Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



XUÂN TRÊN NHỮNG NỤ NON




Đ ông dần vơi để lại bâng khuâng trên những tờ lịch cuối. Xuân non xèo vừa tượng hình nhu nhú trên những chồi non, vuông nếp óng vàng như lập trình đã định ngóng chờ tay liềm gặt hái phả thơm dìu dịu lên khắp làng quê thanh bình.

Chiều xuống chậm như đợi ai về, mặc cho ruộng rạ xa xa u trầm nhả khói và cây cầu Rồng như cũng muốn nhún nhảy lao xao. Choàng vai con đường lát bê tông nhựa phẳng phiu là hàng tre vầu với những bản lá xanh thẫm to và dài, là nguồn nguyên liệu chính để làm nhà cửa cho hầu hết cư dân vùng này ngày trước, giờ đã nhường ngôi cho gạch ngói, sắt thép để ung dung làm mỗi công việc là tô điểm cho đời và tạo ý cho thơ.

Bao mùa cây trái mưng chồi nảy lộc cũng là bấy thời gian Mơ bám trụ đất này. Cũng những đôi chim én bay lượn trước mùa xuân và những cánh mai vàng lao xao thắp nắng mặc cho tiếng chày giã thập thình, tiếng dao thớt lua khua. Mơ liên tưởng đến món bánh phồng thơm ngát giòn tan, miếng chả lụa ngọt lịm và cái vị thòm thèm của những năm tháng khó khăn xa nào.

Ngày ấy Mơ còn bé lắm, học lớp bảy, lớp tám gì đó thì bố mẹ em qua đời trong một tai nạn giao thông cũng những ngày giáp Tết như thế này. Đau đớn dồn lên đau đớn, lần đầu tiên Mơ biết thế nào là cô đơn, vất vả và nghèo. Không ruộng vườn, căn nhà mà bố mẹ Mơ để lại cũng chỉ là tranh tre nứa lá còn vật dụng thì chẳng có giá trị gì, đôi cái chõng tre đã xộc xệch, dăm cái nồi niêu thì cũng sứt mẻ, đứt quai…, có chăng là bức ảnh chụp chung của bố mẹ em hãy còn rất mới. Ngày ấy cũng chẳng có ai nuôi thêm nổi ai, chẳng mấy ai có lòng nhân từ đến độ tự mình chịu đói khát để cho người khác no lòng. Mơ bỏ làng ra đi.

Theo chân người làng khoác tinh sương lên vai gồng gánh ngọt bùi của quê về phố. Đó là những bó rau lang, rau muống bò ngang, bò dọc trên triền đê, trên bãi bồi ven sông vốn chẳng trồng tỉa được gì. Dăm cân sắn, cân khoai được người quê cần mẫn trồng men lối đi hay vài quả trứng, đôi gà mà người ta chắt chiu từng hạt thóc rơi vãi nuôi chúng. Mơ đi thì đi như thế nhưng có gì để bán mua đâu, cũng rong ruổi khắp chợ này, phố kia nhưng đói vẫn hoàn đói. Khi cái đói đã tới độ cồn cào thì người ta hoàn toàn bất lực tự chủ mình. Đôi chân đã níu em ngồi lại bên ngoài cửa hàng bán thức ăn thơm phức. Ở đó Mơ đã gặp lại tuổi thơ của mình qua các em bán vé số, đánh giày đồng cảnh ngộ cơ nhỡ, lang thang.

Người xưa bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn quả không sai tí nào. Mơ đã hiểu người quê một nắng hai sương làm ra củ khoai, hạt lúa cho đời nhưng có mấy ai giàu có đâu, chân vẫn lấm, tay vẫn bùn muốn thoát xa đường cày, vuông ruộng cũng chẳng dễ dàng gì. Tuy không phải đầu tắt mặt tối như người quê nhưng người phố đâu phải ai cũng sung túc no đủ. Cũng thức khuya dậy sớm, cũng tay làm hàm nhai, bán báo, đánh giày, hột vịt, mì gõ…Cũng góp vui cho đời bằng những tiếng rao, tiếng gõ đặc trưng. Cũng vui buồn khi trời mưa gió, khi tiếng rao khuya tan loãng vào cõi vô cùng.

