, phải sửa soạn, phải tính toán thì cái gì cũng nhỏ hẹp lại. Chắc không phải tại hôm nay, tại lớn lên, tại những lo toan. Mà vì trong lòng mình có thể không còn đất nữa cho cây cỏ mọc.
Tôi đi trên đường về quê, nay đã khác xưa, đường đất nhỏ đã bê tông hóa, không còn những cây cầu khỉ chông chênh, nhưng ký ức về những cây cầu thì vẫn còn nguyên đó. Cuộc trốn tìm này của tôi, tới khu vườn, ai mở mắt ra đi tìm người kia, để xa xôi ở phía trước, chơi vơi theo đuổi trong cuộc sống bộn bề.
Dường như có một sợi dây ràng buộc giữa miền quê và cuộc sống thành thị, có lẽ vậy mà quê hương tuy xa mà lại rất gần, bất cứ nơi đâu cũng đầy ắp kỷ niệm quê nhà./.