Có một cô gái, tuổi độ trăng tròn dong dỏng cao, da trắng hồng, ăn vận kiểu người thành phố, nói tiếng Hà nội chuẩn.
- Các anh cho em hỏi thăm đây có phải làng Phú Mãn không ạ?
Những người đang rào làng chiến đấu dừng tay, nhìn nhau và đều có chung nghi ngờ “Việt gian”
- Đúng làng Mãn đây! Cô vào làng có việc gì? Tự vệ Phan Minh Châu (con Qũy Tình) chặn đường hỏi .
- Làng mình có ai tên là Phúc không ạ?
- Có: Nguyễn Văn Phúc
- Dạ đúng đấy ạ!, mắt cô gái sáng lên, đôi má ửng hồng làm cho khuôn mặt trái soan như được thoa phấn.
- Cô tìm chú tôi có việc gi? Nguyễn Văn Huấn hỏi .
- Em tìm để hỏi thăm…xem…thôi... ạ!
Nghe câu nói có vẻ ỡm ờ đáng nghi, Đoàn Văn Thu (Phụ trách đội tự vệ) nói nhỏ vào tai Huấn: “ Anh cứ đưa cô ta ra Đình hỏi xem thế nào đã” . Trên đường đi cô gái hỏi liên tục: “ Có phải ông Phúc có 3 vợ không? Có đúng vợ cả người làng này không? Ông có vợ hai bên Nam Định? Vợ ba ở Hà Đông? Được mấy con rồi? Kinh tế bây giờ thế nào? Ông còn khỏe chứ? Còn hành nghề chiêm tinh không?
- Sao cô biết nhiều về chú tôi thế? Cô có dáng người, giọng nói, cả khuôn mặt giống Chú tôi như đúc. Có phải cô là ...
- Chẳng dấu gì Bác, em tìm về đây cũng chính là hỏi cho rõ ngọn ngành!
- Thế thì ta cùng vào nhà chú Na nhá! À Cô tên gì nhỉ?
- Em là Quy, Nguyễn Thị Quy.
- Chú Na bây giờ là con trưởng của ông, người chịu thiệt thòi nhất trong nhà.Được cái chú biết trên, biết dưới, tốt bụng, có sức khỏe, chịu thương chịu khó …Tôi là Huấn, Anh con bác. Nhà tôi liền kề với nhà chú cháu.
- Thế thì may cho em quá!
- Chú Na ra đón khách này! Có em đến thăm anh trai đây!
Vừa mở mành đã như có “Thần giao cách cảm” làm cả hai ắng nghẹn. Anh em nhìn nhau không nói nửa lời, nước mắt âng ẩng trào ra… “Em con mẹ Ngân?”
- Vâng! Em về thăm quê…Cô kể trong nước mắt - Từ khi bố Phúc có bà ba là bỏ rơi mẹ con em. Lúc ấy em còn nằm trong bụng chưa đầy hai tháng. Đúng thời kỳ gia cảnh ông bà ngoại đang gặp khó khăn! Anh lớn Nguyễn Văn Tẽo trốn đi đồn điền cao su. Chị hai Nguyễn Thị Vi ở lại với bà ngoại. Mẹ dắt chị cả Nguyễn Thị Yên đi theo hướng Hà Đông tìm chồng. Không gạo, không tiền mẹ con làm đủ thứ nghề cốt sao sống qua ngày. Vốn là người có nhan sắc, xuất thân từ con nhà gia giáo mẹ được ông chủ Tổng Bưởi ở Kiêu Kỵ Gia Lâm để mắt. Tổng Bưởi quyền thế, giàu có nhưng hiếm muộn. Biết người giúp việc gia đình đã có thai nhưng vẫn một lòng gắn bó, đem theo hy vọng sẽ có mụn con trai. May mà khi em ra đời Tổng Bưởi không bỏ rơi vợ lẽ. Mẹ còn sinh thêm cho Tổng Bưởi hai cô em gái nữa là Viển và Vinh. Tổng Bưởi mang theo điều uẩn khúc xuống suối vàng. Người đời ai cũng đinh ninh em là con Tổng Bưởi. Mẹ cũng chỉ tiết lộ với em khi em khai lý lịch đi theo kháng chiến tới vùng tự do Thanh Hóa, vào tháng trước. “Mày là Nguyễn Thị Quy chứ không phải là Trần Thi Quy vì mày là con Nguyễn Văn Phúc”.Em cố nấn ná vì muốn tìm hiểu rõ sự thật thế nào. Từ khi lấy lẽ, mẹ con em cũng chưa về quê bao giờ. Chỉ biết tên chồng là Nguyễn Văn Phúc, quê ở tổng Ba Đông Hưng yên. Ông bỏ vợ cả, sang Ý Yên Nam Định ở cùng vợ lẽ. Khi lại được tín chủ ở Hà Đông đền ơn bằng con gái, ông về ở với vợ ba Nguyễn Thị Qúy, dứt tình với vợ hai và các con...
- Vì thời thế, bố vợ nọ con kia mà anh em mình phải chịu bao điều tủi nhục?
- Có cả hai nhưng chủ yếu là do chế độ thực dân phong kiến.
- Cô nói đúng! Chẳng cha mẹ nào lại muốn đem con bỏ chợ. Vì hoàn cảnh xô đẩy thôi! Tôi thấy từ ngày ông đem bà ba với bốn em trai: Tường, Nghị, Hùng, Hậu về quê, cuộc sống cũng chả sung sướng gì!
- Anh ơi! Cây có cội, nước có nguồn. Sau lần này, em lên Gia Lâm bàn với mẹ và chị Yên (đã lấy chồng về Ngô Xá Kim Động) cùng về thăm quê trước khi em đi ra vùng tự do .
- Được thế thì còn gì bằng! Tý nữa anh em mình gặp bố báo tin để bố mừng! Ta mời luôn bác trưởng Huấn và cả nội ngoại về nhà thờ chung vui.
- Em sẽ xin phép bố ngày mai sửa lưng cơm, trước là kính cáo Tổ Tiên dòng họ Nguyễn Văn, sau là mừng cho em đã tìm thấy quê, được về với cội nguồn. -/.