Cuộc sống vốn đơn giản nếu như ai cũng biết mình vì mọi người, nhưng cuộc sống thường thì không phải thế, nhất là chốn thương trường ăm ắp thị phi. Xô bồ, phức tạp, chèo kéo, tranh giành khách dẫn đến đánh nhau chỉ vì tờ báo, tờ vé số mà mệnh giá thì chẳng đáng là bao. Mơ tránh xa những chuyện không ra gì ấy bằng cách đến những nơi không đông người qua lại nhưng vẫn bán được tuy phải vất vả hơn chốn chợ búa rất nhiều. Đó là con đường có hàng cây xanh cao vút, luôn rộn ràng tiếng chim còn những căn biệt thự thì luôn kín cổng cao tường. Hằng ngày Mơ đều đi ngang qua nơi này, hơi chậm bước trước cổng nhà ai đó rồi mời mọc bằng ánh mắt thật thà và ngây thơ. Chỉ thế thôi nhưng Mơ cũng bán được kha khá. Lâu dần thành quen, người ta biết cả giờ em đi và về, đón mua và tặng em niềm vui khi những con số họ mua in hằn trên giải thưởng. Ở đó Mơ gặp ánh mắt nhân từ, tha thiết của người đàn bà không còn trẻ nhưng rất xinh xắn. Bà luôn hỏi về gia cảnh của Mơ và mua giúp em một tờ vé số duy nhất cho mỗi ngày. Thấy ngại vì công chực chờ, đón đợi Mơ thưa :

- Hằng ngày cháu đặt tờ vé số vào thùng thư của cô nhé.

- Không sợ cô không trả tiền sao ?

- Thưa không ạ.

- Không cần phải làm thế đâu, buổi sáng cô rảnh rỗi mà. Với lại cô muốn nhìn con…

Mơ cúi mặt khép nép, hai má đỏ bừng. Bao năm rồi kể từ khi bố mẹ không còn lần đầu tiên Mơ nghe những lời thương yêu ngọt ngào đến thế. Mắt chơm chớm nước, em cúi chào người đàn bà rồi vụt đi.

Cuối năm đâu cũng rộn ràng nhưng con đường này luôn yên ắng đến lạnh, thi thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua, vài chiếc xe trở về rồi mất hút sau những cánh cổng chắc chắn nặng nề. Không khí Tết hầu như không có ngoại trừ những chậu hoa âm thầm khoe sắc khoe hương. Không có cảnh người quê đun nồi nước sôi tổ chảng giữa sân để ngả lợn làm cỗ. Cũng không có tiếng chày giã thậm thình, tiếng trai gái gọi nhau ơi ới hay bóng trẻ con chạy nhảy nô đùa bên cha mẹ chúng ngồi gói bánh tét, bánh chưng. Tuổi thơ trong những căn nhà ấy hẳn chỉ học và học, còn giải trí thì chỉ là những trò chơi ảo trên máy tính, trên điện thoại nên chẳng thể nào thấy được hình ảnh đón Tết ở quê ra sao. Tất cả công việc ấy, hình ảnh ấy người giàu ở phố phó thác hết cho chợ, họ chỉ đến đó khi thích hợp rồi chọn lựa, đặt hàng và ra về. Tiện lợi hơn nữa thì người ta mở mạng, chọn thương hiệu uy tín rồi mua hàng. Công việc còn lại như đóng gói, chuyển giao do người bán chu tất. Mơ nghĩ những cư dân của con đường này đều thế nên không khí đón Tết của họ chỉ diễn ra trong bốn bức tường của căn bếp sạch sẽ bóng loáng bởi vật dụng xây lắp cao cấp, thiết bị đun nấu đắt tiền. Hẳn sẽ chẳng thiếu thứ gì từ hũ dưa bồn bồn, mắm lóc tận miền đất phương Nam xa xôi cho tới miếng thịt xông khói, măng đắng, miến dong riềng cuối trời phương Bắc. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho bao cuộc đời mơ ước, Mơ mơ ước bởi nhiều năm rồi Tết đến với em chỉ là bộ quần áo hơi mới, nồi cá kho mẳn để ăn với bún và hũ dưa món tự làm. Đó cũng là mơ ước của bao đứa trẻ cơ nhỡ khác khi mà chúng chưa có điều kiện “ ra riêng ” như Mơ, phải sống chung chạ nhau trong một phòng trọ bé tí lại tối tăm ẩm thấp. Đó cũng là những phòng trọ rẻ nhất mà chúng có thể thuê được.

- Cô vui quá, hôm nay con về sớm.

Mơ giật bắn người bởi em đang nghĩ đẩu đâu mà không thấy người đàn bà đã đứng chờ em từ khi nảo khi nào.

- Dạ, may mắn cô. Có bác nọ mua hết cho cháu.

- Con có bận bịu gì không, vào đây chơi với cô một lát.

Người đàn bà mở cổng níu Mơ vào nhà nhưng em từ chối, em chỉ vào chiếc ghế đá rất đẹp kê cạnh hòn non bộ :

- Cháu thích ngồi đây cô à.

- Sao thế ?

- Cháu ngại…

- Chẳng ngại ngùng gì cả, cô ở một mình.

- Nhưng cháu không dám vì cháu quê mùa…

Người đàn bà không nói gì, ấn Mơ ngồi xuống ghế và bà cũng ngồi theo :

- Xưng con với cô nhé, con đã lớn rồi.

Mơ ngước nhìn người đàn bà, bà dong dỏng cao nhưng thân hình chắc nịch, đôi mắt buồn xa xăm. Bất chợt Mơ nhận ra mình có nét gì đó hao hao giống bà. Cái mũi này, cái miệng này cũng cao cao, cũng mỏng mỏng tuy không như tạc khuôn nhưng nhìn kỹ thì người ta có thể đoán được đâu là người dưng, đâu là họ hàng.

- Cô muốn biết về nhân thân của con nhưng trước hết con nghe cô kể về cuộc đời của cô nhé.

Với giọng buồn buồn bà kể về cuộc đời của bà, về làng quê yêu thương và những năm tháng thăng trầm nơi đất khách quê người. Bà cũng yêu và dâng hiến cho tình yêu thời con gái đẹp nhất để rồi tình yêu đó không bước qua được vòng lễ giáo bà để lại đứa con trước cổng chùa làng rồi ra đi. Biết bao nhiêu là khổ cực, đắng cay; biết bao nghề để kiếm sống nhưng cuối cùng bà chọn nghề bán báo và vé số này. Nhưng vì lo lang thang đầu đường xó chợ thì có lúc người làng sẽ gặp nên bà nhận làm ô sin cho gia đình này. Đây là gia đình khoa bảng, thành đạt nhưng không có con cái nối dõi tông đường. Bà chủ đã mất từ lâu còn ông chủ thì bị tai biến mạch máu não sống mà như đã chết bởi sống mà chẳng nhận thức được gì, sống đời sống thực vật. Mọi chuyện trong gia đình giờ một tay bà lo toan, hơi vất vả, nhọc nhằn nhưng chẳng phải suy tính gì bởi tiền bạc là hệ trọng nhưng đủ nuôi sống bà và người bệnh nan y. Đồng tiền đó do người xưa chắt bóp, do bảo hiểm tuy không lớn nhưng biết tằn tiện thì cũng sống an nhàn.

- Sao cô không thử về lại làng quê xưa một chuyến ? Quê cô cũng là quê con mà. Con ở xóm Bắc…

- Thật vậy sao ?

Người đàn bà ôm ghì Mơ vào đôi tay. Mơ gật đầu.

- Đấy con xem, làm sao cô có thể đi đâu cơ chứ. Sống người ta nuôi nấng thương yêu mình giờ bệnh hoạn mình bỏ đi sao đành. Giờ con kể cô nghe về con đi.

- Hoàn cảnh con giống y cô, khác chăng là con vẫn còn con gái. Bố mẹ con từ phương xa tới đó lập nghiệp nên chẳng có bà con thân thích gì và cũng đã mất lâu rồi.

- Vậy con là con của ai ?

- Ông “ Tư đặt lợp ”.

- Cô không biết. Vậy con đang ở trọ ?

- Dạ.

- Con có thể dọn về đây ở và ăn Tết với cô không ?

Mơ trố mắt ngạc nhiên. Người đàn bà nhìn thật sâu vào mắt Mơ, lướt khắp người Mơ :

- Cô đoán con khoảng hăm mốt tuổi đúng không ?

- Dạ phải. Hăm mốt.

Một chút thoáng sắc trên gương mặt đẹp nhưng hơi buồn của người đàn bà. Bà tựa cằm lên tóc Mơ để giấu đi những giọt nước mắt thân phận. Qua hơi thở khe khẽ, lành lạnh của làn gió cuối đông Mơ như chừng nghe tiếng gọi con ơi thân yêu vọng về từ cõi thiêng liêng nào. Mơ nhắm mắt để ngẫm suy thật hơn về mình. Mơ hứa với lòng là ngày nào cũng ghé thăm bà, chăm nom bà như chăm nom mẹ đẻ của mình.

Mùa xuân vẫn giấu mình trong những chồi non nhưng hương xuân đã ngập tràn đây đó, tiếng chim ngói ri ri gọi nhau về tổ, chiều đang dần vơi. Hai cuộc đời, hai nỗi cô đơn, hai người hai ý tưởng nhưng có thể vì xuân mà nên cuộc sum vầy ?. -/.




VVM.06.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .